.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, June 18, 2012

TẠ DUY ANH: THẦY HOÀNG NGỌC HIẾN

TẠ DUY ANH

Trước khi về trường Viết văn Nguyễn Du, tôi mới chỉ nghe danh thầy Hoàng Ngọc Hiến. Thời kỳ thầy bị tai nạn bởi bài viết về hiện thực phải đạo, thì tôi chưa quan tâm đến văn học. Hồi đó tôi mới rời nhà lên Hòa Bình. Rồi tôi biết thêm thầy là người sáng lập nên Trường Viết văn Nguyễn Du. Nhưng cũng phải là sau này, khi tôi bắt đầu nghĩ đến ngôi trường đó.
Tôi chỉ thực sự ấn tượng với cái tên Hoàng Ngọc Hiến khi biết thầy cổ vũ và tiếp sức cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người thổi một luồng gió mới vào không khí văn chương lờ đờ và tẻ nhạt hồi những năm cuối của thập kỷ 80. Hôm nhập học, tôi và Nguyễn Lương Ngọc xuống nhà riêng chào thầy. Thầy không mấy ấn tượng về chúng tôi - ngoại trừ đọc ba truyện ngắn mà tôi gửi dự tuyển - nên hầu như thầy không để tâm.
Nhưng thấy chúng tôi, nhất là Nguyễn Lương Ngọc quá nhiệt tình, không có ý định đứng dậy sớm, nên thầy cũng chiếu cố cho phần nào bằng cách kể về trường hợp Nguyễn Huy Thiệp. Trong câu chuyện, có lẽ do hưng phấn và cũng là cách thầy vẫn dùng để đề cao điều gì đó, thầy Hiến hồn nhiên kể rằng, Ủy ban xét giải Nobel của Thụy Điển đã sang Việt Nam tìm hiểu để trao giải cho nhà văn Việt Nam nào đó. Tức là họ đã đến Hà Nội. Vấn đề lớn đấy - Nói đến đây thầy dừng lại quan sát phản ứng của chúng tôi và tất nhiên là mắt chúng tôi sáng lên đầy háo hức nên thầy kể tiếp - Phía Việt Nam giới thiệu hai người là Nam Cao và Nguyễn Đình Thi. Các cậu nhà mình tưởng bở là họ không biết gì. Nhưng mà họ biết hết. Nam Cao thì đương nhiên là hay nhưng họ bảo chết rồi, giải Nobel không trao cho người chết. Các cậu nhớ là giải Nobel chỉ trao cho người sống nhé, thế mới gay! Nguyễn Đình Thi thì họ bảo không biết là ai. Nguyễn Đình Thi, tưởng là số một Việt Nam mà họ không thèm biết là ai hức hức, đừng đùa với bọn Tây nhé! Thế cuối cùng họ chọn ai? - Thầy Hiến nhướng mắt nhìn chúng tôi hỏi: Các cậu thử đoán xem? Các cậu có biết họ chọn ai không? Rất gay, vấn đề rất gay - thầy nói vậy rồi cười khoái trá, sau đó hạ giọng - Nhưng mà cũng rất hay. Và thầy tự trả lời: Họ chọn Nguyễn Huy Thiệp! - Thầy Hiến hạ giọng, miệng mím lại, hơi nhếch sang một bên rất đặc trưng Hoàng Ngọc Hiến, nhìn thẳng vào chúng tôi - Họ chọn Nguyễn Huy Thiệp mới chết chứ!
