Hoàng Phủ Ngọc Tường (trái) và Nguyễn Trọng Tạo năm 1986 - Ảnh: TL |
Với quan niệm rằng, trước khi biến thành mực chảy qua ngòi bút, những gì nhà văn viết ra đã chảy qua tim như một dòng máu, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã xông xáo đi vào những nơi mũi nhọn của cuộc sống và những nơi anh qua đều có để lại trang viết. Với "nỗi khát vọng sâu xa muốn hiểu biết một cách khoa học về toàn bộ những gì mà những bài học vở lòng về lịch sử và địa lý của Tổ quốc đã gợi lên từ tuổi ấu thơ, về cuộc sống và những miền xa xôi của đất nước"(2), Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đưa người đọc xuôi theo dòng sông thơm ngát hương hoa, bằng chiếc thuyền tâm hồn mình, có mái chèo là ngòi bút lặng lẽ, miệt mài. Mỗi trang viết là kết quả của sự soi bóng tâm hồn người viết vào dòng sông ấy, chiếu sáng vào trang sách, dòng sông như lung linh hư ảo, biến thành nhiều dòng chảy - những dòng chữ buông dầm xuôi mái,
đưa người đọc dọc theo chiều dài của đất nước, đến những miền xa xôi, lùi xa vào lịch sử đang còn khuất nẻo, vươn dài tới tương lai, đánh thức bóng dáng của quá khứ, mở ra những dự báo ở ngày mai. Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường, ta mới biết những bước thăng trầm của dòng sông Hương, vị trí lịch sử lâu đời của thành Hóa Châu thời Lê (Ai đã đặt tên cho dòng sông), về chủ nghĩa nhân đạo trong chiều sâu văn hóa của vườn cây Huế (Hoa trái quanh tôi), về cuộc chiến đấu anh hùng và bản lĩnh của những người dân biển, những người lính Cồn Cỏ (Cồn Cỏ ngày thường). Người viết đưa chúng ta về Điện Bàn, soi vào mảnh đất gò như chiếc thuyền con neo giữa dòng sông Thu Bồn, lần theo hành trang cuộc đời những nhân vật lịch sử như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân (Đứa con của phù sa), hoặc lên tận biên giới phía Bắc xem tận mắt cuộc chiến đấu của quân và dân ta, xem tận mặt lòng dạ thâm độc của kẻ thù (Rừng hồi, Ai về châu xưa). Nguyễn Tuân đã từng tấm tắc khen người tâm đắc với thể loại ký với mình rằng: "Đánh giặc thì lúc lâm trận, có gì đánh bằng cái ấy. Người yêu nước Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lấy luôn gốc hồi sở tại ải Bắc làm võ khí mà bồi luôn cho bành bá Tầu một đòn trí mạng" (3). Vì rừng hồi của ta nhiều tinh dầu hơn của chúng, nên để độc quyền trên thị trường quốc tế, chúng đã bỏ tiền của ra gạ gẫm mua vỏ cây hồi để diệt cả rừng hồi của ta. Tội ác và sự thâm hiểm kiểu Tầu nầy cùng bản chất với đế quốc Mỹ, khi chúng rải chất độc hóa học thiêu hủy cả rừng tùng, tiêu diệt cả chim thú trên cánh rừng A Sao ngày nào (Đời rừng).
Chiếc panh-xô và khẩu súng của Trường là chuỗi hồi ức cảm động về một con người, về phong trào thanh niên Huế những năm tháng xuống đường chống Mỹ. Thông qua hình ảnh Lê Minh Trường, người viết đã tạo dựng được chân dung của cả một thế hệ, những người nung căm thù cháy bỏng đường phố, đốt sáng nhà tù trong cuộc đấu tranh chính diện với kẻ thù, và ươm ước mơ theo những cánh rừng năm tháng ấy. Đó là những người như Nguyễn Thiết, Trần Quang Long, Ngô Kha nay không về nữa, họ đã ngã xuống nhưng chưa hề khuất bóng, như một món nợ luôn trĩu nặng canh cánh bên lòng tác giả: "Bây giờ tôi đang có tất cả những gì mà các anh ấy không bao giờ có nữa, cả cuộc sống cụ thể, đất nước và cả hành tinh, để làm một người. Và trĩu nặng hơn tất cả, chính là khát vọng thiêng liêng mà các anh ấy đã để lại cho những người sống còn. Tôi hiểu, nếu một ngày nào tôi không còn cảm thấy nữa, cái sức nặng để lại ấy của những vắng mặt, thì chính là tôi đã sống khác đi, như một kẻ đáng nguyền rủa" trang (142).
