.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, February 10, 2012

NHÀ THƠ NGUYỄN THỤY KHA: “PHAN LẠC HOA – TÀI HOA ĐOẢN MỆNH”


Đêm vẫn không một ngọn gió. Tôi đâu biết chính lúc ấy, ở ngay trước cửa căn nhà ấy, với sợi dây an toàn rạp xiếc nhu định mệnh ấy… đã chấm dứt cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa mà đoản mệnh.  

Có một đêm trong toa tàu chợ chen chúc, tối đen, mùi tàu chợ – mùi tổng hợp của các loại mùi – áp đảo vào khứu giác của một người lính đang trở chứng sốt rừng là tôi. Giữa lúc có cảm giác rét run, không thể chịu nổi cái mùi tàu chợ khó chiều kia đang xộc vào đáy mũi, bồng nghe vang đâu đó trong tôi vút cao một giọng nữ trong trẻo: “Rằng yêu nhau mấy suối em cũng lội – Rằng yêu nhau … mấy núi… em cũng trèo”. Không biết cái giai điệu tràn trề âm hưởng dân ca Bắc Bộ và ca từ cũng là rút gọn câu tục ngữ: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua” là của ai, nhưng rõ ràng là nó bỗng dưng khiến tôi nguôi ngoai cơn sốt rừng đang rình rập lan liếm. Cơn sốt sau chiến tranh. Sau này, khi biết đó là câu kết bài hát: “Tàu anh qua núi” của Phan Lạc Hoa, tôi đã kể câu chuyện này cho Hoa – nghe xong, Hoa cười: “Thế là tao đã bớt cho mày một cơn sốt. Khao một chầu đi”. Khao thì khao. Thế là chúng tôi kéo nhau đến quán “Hoàng Cầm”.
Tôi gặp và uống rượu với Phan Lạc Hoa qua Nguyễn Trọng Tạo. Tạo nói: “Thằng đậu phộnghay và nghệ sĩ lắm mày ạ”. “Đậu phộng” là gọi từ tên đệm “lạc” của Phan Lạc Hoa mà ra. Thế là gặp nhau, là uống rượu và chơi với nhau. Chúng tôi gặp nhau ngày ấy quanh đi quẩn lại cũng là uống rượu, hát và đọc thơ cho nhau nghe. Chơi với nhau rồi, tôi mới biết để có được thành công như “Tàu anh qua núi”, Phan Lạc Hoa cũng đã phải trải qua bao truân chuyên. Hoa quê ở Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Tây cùng nhà văn Tào Mạt. Nhưng ấu thơ của anh lại là những năm tháng vùng mỏ cùng Quang Thọ. Ngày lên Hà Nội học nhạc, Hoa gặp cô bé Thanh  cùng quê có nước da đen ròn và nụ cười duyên ở Trường Âm Nhạc Việt Nam. Phải duyên phải số thế là mê nhau. Nhưng gia đình bé Thanh dứt khoát không đồng ý. Song tình yêu đã đem lại cho họ cô bé Phan Huyền Thư xinh xắn. Thế là họ đã sống với nhau những năm tháng vất vưởng. Lúc ấy, Thanh đã ghép tên Hoa vào tên mình để thành tên ca sĩ Thanh Hoa thuộc Đài phát thanh Giải Phóng với những ca khúc binh vận. Nhưng chưa ai biết đến nhiều cũng như chưa biết đến Ngọc Tân. Phải đến khi cả hai song ca thành công “Con kênh ta đào” của Phạm Tuyên phổ thơ Bùi Văn Dung thì làng ca nhạc mới bắt đầu biết đến hai tên tuổi này. Lúc ấy, Phan Lạc Hoa vẫn chỉ là một tác giả nghiệp dư tại xí nghiệp in vé tàu lửa thuộc Tổng Cục Đường Sắt. Nhưng sau một chuyến đi thực tế trên tàu Thống Nhất xuyên Việt, Phan Lạc Hoa đã “xuất thần” ra một “Tàu anh qua núi”, thì chính tác phẩm này đã khiến Phan Lạc Hoa bắt đầu một chặng đường khác trong sự nghiệp hạnh phúc và đắng cay của mình. Bài “Tàu anh qua núi” với sự thể hiện của Thanh Hoa qua bản phối khí cũng rất “xuất thần” của nhạc sĩ Huy Thư đã ngay lập tức khiến tên tuổi của Thanh Hoa và Phan Lạc Hoa lấp lánh trên vòm trời âm thanh. Sau đó, thần hứng đã đến với Phan Lạc Hoa. Anh viết tiếp “Mưa mùa thu” và “Nói cùng đảo nhỏ” (Phỏng thơ Phan Cung Việt) và “Tình yêu bên dòng sông Quan Họ” (phỏng thơ Đỗ Trung Lai). Những bài này lại được Thanh Hoa thể hiện rất thăng hoa trên sàn diễn với một độ “hot” (nóng) tột đỉnh.
