.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, February 19, 2012

NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO: “MỘT TÌNH THƠ NÚI LỬA, MỘT SỨC THƠ THÁC LŨ TRONG ‘NHỮNG DI CẢO TỐI’ CỦA VŨ ANH VŨ”

Nguyễn Trọng Tạo: Tháng 12/2011 xuất hiện cuốn trường ca “Những di cảo tối” của Vũ Anh Vũ. Cuốn trường ca dày 200 trang với 4.500 câu thơ tuôn trào dòng thác cảm xúc tươi mới của một nhà thơ trẻ đổ vào biển lớn cuộc đời. Những hân hoan cô độc, những ngọt ngào đắng chát, những mạnh mẽ yếu mềm, thiện ác, sân si, cuồng thức… đẩy tới khát vọng vô bờ bến của phận người hiện diện lên từng gương mặt chữ như một tất yếu không thể ngăn cản. Vũ Anh Vũ đã làm chủ cuộc sáng tạo bản thân mình bằng thơ như một cuộc cách mạng tư duy thấm đẫm triết học vô thức giữa hỗn loạn thực tại.

Một tình thơ núi lửa. Một sức thơ thác lũ. Một giọng thơ mơ hồ lấp lánh tiếng đồng tiếng gỗ trộn lẫn tiếng thở dài của thiên nhiên xa vắng. Đó là Vũ Anh Vũ bỗng bất ngờ xuất hiện trong làng thơ trẻ Việt Nam mình.
Tôi vừa đọc xong “Những di cảo tối” thì nhận được bài “tùy luận” của Trịnh Sơn viết về cuốn sách này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc Vũ và Sơn, hai người bạn trẻ đang cùng thế hệ mình hướng thơ tới cuộc lột xác mới.
Trường ca: Những di cảo tối của Vũ Anh Vũ
CÁCH MẠNH THƠ VÀ “NHỮNG DI CẢO TỐI” CỦA VŨ ANH VŨ
Tùy luận của TRỊNH SƠN 
Sống, có đôi khi là nhỏm dậy đi tìm một niềm an ủi tâm hồn sau quá nhiều biến cố làm đớn đau mê tơi thể xác. Con đường bề bộn chân người chân ta chan chứa lên nhau nỗi thống khoái lẫn thống khổ chạy mải miết tới tận cùng tuyệt vọng. Cái nhỏm dậy của con nhái bén bị thương tật trước hàm rắn độc. Quyền lực của  kẻ thù không làm nó sợ hãi nữa. Chính nó đang giương nỗi bi lụy lên làm khiên đỡ và nếu đủ kiên trì, sẽ thâu tóm từng chút một sự tàn ác đang xuống dốc sau khi  đã lên đến cực điểm. Cái nhỏm dậy của ánh đom đóm trong màn tối mịt mù. Một ánh lóe lên mang theo sức mạnh ngàn cân của vũ trụ ánh sáng rồi vụt tan hòa vào thinh không vô giác. Bóng đêm ôm lấy bầy đom đóm lập lòe như Chúa trời đã từng ôm lấy nắm cát bụi nhào nặn và ném vung vãi ra bốn bề tư tưởng kiến tạo thế giới nguyên thủy. Nước và lửa. Núi cao hùng vĩ và đại đương sâu thẳm. Đàn ông và đàn bà. Thiện và ác. Như Lai và ác quỷ. Niết bàn đầy gió và sợi tơ nhện mỏng manh. Tôi và ngoài tôi vô lượng hải hà. 

Cái nhỏm dậy là nung nấu của tinh túy hạt mầm sau lâu lắc quặn thắt tự rửa nát để trở mình bung chồi biếc đầu tiên. Ngắn ngủi sung sướng khởi tạo một sinh thể sống động: sinh sôi nảy nở rồi tàn tạ rụng rời. Một chiếc lá vàng có thể nào biết mình đã làm xong bổn phận trên dòng chảy vô biên nhựa sống và ngoan ngoãn đầu hàng một cơn gió thè lưỡi cứa vào cuống già nua? Cái nhỏm dậy hất tung niềm cô đơn gánh nặng hai vai để hồ hởi ca hát nhận lấy niềm cô đơn mỹ mãn hơn, đầy đặn hơn, trĩu cánh hơn gấp bội lần. Niềm cô đơn của một đám mây tách khỏi bầy đàn khi chạm kỳ sinh nở. Niềm cô đơn của một giọt mưa nhận ra mình vừa rời bụng mẹ. Niềm cô đơn của mặt đất trong khoảnh khắc từ bỏ tĩnh lặng để đón nhận cơn rúng động trút xuống từ trời. Niềm cô đơn kéo dài qua nhiều năm nhiều tháng bằng vận tốc ánh sáng lúc mới chập chững rời mặt trời và bắt đầu chạy nhảy vô phương hướng vào bao la thiên hà, từ Big-bang trước đến Big-bang sau, từ Big-bang lớn tới Big-bang nhỏ, từ Hoàng tử bé tới bạo chúa tột ác. 

