.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, February 10, 2012

NHÀ PHÊ BÌNH NGUYỄN HÒA: TỪ HAI SỰ KIỆN CỦA THƠ VIỆT NAM ĐẦU NĂM NHÂM THÌN


Ðầu năm Nhâm Thìn - 2012, trong văn học Việt Nam nói chung và thơ Việt Nam nói riêng, đã diễn ra hai sự kiện nổi bật là Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất.

Sự chú ý của dư luận đối với hai sự kiện này cho thấy, trong xã hội hiện đại, nếu nhà thơ vẫn tiếp tục sáng tạo những vần thơ giàu cảm xúc, chứa đựng ý nghĩa tư tưởng - nghệ thuật sâu sắc, nếu thơ vẫn tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh của công chúng,... thì thơ vẫn nguyên vẹn các ý nghĩa xã hội của nó...
Năm 2003, vào ngày rằm tháng Giêng năm Quý Mùi, Ngày thơ Việt Nam (Ngày thơ) lần thứ nhất đã được tổ chức. Khi ấy, từng có người vì e ngại mà coi đó là thách thức lớn - nếu không nói tới khả năng thất bại, nếu muốn làm cho Ngày thơ trở thành một sinh hoạt thường niên của mọi người yêu thơ. E ngại đó là điều có thể chia sẻ, vì từ ý tưởng tổ chức một sinh hoạt xã hội tới hiện thực hóa ý tưởng là một quá trình đòi hỏi phải có sự kiên trì, nhất là khi ý tưởng ấy gắn liền với thơ - thể loại văn học hấp dẫn nhưng khó tìm tiếng nói chung, vì thơ đi cùng với thế giới cảm xúc vừa riêng tư vừa đa dạng, quá trình tiếp nhận diễn ra không kém phần phức tạp, từ mỗi người tới cả cộng đồng. Vậy mà sau mười năm, từ nỗ lực của Hội Nhà văn Việt Nam, của các nhà thơ và công chúng yêu thơ, phải nói rằng mỗi khi Xuân về, Ngày thơ đã trở thành một mỹ tục rất đáng trân trọng trong sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam. Cùng với thời gian, mỹ tục ấy đã hình thành và từng bước ổn định, không chỉ được thực hành ở hai trung tâm văn hóa - nghệ thuật lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mà còn phát triển ra hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nhìn lại một chặng đường có thể thấy, để có một ngày hội của thơ, dành cho người yêu thơ, người tổ chức đã vừa rút kinh nghiệm, vừa sáng tạo các hình thức - nội dung mới hấp dẫn, sinh động, phù hợp với sự phát triển của đời sống tinh thần, phù hợp với sự đa dạng của nhu cầu. Vì thế, theo dõi diễn biến mười ngày thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), nơi được coi như là trung tâm của Ngày thơ, sẽ được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ. Ðó là nơi thơ được tôn vinh, được tạo điều kiện để phô diễn thành tựu từ truyền thống tới hiện đại, nơi mọi người được thể hiện mình, không phân biệt người làm thơ già hay trẻ, là nhà thơ nổi tiếng hay thành viên một câu lạc bộ sở thích... Và có một điều đáng chú ý là, từ nhận thức về tính chất phức hợp của lễ hội và tính không thuần nhất của người tham dự, dần dà người tổ chức đã làm cho Ngày thơ có dáng dấp của lễ hội. Khi đến với Ngày thơ, người tham dự được giao lưu và giải tỏa, đồng thời được tiếp xúc với một số hoạt động văn hóa khác, như: phát hành sách báo, vẽ chân dung, xem nghệ sĩ dân gian biểu diễn dân ca, nặn tò he,... Có lẽ vì vậy các năm gần đây, trong chương trình du xuân của nhiều người ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đã ấn định thời điểm đến dự Ngày thơ. Và nhìn vẻ nô nức của hàng vạn công chúng ở trước và trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể hiểu được sự hấp dẫn cùng ý nghĩa xã hội rộng rãi của một mỹ tục văn hóa mới hình thành.    
