.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, February 22, 2012

TS TRẦN TRỌNG DƯƠNG: “ĐINH BỘ LĨNH - LOẠN SỨ QUÂN: TỪ SỬ LIỆU TỚI SỬ THỰC” (PHẦN II)

4. Sử liệu và sử thực về cục diện loạn sứ quân
 Trong giai đoạn thế kỷ X, chính quyền trung ương của người Việt tuy đã được thành lập, nhưng sự cát cứ cục bộ của các thế lực hào trưởng, các dòng họ phiệt duyệt vẫn luôn xảy ra. Trong thời gian trị vì của Hậu Ngô vương, có thể đếm được ba bốn điểm cát cứ (còn được sử ghi lại), ấy chính là động Hoa Lư của Đinh Bộ Lĩnh, Thao Giang của Chu Thái[1] và đất Thái Bình[2] của hai thôn (họ) Nguyễn- Đường (nơi Nam Tấn Vương đã tử trận), còn phải kể thêm sự cát cứ ngấm ngầm của Trần Lãm ở Bố Hải khẩu. Các lợi ích nhóm dòng họ có thể là một nguyên nhân dẫn đến sự cát cứ của các sứ quân đối với nhà Ngô. Nhưng, theo chúng tôi, đó là nguyên nhân thứ yếu. Nguyên nhân trực tiếp và trước nhất là từ những sự kiện về một “nhân vật khuất lấp” trên chính trường thế kỷ X trong một số sử liệu dẫn ra sau đây.
Sử liệu 1: Ngũ Đại sử[3] của Âu Dương Tu[4] (1007 - 1072), phần Nam Hán thế gia (Quyển 65) ghi:
交州吳昌文卒其佐呂處玶與峰州刺史喬知祐爭立交趾大亂驩州丁璉舉兵擊破之(Ngô Xương Văn ở Giao Châu chết, Tá của ông này là Lã Xử Bình cùng Phong châu Thứ sử Kiều Tri Hựu tranh lập, Giao Chỉ đại loạn, Hoan Châu Đinh Liễn cử binh kích phá đám ấy).
Sử liệu 2: Tục tư trị thông giám trường biên [5]của Lý Đảo[6] (1115- 1184) ghi:
静海節度使吳昌文卒其叅謀吳處玶峯州刺史橋知佑武寧州刺史楊暉牙將杜景碩等争立交阯十二州大亂盗羣起始楊庭藝為静海節度使遣牙將丁公著攝驩州刺史公著死子部領繼之於是部領與其子璉同帥兵三萬人擊破處玶等境内以安遂自立為萬勝王以璉為静海節度使(Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Ngô Xương Văn chết, Tham mưu của Văn là Ngô Xử Bình, cùng Phong Châu Thứ sử Kiều Tri Hựu, Vũ Ninh châu Thứ sử Dương Huy, Nha tướng Đỗ Cảnh Thạc, bọn ấy cùng tranh lập. Mười hai châu của Giao Chỉ đại loạn, trộm cướp cùng dấy. Trước, Dương Đình Nghệ làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, sai Nha tướng Đinh Công Trứ nhiếp Hoan châu Thứ sử. Công Trứ chết, con Bộ Lĩnh nối chức ấy. Khi đó, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn cùng thống soái ba vạn người đánh phá bọn Xử Bình, đất ấy mới yên, bèn tự lập làm Vạn Thắng Vương, lấy Liễn làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ)
Sử liệu 3: Sách Cửu triều biên niên bị yếu[7] của Trần Quân[8] đời Tống (960–1279) ghi:
乾徳初昌文死其謀呉處玶與諸將爭立攝讙州刺史丁部領與其子璉統兵三萬破處玶等自領交州境内” (Năm đầu đời Kiền Đức, Xương Văn chết, Tham mưu Ngô Xử Bình cùng các tướng tranh nhau nổi lên. Nhiếp Hoan châu Thứ sử Đinh Bộ Lĩnh và con là Liễn thỗng lĩnh ba vạn quân binh phá được bọn Xử Bình, rồi tự trị đất Giao Châu)[9]

Sử liệu 4: Sách Ngọc hải[10] quyển 133 của Vương Ứng Lân (1223-1296)[11] đời Tống ghi:
皇朝乾徳初其部内亂有攝驩州刺史丁部領與其子璉率衆討平之部民共立部領為交州帥” (Hoàng triều ta năm đầu của niên hiệu Kiền Đức, bộ ấy nội loạn, có Nhiếp Hoan châu Thứ sử Đinh Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đem quân đi thảo phạt bọn làm loạn. Dân bộ ấy lập Bộ Lĩnh là Giao châu soái).

Sử liệu 5: Văn hiến thông khảo[12] quyển 330 Mã Đoan Lâm[13] (1254 - 1324) ghi:
州將呉昌岌遂居其位昌岌死其弟昌文承襲宋乾德初昌文死其參謀呉處玶峰州刺史矯知武寧州刺史楊暉牙將杜景碩等爭立管内十二州大亂部民嘯聚起為宼盗攻交州先是楊廷藝以牙將丁公著攝驩州刺史兼禦蕃都督部領即其子也公著死部領繼之至是部領與其子璉率兵擊敗處玶等賊黨潰散境内安堵部民德之乃推部領為交州帥號曰大勝王 (Châu tướng Ngô Xương Ngập bèn lên ngôi, Xương Ngập chết, em là Xương Văn thừa tập. Đầu niên hiệu Kiền Đức nhà Tống, Xương Văn chết, Tham mưu của Văn là Ngô Xử Bình, Phong châu Thứ sử Kiều Tri Hộ, Vũ Ninh châu Thứ sử Dương Huy, Nha tướng Đỗ Cảnh Thạc bọn ấy tranh lập. Mười hai châu nội quản đại loạn, dân bộ ấy cũng kêu nhau tụ tập mà dấy lên làm trộm cướp đi đánh phá Giao châu. Trước, Dương Đình Nghệ lấy Nha tướng Đinh Công Trứ nhiếp Hoan châu Thứ sử, cùng nhiếp Ngự phiên Đô đốc là Bộ Lĩnh (con của Công Trứ vậy). Khi Công Trứ chết, Bộ Lĩnh nối chức ấy. Đến đây, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đem binh đánh bại bọn Xử Bình, tặc đảng tan vỡ, cảnh nội đều yên, dân ơn đức ấy bèn suy Bộ Lĩnh làm Giao Châu soái, hiệu là Đại Thắng Vương).
