THƠ: GIẢI MÃ CHO VẤN ĐỀ BẢN SẮC, TỰ DO VÀ TOÀN CẦU HÓA (Kỳ II)
( Ý kiến các nhà thơ Việt Nam)
Mai Văn Phấn: Nhà thơ phải luôn được tự do
Trong một số trường hợp, khái niệm nhân bản “truyền thống” vẫn tồn
tại cùng với dòng chảy thời gian. Tuy nhiên, khi tác động vào đời sống vật chất
và tinh thần con người đương đại, vấn đề nhân bản hiện đại lại có những nét
riêng, đặc thù trong từng lĩnh vực. Tôi tâm đắc khái niệm nhân bản Phật giáo hiện
đại, một hệ thống nhận thức luận gồm bản thể, hiện tượng, nhân sinh, luân lý,
con đường giải thoát... giúp con người tìm kiếm cứu cánh trong lộ trình của bản
thể. Nhân bản hiện đại trong thơ gần với nhân bản Phật giáo, chính là vẻ đẹp,
quyền năng, tính dự báo và tiên tri của thơ ca trong thời đại ngày nay. Nó giúp
con người giữ được vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết khi anh ta phải va đập với
đời sống công nghiệp và đủ thứ “hỗn mang” của làn sóng hiện đại và
hậu-hiện-đại…
Dù sáng tác trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà thơ phải luôn được tự do. Lúc
ấy, nhà thơ được sống, được trải nghiệm trong một thế giới riêng của anh ta.
Anh ta là “Chúa đảo” đầy quyền uy sắp đặt, định đoạt mọi số phận, hình ảnh,
chuyển động trong đó… Với tôi, đời sống xã hội, hay gần hơn, đời sống cá nhân
càng khó khăn, thậm chí bị đẩy vào bi phẫn khốn cùng… thì khát vọng tự do sáng
tạo càng được thổi bùng, tựa tia chớp lóe sáng xẻ dọc đêm tối, hay bông hoa sen
khiêm nhường thơm trên đầm lầy... Khát vọng ấy như con chim vỗ cánh bay vút lên
cao mà không bất kỳ sức mạnh, thế lực nào có thể ngăn cản…
Văn Công Hùng: Càng toàn cầu hóa thì thơ càng phải mang đậm
dấu ấn cá nhân
Thơ phải mang dấu ấn cá nhân, và đấy chính là bản sắc. Cá nhân ấy tồn tại
trong một xã hội nhất định nên nó mang "vết tích" của xã hội ấy.
Nhưng, nó lại mang tính toàn cầu bởi tính nhân loại của thơ (nếu nó đã đạt tới
tầm ấy).
Rất nhiều bài thơ, nhà thơ mang tầm quốc tế từ xưa đến nay nhưng đọc lên
là biết nó xuất xứ từ nước nào. Đấy chính là tính bản sắc và tính quốc tế của
thơ. Càng toàn cầu hóa thì thơ càng phải mang đậm dấu ấn cá nhân.
Thơ đòi hỏi sự tự do rất tuyệt đối khi người thơ sáng tạo. Nhưng sau đấy,
khi đã phổ biến thì nó lại bị sự mặc định của xã hội. Nghĩ cho cùng, có ai có
được tự do tuyệt đối. Tôi có một cái blog khá đông bạn đọc hàng ngày, họ tự
nguyện vào đọc và không bị ràng buộc điều gì, nhưng vẫn có rất nhiều còm men
phản đối hoặc yêu cầu điều này điều kia, có những điều bất khả với chủ blog.
Vậy tức là khi đã ra khỏi mình, dù nó nằm trong sổ tay của mình (blog ấy) thơ
vẫn bị chi phối bởi người đọc, và đấy là lúc tự do của anh bị hạn chế.
Đổi mới quyết liệt trên cái nền dân tộc. Rất khó định nghĩa một cách cụ
thể, nhưng rõ ràng những cá thể Việt vẫn khác với các cá thể khác chứ, song,
một cú enter, Việt hay ngàn dân tộc khác vẫn phải hiểu nhau. Điều này được quy
định bởi tài năng và khả năng thích ứng. Trong liên hoan thơ Châu Á Thái Bình
Dương vừa rồi, tôi rất ấn tượng với bài thơ "Sông Hương" của bà nhà
thơ người Mỹ Croy. Bà viết về người phụ nữ lấy nước ở sông Hương một cách vô
cùng Việt Nam.
Sự cảm thông và sẻ chia của thi nhân ở đâu cũng giống nhau cả. Và họ thể hiện
bằng tài năng độc lập của mình...