Thấy chúng tôi thực sự háo hức, thầy càng làm vẻ quan trọng - Các cậu nhớ là Thiệp nó mới xuất hiện vài năm, mà bọn Nobel đã ngửi thấy, đủ biết họ tinh thế nào? Rất tinh. Mà chính xác. Ừ, thế đấy! Ghê không? Bọn Tây nó ghê không! Nam Cao: không, Nguyễn Đình Thi: không, mà là Nguyễn Huy Thiệp - mắt thầy Hiến lại sáng lên - các cậu thấy có thú vị không. Nó không bị sức ép của bất cứ ai, ví dụ như mấy cậu chuyên gia nịnh thối... hức hức... Trong đầu nó cóc có cái bọn đó! Chọn Nguyễn Huy Thiệp là quá chính xác. Thế đấy! Họ chọn Nguyễn Huy Thiệp, ghê không, hức hức - thầy Hiến có kiểu cười cũng không giống ai - các cậu nhà mình ớ người. Chết đứng. Chết tươi! Phải rồi, phải rồi. Đừng cứ tưởng Tây nó không biết gì. Nó biết hết. Hức hức! Chuyến này mấy cậu trót chửi Nguyễn Huy Thiệp rất gay... hức hức...
Không biết Nguyễn Lương Ngọc nghĩ gì khi anh cũng nhướn mày trợn mắt phụ họa với thầy Hiến, chứ tôi thì tin sái cổ. Tôi còn đi kể lại chuyện này cho vài người, đủ thấy tôi tin như thế nào. Thầy Hiến bảo thế cơ mà! Lúc ấy tôi chưa biết quy trình xét giải Nobel nó phức tạp và khó gấp một triệu lần cách thầy Hiến kể. Nó khó đến nỗi ai tự tin mình được giải Nobel thì người đó hoặc hoang tưởng, hoặc điên. Lúc ấy tôi cũng không nghĩ ra là Nguyễn Huy Thiệp chưa hề được dịch truyện ngắn nào sang tiếng Anh, hoặc trong số bốn ngôn ngữ còn lại mà Ủy ban Nobel dùng để đọc xét giải. Hóa ra đó là cách thầy Hiến "dẹp" trước cái bọn đang chuẩn bị "đánh" lại thầy. Gọi là úm trước thì đúng hơn.
Nếu họ cũng tin như tôi thì hãy dè chừng khi chê Nguyễn Huy Thiệp. Cũng như sau này đang giữa trưa thầy gọi tôi xuống nhờ làm đầu mối bán giúp thơ Hoàng Cầm có tên là Men đá vàng (nếu tôi nhớ không nhầm), cho đám học sinh, giá 2000 đ một cuốn, hơn mua tại hiệu sách ở chỗ có kèm chữ ký tươi với lời ghi tặng cũng tươi rói của Hoàng Cầm. Chắc thầy trót hứa với Hoàng Cầm sẽ bán giúp thơ cho ông. Thầy khẩn khoản bảo tôi cố bán giúp thầy, càng nhiều càng tốt. 50 cuốn nhé! Liệu có được không? Thầy bày cách để tôi tiếp thị: Em cứ nói đây là của hiếm, thơ thứ thiệt - và cười rất tít, thầy nói thêm: cơ hội để có chữ ký của Hoàng Cầm đâu có dễ! Hức hức... Thấy tôi có vẻ tần ngần, thầy nới rộng điều kiện: Nếu khó quá thì 20 cuốn, cố 20 cuốn, nhất định 20 cuốn nhé. Khi tôi chuẩn bị ôm bọc thơ ra về, thầy nói theo: Ấy là tôi cứ đề ra thế, còn bán được bao nhiêu thì bán, giả dụ 10 cuốn thôi cũng được, thậm chí kể cả chỉ được 5 cuốn, cốt là có bán. "Em cố gắng giúp tôi" - Thầy nhắc đi nhắc lại sau khi đã bỏ ra hàng giờ để chứng minh Lá diêu bông có tư tưởng lớn, mang tầm thời đại và cao hơn hẳn về mọi phương diện so với Trong khi chờ Gô-đô của Macbet. Cả hai đều đi tìm và chờ đợi cái không có, một bi kịch của nhân loại thế kỷ này - vẫn theo lời thầy - nhưng Lá diêu bông sâu sắc và mới hơn. Lại rất cô đọng. Chỉ có trên dưới chục câu. Còn Trong khi chờ Gô-đô thì phải diễn với sân khấu, phông màn rất nhiêu khê. Mà chỉ để chuyển tải cái điều Lá diêu bông gói trong vài trăm từ. Ghê không! Cực kỳ ghê. Lá diêu bông là kiệt tác! Hoàng Cầm quả là không đùa được. Hoàng Cầm hoàn toàn xứng đáng giải Nobel (lại Nobel!) hức hức... Các cậu cứ đọc đi, nó là tầm nhân loại đấy mặc dù nhân loại còn lâu mới hiểu được cái sâu xa của Lá diêu bông. Hoàng Cầm là thiên tài!
