.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, February 11, 2012

NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN THỌ TIẾT LỘ VỀ NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG TIỂU THUYẾT ‘QUYÊN’

Tới năm nay, tôi đã sống ở Đức tròn 22 năm. Hai hai năm phiêu bạt, tôi gặp bao phận người phiêu dạt. Họ như lau sậy, như loài chim di lênh đênh, ngụp lặn giữa đại dương miếng cơm manh áo và, chính họ đã trao cho tôi cuốn tiểu thuyết Quyên.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ và Quyên

Khoảng đầu thập kỉ 90, cạnh thành phố tôi ở, có đám tang một cô gái Việt. Đám tang leo pheo dăm bẩy người Việt, hai ba người Đức. Một đám tang không nước mắt, không người thân. Xác được đốt ra tro bụi. Tôi biết cô gái ấy từ thời Đông Đức. Nguyên là công nhân trong đội V.N ở nhà máy ô tô IFA. Cô gái gầy, mỏng như lá lúa. Nhiều cô gái Việt xinh đẹp, ở lại Đức sau khi bức tường đổ, rất dễ có bạn trai Việt. Riêng cô, vì gầy quá chả ai yêu chăng? Buôn bán ở Đức cần có bạn, có hội có thuyền. Một thân một mình, không kham nổi việc buôn bán quần áo rong, bán thuốc lá cũng ít khách. Trước khi nhà máy tan, trời cho cô cơ may. Có anh bạn Đức cùng tổ sản xuất thương yêu cô và họ cưới nhau. Rồi nhà máy ô tô tan. Người chồng thất nghiệp, một năm vô công rỗi nghề, sinh ra nát rượu. Lúc say quá, hắn đánh cô, có bữa tím cả mặt mày. Bỏ chồng, cô quay về khu tập thể với cộng đồng, song vẫn vò võ một mình. 
Khi có việc sang bên đó, tôi thấy cô đã gầy lại gầy hơn, mỏng lại mảnh hơn. Đi lại cứ phơ phất, y như cái bóng chập chờn vô hồn. Nhập nhoạng đêm mới thấy cô lướt ra bếp tập thể, nấu gì rất nhanh rồi lại biến mất sau tấm cửa phòng. Đùng một đêm, cô thắt cổ. Ba bốn ngày sau, đồng hương mới phát hiện ra, xác đã bén mùi. Kiểm tiền cô gửi nhà băng, còn dư hơn 5000 D.m. Vậy cô không thiếu tiền. Hỏi ra, cô chẳng còn người thân ở Việt Nam. Ở Đức lại cô độc giữa đồng bào của mình, không chồng, không con, bè bạn và không công việc. Tro cô cho vào hũ sành không rõ sẽ gửi vào nhà thờ hay vùi ở nghĩa trang thành phố. Nếu ở nhà thờ còn đỡ chứ ở nghĩa trang sau 30 năm sẽ vô tăm tích. Đấy là luật cải táng nếu thân chủ không mua đất táng vô hạn. Ai lo và ai có tiền làm việc ấy? Tổ chức dân sinh xã hội của Đức thường chỉ cho tiền mua đất táng giới hạn, nếu hội đoàn VN tại nơi cô ở có đơn trình.

Những quan hệ của người Việt ở Đức và ứng xử của họ trong đời sống đâu đâu cũng như một cái làng Việt bê sang Đức. Kể cả khi còn là đội lao động thời D.D.R. tới khi nước Đức thống nhất, thì cộng đồng VN vẫn sống khép kín với bao nhiêu lề thói khác lạ, làm người Đức khó chịu và nội bộ nặng tinh thần cục bộ, địa phương, nhóm băng, mạnh ai nấy sống, thiếu cái xuyên xuốt tính dân tộc. Những điều ấy làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tội phạm của chính người Việt gây ra với nhau, sự tàn nhẫn bể máu cũng gia tăng khi làn sóng người Việt từ khối Đông Âu òa sang Đức kiếm sống. Một trong nền tảng văn hóa gốc của người Việt là gia đình cũng đổ vỡ. Tôi thường tự hỏi vì sao tới 90 phần trăm gia đình VN tan nát trong cuộc di dân này. Kể cả một số anh chị em sau dăm năm làm ăn ở Cộng hòa liên bang Đức, có tiền của, đón vợ, chồng con cái sang, cũng vẫn dẫn tới cơm chả lành, canh chả ngọt.
