Hổ tử không phụ hổ phụ
Ứng Quận công Đặng Đình Tướng xuất
thân từ một dòng họ rất danh giá của làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ,
nay là Hà Nội). Ông là cháu năm đời của Thái úy, Nghĩa Quốc công Đặng
Huấn. Cha ông, Yên Quận công Đặng Tiến Thự, một trọng thần đương thời, vì
những công tích to lớn còn được ban họ của chúa nên còn có tên là Trịnh Liễu…
Yên Quận công nổi tiếng là một vị minh quan thời Lê Trung hưng, “mưu cao quyết
đoán trấn phục lòng người, chặn kẻ ác nghịch từ lúc manh nha, dẹp giặc cướp khi
chúng đang ngông cuồng…”. (Gia phả họ Đặng). Ông từng trấn thủ Nghệ An trong
suốt 24 năm. Gia phả họ Đặng cũng chép lại rằng, khi đứng đầu trấn Nghệ An,
Đặng Tiến Thự đã nuôi hộ cho các tướng dưới trướng mỗi người một con trai. Khi
các bộ tướng trong doanh có người bị đau ốm, bao giờ ông cũng đích thân tới
thăm hỏi, cho thuốc thang chạy chữa và cấp cho tiền gạo. Ngay cả đối với sĩ
tốt, nếu ai đau yếu cũng được ông cấp cho mỗi người năm bát gạo trắng, một quan
tiền và một con cá… Khẩu phần này đối với chúng ta bây giờ có vẻ là ít nhưng ở
thời bấy giờ, đó là nguồn tiếp tế cực kỳ có ý nghĩa… Đặng Tiến Thự đã được đánh
giá là vị tướng cầm quân khoan hòa mà nghiêm khắc, thưởng phạt phân minh. Khi
cai trị dân, ông thiên về dùng ân, ít gây oán hận, giảm thuế khóa, bớt
phu dịch. Chính vì thế nên xứ Nghệ An thời ấy đã được sống trong thịnh trị,
biên giới yên ổn. Sau khi ông mất nhiều năm, dân trong xứ mỗi khi nhắc tới tên
họ của Yên Quận công vẫn tấm tắc mà rằng, “đến nay còn nhớ nhung, ngưỡng
vọng!”… Với một người cha như thế thì những người con không thể không ít nhiều
tiếp thu được những tinh hoa nhân ái và tài năng đức trị (Đặng Tiến Thự có 27
người con, trong đó có 14 người con trai). Không ngẫu nhiên mà nhiều người con
của Yên Quận công về sau cũng rất hiển đạt, trong đó đáng kể nhất là Đặng Đình
Tướng…
Vinh hoa vẫn trong sáng
Vẫn biết là sống trong cảnh giàu
sang từ tấm bé, con người ta dễ bị tha hóa và trở nên tàn nhẫn. Thế nhưng, Đặng
Đình Tướng lại là một thí dụ ngược lại. Mặc dù được bà nội chăm sóc ở trong
cung, sống giữa ngọc ngà nhung lụa, nhưng vị danh sĩ tương lai rất chăm chỉ dùi
mài kinh sử, không quan tâm tới những chuyện chơi bời. Nhờ thế, năm 20 tuổi
(1669), ông đã đỗ giải nguyên trong kỳ thi Hương. Một năm sau đó, tại kỳ thi
Hội khoa Canh Tuất (1670), ông đã trở thành một trong 7 người đỗ tiến sĩ xuất
thân.
Vào triều làm quan, Đặng Đình Tướng
dĩ nhiên là được chúa Trịnh rất để ý nâng đỡ vì là dòng dõi công thần ruột
thịt. Năm 1675, ở tuổi 26, Đặng Đình Tướng đã được đưa lên làm Đốc đồng Kinh
Bắc. Một năm sau (1676), ông được đưa lên làm Hiến sát xứ Sơn Tây… Năm 1682,
Đặng Đình Tướng được cử làm Công khoa Cấp sự trung…
Tuy nhiïn, cuäng phải nói rằng,
không phải lúc nào công chuyện của Đặng Đình Tướng cũng xuôi chèo mát mái. Năm
1683, ông đã được chúa Trịnh Căn (là cậu ruột của ông) sai đi cùng bồi tụng
Nguyễn Quai, cấp sự trung Trần Thế Vinh và trấn thủ Lạng Sơn lúc đó là hoạn
quan Thân Đức Tài lên biên giới nhận tù binh là khoảng 350 những người họ Mạc
lưu lạc sang Trung Quốc sau khi bại vong cùng cực nên đã bị nhà Thanh bắt giữ.
