Cuối năm 1997, tôi từ Huế ra
Hà Nội làm Thư ký toà soạn tạp chí Âm Nhạc. Toà soạn toàn là những nhạc sĩ thân
quen. Tổng biên tập Hồng Đăng giao cho tôi cùng các anh Vũ Tự Lân và Nguyễn
Thuỵ Kha làm số đặc biệt kỷ niệm 40 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-1997) và
chào xuân Mậu Dần 1998 dày 100 trang khổ A4 kèm 8 trang phụ bản. Chỉ một cuộc
họp nhanh, chúng tôi đã thống nhất xong đề cương mô tả diện mạo và đời sống âm
nhạc ViệtNamtừ khi xuất hiện Tân nhạc đến nay.
Nguyễn Thuỵ Kha lo sưu tầm những ca khúc và bài viết đầu tiên về tân
nhạc cùng những tư liệu về Đoàn nhạc sĩ ViệtNamthời chống Pháp (tiền thân
của Hội NSVN).
Vũ Tự Lân lo bài vở mảng âm nhạc giao hưởng và thanh nhạc.
Tôi làm phỏng vấn Nguyễn Đình Thi và một số người đứng đầu các Hội bạn
như Dương Ngọc Đức, Đặng Nhật Minh, Nguyễn Trực Luyện, Lê Phức,… và gọi điện
đặt bài các nhạc sĩ tên tuổi khắp trong nam ngoài bắc như Phan Huỳnh Điểu,
Trịnh Công Sơn, Phạm Minh Tuấn, Trần Hữu Pháp, Linh Nga Niekdam, Huy Du, Huy
Thục, Trọng Loan, Doãn Nho, Thuận Yến, Nông Quốc Bình, v.v… Và mời Tổng thư ký
Trọng Bằng viết bài tổng quan 40 năm Hội Nhạc sĩ.
Thiếu bài gì, ba anh em chúng tôi phải tự viết lấy, ký đủ thứ bút danh
quen, lạ. Kha phải viết 4 bài liền: Những tên tuổi Tân nhạc trước 1945, Tình
ca trong kháng chiến, Nhớ Tết Trường Sơn, Nửa thế kỷ bài hát thiếu nhi. Anh
Vũ Tự Lân viết về 20 năm tạp chí Âm Nhạc và Những nghệ sĩ biểu diễn.
Tôi viết về các nhạc sĩ vẽ, nhạc sĩ nhiếp ảnh, nhạc sĩ quân đội, chọn thơ, văn
của các nhạc sĩ là nhà văn, nhà thơ. Tôi và Kha cùng nhau chọn thêm 9 bài thơ
được phổ nhạc và 5 ca khúc được công chúng yêu thích. TBT Hồng Đăng cung cấp tư
liệu Hội NSVN qua 5 kỳ đại hội. Chỉ sau 3 tuần, bản thảo đã hoàn thành, nhưng
anh Hồng Đăng đọc duyệt mất hơn chục ngày mới xong. Hoạ sĩ Hoàng Hồng Cẩm đi
vắng, tôi phải mang bài về nhà tự trình bày từ bìa đến ruột (may là trước đây
tôi đã từng trình bày tạp chí Cửa Việt bộ đầu tiên). Tính ra có đến 64 bài và
100 tranh, ảnh, minh hoạ. Độc đáo và đẹp là nhờ chọn được khá nhiều ký hoạ chưa
công bố của Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Choé và Lê Bá Đảng – toàn những hoạ sĩ sáng
giá.
Thế là báo được đưa vào nhà in.
Phải in nhanh mới kịp phát hành và làm quà tặng trong ngày Lễ kỷ niệm 40 năm
của Hội. Cả ban biên tập lẫn hành chính trị sự cùng xúm vào chữa morat. Tôi
phải làm việc cả ngày với bộ phận bình bản của nhà in cho đến trang cuối cùng
thì được tin nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền qua đời. TBT Hồng Đăng chỉ thị phải đưa
tin chia buồn. Tôi phải tìm ngay ảnh và viết bài ngắn về người nhạc sĩ vừa qua
đời, thay vào phần tin ở trang cuối. Sau khi tạp chí in xong, lấy mấy cuốn mẫu
về cơ quan, ai cũng trầm trồ khen “đẹp và sang như…Tây” mà thấy mát lòng,
mát dạ. Tổng thư ký Trọng Bằng thích quá, xin ngay một cuốn cầm về khoe với anh
em Văn phòng Hội. Bỗng một người lật trang phụ bản ảnh phát hiện: “Sao ảnh
Thanh Lam, Y Moan lại dám đặt trước trang ảnh Đặng Thái Sơn? Ban biên tập tạp
chí thiếu ý thức chính trị quá”. Tổng thư ký nghe chí phải, liền gọi Hồng
Đăng (Phó tổng thư ký Hội, kiêm Tổng biên tập) và tôi hội ý, chỉ thị phải đặt
trang ảnh Đặng Thái Sơn lên trước. Tôi và Hồng Đăng giải thích không được, đành
chấp thuận. Thế là tôi lại phải chạy đến nhà in tìm cách xử lý. May mà anh em
nhà in sẵn sàng thông cảm, bóc trang phụ bản ra gián đảo lại như ý của cấp trên
mà không ảnh hưởng gì đến vẻ đẹp của tờ báo.
Cuốn tạp chí ấy cùng với cuốn Nhạc
sĩ Việt Nam hiện đại dày 700 trang khổ lớn do Ban biên tập chúng tôi
tham gia thực hiện đã trở thành món quà sáng và sang trong ngày kỷ niệm 40 năm
Hội NSVN và đón mừng năm mới Mậu Dần.
NGUYỄN TRỌNG TẠO
No comments:
Post a Comment