Chu Văn Sơn
Lời thưa: Năm trước, khi Châu Thổ của Thiều vừa ra, một bạn viết có hỏi tôi: nếu nén Thiều vào một file zip trong thẻ nhớ của anh, thì đó sẽ là gì ? Tôi quấy quá : kì bí hóa sự sống, linh thiêng hóa cái đẹp và long trọng hóa phát ngôn, đó là Nguyễn Quang Thiều. Bạn tôi nài: tường minh hơn đi. Tôi khất: muốn tường thì phải một tiểu luận … Vì lời khất ấy tôi đã viết bài này.
*
Đường thơ Nguyễn Quang Thiều có một
cú thay đổi lớn từ Ngôi nhà mười bảy tuổi sang Sự mất ngủ
của lửa. Có thể xem đó là ngày sinh lại của Thiều. Giông giống Tố Hữu
với Từ ấy, Chế Lan Viên với Người thay đổi đời tôi Người
thay đổi thơ tôi. Chỉ khác chút: ở hai vị tiền bối, là giác ngộ chính
trị; còn ở Thiều, là giác ngộ tôn giáo. Theo tôi, kể từ cái ngày mất ngủ ấy đến
nay, hồn cốt mới, diện mạo mới, hành trình mới của thơ Thiều chính là tôn giáo,
mà cụ thể là khuynh hướng sử thi tôn giáo.
1.
Thân sử thi và tâm tôn giáo
Thoạt nghe chữ “tôn giáo”, dễ có
thắc mắc: Thiều không theo giáo phái nào, thơ Thiều cũng không phải giáo lý nào
cất thành thơ, sao lại bảo là thơ tôn giáo! Băn khoăn này có nguồn cơn từ cách
hiểu về tôn giáo và thơ tôn giáo. Trong thực tế, vẫn có hai cách hình dung về
nó. Một, trên bề nổi, tôn giáo như một thiết chế xã hội. Hai, dưới bề sâu, tôn
giáo như một hình thái ý thức. Thực ra, trước khi được dựng thành thiết chế
hoàn bị (với hệ thống giáo lí, giáo hội, giáo chủ, giáo dân, giáo đường, gắn
với việc thờ phụng những biểu tượng thần quyền), thì tôn giáo vốn là một hình
thái ý thức đặc thù của con người – ý thức ngưỡng vọng cái thiêng. Nó thuộc tâm
linh, bởi xét đến cùng, tâm linh là một đời sống tinh thần hướng tới cái huyền
bí, thần diệu, linh thiêng. Mỗi tôn giáo hiện hành chẳng qua chỉ là một dạng lí
thuyết hóa và thiết chế hóa nào đấy của ý thức tôn giáo chung này. Theo đó, thơ
tôn giáo, cũng thường có hai dạng. Dạng lộ thiên: kẻ viết là tín đồ của một
thiết chế tôn giáo nhất định, thơ viết ra thuộc thế giới quan của tôn giáo ấy,
thậm chí, thơ là giáo lý của nó được trữ tình hóa. Dạng ẩn chìm: kẻ viết có tín
tâm, nhưng không hề là tín đồ của bất cứ giáo phái hiện hành nào, tôn giáo chỉ
đơn thuần như một cảm quan, một cái nhìn nghệ thuật về thực tại. Nó tồn tại
trong thơ và bằng thơ, chứ không thể xé rào ra ngoài thơ để thành tôn giáo của
thế tục. Rabindranath Tagore gọi đó là “tôn giáo của nhà thơ”. Thơ Thiều, về
căn bản, thuộc dạng thứ hai([1]). Truy cầu sự thần diệu trong thực tại, kì bí
hóa sự sống, linh thiêng hóa cái đẹp chính là biểu hiện sống động nhất của cảm
quan tôn giáo ấy trong thơ. Bắt đầu bằng Sự mất ngủ của lửa đến
gần đây nhất là Cây ánh sáng, và bây giờ tụ họp về Châu thổ(2),
thơ Thiều là một sự nhẫn nại lực lưỡng của cảm quan này.
Tuy nhiên, thơ Nguyễn Quang Thiều
thuộc típ “hai trong một”. Tinh thần tôn giáo đã bí mật nhập vào thể chất sử
thi để tạo ra tạng Thiều: tạng sử thi tôn giáo. Chúng ta đều biết thể sử thi
chỉ là sự kết tinh thành hình thức văn bản của cảm quan sử thi. Đối tượng thẩm
mỹ chủ đạo của sử thi là “cái kì vĩ”. Khi thơ trữ tình dùng qui mô lớn để thể
hiện cái kì vĩ, thì ấy là sử thi. Do quen thấy dạng kì vĩ là những biến cố lịch
sử, nên “cái kì vĩ” cứ được đồng nhất với “cái lịch sử”. Trong trường ca của
ta, tức là những sử thi hiện đại, dường như “cái lịch sử” lại thường được hiểu
là chiến tranh gắn với các cộng đồng đảng phái, thế hệ, dân tộc. Cho nên, nội
hàm của “cái kì vĩ”, vô hình trung, bị làm nghèo đến vô lí. Kì thực, mọi sự vật
và vận động lớn lao trong hoàn vũ này đều thuộc “cái kì vĩ”. Bị cái kì vĩ hớp
hồn, đó là Nguyễn Quang Thiều[3]. Còn cảm quan tôn giáo, xét đến cùng, là
khuynh hướng cảm nhận về sự huyền nhiệm trong thực tại. Nó hình thành khi con
người có khao khát truy cầu về một quyền năng tuyệt đối hằng điều hành sự tồn
sinh của hoàn vũ. Truy cầu này tất sẽ gặp “sự huyền nhiệm về tính vĩnh cửu của
sự sống” như cách nói của Albert Enstein([4]). Bởi sự huyền nhiệm ấy là hiện
thân của quyền năng tuyệt đối kia. Bằng nhịp luân hồi sinh diệt, nó thống nhất
vạn vật trong hoàn vũ thành một nhất thể và điều hành sự sinh hóa của hết thảy
hoàn vũ này, từ vĩ mô đến vi mô. Theo cách gọi của Tagore, nó là sự thần diệu “không
thể đem ra phân tích được mà chỉ có thể cảm thấy thôi” (Tôn giáo của nhà thơ).