Sử liệu 6: Sách An Nam chí lược của Lê Trắc 黎崱 đời Trần soạn năm 1335 mục Ngũ đại tiếm thiết (những kẻ tiềm thiết đời Ngũ Đại) ghi:  
-(đến khi Ngô Xương Văn chết, thì có bộ thuộc là Ngô-Bình (tức Lữ Xử Bình), giành làm vua; Đinh Bộ Lĩnh giết Ngô Bình, lãnh nước Giao Chỉ, tự xưng là Vạn Thắng Vương, lại tự ý cho con Liễn làm Tiết Độ Sứ).[14]
-宋初丁部領簒呉太祖封丁氏王爵(Đầu đời nhà Tống, Đinh Bộ Lĩnh cướp ngôi họ Ngô, Thái Tổ phong tước vương cho Đinh Thị)[15]
-昌文卒其佐吳處玶峰州刺史矯知寧州刺史楊暉牙将杜景碩等争立既而丁部領平之遂有其地 (Văn chết, Tá của Văn là Ngô Xử Bình, Thứ Sử Phong Châu Kiều Tri Hộ, Thứ-Sử Ninh-Châu Dương-Huy và bọn nha-tướng Đỗ-Cảnh- Thạc tranh lập, rồi đều bị Đinh-Bộ-Lĩnh dẹp yên, mà chiếm cứ đất ấy)[16]
Sử liệu7: Tống sử kỷ sự bản mạt[17]của Phùng Kỳ[18] (1558- 1604) quyển 2 có đoạn:
乾德初節度使呉昌文死其將呉處玶爭立驩州刺史丁部領擊敗處玶等自領交州帥號大勝王 (Đầu niên hiệu Kiền Đức, Tiết độ sứ Ngô Xương Văn chết, tướng của Văn là Ngô Xử Bình tranh lập. Hoan Châu Thứ sử Đinh Bộ Lĩnh đánh bại bọn Xử Bình, tự lĩnh làm Giao Châu Soái, hiệu là Đại Thắng Vương)
Sử liệu 8:  Sách Thập quốc xuân thu quyển 60 của Ngô Nhậm Thần[19] đời Thanh ghi:
初吴昌文卒其參佐吕處玶與峯州刺史喬知祐爭構亂丁部領率其子璉擊敗處玶” (Xưa, Ngô Xương Văn chết, Tham tá của Văn là Lã Xử Bình cùng với Thứ sử Phong Châu Kiều Tri Hựu tranh nhau gây loạn, Đinh Bộ Lĩnh dẫn con là Liễn đánh bại Xử Bình).
Sử liệu 9: Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ khắc in năm 1800 ghi:
(Xét Thập quốc thế gia Ngô Xương Văn mất ở Giao Châu, tướng tá của ông là Lã Xử Bình và Thứ sử Phong Châu là Kiều Tri Hựu tranh nhau lên thay. Giao Chỉ đại loạn, Đinh Liễn ở Giao Châu đánh tan hai người ấy, Xưởng giao cho Liễn làm Tiết độ Giao Châu…Bính Dần năm thứ 16 [966]…Bọn quan Tham mưu của Ngô vương là Ngô Xử Bình (một bản chép là Ứng Bình) Thứ sử Phong Châu là Kiều Tri Hựu, Thứ sử châu Vũ Ninh là Dương Huy, Nha tướng là Đỗ Cảnh Thạc, tranh nhau lên ngôi. Trong nước khắp nơi nổi loạn, ai nấy đều chiếm cứ quận ấp, mưu thôn tính lẫn nhau)[20].
Sử liệu10: Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng (1828-1910) đời Nguyễn ghi:
時吴昌文參佐吕處玶與峯州刺史喬知祐爭立部與其子璉擊破之遂乘勝降范防破杜洞(杜景碩) 所至克號萬勝王(Bấy giờ, viên Tham tá của Ngô Xương Văn là Lữ Xử Bình tranh ngôi với thứ sử Phong Châu là Kiều Tri Hựu. Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đánh phá được. Liễn thừa thắng bức hàng Phạm Phòng Át, phá Đỗ Động (Đỗ Cảnh Thạc), đi tới đâu thắng tới đó, hiệu là Vạn Thắng Vương)[21].
4.1. Lã Xử Bình- sứ quân khuất lấp
Các sử liệu trên cho thấy, “nhân vật khuất lấp” trên chính trường của loạn sứ quân mà Đại Việt sử ký toàn thư  không nhắc đến chính là Lã Xử Bình. Lã Xử Bình là bộ tướng/ tham mưu/ tham tá cho Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, được Nam Tấn Vương trọng thị đến mức ban cho quốc tính: Ngô (Xử) Bình. Khi Nam Tấn Vương chết trận tại thôn Đường- Nguyễn ở đất Thái Bình, có lẽ chính Lã Xử Bình là người tiếp quản quân đội chính quy của nhà Ngô. Nói một cách khác, với tư cách là một người tham tá thân cận, với tư cách là một tướng quân đang ở ngoài trận, Lã Xử Bình đã thâu tóm toàn bộ quyền lực quân đội chính quy về tay mình, tức là cướp quyền “điều binh khiển tướng” từ tay nhà Ngô. Theo chúng tôi, việc Lã Xử Bình tiếm quyền họ Ngô chính là nguyên nhân quan trọng nhất gây nên tình trạng cát cứ của các tướng lĩnh nhà Ngô.
Đến đây ta mới hiểu vì sao, hơn 500 con cháu họ Ngô[22] không ở kinh đô Cổ Loa mà phải chạy sang nương nhờ đại tướng Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang (Thanh Oai?/ Quốc Oai?, Hà Nội ngày nay). Các bộ sử đời sau ghi chép một cách phiến diện rằng: các sứ quân tranh nhau nổi dậy khi Nam Tấn Vương chết; cách ghi như vậy vô hình chung là một sự “vơ đũa cả nắm”, biến một số sứ quân của triều Ngô thành những người gây loạn, hơn nữa là phản loạn. Từ các sử liệu đã nêu, người dấy loạn trước nhất trên cục diện chính trị nhà Ngô năm 965 chính là Lã Xử Bình. Lã Xử Bình nắm được binh quyền của quân đội chính quy nhà Ngô. Điều này gây nên sự hỗn loạn trên chính trường cũng như trong đội ngũ quân binh. Hơn 500 con cháu họ Ngô đã phải bỏ chạy khỏi Cổ Loa và nương nhờ lão tướng trung thành Đỗ Cảnh Thạc. Và có lẽ rằng, theo 500 người này còn có khá nhiều thuộc tướng cũng như binh sĩ đã trốn khỏi hàng ngũ của Lã Xử Bình mà về với phe chính nghĩa/ chính thống. Cho nên, xét cán cân lực lượng lúc bấy giờ  thì Đỗ Cảnh Thạc và 500 con cháu họ Ngô mới là mạnh hơn cả. Lã Xử Bình chỉ chiếm được thành Cổ Loa và với số quân ít ỏi, đành dựa vào thành cao hào sâu mà cố thủ. Hoặc giả có dám xuất quân thì cũng chỉ là đi đánh các sứ yếu hơn như Kiều Công Hãn (Tri Hựu, Tri Hỗ, Tam Chế) ở Phong Châu như một số sử liệu đã ghi. Họ Ngô mất binh quyền và kinh đô, nhưng vẫn còn lòng dân; lúc tang gia bối rối và phân tán  lực lượng chưa thể lập vua mới, nên các “hùng trưởng mới đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ” (ĐVSKTT tr. 208). Việc “tự giữ” này thực chất là hành động “tự cai quản” theo chế độ nhà Ngô, chứ không thể nghe theo sự sai khiến của Lã Xử Bình. Chúng tôi cho rằng, hai chữ “tự giữ” của Đại Việt sử ký toàn thư là có lý[23]. Nhưng, trong cảnh “đục nước” ấy, hẳn nhiều vị sứ quân cũng đã lộ rõ ý đồ riêng tây, cái cảnh “không ai chịu thống thuộc vào ai” cũng là lẽ thường tình của sự thế. Chiến sự có xảy ra thì cũng là một khả năng, nhưng với tình hình sử liệu hiện tại, chúng tôi chỉ thấy khả năng chiến sự giữa Đinh Bộ Lĩnh với các lực lượng còn lại mà thôi[24].
