“Có thể nói, thơ Trương Đăng Dung là thơ – thời – gian. Người Việt ta, kể từ khi tiếp nhận văn minh phương Tây là bắt đầu từ giã thời gian truyền thống, thứ thời gian quay theo vòng quay của mùa màng hoặc sự tuần hoàn của vũ trụ, để chấp nhận thời gian khoa học, tuyến tính. Từ đó, với họ, thời gian một mặt là sự thành công, là của cải, tiền bạc, mặt khác là cái chết, một cái chết không thể đảo ngược, không thể cứu vãn. Thời gian, vì thế, trở thành một ám ảnh”. (Đỗ Lai Thúy)
Anh không thấy thời gian trôi
thời gian ở trong máu, không lời
ẩn mình trong khóe mắt làn môi
Trong dáng em đi nghiêng nghiêng
như đang viết lên mặt đất thành lời
về kiếp người ngắn ngủi
(T.Đ.D.)
1. Bạn đọc trước đây đã từng quen
với một Trương – Đăng – Dung – lý – luận, thì từ đây sẽ quen với một Trương –
Đăng – Dung – thơ, những chiều kích khác nhau của một con người. Làm lý luận,
Trương Đăng Dung thích thứ lý luận thuần túy, làm việc với các ý tưởng để sản
sinh ra ý tưởng. Lý luận văn học của anh, vì thế, gần với triết học, hoặc
đi ra từ triết học. Mà triết học với thi ca thì, như Aristote nói, là hai chị
em ruột. Bởi vậy, nhìn ở cấp độ này, người ta không hề ngạc nhiên thấy nhà lý
luận Trương Đăng Dung làm thơ.
2. Khác với nhiều người chỉ làm thơ
khi đã về hưu, hoặc sớm hơn “nghỉ quản lý”, tức sau khi đã đạt được những viên
mãn nào đó trên chính trường hoặc trong học thuật, mới làm thơ, theo cái truyền
thống “trẻ Nho già Lão” (trẻ văn xuôi già thơ) của Đông Á, thì Trương Đăng Dung
làm thơ khi còn là sinh viên đại học và liên tục cho đến ngày nay. Nhưng khoảng
cách thời gian kể từ khi những bài thơ đầu tiên của anh được in ở báo Văn
nghệ (1978) đến khi thơ anh xuất hiện lại trên tạp chí Sông Hương
(2002) là hai mươi bốn năm. Bao năm qua, theo cách nói của Nietzsche, anh bị
chi phối bởi “sức mạnh phản ứng”, nên dồn tâm trí nhiều vào việc đi tìm chân
lý, dĩ nhiên với anh là chân lý học thuật. Và, lệ thường, một khi đã khẳng định
chân lý này thì phải phủ nhận chân lý kia. Người ta phải đi vào khoa học, và
với Trương Đăng Dung là khoa học văn học, là vì thế. Và cũng vì thế mà sức mạnh
nguyên thủy nguyên khối trong con người bị phân chia, cuộc sống trở nên bị
thiến hoạn. Dù là để tạo nên công trình khoa học đầy tính chiến đấu. Nhưng ngày
càng, ở Trương Đăng Dung, “sức mạnh hoạt năng” vốn thuộc về nghệ thuật càng trở
nên chiếm ưu thế. Thẩm mỹ cũng có xung đột, nhưng là thứ xung đột để ngỏ, không
vì sự đúng sai mà vì sự khác biệt. Nghệ thuật, nhất là thơ, nhờ thế bảo toàn
được sức mạnh uyên nguyên và sự đa dạng đời sống và thẩm mỹ.
3. Khoảng dăm năm trước đây, tôi,
Trương Đăng Dung và Bửu Nam đi ăn tối ở Huế xưa và bàn phiếm về văn học.
Nhân đà hứng chuyện, Bửu Nam nói sau này có lẽ Trương Đăng Dung “tồn tại” không
phải nhờ những công trình lý luận của anh, mà bằng những bài thơ anh cho đăng
tải gần đây. Lúc ấy, tôi thấy Trương Đăng Dung thoáng sững người, im lặng. Tôi
vội ra hiệu cho Bửu Nam đừng nói tiếp và lảng sang chuyện khác. Nhưng gần đây,
tại một quán cà phê ở Hà Nội, lời nhận xét này vô tình lại được thốt ra từ
miệng một người bạn khác của Trương Đăng Dung. Lần này, tôi đã thấy anh mỉm
cười vui vẻ. Hóa ra, nhận thức thơ, dù là thơ của mình, cũng là một quá trình.
Thơ Trương Đăng Dung càng xuất hiện nhiều trên Sông Hương và tạp chí Thơ,
càng được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, thì càng khẳng định thêm
điều đó ở anh. Và, giờ đây, tập thơ Những kỉ niệm tưởng tượng
được trình làng. Sự kiện này không nói lên rằng con người thơ Trương Đăng Dung
chiến thắng con người lý luận trong anh, mà chứng tỏ là trong “hoàn cảnh hậu
hiện đại”, khi các “thần tượng” của Nietzsche hoặc các “đại tự sự” của Lyotard
bị hoài nghi và sụp đổ, chân lý trở nên tương đối bởi sự đa nguyên và đa thể
của nó, thì đây chính là thời của văn chương nghệ thuật. Trương Đăng Dung, tôi
nghĩ, bao giờ cũng là người – của – hiện – tại, như tự ngôn của Picasso, “tôi
không tiến đi đâu cả, tôi là hiện tại”.