Dù sinh sau đẻ muộn, Nguyễn Quang Thiều cũng bị thôi miên bởi sự huyền nhiệm
ấy. Thiều gọi nó là “quyền năng bí ẩn của sự sinh ra”. Mà cái quyền năng bí ẩn
sinh ra hết thảy sự sống trong cõi này chẳng xứng là cái kì vĩ vào bậc nhất của
hoàn vũ hay sao?
Bởi thế, ngưỡng vọng “cái huyền
nhiệm” cũng là say mê “cái kì vĩ”. Cả hai dường như song sinh, thậm chí, đồng
thể trong cảm quan thơ ca Nguyễn Quang Thiều. Chính đó là cấu trúc ADN làm nên
tạng sử thi tôn giáo của thi sĩ này. Trong cơ chế sáng tạo của Thiều, nếu phía
này chi phối linh hồn, nhan sắc của thi ảnh, hình tượng, thi tứ, thi liệu, thì
phía kia chi phối tầm vóc, chiều kích, biên độ của chúng để tạo nên từng sinh
thể nghệ thuật nói riêng, toàn bộ thế giới nghệ thuật Thiều nói chung. Sự hòa
hợp giữa “cái huyền nhiệm” và “cái kì vĩ” không chỉ giúp Thiều tạo ra những
trường ca/ sử thi “thứ thiệt” như Con bống đen đẻ trứng, Hồi
tưởng, Nhân chứng của một cái chết, Nhịp điệu châu thổ mới, Cây
ánh sáng, (kể cả Lò mổ đang hoàn thiện), mà cấu trúc ADN
ấy còn khiến cho tất cả mọi bài thơ lẻ đều mang hơi thở của trường ca, thậm
chí, có thể thấy mỗi bài ấy chỉ là một mảnh vỡ của một thiên sử thi chung có
tên là Châu thổ.
2. Trải nghiệm đánh thức bản thể
Hãy bắt đầu từ cái quan niệm làm
thức dậy bản thể con người thơ Nguyễn Quang Thiều.
Cú thay đổi tạo sinh một Thiều mới,
thực chất là một bừng ngộ trong trải nghiệm riêng của thi sĩ này về sự chết. Ví
như, cái chết của người bà. “Sau khi bà tôi mất đã nhiều năm – Thiều viết – tôi
vẫn có những buổi tối đứng im lặng trong căn phòng bà tôi nằm trước kia. Mọi đồ
đạc đã thay đổi. Nghĩa là, mọi liên hệ giữa tôi và bà tôi và những phụ vật khác
mang tính điều kiện đã bị xóa nhòa hoàn toàn. Nhưng tôi vẫn thấy bà tôi hiện
hữu. Hiện hữu này không phải là hiện thực của thể xác mà là hiện thực của tinh
thần bà tôi. Hiện thực của thể xác là một hiện thực bất động của đời sống. Nó
giống như một cái chết bị băng hóa. Còn hiện thực của tinh thần thì luôn chuyển
động, sinh nở và biến ảo. Và nó luôn tìm cách trở lại điểm đầu tiên của nó”.
Đọc đoạn này, kẻ duy vật thô sơ hẳn sẽ nghi ngại rồi ấn Thiều vào cái rọ duy
tâm siêu hình, mà đâu biết rằng chính nghi ngại như thế là cái khiếm khuyết đã
làm xơ xác tinh thần duy vật. Trong nhận thức này, Thiều đã phân biệt hai loại
hiện thực: “hiện thực của thể xác” và “hiện thực của tinh thần”. Theo đó, có
thể gọi hiện thực thứ nhất là phần dương của đời sống, hiện thực thứ hai là
phần âm của đời sống. Mối liên hệ giữa chúng hẳn là một trong những lẽ huyền
nhiệm nhất của thực tại này. Theo Thiều, sự huyền nhiệm ấy chỉ có thể tiếp cận
được bằng con mắt thứ ba: con mắt của tâm linh cùng tưởng tượng và hồi ức. Một
Nguyễn Quang Thiều mới đã được sinh ra từ đó. Thơ Thiều, bắt đầu từ Sự
mất ngủ của lửa, cứ nhạt dần phần dương để ngả sang phần âm của
đời sống. Thiều sẽ miệt mài nắm bắt những chuyển động, những sinh nở và biến ảo
trong thế giới của bóng đêm, cơn mơ và chốn siêu sinh. Thời gian đêm lấn át.
Không gian âm vây phủ. Những cái chết, đám tang, phần mộ, nghĩa địa, những
chuyển động của vạn vật trong bóng tối từ bầy ốc sên, bầy chó, bầy kiến, lũ cào
cào, lũ ếch, lũ rắn,… rồi những sự sống trong lòng đất như mớ tóc đem chôn, như
khúc ruột đem chôn hóa thành con giun đất,… sự sống sau cái chết của bao loại
linh hồn: linh hồn của những người đã chết, linh hồn những con bò, con rắn, con
chim, cây xanh, thậm chí linh hồn của những hồ nước, con đường, linh hồn những
ngôi nhà, linh hồn ô cửa, linh hồn con thuyền, linh hồn váy, linh hồn yếm,…
choán chỗ thơ Thiều. Thiều sẽ nhìn xuyên mỗi sự vật để thấy cái phần âm đâu đó
sau mỗi phần dương của chúng, và tỏ ra mê mải nhất khi cảm nhận về những chuyển
động sinh hóa không cùng trong phần âm. Càng về những tập sau này, Nhịp
điệu châu thổ mới, Bài ca những con chim đêm, Cây ánh sáng,
cái ý niệm của Thiều về “quyền năng bí ẩn của sự sinh ra” càng rõ rệt
hơn. Về thực chất, nó là lẽ huyền nhiệm trong nhịp luân hồi của mất còn sinh
tử, nó làm nên chuyển động âm dương trong cái thực tại bao la này của hoàn vũ.
