.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, February 9, 2012

‘‘NƠI TỔ CHỨC NGÀY THƠ NGUYÊN TIÊU ĐẦU TIÊN’’ – CÁC VĂN NHÂN PHÚ YÊN, QUẢNG NINH, TÂY NINH ĐANG TRANH CHẤP BẢN QUYỀN VĂN HÓA VÀ SỰ THẬT Ở ĐÂU?


PHẢI CHĂNG TÂY NINH ĐÃ CÓ NGÀY THƠ NGUYÊN TIÊU TỪ NĂM 1901?

Trần Hoàng Vy
Theo sách “Tây Ninh xưa và nay” của tác giả Huỳnh Minh, ở phần “Tây Ninh qua các bộ môn văn nghệ”, có đoạn viết: “Âm lịch năm Tân Sửu (1901) tháng giêng, nhân dịp Bạch mai trổ hoa, làng thơ Tây Ninh tổ chức cuộc hành hương lên núi Điện Bà, có rước Nguyệt Anh (Sương Nguyệt Anh) nữ sĩ tham dự, luôn tiện thưởng hoa Bạch mai, thừa hứng ngâm đề, nêu câu giai tác…”
Góp mặt trong cuộc “Nguyên tiêu thắng thưởng” này, Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đã hứng bút đề thơ, sáng tác một bài thơ Quốc âm “Vịnh Bạch mai trên núi Điện Bà Tây Ninh” và hai bài thơ chữ Hán là “Linh Sơn nhất thụ mai” và bài “Hựu”, trong phạm vi bài viết, chỉ xin được giới thiệu bài thơ “Linh Sơn nhất thụ mai”:
“Quỳnh tư ngọc cốt bản thiên chân
Tịnh độ cô tiêu viên tục trần
Noãn nhập ám hương xuân dật tứ
Hàn xung sơ ảnh nguyệt tà thần
Tuyết trung tự khước lưu phong vận
Phong ngoại ưng liên đạp tuyết nhân
Thừa hứng mạc hiềm sơn thủy viễn
Đồng lai dữ tử phú dương xuân.”
Bản dịch thơ của cụ Hy Đạm, danh sỹ đất Tây Ninh:
“Ngọc quỳnh cốt cách vốn trời ban
Đất tịnh trơ vơ lánh thế gian
Ấm áp hương đầm xuân buổi sớm
Lạnh lùng bóng nguyệt nhạt đêm tàn
Nghĩ thân ánh tuyết hơi sương đượm
Thương kẻ hài sương gót tuyết chan
Mến cảnh, nước non xa chớ ngại
Cùng lên ngâm vịnh tứ xuân tràn.”
Tuy chưa phải là đất văn học, chưa có những cây bút lừng lẫy trên văn đàn thuở ấy, nhưng theo tác giả Huỳnh Minh, Tây Ninh cũng đã có rất nhiều các thi văn nhân, tập hợp lại thành các “thi đoàn” như nhóm của Đốc phủ Tô Ngọc Đường và Hương cả Huỳnh Văn Tâm năm 1915, Văn đàn Quốc Biểu 1923, Đạo đức văn đàn 1950 v.v… thường xuyên hội họp để ngâm thơ xướng họa. Điển hình là cuộc tao phùng xướng họa giữa nữ sĩ Sương Nguyệt Anh và các cụ Võ Sâm, Tô Ngọc Đường. Ba bài thơ của nữ sĩ ra đời dành riêng tặng cho Tây Ninh là một “chứng nhận” mang tính thuyết phục nhất.
Thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Tây Ninh là vùng đất chiến sự đầy ác liệt, là đất “thánh địa của cách mạng” với vùng căn cứ Trung ương cục, đầu não của cách mạng. Ngọn núi Bà Đen linh thiêng là điểm cao tranh chấp của ba lực lượng: Mỹ, chính quyền Sài Gòn và quân Giải phóng, người dân thường không ai dám đến với núi, cây bạch mai trên núi cũng không còn nghe ai nhắc đến nữa, thơ văn cũng dần mai một, chìm vào trong khói lửa chiến tranh…
Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, cuộc Cách mạng văn hóa, quét sạch văn hóa phản động và đồi trụy, nhiều sách báo văn học và các tư liệu văn học quí cũng bị… vạ lây, không khí xướng họa thơ ca gần như biến mất, mãi đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, các văn nghệ sĩ trong ban vận động thành lập Hội VHNT tỉnh với nhà văn Vân An, nhà văn Xuân Sắc, đạo diễn Lê Dân, nữ sĩ Phan Phụng Văn, cùng các ông Bảy Dũng, Tư Văn, Xuân Phát… cho lập “Quán thơ” ở trên núi Bà để ngâm thơ xướng vịnh, giao lưu với các văn nhân thi sĩ khi đến viếng thăm núi Bà Đen. Không khí văn học đã dần khởi sắc và khôi phục lại ở mảnh đất Tây Ninh này.
Nhân ngày thơ Nguyên tiêu Việt Nam rằm tháng Giêng hằng năm, xin nhắc lại chuyện cũ, mong các bậc cao minh am hiểu cũng như những người trong cuộc, nay còn sống chỉ giáo thêm.
Rằm tháng Giêng 2012
_____________________________

NHỮNG ĐỐM LỬA NGUYÊN TIÊU ĐẦU TIÊN TỪ VỰA LÚA MIỀN TRUNG
Nhà thơ Triệu Lam Châu giới thiệu: Rằm xuân tháng giêng năm 1981, thị xã Tuy Hoà nhỏ nhắn hồi ấy đã tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu đầu tiên, có đông đảo công chúng yêu thơ tham dự và đã rất thành công. Tiếng lành đồn xa, các đệ tử thơ từ Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Kon Tum... hàng năm cứ đến Rằm tháng giêng lại nô nức kéo về Tuy Hoà, để lên dự Đêm thơ xuân trên núi Nhạn ảo huyền, như để nạp thêm năng lượng cho tâm hồn mình luôn thanh sáng như vầng trăng thơm phảng phất điệu bài chòi giữa cuộc đời này. Có thể tự hào mà nói rằng: Tuy Hoà là đốm lửa thơ nguyên tiêu đầu tiên của cả nước. Bởi vì ở ngoài bắc, thì tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên tổ chức Ngày thơ xuân vào năm 1988. Và đến  tận năm 2003 Ngày hội thơ xuân Rằm tháng giêng mới được tổ chức trên phạm vi cả nước. Năm nay Tuy Hoà bước vào Rằm thơ xuân tháng giêng lần thứ 31 rồi.
Mùa xuân năm ngoái 2011 Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên xuất bản “Tuyển thơ 30 năm Nguyên Tiêu Phú Yên 1980 – 2010”. Chúng tôi tuyển chọn một chùm thơ nhỏ trong Tuyển thơ ấy, xin trân trọng gửi tới bạn đọc gần xa...”


 HUỲNH QUANG NAM

Giờ về đâu những con chim dồng dộc?