Ðầu năm Nhâm Thìn - 2012, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 còn có ý nghĩa hơn, vì diễn ra vào thời điểm Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất tổ chức tại Việt Nam (Liên hoan thơ), lần đầu tại Ngày thơ ở Hà Nội có các nhà thơ từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham dự. Tại Ngày thơ, các nhà thơ bạn bè đã không khỏi bất ngờ, cảm động khi biết về truyền thống thơ ca của Việt Nam, khi được chứng kiến sự hào hứng cùng tấm lòng chân thành của công chúng Việt Nam đương đại đối với thơ. Nhiều người đã ngạc nhiên khi biết Nhà nước Việt Nam rất quan tâm tới sự phát triển của thơ, tạo điều kiện để nhà thơ phát huy khả năng sáng tạo, giúp công chúng thỏa mãn nhu cầu. Và từ đó, bằng thơ và qua thơ, các nhà thơ Việt Nam cùng các nhà thơ bạn bè nhanh chóng tìm được sự đồng cảm và tiếng nói chung, như nhà thơ Xu-ri-ta Pôn Cu-ma đến từ Ấn Ðộ nói: "Cơ hội được liên kết và lắng nghe thơ của nhau có lẽ là một trong những cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa chúng ta trên con đường phát triển văn minh và vững chắc".
Tại cuộc hội thảo tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan thơ, có thể tiếp xúc với ý kiến khá thống nhất của nhiều nhà thơ đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau mà qua đó có thể khẳng định, từ vai trò và giá trị của thơ trong cuộc sống, trong lịch sử nhân loại, hàng nghìn năm qua, thơ vẫn luôn là một loại sản phẩm sáng tạo tinh thần cao quý, một trong các phương tiện quan trọng để biểu đạt thế giới cảm xúc của con người. Ở mọi phương trời, thơ không chỉ là nơi giãi bày tâm tư, sẻ chia, an ủi,... mà thơ còn hướng con người tới những điều thanh khiết, hướng tới hòa bình, khiến mỗi người biết tự "thanh lọc" tâm hồn để có thể sống một cách "người" hơn. Từ đó, thơ trở thành cầu nối giữa con người với con người, giữa dân tộc với dân tộc, không chỉ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mà còn làm phong phú tâm hồn, như nhà thơ Mỹ Ma-ry Croi nói: "Thơ ca hơn cả những ngôn từ trên một trang giấy, nó là một quá trình của sự sống, tuôn chảy như một dòng sông và đưa chúng ta đi, để chúng ta gặp gỡ rất nhiều và lắng nghe nhiều bài hát trong hành trình ấy... hành động sáng tạo thơ ca (hoặc bất cứ loại hình sáng tạo nào) là điều cần thiết cho việc thiết lập hòa bình. Thông qua hành vi cao cả của việc tiết lộ thế giới nội tâm, chúng ta mới có thể kết nối  với những dân tộc khác và gây dựng được sự cảm thông và thấu hiểu từ nơi sâu thẳm nhất".
Còn nhà thơ J.An-xtên đến từ nước Anh cũng cho rằng: "Nghệ thuật đẹp và thơ hay cung cấp những chiếc chìa khóa cho tâm hồn chúng ta, mở ra cánh cửa cảm xúc, ký ức và trí tưởng tượng thuộc về người khác. Những cuộc đời và trải nghiệm, những thực tế nội tâm của những người khác trở thành một phần trong thế giới nội tâm riêng biệt của chúng ta". Có được như vậy vì thơ tìm thấy sức sống trong chính cuộc đời, trong hạnh phúc và khổ đau của đồng loại, trong sức sống văn hóa của cộng đồng mà thơ đã góp phần tạo dựng, như ý kiến của nhà thơ I-xra-en S.Me-séc: "Tôi đặt những cuốn sách tôi đặt hàng từ thế giới, nhưng làm thơ về mảnh đất của riêng mình". 
Trên ý nghĩa nào đó có thể nói, cho dù có sự lên ngôi của "cái tôi", cho dù có sự thôi thúc mãnh liệt của khát vọng cá nhân, thì thơ vẫn mang tải ý nghĩa xã hội - con người nhiều hơn khi hướng đến cảm thức của số đông, hướng tới khát vọng của mọi người. Và nếu mỗi bài thơ không phải là sản phẩm được tổ chức theo lối "quái tứ, dị ngôn", thì quan niệm về thơ, về vai trò xã hội của nhà thơ cũng là những điều giản dị. Có thể bắt gặp điều giản dị này qua ý kiến của nhà thơ Phi-li-pin M.Ê-va-xcô: "Tôi tồn tại trong thế giới này, nhất là ở châu Á, trong vai trò người làm ra hòa bình, một người tìm kiếm nguồn nước, tìm ra những dòng suối có thể chữa bệnh, những con thác ào ào nước, những dòng sông và những con suối, những chiếc giếng sâu thẳm, tìm ra hồ nước mà từ những nơi đó cuộc sống tưởng tượng và cuộc sống thật của chúng ta được nuôi dưỡng"; và nhà thơ A.A-bi-dốp đến từ U-dơ-bê-ki-xtan cũng nói: "Nếu một ai đó ở quanh tôi không hạnh phúc, nếu có chiến tranh, khủng bố và sự hiểu lầm, tôi tự trách mình... Tôi hy vọng rằng nhờ những bài thơ của mình, cuộc sống của con người sẽ tốt đẹp hơn, nhiều tình cảm hơn và họ cũng hiểu nhau hơn".