Năm ấy, tôi có đứa cháu họ gần, từ Nga vượt biên sang Đức. Cháu kể cho tôi bao nhiêu chuyện, khi nó vì mưu sống cũng từng làm kẻ đưa đường. Trong các chuyện của cháu, có một câu chuyện rất tàn nhẫn, thương tâm, kể về trường hợp một anh chồng muốn bảo vệ vợ, bị đám thú người giết băm xác làm mấy mảnh. Bọn tội phạm đã giết chồng, hiếp vợ để dung dọa cả đám người đồng bào chúng. Cuộc đời của một số người Việt, do hoàn cảnh bị đẩy tới tận chân tường, sống giữa rừng, không có luật pháp, chỉ có luật rừng, đã phát huy hết sức mạnh bản năng để tồn tại. Và điều ấy, đẩy họ tới nhiều tội ác với chính đồng bào mình. Một con người sinh ra bất luận là tộc chủng nào, nhu cầu bản năng là cần ăn, mặc và tình dục; sau đó là các sở cầu khác thuộc sự tiến hóa, như tìm hiểu khách quan, quan hệ cộng đồng, thụ hưởng văn hóa, hay sáng tạo ở các lĩnh vực, nhằm trao đổi giữa cộng đồng, làm giầu hơn cuộc sống của chính họ và cộng đồng. Điều thứ hai này xác lập mặt Người, không chỉ phụ thuộc vào tư chất mà phụ thuộc vào môi trường hoàn cảnh tiến bộ mức nào của xã hội. Cuối cùng khi đã đạt được gì đó, con người ta luôn có xu hướng xác lập vị trí của họ ở xã hội - xác lập Cái Tôi. Thực ra đây chỉ là quay lại cái xuất phát ban đầu, câu hỏi ban đầu của con người khi còn là đứa trẻ vô thức, đã bắt đầu hỏi cha mẹ: Con sinh ra ở đâu? (sinh ra như thế nào?) Những sự xác lập như: Tôi sinh ra ở đâu, nguồn gốc và vị trí thế nào ở cộng đồng, là cái chung nhất của Con Người, dù gốc gác tộc chủng khác nhau. Như vậy, cuộc đời của cô gái kia, bị đẩy tới cô độc, cuộc sống khi mất hết ý nghĩa, lí thú sẽ dẫn tới tự tử - một cái chết Vô tăm tích. Đám người đưa đường vượt biên ở rừng, từ chối hành lang tiến hóa, từ chối cả việc xác lập Cái tôi trong xã hội, hoàn toàn chỉ quay về bản năng, thì tội ác đến không cùng và cũng là một thứ sống vô tăm tích.
Đầu thập kỉ 90, tại Teltow, nơi tôi ở có Trại tị nạn. Gọi là Tị nạn chính trị song thực chất hầu hết người Việt tới Đức đều do miếng cơm manh áo. Một cô gái Việt trong trại hay ra chỗ tôi bán hàng để trò chuyện. Cô tên Oanh, người Hà Nội gốc. Gia đình thuộc dòng họ có nghề may Comle rất nổi tiếng ở Hà Nội. Sau, vợ tôi thân, hỏi chồng đâu? Cô chỉ lau nước mắt. Thì ra, vợ chồng cô sang xuất khẩu lao động ở Nga; rồi nước Nga  Xô Viết tan rã, hỗn loạn, cô theo chồng chạy sang Đức. 
Là một người rất tần tảo, Oanh lao động, bán thêm mì, linh tinh mục ở Hop bên Nga, nên khi chạy sang Đức dắt theo ít lưng vốn. Luật Tị nạn không cho phép vợ chồng Oanh kinh doanh. Muốn làm giầu nhanh, chồng lao vào cờ bạc. Vậy là gia đình sứt mẻ, khi sa xót cho những đồng bạc chắt chiu từ Nga, Oanh phản ứng, cô bị chồng bạc đãi, đánh đập. Một người Sri Lanka thấy thế bất bình, can dự vào việc gia đình Oanh, che chắn cho “Trong một lần Cô gái Việt bé gầy bị đánh đập tàn nhẫn“ Vài tháng sau, Oanh dẫn anh bạn Sri Lanka ấy ra gặp tôi. Anh tên là Kumar. Kumar đen bóng. Tôi trêu: Mày ra đường nên thắp đèn, kẻo ô tô đâm phải. Kumar chỉ cười, hay cười, khoe răng đều trắng tinh. Tôi im lặng tới xấu hổ, khi nghe Kumar kể, em không thể hiểu được, sao người ta ở trại lại thờ ơ về việc này! Cả các bạn Việt cùng quê với em Oanh.