4.2. Tự vương Ngô Xương Xí
Tiếp theo, chúng tôi muốn thảo luận thêm về người kế vị tương lai của họ Ngô trong giai đoạn này. Theo chúng tôi, người xứng đáng kế ngôi tương lai không ai khác chính là Ngô Xương Xí- con trai thứ hai[25] của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập. Khi ông chú ruột Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất năm 965, Ngô Xương Xí đã 19 tuổi. Và với mô hình từ nhượng hiếu đễ đậm chất Nho gia của Nam Tấn Vương, thì Xương Xí-nhân vật thuộc dòng trưởng của Tiền Ngô Vương Quyền, mới là người xứng đáng được vị vua này cất nhắc vào vị trí tự vương (vua kế vị tương lai). Chính vì thế Ngô Xương Xí được ông chú giao nhiệm vụ trấn giữ Ái Châu (đất mồ mả tổ tông), vừa là đất trọng địa chiếm giữ phía Nam, tạo thành thế gọng kìm kẹp Đinh Bộ Lĩnh ở giữa. Đại Việt sử ký toàn thư ghi khoảng thời gian từ năm 965- 967, là quãng thời gian của “Ngô sứ quân” (Ngô Xương Xí), nối tiếp sau thời đại trị vì của  Tiền Ngô Vương- Dương Tam Kha và Hậu Ngô Vương. Có thể thấy sự trang trọng này qua cách trình bày của nguyên bản Toàn thư, Ngoại kỷ Q.V, trang 25a-25b, cũng như phần bản dịch của Ngô Đức Thọ được in đậm, còn các sứ quân khác thì chỉ là phụ chép, xem ảnh bên dưới[26].

Trang                                                     25b
               25a
Ký hiệu  (từ phải sang trái):
khung nét to: Ngô sứ quân (phàm nhị niên: tổng cộng 2 năm);
Khung nét nhỏ (thụt đầu dòng): phần in đậm trong bản dịch của Ngô Đức Thọ: “họ Ngô, tên húy là Xương Xí,…là cháu gọi Nam Tấn Vương bằng chú.”
Ngoài khung: các sứ quân và diễn biến Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp quân nhà Ngô và các sứ.

Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ chép mục NGÔ SỨ QUÂN như sau: “Vua (TTD nhấn mạnh) húy là Xương Xí, khi Thiên Sách Vương đi lánh nạn lấy con gái ở giang Nam Sách, sinh ra vua, là con cháu con chú của Nam Tấn Vương, ở ngôi được hai năm”[27]. Cách đọc của Ngô Thì Sĩ là có cơ sở. Tuy nhiên, điểm tế nhị ở chỗ, Ngô Xương Xí ở thời điểm đó vẫn đang còn “tiềm để” (chờ đăng quang), chưa chính thức lên ngôi hay đúng hơn không thể lên ngôi.
Vậy tại sao Ngô Xương Xí không những không thể lên được ngôi vua, mà còn bị sử đời sau ghi là sứ quân? Theo chúng tôi, nguyên nhân khá rõ ràng, là bởi vì liên minh Đinh Bộ Lĩnh- Trần Lãm, vào năm 965, đã cắt lãnh thổ và lực lượng quân đội nhà Ngô làm đôi. Ở tuyến đất liền từ Ái Châu ra Cổ Loa, họ Ngô không thể đi qua Hoa Lư vì lúc này (năm 965) Đinh Bộ Lĩnh sau 15 năm luyện quân đã trở thành một lực lượng thống lĩnh cả vùng. Ở tuyến thủy lộ, liên minh Trần Lãm- Phạm Phòng Át đã bịt kín các cửa biển cửa sông. Thế gọng kìm mà nhà Ngô dựng nên để hãm Hoa Lư đã bị bẻ gãy làm hai, và trở nên phản tác dụng. Lực lượng quân đội chính triều ở ngoài bắc còn đủ mạnh để dẫn quân chinh phạt, hòng thay đổi tình thế, còn hai cánh quân của Ngô Xương Xí và Ngô Nhật Khánh có thể coi chỉ là đủ sức cầm cự và phòng ngự trong đất Ái Châu mà thôi (xem bản đồ dưới). Chính vì sử gia đời sau chưa xét đến điểm tế nhị này nên đã liệt Ngô Xương Xí vào hàng sứ quân[28].
Bản đồ tình thế nhà Ngô năm 965-967.
Ký hiệu: gạch đen lớn, trỏ thế liên quân Đinh Bộ Lĩnh- Trần Lãm- Phạm Phòng Át.
Các gạch liền trỏ lực lượng chính thống của con cháu nhà Ngô.
4.3. Cục diện các sứ quân
Cục diện của loạn sứ quân, thực chất có thể vạch ra ba tuyến lực lượng như sau:
1.                          Về lực lượng của triều đình nhà Ngô: gồm Đỗ Cảnh Thạc (và 500 con cháu họ Ngô) ở Đỗ Động Giang, Ngô Xương Xí ở Binh Kiều đất Ái Châu (Triệu Sơn, Thanh Hóa, ngày nay), Ngô Nhật Khánh (châu Đường Lâm, nam Thanh Hóa bắc Nghệ An ngày nay) và có thể một số sứ quân khác chưa xác định được.