Theo dõi chặng đường sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đọc dễ dàng nhận ra những dấu ấn mang chiều sâu bản chất sáng tạo của nhà văn. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố trữ tình về chính luận. Thông qua cảm hứng trữ tình, ngợi ca mà đặt ra những vấn đề mới mẻ. Trong cùng một bài ký, anh vừa thể hiện sự nhân hậu bao đời của dòng sông, của mảnh vườn có hàng cây ngã bóng bên đường, râm mát như tấm lòng của những con người đã uống nước dòng sông ấy, ăn trái cây khu vườn ấy, lại vừa đề xuất, kêu gọi hãy yêu mến dòng sông, bảo vệ mảnh vườn, chống lại mọi sự lãng quên của con người đối với thiên nhiên.
Mỗi người viết có một cái "tạng" riêng, một vũ trụ riêng gắn liền với lối tư duy nghệ thuật không hề lẫn với người khác được. Hạn chế của Hoàng Phủ Ngọc Tường là không có cái nhìn nhọn hoắt đối với đời sống, chưa đi vào trung tâm bão của cuộc sống và đặt ra những vấn đề xã hội một cách gay gắt. Quan niệm thông thường về ký là phải phản ánh những vấn đề nóng hổi một cách xung kích, nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường đi vào xu hướng sử thi hóa cảm xúc lịch sử, khám phá những vấn đề chiều sâu văn hóa của những vùng đất, anh hướng vào cái hiện thực từ lâu lắng lại, đã được khẳng định từ lương tâm mà soi rọi dưới ánh sáng mới. Lần theo quá khứ, nhà văn không dừng ở tính chất hoài cổ mà bao giờ cũng nồng ấm hiện tại, dùng lịch sử để lý giải những vấn đề của hôm nay.
Nếu với Rất nhiều ánh lửa, Hoàng Phủ Ngọc Tường xoay đầu gánh nặng về phía đất mũi Cà Mau thì đến Ai đã đặt tên cho dòng sông đầu nặng xoay về hướng Bắc, nơi tuyến biên giới đang nóng bỏng của Tổ quốc. Cái trục để xoay, trung tâm vẫn là miền trung, nơi người viết sinh ra và lớn lên, gắn bó suốt đời.
Đặc điểm xuyên suốt quá trình sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường là cảm hứng về Bình Trị Thiên, về Huế. Huế trong sáng tác của anh không phải là Huế cổ kính rêu phong của triều Nguyễn mà là Huế của nhân dân, là văn hóa của dân tộc, của lịch sử đi qua còn in bóng bên dòng sông thơ mộng và trong chiều sâu tâm hồn con người. Anh cố tìm trong cái bằng lặng, rêu phong ấy, những gì sôi sục, thanh sạch, đẹp đẽ có ích cho hôm nay. Viết về vùng đất nào anh cũng liên tưởng đến Huế, nhắc đến Huế. Người viết lúc nào cũng ở trong tâm thể hướng về quê hương, ngay khi đang ở những miền xa xôi nhất của Tổ quốc. Viết về đâu anh cũng soi xét dưới con mắt của người đô thị và cố gắng sử dụng từ địa phương tiếng Huế một cách tự nhiên, nhuần nhụy và có khi biến thành tiếng chuẩn phổ thông trong một ngữ cảnh nào đó. Huế trong sáng tác của anh còn là cái thầm lặng, thâm trầm, những tình cảm hướng nội cô độc và sâu lắng, đậm đà tinh thần Á đông. Đọc trang viết chúng ta hình dung ra vóc dáng gầy gầy của anh, dường như lúc nào cũng lặng lẽ một mình dưới ánh đèn khuya, trước bàn viết. Cũng vì cái trầm lặng, hiền hiền ấy mà văn anh ít có cái gân guốc cần thiết.