Thầy Hiến nói sôi nổi và cười rất hóm, không thể biết thầy nói thật hay đùa.
Tôi đang kể tiếp về lần thăm thầy, sau khi nghe thầy và Nguyễn Lương Ngọc nói chuyện, tôi càng thấy mình học hành quá lõm bõm. Chuyện gì họ trao đổi cũng mới tinh với tôi. Vì thế tôi chỉ muốn co người lại. Mãi sau, có lẽ cảm thấy tôi sắp chảy thành nước, bất ngờ thầy Hiến hướng vào tôi: "Em đang viết gì?". Tôi chưa kịp trả lời thì thầy bảo: "Này, em có khả năng văn xuôi lắm đấy nhé. Em sẽ viết tốt đấy". Thầy chỉ nói đúng như vậy rồi lại quay sang thao thao bất tuyệt về chuyện Nguyễn Huy Thiệp và giải Nobel. Tôi không hiểu thầy khen xã giao vì thấy tôi cứ như người thừa trong cuộc chuyện, hay thầy nhận xét căn cứ vào ba truyện ngắn tôi gửi dự thi? Nhưng lời của thầy Hiến cũng làm tôi phấn chấn, tự tin hẳn lên, nhất là khi tôi cứ thấy nghi ngờ khả năng của mình.
Những buổi hội hè đình đám của học viên thời gian đầu khóa, thầy Hiến luôn có mặt. Tôi thấy thầy rất thích những người có giọng hát hay, đặc biệt lại hát nhạc Trịnh Công Sơn mà hồi đó gộp chung vào là nhạc vàng. Khi nghe nhạc vàng thầy Hiến rất chăm chú. Thầy lại dễ dãi, thật lòng trong ăn uống nên chúng tôi thấy thân thiết với thầy, có chè chén gì đều xuống mời thầy lên. Trong khóa có một học viên quê vùng biển, theo Kitô giáo, có giọng thơ rất lạ và được Hội đồng xét tuyển chấm thủ khoa. Vì thế cậu ta có phần hoắng, trong cả ăn mặc lẫn ứng xử. Thỉnh thoảng anh bạn này lại nói một tràng tiếng Pháp mà có lẽ ngay cả người Pháp chính hiệu cũng ngây tán tàn không hiểu. Khi cậu ta đọc thơ thì mắt nhắm nghiền và đặc biệt rất hay nói chuyện triết học, nhất là triết lý Kitô. Thầy Hiến lại ít hiểu về Kitô nên rất thích ngồi nghe anh bạn nói về những thuật ngữ như, rỗi, bí tích, bí nhiệm, tông truyền, mục vụ, mặc khải... Thầy nghe say sưa, y như một học trò nhỏ. Vậy là thầy Hiến vẫn tranh thủ học rất ghê, học từ mọi nguồn. Thầy có khả năng tổng hợp kiến thức vào loại hiếm có. Không phải lĩnh vực nào thầy Hiến cũng tinh thông, nhưng chạm vào lĩnh vực nào thầy cũng có thể tham gia tranh biện, chính vì thầy nắm được thần thái của vấn đề rất nhanh.
