.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, June 16, 2012

TRẦN MẠNH HẢO "ĐẠI CHIẾN" ĐINH THỊ NHƯ THÚY VÀ NGÔI LÀNG THI CA



TRẠNG NGUYÊN THƠ, HAY LÀ TRẠNG HIỆN… NGUYÊN HÌNH ?


NTT: Tôi vừa nhận được bài viết này của NT Trần Mạnh Hảo, và nhờ đăng lên NTT. Một bài viết mà trích dẫn nhiều hơn phần viết của tác giả. Hình như anh Hảo muốn dùng các ý kiến của người khác để phân tích đồng tình hay phản bác? Để rộng đường dư luận, xin đăng bài này theo sự “gửi gắm” của tác giả. (hết NTT).
Hiện nay, trên các diễn đàn văn học, chúng tôi thấy sự loạn chuẩn, sự đánh tráo khái niệm giữa thơ và phi thơ, giữa hay và dở, giữa thật và giả đang khống chế văn đàn. Các giá trị giả lên ngôi, các trạng nguyên giả lên ngôi. Vài chục năm nay, có hàng trăm cuộc thi thơ trên phạm vi cả nước, ai được giải nhất đều được báo chí tùy tiện gọi là trạng nguyên thơ; ví dụ : trạng nguyên thơ Làng Chùa, trạng nguyên thơ Lá Trầu, trạng nguyên thơ quân đội, trạng nguyên thơ Lá Mít, trạng nguyên thơ Lá Môn…Các giải thưởng nhà nước có trạng nguyên thơ nhà nước, trạng nguyên thơ Hồ Chí Minh, trạng nguyên thơ hội nhà văn, trạng nguyên thơ Bách Việt… Thậm chí 62 tỉnh thành đều có mấy trăm cuộc thi thơ trong hai mươi năm nay, các giải nhất  đều được báo chí tôn vinh lên là trạng nguyên thơ…
Như vậy, sự lạm phát trạng nguyên thơ đã khủng khiếp hơn cả sự lạm phát của đồng tiền ViệtNam…Cứ đà này, biết đâu người ta lại tôn vinh ông lớn này, bà lớn nọ là trạng nguyên tham nhũng chăng ? Xem ra, với cái đà xóa mù tiến sĩ do Ủy Ban nhân dân thành phố Hà Nội phát động : cán bộ công nhân viên trăm phần trăm sẽ đều có học vị tiến sĩ đến năm 2015, chắc Hội nhà văn Việt Nam cũng đang phấn đấu mấy năm nữa, hội sẽ xóa mù trạng nguyên thơ cho hàng vạn người làm thơ trong nước chăng ?
Nếu chúng ta vào trang mạng http://google.com , rồi đánh vào mấy chữ : trạng nguyên thơ năm 2010-2011 sẽ hiện ra bốn vị trạng nguyên thơ được báo chí cuồng nhiệt  phong là các trạng nguyên : trạng nguyên thơ Mai Văn Phấn với tác phẩm “ Bầu trời không mái che”, trạng nguyên thơ Đỗ Doãn Phương với tác phẩm “ Hoan ca”, trạng nguyên thơ Đinh Thị Như Thúy với tác phẩm : “ Ngày linh dương nở sáng”, trạng nguyên thơ Từ Quốc Hoài với tác phẩm “Sóng và khoảng lặng”…
Xin quý vị đánh tên bốn vị trạng nguyên thơ này lên trang tìm kiếm http://google.com sẽ thấy hiện ra hàng trăm bài khen ngợi rất kinh hãi và đao to búa lớn. Tất nhiên, cũng có một số bài chê bốn vị trạng nguyên này là trạng nguyên dỏm, trạng nguyên bịp vì thơ của họ không phải là thơ vì nó thiếu hàm súc, thiếu hình tượng, thiếu cấu tứ, thiếu tư tưởng,dễ dãi, linh tinh lang tang và quan trọng là nó thiếu nghệ thuật, tức nó không hay.
Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, trong http://lethieunhon.com đã coi hai tập thơ được giải Hội nhà văn VN năm 2011 : “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương và “ Ngày linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như Thúy là hai tập thơ làng nhàng, nếu không nói là thơ dở, như sau :
“Nhìn lại giải thưởng thơ 2011” :“Theo ý kiến của nhiều người, Hoan ca và Ngày linh hương nở sáng là 2 tập thơ có một số bài đọc được, còn lại phần lớn chỉ ở mức trung bình, thậm chí có những bài chưa thể xếp vào thơ được, xét trên mọi khía cạnh. Còn nhà thơ Đỗ Hoàng thì gọi đây là 2 tập thơ “vô lối”.