Trên đọt cây cao ai ném lên chiếc giày cỏ
Treo lửng lơ trước mùa gió nam non
Ôi thương quá những con chim dồng dộc
Xây tổ trên cao để bảo vệ đàn con

Suốt tuổi ấu thơ say nhìn chiếc tổ
Lích chích chim con kêu cả sáng cả chiều
Gió mạnh lên, chiếc tổ đưa như võng
In giữa bầu trời chiếc giày cỏ đáng yêu

Buổi trưa hè về thăm quê ngoại
Ngóng mãi hàng tre không tiếng chim kêu
Chiếc giày cỏ tuổi thơ mất hút
Cành khô rơi, chao chát gió đùa

Những con chim dồng dộc về đâu muôn ngả
Vườn cây xưa bước chân ngoại như còn
Chùm khế ngọt trái nào ngon con hái
Mẹ ơi! Giờ còn lại mình con

Đường đời chông chênh biết bao cạm bẫy
Đôi lúc ngã lòng trước thử thách gian nan
Chiếc giày cỏ tổ chim xưa hiển hiện
Con vững tin mẹ vẫn ở bên con.


TRẦN HUIỀN ÂN

Trà say

Thức dậy thấy trời như rớt bão
Sân tựa vườn hoang ngập lá cành
Cây ngã cây nghiêng cây lảo đảo
Giật mình con sẻ cóng bay nhanh

Vợ đội tơi đi từ sáng sớm
Để kịp chen chân ở cửa hàng
Bảy ngày mới có ngày chủ nhật
Trong nhà mắm hết, gạo đang khan

Lũ con nai nịt thành hiệp sĩ
Trên giường giàn trận quyết hơn thua
Gối là khiên, thước làm đoản kiếm
Bốn thằng: Ba tướng, một ông vua

Giây phút loay hoay nhóm lửa bếp
Gió quạt lò than thoắt đã hồng
Ta ngồi đun nước ngồi suy ngẫm
Lẽ tuần hoàn xuân hạ thu đông

Trà đã không ngon không có bạn
Ta đọc thơ xưa uống một mình
Trà đã không ngon không có thuốc
Thèm hơi khói nhỏ trắng lung linh

Sờ túi vẫn nguyên là túi trống
Nhưng giá còn chăng được năm hào
Không nỡ sai con đội mưa gió
Xóm nghèo quán cóc cũng xa sao

Ta đành uống cạn bình trà mốc
Như uống lòng ta vào lòng ta
Trà mốc cũng làm ta chuếnh choáng
Bất giác kêu lên một tiếng khà

Say trà nào phải như say rượu
Để nói huyên thiên phủ đất trời
Thu tay vào bụng tìm hơi ấm
Ta lặng nhìn mưa rơi… mưa rơi…


PHẠM THỊ HỒNG

Mong muốn

Tôi muốn sống giữa mùa xuân
Mà phải sống giữa mùa đông quái lạ
Cái lạnh lạnh lùng cho cà chua co ro
Ngạo nghễ gió cho đồng khô đuổi lúa
Trên cành cây những giọt sương to
Như chiếc cúc áo mùa đông lợm lì hợm hĩnh
Ôi! Tôi không thích đợi chờ
Có thời gian đợi chờ nào không dài?
Không chậm?

Tôi đã thấy những chiếc áo mùa đông
Kiêu kỳ khoe sức sống
Nổi những vành đai, nổi những đường gân
Tôi không thích những mái đầu kiêu hãnh
Niềm vui đầy trong chiếc mũ trùm tai

Đã có ai
Bồn chồn trong những đêm chờ rạng sáng
Lòng nhủ lòng: Mặt trời đang trăn trở phía biển xanh?
Đã có ai
Nóng lòng trên ga vắng đợi tàu nhanh
Cứ nhìn mãi phía xa mịt mù điều mong ước?
Hiểu cho tôi
Tôi không muốn đợi chờ

Bỗng sáng nay, xuân như đã đến tự bao giờ
Ơ náo nức, những mầm non thơm phức
A, người làm vườn
Đã lắng nghe
Tiếng động âm vang trong đất
Tiếng nhẹ dập dồn nhọc như tiếng chồi lên
Yêu xuân, tôi muốn có đôi tai của con người
Giữa mùa đông xới đất
Tôi muốn nhìn bằng đôi mắt
Của loài chim xác định hướng xuân bay
Và với cả hai tay
Tôi giơ chào xuân đến, chào mưa và nắng ấm
Khoảng thời gian cho muôn vật vụt lớn nhanh
Cùng xuân,
Tôi muốn nhìn trong ánh mắt
Mỗi con người một khoảng trời xanh.

NGUYỄN THỊ HỒNG

Em sẽ thành người khác

Không có anh! Em sẽ thành người khác
Sẽ cằn khô như sa mạc hoang vu
Dù có gió vẫn oi nồng nóng bức
Dù có mưa vẫn trơ trọi thiên thu

Không có anh! Em tinh cầu bé nhỏ
Sẽ bơ vơ trên trái đất đông người
Dù hoa lá và ngàn trùng sóng biếc
Vẫn là em, cô độc một mình thôi

Không có anh! Em chỉ là hoa dại
Giữa vô vàn ong bướm lượn quanh
Sẽ thu lại và ẩn mình trong cỏ
Chờ sương đêm đem đến chút tin lành

Không có anh! Em chỉ là khúc nhạc
Điệu ru buồn da diết dưới trăng khuya
Là tiếng sáo với giọng sầu hiu hắt
Đưa em về kỷ niệm thuở xa xưa

Không có anh! Em trở thành người khác...


NGUYỄN CHÂU NIÊN

Lửa

Câu thơ đọc trước lửa
Không cháy được nỗi niềm
Câu thơ đọc trước em
Tình bốc lên ngọn lửa.


NGUYỄN TƯỜNG VĂN

Phóng viên gặp Nguyễn Trãi

Bị đẩy tới pháp trường
Cụ ngước nhìn phóng viên
Thoắt máy ảnh đưa lên
Những trang ghi tốc ký
Các phóng sự điều tra
Hàng loạt điện văn kiến nghị
Không nao lòng đao phủ, Nguyễn Trãi ơi!

Bao phóng viên dốc hết sức vì Người
Bởi chút cớ Lệ Chi Viên âm ớ
Bằng mọi giá lọc tìm điều chân thật
Giữa đám quan nha say khướt uy quyền

Có thể bị thu các phương tiện phóng viên
Như giáo dân mất phép thông công về với Chúa
Bầu trời triều Lê – một thời mây đen vây bủa
Ngỡ Côn Sơn còn xanh ngát trên đầu

Ôn đời thường lời gia huấn cho nhau
Cụ chăm chút những Ức Trai, Quốc Âm thi tập
Phải vì thế mệnh-tài thêm đối lập
Dẫn oan khiên đi nhằm lối đoạn trường

Đâu trung thần? Đâu minh vương?
Chỉ có đoạn đầu đài và lầm lì quan đao phủ
Phóng viên gào như khạc từng mảnh phổi
Những tuyên ngôn, kiến nghị, điện văn.