Tôi nhớ hôm ấy vừa ở đảo về, Phan Lạc Hoa tức tốc leo lên tầng bốn nhà tôi ở 60 Hàng Bông. Anh ôm đàn hát ngay giữa nhịp thở còn gấp gáp. Cái dễ thương nghệ sĩ ấy khiến tôi phải đáp lại bằng những dòng thơ tình cảm:
Ở đảo về leo lên bốn tầng dốc gác
Còn thở hụt hơi
Bạn đã ôm đàn hát
Giọng khàn khàn mái đầu tranứg tóc
Giai điệu dâng sóng đổ vô hồi
Tưởng ngày quây quần cùng lính đảo ngồi
Cạn với nhau một chén đầy thương nhớ
Kỳ lạ quá ngỡ tay cầm được cả
Gai góc đóa san hô
Ngỡ đang cùng cánh buồm vô tư
Thổi theo giai điệu ấy
“Anh dám nhận mình là đảo mãi”
Tôi sững sờ như đứng giữa trùng khơi…
Chúng tôi cứ thế tụ quần chia sẻ với nhau mọi vui buồn qua chén rượu, đĩa lạc. Lúc thì ở quán xá Hà Nội. Lúc thì theo các nhóm biểu diễn ca nhạc trở về các địa phương. Vừa sáng tác, Hoa vừa làm ông bầu. Gánh hát “Phan Lạc Hoa” đã tạo công ăn việc làm cho nhiều nghệ sĩ lúc đó như Trung Kiên, Trần Hiếu v..v.. chả đêm biểu diễn nào là Thanh Hoa không được “Bis” khi hát “Tàu anh qua núi”. Có đêm Thanh Hoa phải hát lại tới ba, bốn lần. Hoa làm vậy là để vừa kiếm tiền nuôi con, cũng là để nguôi nỗi tiếc thương thằng con trai Phan Cao Nguyên yểu mệnh. Sau khi cháu Cao Nguyên mất, Phan Lạc Hoa đã viết “Lời xanh cao nguyên” trong đó có những tiếng gọi: “Cao nguyên ơi!” nghe rất xót xa. Nỗi buồn mất cậu con trai cứ thế nhen ủ trong tâm hồn Phan Lạc Hoa dần dà sinh ra những ứng xử thất thường của chứng thần kinh hốt hoảng. Có những cuộc rượu, đột nhiên Phan Lạc Hoa bần thần lại sau khi nói cười rất vui trước đó. Chúng tôi còn trẻ lúc đó nên cũng không mấy ai chú ý, cứ sống ào đi, trong khi mầm bệnh đã lớn dần ở bạn. Ở vào thời điểm nhạy cảm của những năm tháng cuối thời kỳ quan liêu bao cấp, sự khó khăn cả về kinh tế lẫn quan niệm khiến nhiều người bị bức xúc, trầm cảm. Phan Lạc Hoa là một người chịu số phận như thế. Làm sao không đau khổ khi một năng lực như anh chỉ được sử dụng như một người thợ in vé số, bài hát viết ra thì bị các cơ quan thẩm định chê là nghiệp dư, không bài bản. Những áp lực ấy khiến anh phải dồn vào giải tỏa ở gia đình. Và chính cái bức bách ấy đã làm rạn nứt dần tình cảm giữa anh với người vợ có giọng hát mê đắm đang “nổi như cồn” ngoài đời. Một mặc cảm tự nhiên bị chiếm lĩnh trong suy nghĩ anh. Phan Lạc Hoa bị nhiều cơn tầm thần dày vò và phải đi nằm viện. Sức ép vô hình ngoài xã hội đã chuyển thành bệnh lý trong anh từ lúc nào. Bắt đầu từ Ngọc Tân và Vân Khánh “vượt biên” Ngọc Tân chết vợ con vì đắm thuyền và đang bị giam giữ ở Hải Phòng. Rồi đến Nguyễn Trọng Tạo vì bài thơ “Tản Mạn thời tôi sống” mà bị thuyên chuyển rời Hà Nội trở về Quân khu Bốn. Rồi tới Hoàng Hưng và Hoàng Cầm bị bắt vì bị tình nghi là đem tập thơ “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm do Văn Cao vẽ bìa và minh họa của Bùi Xuân Phái mang bán cho nước ngoài. Lại thêm cả mơ hồ dâu đó đồn đại rằng vợ đã có “bồ”, chắc rồi sẽ dẫn tới ly dị. Tất cả những đợt sóng ngầm đó đã dội vào con tim dễ bị tổn thương của Phan Lạc Hoa. Và cái gì phải xảy ra rồi cũng đến lúc xảy ra. Cái gọi là “định mệnh” như bốn nốt nhạc mở đầu “giao hưởng định mệnh” của L.V.Beethoven đã gõ cửa số phận Phan Lạc Hoa ở tuổi 35.
