NGUYỄN TRỌNG TẠO: Nhân nhà văn Trần Thị Trường xin tôi bài thơ Cõi nhớ, tình cờ tôi tìm được trong cuốn sổ tay 1982 hai bài thơ nữa viết cho Phan Lạc Hoa – một bài viết ngay trong đêm Hoa thắt cổ mà tôi không biết, và một bài viết cho Hoa khi anh đã qua đời được hơn 1 tuần. 2 bài thơ trong sổ tay của tôi chưa kịp sửa chữa gì và cũng chưa công bố. Hôm nay đăng bài của Nguyễn Thụy Kha viết về Phan Lạc Hoa, tôi xin giới thiệu cùng bạn 3 bài thơ này, như một tư liệu liên quan đến người bạn nhạc sĩ đầy tài hoa nhưng đoản mệnh, bạn tôi.
CÕI NHỚ
Tặng Phan Lạc Hoa, Nguyễn Hoa, Nguyễn Thụy Kha
bạn bè ơi, nếu mà không các bạn
ta như chai rượu đã cạn rồi
cốc chén buồn tênh úp trên đĩa
ta như bình gốm chẳng hoa tươi
câu thơ bạn viết cho ta yêu
bài ca cho ta có sông Cầu
giọng hát xôn xao niềm câm lặng
gặp gỡ cho ta thêm nhớ nhau
bạn bè ơi, nếu mà không các bạn
những lúc lang thang ta về đâu
không nơi để Nhớ- nghèo biết mấy
ta như sao lạc giữa ban ngày
trái tim bạn giữ cho ta đây
niềm vui bạn giữ cho ta đây
nước mắt bạn giữ cho ta đây
giữ cho ta Cỏ với trời mây
bạn bè ơi, hãy thương nhiều thương mãi
thương niềm vui thương niềm đau
thêm lần nâng chén, nào các bạn
mai rồi bạc tóc đi tìm nhau!
Hà Nội, 1981
Tôi rời Hà Nội giáp
Tết Nhâm Tuất về nhận công tác tại Nhà Văn Hóa Quân Khu 4. Một ngày tháng
9/1982, nhớ Phan Lạc Hoa quá, tôi xin mấy tờ giấy vẽ về phòng mình ngồi vẽ “Đậu
Phộng” tức Phan Lạc Hoa, Nguyễn Hoa, Nguyễn Thụy Kha và Thanh Hoa. Đấy là ngày
chủ nhật 19/9. Đêm đó tôi không sao ngủ được. Gần nửa đêm dậy thắp đèn đọc sách
(điện máy nổ đã tắt từ lâu), lòng không yên. Không hết nhớ thằng “Đậu Phộng”,
tôi định viết thư cho nó, nhưng rồi lại mở sổ tay ra làm thơ. Bài thơ viết
xong, đã gần sáng, tôi vẫn không ngủ được. Mãi 3 ngày sau tôi mới biết là “Đậu
Phộng” đã treo cổ tự tử ngay cái đêm tôi viết bài thơ ấy. 24 năm đã trôi qua,
Trần Thị Trường đang thực hiện “Tự Truyện Thanh Hoa” nhắc lại với tôi về cái
chết của Phan Lạc Hoa. Tôi về tìm lại cuốn sổ tay, thấy bài thơ vẫn còn nguyên
đó với dòng chữ ghi bên cạnh: “đêm
chủ nhật rạng thứ 2 [19-20] – 9 – 82”. Bài thơ chưa đặt tên:
không ngủ vì nhớ bạn
hết đêm rồi lại đêm
dậy đốt đèn đọc sách
bên đèn càng không yên.
lục thư bạn ra xem
thấy chữ càng thêm nhớ
ôi những năm tháng cũ
đông vui và hồn nhiên.
bây giờ tao một mình
đến ngủ cũng không thể
giá đừng có chúng mày
đời tao đâu phải thế.
cái điều vừa chợt nghĩ
làm tao sợ kinh người
nếu bạn bè không có
tao biết còn nhớ ai?
cứ đến giết tao đi
đêm nay rồi đêm nữa
cho tao biết mình còn
tình bạn bè để nhớ!
Rú Dồi, 20/9/82
Ngày 21/9, tôi quyết
định theo xe của lãnh đạo đoàn Văn Công Quân Khu ra Hà Nội, nhưng tắc đường 49
vì cây đổ sau cơn bão số 7 chưa kịp dọn, đành quay về. 22/9 lại đi. Tôi dừng
lại Thanh Hóa vì gặp Đặng Ái vừa từ Hà Nôi về đó hôm thứ bảy. Đặng Ái thông báo
là vợ chồng Đậu Phộng đã ly hôn, Đậu Phộng đang nằm viện vì suy nhược thần
kinh. Chơi ở Thanh Hóa đến chiều mới biết tin Phan Lạc Hoa đã tự tử. Hai đứa vội
vàng bắt xe ra Hà Nội. 4 giờ sáng đến nhà Đậu Phộng, căn phòng tập thể cấp 4
sặc mùi nhang. Thanh Hoa và ca sĩ Kim Oanh ngồi canh bàn thờ giật mình khi thấy
chúng tôi lặng lẽ đi vào từ phía cửa sau bỏ ngỏ…
27/9, tôi mới viết
được bài thơ viếng Phan Lạc Hoa. Đến nay bài thơ vẫn nằm nguyên trong cuốn sổ
tay của tôi:
CHƯA KẾT THÚC
Viếng PLH thân yêu
Muộn rồi ư? cả người đến đầu tiên
nghe mày thở hơi cuối cùng vĩnh biệt
không một ai cưỡng nổi cái chết
cái vô hình mạnh mẽ dường bao
Muộn rồi ư? Bao bè bạn của mày
rắn như đá vỡ tan như đá
đứa đốt hương như điên, đứa kêu gào đập phá
rượu không làm vơi bớt buồn đau.
Muộn rồi ư? Mưa gió trăng sao
sáng vô nghĩa và mát lành vô nghĩa
hát hay khóc phút giây này đều thế
lấy gì thay cái đã mất đi rồi?
Muộn rồi ư? Tao đến muộn rồi ư
con mày đó. Người mày yêu còn đó
bao câu hỏi vẫn như bài toán đố
sống cùng nhau liệu có thể trả lời?
Muộn rồi ư? Bài hát cuộc đời
bài hát không kết thúc
ai sẽ hát và ai không thể hát
người đến đầu tiên và người đến cuối cùng?
Muộn rồi ư? Vô định tiếng chuông rung…
Hà NộI, 27/9/82
Nguồn: http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/02/09/3-bai-th%C6%A1-t%E1%BA%B7ng-b%E1%BA%A1n/
No comments:
Post a Comment