Hồi trống kết thúc
Đầu cụ lìa thân
Phóng viên gào bể phổi.

Tháng 1 năm 1989


ĐÀO TẤN PHẦN

Gửi từ đầm Ô Loan

Ta sắp về với em nhưng quà không có
Dù lúc đi ta dự định rất nhiều
Đành chịu thôi, bởi làm sao có thể
Mang về cho em:
Những gió bụi dọc đường
Những rừng dương xanh biếc
Những con thuyền mải miết
Những bến bờ miên man…
Và nhất là vẻ dịu dàng nhưng kiêu sa-rất giống em-
Của mặt nước đầm Ô Loan quê mình tự bao đời thản nhiên lặng lẽ.

Nhưng mà thôi
Dẫu kém, nghèo ta vẫn có cho em
Chút lãng mạn của một thời trai trẻ
Chút phong sương của kẻ sĩ giang hồ
Biết chấp nhận cuộc đời bão tố
Để yêu em và sống với ước mơ.

          Ngày 21/12/1989


NGUYỄN VĂN TÂM

Đôi lời với con

       Tặng con gái đầu lòng

Con chưa được sinh ra
Nhưng đã sống cùng mẹ cha từng giờ từng phút
(Đồng đội của cha
Những cựu chiến binh cưới vợ chín, mười năm chưa một lần làm bố
Nỗi lo ấy cha âm thầm không hé mở
Giờ có tin con, cha hạnh phúc vô cùng)

Cha háo hức chờ mong con cất tiếng khóc chào đời
Gửi thông điệp bắt đầu cuộc sống
Con hãy khóc thật to để cả đất trời cùng biết rõ
Rằng con của cha đã có mặt trên đời

Cha sẽ dìu con đi những bước chập chững đầu tiên
Bế con đi chơi sau những giờ lên lớp
Lời giảng của cha sẽ âm vang giọng nói cười con trẻ
Nhà mình sẽ vui như có tết bốn mùa

Cha sinh ra khi đất nước mình còn ngập tràn khói lửa
Thật hiếm hoi những câu hát thanh bình
Con sẽ lớn lên trong thời đại văn minh
Nhạc thu băng thay lời ru người mẹ trẻ
Nhưng con đừng lo, cha sẽ cố công tìm học
Những câu ca kết đọng từ đất trời, hoa cỏ
Hát ru con vào giấc ngủ bình yên.

Cha sẽ đặt cho con một cái tên
Rất bình dị như tâm hồn của mẹ
Mà lớn lao hơn khát vọng của cha
Một thời trai trẻ

Con chưa được sinh ra
Nhưng đã sống cùng mẹ cha từng giờ từng phút
Một ngày đẹp trời kia cha chờ mong háo hức
Bên nôi con cha cất giọng ru hời.

          Tháng 2/ 1995


PHẠM DẠ THỦY

Trở lại Tuy Hoà

Một năm ngóng trông giờ trở lại Tuy Hoà
Vẫn còn đây ngọn gió mùa xuân mơn man Tháp cổ
Vẫn còn đây vầng trăng Nguyên Tiêu vàng màu nhung nhớ
Và bạn bè. Và nhạc. Và thơ!

Chiều sông Ba xanh trong
Đêm núi Nhạn đèn hoa rực rỡ
Tôi đứng giữa “đất Phú trời yên” nghe cỏ cây sinh nở
Cảm ơn mảnh đất này nuôi lớn ngọn núi thơ

Tuy Hoà trong tôi xanh như một ước mơ
Đêm Nguyên Tiêu từ bao giờ đã thành nỗi đợi
Vần thơ năm qua ủ hoài chưa chín tới
Chờ trăng gió Tuy Hoà hong lại để hồng thêm

Tôi vòng tay ôm chút lạnh tháng giêng
Khẽ mở lòng hứng từng dòng thơ mật
Đêm bỗng ngọt và hồn tôi bỗng chật
Bâng khuâng bao nỗi niềm không thể gọi thành tên!


NGỌC CẢNH

Gánh lửa vào xuân

Tiếng gà gáy báo canh tư vừa vãn
Đầu canh năm lai láng tiếng chuông chùa
Điệp khúc cầu kinh lốc cốc mõ khua
Từng nhịp bước cô hàng rong gánh lửa
Vận chuyển trên vai quầy hàng không cửa
Bên nồi cháo thơm, bên chiếc hoả lò
Lén con ra đi trong đêm sương mơ
Giữa lúc bao người còn nồng giấc ngủ
Vật lộn đói nghèo, kéo co đắp đủ
Xuân đến, đông về nhắn nhủ cùng ai
Hạnh phúc tràn đầy thắm đỏ bờ vai
Em gánh xuân đi mệt nhoài chân nhức
Em gánh xuân đi giữa mùa hoa cúc
Ngọt lịm gió nồm thôi thúc đôi chân
Trọng danh dự mình, thân tự lập thân
Thế cũng đủ
        Cô hàng rong
                 Gánh lửa
Tư thế đường hoàng, thong thả bước vào xuân...

                                     Xuân Ất Hợi 1995   

TRẦN CHẤN UY

Chiều Nhạn Tháp

Chiều Nhạn Tháp nắng vàng sắc núi
Gió mênh mông hơi thở biển khơi
Anh cùng em lên thăm cổ tháp
Nghe bâng khuâng hương đất hương trời

Em tinh nghịch trốn bên Đông tháp
Thả gió về xao xuyến lòng anh
Bông trang đỏ giấu mình trong kẽ lá
Biển ngập ngừng bên bãi dương xanh

Hồn người rộng như không gian rộng
Giữa chiều say ngơ ngẩn với đất trời
Ôi xanh biếc Đà Rằng trôi mải miết
Ở bên kia mây trắng đậu Chóp Chài

“Thị xã gió” chiều nay háo hức
Bước chân ai vồi vội buổi tan tầm
Những cửa sổ ngôi nhà chẳng đóng
Để gió bay đầy hương lúa tháng năm

Chiều lộng gió lòng anh xao xuyến
Nhớ về xưa, cổ tháp ngóng trăng lên
Như cột mốc thời gian trầm lặng
Tháp mang hình đất nước sơ nguyên

Anh cùng em lên thăm cổ tháp
Nhìn sông Đà dào dạt dưới chân mình
Lòng biết ơn những anh hùng đuổi giặc
Để nơi này đỉnh tháp thắp bình minh...


TRIỆU LAM CHÂU

Puskin trên Núi Nhạn đêm trăng

Tấm áo dạ nâu còn thơm nắng thu Nga
Người lặng lẽ bên trời Nhạn Tháp
Gió biển đêm thổi về dào dạt
Tán lá rừng nghiêng ánh trăng ngân

Gió nhẹ vờn lên mái tóc xoăn
Vầng trán Người lồng lộng
Thoáng nghe điệu bài chòi xao động
Ngỡ bản tình ca Cápcadơ

Mắt sáng lên, xúc cảm vô bờ
Nghe run rẩy, chập chờn én liệng
Hiện dần lên trên trang giấy trắng:
Lá phong vàng, tuyết đọng nước Nga xưa...

