Kenzaburo Oe là một trong
những nhà văn nổi tiếng và có uy tín nhất hiện nay ở Nhật Bản, được trao giải
vì những tác phẩm miêu tả sâu sắc và ấn tượng những mối quan hệ của con người
trong một xã hội hỗn độn, phản ánh những nỗ lực tìm kiếm chân lí đạo đức của
thế giới sau chiến tranh, cảnh báo nguy cơ về những "tình huống tới
hạn" có thể dẫn đến tai họa toàn cầu.
Oe Kenzaburo (大江 健三郎), âm Hán Việt Đại Giang Kiện Tam Lang, là con thứ năm
trong số bảy người con của một gia đình nghèo tại làng Ōse trên đảo Shikoku.
Những câu chuyện lịch sử về quê hương mà các phụ nữ trong gia đình kể lại đã
khắc sâu những dấu ấn không phai mờ trong cuộc đời của K. Oe. Vốn bản tính trầm
lặng và nhạy cảm, ông thích đọc sách hơn là giao tiếp ồn ào; ông coi người thầy
đầu tiên và lớn nhất của mình là Ph. Dostoievski, đã đọc Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi không dưới 10 lần, rất thích
Nghệ nhân và Margarita của M.
Bulgacov. Năm 1951, ông đến thành phố Matsuyama
để học những năm cuối cùng của phổ thông. Thất bại của Nhật hoàng trong
Thế chiến II đã mang đến những thay đổi to lớn trong
nhận thức xã hội Nhật Bản, ở trường, học sinh được dạy các nguyên tắc về dân chủ; K.
Oe thấm nhuần tư tưởng đó và quyết định lên Tokyo học đại học.
Năm
1957: Nuôi thú
Khi còn là học sinh, Kenzaburo Oe bắt đầu viết thơ
và làm biên tập văn học cho tờ tạp chí của trường. Năm 1954, ông thi vào khoa
Ngữ văn Đại học Tokyo và bắt đầu viết văn. Truyện ngắn đầu tay Núi lửa (火
山) in
trong tạp chí sinh viên mang lại cho ông giải thưởng đầu tiên. Năm 1956, ông
chuyển sang học phân khoa Pháp văn, say mê đọc tác phẩm của B. Pascal, A. Camus và J. P.
Sartre, tiếp tục viết truyện ngắn và kịch đăng trên nhiều báo và tạp chí. Năm
23 tuổi, ông được trao Giải R. Akutagawa cho
truyện Nuôi thú (饲育 - Shiiku, 1957). Năm 1958, K. Oe xuất bản tiểu thuyết Hái mầm giết trẻ (芽むしり仔撃ち- Memushiri kouchi) viết
về số phận một thanh niên nông thôn. Từ đó ông sáng tác đều đặn và chắc
chắn. Năm 1959, ông tốt nghiệp đại học với luận văn Về các hình tượng trong văn xuôi của J. P. Sartre.
Những
năm 1960:
Tháng hai năm 1960, Kenzaburo Oe kết hôn với nữ họa
sĩ Itami Yukari, em gái của đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Juzo Itami. Ông bắt đầu những hoạt động xã hội tích cực,
tham gia đoàn nhà văn đi thăm Trung Quốc và được gặp Mao Trạch Đông; năm 1961 ông dự Hội nghị các nhà văn
Á – Phi ở Tokyo, đi du lịch qua Nga, châu Âu, đến Paris gặp J. P. Sartre… Cũng năm này ông xuất
bản tiểu thuyết Tuổi mười bảy (セヴンティーン
- Sevuntīn) kể về việc một thanh niên thuộc tổ
chức phát xít mới 17 tuổi đã ám sát thủ lĩnh Đảng Dân chủ trong một cuộc mít
tinh; cuốn sách đã gây nên những phản ứng đe dọa từ phía các lực lượng cực hữu
khiến nhà xuất bản phải lên tiếng xin
lỗi. Cuối năm 1963 ông tới thăm thành phố Hiroshima, và kết quả của chuyến đi là tập Sổ tay Hiroshima (ヒロシマ ノート
- Hiroshima Noto, 1965) viết về
những nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống nước Nhật 20 năm về trước.
