Tóm tắt:
Từ những sử liệu mới công bố, bài viết nghiên
cứu về Đinh Bộ Lĩnh và loạn sứ quân ở thế kỷ X. Bước đầu có thể đưa ra những nhận
định sau. Việc cát cứ ở triều nhà Ngô đã
bắt đầu từ năm 951 tới năm 965 với Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư. Như vậy, Đinh Bộ Lĩnh
là sứ quân cát cứ nổi dậy sớm nhất, tồn tại lâu nhất. Cục diện loạn sứ quân thực
sự diễn ra với sự cướp quyền của Lã Xử Bình sau cái chết của Ngô Xương Văn năm
965. Năm 967, với hai ba chiến thắng quan trọng trước quân đội của nhà Ngô,
tiêu diệt phe tiếm quyền của Lã Xử Bình và buộc các sứ quân còn lại phải quy
thuận, Đinh Bộ Lĩnh đã chấm dứt sự tại vị của nhà Ngô và mở ra một triều đại mới-
triều đại nhà Đinh.
Đinh Bộ Lĩnh là một trong ba nhân vật lịch sử
được nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn lịch sử Việt Nam thế kỷ X. Ngô Quyền với
chiến thắng Bạch Đằng vang dội đánh tan đội quân hùng mạnh Nam Hán được coi là “ông
tổ trung hưng thứ nhất” của dân tộc (chữ của Phan Bội Châu). Lê Hoàn đánh tan đại
quân nhà Tống- một nhà nước hùng mạnh đã chấm dứt giai đoạn Ngũ đại Thập quốc, thống nhất phần lớn
lãnh thổ Trung Nguyên và đang trên đà trở thành một đế chế. Nếu như hai vua
trên thể hiện trên lĩnh vực chống ngoại xâm thì Đinh Tiên Hoàng được coi là người
đã có công trong việc dẹp yên nội loạn mười hai sứ quân. Đặc điểm chung nhất của
cả ba vị là kiến quốc trên lưng ngựa[3]. Bài
viết này, từ những sử liệu tái phát hiện hoặc mới lần đầu công bố, sẽ tiến hành
nghiên cứu về bản chất của danh xưng “loạn mười hai sứ quân”, cũng như vai trò
vị trí của Đinh Bộ Lĩnh trong cuộc tao loạn của xã hội Việt Nam trong thế kỷ X.
Những kết luận hay nhận định chúng tôi sẽ đưa ra trong bài viết phần nào cho
chúng ta thấy một hình ảnh khác của vị anh hùng Đinh Bộ Lĩnh so với những gì đã
biết đến lâu nay.
1. Từ biểu tượng Hoàng đế dẹp loạn
Hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện trong thế kỷ X như một vị anh hùng dẹp loạn
lâu nay đã trở thành một biểu tượng cho sự nhất thống quốc gia, đến mức dân
gian nhiều đời cũng như chính sử lịch triều ít nhiều hư cấu nên một số tình tiết
huyền thoại nhằm tô điểm thêm cho một thần điện tông miếu chính thống: Hoàng đế dẹp loạn.
Mở sách giáo khoa Lịch sử lớp bảy
(2011), ta có thể thấy mục “Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước” có đoạn như sau:
“Khi nhà Ngô sụp đổ, cả nước rối loạn, Đinh Bộ Lĩnh đem quân đi đánh dẹp các sứ
quân. Nhờ sự ủng hộ của nhân dân, Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm,
chiêu dụ được sứ quân Phạm Bạch Hổ, tiến đánh các sứ quân khác…Các sứ quân lần
lượt bị đánh bại hoặc xin hàng. Tình trạng cát cứ chấm dứt”[4].
Đầu thế kỷ XX (1920), Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược cũng ghi: “Những Sứ-quân ấy cứ đánh lẫn nhau, làm
cho dân-gian khổ-sở. Sau nhờ có ông Đinh bộ Lĩnh ở Hoa-lư đem quân đi đánh, mới
dẹp xong cái loạn sứ-quân, đem giang-sơn lại làm một mối,và lập nên cơ nghiệp
nhà Đinh vậy”[5].
Khảo trong sử liệu cũ, hình ảnh ông vua dẹp loạn đã xuất hiện từ thế kỷ
XVII trong tác phẩm Thiên Nam minh giám[6]:
Tiếc giềng Ngô máy then lỏng phép,
Cho quần hùng đầu ngảnh ghe[7] nơi.
Sứ quân bừng dấy mười hai,
Kiến ong nổi tháo[8], hươu nai tranh giành,
Tới Đinh Hoàng thoắt rành đánh tội,
Nước rừng yên, kình sói bặt hơi.
(c.177-182)
Các văn bia tại đền vua Đinh (Ninh
Bình) được dựng đầu thế kỷ XVII đều ca ngợi đội quân của Đinh Bộ Lĩnh là quân
chính nghĩa (nghĩa lữ), và Đinh Tiên Hoàng được coi là vị vua chính thống đầu
tiên của nước Việt (chính thống chi quân tự thử)[9].