2.                          Về lực lượng tiếm quyền:  chỉ có quân của Lã Xử Bình bị cô lập tại Cổ Loa.
3.                          Về lực lượng cát cứ: gồm liên quân của Trần Lãm (và Ngô phó tướng) ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình ngày nay) với Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư và Phạm Phòng Át chiếm Đằng Châu (Hưng Yên ngày nay).
Có thể là quân tiếm quyền do Lã Xử Bình đứng đầu không đủ mạnh để tiến đánh lực lượng của nhà Ngô, nên phải thu về phòng thủ trong thành Cổ Loa. Lực lượng nhà Ngô (Đỗ Cảnh Thạc) có thể đã tiến đánh Cổ Loa, nhưng kinh đô này vốn là một thành trì kiên cố bậc nhất vào thời bấy giờ, cho nên việc đánh hạ có lẽ đã không thực hiện được. Rất tiếc những chi tiết trên chỉ là đoán định, bởi sử liệu không hề cho biết diễn biến đối đầu giữa hai lực lượng này.  
Cục diện chiến tranh có thể thấy rõ nhất là cuộc đối đầu giữa lực lượng Đỗ Cảnh Thạc (quân chính quy nhà Ngô) và nhóm của Trần Lãm- Đinh Bộ Lĩnh. Đại Việt sử ký toàn thư chép: năm 967 khi Trần Lãm chết, 500 con cháu nhà Ngô ở Đỗ Động Giang đã cùng tướng Đỗ Cảnh Thạc cất quân đến đánh Bố Hải Khẩu, rồi bị Ngô phó sứ của Trần Lãm đánh bại ở Ô Man[29]. Đinh Bộ Lĩnh nghe tin ấy, thừa thắng đem quân (có lẽ là hợp quân với Bố Hải Khẩu) đến triệt hạ quân nhà Ngô ở Đỗ Động Giang. Sử liệu chỉ ghi rất vắn tắt là các bộ lạc “đều khuất phục” (vô bất phục) [ĐVSKTT tr.209]. Có thể nói, đây là diễn biến quan trọng nhất của chính trường nhà Ngô. Sau trận chiến then chốt này, lực lượng chủ đạo của Đỗ Cảnh Thạc và 500 con cháu nhà Ngô có thể đã bị tiêu diệt (hoặc hoàn toàn hoặc phần thì bị giết, phần thì trở thành tù binh của Đinh Bộ Lĩnh). Theo gợi ý trong các sử liệu của Trung Quốc (đã dẫn), chúng tôi đặt giả thuyết rằng Đinh Bộ Lĩnh đã thừa thắng tiêu diệt luôn lực lượng của Lã Xử Bình tại Cổ Loa và Kiều Tam Chế ở Phong Châu. Đại Việt sử ký toàn thư ghi “từ đó lại dân ở kinh phủ đều khâm phục theo về. Nhà Ngô mất”. Hai chữ “kinh-phủ” cho thấy, việc đánh diệt Cổ Loa là có thể xảy ra. Nhưng, cũng có thể việc hãm thành đã khiến cho quân của Lã Xử Bình buộc phải đầu hàng.
Như vậy, với việc tiêu diệt đội quân chính thống của nhà Ngô và quân tiếm quyền Lã Xử Bình, thì Đinh Bộ Lĩnh đã nổi lên như một người thống nhất quyền lực bằng sức mạnh quân sự của mình. Sau khi Đỗ Cảnh Thạc và 500 con cháu nhà Ngô bị tiêu diệt, cục diện chính trị đã rõ ràng là nghiêng hẳn về họ Đinh. Một số sứ quân khác, vốn chỉ “tự giữ chức” tại lãnh địa của mình, giờ biết rằng “vận trời” (chữ dùng của Ngô Sĩ Liên) đã về tay họ Đinh nên đều quy thuận để tránh sự đụng độ mà ảnh hưởng đến sinh mệnh cá nhân và quyền lợi gia tộc. Quyền lực đã về một mối. Lãnh thổ được nhất thống.
Tóm lại, từ những sử liệu mới được công bố hoặc tái phát hiện, bài viết đã lần lượt thảo luận về vai trò của Đinh Bộ Lĩnh và bản chất cục diện của loạn sứ quân. Có thể nhận định như sau.  
(1) Cục diện cát cứ ở triều nhà Ngô đã lộ rõ từ năm 951 với Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư, ngoài ra còn phải kể đến liên minh họ Đường- họ Nguyễn ở Thái Bình, và Chu Thái ở Thao Giang. Cát cứ là tình trạng chung của cả ba triều đại Ngô- Đinh- Tiền Lê ở mọi thời điểm. Các nhân sự cát cứ thường là các vọng tộc cũ thời Bắc thuộc, hay thuộc tướng của các vị soái vương tiền nhiệm (đã mất), ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt các man động của người thiểu số ở các miền trung du phía Bắc và phía Tây Ái châu (Thanh Hóa ngày nay).
(2) Cục diện các sứ quân thực sự xảy ra toàn diện từ năm 965-967. Chúng tôi đề xuất nên nhìn nhân sự của cuộc động loạn này theo ba phe chính: (a) phe họ Ngô (gồm Đỗ Cảnh Thạc, con cháu họ Ngô cùng một số sứ quân khác); (b) phe các sứ quân nổi loạn (Đinh Bộ Lĩnh, Trần Lãm, Phạm Phòng Át), và (c) phe tiếm quyền của Lã Xử Bình. Trên quan điểm đương triều (Ngô) để xác định chính ngụy thì phe Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh và Đỗ Cảnh Thạc không nên gộp nhập vào gọi là “sứ quân”; trong khi đó các lực lượng quân sự cần bổ sung trên bản đồ chính trị vào thời điểm này nên là Lã Xử Bình, Dương Huy và Đinh Bộ Lĩnh. Đây là con số cũng khá đẹp để bù lại ba nhóm Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Xương Xí và Ngô Xương Văn.
(3) Cục diện các sứ quân còn nên nhìn nhận lại trên bình diện “động thủ- tự giữ” của các nhóm thế lực. Với sử liệu hiện nay, có thể chia thành hai nhóm như sau: (a) Nhóm các thế lực động thủ tham chiến, gồm Đỗ Cảnh Thạc, Ngô phó sứ (Trần Lãm), Đinh Bộ Lĩnh, Phạm Phòng Át, Lã Xử Bình, Kiều Tam Chế; (b) Nhóm các thế lực tự trị- tự giữ (theo chế độ nhà Ngô và chờ thời thế) gồm: Ngô Nhật Khánh[30], Ngô Xương Xí[31], và một số sứ quân khác (hiện chưa xác định được)[32]… Một số hoạt động của các nhóm thế lực này được sử nhắc đến hầu như chỉ là việc tự giữ đất và xưng “Công” làm hùng trưởng (chứ không phải xưng Vương- làm quốc trưởng).