Khi truyện ngắn Bước qua lời nguyền của tôi in trên báo, thầy Hiến có nghe ai đó khen nhưng chưa đọc ngay. Vài hôm sau, gặp tôi ở cổng trường Đại học Văn hóa khi vừa bước từ phòng giáo vụ ra, thầy quắc mắt nhìn tôi, nói lắp bắp: "Mày khá quá, Bước qua lời nguyền khá quá!". Thật tình tôi hơi bị sốc, không phải vì lời khen của thầy, mà vì cái cách thầy gọi tôi là mày. Hóa ra những lúc cực kỳ xúc động, thầy không kìm được và phải gọi như vậy mới biểu lộ hết lòng yêu quý với ai đó mà thầy thích. Cho đến khi ra trường không lần nào tôi được nghe lại cái giọng thầy Hiến với cách xưng hô bỗ bã như vậy nữa. Chỉ đúng hôm sau, trong bữa liên hoan kỷ niệm trường, thầy run run giở tờ giấy đánh máy ra và đọc bài viết về Bước qua lời nguyền cho những người của các khóa trước nghe. Ai đó định giật lấy đọc nhưng thầy không chịu, muốn chính mình đọc.
"Những định kiến hận thù có thể trở thành những lời nguyền - có khi ngoài ý muốn của con người; con người yêu thương bị trói bởi những lời nguyền của chính mình; để thực hiện và thỏa mãn khát vọng yêu thương - nhu cầu nhân tính cao nhất của con người - chẳng còn con đường nào khác là "bước qua lời nguyền" - đó là chủ đề tư tưởng của truyện. Chủ đề này là sự tiếp tục cảm hứng nhân văn truyền thống của những "Roméo và Juliét", đồng thời là tiếng vang vọng khẩn thiết của trạng thái nhân thế hiện nay. Đọc truyện của Tạ Duy Anh, một câu hỏi được đặt ra: giã từ thế kỷ XX bão táp và máu lửa này và chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI "lý trí và nhân bản", những lời nguyền nào là đáng nguyền rủa, những lời nguyền nào nhân loại trước sau phải bước qua. Phải chăng câu hỏi bức thiết này cũng được đặt ra cho mỗi người, mỗi quốc gia? Phải chăng truyện của Tạ Duy Anh là tín hiệu của một dòng văn học mới, dòng văn học "bước qua lời nguyền". So sánh giữa "văn học bước qua lời nguyền" với "văn học sám hối" có thể rút ra những kết luận thú vị. "Bước qua lời nguyền" hay "sám hối"? Câu hỏi này không phải không có liên quan đến sự nghiệp cải tổ, đổi mới ngày hôm nay.
(Sau này khi in trong vài tuyển tập, còn có thêm dòng chú thích sau: "Dịp truyện của Tạ Duy Anh được công bố, ở Hà Nội có chiếu một bộ phim của Liên Xô có nhan đề là Sám hối. Chủ đề tư tưởng của bộ phim này: Những người cộng sản trong quá khứ phạm nhiều sai lầm, đã đến lúc phải sám hối. Bộ phim này được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Sau khi đọc truyện của Tạ Duy Anh, bình tĩnh xem xét, thì thấy "sám hối" phù hợp với văn hóa Thiên chúa giáo, đối với tâm thức người Việt, "bước qua lời nguyền" quan trọng hơn "sám hối" nhiều").
