.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, February 16, 2012

NHÀ THƠ LÒ NGÂN SỦN: BAO GIỜ CHO TỚI NGÀY XƯA

Phải công nhận rằng, nhà thơ Lò Ngân Sủn rất… chịu khó xuất bản thơ. Theo bản danh mục thống kê, tới nay ông đã xuất bản 17 tập thơ in riêng và là một trong những nhà thơ Việt Nam có số lượng đầu sách thơ xuất bản nhiều nhất...

Sau khi nhà thơ Lò Ngân Sủn lâm bạo bệnh, trong một bài viết nhỏ nói về chất "bùa mê" trong thơ tình Lò Ngân Sủn, nhà thơ Phạm Tiến Duật - một người xưa nay vẫn được xem là tinh tường trong việc nhận diện thơ - đã có lời nhắn nhủ: "Sủn ơi, mau tỉnh lại để ta nói tiếp câu chuyện này!". Và rồi, bằng sức mạnh tự nhiên với sự chăm sóc tận tình của vợ con, "người con của núi" ấy đã tỉnh lại, để rồi ngày một bình phục dần. Chỉ tiếc là đến lúc ấy thì nhà thơ Phạm Tiến Duật, tác giả của điều ước thấm đẫm ân tình bạn bè nói trên lại đã vĩnh viễn lìa xa cõi đời, bởi thế giữa họ không thể có một cuộc đối thoại nào về thơ nữa...
Nhà thơ Lò Ngân Sủn bị một cơn tai biến dẫn đến đột quỵ từ năm 2003. Ông tỉnh lại với di chứng là chân phải, tay phải bị liệt và nói ngọng, nói lắp, trí nhớ suy giảm mạnh. Nhưng rồi, cùng với thời gian ông cũng dần "nhớ" ra bạn bè, người quen, nhớ ra thơ cũng như các tác phẩm khác của mình, mặc dù ông hầu như không còn làm thơ được nữa. Nhà thơ Lò Ngân Sủn từng viết: "Làm báo săn tin/ Làm thơ săn tình", vậy mà giờ đây, ngày ngày trong một căn nhà chỉ vẻn vẹn 13 mét vuông, ông ngồi trên chiếc giường nhỏ, bên cạnh chiếc bàn nhỏ và một giá sách nhỏ quanh quẩn đọc sách báo. Dẫu nhiều nỗ lực, giờ đây ông cũng đành để tình đời, tình người trôi qua lặng lẽ chứ không còn đọng lại trong những dòng thơ tràn đầy niềm vui sống như xưa nữa.
Cũng khá lâu rồi, tôi mới có dịp ghé thăm nhà thơ Lò Ngân Sủn. Tôi đến để đem cho ông nhuận bút mấy bài thơ đã đăng rải rác trên một tờ báo từ mấy năm nay và bỗng cảm thấy mình thật có lỗi. Từ sau bài viết: "Nhà thơ Lò Ngân Sủn: Trăm sự nhờ vợ" của tôi về ông hồi đầu năm 2009, biết địa chỉ nơi làm việc của tôi, ông thường gửi thơ đến nhờ tôi chuyển cho báo. Đã có 4 bài thơ của ông được đăng, ấy vậy mà tôi đã không lưu tâm để đưa đến cho ông báo biếu và nhuận bút ngay, để thấy được ông đã vui và cảm động đến thế nào khi biết thơ mình không bị các tòa báo lãng quên. Bởi mỗi cánh thư gửi đi, là sự chờ đợi ở lại và là sự chờ đợi của một "người thơ" ốm đau bệnh tật như ông...
Từ khi bị bệnh, tay phải của nhà thơ Lò Ngân Sủn không còn cử động được. Không chịu nằm yên, ông đã tập viết bằng bàn tay trái còn lại. Sau một thời gian dài kiên trì, ông đã viết được, dù nét chữ có vẻ hơi run nhưng vẫn khá rõ ràng, mạch lạc và chắc chắn là không một cô đánh máy ở tòa soạn nào phải nhờ người dịch mới đọc được chữ ông viết. Nhờ thế, ông đã tự tay gửi đến các tòa soạn nhiều bài thơ. Có bài chưa đăng ở đâu bao giờ. Có bài đã đăng đi đăng lại nhiều lần trên báo. Tất cả, dù cũ dù mới đều có một cái gì đó rất... Lò Ngân Sủn - một màu sắc, một giọng điệu riêng và đề tài thì luôn có "cái gốc" là tình yêu đôi lứa.