Sự “vô lối” đầu tiên thể hiện ở chỗ là cả hai tập thơ không hề có bất cứ một cảm quan gì mới về thực tại, dù chỉ là mô tả về những điều mắt thấy tai nghe bằng ngôn ngữ thi ca hoặc những suy tư triết học. Vẫn là cách chối bỏ thực tại, chối bỏ những “lẽ phải thông thường”, chối bỏ cái không thể chối bỏ được bằng một lối nói dễ dãi, không hề có xúc cảm từ phía chủ thể, cũng không có hình thức thể hiện mới lạ, nên rất khó để có thể truyền dẫn cái hồn của thơ đến với công chúng: Đột nhiên không muốn trồng chuối/ Cũng bỏ nốt trồng màu/ Nơi này không cuốc cày vun xới/ Bằng phẳng dải đất ven đê/ Chiều, sau khi trẻ đá bóng/ Đất bằng ngửa mặt mênh mông/ Đón nỗi trống không/ Bằng bầu trời (Đỗ Doãn Phương – Bãi đất ven đê). Điều đáng nói là những bài thơ theo lối trẻ em “tập viết” như thế này trong Hoan ca của Đỗ Doãn Phương rất phổ biến. Ngay ở bài Hoan ca về đất được coi là bài “đinh” trong tập thơ của anh, ta vẫn thấy sự dễ dãi đến lạ thường: “... Hoa cỏ, gạch đá, bãi rác, hàng cây, hồ ao và xa xa dãy núi/ Đâu là nơi đất đai sẽ bị đào lên khiến mạch nước đứt tung tứa máu/ Đâu là nơi mặt đất sẽ mở ra và mím thắt lại/ Đâu là nơi cốt nhục ta sẽ hóa đất đời đời?,…”
Có thể nói, ở bài thơ này, người thơ thấy gì nói ấy, không cần chắt lọc, chưng cất, càng không cần sự tham gia của xúc cảm thẩm mỹ, mà chỉ là một lối nói huỵch toẹt cho xong. Vậy mà không ít người lại cho rằng đấy đích thị là những bài thơ có sự “sáng tạo” (!?).
Sự dễ dãi theo kiểu này có vẻ như thưa vắng hơn ở Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy. Nhưng cái mà có người gọi sự “điệp” trong thơ Như Thúy dường như đã bị người thơ này sử dụng một cách bừa phứa đến mức trở thành lạm dụng, khiến người đọc chỉ có thể cảm nhận được hoặc là Như Thúy cố tình tạo nên một phong cách thơ “độc đáo” cho riêng mình, mà không ý thức được rằng sự độc đáo quá đà chỉ cách sự lập dị chưa đầy một sợi chỉ, hoặc là chị thiếu vốn từ, nên buộc phải diễn đạt như vậy. Ta hãy đọc bài Và bản nhạc ấy để kiểm chứng: “...Và đêm tối/ Và thời khắc ấy/ Và bản nhạc ấy/ Và cánh cửa ấy/ Đã mở/…/ Và gió đã thổi qua những ống xương rỗng tuếch/ Những ống xương lạnh tê buốt nhức/ Những mỏi mê đã dìu dặt vang ngân/ Và sóng đã từng đợt man dại tràn dâng/ Và gió đã thổi qua những ống xương rỗng tuếch/ Những ống xương lạnh tê buốt nhức/ Những mỏi mê đã dìu dặt vang ngân/…/ Và hải âu với những tiếng kêu sắc nhọn/.. 
Xin miễn bàn về nội dung cũng như hình thức thể hiện của bài thơ trên. Chỉ biết rằng, trong một bài thơ mà có vô số từ lặp lại, từ nào ít cũng là 2 lần, nhiều có tới cả chục lần, thậm chí trong một câu thơ có từ lặp lại đến 3 lần, mà chẳng hề nói lên điều gì, cũng như không tạo thêm được mảy may một chút xúc cảm thẩm mỹ cho hình tượng thơ, ngược lại chỉ khiến người đọc cảm thấy mệt mỏi vì sự “vô lối” của tác giả.
Tôi thật sự khó hiểu những bài thơ như vậy lại được khá nhiều người tán dương sự “sáng tạo” và cho rằng đấy là đại diện cho xu hướng thơ trẻ Việt đương đại. Chẳng lẽ thơ trẻ Việt đương đại chỉ có mỗi một con đường là đi vào ngõ cụt của sự dễ dãi và lặp lại, hay là sự cố tình “rối rắm hóa” đến mức tắc tị khiến ai đó ngộ nhận rằng đấy mới chính là sự “cách tân” đích thực của thơ Việt đương đại?”( hết trích)
Nhà văn Nguyễn Hiếu trong bài : “NHÀ NƯỚC NÊN “ĐẦU TƯ” CHO HỘI NHÀ VĂN VN LẬP “TRẠI CAI NGHIỆN THƠ” ĐỂ CHẶN “LẠM PHÁT THƠ” trên http://phamvietdao2.blogspot.com có đoạn phê bình tập thơ được giải thưởng Hội nhà văn VN “ Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn là một tập thơ dở , như sau :