Đọc xong thầy Hiến bảo, chưa bao giờ thầy viết về một truyện ngắn nhanh, công phu và hay như bài này. "Một bài hay nhất trong những bài hay của tôi - thầy dõng dạc tuyên bố. Ngắn nhưng mà cực kỳ công phu". Sau đó có vài người tỏ ý không thích cái cách khái quát của thầy rằng có một dòng văn học bước qua lời nguyền. Nhưng thầy Hiến bỏ ngoài tai. Thầy đã nói ra rồi, việc còn lại thuộc về các vị, vấn đề là các vị tiếp nhận được đến đâu. Sau đó thầy gửi đăng trên báo Văn nghệ, số 50 của năm 1989, tức là chỉ sau số báo đăng Bước qua lời nguyền ba số. Bài của thầy Hiến lập tức tạo nên một số tranh cãi, trong đó họ nhằm cả vào tôi. Nhiều người còn kỳ công dẫn Kinh thánh, khẳng định lời của Chúa dạy là "không được bước qua lời nguyền". Bước qua lời nguyền là tội ác. Nhờ sự kiện đó mà một mặt tôi được biết đến nhiều hơn, nhưng mặt khác tôi trở thành thân thiết với thầy Hiến. Thầy mặc nhiên coi tôi là cậu học trò quý. Tôi có nhiều dịp để tiếp xúc với thầy, được thầy rủ đi chỗ này chỗ khác. Tôi nhận ra thầy là người cực kỳ thông minh và chịu tìm tòi những thuật ngữ có thể khái quát cả một hiện tượng, một lối sống, một chiều hướng tư tưởng. Về chuyện đó thì không ai có thể hơn thầy. Thầy Hiến cũng là người đề cao quan điểm độc lập. Thông thường trong các cuộc tranh luận, người ta hay bị kéo theo quan điểm của ai đó, nhất là khi người ấy có uy tín cao. Nhưng với thầy Hiến thì không. Thầy ngồi nghe và tìm cách phản biện lại, phản biện có lý có tình theo cách của thầy và thường cũng rất khó bắt bẻ.
Nhưng càng gần thầy, tôi càng sớm nhận ra có nhiều quan điểm về nghệ thuật, về sinh nhai... thầy và tôi khác nhau, thậm chí là đối lập nhau.
Chẳng hạn với thầy thì Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là kiệt tác số một của văn xuôi Việt Nam, trong khi đó tôi coi Sống mòn của Nam Cao lớn và hoàn hảo hơn. Vũ Trọng Phụng đương nhiên là tài năng lớn, nhưng đôi khi ông hơi lạm dụng tài của mình. Thành thử yếu tố hài hước trong tác phẩm của ông không phải lúc nào cũng đích đáng về mặt thẩm mỹ, có chỗ khá dung tục. Số đỏ rất hay nhưng chưa hoàn chỉnh. Thêm nữa, do tác giả nhấn mạnh sự chế nhạo quá nhiều nên khó tránh khỏi có chỗ bị nhàm và nhảm. Điều thiếu trong Số đỏ là khả năng triết học hóa cái hề, tức là đẩy nó lên mức hài. Hoặc thầy Hiến cũng không thích Doxtoiepxki, trong khi tôi thì tìm thấy ở nhà văn Nga này những khởi nguồn mạnh mẽ cho cảm hứng sáng tác của mình. Ngoài ra còn một số quan niệm khác về kiếm sống, thầy và tôi cũng khác nhau. Chẳng hạn thầy từng khuyên tôi xin một chân bốc vác ở cảng rồi tìm cách ra nước ngoài. Không phải là để bỏ trốn, mà là để có cơ hội mở mang đầu óc, học hỏi thêm kiến thức rồi sau đó trở về viết văn tiếp. Những người như tôi - theo thầy - rất nên ra nước ngoài sinh sống một thời gian, sẽ mở rộng tầm mắt rất xa, sẽ học được nhiều điều mà thế hệ thầy quá muộn để thực hiện. "Sống ở nước ngoài một thời gian, giỏi tiếng Anh, là cực kỳ quan trọng cho sự nghiệp của em" - Thầy bảo tôi thế. Có thể đó là sự lóe sáng trong suy nghĩ của thầy khi lo cho lớp trẻ nhưng tôi thì không thấy đó là hướng đi hay. Nhưng cho dù có chuyện gì thì tôi cũng phải thừa nhận, thầy Hiến đã ảnh hưởng rất quan trọng đến sự nghiệp văn chương của tôi, đặc biệt qua trường hợp tiểu thuyết Lão Khổ. Tôi đã viết nó thành một kỷ niệm với thầy Hiến vào dịp thầy 80 tuổi.