Và quả thật bất ngờ
Niềm ấp ủ tháng ngày đằng đẵng
“Bức thư tình Tanhia cháy bỏng” (1)
Bỗng vẹn tròn bên trăng núi chơi vơi
Sóng rì rào nhạc biển bồi hồi
Nửa vầng trăng trên trời ngời ngợi
Còn nửa vầng trăng kia trong tay Người bổi hổi
Những dòng thơ lấp loáng chiêm bao

Đêm ảo huyền bởi những chòm sao
Đậu nhẹ nhàng xuống trang giấy lạ
Hương táo mùa thu Nga êm ả
Quyện hương xoài đượm gió phương nam

Điệu bài chòi, trăng núi, Tháp Chàm
Sáng trong trái tim Người buổi ấy
Hồn thơ Nga xa xăm lộng lẫy
Nỗi niềm thân thiết của lòng ta.
Tuy Hòa - Kỷ niệm 160 năm ngày mất của Puskin (1997)


(1)    Một chương trong tiểu thuyết thơ Epghenhi Ônheghin của A.Puskin (1799 - 1837), thi hào Nga vĩ đại.
____________________________

Hành trình từ ĐÊM THƠ NGUYÊN TIÊU đến NGÀY THƠ QUẢNG NINH và NGÀY THƠ VIỆT NAM

Tôi có đọc trên trang mạng lethieunhon.com chùm thơ Nguyên Tiêu của các nhà thơ Phú Yên nhân 31 năm Đêm thơ Nguyên Tiêu. Phần giới thiệu của nhà thơ Triệu Lam Châu là rất phải chăng và phần thơ của các nhà thơ có nhiều bài khá, có bài hay. Xin chúc mừng các bạn đồng nghiệp và sáng kiến xuất bản tập thơ của Hội bạn tỉnh Phú Yên. Nhưng đọc ý kiến phản hồi của bạn “Ơt chỉ thiên” thì tôi thấy phải có ý kiến để các bạn rõ thêm, điều tưởng như đã rất rõ rồi. Tỉnh Phú Yên có sáng kiến tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu đến nay là 31 năm. Đó là một sáng kiến đẹp góp thêm vào sự phong phú của đời sống văn hóa của địa phương và của cả một vùng văn học. Nhưng đêm thơ Nguyên Tiêu và Ngày thơ Quảng Ninh và Ngày thơ Việt Nam, tuy có gần nhau, nhất là Ngày thơ Việt Nam lại tổ chức vào ngày Nguyên Tiêu. Nhưng hai khái niệm này không phải là một để đồng nhất Đêm thơ Nguyên Tiêu với Ngày thơ Việt Nam. Và tôi thấy Triệu Lam Châu trong lời dẫn, cũng không có sự sự đồng nhất này. Thế là đúng.
TRẦN NHUẬN MINH

Đêm thơ Nguyên Tiêu ở Phú Yên về ngọn nguồn của nó là thú chơi tao nhã của các thi nhân xưa, thường gặp nhau, đọc thơ, thưởng trà và ở nhiều nơi, có các nhóm thơ, thành một phong tục đẹp. Nhưng chỉ có ở Phú Yên mới thành một dòng chảy văn hóa, nhất là từ khi có Ngày thơ Việt Nam tổ chức vào ngày nguyên tiêu. 
Nhưng cùng ngày nguyên tiêu nhưng xuất phát điểm của Ngày thơ Việt Nam là ngày Bác Hồ viết bài thơ Nguyên Tiêu trên sông Đáy, Rằm tháng Giêng năm 1948, mà năm 2003, nhân 55 năm bài thơ ra đời, Hội Nhà văn lấy đó làm Ngày thơ Việt Nam.  Cũng như trước đó 15 năm, Ngày thơ Quảng Ninh, nhân 520 năm ngày bài thơ của vua Lê Thánh Tông được khắc vào vách đá núi Truyền Đăng.
Cách tư duy về ngọn nguồn, Ngày thơ Việt Nam giống Ngày thơ Quảng Ninh. Trước khi có Ngày thơ Việt Nam, Đêm thơ Nguyên Tiêu của Phú Yên là một Đêm thơ xuân  tổ chức vào đêm nguyên tiêu Rằm tháng giêng, không xuất phát từ bài thơ Nguyên Tiêu của Cụ Hồ. Đấy là 2 xuất phát điểm khác nhau, dù cùng là ngày Rằm tháng Giêng.

Ngày thơ Quảng Ninh ( chứ không phải Đêm thơ xuân như nhà thơ Triệu Lam Châu viết) ,Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép tổ chức vào 29 / 3 hằng năm, từ năm 1988, nhân 520 năm ngày bài thơ dựng nước bất hủ của vua Lê Thánh Tông khắc vào vách đá núi Truyền Đăng sau khi duyệt võ trên sông Bạch Đằng. Do sự kiện này mà nhân dân đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ.
Toàn văn bài thơ của vua Lê và bản dịch, chép từ Tổng tập Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, của viện Nghiên cứu Hán Nôm, do nhà Hán Nôm học Mai Xuân Hải chủ biên, nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2003, rồi sau đó, tái bản nhiều lần:  
NGỰ CHẾ THIÊN NAM ĐỘNG CHỦ ĐỀ
Quang Thuận cửu niên xuân nhị nguyệt, dư thân xuất lục quân, duyệt binh vu Bạch Đằng giang thượng. Thi nhật phong hòa cảnh lệ, hải bất dương ba, Hoàng Hải tuần An Bang, trú sư Truyền Đăng sơn hạ, ma thạch đề thi nhất luật
       
Cự tẩm uông dương triều bách xuyên
Loạn sơn kì bố bích liên thiên
Tráng tâm sơ cảm Hàm tam cổ
Tín thủ dao đề Tốn nhị quyền
Thần Bắc khu cơ sâm hổ lữ
Hải Đông phong toại tức lang yên
Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại
Chính thị tu văn yển vũ niên

                            Thiên Nam Động Chủ đề
Dịch
Tháng 2 mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9 (1468), ta thân chỉ huy sáu quân, duyệt võ trên sông Bạch Đằng. Hôm ấy, gió hòa cảnh đẹp, biển không nổi sóng, ta vượt qua Hoàng Hải, đi tuần An Bang, đóng quân dưới núi Truyền Đăng, bèn mài đá đề một bài thơ:
        
Nhận nước trăm sông sóng cuộn đầy
Núi bày cờ thế, biếc liền mây
Xưa theo người khác luôn bền chí
Giờ đã tung hoành một chớp tay
Đế Chủ điệp trùng quân hổ mạnh
Hải Đông đã tắt khói lang bay
Trời Nam muôn thuở non sông vững
Yển vũ tu văn dựng Nước này!