Tôi đã viết truyện ngắn khá nhiều, nói về nhiều cảnh huống trớ trêu và vài nhân vật có tính điển hình trong đời sống tha hương của người Việt ở Đức, song toàn bộ vẫn chưa mang tải hết nhiều ứ đầy qua trải nhiệm về đời sống và văn hóa. Tôi suy nghĩ, dằn vặt. Bởi không chỉ là chuyện người ta, mà ngay chính tại gia đình thương yêu của tôi cũng rạn vỡ rồi tan nát. Dường như ở truyện và kí, sự vụn rời của thể ngắn chưa tạo một cái nhìn bao quát, một cái nhìn sâu sắc về con người và văn hóa Việt khi bứt ra khỏi cội rễ là tổ quốc, trong cuộc di dân không chỉ ở Đức. Khi trải nghiệm về văn hóa châu Âu và thế giới, đem ra so đọ với nhau, tôi thấy bật ra rất nhiều câu hỏi và tự đục nát Thế giới quan của mình. Những điều ấy liên tục chồng lên nhau suốt mấy chục năm. Và nó, phải chuyển tải bằng tiểu thuyết, chứ không phải là truyện ngắn hay tùy bút và bút kí. Mười năm, nhân vật Quyên cứ chờn vờn, lúc tỏ lúc  mờ.
Mấy năm sau, Oanh và Kumar thân thiết rồi họ yêu nhau. Tôi và Kumar thân nhau. Anh rất giống người Việt, tóc đen, khuôn mặt Á châu, và tình cảm. Khác ở chỗ, da anh đen xẫm, tôi da vàng. Đôi khi Kumar nói tiếng vài câu Việt khá sõi. Khi ấy, tôi cứ nghĩ, anh là người Việt. Kumar thuộc một dòng họ lớn bên Sri Lanka. Lại sinh ra ở vùng đất mà ở đó đạo Phật có dòng minh triết với triết lí tự giác ngộ rất sâu sắc, bên cạnh các tôn giáo đa thần khác. Sự diễn giải của Kumar về đời sống rất giản dị, qua hành xử hàng ngày, về suy nghĩ, lòng nhân ái, vị tha, toát ra cái Tinh thần cơ bản nhất của đạo Phật. Nó giải thích vì sao anh bênh Oanh, lại vì sao anh có thể yêu tới vô cùng và hy  sinh rất nhiều cho Oanh, một cô gái nhiều bệnh tật, khi Kumar cường tráng đầy sinh lực. Và, nếu xét về khía cạnh tình yêu phải có tình dục, họ vênh nhau dễ dẫn tới thất bại. Thế mà suốt hơn 20 năm nay, kể cả lúc dông bão nhất, như túng thiếu, như bị cướp vào nhà lấy hết tiền bạc, như khi Oanh ốm kiệt quệ cả sinh lực, Kumar vẫn bên cô, yêu Oanh tới  mức tôi chưa thấy một người Việt nào ở Đức khi yêu, có thể dám hy sinh như thế.
Năm ấy, nhân ngày sinh nhật tôi, Kumar đem tới một tượng đồng thẫm đen tạc đức Phật, nhỏ, cao chừng 13 phân. Gần như tượng Phật Tổ bên ta hay Trung Hoa song motip ở đế và tay hơi khác. Tôi thắp hương lạy Đức Phật, đặt trên bàn thờ ông bà ông vải, và kì diệu sao, tôi tìm ra chìa khóa cho tiểu thuyết Quyên của tôi. Vậy mà Quyên không thể nào khai bút được trên xứ Đức.