Bị ám ảnh bởi huyền nhiệm kì vĩ ấy, Thiều thường viết về sự chết bằng cả niềm
hân hoan lạ thường như thấy rõ mồn một cái “hiện thực của tinh thần” ở người
chết đang trở lại điểm khởi đầu sự sống: “Chúng ta thường chăm sóc những ngôi
mộ/ bằng niềm sợ hãi và tiếc thương/ Nhưng ít người trong chúng ta nhìn thấy/
cỗ xe tang lộng lẫy/ trong tiếng trống tưng bừng/ làm thần chết cũng hết phiền
muộn…// Ít hơn nữa những người trong chúng ta/ tìm thấy âm nhạc tinh khiết
trong buổi cầu hồn/ và gương mặt những nhạc công phường bát âm/ Đắm say trong
thế giới bí ẩn”. Đó là “thời khắc sự sống và cái chết đổi chỗ cho nhau
nhẹ nhàng như tráo những quân bài”… Có thể nói, nỗi đam mê ấy là phần màu
mỡ nhất trong các lớp phù sa bồi nên Châu thổ của Thiều.
Truy tìm bản thể của một tiếng thơ
tất sẽ gặp bản thể người thơ. Bởi bản thể của người thơ mới là nguyên ủy của
mọi tiếng thơ. Trong Cây ánh sáng, một sử thi ngắn về mối băn
khoăn truy tìm bản thể mình, Thiều có hình dung thi sĩ như một hỗn thân với bao
đối cực kiểu cái tôi đa ngã: con côn trùng, con lạc đà, con đại bàng, con sói,
con đỉa khổng lồ, ngôi sao cô độc. Rồi cuối cùng, theo lối qui nạp, các mảnh ẩn
dụ ấy được qui tập về trong cặp đối cực gốc là phần sáng và phần tối: “Mi là
ta bóng tối và ta là mi ánh sáng”. Tuy nhiên, Sáng và Tối là tên chung của
cặp song sinh muôn thuở làm nên bất cứ bản thể nào. Vậy, đâu là phần tối và
phần sáng riêng thuộc bản thể con người thơ của Thiều? Câu trả lời là: một nỗi
sợ và một đức tin. Nếu phần tối thuộc nỗi sợ hãi, thì phần sáng thuộc đức tin.
Cả hai đều là cảm xúc tôn giáo và mang chiều kích sử thi. Chẳng phải thế sao!
Trong thơ Thiều, đó không phải nỗi sợ hãi trước các thế lực hắc ám thường tình
của thế tục, mà là nỗi “hoảng hốt trước hư vô”. Và đức tin cũng không
phải dành cho đối tượng nào nơi trần thế, mà là đức tin hướng về một “đời
sống sau cái chết” (Thiều còn gọi là “tương lai của những kết thúc”). Hoảng
hốt trước hư vô, thực chất, là nỗi sợ hãi trước sự hủy hoại của đời sống, trước
nguy cơ biến mất của đời sống. Còn đức tin là xác tín về một “hiện thực của
tinh thần luôn chuyển động, sinh nở và biến ảo”, “một đời sống chẳng bao giờ
mất đi như ta tưởng”. Đây là hai nỗi niềm gốc rễ, hai nguyên tố căn bản cấu
thành điệu tâm hồn riêng của Thiều. Thơ Thiều được kiến tạo dựa trên sự tương
tác, hay theo cách ưa dùng của Thiều, “sự chuyển động không ngừng” giữa hai
phần tối – sáng ấy. Mỗi tứ thơ Thiều, vốn hết sức đa dạng và biến hóa, nhưng
chung qui đều là những biến thể khác nhau của cùng một sự chuyển động: từ bóng
tối của sợ hãi (hiển thị trong những cảm nhận về một đời sống đang bị hủy hoại
với biết bao cảnh sắc ốm đau/ tàn tật/ điêu linh) đến ánh sáng của đức tin (về
một đời sống sẽ hồi hoàn, hiển thị trong một khung cảnh thơ tràn đầy những hoan
lạc/ huy hoàng/ rực rỡ vị lai). Cấu trúc tổng thể của thơ Thiều cũng một tinh
thần ấy, đó là sự chuyển động từ hoàng hôn/ bóng tối/ đêm đen hiện tại của Châu
thổ đến bậc thềm của ban mai đang trở dậy từ bên kia chân trời nơi có Cây
ánh sáng kì vĩ. Hãy đọc một bài bất kì sẽ thấy, trước hết, nó là nó,
sau nữa, nó cũng có thể là bản thu nhỏ của tổng thể thơ Thiều. Hồi tưởng
tháng Hai chẳng hạn: “Đó là tháng sực nức mùi thuốc Bắc / Những ngón
tay xanh nhợt mép giường / Và tháng Hai, đúng là tháng Hai, tôi nhớ tiếng khóc
trong câu chuyện / Những đồng tiền bà tôi cất giấu dưới chiếu ố vàng // Trong
bóng tối ấu thơ, tôi cần giọng nói / Từ góc buồng ẩm mốc của bà tôi / Cây đèn
của kí ức ốm đau cạn dầu và sợi bấc bò đến sát tai tôi nức nở nguyện cầu // Đó
là tháng bà tôi đòi cắt tóc / Cha tôi mang tóc bà tôi chôn xuống cánh đồng / Cỏ
mộ tóc tốt tươi trong bóng tối / Tôi trốn bà ra khóc tóc bà tôi // Đó là tháng
có tiếng ho vỡ đờm trong cổ họng / Tôi thấy ngôi nhà xưa dựng bóng cuối khu
vườn / Mùi thuốc Bắc tự tin bay ra từ bếp lửa / Sống lại người đàn bà chết yểu
