.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, February 21, 2012

NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP GIAO LƯU VỚI BẠN ĐỌC NHÂN DỊP RA MẮT TÁC PHẨM “VONG BƯỚM”

 
Tháng Hai năm 2012, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm Vong Bướm - thể nghiệm mới của Nguyễn Huy Thiệp, nhà viết truyện ngắn nổi danh. Đặc biệt trong dịp này, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam – Không gian Sáng tạo Trung Nguyên cùng phối hợp tổ chức buổi giao lưu với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhân dịp ra mắt tác phẩm Vong Bướm, với sự tham gia của:
- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người dẫn chương trình
Cùng các vị khách mời:
- PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học
- TS. Nguyễn Phượng – Đại học Sư phạm Hà Nội
Ngoài phần trao đổi về tác phẩm Vong Bướm cũng như sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đây cũng là dịp trưng bày các tác phẩm của nhà văn đã xuất bản trong và ngoài nước từ trước đến nay, cùng một số tranh minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương cho Vong Bướm.

Thời gian: 15h - 17h, thứ Năm ngày 23/02/2012
Địa điểm: Không gian Sáng tạo Cà phê Trung Nguyên, 36B Điện Biên Phủ, Hà Nội.

1. VỀ TÁC GIẢ NGUYỄN HUY THIỆP
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông bước vào văn đàn năm 38 tuổi, cái tuổi muộn màng cho một người cầm bút, nhưng xuất hiện là nổi tiếng ngay. Những Tướng về hưu, bộ ba truyện lịch sử, Không có vua, Những ngọn gió Hua Tát, Những bài học nông thôn, Sang sông… đã khiến tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp sáng rỡ trên văn đàn.
Nguyễn Huy Thiệp khai phá những mảng khuất tối trong đời sống đô thị, đời sống nông thôn, những ngóc ngách bí ẩn trong tâm hồn con người, khuấy đảo lên những vấn đề người ta hay né tránh, khước từ lối suy nghĩ một chiều dễ dãi. Cuộc sống và con người hiện lên trong truyện Nguyễn Huy Thiệp sắc nét, vừa xù xì nham nhở, thậm chí kinh dị, vừa đẹp, vừa buồn. Và ẩn sau những giữa rậm rạp chữ nghĩa là tư tưởng xuyên suốt của của nhà văn: nương vào tự nhiên mà sống.
Nguyễn Huy Thiệp là một phù thủy về ngôn ngữ, giọng văn của ông trong trẻo, huyền ảo khi viết về những huyền thoại miền sơn cước; lạnh lùng đến ghê rợn khi viết về hiện trạng đời sống thành thị; chua xót khi viết về đời sống nông thôn; tự tín khi viết về lịch sử; pha lẫn với chất ma mị, cười cợt, triết lý rải khắp các trang văn…
Mới lạ và độc đáo trong cả nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, nên trong suốt những thập kỷ qua, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có khả năng kích thích đối thoại mạnh nhất, đặt ra được nhiều vấn đề hứng thú nhất, gây tranh cãi nhiều nhất.
Truyện ngắn của ông được dịch sang tiếng Pháp, Anh, Italia, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia. Ông đã vinh dự đuợc tặng Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp năm 2007, nhận Giải thưởng Văn học Premio Nonino, Italia năm 2008.
Một mảng sáng tác quan trọng nữa của nhà văn là kịch. Kịch của ông mang phong cách hiện đại, mang sức nặng của đối thoại và truy vấn những vấn đề lớn của cuộc sống: hiện thực, đạo đức, quyền lực, cách mạng, tình yêu… Một số vở đã được công diễn và gặt hái thành công.