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vận dụng một khối lượng kiến thức rất lớn, về lịch sử, địa lý, sinh vật, âm nhạc và cả hội họa, vào trong sáng tác của anh. Nhờ sức liên tưởng kỳ diệu mà Hoàng Phủ Ngọc Tường có những trang miêu tả về thiên nhiên đẹp. Thiên nhiên trong sáng tác của anh, không chỉ được miêu tả mà còn phân tích, nhân hóa trở thành nhân vật có cuộc đời riêng như con người. Nếu nhà văn chỉ dừng lại ở việc miêu tả thiên nhiên thì đôi khi một bức tranh tĩnh vật nói được nhiều điều hơn, trong bức tranh thiên nhiên vẫn nổi lên những vấn đề của xã hội, của con người. Dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là dòng sông tĩnh lặng, nó đã được thuần hóa, trở nên gần gũi và in bóng con người. Những con người bình thường như bà Lan Hữu trở thành nhân vật độc đáo khi được nhà văn đặt trong quan hệ với thiên nhiên, với mảnh vườn.
Sự vắng bóng của thời gian đang cài trong không gian rộng lớn tạo cho tư duy nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường khả năng liên tưởng mạnh mẽ, chất trí tuệ khoáng đạt. Khác với các nhà viết tiểu thuyết thường quan tâm đến những biến cố trọng đại, những số phận của con người, Hoàng Phủ Ngọc Tường thông qua "sức nặng vật chất của các sự kiện được giữ lại vốn là bản gốc của tác phẩm" mà linh cảm về con người. Anh theo dõi các số phận, các lý lịch thăng trầm, uẩn khúc, những cá tính độc đáo ở đời. Từ chân dung các nhân vật lịch sử, như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp (Đứa con của phù sa), Bùi Thị Xuân (Còn mãi đến giờ), đến những gương mặt bạn bè đã ngã xuống, như Nguyễn Thiết, Lê Minh Trường (Chiếc panh xô và khẩu súng của Trường) rồi những con người bình Thường có cá tính khá độc đáo như bà Lan Hữu (Hoa trái quanh tôi), cụ Nhiệm (Cồn cỏ ngày thường), bố Thiệu (Rừng hồi), cụ Nghéo (Đánh giặc trên hàng rào điện tử)... Những con người nầy dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường đều ánh lên những tia sáng mới mẻ, cá biệt đến đặc sắc. Hoàng Phủ Ngọc Tường có khả năng phát hiện vấn đề, hầu như trong bất cứ sự vật và con người nào anh nhìn vào đều nhận thức được vấn đề cần khai thác. Khả năng phân tích là nét nổi bật trong sáng tác của anh bắt nguồn từ lôgíc và màu sắc đời sống.
Trên con đường đến với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mỗi người có mỗi cách khác nhau. Có người có thể sử dụng được nhiều loại hình, loại thể khác nhau,:nhưng khi nhắc đến một thể loại, một đề tài, người đọc không thể không nhắc đến tên nhà văn một cách yêu mến. Hoàng Phủ Ngọc Tường may mắn nằm trong số các nhà văn ở nước ta hiện nay mỗi khi nhắc đến thể ký không thể không kể đến tên anh. Nhìn lại chặng đường sáng tác của anh kể từ truyện ngắn đầu tay viết trong phong trào yêu nước các đô thị tạm chiếm (Chuyện một người đi qua sa mạc 1959) chúng ta thấy rõ những đóng góp nổi bật của anh vào nền văn học cách mạng. Những tập sách ra đời ngày càng rút ngắn khoảng cách và càng khẳng định sự thành công về mặt thể loại: Ngôi Sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (bút ký 1971), Những dấu chân qua thành phố (thơ 1976), Rất nhiều ánh lửa (Truyện và ký 1979), Vành nôi trong lửa (bút ký 1984), và Ai đã đặt tên cho dòng sông (bút ký 1985).