“Tôi chỉ hơi lạ trong văn xuôiNguyễn Quang Thiều có những cách viết có cảm hứng hướng về làng quê thôn dã ( tiêu biểu là truyện ngắn “‘Mùa hoa cải bên sông)… Thế nhưng trong thơ để coi như một sự cách tân Thiều lại hướng ngoại ,tìm đến sự mô phỏng thơ nước ngoài. Hơn hai hai mươi năm sau, Mai Văn Phấn lại rập lại cách đi đó của đàn anh. Điều này cắt nghĩa vì sao hai ông nhà thơ chủ soái HNV bỗng nhiên lại tán tụng thơ MVP và kéo theo hàng đống các vị một là theo voi ăn bã mía , hai là sợ mình bị đánh giá là ngu dốt khi không tán dưong thơ MVP theo kiểu Trạng Quỳnh đã từng diễu”mả mẹ thằng nào bảo thằng nào”.
Ngôn ngữ , tư duy của ngưòi Việt ta khác hẳn ngôn ngữ, cách tư duy nước ngoài . Vậy mà NQT và nay MVP lại tung ra những đoạn chữ mà ngưòi ta gọi là thơ cùng những suy nghĩ gần như rập lại các nói cách, tư duy của ngưòi nước ngoài cụ thể là tư duy của dân đất mới châu Mỹ. Trong suy nghĩ người Việt rất kiêng kị khi nói về quạ ( quan điểm cổ xưa đó là loài chuyên mang điều gở ) nay MVP lại mô phỏng cách nghĩ nước ngoài cũng nói về con quạ với những câu gọi là thơ giống như thơ dịch, với kiểu tư duy và cách đặt câu xa lạ với ngôn ngữ, tư duy truyền thống của người đọc xứ ta kiểu “Con cá nhẩy vào đám mây tự vẫn  (Biến tấu con quạ); Rồi lảm nhảm, loằng ngoằng nói về mái nhà như một người đang học nói tiếng Việt: :”Thùng rác quay mắc phải khung ảnh , quạt trần , dây điện thoại . Chiếc quần lót mặc kẹt giữa tủ bát đĩa và máy tập thể hình.Chổi cùn ,bình diệt muỗi , đĩa CD chui vào tủ lạnh …( Chạy theo mái nhà). Trời ạ, thế mà người ta dám gọi là thơ thì thật là liều. …”“…Trở lại thơ MVP, để chứng minh thơ MVP là hiện tượng đổi mới thơ ca, HNV không ngần ngại tiến hành một loạt hoạt động để ghi nhận hiện tượng này. Làm hội thảo rồi trao giải thưởng cho MVP và trao giải cho các cây bút trẻ có lối viết hao hao như MVP như Đỗ Doãn Phương . Xin lấy mấy câu mà ngưòi ta cố gọi là thơ của cây bút trẻ này : “Bây giờ là quãng đường dài nhất/mọi ngưòi giúp cô tiền đò, tiền đường/ và bắc những cây cầu bằng vải đỏ /hát những câu an ủi dặn dò…/ khắc ghi vào đầu khuôn mặt già nua của cô để từ nay nhớ hoặc sợ” (Thăm vườn nhà cũ ).Tôi có cảm thấy một chu kì đã thành qui luật là: mỗi khi người ta tôn vinh thứ thơ lai căng này thì cũng là lúc các nhà thơ của ta đang đi vào bế tắc cả trong tư tưởng và cách biểu hiện. Thơ MVP và một số tập thơ nhận giải thưởng của HNV năm 2011 không chỉ là những ví dụ cho sự bế tắc mà còn vô tình tạo ra một thứ sai lầm khi làm hỏng thẩm mỹ về thơ của ngưòi đọc VN, làm rối ngôn ngữ nước ta trong khi đáng ra với chức phận nhà thơ phải làm cho ngôn ngữ này ngày càng đẹp hơn,dân tộc và trong sáng hơn.Khi viết đến thơ MVP tôi tự nhiên lại nghĩ đến đề xuất về thu phí phượng tiện giao thông cá nhân của ông BT Đinh La Thăng vừa vô lý, cửa quyền, tai hại đến đời sống người dân đến bao nhiêu. Hiện tượng này vô tình hao hao giống với sự HNV cố cưỡng thiên hạ phải công nhận thơ MVP và một số nhà thơ trẻ đang viết một cách lai căng được công nhận là thành tựu của nền thơ VN đương đại .” ( hết trích)
Cứ đà này, thiên hạ sẽ mô phỏng lối thơ dễ dãi, cung quăng cùng quằng, lung tung lang tang rồi đeo cho nó thứ mặt nạ hậu hiện đại, hậu hậu tương lai, thi thi hậu đậu…này mà sản xuất mỗi người mỗi ngày năm bảy tập thơ, tạm gọi là thơ trạng nguyên, thì than ôi, nước nhà có thể phải đổi tên là nước cộng hòa xã hội trạng nguyên mất thôi.
Hãy xem một trong bốn vị trạng nguyên đáng kính trên sau khi giật giải trạng nguyên thơ hội nhà văn, đã giật luôn giải trạng nguyên thơ Làng Chùa, được các web, các blog thi nhau ca ngợi trên Internet, ví như mạng Văn chương + quảng cáo và trích gần hết tác phẩm dài gần như vô tận của nữ trạng nguyên ăn cú đúp, như sau :
 “NHÀ THƠ ĐINH THỊ NHƯ THÚY – TRẠNG NGUYÊN GIẢI THƯỞNG THƠ LÀNG CHÙA VÀ TRƯỜNG CA “NƠI NGÀY ĐÔNG GIÓ THỔI”