Tôi cũng đặc biệt thích những bài giảng của thầy Hiến về nhân vật bi kịch Hy Lạp, có thể nói là thuộc loại hay nhất trong số những bài giảng về chuyên đề này; tôi bị hút hồn khi thầy giảng về phân tâm học; những phân tích kiệt xuất câu: "Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên" của thi hào Nguyễn Du. Chỉ có một câu nhưng đã được thầy đẩy lên thành cả một triết lý sống của trí thức Việt bằng hẳn một buổi giảng, lý giải nguyên nhân sinh ra biết bao nhiêu là bi kịch trong suốt hàng ngàn năm. Thầy có lối nói phóng đại cực kỳ thuyết phục. Nó khiến cho mỗi bài giảng của thầy trở thành một bữa tiệc kiến thức, với không thiếu sơn hào hải vị nhưng đã được chế biến theo kiểu Việt, dễ vào và cũng dễ nhớ.
Thầy Hiến có lối ví von, khái quát rất lạ và rất bất ngờ. Điều này nhiều người biết, nhất là khi khái quát về ai đó bằng đúng một câu. Nhưng có những trường hợp còn bất ngờ hơn. Chẳng hạn có lần ai đó hỏi: "Nếu không có trường Viết văn Nguyễn Du thì sẽ thế nào?". Thầy nhìn thẳng vào người hỏi, mắt sáng lên: "Nếu không có trường Viết văn Nguyễn Du thì Nguyễn Bình Phương cứ chỉ là anh lính quèn".
Một số người nghi ngờ việc thầy Hiến không đọc tác phẩm của họ, kể cả khi thầy nhận xét đâu ra đấy. Điều đó là có thật và tôi có thể làm chứng. Thầy đã viết hẳn cả một bài tham luận về cuốn tiểu thuyết lịch sử của bạn tôi khiến anh vô cùng cảm động. Nhưng ngay hôm đó, trên đường cùng về, thầy hỏi tôi: "Cuốn đó thực chất có được không?". Tôi hốt hoảng hỏi lại: "Sao thầy hỏi em thế?". Thầy thật thà bảo: "Vì nói thật là tôi chưa đọc, chỉ đọc qua mấy đoạn thấy thằng này viết văn tiếng Việt cũng ngon lành". Hẳn nào trong bài tham luận của thầy có câu: "Tôi đọc thấy những câu văn tiếng Việt ngon lành" và dành già nửa bài viết để "tán" về điều đó. Hoặc lần khác một chị nhà văn trịnh trọng thủ theo chai rượu vang lâu năm nhờ tôi đưa xuống để chị tặng thầy Hiến sách. Trước đó cũng có một học sinh của trường viết văn vừa ra sách và đem tặng thầy, lúc chúng tôi xuống thì thầy đang lật lật qua mấy trang. Chị nhà văn nọ bắt đầu huyên thuyên với đủ thứ chuyện. Đầu tiên về rượu. Sau đó mới đến văn chương Tây, văn chương Việt và cuối cùng là văn chương của chị. Thầy Hiến ngồi nghe bằng vẻ chăm chú nhưng tôi biết thầy không hề để tâm. Cứ thấy thầy Hiến gật gật là phải cảnh giác lắm. Rồi vì muộn nên chúng tôi xin phép ra về. Chờ đủ nửa tháng, chị bạn tôi lại xin đến gặp để hỏi xem thầy Hiến đọc tác phẩm của chị thấy thế nào. Lại có tôi hộ tống! Thầy ậm ừ bảo chị viết có văn, rất có văn, hẵng cứ có văn cái đã. Nguy nhất là không có văn... Chị bạn tôi xem chừng cũng chỉ cần những lời như vậy, hớn hở chào ra về. Hôm sau gặp ai chị hoàn toàn có thể bảo thầy Hiến khen tác phẩm của chị mà không sợ sai. Vì thầy Hiến đúng là khen thật. Thế rồi vài hôm sau gặp thầy, tôi hỏi rằng hôm nọ thầy khen thế là thế nào, thầy bảo: "Hôm ấy tôi đã kịp đọc đâu, tôi mới vừa đọc qua vài chục trang". Tôi hỏi: "Đọc rồi thì thầy thấy thế nào ạ?". Thầy Hiến đáp: "Của cái tay T. này (T là học viên Khóa 4 Viết văn Nguyễn Du) viết không ra gì, viết lăng nhăng nhưng ít nhiều còn có nghĩa, còn của cô này thì hoàn toàn vô nghĩa!".