tự ngàn xưa”. Hay Trong khu vườn hoang tàn của quyền lực: “Bức
tường quanh khu vườn nhà vua tan hoang rêu phủ / Những cây thần dược không mọc
lại, bầy dê không còn sinh sôi / Các ngự y đã yên nghỉ trên cánh đồng dưới chân
đồi / Và linh hồn họ vẫn bất lực trước khát vọng nhà vua // Đêm đêm ngọn gió
thời đại ấy trở về rền rĩ cho tới sáng / Nỗi tuyệt vọng của nhà vua không thể
trường sinh / Ngai vàng vẫn còn kia, quyền lực biến mất trong nấm mồ / Người ngự
trị một thời đại nhưng không ngự trị nổi một giấc mơ // Cỗ xe lịch sử vẫn lăn
và trên vệt lằn bánh xe / Cỏ vươn lên trong quyền năng của mùa xuân bí ẩn /
Những linh hồn ngự y vẫn trồng thần dược / Và linh hồn nhà vua vẫn uống thuốc
đúng giờ / Trong hoang tàn của những lăng tẩm một bầy trẻ ùa vào với gương mặt
không dấu vết gì của thời đại suy tàn chúng đuổi nhau, nô đùa, cười vang và hát
dưới bầu trời lớn lao ngập ánh sáng vĩnh hằng”(5). Bạn có thể ngờ: mở đầu
bằng những mảng tối của cái chết, kết thúc bằng những mầm sáng của sự sống, thi
tứ vận động như vậy có gì mới, vẫn chủ nghĩa lạc quan thôi! Tuy nhiên, soi kĩ,
nó không phải tinh thần lạc quan duy ý chí thuộc cái nhỡn quan vô thần thô
giản, mà là một tinh thần lạc quan duy linh thuộc cảm quan tôn giáo. Bởi đức
tin về cái “quyền năng bí ẩn của sự sinh ra” trong hồn Thiều, mới chính là động
năng tạo nên mọi chuyển động trong thi tứ như thế. Có thể nói, đây là nét khác
lạ có gốc từ tư tưởng mà Thiều đã đem đến cho cấu trúc thơ mình.
Đọc Thiều, không thể không thấy sự
thực này: trong mỗi bài thơ Thiều, phần sáng là cứu tinh, nhưng ấn tượng mà nó
mang lại chưa mạnh như phần tối. Tức là hệ thống thi ảnh về một đời sống hiện
tại đang bị hủy hoại thường sắc hơn, lấn lướt hơn, ám hơn (“quả ớt đỏ như lá
cờ rách nát”,“dòng sông tự cào tướp họng”, “hồ nước thủ dâm đục
sóng”, “loài sen đổi giới tính thay mùa”, “những ô cửa kính tự
tát vỡ mặt mình”,…), còn hệ thống thi ảnh về cái đời sống phục sinh lại
thường khuôn sáo to tát (“ban mai tinh khiết”, “cơn mưa lộng lẫy”,
“bùng nổ bình minh”, “rạng đông kì vĩ”, “thế giới vĩ đại của
tháng Mười”,…). Điều này không khó hiểu. Trước hết, về cội nguồn cảm xúc,
nó chứng tỏ, trong hồn Thiều, nỗi sợ hãi về nguy cơ biến mất của đời sống hiện
tại là cảm xúc thực hơn, mạnh hơn. Còn đức tin về một thế giới vị lai ảo hơn,
mông lung hơn. Cũng phải thôi, một cảm xúc vốn nảy sinh từ trải nghiệm xương
máu của người thơ trong dương thế, thì bao giờ chẳng thực hơn, đau đáu hơn. Còn
loại cảm xúc vốn đến từ huyễn tưởng, lại gửi vào một thế giới vô hình (phần
âm), nên nó có huyền hồ, ước lệ hơn cũng là tất yếu. Tương quan sáng – tối
trình hiện như thế trên mỗi bài thơ Thiều có ngọn nguồn từ đó. Và, tựu trung,
nếu xem Châu thổ là một sinh thể, thì mạch tuần hoàn của nó chính
là sự chuyển động không ngừng giữa nỗi sợ hãi và đức tin này.
3. Mô hình một cõi thế đời
đời
Một nghệ sĩ thực sự phải kiến tạo
được một thế giới nghệ thuật riêng của mình. Và nó chính là hiện thân sống động
của cảm quan nghệ sĩ. Không thể hình dung được thế giới nghệ thuật của
một nhà thơ trữ tình hiện đại, nếu thiếu đi bộ ba hình tượng cốt tử : cái
tôi – người tình – thế giới. Mỗi hình tượng trong đó đều là sự tương tác
của các đối cực. Chúng song hành, đan xen và chuyển hóa lẫn nhau để dệt nên một
thế giới hình tượng trọn vẹn sống động. Phải nói ngay rằng, thế giới nghệ thuật
của Thiều là con đẻ của cuộc hôn phối bí mật giữa cái kì vĩ sử thi và cái huyền
nhiệm tôn giáo. Không mấy khó khăn để nhận ra cái kì vĩ trong cấu trúc không –
thời gian của Châu thổ. Tiền thân của Châu thổ
chính là cái làng Chùa quê Thiều. Những ngôi nhà, vòm cây, con đường, hồ nước,
cánh đồng, nghĩa địa, dòng sông, con thuyền, những người đàn bà góa bụa, người
đàn bà đánh giậm, người gánh nước sông, những đàn bò, đàn chim, lũ chó, mèo, lũ
giun sên cá rắn, lũ côn trùng,… tất tật cảnh vật, nhân vật và loài vật ấy nay
đã thành cư dân của Châu thổ nhưng vẫn mang căn cước làng Chùa.