                                Trần Nhuận Minh (dịch)

Bài thơ và bản dịch này đã được phổ nhạc, hát múa trong các ngày hội văn hoá ở tỉnh Quảng Ninh. Có mấy chữ xin được lưu ý: “Thiên Nam Động chủ” là bút danh của vua Lê Thánh Tông; “Hàm tam cổ”, được xác định là “hào tam của quẻ Hàm” trong Kinh Dịch, với ý là: nếu mình còn yếu, phải phụ thuộc vào người khác, thì phải giữ được cho vững cái chí của mình; “Tốn” là quẻ “Thuần Tốn” trong Kinh Dịch: hai luồng gió đông nam rất lớn chồng lên nhau, thể hiện sức mạnh cuồng phong sấm sét của nhà vua và Hải Đông là tên vùng đất có nửa tỉnh phía tây của Quảng Ninh hiện nay ở thời Lê; núi Truyền Đăng xưa, tức núi Bài Thơ nay, nằm ở miền đất phía tây này, nay ở trung tâm thành phố Hạ Long.

Nhân có ý kiến khác nhau về Ngày thơ và bài thơ của vua Lê, Ban tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Ninh cùng UBND thị xã Hồng Gai ( lúc đó chưa lên thành phố) tổ chức hội thảo cấp quốc gia, có “tứ sử” dự: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, cùng các nhà nghiên cứu Hán Nôm học ở Viện Hán Nôm, Viện Văn học, Hội nhà văn Việt Nam, đều là các vị đầu ngành, đại diện các cơ quan chức năng Trung ương và tỉnh Quảng Ninh  ( thời gian tất thảy 3 ngày). Trước đó các cán bộ Viện Hán Nôm, đứng đầu là nhà Hán Nôm học Nguyễn Huệ Chi đã khảo sát bài thơ từ trên vách đá, sau đó hai Giáo sư, hai nhà văn hóa: Phan Huy Lê ( chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) và Nguyễn Huệ Chi ( Trưởng ban văn học cổ cận đại Việt Nam của Viện Van học) chủ trì hội thảo.
Kết luận Hội thảo xác nhận giá trị khoa học của Bài thơ là Bản tuyên ngôn về toàn vẹn lãnh thổ, khẳng định chủ quyền dân tộc của nước Đại Việt và hoan nghênh sáng kiến của tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Ngày thơ Quảng Ninh  lấy bài thơ này đặt ở đầu nguồn của Ngày thơ. Toàn bộ văn bản của Hội thảo này đã xuất bản thành sách.
Như vậy Ngày thơ Quảng Ninh tổ chức hằng năm 3 ngày liền từ 28 đến 30 / 3 mà trung tâm là Lễ dâng hương ở Bài Thơ của vua Lê vào sáng 29 / 3, từ năm 1988 đến nay, nghi lễ đó không thay đổi cho đến bây giờ. Vửa qua, để mở đầu Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 ( sắp tới là Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ 25), các nhà thơ Châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam đã tổ chức dâng hương rất trọng thể tại bài thơ của vua Lê và đồng chí Phạm Minh Chính, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã tặng Hội Nhà văn Việt Nam phiên bản bài thơ này và như nhà thơ Hữu Thỉnh nói, Hội Nhà văn rước về Văn Miếu trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ X, sau đó đặt trong Bảo tàng văn học của hội.
Sau hội thảo trên, đường Lê Thánh Tông được đặt và núi Bài Thơ được công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia.
Suốt từ năm 1988 đến tận Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ 24, ngày 29 /3 2011, ngày thơ nào nhà thơ Hữu Thỉnh cũng về dự và có lời chào mừng.
Còn từ Ngày thơ Quảng Ninh mà đến Ngày thơ Việt Nam, theo “Ớt chỉ thiên” là cần xác minh. Thì đây là ý kiến của người sáng lập Ngày thơ Việt Nam, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh đứng đầu. Và đấy cũng là một trong những lí do để tỉnh Quảng Ninh đăng cai Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần này, trong ngày chẵn, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 và Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ 25 sắp tới, như thống nhất ý tưởng của đồng chí Đỗ Thị Hoàng , Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Ninh và nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, mà người viết bài này có cùng tham dự với một số vị khác.
Nhà thơ Hữu Thỉnh lần đầu tiên công bố điều này, lúc 9 giờ 15 phút ngày 11 tháng 01 năm 2003, tại đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII, tổ chức tại nhà văn hóa Việt Nhật, có các vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu chuyên ngành và chức năng của Trung ương, Hà Nội, các tỉnh bạn và khoảng 650 người dự, toàn văn đã đăng báo Quảng Ninh, Hạ Long và Tiền phong chủ nhật, như sau:
“Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin trân trọng thông báo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các bạn văn nghệ sĩ dự đại hội toàn thể của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, rằng: từ thực tế tổ chức và những bài học kinh nghiệm của Ngày thơ Quảng Ninh, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, trong phiên họp toàn thể ngày 26 tháng 12 vừa qua, đã quyết định lấy ngày Nguyên tiêu, Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết bài thơ Nguyên tiêu năm 1948 làm Ngày thơ Việt Nam”.
Trong Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ 24, ngày 29 / 3 / 2011, trong lời phát biểu chào mừng, nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn nói lại như vậy, trước đông đảo cán bộ tỉnh
Quảng Ninh và công chúng.Ý kiến của nhà thơ chưa bao giờ thay đổi, kể cả nói trên Đài Truyền hình Việt Nam mà tỉnh Quảng Ninh còn giữ băng ghi hình ghi âm.

Bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:

NGUYÊN TIÊU

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền

Dịch
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữ dòng bàn bạc việc quân.
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
                                                  Xuân Thủy ( dịch)