Vừa ẵm giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy lại chơi thêm cái giải trạng nguyên thơ làng Chùa nữa. Nhưng là làng thơ được cả nước biết tên tuổi. Quả là phúc trùng lai. Cái làng này lạ, tổ chức thi thơ mà đến cả Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều về làm thư ký thơ làng.
Ban Giám Khảo thì toàn cây đa, cây đề như Viện trưởng Viện văn học Nguyễn Đăng Điệp, Phó GĐ Nxb Hội Nhà văn Trần Quang Quý, nhà thơ Mai Văn Phấn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội – Dương Kiều Minh, rồi nhà thơ Y Phương… nhìn vào BGK mà suy ra kết quả giải thưởng cuộc thi. Giải làng mà quy tụ được quá nhiều anh hùng và giai nhân về chơi hội. Sáng nay 9h ngày 17/3/2012, tại Làng Chùa, Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội diễn ra Lễ trao giải thơ rất độc đáo này. Trân trọng giới thiệu, bài thơ đoạt giải nhất của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy với bạn đọc. (Văn chương +)
Nơi ngày đông gió thổi
(Trích)
Một

Nàng ngẩng mặt lên trời cao. Đó là buổi sáng của một ngày đông đến sớm. Gió mang hơi lạnh chảy tràn trề nàng.
Từ đỉnh đầu. Nơi những sợi tóc lay động như những lá cây. Gió buốt lạnh tràn xuống mơn man khuôn mặt. Gió buốt lạnh tràn xuống. Tràn xuống nữa.