Có điều, vào Châu thổ, chúng đã cư trú trong không gian kì vĩ
nhất là hoàn vũ, và trong thời gian miên viễn là nhịp luân hồi. Nghĩa là chúng
đã được nới rộng tầm vóc để thành công dân của thế giới sử thi. Cũng rất nhỡn
tiền là chất tôn giáo, mà cụ thể là hơi hướng Kitô giáo. Tuy không phải một con
chiên Thiên chúa giáo, nhưng Thiều đã thấm nhuần những kinh sách của đạo Kitô.
Bởi thế, cấu trúc thế giới trong thơ Thiều có dấu ấn Thánh Kinh. Và
nguyên vật liệu mà Thiều dùng xây cất nên cái thế giới nghệ thuật của mình cũng
có thấy nhập về từ Cựu ước và Tân ước. Thêm nữa, muôn loài trong
thế giới ấy không mang phận vị bất bình đẳng bởi cái nhìn phân biệt thứ bậc mà
trong sự bình đẳng tuyệt đối: tất cả đều là những sinh linh của cõi thế.
Sự giao phối giữa máu huyết sử thi
và hồn vía tôn giáo như thế đã khiến cho Châu thổ hiện lên trong
một hình tượng tổng quát kì vĩ và kì bí: Cõi cứu rỗi. Nó mang hai diện
mạo. Một thế giới điêu linh chìm trong bóng tối của hiện tại mà hết thảy
vạn vật sinh linh đều u mê, đau ốm, tàn tật. Thiều còn gọi đó là một “thế giới
đang tự sát”. Nó chẳng khác nào một bản nháp cẩu thả, một âm bản rách tướp bị
hư vô gặm nhấm nham nhở : “ánh sáng đâu đây gục ngã âm thầm”, “Tiếng khóc
khàn khàn của cánh đồng khô hạn”, “Ngũ cốc đang gập mình bởi cơn ho hóa chất
sặc mùi”, “linh hồn những hồ nước bị giết đang bay lượn tìm nơi hạ cánh”,
“những cánh rừng đang khóc”, “những cái cây cứ quẫy lên trong gió muốn giã từ
chùm rễ của mình”, “con thú rên rỉ bám vào bến bờ ước lệ sự sống”, “Cố hương
xõa tóc đen đi trong gió trắng”… Và một thế giới phục sinh tinh
khiết lộng lẫy huy hoàng đang được mang mẻ, hoài thai, hay chớm ló rạng phía
cuối mỗi thi tứ của Thiều : “những cây khô cầu kinh cho lá mới”, “cỏ vươn
lên trong quyền năng của mùa xuân bí ẩn”, “vườn mang thai những quả bưởi non”,
“con bống đen nổi lên giữa dòng sông Đáy / Đôi mắt sáng hai vầng Nhật, Nguyệt /
Đẻ cho ban mai một dải trứng hồng”, “Và lúc này những cái cây trên thế gian,
những ngọn nến xanh khổng lồ thắp lên trên tất cả mọi con đường”, “Cậu bé chạy
trong ban mai / Xuyên qua dòng thác ánh sáng / Kiêu hãnh và đẹp hơn sự
nảy mầm”, “chàng trở thành một chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa trên cành của
tán lá ban mai trong vũ trụ ngập tràn”… Theo Thiều, chính lẽ huyền nhiệm trong
hoàn vũ đã truyền quyền năng cứu rỗi vào mọi sinh linh nhờ thế mà thế giới được
phục sinh. Nếu thế giới điêu linh là một góa phụ đau khổ, thì thế giới phục
sinh là một sản phụ hân hoan: “Người đàn bà sắp đến giờ sinh nở ngồi lặng lẽ
thở/ Chị đang hồi tưởng tháng năm chị đã đi qua/ Vượt lên cả sự xác nhận là sứ
mệnh bí ẩn của sự sinh ra. Tất cả bảo chứng cho sứ mệnh này: đồi núi, sông
suối, biển cả, đất đai và bầu trời. Chị đã đi qua những mùa màng kì vĩ trên xứ
sở”… Bên cạnh biểu tượng chú bé, sản phụ cũng là một biểu tượng ưa thích
của Thiều về sinh nở tương lai. Tất cả đang trong chuyển động không ngừng từ
bóng tối ra ánh sáng, từ phần âm của sự chết ra phần dương của sự sống. Hình
tượng thế giới là Cõi cứu rỗi được vẽ ra như thế có phảng phất mô hình
thế giới tận thế và phục sinh của sách Khải huyền. Có điều, trong sách Khải
huyền, đấng tạo ra thế giới phục sinh là Đức Kitô, còn ở Châu thổ,
nó thuộc quyền năng huyền nhiệm của nhịp luân hồi sinh tử và nỗ lực cứu rỗi của
mỗi sinh linh.