Như vậy, ngày thơ mang tên một vùng đất, chứ không phải là Đêm thơ xuân, được tổ chức bài bản theo kiểu lễ hội, lễ trước rồi hội sau, có sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của các đoàn thể quần chúng, các tiết mục ngâm thơ, hát thơ, trình diễn thơ trên các sân khấu, ở trong nhà hay ngoài trời, có đánh trống khai hội, in những câu thơ hay vào cờ phướn treo lên cây nêu ( chưa có thả thơ)… thì Quảng Ninh là tỉnh làm đầu tiên. Còn Đêm thơ Nguyên tiêu thì tỉnh Phú Yên làm đầu tiên, không phải trước Quảng Ninh vì Quảng Ninh có Ngày thơ Quảng Ninh, không có Đêm thơ Nguyên Tiêu. Sau này cùng với Ngày thơ Việt Nam, Quảng Ninh vẫn tổ chức ngày thơ truyền thống của mình vào 29 / 3 như trước.
Và điều quan trọng nhất là sự nhất quán và ổn định về nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp thực hiện, trong đó có những yêu cầu về xã hội hóa, để hi vọng Ngày thơ thành một sinh hoạt văn hóa có yếu tố dân gian, đã được hình thành cùng một lúc và giữ nguyên cấu trúc đó từ năm 1988 cho đến tận bây giờ.
Các hình thức khác như hội thảo khoa học, đã từng làm với tầm quốc gia, như hội thảo 10 năm đổi mới thơ Việt Nam, nhân 40 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, tại trung tâm Tổ chức hội nghị của tỉnh; xét và trao giải thưởng thơ hằng năm mang tên Lê Thánh Tông của ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh mà trực tiếp đến trao giải là các đơn vị thành viên của tổ chức lớn này; thành lập một tổ chức nghề nghiệp là câu lạc bộ thơ Lê Thánh Tông do ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh lãnh đạo, có sự tham gia của các huyện thị trong tỉnh, có hội đồng nghệ thuật để thẩm định tác phẩm, xuất bản chuyên san THƠ, đã in được 6 số, mỗi số một chuyên đề như: thơ đổi mới; thơ công nhân mỏ và về công nhân mỏ; thơ về vịnh Hạ Long; thơ về chiến thắng Bạch Đằng; thơ về danh sơn Yên Tử và thiền phái Trúc Lâm; thơ của thi xã Bích Động ở thời Trần (thuộc Đông Triều, Quảng Ninh) mà chúng tôi coi là tổ chức đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam… Người trực tiếp phụ trách in ấn cả 6 số đó, là nhà thơ Đàm Hiển, lúc đó là ủy viên hội đồng nghệ thuật, phó chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh và bìa do họa sĩ, nghệ sĩ nhân dân – nhà thơ Lê Huy Quang (Hà Nội) trình bày chung cho các số, còn đến số nào thì in số thứ tự đó vào góc bìa, chỗ hoạ sĩ đã trình bày mẫu ở số 1. Trong Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương vừa qua,  ( 2 - 3 / 2 / 2012), họa sĩ Lê Huy Quang vẫn nhắc lại những cái bìa thơ này và nói rằng: ở một mức độ còn sơ khai, vẫn có cơ sở để có thể nói rằng, tạp chí THƠ đầu tiên của Việt Nam cũng đã ra đời lần đầu tiên ở tỉnh Quảng Ninh. Rồi tổ chức thi thơ, thi ngâm thơ, thi hát các bài thơ phổ nhạc, thi hát ca trù ( lời cũng là thơ), Liên hoan thơ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với sự tham gia của các nhà thơ và nghệ sĩ vùng trọng điểm phía Bắc đã được thực hiện đầu tiên ở Quảng Ninh…

Trong Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ XVII, ngày 29 / 3 / 2004, tổ chức tại khu du lịch Quốc tế Tuần Châu, có phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh tham dự, sau lời khai mạc của Thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Quang Hưng, nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đọc lời chào mừng, có câu:  “ Quảng Ninh được ghi nhận là nơi tổ chức Ngày thơ. Sáng kiến có tầm văn hóa đó đã được nhân rộng ra cả nước. Sinh ra một Ngày Thơ đã khó. Duy trì và phát triển để nó tồn tại đến ngày hôm nay và sau này nữa, còn khó hơn nhiều.” Toàn văn baì phát biểu, trong đó có câu trên cũng đã đăng nguyên văn trên báo ngay sau đó. Có thể tìm thấy không khó trong các thư viện, nhất là ở Quảng Ninh.

Suốt 18 lần từ 1988 đến 2005, Ngày thơ Quảng Ninh thường được tổ chức ba ngày liền, từ 28 đến hết 30, có lần đến hết 31 tháng 3, ngày 01 tháng 4 mới tiễn khách. Nhiều nhà thơ nổi tiếng từ Sài Gòn, Huế đã về Ngày thơ, đọc thơ ở các địa phương, các xí nghiệp công trường, trường học… và giao lưu với khán giả, có buổi đến dăm bảy trăm người dự, có buổi đến hàng nghìn người dự. Các nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Minh… đến Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu, Trần Lê Văn, Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Nguyễn Bùi Vợi, Vân Long, Phan Thị Thanh Nhàn… Rồi các nhà phê bình thơ: Phạm Xuân Nguyên, Lê Thành Nghị, Hồng Diệu, Vân Thanh, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ… Rồi nhà thơ Lâm Thị Mĩ Dạ ở Huế, Tạ Văn Sĩ ở Tây Nguyên, Song Hảo ở đồng bằng Nam Bộ… vân vân… đều đã có mặt trong một, hai hay nhiều Ngày thơ Quảng Ninh. Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng có một chương trình phổ nhạc thơ do chính nhạc sĩ tự trình bày…

Để có Ngày thơ Việt Nam, đóng góp cá nhân của nhà thơ Hữu Thỉnh trong việc này rất lớn. Còn ai đề xướng? Tôi đã có bài cụ thể viết về vấn đề này, đã đăng toàn văn trên các báo Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, tháng 2 / 2011, báo Hải Dương cuối tuần số tân niên, 13 / 2 / 2011, báo Quảng Ninh cuối tuần 20 / 2 / 2011, báo Văn nghệ 19 / 2 / 2011… (Riêng báo Văn nghệ có lược bớt những dòng về việc tổ chức hội thảo, về tham luận của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, và đổi đầu đề là Những ý tưởng đầu tiên về Ngày thơ Việt Nam, số chào mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9), rồi đăng nhiều trang mạng nhà nước và tư nhân. Sau đây là trích đoạn.