4. Có thể nói, thơ Trương Đăng Dung
là thơ – thời – gian. Người Việt ta, kể từ khi tiếp nhận văn minh phương Tây là
bắt đầu từ giã thời gian truyền thống, thứ thời gian quay theo vòng quay của
mùa màng hoặc sự tuần hoàn của vũ trụ, để chấp nhận thời gian khoa học, tuyến
tính. Từ đó, với họ, thời gian một mặt là sự thành công, là của cải, tiền bạc,
mặt khác là cái chết, một cái chết không thể đảo ngược, không thể cứu vãn. Thời
gian, vì thế, trở thành một ám ảnh. Thơ Mới, nhất là thơ Xuân Diệu, là những
tiếng nói khắc khoải muốn vượt qua nỗi – ám – ảnh – thời – gian này. Thơ Trương
Đăng Dung đôi khi còn vương lại chút thời gian cũ như chiếc lá cuối cùng của
mùa đông trước. Nhưng, nhìn chung, thơ anh đã có một thời gian khác.
Nếu thời – gian – Thơ – Mới là thứ
thời gian, dù chi phối con người một cách rốt ráo, thì vẫn cứ là cái bên ngoài
con người, là khung của một đời người. Trong khi đó, thời – gian – thơ – Trương
– Đăng – Dung là thời gian bên trong con người, thời gian chính là con người,
hay nói như M. Heidegger, một triết gia mà Trương Đăng Dung sùng mộ, tồn tại
và thời gian, tồn tại là thời gian. Có lẽ, chính thứ thời gian có
tính kiến tạo này đã làm cho mọi sự trên đời này đều mang tính quy ước, đều là
sự thỏa thuận của ngôn ngữ, đúng hơn của trò chơi ngôn ngữ. Thơ Trương Đăng
Dung hẳn vì thế mà có không khí hậu hiện đại.
5. Trương Đăng Dung là nhà thơ có tư
tưởng. Mỗi bài thơ, thậm chí mỗi câu thơ của anh đều gửi gắm đến cho người đọc
một thông điệp nào đó về cuộc đời. Có điều, khác với thơ cổ điển, thông điệp
thơ anh không phải là những bưu kiện để người đọc nhận trọn gói, mà là những chấm
phá phía chân trời vẫy gọi người đọc đến thám mã và đồng sáng tạo. Bởi lẽ mọi ý
tưởng có sẵn, đúng cho tất cả mọi người đều là những ý tưởng đã hóa thạch, còn
những tư tưởng sống thì đều đang vận động, dang dở và chưa hoàn kết. Tuy nhiên,
làm một nhà thơ tư tưởng là rất khó. Nếu anh để cho một “sứ mệnh” nào đó lấn át
ngôn ngữ, thì yếu điểm lập tức trở thành điểm yếu.
Rất may là tư tưởng thơ Trương Đăng
Dung không đông đặc mà trôi chảy với một khí lực mạnh mẽ vào từng câu chữ,
khiến ngôn ngữ thoát khỏi được thân phận công cụ, để có đời sống tự thân, đôi
khi tự phát sinh tư tưởng. Nhờ thế, trên đường đến với ngôn ngữ, mỗi bài
thơ Trương Đăng Dung là một trạng – huống – ngôn – ngữ – nhân – sinh của anh.
Và, qua anh, của người đọc.
Kon tum, đêm 13 – 1 – 2011
ĐỖ LAI THÚY
____________________
TRƯƠNG ĐĂNG DUNG - NHỮNG KỶ NIỆM TƯỞNG TƯỢNG
(Tưởng nhớ nhà thơ Hollo Andras)
Tôi không thể quên một ngày tháng
Năm năm 1054
tôi với anh đã nhìn thấy mặt trời
ngày ta sinh là ngày đầu tiên ta nằm
bệnh viện
các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra
đời
họ lấy nhau của mẹ ta chia nhau làm
đồ nhắm rượu
các nữ y tá nhìn ta
kinh nguyệt chảy màu máu còn tươi
rói
không có bông, họ lấy tà áo choàng
lau vội.
Đêm đầu tiên ta nghe những tiếng
động đầu tiên
những chú chuột ăn cắp tã vá của ta
làm áo choàng vào bệnh viện
chúng sờ lên mặt ta tìm môi ta liếm
liếm
rồi chúng ra đi, ta hồi hộp nằm chờ.
Chúng ta lớn lên cùng nhau ăn thịt
chó
cùng nhau thấy những con trâu vừa
kéo cày vừa đái bừa xuống ruộng
cùng nhau thấy những gái điếm ngủ
dọc bờ sông đầu gục xuống
và những chuyến tàu chở đầy ắp vũ khí
trên nóc toa là trẻ nhỏ người già.
Cùng nhau thấy những đám tang không
có hòm
chân người chết thò ra khỏi chiếu
cùng nhau thấy những người mẹ bị
thương ruột lòi ra
vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh
nhau chỗ ngồi với rắn
và những cánh tay trẻ thơ bom hất
lên cành cây vắt vẻo
bên loa phóng thanh đang hát điệu à
ơi…
Sáng nay em gái tôi đột ngột ra đời
khi nhìn thấy tôi mẹ tôi cười đau
khổ,
(mẹ ơi mẹ sinh em đâu phải là tội
lỗi)
em tôi nằm mặt cau có đầy nhăn
giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ
một ngàn.
Đã lâu rồi quạ cũng bay đi
có lẽ một ngày kia chúng sẽ trở về
mang theo nhiều xương ống
để làm búp bê cho em tôi chơi
làm dùi cho em tôi đánh trống.
Budapest, 4-1983
No comments:
Post a Comment