Trong thế giới ấy, cái tôi
hiện ra với rất nhiều nhân cách, nhưng tất cả vẫn có thể qui về cặp đối cực bao
trùm: một cái tôi vừa là kẻ cứu rỗi vừa là kẻ cần cứu rỗi. Nếu kẻ
cần cứu rỗi là phía tối, thì kẻ cứu rỗi là phía sáng. Tự lãnh nhận một sứ mệnh
bí truyền, kẻ cứu rỗi ấy vừa là một chứng nhân của thế giới điêu linh, vừa là
kẻ hành hương đến phần bên kia của thế giới nơi “quyền năng bí mật của sự sinh
ra” đang hoài thai một thế giới mới. Trên con đường ấy, nó sẵn sàng lãnh đủ khổ
nhục tai ương, sẵn sàng tử vì đạo. Nó là kẻ “đẩy chiếc xe một bánh lên đường”,
kẻ “cõng trên lưng bóng tối khổng lồ”, kẻ ra đi về miền gieo hạt “đến
những vụ gieo trồng của cánh đồng bên kia”… Là kẻ cần cứu rỗi, cái tôi ấy
cũng u mê trong dục vọng, cũng tàn tật trong tâm hồn với “những cơn mê đói
khát của con đỉa khổng lồ / Mà chàng không thể gỡ nó ra khỏi chàng, chàng vẫn
phải tắm rửa cho nó và mặc áo quần cho nó, đặt tên cho nó và nhiều lúc bào chữa
cho nó… quyền lực và sự man rợ của bóng tối biến chàng thành côn trùng? Thành
con sói cô độc, thành đại bàng im lìm trên đỉnh núi lạnh / thành lạc đà và
thành ngôi sao xanh / Giấc mơ nào chàng cũng gặp những người đàn bà mang thai
xanh như nước biển đi qua ngôi nhà”… Thiều gọi hai phía sáng tối đó là cặp
anh em song sinh. Còn trong sự chuyển hóa hình tượng, có thể xem đó là hai bản
tướng của cùng một cái tôi. Chúng không ngừng tương tác nhằm hướng tới lúc hợp
thành một nhất thể trọn vẹn thánh thiện. “Khóc” (thấu cảm nỗi đau khổ), “Ngước
lên” (ngưỡng vọng sự linh thánh), “Hát” (những thánh ca của lòng) và “Ra đi”
(thực thi sứ mệnh bí mật) là những động thái linh thiêng, những hành vi tôn
giáo đặc trưng của cái tôi ấy. Cái tôi hiện diện trong Châu thổ
dường như để loan truyền một đức tin thần thánh: “Còn một hạt giống là còn
cánh đồng / Còn một giọt nước là còn dòng sông / Còn một người có đức tin là cả
thế gian được cứu rỗi”. Và cuối cùng, nỗ lực cứu rỗi của nó được đền bù
bằng một thế giới phục sinh lấp ló phía tương lai.
Hình tượng người tình trong
thế giới nghệ thuật của Thiều không thật đậm. Điều này chứng tỏ: tình yêu kiểu
trần thế cũng như thơ tình thế tục không thuộc mối bận tâm lớn của Thiều. Tuy
nhiên, những hiện diện đây đó cũng đủ để ta hình dung về nàng. Nàng vừa là hiện
thân của một sự sống phồn sinh vừa là hiện thân của một đời sống u
tối. U tối, bởi nàng mang trong mình những dục vọng trần thế, đam mê trần
tục. Dục vọng ấy khiến đời sống nàng chìm ngập trong mê muội và bi kịch, dù có
đem lại chút ảo vọng giải thoát. “Nàng là ai/ Những người đàn bà đi qua cuộc
đời chàng là ai? Nô lệ của chàng hay nữ hoàng của chàng? Thánh thần hay ma quỉ?
Ôi những người đàn bà suốt đời đau đớn vì tình yêu đã yêu chàng như thuốc an
thần để chống lại cơn mất ngủ của vô vọng”, “người đàn bà tội lỗi vẫn vuốt ve
con đỉa khổng lồ bám chặt xương chàng và thì thầm run rẩy với con đỉa ấy, bị
hành hạ vì con đỉa ấy, tự vẫn vì con đỉa ấy và tìm thấy một chút ý nghĩa đầy ảo
giác với con đỉa ấy”… Hiện lên ở phía này, nàng chính là một hiện thân của
một đời sống cần được cứu rỗi. Còn trong diện mạo một sự sống phồn sinh,
nàng là ban mai tinh khiết “da thịt nàng là buổi hừng đông, tóc nàng lấp
lánh”, “em nằm xuống và cánh đồng mênh mông… mặt em tỏa rạng một ban mai hồ
nước… môi em thì thầm làm hoa cỏ sinh nở… cặp đùi em trải dài như sông đến tận
chân trời”, “Nàng ngửa mặt uống mê man ánh sáng bầu trời”… Trong cảm quan
này, cuộc tình tự giữa cái tôi và người tình ấy, không phải là sự dâng tình hay
thỏa tình để chia sẻ những lạc thú trần thế, mà là cuộc tình tự kì vĩ huyền
nhiệm nhằm cứu rỗi và phục sinh sự sống. “Ta là cái cây mọc giữa cánh đồng
đầm đìa ánh sáng / Nàng tràn ngập ta bằng cả những mơ hồ”, “và chúng ta cùng
hát, đôi môi bất tử… Chúng ta như hai khối đồng nung chảy tan hòa vào nhau /
Chúng ta hắt sáng như ban mai, chúng ta nồng thơm như cánh đồng / Chúng ta vô
tận như nơi sinh ra chúng ta”, “bởi thế tình yêu trở nên vĩ đại và thách đố”,…
Như thế, hình tượng người tình là phân thân là đối ảnh của cái tôi
Thiều. Và trong liên hệ bề sâu, cái tôi – người tình – thế giới chỉ là
ba ngôi của cùng một chủ thể sáng tạo mà thôi. Với diện mạo ấy, thế giới nghệ
thuật Thiều tuy không phải là sự phản ánh trực tiếp hiện thực đương thời, nhưng
là sự ánh xạ của thực tại đương đại qua một cảm quan riêng. Nói cách khác, vẫn
là mối trăn trở sâu nặng về tình trạng sống của con người hôm nay đó thôi,
nhưng về căn bản, Châu thổ của Thiều là mô hình một cõi thế đời
đời trong ánh thiều quang riêng của cảm quan sử thi tôn giáo.
4.
