Thơ-đương-đại (thơ dòng chảy) đang bỏ rất xa thơ-giáo-khoa (thơ trong
nhà trường). Chính vì thế mới có ý kiến: Giảng dạy thơ ca trong trường học
hình như có những bất cập và hạn chế… Chúng ta cần phải có cách tiếp cận khác
và cách giảng dạy khác đi…
Vừa qua, báo điện tử VietNamNet đã tổ chức một buổi toạ đàm
trực tuyến Bóng dáng nàng Thơ trong cuộc sống hiện đại. Đây là cuộc
toạ đàm về thơ đầu tiên kể từ sau Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương lần
thứ nhất, diễn ra vào dịp đầu xuân Nhâm Thìn. Các khách mời là những tên tuổi
tiêu biểu của nền văn học đương đại, họ đại diện cho Hội Nhà văn Việt Nam (nhà
thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội), đại diện cho giới phê bình (nhà phê
bình Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam), và đại diện cho
những nhà thơ trẻ đương đại (nhà thơ Phan Hoàng, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà
văn TP.HCM). Tuy là một cuộc trao đổi ngắn ngủi, nhưng buổi toạ đàm đã nêu ra
được nhiều vấn đề đáng chú ý, suy nghĩ về thơ Việt Nam đương đại.
I. KHI CÁC HÌNH THỨC CỦA ĐỜI SỐNG THAY ĐỔI, HÌNH THỨC CỦA
THƠ CA CŨNG THAY ĐỔI.
Cùng với sự phát triển đáng kinh ngạc của internet, đặc biệt là sự nở rộ
của các trang mạng xã hội, về phương diện thông tin liên lạc, sự kiện, thể
thao, văn hóa và giải trí, nhân loại đã xích lại gần nhau hơn, đã có cùng nhịp
đập quan điểm hơn, để tạo nên những làn sóng phản hồi mạnh mẽ trước các sự kiện
nóng bỏng đang diễn ra trong đời sống. Ví như cái cách mà thế giới đương đại
đang cùng nhau cập nhật từng phút về cuộc truy sát trùm khủng bố Bin Laden; hay
cái cách mà thế giới hiện đại chung tay chia sẻ những nạn nhân của vụ động đất
Haiti, vụ sóng thần ở Nhật Bản,… Nói một cách khác, về phương thức tiếp cận và
phản hồi thông tin của của nhân loại đã có sự thay đổi.
Với các trang mạng xã hội, các diễn đàn, thế giới hiện đại đã PHẲNG hơn.
Phẳng, vì bất cứ ai, bất kể tuổi tác, màu da, trình độ học vấn, hay tầng lớp xã
hội… đều có thể dễ dàng nói lên những suy nghĩ của mình về một vấn đề nóng bỏng
nào đó bằng những phản hồi tức thì. Và như thế, nhân loại đã cùng nhau góp phần
tạo nên một cục diện thế giới hiệnđại đa chiều, tức thì và nhiều màu sắc hơn.
Nói gần lại, nhìn từ Việt Nam, cách đây 30 năm, trong tâm trí người dân
luôn hiện hữu một suy nghĩ, một mối quan tâm là “Ngày mai cả nhà mình sẽ ăn gì?”.
Câu hỏi thường trực đó đã từng là một suy nghĩ của một thời đại. Còn bây giờ,
con nói với cha, bạn bè đồng nghiệp nói với nhau,… họ nói chuyện về cuộc sống
đói khổ của người dân châu Phi, về tương lại của Putin, về các cực của thế
giới, về thế lực mới nổi của Trung Quốc, về sự bất ổn của nền kinh tế thế giới,
về nợ công của Hy Lạp, về sắc đẹp của tân Thủ tướng Thái Lan Yingluck, hay về
những buổi tiệc tùng của nguyên Thủ tướng Ý Berlusconi,…
Vậy là, gần 30 năm sau hòa bình, người dân Việt Nam đã bắt đầu thể hiện
mối quan tâm về tình hình thế giới. Đây là bước chuyển biến rất đáng ghi nhớ
trong đời sống tinh thần của người Việt. Và sự chuyển biến trong đời sống tinh
thần này đã kéo theo sự phát triển của nền văn học nói chung và thơ ca nói
riêng. Hình như dân tộc Việt chỉ như đứa trẻ mới lớn và bắtđầu biết quan tâm
đến thế giới xung quanh.