Kinh nghiệm cá nhân
Năm 1963, con trai đầu lòng
Hikari của Kenzaburo Oe
sinh ra nhưng bị khuyết tật não và câm vì ảnh hưởng
của bom nguyên tử (về sau ông có một con trai và một con gái khỏe mạnh).
Nỗi đau cá nhân và bi kịch gia đình đó, được nhà văn nâng lên thành nhận thức
xã hội, trách nhiệm và tình thương, thể hiện qua một đề tài xuyên suốt trong
nhiều sáng tác của ông, mà tiểu thuyết Kinh
nghiệm cá nhân (個人 的 な 体験
- Kojinteki na taiken, 1964)
mang nhiều yếu tố tự thuật là tập sách khởi đầu. Nhân vật chính - một giáo viên
tiếng Anh - đứng trước lựa chọn: hoặc chối bỏ hoặc tìm cách cứu đứa con trai
vừa sinh bị thoát vị não mà theo lời bác sĩ nếu phẫu thuật thành công cũng chỉ
giữ được cuộc sống thực vật. Xấu hổ vì sinh ra quái thai, lo sợ mất tự do nếu
chấp nhận thực hiện trách nhiệm của người cha, anh rơi vào trầm cảm, tìm lãng
quên trong rượu và tình dục biến thái. Nhưng rồi anh lấy lại được sự cân bằng
và trưởng thành về tâm linh, dần dần đồng nhất số phận của mình cũng như của cả
nhân loại với cuộc sống của đứa con. Cuối tác phẩm, đứa trẻ được giải phẫu
thành công. Kinh nghiệm cá nhân là
một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của K. Oe, được tặng Giải Shinchosha và được dịch sang nhiều thứ tiếng. Tác
phẩm thứ hai viết về đề tài này là tiểu thuyết Nước ngập tận tâm hồn tôi (洪水はわが魂に及び - Kōzui wa waga tamashii ni oyobi, 1973). Isana từ bỏ công việc và cuộc sống ổn định tại thủ đô, từ bỏ thế giới
phi lí của hận thù, sai lầm và hiểm họa nguyên tử để đưa cậu con trai nhỏ bị
bệnh tâm thần đến sống ẩn dật trên đảo, làm quen với hồn của cây lá, nghe
"tiếng nói" của cá voi và chim trời như người xưa từng làm. Cuốn sách
được nhận Giải Noma - giải thưởng văn học uy tín nhất ở
Nhật Bản. Tác phẩm thứ ba trong chùm đề
tài này là Ghi chép của pinch-runner(2) (ピンチランナー調書 - Pinchi ran'nā chōsho, 1976), với nhân vật
trung tâm cũng là một nhà vật lí, bị nhiễm phóng xạ sinh ra con dị tật.
Năm
1967: Trận bóng đá năm Vạn Diên thứ nhất
Năm
1966, sau
10 năm viết văn, Kenzaburo Oe
được nhà xuất bản Shinchosha cho ra đời bộ tuyển tác phẩm của mình gồm sáu tập.
Năm 1967, tiểu thuyết Trận bóng đá năm
Vạn Diên thứ nhất(3) (万延 元年 の フットボール – Man'en gan'nen no futtobōru)
của ông ra đời và lập tức được trao Giải Tanizaki
Jun'ichirō và ngay trong năm được in lại hơn chục lần. Các nhân vật
chính của tiểu thuyết là hai anh em Nedokoro. Người anh Mitsu, dịch giả những
cuốn sách về động vật hoang dã, đang trải qua cơn trầm cảm sâu sắc khi đứa con
sinh ra bị khuyết tật tâm thần, vợ sa vào nghiện rượu vì buồn chán, bản thân
anh ta cảm thấy đời mình đang chìm dần xuống đáy. Người em Takashi từ Mĩ về
thuyết phục anh trai trở về làng quê thơ ấu của mình bắt đầu một cuộc sống mới.