Đầu năm 2004, tôi về Việt Nam một mình với những nỗi buồn đóng băng trong lòng. Tôi có cảm giác rất cô độc, khi mọi người quanh tôi tất bật đón Tết. Cảm giác của một người cha mẹ mất cả, bạn bè thì ai cũng dùng chút ít thời gian xum họp hoặc trả nghĩa các quan hệ mà thường ngày khó trả. Cảm giác của một người không có gia đình, thiếu vợ con sum vầy, đi bên những cặp vợ chồng hối hả mua sắm chuẩn bị Tết giữa 36 phố phường thân quen của chính tôi, nơi đã từng sống chết vì nó trong chiến cuộc. Trước khi có gia đình lần thứ hai, tôi có mua một mảnh đất tại Ngọc Hà. Sau khi có cháu Toản với đời vợ lần hai, tôi đã lấy hết số tiền dự trữ ở nhà em ruột, đầu tư toàn bộ vào khu nhà vườn rộng gần 250 mét vuông. Hơn ba kí lô vàng ròng đổ vào đó! Tôi rất kì vọng, đấy là nơi tôi và vợ cùng con gái út về đấy ở. Có thể ở mãi mãi, hay là nơi nghỉ của vợ con mỗi khi về thăm nước. Ước mơ vậy, tôi nhờ một người bạn trẻ, kiến trúc sư tài ba Tô Kiên ở Đức thiết kế. Con gái cả của tôi cũng lăn vào kiến trúc khu vườn và tổng thể vườn nhà tạo thành nơi ở rất lí tưởng giữa Hà Nội ồn ào. Nhưng tới 2004, gia đình đổ vỡ tới phương không thể cứu vãn nổi. Quay lại ngôi nhà ấy, giữa mồng Một Tết, sau bữa trưa ở nhà anh ruột. Tại đó, giữa lòng Hà Nội, trong ngôi nhà tràn ngập hy vọng không thành, tôi đóng cửa suốt 7 ngày, không tiếp xúc bất kì ai, không ra khỏi cửa, mở máy viết như điên cuồng những chương đầu của Tiểu thuyết Quyên.
Quyên đã khởi thủy ra đời từ những nguồn gốc sâu xa và trực diện như thế đó.
Sau đó lại sang Đức. Lại chìm đắm với đời sống của người lao động. Đầm mình không hoang tưởng. Trên cái nền hiện thực trải nghiệm, có cả tôi và không phải tôi. Trên cái phông văn hóa cá nhân, qua trải nghiệm văn hóa Việt và văn hóa thế giới, tôi soát xét lại bao nhiêu điều và viết rất khó khăn 17 chương tiểu thuyết đầu tay này. Những chương cuối cùng tôi lại phải quay lại Hà Nội cho có quãng cách tỉnh táo mà viết.
Từ những thân phận có thật, thu lượm khắp nơi đặt vào Quyên. Họ, từng nhân vật, vừa có khuôn mặt riêng, lại mang khuôn mặt chung, phần nào đại diện cho một kiểu sống, một kiểu hành xử, dạng thức tồn tại điển hình tại Đức vào từng trạng huống tiểu thuyết. Đó là những Hùng đưa đường, Dũng quán imbiss. Huệ trôi dạt ở Hung mắc bệnh Sida. Đó là mụ Thị và nhân tình của Thị cũng có tên phúng dụ, mà mỗi cái tên gợi cho ra một hạng người, hay một hành vi mang tập tính điển hình của thân phận, kiếp người v.v... Toàn bộ hệ thống nhân vật ấy chạy xung quanh nhân vật chính là Quyên. Chính vì vậy, rất nhiều bạn đọc ở Đức và ngoài Đức tìm đọc Quyên và ủng hộ nó, khi họ tìm thấy bóng dáng của chính họ, kỉ niệm của chính họ ở một giai đoạn cụ thể mà tiểu thuyết lấy nó làm khoảng thời gian khai thác. Sau khi tiểu thuyết ra đời, tôi đi bán sách tại Đức và vài nước Đông Âu. Nhằm để có thu nhập sống, vừa chính là lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc nhìn nhận Quyên ra sao? Qua các cuộc tiếp xúc ấy, cả những chia sẻ từ Email bốn phương gửi về, tác giả Quyên không chỉ nhận được hạnh phúc mà còn hiểu ra thêm một điều, phàm những người trải nghiệm, nhất là trải nghiệm lao động chân tay, họ dám đối diện thẳng tưng với sự thật, dù sự thật ấy có chua chát và bị phê phán.