Inrasara: Suy tư toàn cầu, hành động địa phương
Bạn nói nhân bản hiện đại Modern Humanism, tôi không rõ lắm hàm
nghĩa của thuật ngữ bạn ám chỉ. Bởi chủ nghĩa nhân bản nào bất kì đều đặt trên
nền tảng quan niệm chủ quan về “con người”, lấy “nhân” làm trung tâm từ đó đưa
ra hướng giải quyết đầy tính “nhân bản” các vấn đề của/ liên quan đến con
người. Mà mỗi hiểu biết, mỗi quan điểm về con người đều đặt trên một diễn ngôn discourse
về con người. Tùy hiểu biết, hậu cảnh văn hóa, thế đứng và lợi ích, môi trường
xã hội quy định mà ta có mỗi chủ nghĩa nhân bản khác nhau, đa phần là đối kháng
hay phản bác nhau – kể cả chủ nghĩa nhân bản hiện đại. Sự khao khát và nỗ lực
trên không gì hơn tố giác rằng con người chưa đi vào trong lòng thơ. Họ vẫn mon
men hàng rào thơ để tìm hiểu thơ, nghĩa là vẫn còn tiếp cận thơ rất “siêu hình
học” – hiểu theo nghĩa Heidegger. Cơn khát thèm còn đẩy ta xa biệt khỏi tính
thể của thơ hơn nữa. Từ đó con người mãi làm kẻ lang thang vô gia cư với cõi
miền ta gọi là thơ. Nhìn một cách tinh yếu, thơ Việt đương đại cũng chịu
chung định mệnh với các diễn ngôn xảy ra trên thế giới, nghĩa là đầy tính “siêu
hình học” – cho dù chưa bao giờ ta đi rốt ráo một diễn ngôn nào bất kì.
Lối nói 'vô gia cư' ở trên không phải là sự tình cờ của ngôn ngữ biểu
hiện, mà là một hé mở cho con người nhìn thấy hiện trạng của định mệnh mình.
Rằng con người chưa cư trú trên mặt đất như là ở nhà, đang hiện trạng mất Quê
hương Homelessness (Heidegger). Chữ “cư lưu đầy thi tính” là của
Hoelderlin:
Ful of merit, yet poetically
man dwells on this earth
Giàu sang trong công danh sự nghiệp,
nhưng on người cư lưu đầy thi tính, trên mặt đất này.
Con người thi sĩ trước hết cần được tìm thấy chốn cư lưu đúng
nghĩa, sau đó mới nói đến sáng tạo. Tôi sinh ra ở đây, “đựng khối thịt da” của
sự phối hợp của ba mẹ tôi này, sống trong đất nước này, bị tác động bởi môi
trường tư nhiên và xã hội này, đã tiếp nhận nền giáo dục này, chịu sự giáo huấn
của tôn giáo hay ý hệ chính trị này, từng “vay – trả” bao nhiêu lợi ích từ mấy
thế hệ người thân này,… nghĩa là tôi luôn bị quy định, bị đóng vào thế giới có
sẵn. Tôi “bị quăng ném ra ở đó”, không thể chối. Vậy, làm sao có thể tự do khỏi
mấy nỗi kia mà không phải “vượt biên”? Một cách quyết liệt hơn: Làm sao có thể
“trú” mà vẫn “vô sở trú”?
Đầy thi tính là “giải” tất cả mọi diễn ngôn xưa nay về thơ. “Giải”
không phải là “hủy”, mà là hiểu và, để cho nó như là thế. Cư lưu
trên mặt đất đầy thi tính như là ở nhà, để sống và viết như hoa hồng nở bởi vì
hoa hồng nở. Cho nên mọi định tính, định hướng hay cấm cản thơ dưới bất kì hình
thức hay cấp độ nào đều là phản thơ, là phi tự do. Bởi thơ là tự do là sáng
tạo. Chỉ có tự do, thi sĩ mới mới có thể đưa ngôn ngữ thi ca nhập cuộc chịu
chơi, trò chơi của chính sinh mệnh mình và lớn hơn – Trò chơi của thế giới Le
Jeu du Monde.
Suy tư toàn cầu, hành động địa phương cục bộ. Khi tôi nhận biết ra
tôi là Chăm sinh ra tại Caklaing trong đất nước Việt Nam sống bập bênh giữa hai
thế kỉ XX và XXI, tôi chấp nhận định phận tôi, từ đó tôi dự phóng và hành
động trong chân trời khả thể. Tôi nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Chăm,
sáng tác thơ tiếng Việt và tiếng Chăm, phê bình trong nỗ lực khai mở vùng đất
cho nhiều trào lưu thơ ca cùng tồn tại, phát triển công bằng và lành mạnh. Dù
vô nghĩa, và vô ích - trong vô cùng tháng năm giữa mênh mông vũ trụ này. Thức
nhận như thế, tôi vẫn nỗ lực hết mình. Nỗ lực và hết mình mà không để cho bị
cầm tù trong thế giới vây quanh. Nói cùng thể cách: Hành động trong chân
trời khả thể thì cách biệt cả vực thẳm với “hoạt động trong điều kiện và
hoàn cảnh cho phép”. Nghĩa là tự do khỏi mọi giới hạn. Là thi sĩ có nghĩa là
không Chăm không Việt Nam,
không là Việt Nam
cũng không là thế giới. Hắn khiêm cung trong định phận của mình, cư trú tại nhà
nhưng hắn có cả thế giới trong mình.