Ta thấy độ đáng tin cậy của hình tượng này được củng cố bằng những bộ sử khả
tín nhất mang tính quan phương, ví như Đại
Việt sử ký toàn thư chẳng hạn. Bộ sử này đã trang trọng đặt title “KỶ NHÀ
ĐINH” với nhân vật khai cơ là Tiên Hoàng Đế. Mà công lao lớn nhất để ông bước
lên ngôi không gì khác ngoài việc dẹp loạn (ĐVSKTT và các bộ sử Việt Nam khác đều
có hai đoạn miêu tả sự dẹp loạn này)[10]. Sách
này đã trích mấy lời đánh giá của sử thần Lê Văn Hưu (1230-1322)
như sau: “Tiên hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu
lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một
phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết…”[11] Sử
thần Ngô Sĩ Liên (tk XV) bình thán như sau: “Vận trời đất, bĩ rồi ắt thái, Bắc
Nam đều cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ đại bên Bắc triều [Trung Quốc] suy loạn rồi Tống
Thái Tổ nổi lên. Ở Nam triều [nước ta], 12 sứ quân phân chia quấy nhiễu, rồi
Đinh Tiên Hoàng nổi lên. Không phải là ngẫu nhiên mà do vận trời vậy”[12].
Sách An
Nam chí lược của Lê Trắc ghi “呉昌文卒其下作亂部領與子璉平之領交阯事號大勝王”
(Ngô Xương Văn chết, bọn bề tôi làm loạn, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn bình trị được
đám ấy, lĩnh đất Giao Chỉ, xưng hiệu Đại Thắng Vương)[13].
Cục diện mười hai sứ quân ấy đã được bản đồ
hóa như sau:
Bản đồ 1: Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Nguồn: http://vi.wikipedia.org
Ký hiệu: ngôi sao lớn
trỏ Đinh Bộ Lĩnh (người dẹp loạn);
ngôi sao nhỏ: kinh đô Cổ Loa
lá cờ trỏ các sứ quân nổi loạn.
|
2. Đến hình ảnh con người sống động
qua sử liệu
Những ghi chép về một vị hoàng đế trị loạn như trình bày ở trên, theo
chúng tôi là hình ảnh/ biểu tượng đẹp cho một vị vua khai triều. Cách đánh giá của
các sử quan trong Đại Việt sử ký toàn thư
là cách tô điểm để một nhân vật lịch sử trở thành một biểu tượng lịch sử: “thánh
triết để tiếp nối quốc thống” (chữ dùng của Lê Văn Hưu)[14]
hay dẹp loạn để dựng nước. Đó chỉ là một chuyện. Điều mà chúng tôi muốn đề cập
đến ở đây là một hai đoạn sử liệu vụn vặt, tách rời, bấy lâu nay vẫn nằm trong một
số bộ sử chính thống, nhưng dường như nó đã bị lãng quên một cách vô thức và mơ
hồ có cả chút hữu thức nữa. Dưới đây xin trích lại.
Sử liệu 1: Đại Việt sử ký toàn thư phần Ngoại kỷ, Quyển 5, Kỷ nhà Ngô- Hậu Ngô
vương ghi:
時 華 閭 洞 人 丁 部 領 以 山 谿 險 固 不 修 臣 職 二 王 欲 興 師 討 之 部 領 惧 遣 其 子 璉 入 質 以 止 其 兵璉 至 二 王 責 其 不 庭 竟 執 璉 往 征 之 踰 月 不 克 乃 懸 璉 竿 上 使 人 謂 部 領 曰 不 降 則 殺 璉 部 領 怒 曰 大 丈 夫 以 功 名 自 許 豈 效 兒 女 之 愛 子 耶 遽 令 士 餘 弩 注 璉 俱 彂 二 王 驚 曰 我 之 懸 其 子 欲 使 顧 惜 而 速 降 彼 殘 忍 如 此 焉 用 懸 為 即 不 殺 璉 而 班 師 焉 [tr.23b-24a]“Bấy giờ người động Hoa Lư là Đinh Bộ
Lĩnh cậy núi khe hiểm cố, không chịu giữ chức phận làm tôi. Hai vương muốn cất
quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào triều làm con tin để ngăn
chặn việc xuất quân [24a]. Liễn đến, hai vương trách tội [Bộ Lĩnh] không
đến chầu, rồi bắt giữ Liễn đem theo đi đánh. Hơn một tháng, không đánh nổi, bèn
treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn.
Bộ Lĩnh tức giận nói: "Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại
bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?". Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn
mà bắn. Hai vương kinh sợ: "Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con
mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì".
Bèn không giết Liễn mà đem quân về. [T1:
207]
Sử liệu 2: Việt sử lược đời Trần (?) của tác giả khuyết danh:
時有華閭洞人丁部領負谿山險固不修臣職二王欲討之部領懼遣其子璉入貢璉至二王責其不庭執璉而往征之踰月不克王乃懸璉竿上謂部領曰不降即殺之部領怒曰大丈夫豈以兒子之故累大事耶遽命十餘弓射璉二王驚異乃班師焉 “Lúc bấy giờ có người ở động Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh nương tựa
nơi khe núi hiểm trở, kiên cố mà ở, không chịu tu sửa cho đúng cái chức vụ của
bầy tôi. Hai vị vương muốn đánh, Đinh Bộ Lĩnh sợ hãi sai con là Liễn vào triều
cống[15].