(4) Đinh Bộ Lĩnh là lực lượng cát cứ, nổi dậy sớm nhất, tồn tại lâu nhất, và cuối cùng đã đứng đầu lực lượng liên minh mạnh nhất đủ thể đánh bại quân nhà Ngô và thống lĩnh các lực lượng quân sự khác. Ông cát cứ tại Hoa Lư từ năm 951 đến năm 965. Trong thời gian 15 năm này, ông đã tiến hành luyện quân và liên kết với sứ Trần Lãm để chuẩn bị cho những thời cơ mới. Từ năm 965 đến năm 967, thế tam phân trong cục diện chính trị đã diễn ra. Cuối cùng, năm 967, với một số chiến thắng quan trọng trước Đỗ Cảnh Thạc (500 con cháu họ Ngô), Lã Xử Bình và Kiều Tam Chế, Đinh Bộ Lĩnh đã giành được thế thượng phong, đủ để chấm dứt sự tại vị của nhà Ngô, đồng thời buộc các sứ quân khác của nhà Ngô phải theo về dưới trướng của mình.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lấy pháp hiệu Cồ Thành, đóng đô ở Hoa Lư, xưng tôn hiệu Đại Thắng Minh hoàng đế, xây dựng nhà nước đa giáo (trong đó nổi lên mô hình “nội Pháp ngoại Phật”), đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt[33], … Sang năm sau, ông thực hiện hàng loạt các hôn nhân kiểu liên minh quyền lực với các sứ quân khác[34] nhằm xoa dịu những mâu thuẫn và thù hận qua những năm tháng chiến tranh. Nhưng lịch sử luôn đem đến những bài học bất ngờ. Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn- người con trai giống ông nhất về bản chất tâm tính[35], đã bị ám sát bởi một âm mưu hoàn toàn khác, và cái cách chuyển nhượng quyền lực từ họ Đinh sang họ Lê là điều mà khi sống ông không thể tưởng tượng ra được.

Từ Liêm, ngày 29/12/2011

Trần Trọng Dương, Viện NC Hán Nôm
Độ dài văn bản: 14.500 chữ



[1] Đặng Xuân Bảng. sdd. tr.61. “Trước đây, người Thao Giang là Chu Thái quật cường không chịu phục. Vương đích thân đi đánh. Bắt Thái đem chém”. Như vậy, Thao Giang là điểm cát cứ đã được Nam Tấn Vương bình định. Có lẽ, trong 15 năm trị vì của mình, Nam Tấn Vương đã thực hiện nhiều cuộc dẹp loạn và cát cứ như vậy. Duy có Hoa Lư và Thái Bình thì ông chịu thất bại. Những việc dẹp loạn này xảy ra phổ biến cả ở đời Lê Hoàn, và Lê Ngọa Triều. Khảo sát, cắm bản đồ cho các điểm chinh phạt cát cứ này sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn tình hình mở rộng lãnh thổ quốc gia.
[2] Đường thư, Địa lý chí nói nhà Đường cắt huyện Thái Bình đặt làm huyện Phong Khê,
lại nói Phong Khê thuộc Phong Châu, "hai thôn Thái Bình, Đường Nguyễn có lẽ ở đấy" (CMTB4, 11b).
[3] Sách Ngũ đại sử五代史do歐陽修 đời Tống soạn, Từ Vô Đảng徐無黨chú. Sách còn gọi là Tân ngũ đại sử  hay Ngũ đại sử ký là một bộ chính sử nhưng do cá nhân biên soạn. Âu Dương Tu tiến hành biên soạn từ năm 1036 đến năm 1054 (mười tám năm). Tân ngũ đại sử gồm bảy mươi tư quyển, bao gồm Bản kỷ 12 quyển, Liệt truyện 45 quyển, phỏng theo bút pháp xuân thu có bao biếm bình thán, trong đó đặc biệt đề cao tính chất khảo cứu. Các bộ sử khác thường soanh theo thể chí (chép), nhưng tác giả dựa trên nguyên tắc “dĩ lễ tu sử” cho rằng đời ngũ đại hỗn loạn, điển chương chế độ không có gì có thể giữ nên không thể dùng phong cách chí được. Đời đời Kim, sách được đưa vào học quan, trở nên cực kỳ phổ biến.
[4]  Âu Dương Tu tự là Vĩnh Thúc, hiệu Túy Ông hay Lục Nhất Cư Sĩ, là người đứng đầu của vận động cổ văn đời Bắc Tống, nằm trong bát đại gia đời Đường Tống. Ông đồng thời là một sử gia nổi tiếng, từng phụng mệnh vua cùng với nhóm Tống Kỳ biên soạn cuốn Tân Đường thư. Chủ trương chính trị “sùng Nho phục cổ của ông có ảnh hưởng đậm nét đến quan điểm “tu sử” trogn các tác phẩm sử học của ông.
[5] Tục tư trị thông giám trường biên là một cuốn đoạn đại biên niên sử lớn nhất trong số các trước tác sử học tư nhân thời cổ của Trung Hoa. Nguyên có chín trăm tám mươi quyển, nay chỉ còn năm trăm hai mươi quyển.  Lý Đảo phỏng theo thể lệ trong Tư trị thông giám của Tư Mã Quang, chép sử từ đời Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận cho đến Tống Khâm Tông Triệu Hoàn Tĩnh Khang, chép chín triều nhà Tống trong 168 năm. Cuốn sử này được các học giả đời cận đại đánh giá rất cao. Cuốn sử này ngoài việc tham khảo các chính sử, thực lục còn tham cứu thêm các gia lục, dã ký, có hiệu khám đồng dị, đính chính nghi lầm, khảo chứng tường tận, thảy đều có căn cứ. Nguyên tắc của tác giả là “thà chịu phồn tạp còn hơn giản lược”( 宁失於繁﹐无失於略), nếu có những ghi chép bất đồng đều giữ nguyên để chờ khảo cứu tiếp, đồng thời lại có góp thêm những nhận định riêng của mình về những đồng dị đó. Vì thế này này cùng loại với sách Thông giám khảo dị. Khi sưu tầm tư liệu, ông làm phiếu và các hộp phích cho từng năm xắp xếp theo trình tự thời gian. Cuốn này được coi là một trong những sự tịch cơ bản đề nghiên cứu về các nhà Liêu, Tống, Tây Hạ,… Chín trăm tám mươi quyển sau này bị thất tán, hiện chỉ còn thấy 520 quyển trong Tứ khố toàn thư Vĩnh Lạc đại điển.