Hôm tôi đến, từ đầu ngõ đã nghe thấy tiếng ông đọc báo rất to. Đó vẫn là cách ông "luyện thanh" hằng ngày và nhờ thế ông đã tiến bộ rất nhiều. Các cư dân trong con ngõ nhỏ chật chội, lúc nào cũng tối và chộn rộn bước chân của những người dân ngoại tỉnh về chăm nuôi con cháu bị ốm (nhà ông ở cạnh Bệnh viện Nhi Trung ương) đã quen với âm thanh này từ mấy năm nay. Nhờ thế, ông nói chuyện đã dễ nghe hơn, nhanh hơn và vui vẻ hơn khi diễn đạt được những gì mình nghĩ. Với nhà thơ Lò Ngân Sủn, đó quả là cả một sự nỗ lực tuyệt vời, một "thành tích" đáng nể: nỗ lực để tìm lại chính mình, để hòa nhập lại với cuộc sống đang ngày một trở nên hối hả ngoài kia.
Chắc là lâu lâu mới có người đến chơi, nói chuyện thơ mình nên ông rất phấn khích, lôi hết tập thơ "Núi mọc trong mặt gương" rồi "Bữa tình yêu" và cả "Nơi mặt trăng mặt trời gặp nhau" ra để định ký tặng tôi. Tôi bảo, tất cả những tập ấy ông đều đã tặng tôi rồi, không phải tặng nữa mà để dành tặng người khác. Vậy là ông lại lục đục tìm những cuốn sách có in các bài viết, tham luận của ông về thơ để ký tặng tôi bằng bàn tay trái dù đã tập luyện nhiều nhưng vẫn còn ngượng nghịu mỗi khi cầm bút.
Nhà thơ tỏ ra rất vui, bởi gần đây ông mới "dựng vợ" cho cậu con trai út. Bốn người con đều đã yên bề gia thất. Đó chính là niềm an ủi lớn đối với đôi vợ chồng già này. Gần đây, nhà thơ Lò Ngân Sủn đã bắt đầu nhúc nhắc tự đi đến một số nơi ông muốn đến. Có khi có vợ đi cùng, có khi ông tự đi một mình nhờ sự đưa đón của... taxi. Hôm tôi đến thăm ông lại đúng vào ngày Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số - nơi mỗi khi nhắc đến ông thường gọi là "cơ quan" - tổ chức liên hoan. Họ có mời ông nhưng vì mưa rét quá nên bà Bức - vợ ông - không muốn ông đi vì sợ vất vả. Phần cũng sợ không an toàn. Ông tỏ vẻ hơi buồn. Có lẽ, với bản tính hồn nhiên cùng với tâm hồn trong sáng của một nhà thơ, ông muốn đến đó để gặp bạn bè, người quen... mà không biết đến một sự thật rằng ở đó lâu nay người ta đã quen với sự vắng mặt của ông rồi...
Tôi hỏi: "Bạn thơ cũ giờ có ai hay đến thăm chú?". Ông trả lời: "Đăng Bẩy. Tết năm nào Đăng Bẩy cũng qua thăm!". Rồi ông nói thêm: "Tết này không có bài thơ nào đăng báo cả. Buồn lắm!". Đúng là nhà thơ. Vui đó rồi lại buồn ngay. Mới hay, tình cảm ông dành cho thơ vẫn thật lớn lao, dù hoàn cảnh hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn với gia đình ông...