Ở đây, trong khi Mitsu ngồi dịch sách thì người em tập hợp thanh niên trong vùng
thành lập đội bóng đá, xúi giục nổi loạn. Nhưng theo lời kể của dân làng, những
sự kiện tương tự cũng đã từng xảy ra tại nơi đây năm 1860, và quan hệ giữa hai
anh em cũng giống như quan hệ giữa các ông tổ anh em của họ. Cuối cùng, Takashi
tự tử vì hối hận bởi những việc ác mà anh ta “ngẫu nhiên” gây ra – cái chết của
một cô gái làng và một người em bị thiểu năng trí tuệ; còn Mitsu cùng vợ - có thai với Takashi – lo việc nuôi dạy con
của anh ta. Nhà văn mô tả hai “anh em nhà Karamazov của Nhật Bản” như những
người chân thành đi tìm ý nghĩa của cuộc sống và trong sự thúc đẩy đó họ tự hủy
hoại mình – hành vi của họ đầy bản năng và bất thường, dẫn đến cái chết cả về
tinh thần lẫn thể xác.
Năm
1994: Giải Nobel
Năm 1976, Kenzaburo Oe sang Mexico; những điều thu nhận được từ nền văn hóa
và cuộc sống ở đây được phản ánh trong tiểu thuyết Trò chơi của những người đương thời (同時代ゲーム - Dojidai gemu, 1979) viết dưới dạng sáu lá thư từ Mexico gửi về Nhật
Bản. Vào những năm 1980, nhà văn quay trở lại với việc sáng tác truyện ngắn,
ông lần lượt xuất bản các tập Những người đàn bà nghe “cây mưa” (“雨 の 木" を 聴く 女 たち - Rein
tsurī wo kiku on'natachi, 1982), Tỉnh dậy đi, con người mới (新しい人よ眼ざめよ - Atarashii
bungaku tame ni, 1988). Năm
1989, ông công bố tiểu thuyết Những thân
nhân của cuộc sống (人生の親戚 - Jinsei không Shinseki). Các tập sách trên đều được nhận các giải thưởng
văn chương trong nước và quốc tế. Năm 1994, K. Oe là người Nhật Bản
thứ hai được nhận Giải Nobel Văn học vì bằng các tác phẩm của mình đã tạo ra
một thế giới nghệ thuật, nơi hiện thực và huyền thoại hòa quện phản ánh những
âu lo và mất mát của con người hiện đại. Lễ mừng nhận giải diễn ra cùng lúc với
ngày hội trong gia đình của ông: buổi hòa nhạc lớn do các nhạc công nổi tiếng
nhất nước Nhật trình diễn 10 tác phẩm của nhạc sĩ trẻ Hikari Oe, người con trai
tàn tật của ông.
Năm
1995: Cây xanh rực lửa
Từ năm 1993 đến 1995 Kenzaburo Oe tập trung sáng tác và
xuất bản bộ ba tiểu thuyết Cây xanh rực
lửa (燃えあがる緑の木
- Moeagaru
midori no ki) gồm Cho đến khi đấng cứu rỗi bị hành hạ (救い主」が殴られるまで - Sukuinushi' ga nagurareru made, 1993), Dao động (揺れ動く- Yureugoku, 1994) và Ngày vĩ đại (大いなる日に - Ōinaru
hi ni,
1995). Đây là chùm tác phẩm kết thúc một mảng đề tài quan trọng được tác giả
theo đuổi trong mấy chục năm gắn liền với quan niệm coi các làng Nhật Bản như
một tiểu quốc gia với những cơ cấu, không - thời gian truyền thống mà ngôi làng
quê của ông trên đảo Shikoku là một nguyên mẫu điển hình. Trong Diễn từ Nobel đọc đúng vào thời điểm sắp
hoàn thành bộ ba tác phẩm này, K. Oe chia sẻ, tiêu đề bộ sách được ông rút từ
một đoản khúc trong bài thơ Dao động (Vacillation) của
W. B. Yeats - nhà thơ Ireland mà ông chịu ảnh hưởng một cách “thấm đẫm”. Sau
khi xuất bản bộ ba tác phẩm, nhà văn tuyên bố ngừng bút và nhường lời cho con trai
Hikari Oe nay đã trưởng thành và vượt lên số phận.