[6] Lý Đảo 李燾(1115- 1184) tự là Nhân Phủ, Tử Chân, hiệu Tốn Nham, người Đan Lăng-My Châu (nay là huyện Đan Lăng, tp My Sơn, tỉnh Tứ Xuyên), năm 1138 đỗ Tiến sĩ, được điều làm Hoa Dương Bạ. Năm 1172 làm Lô Châu Tri châu. Thời Vương học thịnh hành, ông chuyên chú cổ tịch, lấy sử làm trách nhiệm cá nhân. Ông phỏng theo Tư trị thông giám của Tư Mã Quang viết nên cuốn Tục tư trị thông giám trường biên. Trải làm quan đến Lễ bộ Thị lang, Tiến Phu Văn Các Học sĩ kiêm Thị độc, Đồng tu quốc sử. Tác phẩm của ông khá nhiều, có Tốn Nham văn tập , Tứ triều thông sử , Xuân thu học…hơn năm mươi loại, phần lớn đều thất truyền. Hiện chỉ còn Tục tư trị thông giám trường biên, Lục triều chế địch đắc thất thông giám bác nghị六朝制敌得失通鉴博议(10 quyển), Thuyết văn giải tự ngũ âm vận phả说文解字五音韵谱(10 quyển). Đời Thanh đều nhập vào Tứ khố toàn thư.  
[7] Cửu triều biên niên bị yếu là sách hợp lại từ Biên niên cử yếu Bị yếu . Đương thời vốn là một sách, nhưng sau cuốn Cử yếu thất lạc, chỉ còn lại phần này. Sách này ghi chép thực lục và nhật lịch cũng như toát yếu lại sách Tục thông giám trường biên续通鉴长编của Lý Đảo李焘, lại thâu chép , bảo cứu từ các sách của hơn mười nhà khác như Tư Mã Quang, Từ Độ, Triệu Nhữ Ngu...
[8] Trần Quân陳均 (?-?) người đời Nam Tống, tự Bình Phủ平甫, hiệu Vân Nham, người đất Bồ Điền莆田. Mã Lâm Đoan trong Văn Hiến thông khảo ghi ông có các sách Biên niên cử yếu (ba mươi quyển), Bị yếu (14 quyển). Nay đều đã thất truyền.
[9] Đoạn này còn thấy chép trong các sách Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm 御批歷代通鑑輯覽quyển bảy mốt và Tống sử kỷ sự bản mạt 宋史紀事本末quyển hai.
[10] Ngọc hải là bộ loại thư quy mô rất lớn của Vương Ứng Lân đời Nam Tống, gồm 200 quyển, phân làm các mục Thiên văn, Địa lý, Quan chế, Thực hóa,…tổng cộng 21 môn loại, được Tứ khố đề yếu đánh giá “các loại thư Đường Tống không có tác phẩm nào vượt hơn được”. Bộ sách này thâu gộp các “thực lục” và “quốc sử nhật lịch” thời Tống, được đánh giá là rất có giá trị về mặt sử liệu. Cuốn cuối cùng của bộ này còn phụ thêm bốn quyển Từ học chỉ nam辞学指南 và 13 cuốn do ông soạn như Thi khảo诗考, Thi địa lý khảo诗地理考
[11] Vương Ứng Lân王应麟 (1223- 1296) tự là Bá Hậu, hiệu Hậu Trai, người huyện Cẩn (Nay là Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang), đỗ tiến sĩ năm 1241, điều làm Tây An Chủ bạ. Năm 1256, trúng khoa Bác học hoành từ, lại rời làm Thái Thường Chủ bạ… Sau làm quan đến Lễ bộ Thượng thư kiêm Cấp sự trung. Vương Ứng Lâm là học giả nổi tiếng thời Tống mạt, trứ tác dày dặn, nhưng ảnh hưởng nhất đến đời sau thì có Khốn học kỷ văn困学纪闻, Ngọc hải . Ngoài ra còn có cuốn Thâm Ninh tập (đã mất). Chỉ có quyển ba bảy ba tám Lưỡng Tống danh hiền tiểu tập两宋名贤小集còn được chép trong Vương Thượng thư di cảo王尚书遗稿. Niên phả Thâm Ninh Tiên sinh niên phả深宁先生年谱về ông được Tiền Đại hân chép. Các truyện về ông còn thấy trong Tống sử. 
[12] Văn hiến thông khảo文献通考của Mã Đoan Lâm gồm 24 môn loại, 375quyển. Sách ghi từ thượng cổ đến những năm Gia Định đời Nam Tống. Thể lệ theo lối thông điển. Nhưng lại đặt “thực hóa” (sản vật) lên hàng đầu cho thấy tác giả rất coi trọng thương mại và kinh tế. Ngoài ra, phần Lễ điển chiếm trọn 100 quyển, Xã giao khảo chiếm 60 quyển. Với tác phẩm này, Mã Đoan Lâm được coi là người đưa thông khảo lên một bước phát triển mới.
[13] Mã Đoan Lâm (1254- 1323) tự Quý Dư, hiệu Trúc Châu, người Lạc Bình, Nhiêu Châu (Lạc Bình, Giang Tây ngày nay), cha ông là Mã Đình Loan- Thừa tướng cuối cùng của triều Nam Tống từng giữ các chức Quốc sử viện Biên tu, Thực lục viện Kiểm thảo. Ông là mộ trong những sử gia tiến bộ thời cổ, phát triển thể thể điển chí với thể tài tân sử thư do Đỗ Hựu sáng lập, tức là lấy sự loại làm đối tượng nghiên cứu đồng thời phát huy lối hội thông của Trịnh Tiều.
[14] Lê Trắc.( 1335) An Nam chí lược. Mạnh Nghị Trần Kinh Hòa dịch  (1960, tb 2002). Nxb Thuận Hóa- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Huế.  tr.53.
[15] Lê Trắc.( 1335). Sdd. tr.224.
[16] Tham khảo thêm bản dịch của Trần Kinh Hòa, [Lê Trắc.( 1335). Sdd. tr.227].
[17] Tống sử kỷ sự bản mạt宋史纪事本末là sử thư ghi chép lịch sử hơn 300 nhà Tống (960- 1279), dùng thể tài kỷ sự bản mạt, viết nối theo cuốn Thông giám kỷ sự bản mạt 通鉴纪事本末, tổng cộng có 109 quyển, do của Trần Bang Chiêm陳邦瞻 đời Minh soạn tiếp nối theo các tác giả trước đó là Phùng Kỳ馮琦và Thẩm Việt沈越. Sách hoàn thiện năm Vạn Lịch 22 (1604) . Kỷ sự bản mạt là thể tài lấy sự kiện lịch sử làm đối tượng, ghi chép trọn vẹn một sự kiện lịch sử từ đầu đến cuối. Thể tài này khắc phục được lối biên niên phân tán và lối kỷ truyện phồn tạp.    