Cho tới nay, ba năm trôi qua sau khi tiểu thuyết Quyên ra mắt. Nó được  tái bản ba lần, song được nối bản khá nhiều lần. Cuối năm 2010 là 5000 bản. Riêng tôi mang đi Đức cũng ngót nghét 1000, chưa kể các trung tâm bán buôn lớn ở Đức đều bán Quyên. Quyên có mặt khắp thế giới, nơi nào có người Việt lang bạt đau khổ và hạnh phúc. Đấy là một sự thật làm tác giả biết ơn những con người lao khổ vốn như loài chim di ngụp lặn ở đại dương mênh mông. Hôm nay, Quyên vẫn bán ở phố sách Nguyễn Xí trong nội địa, nó như món nợ được ít nhiều thanh toán… Tôi hy vọng và tin, sau này Quyên lên xinema với cố gắng của các nhà làm phim BHD, sẽ một lần nữa được bạn đọc quan tâm và thẩm định nó. Đây là hạnh phúc lớn của người cầm bút.
Điều cuối tôi muốn kể cho bạn đọc về xuất xứ tên tiểu thuyết.
Quyên là tên một loài chim, cũng là tên một loài hoa rất cao quý của văn hóa cổ Việt được các cụ chơi hoa trọng thị. Hoa Đỗ Quyên chủ đạo trắng tinh khiết và đậm, dữ dội màu huyết dụ. Đỗ Quyên trồng trong các chậu hoa ngày Tết của các gia đình sành chơi Hà Nội. Cội nguồn mọc khá nhiều trên sườn và đỉnh ngọn Fansipan, một đỉnh núi cao nhất ở Đông Dương. Loài chim Quyên còn có tên thuần Việt là chim cuốc. Trong văn học dân gian có chuyện cổ tích về loài chim này khá đau lòng. Lại trong văn cổ có viết: Con chim quyên bay về phương Nam ngoảnh về phương Bắc kêu cuốc cuốc. Nước nước non non cái tình chi?
 Tôi lại có người bạn gái tên Quyên. Bạn tôi tuy gốc gác 5, 6 đời không ở Hà Nội, song lại có nhiều phẩm hạnh của lớp người cổ ở Hà Nội. Chị nấu ăn rất giỏi, thu xếp việc gia đình, chăm bẵm con cái và chồng thực chu đáo. Khuôn mặt tuy không lộng lẫy như Quyên ở tiểu thuyết, song thực tươi và phúc hậu. Tôi thường quan niệm, văn hóa Hà Nội vừa là văn hóa vùng miền, nhưng lại là tập trung tinh túy của nhiều vùng đất Việt mà tụ lại. Nhiều người tài giỏi ở các địa phương về Thăng Long tạo nên những vùng văn hóa Hà Nội. Như Nguyễn Siêu với quy tập quần thể Hồ Gươm, quần thể văn hóa vùng Tây Hồ vừa là sản phẩm của người làng nghề tại đó, vừa là sự chung đúc từ các thợ giỏi ở thành Nam hay Kinh Bắc v.v… Sự hữu hình và vô hình qua thời gian với con người bản địa Hà Nội, tạo ra một không gian văn hóa Hà Nội là riêng song bản chất là tinh hóa Văn hóa Việt.
Vậy tên Quyên thuần Việt,  khi mang nội dung ở hai việc chính trên, ẩn dụ Tàng thư văn học Việt và Văn hóa cũng Con người hiện đại hôm nay. Như thế tiểu thuyết tên không còn chỉ là tên nhân vật chính. Tôi muốn nó mang theo một nội dung nữa như nói trên, cũng là sự hàm chứa lời nhắn của tác giả: Dù có đi đâu về đâu, khắp hành tinh này, làm vương tước gì, nghèo nàn hay giầu có, bên một sở cầu hạnh phúc, muốn tới nó, lại giao thoa được với văn hóa thế giới làm Người tử tế, không phải xót xa ân hận hoặc mặc cảm thân phận, không Vô Tăm Tích thì tuyệt đối không được đánh mất lõi cốt tốt đẹp mang tâm hồn Việt. Cao quý như Đỗ Quyên và da diết như chim Quyên.
NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN THỌ
(Bài đã đăng Nghệ Thuật Mới số 1)

1 comment:

  1. anh Tho gioi thieu sach hay hon la di viet sach

    ReplyDelete