Trong mê đắm nàng nhìn những đàn chim xếp đặt một thứ tự rất đẹp bay hết về một phương. Nàng thì thầm bay đi bay đi. Trong những cánh vỗ kia nghe vang vang lời thoả nguyện của một ước muốn.

Trong mê đắm nàng lắng nghe những ngọn gió. Những ngọn gió đang rượt đuổi nhau. Mê mải. Không khởi đầu không kết thúc. Những ngọn gió như ngựa hoang. Ngùn ngụt suốt ngày suốt đêm. Cứ phía trước mà phi mà lồng lộn sải vó.

Mỗi ngọn gió ào ạt kể một câu chuyện. Những câu chuyện về những con người phiêu lưu mê dại tìm thấy nhau ở khát vọng tự do.

Tự do.
Ra đi.
Phiêu lưu.
Mê dại.

Nàng nghĩ rằng nàng biết những cảm giác đó.
Đó là cảm giác mùa đông của xứ sở này.

Hai

Thứ sáu ngày mười ba. Buổi chiều không dưng đỏ rựng như đám cháy. Gió cuồng nộ. Ngoài bờ rào dã quỳ vàng một màu gắt gỏng. Người đàn bà chợt thèm ngoại ô với những đồi dã quỳ ngờm ngợp.

Nàng thở.

Một góc đồi núi Dak Song. Hoang dã lạnh lẽo và rực cháy những dã quỳ nồng nàn dâng hiến.

Nàng thở.

Những đồi dã quỳ đẹp đến mức có thể lẩn vào đó mà chết. Những đồi dã quỳ mạnh mẽ đến mức có thể tan rã vào đó mà không để lại chút dấu vết nào.
Có chăng là những sợi tóc vấn víu bàn tay ai đó, một ngày nào đó, tình cờ chợt đến giữa hoa mà nghịch đùa bỡn cợt.
Bướm hoang ong rừng rồi hết. Nhưng những lẩn khuất đơn côi đau đớn mãi còn. Như tiếng gió u u chưa bao giờ mất. Trên xứ xở này.

Dã quỳ có là minh chứng cho sự tồn tại và tiêu biến của những sợi tóc vùi dưới rặng cây?
Trăm nghìn dã quỳ vàng có đoá nào chợt pha màu máu đỏ?

Bốn

Buổi sáng đã bắt đầu bằng những bừng dậy lan toả. Đầy ắp không trung lạnh một mùi hương thanh khiết. Một mùi hương quen thuộc nhưng mãi lạ lùng bí ẩn.

Người người ngơ ngác hỏi. Người người lắc đầu kinh ngạc.
Mùa đông về đột ngột và bất thường bởi những rẫy cà phê nở hoa trắng trái mùa. Hoa nở trắng ngợp ngợp cùng lúc với trái chín đỏ bầm như máu trong cây…
Người đàn bà chăm chú dõi tìm trái đỏ trong cây. Đôi bàn tay mạnh mẽ vặn xoắn theo cành. Trái chín đỏ. Trái chín đỏ. Xoắn vặn dây thừng trong lòng bàn tay xây xát mùa màng. Trái chín đỏ. Trái chín đỏ. Rơi rơi trên tầng tầng lá khô đã bắt đầu giòn vỡ.