Tuy nhiên, sự thực thì trong tiểu thuyết 69 của nhà văn Ryu
Murakami, tác giả đã làm sống động lại một năm 1969 đầy biến động của thanh
niên Nhật Bản. Thời điểm đó, thanh niên Nhật phản đối quân đội Mỹ đóng quân tại
xứ sở mình, xuống đường biểu tình chiến tranh Việt Nam, nghe nhạc The Beatle,
yêu Marylin Monroe,… Từ lâu họ đã có mối bận tâm với thế giới. Rõ ràng, đời
sống tinh thần của họ đã đi trước chúng ta vài thập niên.
Nói vậy để thấy rằng sau giai đoạn sóng trào của Thơ Mới, hiện nay, lịch
sử thơ ca Việt Nam đang chứng kiến một đợt sóng trào khác, một sự thay đổi lớn,
cả về nội dung lẫn hình thức. Với sự cởi mở của internet, chúng ta đã thoát ra
khỏi “giường chiếu hẹp”, ra khỏi “mái nhà tranh rũ bóng xuống tâm hồn”. Chúng
ta đang ca bài đồng ca cùng thế giới.
Vậy nhưng, sao lại có ý kiến cho rằng đọc thơ và phát hiện thơ đích
thực rất khó (nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp- N.Đ.Đ). Hoặc như “thơ bây giờ
không hay bằng cách đây vài chục năm vì không có vần”!
Đầu tiên, hãy cùng điểm lại những tên tuổi thơ ca đương đại đang rất
nóng trên văn đàn hiện nay, như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Mai Văn
Phấn, Phan Hoàng, Nguyễn Quyến, Ly Hoàng Ly, Đỗ Doãn Phương,… Họ đều là những
tên tuổi chủ chốt của nền thơ ca Việt Nam đương đại. Hầu hết tác phẩm của họ
đều bỏ khá xa Thơ Mới của những năm 30 của thế kỷ trước. Họ không bị ràng buộc
bởi niêm luật, hình thức, vần vèo. Họ chơi thơ, thả thơ, họ tự do, để được cháy
bỏng, tuôn trào thể hiện những ý niệm mới trong đời sống đương đại. Nên cũng có
lý khi có người gọi thơ-đương-đại hiện nay là “Thơ dòng chảy”.
Và khi Hội Nhà văn Việt Nam mạnh dạn xé rào để vinh danh những cách tân
thơ như các trường hợp “Sự mất ngủ của lửa”, “Bầu trời không mái che”…
và mới đây nhất là “Hoan ca” thì một sự thật bi hài cũng đã bộc
lộ. Đó là sự vênh nhau giữa thơ-giáo-khoa và thơ-đương-đại.
Thơ-đương-đại (thơ dòng chảy) đang bỏ rất xa thơ-giáo-khoa (thơ trong
nhà trường). Chính vì thế mới có ý kiến: Giảng dạy thơ ca trong trường học
hình như có những bất cập và hạn chế… Chúng ta cần phải có cách tiếp cận khác
và cách giảng dạy khác đi… (nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - N.Q.T)
Thơ ca cũng như âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, kiến trúc, điện ảnh,… là
những thể loại nghệ thuật phải học cách thưởng thức. Chúng ta đòi hỏi nhà
thơ đổi mới thì người đọc cũng phải đổi mới. Khi nhà thơ đổi mới mà người đọc
vẫn nhìn nhà thơ với quy chế cũ thì điều này thật đáng buồn. (N.Đ.Đ)
Nếu nhà thơ - những người sẵn có trình độ thưởng thức thơ – cứ làm mỗi
một việc là tìm tòi cái mới, chiếm hữu cái mới mà lại không chia sẻ cách thưởng
thơ mới, cách tiếp nhận thơ mới cho độc giả,thì cuối cùng chỉ có họ chơi với
nhau. Thế nên, song song với việc sáng tác, nhà thơ đương đại cũng nên coi việc
nâng cao tính thẩm mỹ cho độc giả cũng là việc quan trọng, cần được lưu tâm, để
ý. Đó là một vấn đề vất vả nhưng chúng ta cần phải khởi động và tính lại.(N.Q.T)
Trong mọi loại hình nghệ thuật, việc phê bình luôn luôn đi sau việc sáng
tác. Phê bình mang tính hoàn thiện sáng tác. Tuy nhiên, nền phê bình lại phụ
thuộc và bị định đoạt bởi số đông người thưởng thức. Khi công chúng không thấy
hay mà phê bình lại khen hay thì cần phải xem lại. Vì vậy, muốn tìm lối thoát
cho phê bình, cách làm hay hơn hết là làm thay đổi cách tiếp cận thơ ca của
công chúng. Khi số đông độc giả tự xé cái hàng rào thơ-vần thì họ sẽ không bị
sốc thơ bởi thơ-đương-đại nữa. Và khiđộc giả thay đổi mức thưởng thơ để chấp
nhận thơ-đương-đại thì lúc đó việc phê bình thơ ca cũng sẽ khởi sắc.