Vậy là việc thầy không đọc của một số người nhưng vẫn cho nhận xét, thậm chí viết bài bình phẩm, là có thật. Nhưng với riêng tôi thì tôi có thể khẳng định, không cuốn sách nào tôi tặng thầy mà thầy đọc qua loa. Những ngày cuối đời, không biết thông tin từ ai, thầy hỏi thăm và muốn tôi cho thầy đọc những bản thảo mà tôi chưa xuất bản. Tôi biết những tác phẩm về sau của tôi không thuyết phục được thầy, trừ cuốn tản văn Ngẫu hứng sáng - trưa -chiều - tối thầy đặc biệt thích, giới thiệu với nhiều người, mang cả sang Pháp để đài RFI làm hẳn một chương trình văn học. Thầy bỏ ra gần cả buổi chiều gọi điện cho tôi để tán dương cuốn sách đó: "Nó cứ thế mà đi vào cổ điển, em hoàn toàn yên tâm. Nó nên đi thẳng vào nhà trường. Đó là một cuốn sách hoàn hảo, khỏi phải bàn cãi". Đó là những lời của thầy Hiến và đương nhiên là nó rất hiếm. Trong lần gặp gần như là cuối cùng của tôi với thầy - vì sau đó tôi chỉ gặp khi thầy đã hôn mê - thầy Hiến chủ động bảo tôi bằng thứ giọng nghiêm trang: "Tôi đã nói điều này với nhiều người: em là số rất ít nhà văn của ta có khả năng viết dồi dào và đa dạng, dồi dào nhưng không lặp lại mình. Điều đó rất khó".
Đó chưa hẳn là một lời khen nhưng tôi thấy được khích lệ vì tôi tin thầy nói thật lòng mình.
Tôi đã kịp mời thầy Hiến về thăm quê tôi, gặp bố mẹ tôi. Tôi cũng đã kịp đón thầy xuống nhà, khi tôi còn ở căn hộ tập thể 36 mét vuông và rất xấu xí tại phố Tân Mai. Cả hai lần thầy đều rất vui. Trong hộp thư của tôi vẫn còn lá thư gửi kèm bản thảo Minh triết Hồ Chí Minh ([1]) mà thầy tâm đắc và muốn tôi tìm mọi cách để cho nó ra đời. Thầy nói rằng thầy đã suy ngẫm suốt mấy chục năm để có thể viết ra những phát hiện quan trọng về Hồ Chí Minh.
Ngoài cuốn Hoàng Ngọc Hiến tác phẩm chọn lọc, tôi rất muốn in nốt cho thầy cuốn sách cuối đời. Tôi đã đánh tiếng với vài đối tác. Nhưng không kịp bởi chỉ ít lâu sau thì thầy ngã bệnh, qua đời và tôi thì cứ bị công việc cuốn đi.
Giờ thì cơ hội đó không còn bởi đã có người đứng ra làm điều đó tốt hơn. Ngoài ra, tôi còn nợ thầy một lời hứa đưa thầy đi chơi bằng chính ô tô của tôi, do tôi lái. Khi biết điều đó, thầy rất ngạc nhiên và hỏi vui: "Em lái... được chứ? Tự thấy mình ở hạng nào?". Tôi đáp: "Em làm cái gì cũng nghiệp dư, chỉ riêng lái xe là chuyên nghiệp". Thầy Hiến cười thành tiếng một cách sảng khoái: "Thế thì khá quá, khá quá! Chúc mừng em... ".

T.D.A

[1] Cuốn Luận bàn Minh triết và minh triết Việt của Hoàng Ngọc Hiến được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2011.
Nguồn: TCNV

No comments:

Post a Comment