Liễn đến, hai vị vương chê trách sao không vào chầu, rồi bắt giữ Liễn và đem
binh đi đánh Đinh Bộ Lĩnh. Đánh hơn một tháng vẫn không thắng được, vương bèn
treo Liễn lên cần tre rồi bảo Bộ Lĩnh rằng: "Nếu không hàng tất giết Liễn".
Đinh Bộ Lĩnh tức giận đáp rằng: "Đại trượng phu há vì đứa con nhỏ mà làm lụy
đến việc lớn sao?". Rồi ra lệnh cho hơn 10 tay cung nỏ bắn Liễn. Hai vị
vương kinh sợ rồi đem quân trở về.”[16]
Hai sử liệu[17]
trên có đôi ba câu chữ xuất nhập khác nhau. Nhưng đại để có thể nhận định rằng,
Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử lược có tham chiếu lẫn nhau. Yamamoto
Tatsuro tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của sử liệu này, nhưng ông không đưa ra
được chứng cứ nào để ủng hộ cho nghi ngờ của mình[18]. Vì
vậy, chúng tôi tạm coi đây như là cứ liệu có thể chấp nhận được trong tình hình
tư liệu hiện nay.
Đoạn trên ghi chép về sự kiện diễn ra vào năm 951, tức năm Ngô Xương Văn
lên ngôi xưng là Nam Tấn Vương và rước anh trai Ngô Xương Ngập về làm Thiên
Sách Vương cùng cai trị đất nước. Đoạn trên cho ta đi đến một số nhận định như
sau:
(1)
Đinh Bộ Lĩnh đã bắt đầu tiến hành cát cứ và dấy
quân muộn nhất từ năm 951. Đặng Xuân Bảng chua rằng “sự kiện Bộ Lĩnh bắt đầu từ
đây”[19].
(2)
Hai vua nhà Ngô không thể dẹp được loạn của Đinh
Bộ Lĩnh nên đã quay về kinh đô Cổ Loa. Điều đó có nghĩa là:
(3)
Đinh Bộ Lĩnh đã cát cứ trong lãnh địa Hoa Lư từ
năm 951 đến năm 965 (khi Nam Tấn Vương chết trận ở Thái Bình), tổng cộng quãng
15 năm. Và nếu tính cả thời gian từ 965 đến 967 thì tổng số thời gian
cát cứ của họ Đinh đối với nhà Ngô là quãng 17-18 năm.
(4)
Và con số 15 năm là khoảng thời gian Đinh Liễn sống
cuộc đời của một con tin/ tù binh ở thành Cổ Loa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư [tr.208], việc trốn thoát này xảy ra khi triều
đình trung ương có biến, tức khi Nam Tấn Vương mất và quyền bính rơi vào tay họ
khác[20].
(5)
Trong 15 năm cát cứ ấy, Định Bộ Lĩnh đã tiến
hành nuôi quân và tập trận. Huyền thoại “chú bé chăn trâu tập trận cờ lau” được
chép trong nhiều bộ sử có lẽ được hình thành từ cái lõi sự thật này.
(6)
Trước sau 15 năm cát cứ ấy, Đinh Bộ Lĩnh cũng đã
ngầm tiến hành liên kết sức mạnh và thế lực bằng việc kết thân và liên minh với
Trần Lãm- một viên Thứ sử đồng liêu với cha mình dưới thời Dương Đình Nghệ và
Ngô Quyền[21]. Đại Việt sử ký toàn thư ghi việc nhận “con nuôi- cha nuôi” này được
diễn ra vào năm 967, tức là sau khi các sứ quân đã nổi lên. Việc chép
này là không logic. Có lẽ Thiên Nam ngữ lục
đã ghi gần sát thực tế hơn:
khá khen họ Trần
Minh Công,
Ở ngoài Bố Hải
cả dung anh tài,
Bộ Lĩnh tuổi đã
hai mươi,
ngồi chẳng chỗ
ngồi, ăn chẳng chỗ ăn,
Tai từ nghe tiếng
đức nhân,
Có lòng đãi sĩ
có ân dung người…
Trần công thấy
nói biết hay,
Con dòng lỡ bước
thương thay ngùi ngùi…
Bảo rằng: chú
ngỡ là ai,
Xưa Đinh Công
Trứ với người đã giao,
Loạn phân từ ấy
cách nhau,
kẻ nhậm chư hầu
người làm tá vương…
Trời xui con lại
đến đây,
Nghĩa cũ một
ngày muôn kiếp chẳng phai,
chú nay chửa có
con trai,
Lo sau hậu tự
cho ai nghiệp này” [c.3900-3950].
Đoạn ghi trên có thể cho phép nghĩ rằng, liên minh Trần- Đinh, về mặt
quan hệ cá nhân, là kiểu liên minh tình cảm; về mặt chính trị có lẽ họ theo tập
đoàn họ Dương, mà ở thời điểm đó đại biểu chính là Dương Tam Kha.
Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao Trần Lãm- quan đương triều nhà Ngô lại
nhận một người nổi loạn như Đinh Bộ Lĩnh làm con nuôi? Theo chúng tôi, Trần
Lãm, Ngô Quyền, Đinh Công Trứ cùng hàng với nhau, đều là các trụ cột của Dương
Đình Nghệ thuở trước. Và nếu theo logic, thì ba người này hẳn nằm trong số 3000
giả tử (con nuôi) của họ Dương, cùng làm nên chiến thắng trước Thứ sử Lý Tiến
và đại tướng Trần Bảo của nhà Nam Hán năm
nào. Rồi sau đó, họ chung vai sát cánh cùng làm nên đại thắng Bạch Đằng.