2. VỀ TÁC PHẨM “VONG BƯỚM”

Vong Bướm là thể nghiệm mới của Nguyễn Huy Thiệp: lần đầu tiên ông viết kịch bản chèo. Nguyễn Huy Thiệp viết chèo bởi theo ông đó là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, đậm chất Việt Nam, hấp dẫn bởi sự giản dị nhưng cũng rất ảo của nó. Hơn thế nữa, trong thời hiện đại, nhà văn cho rằng chèo đang bị dung tục hóa một cách thô bạo, và ông viết như một cách lưu giữ truyền thống. Ngôn ngữ chèo sử dụng phần nhiều là thơ lục bát, nên đây cũng là lần đầu tiên Nguyễn Huy Thiệp dấn thân với thể thơ truyền thống này.
Tác phẩm gồm hai kịch bản chèo Vong BướmTruyền thuyết tìm vua.
* Vong Bướm là câu chuyện lấy cảm hứng từ cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính (1917-1966), cũng là của nhiều văn nghệ sĩ khác đương thời. Thi sĩ Điệp Lang xuất thân từ nông thôn, không gian biểu tượng cho văn hóa tâm linh và các giá trị đạo đức truyền thống của người dân Việt. Chàng bỏ quê đi ra thành phố để kiếm tìm lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ. Nhưng Điệp Lang phải lên chuyến tàu định mệnh, phải ký khế ước bán linh hồn với Ma vương, làm bạn cùng bốn con quỷ Rượu chè, Sắc dục, Cờ bạc và Ma túy, phải vượt qua bốn ngọn núi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Kết cục, Điệp Lang đã chết khi chưa đến được với ánh sáng mình khao khát.
Đọc Vong Bướm, không thể không nhớ đến loạt nhân vật văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn, và những nhân vật chỉ có tên chung là thi sĩ, nhà thơ. Nhà văn dành tình cảm đặc biệt cho những nhân vật này, và Điệp Lang không phải là ngoại lệ. Chàng mang khát vọng lớn lao đi tìm sự TỈNH THỨC, nhưng để đạt khát vọng ấy, Điệp Lang buộc phải nhúng mình xuống bùn, và bi kịch thê thảm là ở đó: muốn đến với sự thanh cao thì phải dầm mình trong cái dung tục, nhưng một khi đã dung tục rồi thì không thể với tới cái thanh cao tuyệt đối. Như Điệp Lang, lớp lớp những xác bướm, vong bướm đã chất trên con đường đi tới cái đẹp. Nguyễn Huy Thiệp cũng từng diễn đạt ý này trong bài viết “Nhà văn và 4 trùm mafia”: "Cuộc đấu tranh của nhà văn là nhằm hướng con người thoát khỏi những mê man về quyền lực chính trị, ái tình, tiền bạc và cuồng vọng hóa thánh chính mình. Ở đây, nhà văn là kẻ phải một mình chống bốn trùm mafia. Có thể nói, chọn nghề văn là chắc chắn chọn sự thất bại về mình, bởi vì trong mỗi con người ai cũng phải dính dấp đến bốn phạm trù này, không sao thoát được. Vừa chấp nhận nó, vừa thoát được nó, vẫn giữ được đạo, đấy là ước mơ của người cầm bút."
Nhưng dù thế nào, chàng thi sĩ Điệp Lang vẫn là một hình ảnh đẹp, lãng mạn và bi tráng, vừa khiến cảm phục bởi sự dấn thân, dũng khí, bản lĩnh, vừa gây xót thương bởi sự yếu đuối và thân phận cô đơn của mình. Điệp Lang mới chỉ chạm đến Chân – Thiện – Mỹ, nhưng đó là một giá trị: với những cái chạm như thế, nhân loại đã và đang từng chút từng chút nhích lên.