Viên quan nhà Thanh có trách nhiệm làm việc này là thông phán Nam Ninh, Vương
Quốc Trinh lại bày trò gây khó dễ cho phái bộ nước ta. Y đưa ra nhiều đòi hỏi
vô lý. Và Đặng Đình Tướng đã vừa cương quyết vừa mềm dẻo xử lý công việc,
chuyện gì liên quan tới quốc thể thì rất cứng rắn, còn chuyện gì chỉ là những
chi phí vật chất, có thể lấy của thay cho người thì cũng định liệu xêm xêm cho
ổn thỏa. Ngay cả khi Quốc Trinh trong cơn tức tối thả lỏng cho lính bản thổ
xung đột với nhau ở trấn Nam Quan, mạo phạm đâm thủng cả hai lần áo cừu của
ông, Đặng Đình Tướng vẫn bình tĩnh giải quyết sự cố khiến Quốc Trinh phải xấu
hổ thốt lên: “Vừa rồi có nghe bọn quân sĩ lỡ xâm phạm, xin chớ khiển trách”…
Tuy nhiên, viên khâm sai lòng tham vô đáy này vẫn cố nèo để bắt phái bộ nước ta
nộp 5.500 lạng bạc hành lý. Vì muốn để cho mọi sự không quá mù ra mưa, Đặng
Đình Tướng đã bàn với các quan cùng đi đồng ý nộp số bạc đó cho Quốc
Trinh… Sự việc chỉ có thế nhưng về sau, do có lời tấu trình từ một số nhân vật
không thiện chí rằng, số tiền nộp như thế là quá nhiều nên chúa Trịnh đã cho
hỏi lại. Những ông quan cùng đi với ông đã chối tội bằng cách nói rằng, họ bị
ốm nên chỉ một mình Đặng Đình Tướng tự ý quyết định, nên họ chỉ bị phạt tiền.
Còn riêng Đặng Đình Tướng thì bị giáng xuống một chức. Lệnh trên thì không ai
bàn sai đúng nên ông đã bình tĩnh chấp nhận sự giáng chức này và cũng không
“bóc mẽ” ai. Thêm vào đó, về sau vụ việc này đã được xác minh lại, cho thấy ông
đã rất quyền biến và tỉnh táo xử lý quan hệ với viên khâm sai nhà Thanh, nên
chúa Trịnh lại càng trọng dụng và ưu ái ông hơn. Và ông đã được can dự
vào rất nhiều công to việc lớn trong triều.
Đầu năm 1687, Đặng Đình Tướng được
phái làm Đốc thị đi dẹp giặc ở các đạo Tuyên, Hưng thuộc miền Tây. Và tới mùa
thu, ông cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, làm yên cả cõi. Tuy nhiên, do không
hợp thủy thổ trên đường hành binh, khi về lại kinh đô, ông đã bị ốm nặng nên
phải dưỡng bệnh tới hai tuần. Khỏi ốm, vào hầu trong triều, Đặng Đình Tướng
được phong làm Tri Thủy sư và được theo hầu bên cạnh chúa Trịnh Căn…
Năm 1688, Đặng Đình Tướng được phong
làm Lại Khoa đô cấp sự trung. Năm 1692, ông được cho làm Tham chính Thanh Hoa,
cai quản thủy quân… Năm 1695, ông được cử đi xuống cùng các quan khác lo việc
lập địa giới của châu ở một số địa phương. Mùa xuân, tháng giêng năm 1697, Đặng
Đình Tướng lại được cử làm phó sứ trong phái đoàn nước ta sang triều cống cho
nhà Thanh, tới tháng 4-1698 mới trở về. Trong thời gian đi sứ, ông đã
viết nhiều bài thơ, về sau gom lại thành Hoa tùng vịnh tập…
Trước khi đi sứ, Đặng Đình Tướng đã
dâng khải xin chúa cho vào Nghệ An thăm cha và ở lại với người cha đã ở tuổi 70
của mình một tháng. Ông cũng đã khuyên cha nên có cách thích ứng để “thuần hóa”
những người anh em cùng cha khác mẹ với ông để họ hiểu ra thêm những điều hay
lẽ phải, chứ không nên giận dỗi buông họ ra… Tấm chân tình đó với anh em của
Đặng Đình Tướng càng giúp ông củng cố hơn vai trò “hạt nhân đoàn kết và hòa
giải” trong gia tộc họ Đặng, vốn có quá nhiều “danh sĩ” lắm cá tính và nhiều
trò ương ngạnh… Khi đi sứ từ Trung Quốc về, chính ông đã phải ra tay để xóa bỏ
mâu thuẫn giữa hai người anh em cùng cha khác mẹ là Gia Quận công Đặng Tiến Lân
và Lai Quận công Đặng Tiến Sở, nảy sinh khi vào trấn Nghệ An hộ tang cha tháng
giêng năm 1698. Cha của họ trước khi qua đời không lâu, đã nhận xét với Đặng
Đình Tướng rằng: “Gia Quận công thì sinh trưởng trong cảnh phú quý, chưa biết
lễ nghĩa. Lai Quận công thì tính nết mạnh mẽ, không chịu sự giáo hóa…”.