Rồi trái đỏ tươi tròn lẵn nhu nhú nụ rốn xinh ken vào nhau dày dày trên sân nắng. Ngời ngời mãn nguyện đón nhận nhịp rùng rùng chao đảo theo đường đi của những chiếc trang cào. Những va chạm cọ xát ngửa nghiêng nóng rực.
Những đường cào chạy thành rãnh dài như những răng lược khổng lồ chải vào mớ tóc vạm vỡ chảy đỏ rực bất tận trên sân.

Trời xanh cao và gió ngùn ngụt đuổi ngày đông nắng lạnh.

Sáu

Có gì đó trong những ngọn gió muộn đang rập rình sửa soạn những cuộc đi. Có gì đó làm nên sự bải hoải lạ kỳ trong thân xác của những người đàn bà đã qua kỳ sinh nở. Sống lại đâu đó những cơn đau man dại, khi xương cốt dịch chuyển, khi cơ thể người đàn bà mở ra để đứa trẻ chào đời.

Những cơn đau vừa sống dậy đã làm nên những ủ ê mê muội. Có khi gây ảo giác hoang tưởng. Về một ngày bầu trời rỗng không chợt cuốn tất cả vụt bay lên. Hay chợt đổ sầm xuống chôn vùi tất cả. Cả những toà bê tông sừng sừng ngạo cuồng.

Những người đàn bà mùa khô đau buốt, thân thể sực nức mùi lá rừng mùi ngải cứu, ngồi trên bực cửa buồn bã nhìn ra vườn.
Cà phê đang chín. Trái bầm đỏ như máu ứa trên những nhánh cành xanh xanh.
Đất trong vườn đã khô đi và tơi ra thành bụi dưới những gót chân sần nẻ.

Bụi đất chờ đợi.
Cỏ cây chờ đợi.
Lòng người chờ đợi.
Những hạt bắp giống ủ đâu đó chờ đợi.
Những bào tử của các loài nấm từ mùa trước lửng lơ đâu đó chờ đợi.
Những ấu trùng căng thẳng nghe ngóng chờ đợi trong bóng tối thăm thẳm của ngóc ngách đất đai.

Những ngọn gió muộn đang rập rình sửa soạn. Bụi đất chờ đợi để nương theo gió mà đi. Những cái cây không đi được vì chùm rễ quấn chặt thì chuẩn bị gửi theo gió những chiếc lá nhẹ tênh. Những chiếc lá đã mất hết màu diệp lục.

Người đàn bà thở.
Ra đi là khát khao rồ dại nhất. Cũng là khát khao mãnh liệt nhất. Của tất cả giống loài ở xứ sở này.

Bảy

Và vì thế mới có mùa ly hương.
Và vì thế vào mỗi buổi sáng khi trời còn mờ tối trên những chiếc xe máy cày chạy ầm ĩ theo các con đường vào rẫy đầy ắp những người đàn ông và những người đàn bà.

Họ đứng bên nhau cùng những găng tay bảo vệ, những giày ba ta lao động, những mũ nón, những khăn bịt mặt, những vải bạt, rổ rá, bao tải.

Họ đứng bên nhau toả hơi nóng ngùn ngụt sưởi ấm nhau.
Họ trò chuyện với nhau bằng lời lẽ đôi khi thô bạo đôi khi tục tĩu.
Họ táo tợn cấu véo nhau.
Họ hồ hởi thách thức nhau.
Họ quàu quạu trách móc nhau.

Những khuôn mặt lạ.
Những giọng nói lạ.
Những đôi mắt lạ.
Họ đến từ đâu?
Họ tìm kiếm điều gì?
Họ lạ lẫm ngơ ngác ban đầu rồi nhanh chóng hoà vào đám đông lầm lụi.

Họ cũng là những con chim di trú đang bay trên bầu trời kia thả xuống những tiếng kêu đôi khi lạc lõng.
Những con chim bay đi tránh rét còn họ sao lại chọn nơi rét mướt này tìm đến?

Họ không tìm nắng ấm?
Họ tìm miếng ăn?
Họ tìm những đồng tiền dành dụm?
Họ đổi công sức lao động cùng sự rã rời mỏi mệt của thân xác để lấy áo mới cho con và những vật dụng cần thiết khác trong sinh hoạt gia đình?

