.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, June 16, 2012

KIM DUNG – NHÀ TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP LỖI LẠC

Kim Dung được coi là là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại, người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất với 300 triệu bản in (chưa tính một lượng rất lớn những bản lậu), được dịch ra nhiều thứ tiếng, được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử.

Kim Dung (金庸 - Jin Yong), tên thật là Tra Lương Dung (查良镛 - Cha Liang Yung), sinh tại huyện Hải Ninh, tỉnh Triết Giang trong một gia tộc khoa bảng nhưng về sau sa sút; từ nhỏ đã say mê văn chương, đọc sách. Năm 16 tuổi, vì viết truyện trào phúng Cuộc du hành của Alice (丽丝漫游记, 1940) có ý châm biếm Chủ nhiệm Ban Huấn đạo nên ông bị Hiệu trưởng đuổi học, phải chuyển sang trường khác. Tốt nghiệp phổ thông, ông theo học Luật Quốc tế nhưng bỏ dở, xin vào làm tại Thư viện Trung ương; ở đây, nhờ có điều kiện đọc sách, kiến thức của ông được nâng cao rất nhiều; đặc biệt, những tiểu thuyết võ hiệp đã ảnh hưởng đến tư duy của ông, khiến ông nung nấu dự định sáng tác truyện thể loại này.

Năm 1946 – 1952: Hoạt động báo chí
Tra Lương Dung tham gia các hoạt động báo chí từ rất sớm. Khi làm ở Thư viện Trung ương, ông sáng lập tờ Thái Bình Dương tạp chí (nhưng ra được mỗi một số). Năm 1946, ông về Hàng Châu làm phóng viên tờ Đông Nam nhật báo và tỏ ra là một nhà báo có tài. Năm sau, ông chuyển sang tạp chí Thời dữ triều, rồi xin làm phiên dịch cho tờ Đại công báo. Khi khi tờ báo này ra phụ bản tại Hồng Công, ông được cử sang làm việc ở đó. Năm 1950, trong Cải cách Ruộng đất, gia đình ông bị qui địa chủ, cha ông bị đấu tố, ông mất liên lạc với gia đ́ình và từ đó định cư tại Hồng Kông. Năm 1952, ông chuyển sang làm cho tờ Tân Văn báo, nơi ông có điều kiện phát huy khả năng viết văn của mình. Năm 1957, ông sáng tác một số kịch bản phim như Lan hoa hoa (兰花花), Tuyệt đại giai nhân (绝代佳人), Tam luyến (三恋), Tiểu Cáp Tử cô nương (鸽子姑娘), Ngọ dạ cầm thanh (午夜琴声)dưới bút danh Lâm Hoan, thu được thành công đáng kể.

Từ 1955: Bắt đầu viết tiểu thuyết võ hiệp

Khi làm ở Tân Văn Báo, Tra Lương Dung kết giao với hai người bạn là La Phù và Lương Vũ Sinh. Được sự giúp đỡ của họ, năm 1955 ông viết truyện võ hiệp đầu tay Thư kiếm ân cừu lục (書劍恩仇錄), đăng hàng ngày trên Hương Cảng tân báo, kể về cuộc đấu tranh của Hồng Hoa hội, một tổ chức phản Thanh phục Minh, ca ngợi tình yêu trong sáng giữa Tổng đà chủ Trần Gia Lạc và Hương Hương công chúa. Bút danh Kim Dung (hai chữ Kim Dung là chiết tự từ tên thật Dung của ông, nghĩa là “Cái chuông lớn”) lần đầu xuất hiện và được dư luận chú ý. Năm 1956, ông viết tiếp bộ Bích huyết kiếm (碧血劍) được hoan nghênh nhiệt liệt; năm 1957, các tác phẩm Tuyết Sơn Phi Hồ (雪山飛狐) và Anh hùng xạ điêu truyện (射雕英雄傳) được xuất bản khiến tiếng tăm của ông bắt đầu nổi lên.

Năm 1959: Hồng Kông Minh báo

Năm 1959, Kim Dung cùng với bạn học cũ thời trung học Trầm Bảo Tân sáng lập tờ Hồng Kông Minh báo và làm Tổng biên tập đầu tiên. Ông vừa viết xã luận, vừa viết tiểu thuyết đăng nhiều kì cho tờ báo, bắt đầu bằng bộ võ hiệp thứ năm của mình Thần Điêu Hiệp lữ (神雕俠侶). Càng ngày, Minh báo càng thu hút độc giả, trở thành một trong những tờ báo được đánh giá cao nhất ở Hồng Kông, và Kim Dung đã đeo đuổi, phát triển nó cho đến khi ông nghỉ hưu: năm 1965 ông cho ra tờ Minh báo Nguyệt san dành cho giới trí thức; năm 1967 xuất bản tờ Tân Minh Nhật báo ở Malaisia và Singapore và tuần báo Minh báo Chu san; năm 1993 ông mới thôi chức vụ chủ bút, bán hết cổ phần của mình trong Minh báo.