Chiến thắng lớn này, cộng thêm với việc trừ khử Kiều Công Tiễn trước đó, đã làm
nên địa vị mới của Ngô Quyền để ông lên ngôi vua. Còn Trần Lãm tiếp tục làm tướng
, được giao trọng trách giữ trốn hiểm yếu ở cửa biển. Tuy nhiên, trong tâm tâm
ông cũng như nhiều vị tướng lĩnh khác trong số 3000 giả tử, đối tượng mà mình
thờ có lẽ vẫn là họ Dương. Cho nên, Ngô Quyền mất. Dương Tam Kha đoạt lại ngôi
cho nhà mình, thời đại 5 - 6 năm của Dương Tam Kha là thời của những thế lực trung
thành với họ Dương. Nhưng sau đó, Tam Kha lại bị ông cháu ruột/ đồng thời là
con nuôi Ngô Xương Văn (cùng các tướng Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi- những thuộc
tướng thực sự của Ngô Quyền) lật đổ, đảo chính. Bối cảnh ấy cho phép nghĩ rằng,
liên minh Trần- Đinh có lẽ được hình thành trên cơ sở phe phái và nhóm quyền lợi
như vậy. Nguyễn Danh Phiệt đã hữu lý ở điểm này, ông viết: “Có lẽ, sự thật sẽ
đơn giản hơn một khi thừa nhận rằng Đinh Bộ Lĩnh chỉ có thể tìm đồng minh ở một
thế lực khác cùng chống đối…” [1990: 65].
Bản đồ: Bốn điểm cát cứ thời Nam Tấn Vương (951-965)
Lá cờ trỏ quân cát cứ; Sự cát cứ của Trần Lãm là chưa lộ mặt. Nhưng bên
trong đã ngầm liên minh với Đinh Bộ Lĩnh. Quân cát cứ ở Thái Bình thuộc Phong
Châu. Quân cát cứ ở Thao Giang (Tam Nông, Phú Thọ).
Ghi chú: tạm coi các sứ quân đã
trấn giữ các đất này mà không tính đến sự thuyên chuyển bổ nhậm. Theo một số
sử liệu Trung Hoa, mỗi sứ quân này trị nhậm một châu, tức là thời Ngô nước ta
chia làm 12 châu. Riêng Ngô Xương Xí có điểm hơi tế nhị, từ năm 951-954, khi
thân phụ ông Thiên Sách Vương còn tại vị có lẽ ông ở Cổ Loa. Sau khi cha ông
mất, ông mới về Ái Châu giữ đất hương khói (954-965). Ngô Nhật Khánh- anh em
họ với Ngô Xương Xí ở Đường Lâm[22]
(Châu Ái).
|
Nguyên nhân Đinh Bộ Lĩnh dấy quân có lẽ cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ.
Về mặt tuổi tác, Đinh Bộ Lĩnh là thuộc hàng “đồng lứa”- ngang hàng với hai vua
họ Ngô; ở góc độ của ông, hai vị vua này được thừa hưởng ngôi từ cha và có lẽ về
mặt tài năng- hào hùng không có điều gì đáng kể để ông phải sợ phục. Về mặt
tính cách và khí chất, Đinh Bộ Lĩnh vốn là một nhân cách bẩm sinh mang dòng máu
anh hùng đời loạn, luôn ôm “chí lớn” để làm những “việc lớn”. Những đoạn sử
trích lời nói cũng như một số hành động của ông đã chứng tỏ điều này.
Về mặt quyền lợi, một số sử Trung Hoa (xem các sử liệu tại mục 4 của bài
viết này) ghi ông “nối cha giữ chức Thứ sử Hoan châu”. Keith Weller Taylor dựa
vào sử liệu này mà đoán định rằng Đinh Bộ Lĩnh giữ chức Thứ sử Hoan- Ái vào thời
Bình Vương Dương Tam Kha giữ ngôi [1982: 277]. Trong khi, toàn bộ sử Việt Nam đều ghi
ông mồ côi cha từ bé và lớn lên trên quê mẹ. Đoạn “mồ côi và thơ ấu” trong Đại Việt sử ký toàn thư có thể thấy nằm
trong phần “huyền thoại thuở ấu thơ của họ Đinh”, nên chúng tôi cho rằng, những
ghi chép bên sử Bắc là đáng để lưu ý hơn, và ý kiến của Keith Weller Taylor là
có cơ sở[23]. Theo cách tính của Nguyễn
Danh Phiệt, Đinh Công Trứ mất khi Đinh Bộ Lĩnh quãng từ 15 đến 20 tuổi[24].