Cuộc lột xác của cái nhỏm dậy thực thi nhiệm vụ nới rộng biên độ hy vọng và tưởng tượng. Căm phẫn nuôi nấng những giấc mơ. Tranh đấu lại luôn luôn rình rập tìm mọi cơ hội để giết chết những giấc mơ ấy. Loài người từ nguyên thủy đến nay chỉ sở hữu một trong hai hình thức hoặc căm phẫn hoặc tranh đấu chứ chưa bao giờ vẹn toàn cầm nắm cuộc đời mình bằng cả hai bàn tay trong sạch và thanh thản này. Những nhà cách mạng mà người ta tốn rất nhiều công sức để ngợi ca rốt cuộc chỉ là sự thay thế bắt buộc phải xảy ra, chưa kể đến sự tráo trở thường xuyên được khoác áo kiều diễm sặc sỡ dệt bằng máu đồng loại. Một nhà cách mạng chân chính không có đồng loại. Một đồng loại đúng nghĩa không biến dị nên một nhà cách mạng.
Một nhà dân chủ và một kẻ cầm quyền độc tài đều không thể tự làm một cuộc cách mạng cho chính mình. Những cái nhỏm dậy giả tạo bằng lò xo của lý thuyết và vũ khí, mưu mẹo và hành động. Chỉ có giá trị trên sân khấu với khán giả của đói nghèo cùng khổ và niềm tin tạm bợ tạo ra. Lịch sử thế giới từ trung cổ đến nay, người kéo màn luôn luôn giấu mặt và mọi vở kịch chúng ta trải qua đều xướng lên từ miệng lưỡi của những gã hề. Với một gã hề, khái niệm vô lại dường như quá xa xỉ với đồng lương hắn nhận được sau mỗi trò diễn.
Vậy thì, thế giới đã thực sự có bất kỳ một nền dân chủ hay một nền độc tài chưa? Một người đứng giữa mênh mang đất đai đường xá và tiếng gầm rú có thể nào nhận biết mình đang ở trong bụng một con mãng xà hay ở trong bụng một con rồng? Hai cái bụng có khác nhau ở phạm vi, mùi vị, không khí hít thở, độ giãn nở tự do nhưng đều là bụng của một quái vật tưởng tượng. Đều là nhà tù. Đi từ nhà tù này sang nhà tù khác, bước từ phòng giam này sang phòng giam khác, chui từ cái cùm này sang cái còng khác. Nếu quy chế dân chủ trắng muốt mượt như bộ lông chim bồ câu của Zarathustra thì quy chế phát-xít độc tài đen ngòm lạnh và nóng bao tử con sư tử mồ côi của Nietzsche. Hòa bình giả hiệu muốn san bằng hai khái niệm bộ lông trắng muốt mượt và cái bao tử đen ngòm nóng lạnh. Loài người xếp hàng bắc cầu, tất nhiên, chẳng ai có thể từ bờ này qua bờ kia được vì chỉ cần một mảy may rời khỏi vị trí, tất cả sẽ sụp đổ ngay tức khắc. Nhà cách mạng là đầu cầu, sau lưng ông ta là nhân dân nối đuôi ảo tưởng đã chạm miền hạnh phúc dù rằng họ đang đánh đu trên vực thẳm khôn cùng.
Cái nhỏm dậy của Napoleon Bonapartre có bạo liệt hơn một nhịp vỗ của cánh bướm mỏng manh giữa đại ngàn Amazon? Cái nhỏm dậy của Tần Thủy Hoàng cộng với cái nhỏm dậy của Kinh Kha cộng với hùng vĩ kỳ quan Vạn Lý Trường Thành có sức nặng bao nhiêu so với một tiếng gốm vỡ giữa Bắc Kinh trước/trong/sau cuộc Đại cách mạng văn hóa dư dả máu và nước mắt? Cái nhỏm dậy của Jean Paul Sartre giữa lòng Mỹ quốc và lan rộng khắp thế giới hiện sinh chắc gì đã gây buồn nôn hơn vết quần jean xé ngang xé dọc của một nữ sinh Á Đông nghiện hip-hop? Cái nhỏm dậy của giày vải Quang Trung bị chôn sống dưới bàn tay bạo tàn ma mãnh Nguyễn Ánh có thật đã chết cùng chế độ rồng phụng kéo dài quá lâu ở ViệtNam? Căm phẫn nên tranh đấu. Tranh đấu lại càng căm phẫn. Như Lai không dạy người ta căm phẫn cũng chẳng khuyên người ta tranh đấu. Đạo là cái nhỏm dậy của một tâm hồn không bao giờ nguôi ngoai cuộc tìm kiếm chính mình. Đạo bị rao giảng và Đạo bị ngợi ca. Máu của Jesu Christ và máu của tiền kiếp Như Lai và máu của bất cứ vật sống nào đáng lẽ phải được xem như một kỷ niệm thì người ta cố tình diễn thuyết chúng thành giáo điều để biến xã hội thành nhà tù, biến cơ thể mình thành phòng giam, biến lời nói thành băng keo dán kín miệng, biến tay chân thành gông cùm và tâm hồn ngày càng teo tóp đi dần đến cực điểm của ý thức: tính người. Một đứa bé được dạy ngay rằng phải đi thế này phải đứng thế kia, phải nghĩ thế này phải làm thế nọ, phải hôm nay mô tê phải ngày mai răng rứa, phải đủ thứ phải trên đời – để làm người. Chúng ta cai trị chính chúng ta – độc tài và dân chủ, để rồi chúng ta lại cố công đi tìm dân chủ hoặc giải phóng khỏi độc tài – tự do thật sự đã bao giờ cất lên tiếng nói của riêng nó? Có cất lên, tức thì nó chết ngủm củ tỏi trong quan tài của Kitô, trong quan tài của Khổng Khâu, trong quan tài của nhà cách mạng, trong quan tài của nhà lập pháp, trong quan tài của vân vân và trong quan tài của chính nó. 

