.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, February 10, 2012

NHÀ VĂN PHONG ĐIỆP: “NGỌN LỬA THƠ VIỆT ĐÃ TỎA ĐI KHẮP THẾ GIỚI”


Bỏ qua những bất đồng về ngôn ngữ, thơ ca mang một vẻ đẹp linh thiêng, phá bỏ mọi rào cản và những nỗi âu lo. Bởi vậy các nhà thơ Việt Nam và quốc tế đã sát cánh bên nhau, những bài thơ ngân lên, để rồi chúng nằm lại trong trái tim của mỗi người.

Việt Nam và những tấm lòng bè bạn

Trong số các đại biểu quốc tế đến dự Liên hoan thơ lần này, có khá nhiều người nói thành thạo Tiếng Việt. Ngoài hai đại biểu từng quen thuộc với giới văn chương Việt Nam là dịch giả Chúc Ngưỡng Tu và dịch giả Điền Tiểu Hoa (đến từ Trung Quốc), các nhà thơ Việt Nam đã thực sự bất ngờ trước khả năng nói lưu loát tiếng Việt của các nhà thơ: Ahn Kyung Hwan (Hàn Quốc), người đã người đã dịch tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chủ Tịch ra tiếng Hàn, Pornpen Hattrankool (Thái Lan) Sim Vanna (Camphuchia), Phiula Vanh Luang Vanna, Pheng Phacul Con (Lào)…
Dù không nói được nhiều tiếng Việt, nhưng những tình cảm quý mến đặc biệt với Việt Nam, nhà thơ Mary Croy đã quyết định chọn cho mình một cái tên Việt, đó là Nguyễn Hương Lâm Thủy. Đến dự Liên hoan thơ, nhà thơ Mary Croy chia sẻ về mong muốn được chung tay xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa những văn nghệ sĩ Việt Nam và Mỹ. Bà mong muốn  những người khác cũng được trải nghiệm tuyệt vời và khả năng chữa lành mà văn hóa và văn học Việt Nam mang lại.

Nhà thơ Sabina Meseg đến từ Israel lần đầu tiên được đặt chân đến Hạ Long bày tỏ: trước khi đến Việt Nam, bà rất buồn vì trong “cuộc đua” bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, Biển Chết của Israel đã bị loại, và vịnh Hạ Long đã được chọn lựa; nhưng khi được đi du ngoạn trên vịnh, bà đã phải trầm trồ không ngớt và khẳng định việc Hạ Long được bình chọn là hoàn toàn xứng đáng. Ngay trong lúc ngắm vịnh, vẻ đẹp của kì quan này đã khiến bà sáng tác ngay một bài thơ và trong buổi tối giao lưu thơ quốc tế của ngày hôm đó, bà đã đọc để cùng chia sẻ với các thi hữu.

Không chỉ nhà thơ Sabina Meseg bị quyến rũ bởi đất nước và con người Việt Nam,  nhà thơ Marjorie Evasco (Philippin)  người đã danh dự nhận được Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2010 cũng có tình cảm đặc biệt dành cho Hà Nội . Ngay trong những ngày dự Liên hoan thơ, bà đã viết riêng một bài thơ dành cho Hà Nội. Trên sân khấu của Ngày thơ Việt Nam lần thứ X, nhà thơ Marjorie Evasco  đã chia sẻ bài thơ trong niềm xúc động khôn xiết. Bài thơ viết với tâm thế của một người tri kỉ với Hà Nội. Bản dịch bài thơ được nhà thơ Nguyễn Bảo Chân thực hiện, cũng đã gây được xúc động với người nghe.

Trong các tham luận và sáng tác của các nhà thơ gửi tới BTC trước khi Liên hoan thơ diễn ra, rất nhiều người đã dành những tình cảm trìu mến cho Việt Nam. Tiêu biểu là nhà thơ Ngô Vinh Phú (Đài Loan). Trong chùm thơ của ông có nhiều vài thơ về Việt nam: Chơi vịnh Hạ Long mời rượu trong thuyền, Gặp mưa đá ở Hà Nội, Chơi eo Lục Long Tam Bích động…

Nhà thơ Joel Arnstein (Anh) kể: Vào tháng 7 năm 2011, tôi có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đến thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và rất xúc động bởi những gì tôi thấy ở đó: hình ảnh của sự đau đớn, sự tàn bạo, và sự khao khát hòa bình. Khi rời bảo tàng, tôi ngập tràn cảm giác rằng tôi cần phải tập hợp ý nghĩ và biểu đạt những cảm xúc của mình với một người nào đó. Tôi đã đi bộ qua những con đường và ngồi trên một chiếc ghế dài ở công viên. Thật tự nhiên, tôi đã bắt đầu viết một bài thơ.