Ðặc biệt, trước nguy cơ toàn cầu hóa về văn hóa thì thơ - với dấu ấn tâm hồn của dân tộc không thể thay thế, lại mang chứa khả năng giúp mỗi nền văn hóa dân tộc khẳng định, giữ gìn bản sắc riêng, như nhà thơ A.R.Xa-giô-nô (In-đô-nê-xi-a) trình bày: "Công nghệ thông tin tiên tiến đang giúp ngôn từ lan tỏa khắp thế giới. Thật nhanh để có thể thành lập những sự kiện kết hợp toàn cầu và những sự kết hợp đó sẽ công thức hóa ngay lập tức và một cách thiển cận. Trong những trường hợp thế này, thơ sẽ trở thành khả năng khác, một cách nhìn khác đối với thế giới. Thơ nhìn vào thế giới từ những đặc điểm riêng, và sự khác biệt của nó, vì thế thơ có sức mạnh bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, chạm vào trái tim của con người trên khắp thế giới. Trái tim ấy sẵn sàng hợp tác với những dân tộc của một quốc gia, một nền văn hóa khác, gieo trồng hòa bình trên mảnh đất màu mỡ của tri thức".
Mười ngày thơ cùng Liên hoan thơ đầu tiên có thể còn có điều chưa làm vừa ý những người khó tính hoặc có khát vọng lớn hơn, rộng hơn cho thơ. Song, nhìn nhận với ý nghĩa hoạt động nghề nghiệp của người làm thơ và tình yêu thơ của cộng đồng, thì không nên đánh giá sự thành - bại từ sở thích, ý muốn của cá nhân nào, cần nhìn nhận từ kết quả tổng thể mà hoạt động đó mang lại. Tiếp cận như vậy thì hoàn toàn có thể khẳng định, Ngày thơ và Liên hoan thơ đã thành công trong tính mục đích của chúng, vấn đề còn lại là cần làm gì để Ngày thơ tiếp tục là ngày vui của mọi người yêu thơ; và rồi đây, Liên hoan thơ cũng sẽ trở thành một hoạt động thường niên, để nhà thơ Việt Nam và các nhà thơ trên thế giới có thể gặp gỡ, trao đổi, cùng tháo gỡ các trở ngại đã và đang xảy ra trên tiến trình thơ ca.        
Trong thời hiện đại, không chỉ thơ Việt Nam mà với nhiều nền thơ khác trên thế giới, câu hỏi "tồn tại hay không tồn tại?" đang cần câu trả lời; nói cách khác, ngày nay, thơ đang phải đối diện với nhiều thách thức. Tuy nhiên, dù thách thức lớn đến thế nào thì thế giới tâm hồn con người vẫn còn nguyên giá trị, nếu không nói đã trở nên phong phú và sâu sắc hơn. Từ mười Ngày thơ và một Liên hoan thơ, bước đầu có thể thấy lý do đưa tới sự ra đời của thơ vẫn tồn tại trên hai phương diện: người sáng tác và người yêu thơ. 
Vì thế, trước khi đi tìm các lý do ngoại cảnh tác động tiêu cực tới sự phát triển của thơ, cần tìm lý do từ chủ thể sáng tạo. Thơ cần phải cách tân, cần phải đổi mới, nhưng thơ chỉ có thể cách tân và đổi mới khi các nhà thơ đã trưởng thành hơn về tinh thần, về nội lực, thật sự sống với thế giới tinh thần của dân tộc để tìm thấy sự đồng vọng trong tâm hồn và trong cảm xúc. Như một nhà phê bình văn học ở Việt Nam đã từng viết: "Nếu không có trụ cột là tình yêu với cuộc sống thì đi tìm những thể nghiệm cách tân, hiện đại... chỉ là những mỹ từ che đậy cái anh đánh mất. Những thể nghiệm đó không đi đến đâu cả, chừng nào họ chưa tìm được tình yêu cuộc sống".
Và trong rất nhiều định nghĩa khác nhau về thơ, dường như định nghĩa của nhà thơ A.A-bi-dốp tại Liên hoan vừa qua cũng có ý nghĩa tham vấn nhất định đối với người làm thơ: "Ở một góc độ nào đó, thơ (poetry) là: P - cảm xúc, O - tính độc đáo, E - đạo đức, T - giai điệu, R - vần điệu, Y - sự trẻ trung".
NGUYỄN HÒA
Nguồn: Báo Nhân dân/ Phongdiep.net

No comments:

Post a Comment