Theo chúng tôi, đây là cứ liệu cho phép nghĩ rằng Đinh Bộ Lĩnh, theo nguyên tắc
tập ấm, có thể đã nối cha giữ chức một thời gian, rồi sau đó vì theo phe họ
Dương nên đã bị Ngô Xương Văn truất quyền rồi về sống ở quê mẹ. Hoặc giả, ông
chưa từng nhậm chức ấy đi chăng nữa, thì có thể khẳng định rằng ông đã bị tước
mất quyền tập ấm. Dù có thế nào đi chăng nữa, việc mất quyền tập ấm ấy (= mất
chức) chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ông không phục triều
đình nhà Ngô. Và chuyện ông“không chịu giữ chức phận làm tôi” như lời trong Đại Việt sử ký toàn thư và một số bộ sử đời
Tống đời Minh là việc có thể hiểu được.
3. Đinh Bộ Lĩnh - từ góc nhìn của chính triều (nhà Ngô)
Những sử liệu trên cho phép nghĩ rằng Đinh Bộ Lĩnh chính là người nổi lên sớm nhất và lâu nhất trong thời đại nhà Ngô[25], đằng sau ông có thể
còn có sự tiếp tay âm thầm của sứ quân Trần Lãm. Sự thực lịch sử này đã bị
che khuất qua rất nhiều đời, dưới nhãn quan của các sử gia có ý định mỹ hóa lịch
sử hình thành dân tộc và lịch sử hình thành đất nước. Những ghi chép, định danh
rõ ràng tên họ - địa chỉ “của mười hai sứ quân” trong Đại Việt sử ký toàn thư và nhiều bộ sử khác là một minh chứng rõ
nét cho xu hướng mỹ hóa lịch sử[26]
này. Tạ Chí Đại Trường, có thể nói, là một trong số ít các sử gia đương đại đã phát
biểu một cách chính thức về tính chất “chính- ngụy” của Đinh Bộ Lĩnh và các sứ
quân[27]. Nói
một cách khách quan, từ phía nhìn của người chiến thắng lập nên triều đại (từ
phía họ Đinh), các sử gia đời sau đã tiến hành ba thao tác:
(1) Loại Đinh Bộ Lĩnh/ Đinh Tiên Hoàng ra khỏi danh sách các sứ quân cát
cứ.
(2) Để từ đó, miêu tả Đinh Bộ Lĩnh như một nhân vật đứng ngoài/ xuất hiện
sau, “phất cờ lau chính nghĩa” để dẹp loạn, cứu vớt nhân dân khỏi lầm than.
(3) Biến các đội quân của chính triều- tức quân đội nhà Ngô (như các đạo
của Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh và Đỗ Cảnh Thạc,…) trở thành các sứ quân nổi
loạn.
Như vậy, một việc “trộn lẫn vàng
thau” đã diễn ra trong nhãn quan của các sử gia đời sau. Người nổi loạn sớm nhất,
lâu nhất lại trở thành anh hùng dẹp loạn. Một số đội quân chính triều của nhà
Ngô trở thành những người phản nghịch. Cách nhìn nhận như vậy là không công
bằng và khách quan cho cả hai phía, điều đó sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nhất định
đối với sử thực Việt Nam nói riêng và sử học nói chung.
Có nghi ngờ cho rằng “mười hai sứ quân” còn là một cách làm đẹp con số của
những người viết sử đời sau. Hoặc có thể nghĩ đến giả thuyết rằng, cụm danh
xưng “mười hai sứ quân” đã được định hình và phổ dụng ngay đương thời, khi mà
Đinh Bộ Lĩnh đã làm nên “muôn chiến thắng” và dựng nên triều đại của riêng mình.
Cho nên, Tạ Chí Đại Trường nghi ngờ về con số 12 này cũng là có cơ sở. Ông cho
rằng, số sứ quân có thể còn nhiều hơn thế nữa[28]. Chúng
tôi chia sẻ với nhận định của ông. Sự đồng thuận này đặt trên những sử liệu và
phân tích mà chúng tôi đã nêu; ngoài ra còn phải kể đến những sử liệu mới phát
hiện mà chúng tôi trình bày cụ thể như dưới đây. Những sử liệu ấy cho phép nghĩ
đến nguyên nhân của sự cát cứ và cục diện chính của loạn sứ quân.
TS TRẦN TRỌNG DƯƠNG
(Xem tiếp Phần II)
TS TRẦN TRỌNG DƯƠNG
(Xem tiếp Phần II)
[1] “Sử
thực: những sự thực, những việc xẩy ra trong lịch sử (faits historiques). [Vệ
Thạch Đào Duy Anh, Giản yếu Hán Việt từ
điển 簡要漢越辭典, (Hãn Mạn Tử, Giao Tiều
hiệu đính). Imprimerie TIENG DAN. HUE- Dong Ba. Hué. 1932. tr.213]. Sử thực có
thể coi là đối tượng cuối cùng mà sử học muốn hướng đến. Khái niệm này là khá tế
nhị. Bởi lẽ chúng ta không khi nào dám cả quyết về một sử thực tuyệt đối như nó
đã từng xảy ra trong lịch sử, mà chỉ là những sử thực theo nhãn quan của một số
nhóm người nào đó. Tuy nhiên, cũng không thể dựa vào tính tương đối của sử thực
để biện hộ cho những hành vi phi sử học.
[2] Sứ quân: (1). Thời Hán gọi các Thứ sử là “sứ quân”. Ví dụ, bài Nhật xuất Đông Nam ngung hành trong Ngọc Đài tân vịnh ghi: 使君从南来,五马立踟蹰 sứ quân tòng Nam lai, Ngũ mã lập trù trừ (Sứ quân từ Nam đến, năm ngựa đứng trù trừ).