[18] Phùng Kỳ (1558- 1604) tự là Dụng Uẩn, hiệu Trác Am, chắt của Phùng Dụ. Tiến sĩ năm 1577. Trải giữ các chức Biên tu, Thị giảng, Lễ bộ Hữu thị lang, …Tác phẩm có Tông Bá tập宗伯集(81 quyển), Du Dã Nguyên ký游冶源记, Du Thạch Môn sơn ký游石门山记, Túc quan thường sớ肃官常疏
Trần Bang Chiêm (1557-1623), tự Đức Viễn, người Cao An. Tiến sĩ năm 1609. Trải giữ các chức Nam Kinh Đại Lý tự Bình sự, Nam Kinh Lại bộ Lang trung, Chiết Giang Tham chính, Phúc Kiến Án sát sứ,…
[19] Ngô Nhậm Thần吴任臣, học giả đời Thanh, nhà tàng thư lớn của thời này. Ông vốn tên Ngô Chí Doãn, hiệu Thác Viên. Ông nội làm Phúc Kiến Bô điền tịch, sau theo cha đến Nhân Hòa (Hàng Châu, Chiết Giang ngày nay). Năm Khang Hy thứ tám (1679) tiến cử Bác học Hồng từ khoa, giữ chức Kiểm thảo. Thích đọc kỳ thư, thích sưu tập sách vở. Ông sưu tập các sách vở chép việc từ đời Đường về sau thành bộ Thập quốc xuân thu十国春秋gồm 114 quyển. Tác phẩm biên soạn có Chu lễ đại nghĩa周礼大义, Tự vị bổ 字汇补, Xuân thu chính sóc khảo biện春秋正朔考辨, Thác Viên thi văn tập托园诗文集, Sơn hải kinh quảng chú山海经广注.
[20] Ngô Thì Sĩ. 1800. Đại Việt sử ký tiền biên. Bản khắc triều Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm hiệu đính. Dương Thị The, Lê Văn Bảy, Nguyễn Thị Thảo, Phạm Thị Thoa dịch chú. Lê Duy Chưởng hiệu đính. Nxb KHXH. Hà Nội. 1997. tr.146.
[21] Đặng Xuân Bảng. sdd. tr.62. Nguyên bản tr.40.
[22] Keith Weller Taylor đọc nhầm sử liệu, coi nhà Ngô chỉ còn có số quân là 500 người, và ông giải thích rằng đây chứng tỏ sự suy yếu của nhà Ngô sau nhiều năm đi dẹp loạn. [1982: 278]. Trong khi Toàn thư ghi: 及明公卒會杜洞江吳先主子弟五百人餘率眾來攻(Khi Minh Công mất, gặp lúc bọn con em của Ngô Tiên chúa ở Đỗ Động Giang hơn 500 người đem quân đến đánh) [sdd. 209]
[23] Nguyễn Danh Phiệt cũng đồng thuận với cách ghi trên của Toàn thư Việt sử lược để phủ định lại việc “các thổ hào cứ tụ tập quân đánh lẫn nhau” trong Cương mục.  Ông viết: “Liệu có thể từ những điều ghi chép của Việt sử lược Toàn thư để chuyển dịch sang hình thức nội chiến giữa các sứ quân như Cương mục đã chép được không? Kiểm tra qua thần tích, truyền thuyết, cho đến nay, tuyệt nhiên chưa hề gặp một chi tiết nào nói đến chuyện đánh lẫn nhau trong số 12 sứ quân.” Tuy rằng, ông vẫn dùng “truyền thuyết” như một cứ liệu tối hậu để kiểm tra chính sử. Song, chúng tôi chấp nhận ông ở hai điểm: ông dùng hai sử liệu cổ hơn để phê phán sử liệu muộn hơn; và dùng thần tích để soi chiếu cho sử liệu. Thời điểm biên soạn, và số lần biên soạn là hai tiêu chí quan trọng ở đây. Cứ liệu truyền thuyết chỉ nên coi là tham khảo. Chúng tôi quan niệm, thần tích là một dạng văn bản hóa “truyền thuyết dân gian”, và các truyền thuyết được sưu tầm điền dã, là các tư liệu có ý nghĩa cho nghiên cứu tín ngưỡng ở góc độ nhân học;  truyền thuyết không phải là sử liệu, cho nên càng không thể dùng nó để phê phán sử liệu. Dù vậy, trong truyền thuyết không phải là không có yếu tố sự thật. Từ truyền thuyết truyền khẩu, từ truyền thuyết đã thần tích hóa đến sử thực là có một khoảng cách khá xa, phải rất thận trọng để không nhầm giữa tín niệm dân gian (đối tượng của folklore) và sử thực (đối tượng của sử học).
[24] Nguyễn Danh Phiệt đã có những nghiên cứu chi tiết và toàn diện về quá trình Đinh Bộ Lĩnh chinh phục các sứ quân. Cụ thể xin xem [Nguyễn Danh Phiệt 1990: tr.67-75].
[25] Con trai cả của Ngô Xương Ngập là Ngô Chân Lưu. Ngô Chân Lưu như vậy là cháu đích tôn của Ngô Quyền. Nhưng Ngô Chân Lưu đã xuất gia từ năm 944- khi ông nội Ngô Quyền mất, và bố đẻ Xương Ngập bị Dương Tam Kha truy sát nhiều lần. Trong thời gian trốn chạy tại Trà Hương thuộc Nam Sách Giang (Nam Sách, Hải Dương ngày nay), Xương Ngập lấy con gái của ân nhân Phạm Lệnh Công và sinh ra Ngô Xương Xí. Như vậy, Ngô Xương Xí là anh cùng cha khác mẹ với Ngô Chân Lưu. Toàn thư ghi Xương Xí “là cháu gọi Nam Tấn Vương bằng chú” là chính xác. Ngô Chân Lưu sinh năm 933, đến năm cha ông bị truy sát (năm 945), thì ông đã 13 tuổi. Cứ coi như Ngô Xương Xí lấy bà thứ ngay năm này thì phải đến năm sau Ngô Xương Xí mới ra đời. Như vậy, Ngô Xương Xí kém Ngô Chân Lưu ít nhất 14 tuổi. Tức mốc thời gian Xương Xí ra đời sớm nhất là vào năm 946. [vấn đề mối quan hệ của hai nhân vật này xin xem thêm Trần Trọng Dương. Khuông Việt thiền sư hay phức thể dung hội Nho Phật. Kỷ yếu Hội thảo Phật giáo – Văn học với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nxb Văn hóa. 2010. tr.97-109.]