Những bài thơ viết về Việt Nam của các bạn bè quốc tế, bằng những cách thức thật khác nhau, nhưng chúng đã được vang lên, như những ngọn nến được thắp lên, ấm tình bằng hữu và khát vọng về một thế giới hoàn bình.
Dù thời gian diễn ra Liên hoan thơ quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất chỉ diễn ra chưa đầy một tuần lễ, nhưng đất nước và con người Việt nam đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong các vị khách quốc tế. Nhà thơ xinh đẹp Anna Reteyrum,  Giám đốc Nhà xuất bản Hronograf, trước khi chia tay Hạ Long đã tâm sự: Tôi từng nghĩ đến vịnh Hạ Long, hôm nay Chúa đã đưa tôi tới đây. Tới đây thì tôi mới biết có Lễ dâng hương thi ca và Chúa đã cho tôi sự ngạc nhiên này!

Còn các nhà thơ đến từ Hungari thì bày tỏ sự ngạc nhiên của mình: Trong tâm trí chúng tôi, Việt nam là đất nước vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến. Vậy mà hôm nay, đến đây, các bạn đã khiến chúng tôi hoàn toàn bất ngờ.
Đây cũng là cảm xúc của nhiều nhà thơ khi đến Việt Nam dự Liên hoan thơ quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất . 

“Đại tiệc thơ”

Những ngày diễn ra Liên hoan thơ, các nhà thơ đã được tắm mình trong bầu không khí tinh khiết của thơ ca. Thơ ca đã vang lên mọi lúc, mọi nơi: trong lễ dâng hương linh thiêng bên núi Bài Thơ; trên sóng nước Hạ Long; trong ngày thơ Việt Nam lần thứ X, trong những dạ tiệc thơ mà 12 giờ đêm, các nhà thơ vẫn còn muốn ngồi lại bên nhau, để được đọc thơ cho nhau nghe; bên bữa cơm chay ngào ngạt hương thơm của hoa lá, của đất trời trong tiết rằm tháng giêng ấm áp và thanh sạch.

Bỏ qua những bất đồng về ngôn ngữ, thơ ca mang một vẻ đẹp linh thiêng, phá bỏ mọi rào cản và những nỗi âu lo. Bởi vậy các nhà thơ Việt Nam và quốc tế đã sát cánh bên nhau, những bài thơ ngân lên, để rồi chúng nằm lại trong trái tim của mỗi người.

Nếu như ai đó đã từng lo ngại về sức sống của thơ ca trong thời buổi này, thì tại Liên hoan thơ này, điều lo ngại đó hoàn toàn không có cơ sở để tồn tại. Thơ ca đã ngân vang, những ngôn từ của nó – như cách ví von nhà thơ Rida Liamski (Indonexia) – đã khiến cho thanh gươm phải tra vào vỏ. Thơ ca giúp giải phóng con người khỏi xiềng xích, giúp các dân tộc giành được độc lập. Vậy thì tại sao nó không tiếp tục được ngân vang, như ánh mặt trời tỏa sáng để sưởi ấm trái đất này mỗi ngày ?

Thơ ca hội nhập quốc tế

Đến với Ngày thơ Việt Nam lần thứ X, nhiều công chúng đã đi tìm sân thơ truyền thống và sân thơ Trẻ như những năm trước. Họ đã ngạc nhiên trước một khung cảnh, một không khí khác lạ. Các nhà thơ Việt Nam cùng xuất hiện bên các bạn thơ quốc tế, và  đọc thơ của nhau. Cảnh tượng một nữ nhà thơ quốc tế còn rất trẻ đứng bên nhà thơ Giang Nam, để đọc bài thơ Quê hương bằng tiếng Anh khiến nhiều người rưng rưng. Người tóc còn xanh. Người tóc đã bạc. Ngôn ngữ khác biệt. Nhưng có một thứ vượt lên mọi rào cản ấy. Đó chính là thi ca. Thi ca khiến con người xích lại gần nhau hơn, trân trọng và thương yêu nhau hơn.

Trên sân khấu mà nhiều người vốn quen gọi là sân thơ Trẻ, năm nay những gương mặt  trẻ của Việt Nam như Đỗ Doãn Phương, Vũ Tú Anh, Phạm Việt Đức, Vi Thùy Linh, Thụy Anh, Trần Tuấn đã được “hòa giọng” cùng những gương mặt trẻ của quốc tế như nhà thơ Cyril Wong (Singapore) Ana Retejum (Nga) Holly Thompson  (Mỹ), Guzal Begim và Azam Abidov (Uzbekistan) …

Ngày thơ Việt Nam lần thứ X là cơ hội tuyệt vời cho các nhà thơ được gặp gỡ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Bởi vậy trên sân khấu của sân Thơ trăm miền – dù không gắn tên Sân thơ Trẻ, những những tiếng nói Trẻ vẫn tiếp tục được ngân vang.

Và bánh xe thơ đã lăn…

Lá cờ của Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất  đã để lại ấn tượng đẹp đối với bạn thơ quốc tế. Lá cờ có hình quốc kỳ của 27 nước tham gia Liên hoan, xếp thành hình tròn – tượng trưng cho hình trái đất và cũng là hình cách điệu cho chiếc bánh xe . Giữa lá cờ nền mầu xanh hoa bình là hình con chim hạc, biểu trưng cho văn hóa truyền thống của Việt Nam. Người thiết kế cờ thơ hẳn đã gửi gắm thông điệp về một thế giới hòa bình mà thi ca là cây cầu nối giữa các quốc gia .