Tự do là gì? Chúng ta chưa bao giờ thật sự nghĩ rằng Tự do không hề là một khái niệm – có định nghĩa và quy luật – Tự do mang lại Ý nghĩa khi chính nó vô nghĩa nếu không có sự áp bức, cai trị và cầm tù. Không thể có tự do nếu đang không mất tự do. Không thể cử động nếu không đang bất động. Mọi thứ chúng ta có được khi chúng ta đang không có gì cả. Ý nghĩa của sự sống nằm trong khuôn viên chật chật chội mà cái chết chuẩn bị sẵn cho mỗi người. Aristos rồi Platon, Nietzsche rồi Goethe, Krishnamurti rồi Phạm Công Thiện, Dostoievski rồi Shakespeare, Henry Miller rồi Honore de Balzac, Triệu Châu rồi Nguyễn Du, Quán Thế Âm Bồ tát rồi Kiều, Tân ước Bát nhã ba la mật rồi hiến pháp luật pháp, rồi rồi rồi… Giải phóng chính là một cuộc tìm kiếm và chấp nhận một hình thức giam cầm khác với hình thức giam cầm đang diễn ra. Hòa bình chính là cuộc chiến tranh dai dẳng nhất mà mọi kẻ thù đều mỉm cười với ta và với nhau trong hiệp thương lẩn quẩn.
Một cuộc cách mạng cần diễn giải bằng lời, bằng máu và bằng bất cứ thứ gì nó có thể với tới. Một diễn giả phải chấp nhận cô đơn như là phần thưởng đầu tiên mà anh ta đứng trên bục, trước micro, đối diện chục trăm ngàn triệu con người. Trước đó, anh ta đã cô đơn trong quá trình khổ luyện tập nói, tập diễn đạt tay chân giọng điệu, trước gương trong nhiều ngày tháng ròng rã chỉ có bốn bức tường và tấm gương lạnh lẽo. Sau đó, anh ta lại tiếp tục cô đơn với thành công/thất bại mà vấn đề anh ta đặt ra cho khán thính giả đã thực sự trôi đi, mất đi, không còn là của anh ta nữa. Sự hy sinh cao cả của Jesu không phải ở trên cây thập tự núi Sọ, sự từ bi vĩ đại của Thích Ca không phải ở dưới gốc bồ đề chứng ngộ, sự độc ác dã man của Adolf Hitler không phải ở những phòng hơi ngạt hay hố chôn tập thể, sự lãng mạn của Alfred de Musset không phải ở những trang thơ ngợi ca ái tình đan cài vào nhau như những viên gạch dát hè phố Paris… Tất thảy sự kiện đỉnh điểm được tụng ca vinh quang là cái chết của vĩ nhân. Theo cách đó, một nhà cách mạng tìm thấy cái chết của hắn khi lý tưởng, học thuyết mà hắn miệt mài cả đời tìm được chỗ đứng trong lòng dân chúng. Đáng lẽ, Lênin là một nhà văn thay cho Lỗ Tấn, Che Guevara là một cung thủ bách phát bách trúng thay cho anh hùng xạ điêu của Kim Dung, Ngô Đình Diệm là một nhà tu thay cho Thích Nhất Hạnh, Xuân Diệu là một anh thợ in trong nhà xuất bản Giấy Vụn, … Họ đều đã đóng vai diễn giả trên sân khấu của một chế độ quy ước để phát ngôn những thông điệp về hòa bình, thịnh vượng, tự do, lãng mạn. Trong khi, dân ngu cu đen thì đang thiếu và lúc nào cũng thiếu 3 điều là ham muốn, khoái lạc và giận dữ thì họ lại không có, ngược lại họ muốn chiếm lấy 3 điều thiếu thốn ấy vì chính họ cũng chưa từng cảm nhận được nó như thế nào. 