NGƯỜI ĐẦU TIÊN ĐỀ XUẤT
NGÀY THƠ VIỆT NAM
(Trích)
Đến bây giờ thì Ngày thơ Việt Nam đã thành một lễ hội văn hóa mới, rất quen thuộc, không chỉ với các nhà thơ và những người yêu thơ Việt Nam. Nhưng người đầu tiên đề xuất là ai? Tôi xin thưa: nhà thơ, đại tá Vương Trọng. Ông đề xuất ở đâu và vào thời gian nào? Xin thưa: tại hội trường khách sạn Công đoàn Bãi Cháy trong Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ VII, ngày 29 tháng 3 năm 1994.
Năm 1994, kỉ niệm 50 năm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (1944 – 1994) và năm có ngày kỉ niệm lớn của cả nước, bắt đầu ở Quảng Ninh: 30 năm chiến thắng trận đầu 5 / 8 (1964 – 1994). Ngày 5 / 8 / 1964, giặc Mĩ bắt đầu dùng không quân đánh phá miền Bắc. Tại vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, chiếc máy bay đầu tiên của Mĩ đã bị bắn rơi, và tên giặc lái đầu tiên A. An vơ rét đã bị bắt sống…
Từ cuối năm 1993, tôi đã đề xuất với anh Hoàng Thuận, chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ninh lúc đó, được anh Hoàng Thuận đồng tình, tôi soạn tờ trình rồi theo anh Hoàng Thuận vào báo cáo với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo tỉnh đồng ý cho tổ chức với quy mô lớn, phối hợp với Quân khu 3, bộ Tư lệnh Hải quân, Hội Văn nghệ Hải Phòng, Hội Nhà văn Việt Nam, viện Văn học, tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ. Địa điểm chính tổ chức tại Bãi Cháy, nơi diễn ra chiến thắng 5 / 8. Tại Bãi Cháy có Hội thảo 50 năm (1944 – 1994) thơ chiến tranh cách mạng Việt Nam và hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ vào sáng 29 / 3. Tối 29 tháng 3, tại nhà văn hoá Việt Nhật, thành phố Hạ Long, diễn ra đêm thơ 50 năm Anh bộ đội Cụ Hồ, mà nội dung là thi ngâm thơ và thi hát thơ phổ nhạc Quảng Ninh - Hải Phòng. Sáng hôm sau, thăm vịnh Hạ Long và nơi tên phi công đầu tiên bị người dân chài bắt (thực ra là bộ đội bắt rồi giao cho người dân chài) áp tải về Bãi Cháy. Chiều và đêm đó, các nhóm nhà thơ ở lại mới đến với các chương trình thơ tổ chức trong mỏ than, huyện thị xã, và đơn vị quân đội.
Chủ trì cuộc hội thảo tại Bãi Cháy có nhà thơ Hữu Thỉnh, đại diện Hội Nhà văn và báo Văn nghệ; nhà văn Nguyễn Trí Huân, đại diện tạp chí Văn nghệ Quân đội; nhà phê bình Phong Lê, đại diện viện Văn học và tạp chí Văn học, anh Hoàng Thuận và tôi. Anh Hoàng Thuận có mời đại diện Hải quân và Hải Phòng, nhưng các anh bảo không cần, hai chủ nhà và ba quan khách là đủ.
  Trong hội thảo này, có hai tham luận gây được ấn tượng hơn cả. Một là tham luận của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, viện Văn học, về thơ của các tác giả, phần lớn đã cầm súng trong quân đội Sài Gòn. Nhà văn Lê Minh có gọi tôi ra, nói nhỏ rằng, em nên có ý kiến nói lại vài điều, kẻo các đồng chí lãnh đạo tỉnh và quân đội có mặt ở đây băn khoăn… Tôi nói: em đã báo cáo Thường trực tỉnh uỷ rồi. Có một cái cửa sổ nhỏ mở ra về người lính phía bên kia cho đa dạng, chị ạ. Chị yên tâm, em nghĩ là các anh ấy không băn khoăn gì đâu. Tất nhiên em sẽ nói thêm vài câu trước khi anh Hữu Thỉnh kết luận hội thảo. Hai là tham luận của nhà thơ, đại tá Vương Trọng: Kì vọng một Ngày thơ Việt Nam, có đoạn nguyên văn như sau:

“Một tỉnh Quảng Ninh khá nhỏ bé, tiềm năng kinh tế khá hạn hẹp, thế mà từ năm 1988 đến nay, năm nào cũng tổ chức được một ngày hội thơ, năm chẵn có thể mời hàng chục đoàn đại biểu của Trung ương và một số tỉnh trong cả nước, năm lẻ ít ra cũng mời được ba bốn tỉnh lân cận. Hình thức tổ chức hết sức đa dạng và hiệu quả, năm thì tập trung ở thành phố Hạ Long, năm thì tụ về các huyện như Đông Triều, Vân Đồn, Móng Cái…Ở đâu cũng được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh, ở đâu thi ca cũng được tôn vinh, nhà thơ được mọi người yêu mến. Cứ mỗi lần đi dự Ngày thơ Quảng Ninh về, tôi lại tự hỏi rằng: tại sao không có Ngày thơ Việt Nam. Nghĩa là trong 365 ngày của một năm, sao không dành một ngày cho thơ… Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ Việt Nam (năm thì ở thủ đô, năm thì tổ chức ở các tỉnh thành phố khác), giải thưởng thơ hằng năm của hội cũng trao vào ngày này…” Cuối cùng, nhà thơ Vương Trọng đề xuất luôn: “Các bạn phân vân không biết Ngày thơ Việt Nam tổ chức vào ngày nào? Tôi nghĩ rằng: có thể chọn luôn ngày Lê Thánh Tông đề thơ trên núi Truyền Đăng 29 tháng 3, hoặc xa hơn nữa, trước bốn thế kỉ, tìm lại ngày Lí Thường Kiệt viết bài thơ Nam quốc sơn hà… bên bờ sông Như Nguyệt, làm Ngày thơ Việt Nam”.


Bài đã đăng báo Nhân Dân. Tôi đã phô tô trang báo này nộp cho nhà thơ Hữu Thỉnh. Lúc đó nhà thơ Vương Trọng chưa có thông tin về bài thơ Nam quốc sơn hà… không phải do Lí Thường Kiệt viết.

Trình bày hơi dài và hơi kĩ như vậy, rất mong được thông cảm, chỉ để làm rõ một sự thật, để cùng nhau đóng góp cho sự phong phú của Ngày thơ Việt Nam mà thôi.

(Tổng hợp từ nguồn: VHQN, Lê Thiếu Nhơn).
________________________


Đôi điều suy nghĩ nhân đọc bài “Hành trình từ Đêm thơ Nguyên Tiêu đến Ngày thơ Quảng Ninh và Ngày thơ Việt Nam” của nhà thơ Trần Nhuận Minh

Triệu Lam Châu

 Hôm qua vào Trang lethieunhon.com thấy bài viết của nhà thơ Trần nhuận Minh với tựa đề “Hành trình từ Đêm thơ Nguyên Tiêu đến Ngày thơ Quảng Ninh và Ngày thơ Việt Nam”, tôi liền hồ hởi đọc ngay. Đọc một lần, hai lần, rồi đọc kỹ… ngẫm nghĩ và bây giờ tôi xin có đôi điều suy nghĩ như sau:

 Mở đầu bài viết của mình, nhà thơ Trần Nhuận Minh viết “ Tôi có đọc trên trang mạng lethieunhon.com chùm thơ Nguyên Tiêu của các nhà thơ Phú Yên nhân 31 năm Đêm thơ Nguyên Tiêu. Phần giới thiệu của nhà thơ Triệu Lam Châu là rất phải chăng và phần thơ của các nhà thơ có nhiều bài khá, có bài hay. Xin chúc mừng các bạn đồng nghiệp và sáng kiến xuất bản tập thơ của Hội bạn tỉnh Phú Yên. Nhưng đọc ý kiến phản hồi của bạn “Ơt chỉ thiên” thì tôi thấy phải có ý kiến để các bạn rõ thêm, điều tưởng như đã rất rõ rồi. Tỉnh Phú Yên có sáng kiến tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu đến nay là 31 năm. Đó là một sáng kiến đẹp góp thêm vào sự phong phú của đời sống văn hóa của địa phương và của cả một vùng văn học…”  Phải nói rằng nhà thơ Trần Nhuận Minh viết những dòng trên với một tâm thế rất trân trọng đối với Sáng kiến tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu của tỉnh Phú Yên. Sự trân trọng ấy của nhà thơ, theo tôi nghĩ, trước hết là dành cho Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Phú Yên, sau đó là dành cho bạn viết và công chúng yêu thơ của vùng đất nam Trung Bộ xa xôi này. Điều đó thật vui mừng và cảm động. Chính vì vậy nhà thơ không ngần ngại dành cho vùng đất, con người và văn hoá Phú Yên những dòng ưu ái “Đêm thơ Nguyên Tiêu ở Phú Yên về ngọn nguồn của nó là thú chơi tao nhã của các thi nhân xưa, thường gặp nhau, đọc thơ, thưởng trà và ở nhiều nơi, có các nhóm thơ, thành một phong tục đẹp. Nhưng chỉ có ở Phú Yên mới thành một dòng chảy văn hóa, nhất là từ khi có Ngày thơ Việt Nam tổ chức vào ngày nguyên tiêu….”