Có thể nói, ký là một thể loại văn học khó. Người viết ký đối điện với sự thật, với người đọc, như một người lính xuất kích, phơi trần lưng không nơi ẩn nấp. Tầm vóc, suy nghĩ, tài năng, nhân cách người viết có thế nào bộc lộ ra thế ấy không giấu diếm, không nhờ vả, vay mượn được của ai. Người viết ký phải tạo dựng một bức tranh khách quan, ở đó không chỉ có sự kiện, vì sự kiện mới chỉ một phần, tất cả còn ở những bình giá, suy nghĩ, nhận xét các sự kiện ấy (4). Chính vì thế mà ngoài những trang viết làm say lòng người đọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường có lúc vẫn còn sa vào sự kiện, gây cho người đọc cảm giác nặng nề, như Đánh giặc trên hàng rào điện tử, Vành nôi trong lửa...
Năm 1966, khi mới lên rừng Hoàng Phủ Ngọc Tường có bắt tay vào viết tiểu thuyết Cửa rừng, viết về những đấu tranh đô thị. Bản thảo có đưa cho anh Nguyễn Khoa Điềm và anh em trong cơ quan đọc. Nhưng sau đó bị bom B 52 đánh tan tác, rơi vãi và vùi lấp dưới hố bom. Bản thảo được nhặt nhạnh và viết lại thành tiểu thuyết gọn và súc tích hơn là Tuổi trẻ không yên nhưng rồi sau đó chuyển cơ quan, gửi cho nhà in Sông Hương cũng bị thất lạc, đến nay chưa viết lại được. Cho đến nay số trang viết về phong trào đấu tranh đô thị của anh còn mỏng. Nhà văn có quyền viết về một đề tài bất kỳ, về cái gì có gây cho anh ta những xung đột thẩm mỹ. Không nên đòi hỏi nhà văn viết về cái gì mà hãy xem anh ta viết như thế nào, đó là vấn đề có tính nguyên lý. Song đối với anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là người trưởng thành từ phong trào đô thị, với sức tung hoành của ngòi bút văn xuôi, anh có điều kiện hơn nhiều người khác khi viết về đề tài này. Phải chăng vì quá yêu mến, muốn đạt một sự toàn mỹ nào đó mà số trang giành cho đề tài này của anh còn chưa nhiều?
Nhưng dù sao một nhà văn cũng không thể làm hết mọi điều của văn học, của đời sống đặt ra. Điều cần được ghi nhận là với Ai đã đặt tên cho dòng sông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khẳng định một bước tiến khá dài trên chặng đường sáng tác, khẳng định dấu ấn riêng của mình không lẫn vào đâu được. Có người cho rằng ký của anh giống với ký của cụ Nguyễn Tuân. Thật ra chiều sâu bản chất sáng tạo đã định hình của Nguyễn Tuân là một phong cách độc đáo, một vị trí khó có người thay thế. Sự tiếp nối của Hoàng Phủ Ngọc Tường có chăng là ở sự tâm đắc về thể tài, sự đồng cảm về nhận thức thẩm mỹ, nhưng khác nhau hoàn toàn về thủ pháp nghệ thuật.
Với thái độ tích cực của nhà văn, sự năng động và sung sức của ngòi bút, tin rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường còn đóng góp nhiều hơn nữa vào nền văn học cách mạng của chúng ta.
Huế 1986
P.P.P
(SH20/8-86)
--------------------
1. Nhà xuất bản Thuận Hóa 1985.
2. Suy nghĩ về thể ký - Hoàng Phủ Ngọc Tường, tạp chí Sông Hương số 1.
3. Nguyễn Tuân - Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa, Tập 3, trang 390.
4. Ý kiến này chúng ta còn có thể trao đổi thêm (LTS)
No comments:
Post a Comment