Năm
1999: Cú nhảy lộn nhào
Tuy nhiên Kenzaburo Oe giữ được lời hứa không lâu, năm 1999 ông cho ra đời
hai tập Cú nhảy lộn nhào (宙返り – Chūgaeri),
bộ tiểu
thuyết có dung lượng lớn nhất của ông,
mô tả lối sống của một tổ chức tôn giáo giống như giáo phái Aum
Shinrikyo(5)
nổi tiếng một thời. Nhân vật chính là Kidzu, một họa sĩ bị bệnh nan y, vì có
quan hệ gắn bó với một thành viên của giáo phái Ikuo mà đến với tổ chức tôn
giáo này. Các chủ đề chính của tác phẩm là quá trình hình thành và tan rã của
những tôn giáo mới, là suy ngẫm của nhà văn về ý nghĩa cuộc đời của con người
Nhật Bản hiện đại, về sự bất an và trống rỗng của tồn tại. Với gần 600 trang
sách như một mê cung với những lối diễn đạt khó hiểu, những câu văn phức tạp,
tác phẩm là một thử thách đầy khó khăn đối với người đọc.
Những
năm 2000: Các tác phẩm mới
Trong cuộc đời cũng như trong tác
phẩm, Kenzaburo Oe giữ vững tinh
thần đấu tranh vì dân chủ, chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân khắp mọi nơi
trên trái đất, phản đối chế độ quân chủ. Năm 1994 ông đã từng từ chối nhận Huân
chương Văn hóa - một phần thưởng cao của nhà nước - vì cho rằng các loại huân
chương ấy là "máu thịt của hệ thống nhà nước hiện hành", mà một nhà
văn mang tư tưởng dân chủ không thể chấp nhận. Năm 2005 diễn ra ba sự kiện đáng ghi nhớ đối với K.Oe: ông đến Hirosima phát biểu
nhân dịp kỉ niệm 60 năm vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản; thành lập
giải Kenzaburo Oe theo sáng kiến của nhà xuất bản Kodansha dành cho các tác phẩm văn học và phê
bình xuất sắc; nhà văn
cho ra đời tiểu thuyết Chia tay nhé, sách
của tôi! (さようなら, 私 の 本 よ! - Sayonara, watashi no hon yo!) và lại tuyên bố ngừng sáng tác văn học.
Tuy nhiên, năm 2007 ông xuất bản tiểu thuyết Nàng Annabel Lee xinh đẹp đã bị
gió thổi cuốn đi (臈たしアナベル・リイ総毛立ちつ身まかりつ -
Routashi Anaberu ri souke dachitu mimakaritu). Năm 2009 ông hoàn thành tiểu
thuyết Cái chết của nước (水 死
- sui shi), lấy cảm hứng từ trường ca Đất hoang
của T. S. Eliot. Hiện nay nhà văn đang viết tiểu thuyết mới với một trong những
đề tài xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông: mối quan hệ với người con trai
tật nguyền.
Đến cuối thế kỷ XX, với hơn 40
năm cầm bút, K. Oe có hơn 60 ấn phẩm đã được xuất bản ở nước ngoài (nhưng thật
đáng tiếc bạn đọc Việt Nam biết đến ông còn quá ít).
Huyền Li
(3) Aum
Shinrikyo: Giáo
phái do Shoko Asahara cầm đầu
ủng hộ tư tưởng bạo lực, đã gây ra vụ tấn công bằng khí độc tại ga tàu điện ngầm Tokyo năm 1995 làm 12
người chết và hàng nghìn người bị thương.
No comments:
Post a Comment