(2). Từ đời Hán về sau, là tôn xưng giành cho trưởng quan của các châu quận. Lưu Chương truyện phần Thục Chí sách Tam quốc chí ghi: ﹝ 张松 ﹞还,疵毁 曹公 ,劝 璋 自絶,因説 璋 曰:‘ 刘豫州 ,使君之肺腑,可与交通 (Trương Tùng về, nói xấu Tào Tháo, khuyên Chương nên chủ động tự tuyệt giao, nhân đấy nói với Chương rằng: ‘ngài Lưu Bị ở Dự Châu, là chỗ gan ruột của sứ quân, có thể đi lại được ’). Phần Tiên chúa truyện của sách này cũng ghi đoạn nổi tiếng sau:曹公从容谓先主曰:‘今天下英雄,惟使君与操耳’”按刘备当时为豫州牧 (Tào công thung dung nói với Tiên chúa rằng: ‘anh hùng trong thiên hạ đời nay, chỉ có sứ quân và Tháo mà thôi’). Bởi khi ấy Lưu Bị đang làm chức Mục của Dự Châu (Dự Châu mục).
(3). Từ tôn xưng trỏ người phụng mệnh xuất sứ. Vương Tố truyện trong Hán thư ghi: 使君顓杀生之柄,威震郡国 (Quyền bính sát sinh của sứ quân Húc thực là oai chấn quận quốc). Nhan Sư Cổ chua: 为使者,故谓之使君(làm sứ giả, cho nên gọi là sứ quân) [Từ nguyên. Thương vụ ấn thư quán. 1997. tr.0111]. Như vậy, khái niệm “sứ quân” trong sử liệu giai đoạn từ đời Hán đến thế kỷ X, có thể dùng với nghĩa thứ hai. Một số sách nhấn mạnh rằng, “sứ quân” không phải là tên gọi chính thức của chức quan, mà là một tên gọi mang tính tôn xưng (dùng trong khẩu ngữ , dân gian) dành cho người giữ chức quan đó (châu mục). Chính từ nghĩa này, mà văn ngôn từ đời Tống đến đời Thanh mới có nghĩa dẫn thân thứ tư, với tư cách là đại từ nhân xưng ngôi thứ 2 trỏ ý trang trọng, kính cẩn. Cần nhấn mạnh một điểm là “sứ quân” không có nghĩa là “người nổi loạn” như cách dịch “the twelve of warlords” của Keith Weller Taylor [1982: 275], mà chỉ là “cách gọi trang trọng trong văn ngôn thế kỷ X về sau” của sử gia giành cho những nhân vật có chức tước này.
[3]
Các sử quan Nho gia thường xếp nhà Đinh vào phần Bản kỷ, còn nhà Ngô vào phần Ngoại
kỷ. Sở dĩ như vậy, vì xét theo tiêu chí của Nho gia, Đinh Bộ Lĩnh đã đánh mốc
dấu quan trọng trong việc xây dựng mô hình nhà nước độc lập đầu tiên của Việt Nam,
có thể thấy qua lời bàn sau của Lê Văn Hưu: “Vua mở nước dựng đô, đổi xưng
hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quận, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước
Việt ta mà lại sinh ra bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu vương
chăng” (ĐVSKTT tr.211). Cách đánh giá ấy đều dựa trên những sử liệu còn được
ghi chép lại về Đinh Bộ Lĩnh mà thiếu hụt khá nhiều thông tin về đời nhà Ngô. Bởi
dẫu sao, Ngô Quyền mới là người đầu tiên xưng vương trong thế kỷ X. Cho nên,
các nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại đã cải chính cách hiểu trên, coi Ngô Quyền
là vị vua đầu tiên của nước ta sau nghìn năm Bắc thuộc. Cách lý giải này là hữu
lý. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách công bằng hơn, rằng: để giành được độc lập
tự chủ, không nên chỉ tính đến ba nhà Ngô nhà Đinh nhà Tiền Lê, mà còn phải kể
đến sự cầm quyền và những ý đồ tự trị- độc lập của họ Khúc và họ Dương, đặc biệt
là Dương Đình Nghệ. [Tham khảo Nguyễn Diên Niên và Phan Bảo. (2011). Dương Đình Nghệ với ba nghìn người giả tử của
ngài. www.vanhoanghean.vn]
[4] Bộ
Giáo dục và Đào tạo. (2011). Lịch sử 7 (tái
bản lần thứ 8). Nxb Giáo dục
Việt Nam. Hà Nội. tr. 27-28.
[5] Trần
Trọng Kim. (1920). Việt Nam sử lược.
in lần thứ nhất, Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội.
[6] Trịnh
thị. (1624-1657). Thiên Nam minh giám
(Gương sáng trời Nam). tr.4a. (Thư viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh ,
ký hiệu HNv.006). Tham khảo phần phiên khảo của Hoàng Thị Ngọ, (1994). Nxb Văn
học. Hà Nội.
Xem
thêm Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái. (tk XIX). Đại Nam quốc sử diễn ca. (Lã Minh Hằng khảo cứu, phiên âm, chú
thích. Nxb Văn học. Hà Nội. 2008.
tr. 88-90.