Giọng điệu khải huyền và thi ảnh siêu thực
Từ Ngôi nhà mười bảy tuổi
sang Sự mất ngủ của lửa, thơ Thiều còn có một thay đổi khác về
hình thức: thơ có vần ngả dần rồi ngả hẳn sang thơ văn xuôi (prose poetry). Dù
được trình bày theo lối liền hàng hay ngắt hàng, nó vẫn cứ là thơ văn xuôi. Đây
cũng là một cuộc làm mới thơ mình. Có thể do Thiều muốn đổi món, nhưng lí do
chính vẫn là áp lực từ tư tưởng cảm xúc. Có lẽ chỉ thơ văn xuôi, thể thơ ít
vướng bận nhất bởi các thi luật, có vòng tay ôm chứa mở nhất, sức truyền tải
khỏe nhất mới thật đẹp duyên với cái lực lưỡng phong nhiêu của khuynh hướng sử
thi tôn giáo này. Thơ văn xuôi giúp Thiều phát huy được sở trường hàng đầu của
mình là năng lực “tưởng tượng vô cùng hoang dại và những cơn mơ bất tận” về cái
“hiện thực của tinh thần” đang “chuyển động không ngừng” trong chốn huyền vi
của hoàn vũ nhằm phục sinh đời sống. Bởi thế, thơ Thiều tựa những cơn mộng du
miên man của trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng ấy tỏ ra nhạy bén và phong phú
nhất khi phiêu lưu trong cái kì dị, kinh dị kiểu siêu thực: “Nàng chính là
vật phẩm trên bộ răng hàm của đói khát và ô trọc”, “Sông gục mặt vào bờ đất lần
đi”, “Cỗ xe tang chở cái chết của màu xanh với hai cánh mũi lên cơn sốt rát
bỏng”, “những ngọn bí đen không lá bò kín vầng trán hói của cơn mê”, “màu đen
trong màu trắng kia lục cục tiếng quan tài”… Việc tìm kiếm chất thơ trong
cái kì dị kinh dị không phải bây giờ mới có trong thơ Việt. Thoạt tiên, tôi có
ngờ rằng, Thiều đang tiếp nối cái kì trong thế giới thi ảnh của Hàn Mặc Tử ở Đau
thương và Hoàng Cầm ở Về Kinh Bắc. Nhưng ngắm kĩ, không
phải. Họa pháp dựng thế giới đầy thương tật dị dạng này gần với chất siêu thực
kiểu Sanvador Dali (Tây Ban Nha) hơn, khi Thiều thương tật hóa những sự vật
quen thuộc: “những tòa nhà cao tầng tự chặt xương sống mình”, “Có tiếng sằng
sặc con tàu mê chết đuối ở biển xa”, “Cầu thang gỗ đến giờ đau răng rên rỉ”,
“chiếc kim giây vừa chém một đường làm đứt buổi chiều này và một giọt máu từ từ
đầy tròn như một nụ hoa sắp nở”… Lối dựng hình cũng gần với cái kinh dị
trong phim ma của Hollywood, khi Thiều gọi dậy các dạng linh hồn:“linh hồn
cây vục dậy từ ổ lá mục”, “Và bên này hồ nước linh hồn những người đàn bà góa
bụa đang xé nát những linh hồn váy và những linh hồn yếm đang cào xước linh hồn
những bầu vú đắng cay và khát cháy họng bằng những ngón tay yếu đuối dịu dàng”,…
Bởi thế, cái kì, cái siêu của Thiều giàu hơi thở đương đại hơn và cũng… Tây
hơn.
Thơ văn xuôi, với lợi thế về những
dòng thơ có thể nối dài không dứt, trùng điệp những trường cú đoản cú, cũng rất
tiện cho giọng điệu mới của Thiều: giọng khải huyền. Khải huyền (Revelation
– còn được dịch là Mặc khải) theo ngôn ngữ tôn giáo, “đó là cách riêng
Chúa truyền dạy chân lý cho con người”, là “tỏ cho biết những điều bí mật kì
lạ”([6]). Tư thế phát ngôn của lối khải huyền là vừa chỉ giáo như một tiên tri
vén màn huyền bí che phủ hình tướng làm hiện lên chân tướng và chân lí của thực
tại, vừa truyền dụ những mong cầu và an ủi đến người nghe. Cả hai hợp lại trong
giọng điệu long trọng loan báo những tin mừng của Thiên Chúa. Hẳn Thiều chẳng
dại gì mà xem mình là đấng bề trên, nhưng khải huyền đã nhập vào giọng thơ này
như là lựa chọn tự thân và đồng bộ của cái khuynh hướng sử thi tôn giáo trong
Thiều. Long trọng hóa từng phát ngôn là giọng điệu bao trùm toàn bộ thơ Thiều.
Có khi nó là những phán truyền mười mươi về chân lí xa xôi hay sự thật phũ
phàng: “Trái đất sẽ kết thúc bằng sự tự bóc vỏ/ con trai ơi, con sẽ sinh lại
cùng ngày với cha”, “Thế giới còn lại từng đó người/ úp mặt cầu xin, ngửa mặt
trăn trối/ Những bài thơ ba mắt bay qua xứ sở bóng tối/ Chúng ta những kẻ giam
cầm những kẻ tự do/ Chúng ta những xác chết tươi những thân sống đang tằn tiện
thở/ chúng ta giấu phổi mình trong bếp ám khói/ Hay đánh rơi trong lá mục rừng già”,
“Chúng ta sinh ra, khúc rốn thời gian biền biệt/ Chúng ta sinh ra khóc rống
những dòng sông… Chúng ta sinh ra bằng các cách sinh lại/ Chúng ta sinh ra bằng
các cách biến mất”… Có khi nó là những khuyến dụ đầy khoan dung an ủi: “Các
con ơi, ngày mai của ta ơi/ Cha đưa các con về cánh đồng của bà nội/ các con sẽ
tìm gom hài cốt của những mùa màng tàn tật mai táng lại trong đường cày mới để
oan hồn của cái đói đêm đêm không đòi mạng cánh đồng/ và các con sẽ lấy hạt
giống giấu vùi trong cát bát hương gieo bí mật xuống cánh đồng góa bụa”…
Những sắc thái cảm xúc căn bản kiểu khải huyền là “vừa bi quan với hiện tại vừa
lạc quan với tương lai”([7]) cũng nhập vào giọng điệu của Thiều thật tự nhiên,
đã khiến thơ Thiều là bi ca khi bộc lộ nỗi sợ hãi về một thế giới bị hủy hoại
và là hoan ca khi thể hiện đức tin về một tương lai phục sinh. Dù bi hay hoan
đều bằng những lời long trọng. Bởi thế, đọc Thiều, người nghiện liên tưởng có
thể nhớ đến giọng điệu cũng đậm chất khải huyền của Kahlil Gibran (nhà thơ lớn
của Lebanon) trong kiệt tác The Prophet (Nhà tiên tri) mà bản
tiếng Việt đã chuyển thành Mật khải([8]), dù có thể Thiều chưa đọc thi phẩm này… Những điều ấy đã
xui tôi hình dung Châu thổ của Thiều như một sử thi tôn giáo siêu
thực đương đại.