Kinh nghiệm từ lịch sử hiện đại cho thấy, một nhà cách mạng hoặc đại loại như thế, là một động vật có thể dùng chân thay tay, mắt thay mũi, đầu gối thay trái tim, tất tần tật có thể thay thế để xâm chiếm cộng đồng và ngay sau đó, hắn lại tìm mọi cách để thiết lập lại trật tự cũ. Hai lần nhỏm dậy của hắn như hai lần chúng ta nhấn cùng một nút ON/OFF trên một cỗ máy. Sống, lúc ấy, là nằm im hơi chờ rửa nát mà không mảy may mong muốn phục sinh.
Sống, lúc ấy, là một câu thơ không hề ý thức mình đang lạc loài giữa bầy thơ; là một nét vẽ không hề nghĩ rằng mình đang chìm đắm giữa bộn bề màu sắc; là một vết chim bay không hề nhớ mình đang chao lượn giữa muôn trùng chân trời góc bể; là một khuôn mặt không hề nhận ra mình sau tuốt tuồn tuột nhàu nát sau tấm gương đời chưa phẳng lặng bao giờ…
Con người sáng tạo sinh ra trong từng cái một ấy. Thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ,… nhận về mình điều mình từng có chứ không phải ôm đồm gom góp những điều lạ lẫm chưa từng biết. Hắn sáng tạo ra chính hắn. Hắn thấy con người hắn mới mẽ, lạ lùng trong tác phẩm của hắn. Hắn biết tâm hồn hắn đang bi hài ra làm sao giữa trăm ngàn cuồng nộ, biến cố mà hắn nguyện dấn bước vào chẳng thiết lối ra.
Hắn sáng tạo ra con người nghệ sĩ mang tên hắn.
Con người nghệ sĩ mang tên hắn, đồng thời, sáng tạo ra hắn.
Cuộc cách mạng vĩ đại nhất và vĩ cuồng nhất của một con người, là, sáng tạo chính bản thân mình. Tôi tìm thấy bốn bề cách mạng gió và gió và không ngừng gió trong NHỮNG DI CẢO TỐI của Vũ. 
Bà Rịa, 17/02/2012
TRÍCH TRƯỜNG CA NHỮNG DI CẢO TỐI CỦA VŨ ANH VŨ
8. Lưu vong những trắc ẩn cuối ngày
Xao xác lá mù
Rúc gù
tán gẫy
Dính một con tem phù du đen trên vỏ cây đau dòng nhựa phiêu nham sau nhát chém hư vô ngày bão. Chòm gai thơm nở bao hiến dâng, cuộc hành trình giả tưởng rợp cơn thở mận. Cất lên quầng thâm hệ lụy tối
Còn gì cho em?!
Còn bìa mưa bụi
Mủi chùng lòng tôi
Chảy mãi đi hỡi thời gian ngầu xiết !
Cuốn phăng bèo bọt hôm nay
Nơi bàn tay dòng sông lìa cuống bi kịch trôi bên bờ mộng dữ
Đôi má sốt bừng em ấp ủ
Phóng thích búp nõn quan âm
9. Những buổi chiều hoàng hôn rũ ngất trên tường thép gai, để lại bóng tôi [con tin] thoi thóp vỡ. Đồng hiện hồi quang