Năm 1957 – 1961: Xạ điêu tam bộ khúc
Năm 1961, Kim Dung liên tiếp xuất bản Bạch mã khiếu Tây phong (白馬嘯西風), Uyên Ương đao (鴛鴦刀), và Ỷ Thiên Đồ long kí (倚天屠龍記) - bộ tiểu thuyết cùng với Xạ điêu anh hùng truyệnThần Điêu Hiệp lữ  đã xuất bản trước đó tạo thành bộ ba tiểu thuyết Xạ điêu tam bộ khúc (射鵰三部曲). Đây là chùm truyện liên hoàn nổi tiếng nhất và có nhiều chi tiết liên kết chặt chẽ nhất của ông, bao gồm khoảng thời gian hơn một thế kỉ, trải qua các triều đại Kim, Tống, Nguyên, Minh. Những sự kiện và nhân vật chính trong bộ truyện có mối liên hệ với nhau qua nhiều đời, đóng vai trò quan trọng trong sự suy tàn và hưng vong của các triều đại. Anh hùng xạ điêu có hai nhân vật chính là Quách Tĩnh và Hoàng Dung; thông qua quá trình trưởng thành của họ, tác giả kể về sự hình thành đế quốc Mông Cổ, quá trình suy yếu của nhà Tống và sự sụp đổ của nhà Kim. Thần điêu Hiệp lữ kể về mối tình trắc trở giữa Dương QuáTiểu Long Nữ diễn ra trong bối cảnh khoảng 10 năm sau, khi đế quốc Mông Cổ đã trở nên lớn mạnh, bắt đầu xâm lược nhà Tống. Sự kiện trong Ỷ thiên Đồ long kí, với hai nhân vật chính là Trương Vô KịTriệu Mẫn Quận chúa, diễn ra khoảng 100 năm sau, khi quân Mông Cổ đã tiêu diệt nhà Tống, thành lập nhà Nguyên, thống trị Trung Quốc và những cuộc khởi nghĩa nổi lên liên miên dẫn đến sự ra đời của nhà Minh. Năm 2009, bộ ba Xạ điêu tam bộ khúc đã được chuyển thành trò chơi điện tử trực tuyến.

 

Năm 1963 - 1967: Thiên Long bát bộ
Năm 1963, Kim Dung bắt đầu viết Thiên Long bát bộ (天龍八部), một trong những bộ truyện nổi tiếng nhất của ông. Đây là tác phẩm dài nhất (gần hai triệu chữ), được viết trong thời gian lâu nhất (bốn năm), được tác giả chỉnh sửa 100 lần (lần gần nhất vào năm 2009). Hành động của bộ sách diễn ra vào thời Bắc Tống, nhắc đến các cuộc chiến tranh giữa nhà Tống, Đại Lí, Đại Liêu, Thổ PhồnTây Hạ. Với cốt truyện phức tạp xoay quanh các mối quan hệ giữa những nhân vật chính Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc…đến từ nhiều nước khác nhau, thuộc các môn phái, chính tà khác nhau, nhà văn đưa ra quan niệm của mình về mối quan hệ nhân - quả giữa các hành động của nhân vật, giữa các nhân vật với gia đình, dân tộc, đất nước. Vốn ngưỡng mộ Phật giáo, Kim Dung đã đưa tinh thần giáo lí nhà Phật thấm đượm và xuyên suốt trong tác phẩm của mình.

Năm 1967: Tiếu ngạo giang hồ
Năm 1965, Kim Dung du hành dài ngày ở châu Âu và bắt đầu viết Tiếu ngạo giang hồ (笑傲江湖, xuất bản năm 1967), một tác phẩm chứng tỏ tài hoa đáng kinh ngạc của nhà văn, với Lệnh Hồ Xung có lẽ là nhân vật được yêu thích nhất trong các nhân vật chính của ông. Bên cạnh những trang miêu tả cuộc tranh giành khốc liệt chức minh chủ Ngũ Nhạc Kiếm Phái với bao âm mưu, dối trá, phản bội, là những trang viết lãng mạn, mê say về cuộc tình giữa Lệnh Hồ Xung - một kiếm khách lãng tử, nghĩa hiệp với Doanh Doanh - một nữ ma giáo tài sắc song toàn; đôi tình nhân đã cùng nhau tấu lên khúc Tiếu ngạo giang hồ xuyên suốt tác phẩm. Ngoài ra, thông qua những đoạn ngoại đề, những hình ảnh trầm mặc, suy niệm về những ngôi chùa, đạo quán, rừng tùng bách, tác giả còn đưa người đọc về với suối nguồn tư tưởng Phương Đông. Tiếu ngạo giang hồ được coi là một trong những tiểu thuyết đặc sắc nhất của Kim Dung.