* Truyền thuyết tìm vua được viết trên cảm hứng về cuộc đời chúa Chổm, một nhân vật đặc biệt ở trong lịch sử. Cuối thế kỷ XVI ở Việt Nam, nhà Lê sơ đến buổi suy đồi, xã tắc rối ren. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Hưng quốc công Nguyễn Kim tập hợp các công thần nhà Lê giương cao ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc”. Nguyễn Kim và con rể Trịnh Kiểm đã tìm ra chúa Chổm - giọt máu nhà Lê duy nhất còn sót lại tôn phò làm vua, mở ra thời kỳ lịch sử Lê trung hưng tồn tại 255 năm với 16 đời vua.
Truyền thuyết tìm vua không kể lại toàn bộ chi tiết sự tích ấy mà chỉ nhấn mạnh ở cuộc tìm kiếm một ông vua của cha con Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm. Đi từ lịch sử/ Đến chốn dân gian/ Đi từ trong làng/ Đi ra ngoài phố/ Không không có có/ Tìm Đạo tìm vua. Nguyễn Huy Thiệp mượn chuyện lịch sử để nói chuyện đời, để nói về cuộc tìm kiếm đạo – đường sống của con người nói chung, bất kể đạo ấy là một ông vua hay không phải ông vua. Không vua, không đạo sẽ loạn, có vua, có đạo, thiên hạ sẽ thái bình, con người có thể yên tâm mà sống. Điều này không khỏi khiến người ta liên tưởng đến truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp: cái gia đình vô đạo của lão Kiền ô trọc đến rợn người, chỉ khi một người phụ nữ - người mẹ xuất hiện, và một đứa trẻ ra đời, như một biểu tượng của tự nhiên, của đạo, thì cái ô trọc ấy mới được giải tỏa.
Truyền thuyết tìm vua cũng thể hiện nhiều tư tưởng của Đạo giáo, đặc biệt là tư tưởng sống vô vi, không đua tranh, không so bì. Chương Chổm dạo chơi với các ông Sinh, Lão, Bệnh, Tử hay những bài hát của dàn đồng ca mang nhiều ngụ ý về thân phận con người: cuộc đời ngắn ngủi mà con người phải trôi dạt kiếm ăn, tranh chấp hơn thua, chịu thiên tai địch họa, rốt cục cũng chỉ còn nắm xương tàn, vậy sống khổ sở chẳng vô nghĩa hay sao? Bởi thế mẹ Chổm, vừa choáng ngợp với thân phận đế vương của con trai đã ngay lập tức hối hận, bởi vì Đã vào đến chốn công danh/ Không thành ra bã cũng thành ra khuôn!
Vậy tìm đạo không phải để phục vụ một mục đích vụ lợi cụ thể nào, mà là tìm một cách sống vui. Có thể lấy đoạn thơ này làm ý chung cho cả Truyền thuyết tìm vua:
Vô vi khoái lạc tràn đầy,
Quên đi sống thác mới hay anh hùng!
Đường trần gót nhẹ thung dung,
Núi cao vực thẳm muôn trùng đường xa.
Rộn ràng vui vẻ hát ca…
Nguyễn Huy Thiệp yêu thơ lục bát nhưng làm thơ lục bát một thách thức lớn đối với nhà văn. Ông quan niệm thơ là mẹ của các thể loại văn học, nên nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ông chưa từng viết bài thơ nào nhưng những đoạn thơ trong các truyện ngắn trước đây đã gây nhiều ấn tượng bởi chiều sâu suy tư và âm điệu day dứt. Có thể nói trong Vong Bướm, khó mà chọn ra một đôi câu thơ trội hẳn để đứng riêng, nhưng cái hay lại nằm ở giọng điệu của cả đoạn, cả chương, cả tác phẩm, giọng điệu này để lại một dư âm miên man, vừa buồn lại vừa tươi sáng. Hơn nữa, ở cả hai tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp vẫn giữ được cái duyên, cái tài trong xây dựng đối thoại: rất hài hước, bất ngờ và thâm thúy, có thể cùng lúc khiến người đọc bật cười và nhíu mày suy tư.
Thông tin xuất bản

Tác giả:
Nguyễn Huy Thiệp
Nhà xuất bản:
Thời Đại
Số trang:
150
Kích thước:
13 x 20,5 cm
Giá bìa:
35.000  VNĐ

No comments:

Post a Comment