[26] Việt sử lược lại chép rằng, thời họ Ngô trị vì như sau: “Từ Tiền Ngô Vương đến Hậu Ngô Vương gồm có 3 đời vua. Bắt đầu từ năm Mậu Tuất (năm 938- ND) và chấm dứt vào năm Ất Sửu (năm 965- ND) cộng tất cả 28 năm thì mất.” Cách chép này đã không thấy kiểu ghi chính thống quan phương như Đại Việt sử ký toàn thư đã nêu. Giai đoạn 965-967 được định danh một cách ngắn gọn là “Mười hai sứ quân”. Cách duy danh như vậy, theo chúng tôi là có vấn đề, như đã nêu.
[27] Ngô Thì Sĩ. 1800. Đại Việt sử ký tiền biên. Bản khắc triều Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm hiệu đính. Dương Thị The, Lê Văn Bảy, Nguyễn Thị Thảo, Phạm Thị Thoa dịch chú. Lê Duy Chưởng hiệu đính. Nxb KHXH. Hà Nội. 1997. tr.146
[28] Đến như Ngô Thì Sĩ cũng vậy, trên ông chép Ngô Xương Xí là vua. Nhưng đoạn dưới lại trượt theo cách bao biếm của nhiều sử gia trước ông mà phê phán Ngô Xương Xí như sau: “Ngô sứ quân là con thứ của dòng họ lớn nối cơ nghiệp đã suy của cha chú, ngôi báu mất, lòng người chia lìa, hào kiệt thừa cơ mà nổi dậy, chia cắt huyện ấp, cắn xé lẫn nhau, thế mà [Xương Xí] đã lấy chút đèn tàn ở xứ Bình Kiều mà dự vào hàng ngũ sứ quân” [Ngô Thì Sĩ. 1800. sdd. Tr.149]
[29] Ô Man có lẽ là quê- hoặc đất phân phong của Ngô phó sứ. Ngô Thì Sĩ cho rằng Ngô phó sứ ở đây chính là Lã Xử Bình, ông viết: “Thập quốc chí chép: Đinh Bộ Lĩnh và con là Liễn đánh bại bọn Xử Bình. Ở đây chép là đánh Ngô phó sứ, ắt là Xử Bình không còn nghi ngờ ghì nữa, mà Tiên Hoàng dẹp được 12 sứ quân, trận này là trận cơ bản. Sử không chép rõ đấy thôi”. [Ngô Thì Sĩ. 1800. Đại Việt sử ký tiền biên. Bản khắc triều Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm hiệu đính. Dương Thị The, Lê Văn Bảy, Nguyễn Thị Thảo, Phạm Thị Thoa dịch chú. Lê Duy Chưởng hiệu đính. Nxb KHXH. Hà Nội. 1997. tr.148]. Theo logic sự kiện như Toàn thư ghi: Đỗ Cảnh Thạcvà 500 con cháu họ Ngô nhân Trần Lãm mất mà dẫn quân tiến đánh sứ quân của ông này ở Bố Hải Khẩu. Như thế, Ngô phó sứ ở đây là phó sứ của Trần Lãm, chứ không phải là Ngô Xử Bình- tham tá của Xương Văn. Vả lại, Xương Văn là vua, chứ không phải Sứ quân. Như thế, đất Ô Man của Ngô phó sứ là nằm trong lãnh địa của Trần Lãm. Có sách cho lãnh địa của Trần Lãm thời đó tên là Trường Châu. Nếu thuyết này đúng thì Trần Lãm nguyên là Trường Châu Thứ sử của nhà Ngô.
[30] Việt sử cương mục tiết yếu ghi không thống nhất về hiệu của Ngô Nhật Khánh trong giai đoạn loạn sứ quân. Phần liệt kê của 12 sứ thì ghi Ngô Nhật Khánh xưng là Ngô Lãm Công, đoạn sau khi viết về việc Nhật Khánh xẻo má vợ, chửi nhạc phụ Đinh Tiên Hoàng rồi sang cầu viện binh Champa thì lại ghi “trước xưng là An Vương cùng 12 sứ quân chiếm đất xưng hùng” [sdd. Tr.66]. Theo chúng tôi, hiệu An Vương là do Đinh Bộ Lĩnh phong cho phò mã của mình, đó là vừa úy lạo về  mặt hôn nhân vừa xoa dịu về quyền lợi và quyền lực. Xong, như ta biết, việc xoa dịu ấy chỉ có tác dụng khi Đinh Tiên Hoàng còn sống. Mối thù “bắt nạt mẹ con ta” (chữ của Nhật Khánh) thực chất là hàm ý mối thù dòng họ và triều đại hơn nữa là mối nợ máu (con cháu họ Ngô đã bị giết bởi Đinh Tiên Hoàng trong trận Đỗ Động Giang).
[31] Còn một băn khoăn nữa là sau trận chiến thắng Đỗ Động Giang của Đinh Bộ Lĩnh thì Ngô Xương Xí đã hoàn toàn biến mất khỏi sử sách. Nguyễn Danh Phiệt đã bổ sung bằng các cứ liệu thần tích. Đây có thể coi là giả thuyết đáng lưu ý. Song chúng tôi không nêu lại ở đây.
[32] Nguyễn Danh Phiệt đã dựa trên khá nhiều thần tích để dựng lại quá trình chinh phục các sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh. Những nghiên cứu ấy cho rằng thần tích là một loại sử liệu. Tuy nhiên, văn bản học của thần tích địa phương là một vấn đề trước nay còn bỏ ngỏ.
[33] Xem thêm Trần Trọng Dương. 2009.  Khảo về Đại Cồ Việt- nước Việt- nước Phật giáo. Tc Hán Nôm số 02/2009.tr.53-75.
[34] Tạ Chí Đại Trường tỏ ra có lý khi lý giải như sau: “Sau khi binh lực Hoa Lư chiến thắng thì dùng phương tiện thông gia để hy vọng kéo dài sự liên kết…” [Tạ Chí Đại Trường. 2009. Bài sử khác cho Việt Nam (Sơ thảo). Văn Mới. USA. tr.128]
[35] Kinh tràng do Suy Thành Thuận Hóa, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, Đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư, Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn dựng năm 979 để cầu siêu linh hồn Thái Tử Hạng Lang Đại Đức Đính Noa Tăng Noa có câu giải thích cho hành động giết em như sau: “giành quan chăng nhường ghế, trước hạ thủ là hơn”(tranh quan bất nhượng vị, tiên hạ thủ vi lương). [Xem thêm các bản dịch trong Văn bia chùa Phật đời Lý. Nxb KHXH. Hà Nội.2011; Hà Văn Tấn. Chữ trên đá- chữ trên đồng- minh văn và lịch sử. Nxb KHXH. Hà Nội.2002]

No comments:

Post a Comment