Tuy nhiên, hành hương trong thơ
Thiều luôn là một thách thức. Người đọc ưa thứ thơ thanh thoát với một tiếng
Việt tinh giản hẳn sẽ ngại vào cái chốn âm u rậm rạp của Châu thổ.
Người đọc coi trọng mối bận tâm đời thường cũng dễ thấy cảm quan sử thi tôn
giáo này xa vời. Người đọc quen với thơ chưng cất từ trải nghiệm cật lực ở đời
cũng khó khăn khi xài loại siêu thăng từ “trí tưởng tượng vô cùng hoang dại”.
Những phản biện đó đây về thơ Thiều có lẽ xuất phát từ so le về thị hiếu đọc
thế chăng ? Thì cũng là bình thường. Vẫn luôn có lượng độc giả lớn hâm mộ tạng
sử thi tôn giáo trong thơ văn xuôi siêu thực của Thiều. Thiều vẫn là một trường
ảnh hưởng khó cưỡng, vẫn là một ngọn cờ có sức vẫy gọi. Thơ Thiều, hồi Sự
mất ngủ của lửa, hãy còn là “Một bông hoa mùa xuân với những
cánh chỉ mỏng như hơi thở / đang chầm chậm mở ra lộng lẫy bất chấp sự đè nặng
của bóng tối mùa đông giá lạnh như một chiếc ách vô lý khổng lồ”, đến Châu
thổ, xem ra, nó đã là một “Ngọn đồi của khát vọng mọc xuyên qua bóng
tối” rồi.
Hà
Nội, tháng 6 năm 2012
([1]) Theo quan sát của tôi, gộp thơ
tôn giáo thuộc cả hai dạng trên đây lại, sẽ thấy một khuynh hướng lớn xuyên
suốt thơ Việt tựa một cuộc hành hương. Dẫn đầu đoàn là lực lượng hùng hậu thời
Lý – Trần với những gương mặt sáng giá: Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Mãn Giác, Từ
Đạo Hạnh, Không Lộ, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông,v.v…
Sau đó, tuy có những đứt nối, mau thưa, nhưng thơ tôn giáo vẫn đi dọc các thế
kỉ. Đầu quân vào đây có cả Nguyễn Gia Thiều với những suy tư được gọi là siêu
hình, có cả Nguyễn Du với cảm quan Phật giáo thâm hậu… Thời Thơ mới, đoàn có sự
tham gia của Huy Cận, Chế Lan Viên, rồi Xuân Thu nhã tập, Dạ đài (dù hai nhóm
này chưa bước được bao lăm)… và gây sửng sốt nhất chính là Hàn Mặc Tử. Vào thời
chia cắt, ở miền Bắc, nó đứt đoạn hoàn toàn trong thơ dòng chính, nó khuất mình
vào dòng ngầm với Hoàng Cầm của Nhân văn Giai phẩm, còn ở miền Nam nó vẫn đường
hoàng với những Trụ Vũ, Ngô Văn Tao, tạp lẫn với Bùi Giáng, biến hiện với ca từ
Trịnh Công Sơn… Đầu đổi mới, nó lại được tiếp nối với một vài bóng dáng, mà kẻ
mạnh bước nhất là Nguyễn Lương Ngọc… Từ cuối thế kỉ XX, nhất là vào thập niên
đầu của thế kỉ XXI tới giờ, cuộc hành hương lại rộn ràng những bước chân Nguyễn
Quyến, Mai Văn Phấn, Đỗ Doãn Phương, Dương Khánh Phương, Đinh Thị Như Thúy,
Nguyễn Hoàng Đức, Lương Tử Đức, Nguyễn Quang Hưng, Trần Quang Hải, Ngân Hoa… Kẻ
gần người xa, kẻ đậm người nhạt, nhưng xem chừng, những gương mặt mới này đang
châu tuần thành một trường thơ, tạm gọi là “trường thơ Hà Đông”, mà cầm trịch,
không ai khác, là Nguyễn Quang Thiều.
(2) Tuyển thơ lần thứ nhất của
Nguyễn Quang Thiều, H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2010; thơ trích trong bài đều từ
tuyển này.
[3] Theo kết quả thống kê, thì “kì
vĩ” là từ có tần số xuất hiện đậm đặc nhất trong thơ Thiều, ngang với các từ
“lộng lẫy”, “tinh khiết”, “ngập tràn”, “chuyển động”.
([4]) Albert Enstein: Thế giới
như tôi thấy, Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Tiễn Cao Đăng dịch; Bùi Văn
Nam Sơn hiệu đính, H.: Nxb. Tri thức, 2005, tr.21.
(5) Tôi chọn hai bài này còn vì
chúng tương đối ngắn để tiện theo dõi.
([6]) Mai Thanh Hải (chủ biên): Từ
điển Tôn giáo, H.: Nxb. Từ điển Bách khoa, 2002, tr. 332.
([7]) Mai Thanh Hải (chủ biên): Từ
điển Tôn giáo, Sđd, tr. 333.
([8]) Kahlil Gibran: Mật khải,
Phạm Bích Thủy dịch, Nxb Hiện đại, Sài Gòn,1975.
No comments:
Post a Comment