[7]
Ghe (từ Việt cổ): nhiều, khắp.
[8]
Tháo (từ cổ): om sòm. Lưu tích còn trong từ quát
tháo, cấu trúc từ pháp giống như các cụm: cáu um, quát nhặng, cười ngất, ho sặc,…
[9] Văn bia Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức bi ký
tịnh minh khắc năm Hoằng Định 9 (1608), Đền vua Đinh (Ninh Bình), thác bản Viện NC Hán Nôm, ký hiệu 29483-29484. Bia này do Nguyên soái Quốc
chính phụ Bình An Vương Trịnh Tùng cho khắc.
Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tăng tu điện
miếu bi ký khắc năm Chính
Hòa 17 (1696), Đền vua Đinh (Ninh Bình), thác bản Viện NC Hán Nôm, ký hiệu 29481-29482.
Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức bi ký khắc năm Thiệu Trị 3 (1843), Đền vua Đinh
(Ninh Bình), thác bản Viện NC Hán Nôm, ký hiệu 29485-29486. Bia này ghi “ngã Việt
thái bình chi nghiệp thực cơ ư thử” (nghiệp thái bình nước Việt ta thực đặt nền
móng từ đây), hay “bản quốc chính thống chi thủy” (khởi nguồn chính thống nước
ta).
[10]
Chính Hòa thứ mười tám (1697). Đại Việt sử
ký toàn thư. Nội các quan bản. Bản khắc in.
Bản
dịch. 1998. Tập 1. Ngô Đức Thọ
dịch chú, Hà Văn Tấn hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.209, tr.211.
[11]
ĐVSKTT. Sdd. tr.210.
[12] ĐVSKTT. Sdd. tr.209.
[13] Lê Tắc.( 1335) An Nam chí lược. Mạnh Nghị Trần Kinh Hòa dịch (1960, tb 2002). Nxb Thuận Hóa- Trung tâm Văn
hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Huế. Tr.227.
[14]
ĐVSKTT. Sdd. tr.211.
[15] Đại Việt sử ký toàn thư
dùng chữ chí 質(con tin, làm con tin), Việt sử lược ghi cống 貢 (cống). Chúng tôi cho rằng,
chữ chí có lý hơn. Mặt khác, hai chữ
này gần giống nhau, có lẽ Việt sử lược ghi
nhầm.
[16]
Khuyết danh. (đời Trần) Việt sử lược.
Trong Tứ khố toàn thư (đời Càn Long
nhà Thanh).
[17]
Ngoài hai sử liệu trên còn thấy Việt sử
cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng chép lại đoạn này. Đặng Xuân Bảng. Việt sử cương mục tiết yếu. Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải. Nxb
Khoa học Xã hội. Hà Nội. 2000. tr.60.
[19] Đặng
Xuân Bảng. sdd. tr.60.
[20] Đặng
Xuân Bảng ghi rằng: hai vua họ Ngô thấy Bộ Lĩnh cho cung thủ bắn vào con thì
“tha Liễn và bãi binh, rút quân về” ngay năm 951 [sdd. tr.60]. Xét sử liệu đã
trích ở ĐVSKTT, nay cải chính.
[21] Đặng
Xuân Bảng (sdd, tr. 60) đã có lý khi cho
rằng Đinh Bộ Lĩnh đã liên minh với Trần Lãm từ năm 951. Chính vì suy nghĩ như vậy,
ông cho rằng, Trần Lãm mới là quân cát cứ và nổi dậy sớm nhất. Nhưng, xét các sử
liệu chính thống như Toàn thư không hề
ghi nhận một dòng nào về sự cát cứ của Trần Lãm, chúng tôi thấy, sự kiện Đinh Bộ
Lĩnh nổi loạn là sự kiện lớn nhất của thời đại hai vua họ Ngô, mặt khác, lại
cát cứ ngay năm hai vị lên ngôi. Đoạn chép Đinh Bộ Lĩnh cát cứ ở Hoa Lư năm 951
dài gấp ba lần so với đoạn Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương lên ngôi và cai trị.
Cho thấy, Đinh Bộ Lĩnh mới là người nổi dậy sớm hơn cả. Còn việc họ Đinh và họ
Trần nhận làm cha nuôi con nuôi thì chúng tôi xác định là không thể diễn ra vào
năm 967 như Toàn thư đã ghi, mà phải là từ trước đó.
Chúng tôi tạm đưa ra hai giả thuyết. Giả thuyết 1: hai người đã nhận cha- con
nuôi từ trước 951. Nếu như giả thuyết này đúng, thì việc Đinh Bộ Lĩnh nổi dậy ắt
cũng có tay của Trần Minh Công, nhưng có lẽ lúc đó ông chưa ra mặt, sự chưa ra
mặt ấy ắt là có sự tính toán của một người đã già giặn trên chính trường. Giả thuyết
2: hai người nhận cha- con nuôi diễn ra trong khoảng từ 951-965, thì âm mưu Trần
Minh Công chống lại nhà Ngô cũng đã khá rõ ý. Dù trước hay sau, thì chúng tôi
thấy Trần Minh Công đã không thuận theo nhà Ngô từ khá sớm, đúng như Đặng Xuân
Bảng đã phán đoán. Tuy nhiên, sử liệu không có thông tin cụ thể nào chắc chắn
cho ta khẳng định ông đã cát cứ từ trước năm 965. Tạm chỉ có thể nhận định là
ông thực sự lộ mặt sau cái chết của Nam Tấn Vương.