 

Năm 1972: Ngừng sáng tác
Năm 1970, Kim Dung công bố truyện ngắn kiếm hiệp Việt nữ kiếm (越女劍) lấy bối cảnh thời Xuân Thu, khi Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai đánh bại và ôm chí báo thù. Năm 1972, ông hoàn thành bộ Lộc Đỉnh kí (鹿鼎記), với nhân vật chính là Vi Tiểu Bảo, một thiếu niên thất học, gian manh và lười nhác nhưng nhờ sự may mắn tuyệt vời và những thủ đoạn thông minh đã trở thành bạn thân của Hoàng đế Khang Hi, tham gia vào nhóm lãnh đạo tổ chức chống đối triều đình Thiên Địa hội. Cuối cùng, bị kẹt giữa hai thế lực, Tiểu Bảo quyết định đưa bảy cô vợ xinh đẹp và ba đứa con bí mật về Giang Nam sống đời ngao du sơn thủy. Chủ nghĩa thực dụng, những ý tưởng thực tế và nhiều chủ đề độc đáo khiến nhiều người coi Lộc Đỉnh kí là tác phẩm hay nhất của Kim Dung; và Vi Tiểu Bảo thường được so sánh với A Q của Lỗ Tấn vì phản ánh tính cách chung của người Trung Quốc. Cùng năm này, nhà văn tuyên bố ngừng sáng tác, dành thời gian để chỉnh sửa tác phẩm của mình: Năm 1979, tất cả những gì ông viết trong 20 năm được xuất bản thành một bộ 36 cuốn có nhan đề chung là Kim Dung Võ hiệp Tiểu thuyết Toàn tập. Từ năm 1980, ông tham gia Ủy ban phác thảo Đạo luật cơ bản Hồng Kông và Ủy ban chuẩn bị giám sát sự chuyển giao Hồng Kông về Trung Quốc. Năm 2006, ông xuất bản cuốn tản văn đầu tiên.

Chủ đề và nghệ thuật trong sáng tác của Kim Dung

thể nói, đề tài chủ yếu trong các tác phẩm của Kim Dung là chủ nghĩa yêu nước Trung Quốc. Ông mô tả và ca ngợi cuộc đấu tranh dành độc lập, tự chủ trước hết là của người Hán trong bối cảnh đất nước bị đe dọa bởi các bộ tộc phương Bắc (Khiết Đan, Nữ Chân, Mông Cổ…); đồng thời chủ nghĩa yêu nước của ông cũng bao gồm các dân tộc thiểu số tạo thành nước Trung Quốc ngày nay. Nhà văn đánh giá cao các giá trị truyền thống Trung Hoa, các quan niệm Nho giáo về quan hệ vua tôi, cha con, anh em, sư phụ và đồ đệ, bằng hữu, danh dự, thể diện… Người đọc có thể tìm thấy trong tác phẩm của ông những pho từ điển độc đáo về phong tục, tập quán, văn hóa Trung Hoa, từ y thuật, võ thuật, văn học, âm nhạc, thư pháp, cờ vây, trà đạo… đến các sự kiện lịch sử, các triết thuyết đạo Khổng, đạo Phậtđạo Lão... Truyện kiếm hiệp của Kim Dung, ngoài cốt truyện li kì hấp dẫn còn có tính văn học cao, ngôn ngữ trong sáng, hành văn lưu loát, sử dụng thơ, từ, ca, đối ngẫu, câu đối… đắc địa. Theo nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, ông là nhân vật thứ tư trong số những tác giả lỗi lạc nhất của Trung Hoa thế kỉ XX. Tháng 2/2006, ông được độc giả bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc. Tên ông được đặt cho tiểu hành tinh 10930 Jinyong (1998 CR2).
Ở Việt Nam, các tác phẩm của Kim Dung đã được dịch hầu hết (có bộ có nhiều bản dịch khác nhau) và được bạn đọc say mê.
HUYỀN LI

No comments:

Post a Comment