Họ ra đi vì sự tồn tại của bản thân họ của gia đình họ?
Họ ra đi vì chẳng thể ở nhà nhàn rỗi để chịu đựng những ánh nhìn rũ rượi trách móc của người thân?
Họ ra đi để tránh nỗi chán chường?

Hay họ cũng như muôn vạn con người khác. Bị mê dụ bởi phiêu lưu và xa xôi. Họ đến với sự dẫn dắt của những cơn gió buồn bã khắc nghiệt mà ma mị. Để khi mùa cà vãn họ lại quay về quê hương. Nhưng cái lạnh kia, màu trái đỏ kia, những đồng tiền dành dụm được kia, những ngột ngạt mù mịt bụi đất kia mãi ám lấy vô hình trong tâm hồn họ.

Họ không thể biết được rằng mảnh đất này đã luôn muốn lưu dấu mình trên tất cả những ai qua đây.
Và vì thế họ ra về nhưng những vẫy gọi nơi này sẽ khiến họ không bao giờ yên ổn.

Và vì thế mới có mùa ly hương.

Mùa ly hương.
Mùa ra đi của những đàn chim tránh rét chọn phương Nam.
Mùa của dã quỳ vàng bất ổn gửi nỗi buồn vào không gian bao la ngờm ngợp gió. Mùa của những ngọn gió lãng du, không biết bắt đầu từ đâu, không biết sẽ đi về đâu, cứ phía trước mà phi mà lồng lộn sải vó.

Mùa tìm kiếm hy vọng tìm kiếm sự sống tìm kiếm những khoảnh khắc phiêu bạt đắm mê của những con người có vẻ như sinh ra chỉ biết bán sức lao động của mình để tồn tại như những tội đồ.


Hai mươi mốt

Nàng hà hơi thở vào đôi bàn tay, đặt lên hai gò má, ủ ấm dòng nước mắt vừa ứa ra. Những ngân nga bỗng từng chặp vang lên trong nàng. Như thể có những chiếc chuông nhỏ giấu kín đâu đó lâu nay giờ đã được tìm thấy. Và gió đang lắc lư chúng bằng thói tuỳ tiện bất cẩn. Ấy là khi mùa lạnh xoè những ngón dài vuốt qua lần cuối những ngọn đồi khô rụi cỏ.

Nàng dành trọn những buổi chiều để sửa sang cây cỏ trong vườn.
Hôm qua, nàng đã dồn hết đám bạch hạc hoa đang nở vào chậu sành. Chỗ đất trống vừa dọn dẹp đó nàng dành để trồng hoa bột màu. (Nàng rất thích sự dịu dàng tươi tắn của hoa bột màu). Nàng cũng đã đưa cây nguyệt quế ra trồng ngoài đất. (Thấy nó vàng vọt trong cái chậu nhỏ xíu tội nghiệp cho nó quá). Rồi nàng cắt tỉa cây bông giấy, xới tơi đất ở gốc, và bỏ vào đó một ít phân. (Cây bông này vốn dễ tính tưới tắm cho nó một chút nó sẽ nhanh chóng ra hoa rực rỡ).

Buổi tối, nàng ngủ và trong mơ cứ hình dung những công việc sẽ tiếp tục làm. Sẽ nhổ hết cỏ cho vạt thảo mưa, sẽ cắt hết lá cũ, cào hết lá rụng và những cỏ chỉ đan rối trong đất. Rồi tuốt lá cho cây linh hương. Trồng lại vạt hoa dạ thảo. Cắt và tỉa những bụi loa kèn đỏ dọc lối đi sát hàng rào.

Công việc với cỏ cây này thực sự làm nàng dễ chịu.
Nàng tự nhủ: Đừng lo nghĩ nữa. Đừng ám ảnh nữa. Đừng nghe ngóng nữa. Những cơn đau. Những cơn vắng ý thức. Những hoang mang nghi ngại.
Nàng tự nhủ: Hãy nghĩ đến ấm nước đang sôi và bình trà sẽ pha trong sáng nay. Hãy nghĩ đến giò long tu đẫm xanh với những nụ hoa dài theo chuỗi lá.