[22]
Theo chúng tôi, Ngô Nhật Khánh là người châu Đường Lâm thế kỷ X (Nam Thanh Hóa,
Bắc Nghệ An ngày nay) chứ không phải ở xã Đường Lâm ( mới thành lập từ năm 1964
tại Sơn Tây, Hà Nội ngày nay). Chỉ có như vậy, ta mới lý giải được vì sao sau
khi Đinh Bộ Lĩnh bị giết, Ngô Nhật Khánh mới xẻo má vợ (con gái Đinh Tiên Hoàng)
mới dễ dàng bỏ chạy sang Chiêm Thành. [Vấn đề này xem thêm Trần Ngọc Vương,
Nguyễn Tô Lan, Trần Trọng Dương. 2011. Đường
Lâm là Đường Lâm nào? (Tìm về quê
hương Đại Sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu). Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển.
Huế. Tr.115-137.
[23] Nguyễn Danh Phiệt phủ nhận
các cứ liệu trên, để đưa ra kết luận rằng Đinh Bộ Lĩnh không hề nối chức cha.
Ông viết: “Chúng ta biết chỉ có Tống sử,
An Nam chí lược, và Việt kiệu thư chép việc này. Các bộ sử của
ta như Việt sử lược, Toàn thư, Cương mục chỉ
chép sau khi bố mất, Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ về ở cạnh đền Sơn Thần trong động
núi. Thêm vào đó, kiểm tra trong truyền thuyết, không hề có một chi tiết nào trực
tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến việc Đinh Bộ Lĩnh từng thay cha giữ chức thứ
sử Hoan Châu. Đến đây, có thể kết luận điều ghi chép trong Tống sử, An Nam chí lược và Việt
Kiệu thư là không chính xác. Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha ở độ tuổi gần trưởng
thành hoặc đã trưởng thành, nhưng ông không thay cha giữ chức thứ sử Hoan Châu”
[1990: 55]. Cách phủ định sử liệu của Nguyễn Danh Phiệt cần phải thảo luận lại ở
đây. Tống sử (soạn 1343), An Nam
chí lược (soạn sau 1288), và Việt kiệu
thư (đời Minh) đều là các sử liệu sớm.
Trừ Việt sử lược, Toàn thư, Cương
mục đều là các sách xuất hiện muộn hơn. Vì thế, không nên, áp đặt sử ta ghi
đúng hơn sử Tàu. Hơn nữa, dùng sử liệu muộn hơn để phủ định sử liệu sớm hơn là
một việc phải hết sức thận trọng. Nhưng đáng ngại nhất là tác giả lại phủ định
các sử liệu bằng truyền thuyết.
[24] Nguyễn Danh Phiệt. 1990.
sdd. tr.55.
[25] Đặng
Xuân Bảng trong cuốn Việt sử cương mục tiết
yếu cũng tỏ ra nghi ngờ về trình tự và nguyên nhân rối loạn như sau: “Sử cũ
nói khi Nam Tấn mất, 12 sứ quân đua nhau nổi lên, bắt đầu từ Ngô Xương Xí kết
thúc ở Trần Minh Công. Nhưng bộ Lĩnh vốn dựa vào Minh Công. Minh Công chết rồi
mới thay lĩnh số quân đó. Mà năm Xương Văn thứ nhất đã ghi Bộ Lĩnh chiếm Hoa
Lư, hai vương đi đánh không được. Thế thì Minh Công khởi binh phải xảy ra trước
khi Xương Văn lấy lại được nước. Từ đó mà suy ra thì 12 sứ quân, phải có người
khởi binh trước, người khởi binh sau, không phải là đến khi Nam Tấn mất rồi, mới
cùng lúc nổi dậy” [Đặng Xuân Bảng. Việt sử
cương mục tiết yếu. Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải. Nxb Khoa học Xã hội. Hà
Nội. 2000. tr. 62].
[26] Mỹ
hóa lịch sử hay ố hóa lịch sử đều là hai xu hướng có hại cho sử học, xã hội và
dân tộc.
[27] Tạ
Chí Đại Trường viết: “Và nếu không vướng vào vị thế chính ngụy thì còn phải kể
thêm Đinh Bộ Lĩnh như sử Minh đã ghi” [Tạ Chí Đại Trường. 2009. Bài sử khác cho Việt Nam (Sơ thảo). Văn
Mới. USA. tr.124].
[28]
Ông viết: “Chúng ta không biết gì thêm về Lữ Đường, Lý Khuê của sử quan, Dương
Huy và tên Ngô Xử Bình do Lê Tắc dẫn,… Chưa kể các lực lượng phía Nam Hoa Lư
như Lê Lương, như tập đoàn họ Lê có người nuôi Lê Hoàn. Nghĩa là số sứ quân,
không kể người khuất lấp, đã có trên mười hai người” [Tạ Chí Đại Trường. 2009. Bài sử khác cho Việt Nam (Sơ thảo). Văn
Mới. USA. tr.124].
No comments:
Post a Comment