Hôm ấy là sáng chủ nhật 19.9.1982. Tôi tính mang tặng Phan Lạc Hoa tờ Văn Nghệ in giải thưởng thơ trong đó có bài “Những giọt mưa đồng hành” của tôi và ngồi uống rượu chơi. Mấy hôm tuy không gặp nhau nhưng tôi biết Hoa đang rất buồn. Tòa án đã giải quyết xong chuyện ly hôn giữa anh và Thanh Hoa. Ở đời có nhiều điều trớ trêu. Hình như càng yêu nhau, người ta càng dễ bỏ nhau. Căn nhà khi xưa thông thống, bây giờ có tấm liếp ngăn đôi. Khi tôi xuống đến nơi, Hoa đang sửa xe đạp, tay còn bê bết dầu mỡ.
Vừa rót rượu ra chén, anh vừa nói giọng buồn bã:
- Tao muốn chết quá! Đời tao kể như xong. Vợ thì bỏ, bài hát viết ra thì họ bảo là xẩm, không thu. Hát cứ như hát “chui”
Tôi xẵng giọng:
- Thằng hèn mày. Chấp chi vài ba vụ lẻ tẻ. Còn có nhau, còn sống, còn uống với nhau là vui rồi. Còn tiếp tục viết chứ.
Ấy là mắng anh vậy. Nhưng chính tôi cũng không biết sau giải thưởng năm ấy, tôi sẽ còn tiếp tục ra sao. Rồi hai đứa nhâm nhi “cuốc lủi”, huyên thuyên xích đế hết chén này sang chén khác. Ngà ngà say, Hoa dề dà tuyên bố:
- Mày nói phải. Ta sẽ sống, sẽ viết nữa. Viết đến xóa hết buồn.
Nói vậy chứ buồn thì làm sao mà xóa được. Có khi càng viết càng buồn thêm. Nhưng mà làm sao không viết? Phải viết.
Quá trưa, chúng tôi chia tay. Anh đưa tôi cặp vé mời đến Nhà Hát Lớn xem Thanh Hoa biểu diễn.
Tôi về nhà. Còn anh thì xuống nhà một người bạn. Sau đó, người bạn ấy kể với tôi rằng khi xuống nhà, anh rất vui, phấn khởi ra mặt. Hình như có điều gì vụt lóe lên ở phía xa của hy vọng mà anh ngỡ có thể nhận thấy được. Nhưng cái khoảnh khắc vụt lóe đó không thắng nổi số phận.
Tối hôm ấy, Hiền – vợ tôi đến Nhà hát Lớn cùng Phan Lạc Hoa. Đêm rất khuya, Hiền mới về. Vừa leo lên tầng thượng, Hiền vừa thở hổn hển không ra hơi:
- Anh Kha ơi! Ông “Đậu Phộng” đòi chết. Ông ấy cởi đồng hồ  đưa cho em và nhờ chúng mình nuôi hộ con Thư.