Tới năm 1705, Đặng Đình Tướng đã
được phong làm Bồi tụng, Tả thị lang Bộ Lại, tước nam. Đây là chức đứng đầu
hàng quan văn thời đó. Trong con mắt của chúa Trịnh Căn, ông không chỉ là người
cháu thân thiết, có nhiều công lao mà còn “có mưu cơ, tài lược, hiểu biết việc
quân” (theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục). Chính vì thế nên
tháng 2-1705, Đặng Đình Tướng còn được đưa ra làm Quyền trấn thủ Sơn Nam.
Sau khi nhậm chức một thời gian ngắn, vì đã dẹp yên trộm cướp, nhân dân yên ổn,
nên các huyện, xã trong trấn dâng khải ca ngợi, Đặng Đình Tướng đã được chuyển
sang võ ban với chức Trung quân Hữu Đô đốc, tước Ứng Quận công, cai quản Tả
Dũng thủy cơ kiêm Trấn thủ Sơn Nam. Sách KĐVSTGCM đã nhận xét: “Đình Tướng giản
dị, khoan hòa, nhân thứ; nhân dân trong trấn cũng được yên vui”. Gia phả họ
Đặng cũng nhận xét: “Ông là người có thiên tư ôn hòa, khí chất cứng cỏi, tài
kiêm văn võ, mừng giận không lộ trên nét mặt, gặp việc rắc rối thì xử sự rất
bình tĩnh…”.
Có đức vực được tương lai
Đặng Đình Tướng là người đã sáng
suốt nhận thấy diện mạo minh chủ ở người chắt của chúa Trịnh Căn là Trịnh
Cương. Trịnh Cương là con trưởng của Tấn Quan Vương Trịnh Bính. Ông nội Trịnh
Cương là Trịnh Vĩnh và cha là Trịnh Bính đều mất trước cụ nội Trịnh Căn, nên
theo quy định trực hệ, Trịnh Cương được chọn làm người kế vị. Trước khi đưa ra
quyết định này, Trịnh Căn đã hỏi ý kiến của các trọng thần, trong đó có
Đặng Đình Tướng. Và đã nhận được lời tâu của Đặng Đình Tướng rằng: “Vương tôn
Trịnh Cương tư chất thông minh, dùi mài học tập, tính tình hiếu thuận, đức hạnh
nhân nghĩa, tài đức không ai sánh bằng, có thể lên ngôi chúa, nối nghiệp vương,
bảo trọng tông thống, quy tụ lòng dân…”. Về sau, quả thực, Trịnh Cương đã trở
thành vị chúa Trịnh duy nhất có cuộc đời và sự nghiệp trong thời thái bình
thịnh trị, không hề vấy nạn binh đao…
Khi Trịnh Cương lên ngôi chúa sau
khi Trịnh Căn qua đời năm 1709, Đặng Đình Tướng càng được trọng dụng. Tuy nhiên,
tới năm 1717, vì tuổi cao nên ông đã dâng khải xin chúa cho nghỉ chức Trấn thủ
Sơn Nam. Và đã được chấp nhận vì chúa nghĩ đến công của ông đối với mình từ lúc
chưa lên ngôi cao. Và chúa còn ban lệnh chỉ cho mở Tiền Hòa quân doanh (với
1.000 suất lính) cho ông về Kinh chờ lệnh và ban cho một dinh thự riêng để ở.
Năm 1718, Đặng Đình Tướng được thăng
làm Thái phó Tham tụng Thự phủ sự (đứng đầu hàng quan võ). Sau đó, vào cuối năm
này, ông được gia phong làm Trí sĩ Ứng Quận công, Quốc lão tham dự triều chính
và về quê nghỉ hưu… Năm 1730, chúa Trịnh Cương lại gia thăng ông lên làm Ngũ
lão, sau đó lại cử ông ra làm đô đốc.
Khi chúa Trịnh Cương lập Trịnh Giang
làm thế tử, Đặng Đình Tướng dâng lên 8 thiên Thuật cổ quy huấn, nói về những
điều khuyên răn và xin chúa Trịnh ban cho thế tử. Chúa Trịnh Cương khen ngợi
ông và thỉnh thoảng mời ông vào phủ bàn việc. Mỗi lần như thế, ông đều được nhà
bếp trong cung đãi cơm chu đáo. Mãi tới năm 82 tuổi, Đặng Đình Tướng mới được
cho nghỉ hưu lần thứ hai sau khi được gia phong làm Đại tư mã.
Khi qua đời năm 1735, thọ 87 tuổi,
Đặng Đình Tướng còn được truy tặng là Đại tư không, phong phúc thần.
Lưu Hùng
Văn
Minh họa: Lê Trí Dũng
No comments:
Post a Comment