Chính thế, việc giúp công chúng bắt kịp với những xu hướng thơ mới là
một việc không thể xem nhẹ, trong bất kỳ giai đoạn văn học nào.
II. NGHỆ THUẬT KHÔNG THỂ SỐT RUỘT
Có một vài thời điểm, một con người cần bánh mỳ hơn là hoa hồng, và lịch
sử của một dân tộc, hay của một nhân loại cũng thế. Từ Việt Nam cho đến thế
giới, tình yêu đối với thơ ca có đôi khi cũng bị chùng xuống.
Trên thế giới, thơ ca cũng đang quẫy đạp dữ dội để có những sáng tạo
mới, để tìm thấy những vẻ đẹp mới. Thơ ca trên bình diện thế giới cũng đang sốt
ruột để tìm lại chỗ đứng quan trọng vốn có xuyên suốt trong lịch sử nhiều triệu
năm của nhân loại.
Việt Nam, 20 năm sau chiến tranh, khi kinh tế dần ổn định thì người ta
đang tìm cách để quay trở lại với thơ ca. Và liên tiếp suốt một thập kỷ tiếp
theo, Ngày Thơ luôn được tổ chức mỗi năm một cởi mởhơn, không khí hơn, trang
trọng hơn. Công chúng kéo đến với ngày thơ mỗi năm một đông đảo hơn. Và đến lần
thứ 10, năm 2012, Ngày Thơ Việt Nam thực sự là một lễ hội lớn, mang tầm khu
vực, khi lần đầu tiên được Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp tổ chức cùng Liên hoan
Thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất. Điều đó chứng tỏ thơ ca vẫn có một
chỗ đứng rất trọng thị trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, nỗ lực xã-hội-hóa-thơ-ca cũng có nhiều điều đáng bàn. Thứ
nhất, cần phải phân định rạch ròi giữa xã-hội-hóa-thơ-ca và
bình-dân-hóa-thơ-ca. Thơ ca luôn luôn là một loại hình nghệ thuật gần gũi nhất
với con người. Tính gần gũi của thơ ca thể hiện ở tính tinh gọn trong hình
thức, tính đơn giản trong phương thức sáng tác cũng như tiếp cận, tính phổ biến
nhờ phương thức truyền khẩu bằng các nhiều ngôn ngữ,tính công bằng trong công
chúng (ai cũng có thể đến với thơ ca). Vậy nhưng, khi đã gần gũi với thơ ca,
con người thường có một cung cách ứng xử suồng sã quá mức, dẫn đến tình trạng
nhầm lẫn chức năng của thơ ca, dẫn đến việc hình thành bộ phận nhỏ người hư
danh, muốn nhanh chóng trở thành nhà thơ nổi tiếng bằng mọi giá, mà quên
rằng để trở thành một nhà thơ đích thực phải có một quá trình. (nhà
thơ Phan Hoàng - P.H)
Thứ hai, xã-hội-hóa-thơ-ca có cần đến PR không? Câu trả lời là có. Tuy
nhiên, các hình thức PR lại là một vấn đề đáng xem xét. Đã có rất nhiều thử
nghiệm PR cho thơ ca bằng cách kết hợp với những loại hình nghệ thuật khác như
nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật hình thể, nghệ thuật in
ấn,… Tuy nhiên đôi khi sự quá đà đã làm biến-tướng-hóa thơ ca, khiến cho người
đến nghe thơ không khỏi sốc trước những màn “diễn” múa may quay cuồng. Câu hỏi
nghi vấn trong lòng công chúng là: Người ta – những nhà thơ – kịch-hóa thơ ca
đạt được mục đích gì? khi mà trên sân khấu nhà thơ cứ quay cuồng trình diễn,
còn công chúng phía dưới không khỏi hoang mang, ngờ vực.