Trong thời gian nhà thơ Lò Ngân Sủn đổ bệnh, con gái ông là Lò Thị Thương - hiện làm việc tại Trung tâm hỗ trợ Phát triển văn hóa dân tộc - đã nhặt nhạnh trong đống bản thảo của cha những bài thơ còn sót lại rồi dành tiền in tập thơ "Bữa tình yêu" (NXB Hội Nhà văn, 2005) như món quà báo hiếu người cha cả đời tận tụy với thơ. Với tập thơ "Nơi mặt trăng mặt trời gặp nhau" (NXB Văn hóa dân tộc, 2003) thì lúc làm bản thảo, tác giả còn tự sửa bản in, đến khi tập thơ in ra thì tác giả không còn biết gì nữa. Mặc dù đã lâu Lò Ngân Sủn không làm thơ, song bởi đây đó những bài thơ ông chép gửi qua đường bưu điện thi thoảng được các tòa báo chọn đăng nên không ít bạn đọc nhầm tưởng Lò Ngân Sủn vẫn khả năng sáng tạo như ai…Chị Lò Thị Thương cũng là người tổ chức bản thảo "Tuyển tập Lò Ngân Sủn" theo ý nguyện của nhà thơ là "Để tặng cho mỗi người bạn một cuốn!". Vì kinh phí lớn, trong điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp nên gia đình nhà thơ không thể tự in mà phải nhờ sự giúp đỡ của Hội Nhà văn. Nhưng theo lời trần tình có phần buồn bã của bà Lù Thị Bức thì: "Bên Hội đã nhận lời in cho rồi nhưng đến 2 năm nay vẫn không thấy gì. Chắc là họ nhiều việc, nên quên rồi...".
Phải công nhận rằng, nhà thơ Lò Ngân Sủn rất… chịu khó xuất bản thơ. Theo bản danh mục thống kê, tới nay ông đã xuất bản 17 tập thơ in riêng và là một trong những nhà thơ Việt Nam có số lượng đầu sách thơ xuất bản nhiều nhất. Thời buổi "Văn chương hạ giới rẻ như bèo" này, thơ in ra chủ yếu dùng làm quà tặng nhau, chứ mấy ai bán chác gì được. Bà Lù Thị Bức - người vợ tảo tần của ông cũng có ý cằn nhằn: "Ông ấy quý sách lắm, lúc nào cũng muốn có sách để tặng bạn. Cũng kén người tặng lắm, thấy ai đáng tặng thì mới tặng đấy. Nhưng không biết tặng rồi người ta có đọc không, hay người ta lại vứt vào sọt rác?". Nói rồi bà nhìn ông nở nụ cười hồn hậu.
Lời thổ lộ của bà Bức khiến tôi bỗng nhớ lại một chuyện khi tôi đến thăm nhà thơ Lò Ngân Sủn cách đây mấy năm. Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn vốn vẫn thường gửi báo "tiêu chuẩn" Hội viên cho ông, năm đó không hiểu sao bỗng dưng thiếu mất số Tết, nên nhà thơ có vẻ buồn bã. Không có báo Văn nghệ Tết, với ông như thiếu vắng một điều gì lung lắm. Người già đã hay nghĩ, người có bệnh lại càng hay nghĩ hơn. Ông cứ nghĩ quẩn rằng: "Người ta" đã quên mình rồi", thế là buồn thôi. Và quả thật, thơ Lò Ngân Sủn thì vẫn còn có một số người thuộc, còn cuộc sống ông hiện giờ ra sao thì xem ra ít người biết lắm!
Tôi ngồi nói chuyện với ông khá lâu, trong khi bà Lù Thị Bức lật đật chạy đi lấy kẹo bánh để mời tôi chia sẻ niềm vui với gia đình về sự kiện lấy vợ của cậu út. Tôi hỏi ông: "Năm mới đến, chú mong ước điều gì nhất?". Vẫn nụ cười hồn nhiên thường trực trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà thơ bảo: "Ước khỏe lại để được về thăm quê!". Nghe ông nói mà thấy ngậm ngùi. Tôi thầm cầu chúc cho ông khỏe lại để đất Lào Cai trong một "Chiều biên giới" nào đó được đón bước chân nhà thơ Lò Ngân Sủn - một trong những người con ưu tú của quê hương trở về. Tiếc là ngày đó với ông bây giờ gần như là một ngày không thể hẹn trước...
NGUYỆT HÀ

No comments:

Post a Comment