.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, February 11, 2012

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN: TINH THẦN VIỂN VÔNG LÀ THỨ CÓ LẼ RẤT GIÀU CÓ Ở MỘT “CƯỜNG QUỐC THI CA”?!

Xuân Tâm – nhà thơ cuối cùng được nhắc đến trong cuốn Thi nhân Việt Nam vừa ra đi vào chiều ngày 4.2, đúng dịp hội thơ 2012. Xuân Tâm của tập Lời tim non, của bài thơ Nghỉ hè nổi tiếng một thời ra đi ở tuổi 97. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân có cảm nhận về thơ ông: “Vui hay buồn ở Xuân Tâm đều có vẻ dịu dàng vừa phải...”

Sự ra đi của ông không được nhiều báo nhắc đến. Hoặc rất khiêm tốn, mẩu tin buồn về sự ra đi của thi sĩ danh tiếng một thời đã bị chìm đi dưới những bài viết trang trọng phản ánh không khí “event” (*) liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương và hoạt động ngày thơ muôn hồng nghìn tía ở các tỉnh thành trong nước.
Không thể đòi hỏi một cuộc truy điệu trang nghiêm khi mà nhắc đến Xuân Tâm của Thi nhân Việt Nam, không phải nhà thơ trẻ nào thời nay cũng biết. Nhìn rộng ra, ngay cả những thành tựu đóng góp của phong trào Thơ mới vào tiến trình thơ Việt Nam, hẳn không phải nhà thơ nào hôm nay cũng có sự nhận thức đủ.
Cũng dễ hiểu, thời của thông tin, mọi giá trị đôi khi dễ được ghi nhận theo hướng bề mặt và người ta dễ dàng chấp nhận sự bung xung xốc nổi của các sự kiện. Bản thân các sự kiện văn học hôm nay cũng chấp nhận số phận phù du. Sóng thông tin lớp sau vùi lớp trước.
Hôm nay, người làm thơ nhanh hơn và người đọc thơ cũng vội hơn.
Sự kiện gây chú ý của ngày thơ Việt Nam năm nay là “event” liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần 1 tại Hạ Long với sự tham gia của 71 đại biểu đến từ 28 quốc gia. Sự kiện này làm cho những người lạc quan về nền thơ ca Việt Nam dễ rơi vào tâm lý hưng phấn tột độ. Trước ngày liên hoan diễn ra, một nhà thơ trong ban tổ chức vì không cầm được cơn hưng phấn, đã đưa ra nhận định truyền thông, rằng “Việt Nam là một cường quốc thơ ca”. Nhận định trên gặp phải những phản ứng trái chiều của cộng đồng mạng.
Gần đây, bên Trung Quốc, người ta đưa ra một thuật ngữ mới là “sản lượng văn hoá”, để nhấn mạnh sự đóng góp của sản phẩm văn hoá xuất khẩu cho hình ảnh và tăng trưởng kinh tế quốc gia. Trung Quốc trong lịch sử, là nước có nền văn hoá ảnh hưởng lớn đến Nhật Bản và Hàn Quốc, song, ngày nay, họ thừa nhận rằng, phải học hai nước láng giềng này trong việc xây dựng thương hiệu và sức mạnh quốc gia từ xuất khẩu văn hoá. Nên sau cuộc chạy đua làm công xưởng thế giới, xuất khẩu hàng “made in China” (kể cả hàng nhái), thì Trung Quốc đang có chiến lược nâng cao “sản lượng văn hoá” quốc gia trên thị trường quốc tế.
Trong quản trị kinh tế, sản lượng được định nghĩa là “số lượng sản phẩm được sản xuất ra trong một thời gian nhất định”. Nếu mượn khái niệm này để áp cho thơ ở Việt Nam, thì có thể, lời nhận định đầy lạc quan của ông nhà thơ ban tổ chức liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương có căn cứ.
Vấn đề đặt ra, liệu số lượng thơ và các nhà thơ có đủ sức thuyết phục để tự phong đẳng cấp “cường quốc” hay không. Riêng người xưa, cũng đã có cái nhìn tự khe khắt trong đánh giá các sản phẩm sáng tạo rằng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nên im lặng và làm thơ, ngâm ngợi với nhau, chẳng ai tự đi vỗ ngực xưng danh rằng ta đang ở cường quốc thơ cho thiên hạ cười.
Dù sao, theo các bài báo tường thuật lại, thì các hoạt động trong khuôn khổ liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương đều đem lại sự hài lòng (và bịn rịn) cho chủ lẫn khách. Ít ra, nó giải quyết được một vấn đề cơ bản là “giải quyết khâu oai” cho những ai tự nhận mình đang làm thơ trong một “cường quốc thơ”.
Một trong những hiệu quả khác, có lẽ là cần cho đội ngũ nhà thơ vốn thừa bay bổng và hoang tưởng có cớ để nghĩ rằng, nền thơ ca của chúng ta đã quốc tế hoá tới nơi. Theo nghĩa là: nếu nền thơ ca giàu sản lượng của chúng ta không tự quốc tế hoá bằng giá trị của nó thì chúng ta sẽ dùng tiền người dân để tự quốc tế hoá nó lập tức ngay trong nhà của mình.
Trong thời buổi đời sống gạo châu củi quế, thì tinh thần viển vông là thứ có lẽ rất giàu có ở một “cường quốc thơ ca”?!
Về mặt truyền thông, có thể ngắn gọn ghi nhận rằng: trong ngày thơ năm nay, có một nhà thơ có đóng góp ra đi trong lặng lẽ, một không khí tưng bừng thơ ca muôn hồng nghìn tía tràn ngập. Và tất cả, là lãng quên, “sóng event” lớp sau xô lớp trước.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
(*) Từ thường dùng trong ngành quảng cáo, truyền thông, chỉ những sự kiện quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

No comments:

Post a Comment