10 năm sau, 20 năm sau, 50 năm sau, biết ai sẽ vẫn còn nhớ những Giang
Nam, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Duy, Phan Hoàng… đứng lặng
người trên sân khấu, đọc giản dị những bài thơ, hay công chúng sẽ nhớ những tác
phẩm trình diễn hình thể tình tứ của Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh,...? Cách
thể hiện một bài thơ là một vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên có
một quan điểm đại diện cho thơ TPHCM cũng đáng để suy nghĩ: Điều khác biệt
của TP.HCM với Hà Nội là không có những trình diễn thơ trong Ngày Thơ hàng năm.
Thơ là một cái gì đó mang vẻ đẹp thầm lặng, là sự giao lưu của nhà thơ với bạn
đọc chứ không phải là nơi để trình diễn (P.H). Thơ ca đến với công chúng
một cách trực cận nhất, không tuồng, không kịch. Thơ chỉ đơn giản là thơ.
Thứ ba, xã-hội-hóa-thơ-ca bằng việc mạnh dạn thúc đẩy nhanh bánh xe tiến
trình lịch sử. Cần phải mạnh dạn thừa nhận những giá trị xưa đã cũ, đã qua
thời, để đi tìm những giá trị mới hơn. Những giá trị mới lại tùy thuộc vào thế
hệ mới, nhân sự mới, mà trong đó lớp nhà thơ trẻ đương đại hiện nay đang là chủ
chốt. Một bài thơ vừa viết xong đã là một bài thơ không còn gì mới mẻ nữa, nó
đã cũ, huống hồ những bài thơ của phong trào Thơ Mới cách nay những gần một thế
kỷ. Đừng mãi vin vào một điểm sáng nào đó mà lay lắt, trong khi hành trình phía
trước của cả dân tộc còn rất dài. Tính sáng tạo, tính phong phú của các nhà
thơ sẽ là nguồn sống cho thi ca. Vì vậy khi những người trẻ có những sáng tạo
thì hãy trân trọng họ. (N.Q.T)
Thứ tư, đối với việc tiếp nhận tác phẩm thơ ca, tất cả cần có sự
trong sáng, trung thực và lắng nghe. Sự công bằng khởi đầu bằng thái độ khi
đánh giá một tác phẩm đó. Trong nghệ thuật thơca, một nhà thơ, mỗi ngòi
bút, hay mỗi thử nghiệm mới của họ, dù hay dở thì đều là những viên gạch đáng
trân trọng để bánh-xe-thơ-ca được tiến tới. Thế nên, cần đón nhận tác phẩm
với một sự trong thị và nghiêm cẩn, và loại bỏ những ý kiến có sựthù hằn cá
nhân.(N.Q.T)
Thứ năm, việc cứu thơ không thể sốt ruột, nghệ thuật không thể sốt
ruột. Cái chết với thi ca trong 5 năm, 10 năm không phải là một quá trình
dài và đáng báo động, nếu so với một hành trình hình thành dài hơi của lịch sử
thi ca. Cái chết đó thực ra chỉ là một quãng nghỉ giữa các đợt sóng thơ ca. Và
hãy cứ tin rằng, sau một giai đoạn hơi chững lại, ngôn ngữ thi ca, thi pháp
có bước tiến mới (N.Đ.Đ).
HOA NÍP
(Nguồn: nhavantphcm)
No comments:
Post a Comment