  Sau đó Trần Nhuận Minh viết về quá trình hình thành và phát triển của Ngày thơ Quảng Ninh từ năm 1988 tới giờ. Quả thật đọc bài viết này, tôi mới hình dung được sự hoành tráng và tầm vóc của Ngày thơ Quảng Ninh. Sự hoành tráng của Ngày thơ Quảng Ninh có được, trước tiên là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo đúng mức của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Quảng Ninh, sau đấy là nhờ sự tận tâm đầy sáng tạo trong khâu tổ chức của các ban ngành, đặc biệt là các văn nghệ sĩ của mảnh đất này. Do đó nhà thơ Trần Nhuận Minh đã trích dẫn thật xác đáng vào bài viết của mình, lời phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh ( Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, năm 2003):

“Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin trân trọng thông báo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các bạn văn nghệ sĩ dự đại hội toàn thể của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, rằng: từ thực tế tổ chức và những bài học kinh nghiệm của Ngày thơ Quảng Ninh, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, trong phiên họp toàn thể ngày 26 tháng 12 vừa qua, đã quyết định lấy ngày Nguyên tiêu, Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết bài thơ Nguyên tiêu năm 1948 làm Ngày thơ Việt Nam”.

 Trong bài viết của mình, nhà thơ Trần Nhuận Minh phân biệt rõ rằng Phú Yên có Đêm thơ Nguyên Tiêu, Quảng Ninh có Ngày thơ Quảng Ninh. Tôi xin trích nguyên văn như sau:

“ …Như vậy, ngày thơ mang tên một vùng đất, chứ không phải là Đêm thơ xuân, được tổ chức bài bản theo kiểu lễ hội, lễ trước rồi hội sau, có sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của các đoàn thể quần chúng, các tiết mục ngâm thơ, hát thơ, trình diễn thơ trên các sân khấu, ở trong nhà hay ngoài trời, có đánh trống khai hội, in những câu thơ hay vào cờ phướn treo lên cây nêu ( chưa có thả thơ)… thì Quảng Ninh là tỉnh làm đầu tiên. Còn Đêm thơ Nguyên tiêu thì tỉnh Phú Yên làm đầu tiên, không phải trước Quảng Ninh vì Quảng Ninh có Ngày thơ Quảng Ninh, không có Đêm thơ Nguyên Tiêu. Sau này cùng với Ngày thơ Việt Nam, Quảng Ninh vẫn tổ chức ngày thơ truyền thống của mình vào 29 / 3 như trước…”

  Tôi nhất trí với nhà thơ Trần Nhuận Minh là không thể đồng nhất Đêm thơ Nguyên Tiêu với Ngày thơ được. Và theo tinh thần bài viết của Trần Nhuận Minh, mà cũng đúng thực tế như vậy, bạn đọc cần phải hiểu rằng: Đêm thơ Nguyên Phú Yên đầu tiên năm 1981, Ngày thơ Quảng Ninh đầu tiên năm 1988, Ngày thơ Việt Nam  đầu tiên năm 2003.

   Một chút chạnh lòng tôi lại nghĩ tưởng như lạc đề như sau:

  Hẳn mọi người còn nhớ, năm ngoái (năm 2011) tỉnh Phú Yên kỷ niệm 400 năm thành lập, với một lễ hội thật hoành tráng mang tầm quốc gia. Lễ hội này được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương và các tỉnh bạn. Vì sao vậy? Vì vùng đất, con người và văn hoá Phú yên – là một phần lãnh thổ và văn hoá thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta. Hai tiếng Phú Yên cũng được sống một cách thiêng liêng trong miền nhớ của mọi người con đất Việt ngàn năm văn hiến này.

 Hết phút chạnh lòng ấy, tôi xin quay về với Hội thơ xuân Rằm tháng giêng. Ngày thơ Quảng Ninh hay Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên có được sự thành công, có thể gọi là đáng tự hào trong những năm qua, ngoài sự cố gắng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền và văn nghệ sĩ - còn có sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt thành của công chúng yêu thơ chân chính. Có thể nói không ngoa rằng: Công chúng yêu thơ chân chính là nhân tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công của các Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên và Ngày thơ Quảng Ninh.

  Theo tôi, Triệu Lam Châu, sự ngưỡng mộ thơ ca hết sức vô tư, nhiệt thành và say đắm của công chúng yêu thơ ở Phú Yên và ở Quảng Ninh - là như nhau. Chính lòng yêu thơ nhiệt thành ấy của công chúng yêu thơ, là tiềm năng, là năng lượng thúc đẩy và làm cho Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên và Ngày thơ Quảng Ninh ngày càng đi vào chiều sâu và mãi mãi trường tồn…

  Do đó lòng yêu thơ của công chúng yêu thơ ở Phú Yên, cũng xứng đáng được nằm trong miền nhớ của công chúng yêu thơ cả nước mỗi độ xuân về cùng với Ngày thơ Việt Nam hôm nay và mai sau…
 Với suy tư sâu lắng và tâm huyết như vậy, tôi cầu mong nhà thơ Trần Nhuận Minh hào hiệp ban thêm hai chữ “Phú Yên” thiêng liêng vào tựa đề bài viết tâm huyết của mình. Và như vậy tựa đề đó sẽ là: Hành trình từ Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên đến Ngày thơ Quảng Ninh và Ngày thơ Việt Nam.

  Tôi nghĩ rằng niềm ao ước cháy bỏng ấy, không phải chỉ của riêng tôi (Triệu Lam Châu), mà hẳn cũng là niềm ao ước của  Đảng bộ, Chính quyền cùng văn nghệ sĩ và đông đảo công chúng yêu thơ ở Phú Yên.
  Tôi lại đinh ninh rằng: Đó không phải là một tựa đề bình thường nữa, mà sẽ là một câu thơ bất hủ của nhà thơ Trần Nhuận Minh trong tương lai… Để rồi mỗi dịp đến Ngày thơ Việt Nam, công chúng yêu thơ cả nước (và con cháu mai sau) cứ thầm ngâm ngợi trong lòng “Hành trình từ Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên đến Ngày thơ Quảng Ninh và Ngày thơ Việt nam” – Mà thấy hiện lên rực rỡ trong lòng mình Vầng sáng của sự toàn vẹn lãnh thổ (và toàn vẹn văn hoá) thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam ngàn đời yêu dấu…

Tuy Hoà, Phú Yên, đêm 17 tháng giêng năm Nhâm thìn (2012)
Triệu Lam Châu
(Nguồn: http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=14747)

No comments:

Post a Comment