.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, June 9, 2012

PHONG ĐIỆP: VĂN HỌC CHO THIẾU NHI – MẢNH ĐẤT MÀU MỠ

Khác với ý kiến cho  rằng văn học thiếu nhi đang chịu nhiều sự lép vế, và người viết cho thiếu nhi đang gặp nhiều khó khăn hơn các tác giả khác, tôi cho rằng thời điểm hiện nay đang có nhiều cơ hội mới mở ra cho mảng văn học  thiếu nhi, cũng như đối với những tác giả viết cho thiếu nhi.
Điều này có thể nhìn trên các yếu tố sau:

Nhà văn Phong Điệp ký tặng độc giả nhí Nhật ký sẻ đồng
Về thị trường
Nếu như trước đây gần như chỉ có duy nhất NXB Kim Đồng là đơn vị chuyên làm sách cho thiếu nhi, thì bây giờ, có thể thấy rằng hầu hết các đơn vị xuất bản sách đến quan tâm đến thị trường sách cho thiếu nhi. Từ các đơn vị lớn như NXB Giáo dục,  NXB Mỹ Thuật, NXB Trẻ, NXB Văn hóa Văn Nghệ, NXB Văn học, Phương Nam books, NXB Đồng Nai,… đến các đơn vị làm sách tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều như Nhã Nam, Đông A, Đinh Tỵ, Alphabooks, Thaihabooks… Ra hiệu sách, dễ dàng nhận thấy, sách cho thiếu nhi luôn được ưu tiên đặt ở những chỗ bắt mắt nhất, và chiếm chiếm diện tích đáng kể.
Theo khảo sát trên thị trường cũng như những thông tin từ các đơn vị làm sách cho thấy, mảnh sách cho thiếu nhi là mảng sách mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn so với nhiều mảng sách khác. Nếu đặt mảng sách văn học cho thiếu nhi và mảnh sách văn học cho người lớn, thì mảng sách cho thiếu nhi chiếm ưu thế hơn hẳn, số lượng xuất bản mảng sách này cũng lớn hơn sách cho người lớn, một đầu sách có thể tái bản nhiều lần. Trong khi đó việc tái bản với mảnh sách văn học cho người lớn thường khá khó khăn. Điều đó cũng giúp lý giải vì sao ngày càng có nhiều đơn vị làm sách cùng muốn nhảy vào lĩnh vực làm sách cho thiếu nhi, và tìm mọi chiêu thức để chiếm thị phần.
Về tâm lý tiêu dùng
Hiện nay, khi đời sống xã hội từng bước được cải thiện, việc chăm sóc, nuôi dạy con cái luôn được các gia đình – đặc biệt là ở khu vực các thành phố lớn – quan tâm đặc biệt. Việc đầu tư cho con cái về ăn mặc, học hành, cho đến các hình thức giải trí được cha mẹ đặt lên hàng đầu. Tâm lý chung cho thấy: cha mẹ thường không tiếc mua sắm, đầu tư cho con cái mình: từ quần áo đẹp, đến việc đầu tư học những trường tốt nhất dù chi phí đắt đỏ, do đó cha mẹ cùng không tiếc tiền khi mua sách cho con em mình. Nhiều cha mẹ luôn khuyến khích con mình đọc sách, và có ý thức tìm mua sách hay về cho con đọc, hoặc mua chọn sách theo sở thích của con cái.
Bên cạnh đó có thể thấy rằng: Trong khi người lớn dần dần mất thói quen đọc sách, do bận rộn công việc, và nhiều lý do chủ quan và khách quan, thì trẻ em – do tâm sinh lý lứa tuổi, thích tìm hiểu , khám phá thế giới, việc đọc sách với các em là một hành vi được yêu thích và trở thành một nhu cầu. Trẻ đọc nhanh, việc đọc diễn ra thường xuyên nên có thể tính được đầu sách tiêu thụ với mỗi trẻ là khá lớn. Trong khi người lớn chúng ta, nhiều người một tháng chưa đọc hết một cuốn.
Sự khác biệt giữa người lớn và trẻ con cũng là nguyên nhân khiến cho thị trường sách cho thiếu nhi phát triển nở rộ, các ấn phẩm ngày càng phong phú, bắt mắt. Tất nhiên, giữa cả biển sách , không phải tất cả các sách đều hay, đều bổ ích nhưng cơ hội lựa chọn với người tiêu dùng là rất đa dạng.
Và cơ hội cho người viết
Có cung ắt có cầu. Thị trường có nhu cầu lớn về sách văn học cho thiếu nhi, điều này tạo cơ hội cho người viết. Thời gian qua, có thể nhận thấy, bên những nhà văn đã thành danh, xuất hiện một lực lượng đông đảo các tác giả trẻ quan tâm đến lĩnh vực này. Có thể kể đến những tác giả tiêu biểu như: Meggie Phạm, Phương Trinh, Hồ Huy Sơn, Nhã Thuyên, Nguyễn Xuân Thủy, Chu Thanh Hương, … Đặc biệt có một thế hệ các tác giả nhỏ tuổi đang bắt đầu  hình thành: Đặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An, Vũ Hương Nam, Đan Thi, Mai Clara, Nguyễn Bình…
Lực lượng đông đảo, nhưng làm thế nào để sách thiếu nhi “made in Việt Nam” chiếm lĩnh được thị trường? Đây là câu hỏi buộc tất cả những người viết chúng ta cùng phải suy nghĩ. Tại sao thị trường sách văn học cho thiếu nhi hiện nay vẫn “sính nội hơn sính ngoại”?
Trước hết có thể thấy mảng sách văn học thiếu nhi được làm phong phú, đa dạng hơn bởi những đầu sách văn học thế giới chọn lọc. Những đầu sách hay đã được các đơn vị làm sách kịp thời mua bản quyền để phát hành ở Việt Nam. Mới đây nhất là bộ truyện “Lão Kẹo Gôm” đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng, phát hành tại nhiều quốc gia. Cuốn sách ngay lập tức đã tạo được cơn sốt ở Việt Nam. Đây là một điều tốt. Vì ở góc độ người viết, chúng ta cũng có cơ hội được tiếp cận, học hỏi những tác phẩm văn học thế giới có tiếng vang. Ở góc độ độc giả, công chúng được đọc những cuốn sách hay.
Còn vì sao nhiều tác giả Việt Nam vẫn chưa được thị trường đón nhận nồng nhiệt, ngoại trừ trường hợp đặc biệt là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – sách chưa phát hành đã gây “sốt”? Phải chăng các tác phẩm của chúng ta vẫn chưa chạm vào đúng mối quan tâm, sự yêu thích của các em? Phải chăng tác phẩm của chúng ta chưa nói được đúng điều các em muốn nói, chưa thể hiện đúng thế giới trẻ thơ của các em? Chúng ta mới viết ra điều mình nghĩ là đúng, là hay, nhưng với trẻ em nó đã thật là đúng, là hay hay chưa?
Còn rõ ràng cơ hội để sách được xuất bản hiện nay là rất cởi mở, thậm chí có thể nói đây là giai đoạn cởi mở nhất so với thời gian từ trước đến giờ.
Giải quyết được những câu hỏi trên, thiết nghĩ cán cân giữa sách nội – sách ngoại sẽ từng bước được cân bằng lại.
PHONG ĐIỆP

No comments:

Post a Comment