Giờ đây “bánh xe thơ” đã quay. Hơn 200 nhà thơ Việt Nam và quốc tế đã hòa giọng trong bầu trời của thi ca và tình bằng hữu. Các nhà thơ quốc tế, sau khi rời Việt Nam đã mang theo một Việt Nam của riêng mình. Họ trở về đất nước của mình, tiếp tục những công việc thường ngày. Nhưng đã có một thay đổi lớn lao trong mỗi người. Đó là một Việt Nam rất cụ thể, ấm áp và thân gần. Một Việt Nam thúc giục họ ngày trở lại.

Ngay tại Liên hoan thơ, nhà thơ – giáo sư Hoàng Hoa Hiên (Học viện Ly Giang –Trung Quốc) mong muốn năm 2013, Lễ hội thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 2 được tổ chức tại quê hương của Lý Bạch, Đỗ Phủ. Nhà thơ, đại sứ Israel Amnon Efret  cũng mong muốn Lễ hội thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 2 tổ chức tại Israel.
Dù Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 2 sẽ được tổ chức  tại quốc gia nào nhưng một điều quan trong hơn hết là chiếc bánh xe thơ từ Việt Nam đã được bạn bè quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Ngọn lửa thơ ca từ Việt Nam đã được thắp lên và tiếp tục tỏa đi khắp thế giới.

Những công việc chuẩn bị thầm lặng

Khép lại Liên hoan thơ quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất, với tư cách nước chủ nhà, chúng ta có thể tự tin khẳng đinh rằng Liên hoan đã diễn ra thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Để đạt được điều này, không thể không nhắc đến những công việc chuẩn bị thầm lặng và gian nan của BTC. Trước khi Liên hoan chính thức khai mạc, cả một năm trời việc kết nối với các nhà thơ của các quốc gia đã được tiến hành, kiên trì và bền bỉ. Thư đi thư lại, những thư xác nhận của các bạn thơ quốc tế đã lần lượt được gửi lại BTC. Các tham luận và tác phẩm của bạn thơ quốc tế cũng được gửi về và chuyển ngữ kịp thời. Rồi địa điểm tổ chức, nội dung Liên hoan, kế hoạch đón tiếp khách, thậm chí thực đơn cho đại biểu từng quốc gia cũng được  cân nhắc và lên chương trình hợp lý , chặt chẽ.

Đến sát ngày đón bạn quốc tế sang, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam còn đích thân đi Quảng Ninh, trực tiếp rà sát công tác chuẩn bị tại đây để Liên hoan diễn ra một cách hiệu quả nhất. Liên tục trong các ngày 30, 31 – 1 và 1, 2 – 2 – 2012, lịch bay của các đoàn khách quốc tế được cập nhật.  BTC đã cử các nhà văn nhà thơ ra tận sân bay đón khách quốc tế. Có những chuyến xe đã phải chạy suốt đêm để đón khách và đưa về Quảng Ninh cho kịp phiên khai mạc vào sáng ngày hôm sau.
Các dịch giả Thúy Toàn, Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Bảo Chân, Hữu Việt… đã được BTC huy động để thực hiện các bản dịch tham luận và thơ của các đại biểu quốc tế. Nhiều đêm họ đã phải thức trắng để hoàn tất công việc của mình, đảm bảo việc cập nhật các bản dịch của những bài thơ mới được sáng tác trong thời gian diễn ra liên hoan.
Dịch giả trẻ Nguyễn Vũ Hưng, đại biểu của Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thư VIII, dù đang bận giảng dậy tại trường đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh cũng đã tình nguyện bay ra Hà Nội, để được phụ giúp Ban tổ chức Liên hoan thơ trong việc đón tiếp, hướng dẫn khách quốc tế. Với khả năng nói thành thạo 4 ngoại ngữ, Nguyễn Vũ Hưng hoàn thành xuất sắc vai trò một trợ lý đắc lực cho BTC trong việc đón tiếp, chăm sóc các đại biểu đến dự Liên hoan.

Trong khi Liên hoan thơ đang diễn ra ở Quảng Ninh thì tại Hà Nội, những công việc chuẩn bị cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ X vẫn diễn ra gấp rút. Các thành viên BTC đi lại giữa Hà Nội và Quảng Ninh liên tục trong ngày, bất chấp thời tiết giá buốt kéo dài, nhằm đảm bảo mọi công việc được diễn ra hiệu quả nhất. Một số thành viên BTC đã bị ốm. Người bị sốt, người bị cảm, người bị mất tiếng… nhưng mọi công việc chuẩn bị cho lễ hội thơ không hề bị gián đoạn.

Chính nhờ có công tác chuẩn bị chu đáo, tận tâm tận lực ấy, Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất và ngày thơ Việt Nam lần thứ X đã diễn ra thành công trọn vẹn.
Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ

No comments:

Post a Comment