Ngoài kia vạt quỳ trổ hoa muộn ánh lên những vệt vàng.
Nàng nghĩ: Kỳ diệu thay cho màu hoa ấy. Xuyên qua giá lạnh để dâng lên. Không quyền lực nào ngăn trở ràng buộc được.
*
Và nàng lại ngồi xuống bên anh. Trong bóng tối của khu vườn. Yên lặng bên râu tóc đẫm sương mù và khói thuốc. Anh đã đơn độc nhường ấy, u mê nhường ấy, hạnh phúc nhường ấy. Bây giờ trầm ngâm tựa vào nàng nhắm mắt.
Nàng biết nàng có thể yên lòng từ giã tất cả. Cả sự sống. Cả nỗi đau buồn.

Nàng thì thầm:
Vẫn giấc mơ đó sao? Anh?
Vẫn giấc mơ đó.
Ở đây.
Nơi này.
Nơi kia.
Và mãi mãi.

Krông Pắc, tháng 1 năm 2010

ĐINH THỊ NHƯ THÚY
Lạy Chúa tôi, thơ của trạng nguyên thơ Làng Chùa dài quá, làm một người già kém mắt như chúng tôi ( TMH) đọc chưa hết đã mệt quá ngất xỉu. Cảm giác của tôi là trạng nguyên thơ Làng Chùa viết quá dễ dãi, quá tùy tiện, quá linh tinh. Trạng nguyên thơ mà viết như thế này, sức hèn tài mọn như chúng tôi, xin lỗi, một ngày có thể ngoáy tới vài chục trường ca là ít. Biết đâu kẻ viết bài này, sau khi học lối viết “chuột chạy cùng sào” của các trạng nguyên thơ mà cắm cúi viết loại thơ phi thơ này trong một tháng, chắc chắn sẽ hiện NGUYÊN HÌNH LÀ TRẠNG NGUYÊN THƠ SỐ MỘT QUỐC GIA như chơi.
Thế mà một vị PGS.TS. đã hết lời ca ngợi “Nơi ngày đông gió thổi” như sau :
“Nơi ngày đông gió thổi”… có sự kết hợp hài hòa giữa thực và ảo, giữa hơi thở thao thiết của tình yêu và hạnh phúc, cô đơn và đau khổ… Hấp lực thơ Đinh Thị Như Thúy không nằm ở những cách tân táo bạo, những cách nói gây sốc mà là sự trường sức và phóng khoáng của một trường liên tưởng mạnh với nhiều hình ảnh đẹp, gợi cảm và đầy nữ tính…
                     http://tapchinhavan.vn/news/Tin-tuc-Su-kien/Trao-gia-cuoc-thi-Tho-ca-va-nguon-coi-lan-thu-II-1117/
Có lẽ PGS.TS. cũng là một trạng nguyên phê bình nên mới thưởng thức được thơ của vị trạng nguyên thơ Làng Chùa trên chăng ?
Sài Gòn ngày 12-6-2011
TRẦN MẠNH HẢO

4 comments:

  1. Làng Chùa , một làng nông thôn vùng sâu vùng xa của Hà nội mà có phong trào Thơ rầm rộ như vậy thì thật đáng trân trọng , hạt giống đó rồi sẽ được nhân rộng khắp cả nước . TMH biết hôn , rồi chả mấy chốc thơ làng Chùa ( theo chân hát Then Phú thọ ) sẽ đăng đàn là di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO cho mà xem .

    ReplyDelete
  2. Đọc độ chừng ba bốn bài của các trạng nguyên trên là tui cảm thấy chóng mặt, buồn nôn ... Thà đọc trực tiếp những tác phẩm thơ nước ngoài bằng ngôn ngữ của họ lại thấy hay hơn ba cái thứ lảm nhảm, dịch trộm lôi thôi nửa mùa này.

    ReplyDelete
  3. TRAN MANH HAO DUNG LA TRIEU TU LONG O DUONG DUONG TRUONG BAN VN. XIN HAN HANH GOI DEN ANH LOI CHAO NGUONG MO. TIM PHAN

    ReplyDelete