Tôi là ai? Tôi biết gì? Tôi làm được gì? Không gì cả! Nhưng tôi vẫn phải hành
động trong chân trời khả thể của định mệnh vô nghĩa mình xẹt qua lâu dài
thời gian, nơi vùng đất tôi sinh ra và sống. Tôi thường trực tự thức sự thể. Tự
thức, tôi hết bám vào các công trình hay sự nghiệp, học vị hay chức vị, quốc
gia hay quốc tế, ý thức hệ tôn giáo hay chính trị, ranh giới địa lí hay biên
giới tinh thần, thôi còn đồng hóa tôi với chúng. Đồng hóa không mục đích gì hơn
làm trương nở tối đa cái tôi với tính cách là chủ thể tính. Cái tôi này xung
đột với [những] cái tôi khác gây bạo động và đau khổ. Tự thức, tôi hành động và
tự do như là một cư lưu đầy thơ mộng.
Hành động trong chân trời khả thể và tự do chính là cư lưu thơ
mộng.
Chỉ khi nào một nhà thơ Việt hiểu được bản sắc thơ Việt và, để
cho nó như là thế, thì hắn mới có thể có những ngày rỗng để học
(tiếng Chăm mưgru gồm: mư (tiền tố có nghĩa “mang chứa”) + gru
(thầy, sư): “có khả tính làm thầy”). Và chỉ khi nào hắn tìm học như là học,
hắn mới có khả tính sáng tạo. Cuối cùng khi hắn làm cuộc trở về cư trú trên mặt
đất như là ở nhà, hắn mới có thể nói đến chuyện làm thơ.
Trần Nhuận Minh: Thơ
phải làm giầu văn hoá, chứ không được chống lại văn hoá.
Hàng trăm năm nay, người ta bàn về thơ đã nhiều, có nhiều tập sách đã
thành kinh điển, trong đó có những đúc kết của những tài năng rất lớn, trí tuệ
rất cao sâu của cả nhân loại mà phải vài thế kỉ mới có một người… Cứ tưởng đến
thế là xong, ai ngờ không phải. Tất cả mới bắt đầu. Và người ta lại phải bàn
tiếp. Thơ vẫn là một cái gì bí ẩn, thăm thẳm xanh trước mặt như biển cả, tầng
tầng lớp lớp mênh mông như rừng đại ngàn. Không có chỗ tận cùng. Không ít
trường hợp, những bài thơ hay nhất thường được ra đời theo linh tính chứ không
phải theo lí luận và chỉ khi mình “vô ngã” thì nó mới thanh thoát, tự
nhiên. Cũng như tiếng rền của núi sông, nếp vằn của hổ báo, nào biết ánh
sáng bay trên đầu nó là ánh sáng nào.
Bất cứ cái gì ra đời, đều có
cái lí do chính đáng của nó. Những tìm tòi không
ngừng của các nhà thơ hiện đại hay hậu hiện đại, cùng nhiều xu hướng nghệ
thuật khác nhau, là nhằm khai thác
và thăng hoa cái phần còn lại, vẫn tiềm ẩn và thao thức trong sáng tạo những
giá trị tinh thần mới mẻ của con người. Và đi theo cái này, ủng hộ cái này,
không bao giờ nên bài xích hoặc ruồng bỏ cái kia, như tôn giáo và màu da, chúng
cần phải được cùng tồn tại, tôn trọng và bình đẳng trong mọi giá trị. Tôi nghĩ
thế và không hề lạnh nhạt hay thành kiến với các sáng tác theo các khuynh hướng
nghệ thuật khác tôi, thậm chí trái ngược với tôi. Bởi thơ là của muôn nhà, đến
từ muôn nẻo đường khác nhau, không chỉ của hiện thực cuộc sống mà còn của cả
cõi tâm linh xa xăm… Thơ, cũng vì thế, đến từ nhiều dân tộc, nhiều quốc gia
khác nhau, với nhiều ngôn ngữ, phong tục tập quán, thẩm mĩ và xu hướng nghệ
thuật khác nhau, cùng làm giầu sang thêm cho đời sống, góp phần nâng cao chất
lượng sống của con người. Dù đến từ bất cứ ngọn nguồn sáng tạo nào, thơ vẫn
phải đạt được hai yêu cầu. Một, phải làm cho con người sống với con người tốt
hơn, dù con người đó ở bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào và như thế, cái thước
để đo nó vẫn là giá trị nhân văn. Hai, làm giầu thêm cho văn hoá, chứ không
chống lại văn hoá.
NGÔ HƯƠNG GIANG
(Nguồn: Phong Điệp, bài đã đăng Văn nghệ trẻ)
(Nguồn: Phong Điệp, bài đã đăng Văn nghệ trẻ)
No comments:
Post a Comment