Triển lãm hồn thiêng sông núi tháng mười, không gian nhiễm sắc. Dị biến mỗi khuôn mặt an nhiên
Vật tế thần tráng lệ, phô diễn trái tim trương phình kỷ lục [guiness Việt Nam]
Sau trang thơ sự sống lọt sàng
Cư trú tiếng gà cục tác sớm mai
Mắt gỗ thất thần thắp sớm một cánh đồi thiếu phụ
Em bỏ quên tờ lịch ngủ mê, khung cửa trầm ngâm buổi hồn lá mạ
Những mái phố rũ bay
bầy bé gái mùa xuân đố lá trên vòm mây nguyệt quế
câu thần chú thiêng ướt rụng tên người
Yêu em bằng chiêm bao dấu diếm một định mệnh chân mây. Tiếng nấc bật ra ngoài bản congxecto quỷ ám. Chương cuối mang tên Hòa Bình, con chó mực ngồi như định kiến canh khúc xương khảo vật đương thời. Di duệ từng mặt người bình phong nụ cười cánh sáp
Lẻn lút vào hoang nhiên
Gọi thầm một điệu hát đóa lưng ngà vũ nữ. Chìm lỉm ngày tàn thủy táng. Tôi quỳ hôn lên chiếc rốn em sâu, nơi bình minh dấu mùi hương bí mật, vùng bụng trinh minh rớt tuột khoen vàng
Quầng lân tinh le lói sáng trong tầng hầm tối, ẩn ức tiếng thì thào tế bào lục địa nảy nhánh
Buổi hôn mê đỏ
Nhục thể trắng đám dây thừng cột cổ
Bước hồng điều buông xuống
Tôi đi !
10. Bài học vỡ lòng tụng ca người săn lửa
tẩy đêm
tẩy kiếp ngựa người ăn lông ở lỗ
[ Để tưởng nhớ kỳ hoàng kim nguyên thủy, tổ tiên đẻ ra chòm sao Nhân Mã ]
Hí lên trì tục, những định âm vô tính
an bài ánh sáng phồn sinh
Những lạnh lùng đã chết bên trời kia. Tôi ngồi trông giữ từng nỗi buồn tôi ong dại. Phác thảo chiếc ly pha lê nhân chứng một giải thoát thạch tín. Da thịt em nhả sáng thần dược, bôi xóa dần dấu tích nô lệ tiếng chim cu khắc khoải
Ngủ đi! Vòng quay mãn tính
Vũng đen ngậm rỗng nội thanh hoang ảo
Tôi đứng đây thế chỗ cho người xưa [ có thể chết cái chết khác ] đã bị hành quyết
[khởi đầu và kết thúc ]
Ngàn năm mối mọt, tiếng lá sủa va nhau trong cuộc đào thoát rữa mục giọng chuông ngộ nhận. Đốm lửa mua chuộc lũng sâu thênh vắng, đậu trên hơi thở em mùa rụng. Diễm âm hẹp phận dưới đường bay
Tê điếng cánh sâm cầm cầu siêu buổi ánh đường hoảng loạn
Phím tay nổi phồng mật mã
Cuồng phong dựng lên ngày tôi đá nứt
Sót lại tiếng co mình
Em săn se những đường cong nhàn rỗi
Mộng du một làn hương riêng.

No comments:

Post a Comment