Điều đáng nói là trong cuốn nhật ký này có nhiều nhận xét được ông Kim Ngọc thể hiện bằng thể… văn vần, hợp với cách diễn đạt quen thuộc của người từng là tá điền: "Cấy chay, cày gãi, bừa chui/ Mất mùa thì rõ kêu đời làm chi"; "Xe tư thì giữ như vàng/ Lau từng mắt xích, kẽ nan tai hồng"; "Xe công về quẳng xó nhà/ Quét bằng chổi xẻ, dội vài ba thau".
Một nhận xét chung, ông ghi nhật ký
rất cô đọng, rất thực tế và có chút hóm đượm chất dân gian. Anh Kim Nam từng
chiến đấu ở chiến trường B tâm sự: "Bố đã làm rất nhiều thơ tặng tôi.
Nhưng bố chỉ đọc cho mẹ nghe. Đến khi tôi về, thì mẹ mới đưa những bản thảo đó
cho tôi đọc. Thật tiếc, những bài thơ đó giờ không còn. Tôi đã làm thất lạc
chúng năm bố tôi ốm đau. Bố làm thơ, nhân ngày nhận được lá thư duy nhất tôi
gửi từ B2. Mẹ tôi thi thoảng vẫn đọc: Hôm nay nhận được thư con/Khác nào
nắng hạn gặp cơn mưa rào/ Bao mùa chinh chiến gian lao/Nhưng con đã lớn đã cao
với đời/ Mênh mông trái đất vòm trời/ Vừa qua mới chỉ bước đời phải đi/ Khuyên
con giữ trí kiên trì/ Ta đi đâu phải chỉ vì mình ta/ Tin vui ta viết vài câu/
Gửi người đồng chí bấy lâu xa nhà...".
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nguyên
Thường vụ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú có kể lại mấy trường hợp về Bí
thư Kim Ngọc. Ông tỏ ra rất thông cảm với cách sinh hoạt của anh em văn nghệ sĩ
thường bị không ít người gán cho cụm từ: "lạc điệu", "cần đưa
vào khuôn phép của tổ chức". Ông khẳng định: "Chúng ta đã nghèo,
không lo cho họ cho tử tế, kỷ luật mấy người đấy thì lấy ai vẽ tranh áp phích,
làm thơ viết văn, hát hò động viên phong trào đây?". Ông Kim Ngọc đã chỉ
bảo cách ứng xử cho cán bộ cấp dưới: "Anh em văn nghệ sĩ về với tỉnh,
không phải là tìm miếng chín của chúng ta. Nhưng không vì thế mà chúng ta sơ
lược trong mối quan hệ với anh em…".
Vào một tối mùa đông giá buốt năm
1973, tại đồi Sỏ Búa nơi cơ quan Ty Văn hóa đóng ngày sơ tán, đã ra mắt Ban vận
động Ban vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú. Khách
của Trung ương có các nhà văn Bảo Định Giang, Hà Mậu Nhai, Hà Minh Tuân, họa sĩ
Hồ Quảng…Cuộc họp đang trao đổi về sự cần đồng thuận khái niệm "Một nhà
hai mái" ( Ty Văn hóa , Hội Văn nghệ) chung một mục đích hoạt động theo
cách ví von của nhà thơ Huy Cận - Thứ trưởng Bộ Văn hóa.
Trong tranh luận về mối quan hệ giữa
văn nghệ địa phương với văn nghệ trung ương, có người quan niệm văn nghệ trung
ương là sản phẩm hạng nhất, văn nghệ địa phương là hạng nhì. Bí thư Kim Ngọc
chợt xuất hiện. Ông cáo lỗi với hội nghị lý do cuộc họp ban Thường vụ Tỉnh ủy
vừa kết thúc nên đến muộn. Ông Kim Ngọc đã trực tiếp gõ vào điều chúng tôi đang
tranh luận: "Một nhà hai mái nhưng chung một chiến hào trên mặt trận văn
hóa văn nghệ'. Về mối quan hệ văn nghệ địa phương, văn nghệ trung ương, ông dí
dỏm đặt vấn đề: "Tiếp khách của Trung ương hôm nay, ở trên bàn tôi chỉ
thấy có chè Hồng Đào, kẹo bánh Hải Châu, thuốc lá Thăng Long. Những thứ ấy các
anh ở Trung ương không còn xa lạ. Đáng lý ra trên bàn phải có quýt Hạ Hòa, bưởi
Chí Đám, chè móc câu Phú Thọ, thuốc lá Làng Chanh sợi vàng… sản vật nổi tiếng
của tỉnh đã có tiếng vang cả nước. Văn nghệ địa phương tỉnh ta góp cho văn nghệ
Trung ương các tác phẩm phải na ná như quýt, bưởi, chè, thuốc lá.
Điều nôm na tôi nêu lên không biết
các văn nghệ sĩ có đồng tình không?". Tiếng vỗ tay, nét mặt hân hoan của
các đại biểu lúc ấy còn lưu mãi trong tôi đến tận hôm nay. Ngày Đại hội thành
lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh vào quý I năm 1975, vừa bước vào hội trường,
ông vui vẻ, cởi mở hỏi: "Hội nghị các đồng chí có gì ăn tươi không? Văn
nghệ cũng phải góp sức làm nhiều thức ăn chứ?". Ông căn dặn lãnh đạo hội:
"Các đồng chí nhớ thực hiện đúng đường lối và đừng quên chế độ "chiêu
hiền đại sĩ". Nhớ thực hiện "đơn đặt hàng" của tỉnh này đấy
nhé".
Một Bí thư tỉnh ủy hiểu tâm tư văn
nghệ sĩ; được các thế hệ văn nghệ sĩ viết bài ngợi ca; kể ra cho đến nay ở nước
ta cũng không phải là nhiều.
Nguyễn Cảnh Tuấn
No comments:
Post a Comment