Rồi Hiền kể lại buổi tối hôm ấy như thế nào ở Nhà hát Lớn. Khi Thanh Hoa hát bài “Vì sao anh ra đi” (Bài hát Tây Ban Nha)  được “bis” sôi nổi thì cũng là lúc tác giả “Tàu anh qua núi”, của “Tình yêu bên dòng sông Quan Họ” gục đầu vào tường im lặng. Đúng là như một câu hát Trịnh Công Sơn: “Một người về đỉnh cao – Một người về vực sâu”. Hiền giục tôi phải dậy và xuống ngay nhà anh xem tình hình ra sao. Tôi nghĩ sáng nay đã nhất trí với nhau như thế, chắc Phan Lạc Hoa chỉ “làm bộ” vậy thôi, nên bảo: “Chắc chẳng có gì đâu. Mai xuống sớm cũng được”.
Nhưng đã không còn ngày mai nữa. Đêm vẫn không một ngọn gió. Tôi đâu biết chính lúc ấy, ở ngay trước cửa căn nhà ấy, với sợi dây an toàn rạp xiếc nhu định mệnh ấy… đã chấm dứt cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa mà đoản mệnh.
Vào giữa ngày 20.9.1982, khi Phan Lạc Hoa đã vĩnh viễn im lặng, tấm phên bị dỡ bỏ. Thanh Hoa chít khăn tang, mặc áo xô gai, đầm đìa nước mắt trao cho tôi bài hát cuối cùng của Phan Lạc Hoa – bài “Những chiều lỗi hẹn” anh viết tại Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày điều trị thần kinh. Đây chắc mới là bản thảo. Nhưng dù sao cũnh là bút tích còn lại duy nhất của người nhạc sĩ mà nhiều người yêu mến và thương tiếc. Trong bài hát cuối cùng của anh khi đọc ca từ cuối: “Đừng giận anh những chiều lỗi hẹn – Trời về khuya nhiều ngôi sao xanh…” thấy có một cái gì man mác buồn của một cuộc đời sắp tắt.
Chúng tôi lặng lẽ đưa tiễn Phan Lạc Hoa về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi tưới đẫm rượu xuống huyệt anh để nén khóc. Về đến nhà, tôi và Trúc Cương khóc nấc lên vì thương tiếc. Tôi viết như bị xui khiến những câu thơ về Phan Lạc Hoa:
Thế là mày nhảy dù vào bầu trời
Bầu trời xanh lời hát
Chẳng kìm được như cảm hứng mày ơi!
Cuộc nhảy dù không tính trước
Bằng sợi dây vô tình
Sợi dây an toàn rạp xiếc
Tao đi ứa nước mắt
Lần đầu tiên vì một người, tao khóc
Bầu trời xanh hình như khóc cùng tao
“mưa mùa thu nặng nhiều nỗi nhớ
mưa mùa thu gởi mùa hạ trước rồi…”
Từ đấy, hàng năm, tới ngày giỗ Phan Lạc Hoa, chúng tôi thường tụ tập nhau để tưởng nhớ người bạn nhạc sĩ tài hoa đoản mệnh này. Năm 1984, nhớ anh quá, tôi lầm lũi một mình về thắp hương anh ở Thạch Thất. Lại một cảm xúc dâng đầy không cưỡng được:
Đồng gặt rồi nhấp nhô rơm rạ
Mùi cơm mới bâng khuâng
Nâng chén rượu ngỡ mày đang ngồi đó
Cùng cạn một chặng đường
Lại huyên thuyên những chuyện đời thường
Những tâm huyết sẽ dồn vào giai điệu
Có chút men, mắt này thoáng dịu
Hồn nhiên xanh cây cỏ nơi này
Hiểu vì sao những bài hát của mày
Khắp xứ sở trẻ già đều thuộc
Với người hát rong là cơm gạo hàng ngày
Cặm cụi qua cực nhọc
Đồng rộng lắm mày nằm im một góc
Biết trưa nay Thạch Thất mình tao
Vẫn hạt gạo sao có gì lạ thật
Mà giống như giọt nước mắt nghẹn ngào
Dường như giữa cuộc đời, Phan Lạc Hoa chưa hề vắng mặt. Những giai điệu của anh qua giọng hát Thanh Hoa vẫn ấm áp nhân gian. Năm Phan Huyền Thư tròn 18 tuổi, chúng tôi mới trao lại cho Thư chiếc đồng hồ Orian – kỷ vật của Phan Lạc Hoa gửi lại. Theo lời Thư, hình như mỗi bước phát triển của cháu đều có sự phù trợ của bố, thậm chí có lần bố còn nhập vào người khác để nhắn gửi cháu nhiều điều. Người tài hoa đoản mệnh nên thật thiêng.

Nguồn: blog nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

No comments:

Post a Comment