.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, June 18, 2012

CON NGƯỜI THỰC CỦA PHAN THANH GIẢN VÀ TRƯƠNG VĨNH KÝ

 
NGUYỄN VĂN THỊNH
Lịch sử vẫn có những vấn đề mù mờ mà hậu thế khi có điều kiện cần làm rõ ra, chỉnh sửa điều ngỡ sai thành đúng và cả điều tưởng đúng mà sai. Chuyện 150 năm trước qua rồi. Nước mất thì đã đòi lại được. Nhà tan thì anh em quên đi hờn oán cũ, hợp quần lại cùng nhau xây dựng cơ đồ. Tổ quốc như mẹ hiền rộng lòng tha thứ bao dung. Cứ khui những tỳ vết ra để mà ân oán hơn thua sao không thấy hổ lòng với mẹ?
Trách ai cứ khơi ra, dẫn người ta lẫn lộn điều phải trái để khó nhận ra cái đúng cái sai, chẳng những đã lỗi với lịch sử mà còn là điều trái đạo trong việc bồi dưỡng những lớp người sau có một tình yêu thương và trách nhiệm với nhân dân và tổ quốc mình. Biết rằng “sư nói sư phải vãi nói vãi hay” nhưng tựu chung phải có một người nói đúng. Đành rằng lời nói đúng chẳng thể nào vừa ý mọi người nhưng vẫn cứ phải nói ra.
Với hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký thì bối cảnh lịch sử lúc đó bao lâu sau vẫn vậy và con người cùng những việc làm của họ còn đó, chỉ có sự khen chê của người đời là khác tùy lúc tùy nơi.
Trước hết cần nói rõ là việc kết án Phan Thanh Giản không khởi xướng từ giới sử học của Nhà nước Việt Nam độc lập vốn bị ấn tượng nặng tính “giáo điều giai cấp”.
Ngay sau khi chữ ký của Phan chưa ráo mực trên cái hàng ước Nhâm Tuất  (1862) nhục nhã thì giới sỹ phu, quân tướng Nam triều và nhân dân Nam bộ đã dấy lên phong trào phản đối quyết liệt bằng đủ mọi hình thức hoặc là dùng bút thay gươm hoặc bằng các hoạt động vũ trang rầm rộ dưới lời phản kháng công khai: “Phan-Lâm mại quốc. Triều đình khi dân”. Dù là một cốt một đồng nhưng vua Tự Đức cũng phải bật lên lời quở trách nặng nề: “Hai người (Phan-Lâm) không những chỉ là tội nhân của triều đình mà còn là tội nhân muôn đời của hậu thế”. Dù vậy mà vua vẫn tin dùng, thăng trật giao chức Khâm sai đại thần Kinh lược sứ thống lĩnh toàn bộ việc cai trị và trấn thủ ba tỉnh miền Tây còn lại. Suốt 5 năm mà Phan “chểnh mảng” việc bố phòng ngoài một việc tích cực hợp tác với giặc đàn áp khống chế phong trào kháng Pháp.
Trong khi đối phương “sắp đặt trước rất chu đáo” âm mưu tiếp tục xâm chiếm đất đai mà sao quan Khâm sai không biết được? Phan đã chẳng bắn tin rồi sao: “Chúng tôi sẽ không ngăn cản sự xâm lược bằng một sự kháng cự mà chúng tôi hiểu là vô ích”! Đến khi thấy đoàn tầu thuyền nhà binh Pháp đậu kín trước thành Vĩnh Long “là một thành khá kiên cố, địa thế rất dễ phòng thủ” và tướng giặc cho người mang thơ nói toạc ra ý họ “quyết định chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ vì lý do các quan quân triều đình ở đây ủng hộ phong trào chống Pháp”, Phan ra lệnh không kháng cự và dẫn đám thuộc hạ xuống tầu trách yêu giặc “vin cớ nhỏ mọn mà làm tổn thương đại nghĩa” (!) và ngọt nhạt đẩy đưa: “Tôi có quyền giữ đất chớ không có quyền giao đất. Xin cho tôi hỏi lại ý kiến triều đình”! Ông Tiến sỹ đầy bụng chữ thánh hiền hẳn biết rõ trong binh thư tướng ngoài biên ải được quyền “tiền trảm hậu tấu” đó sao? Và khi thầy trò trở lên bờ thì lũ sài lang kia thừa dịp kéo vào chiếm thành mà không tốn một viên đạn! Thế mà tin phao lên quan Kinh lược sứ bị giặc lừa cũng lọt được vào tai người nghe mới lạ! Sau đó quan Khâm sai viết công thư – thực chất là thư dụ hàng như ông đã từng làm mấy lần bất thành với Trương Định, gửi các quan tướng giữ thành An Giang và Hà Tiên với lời lẽ không tìm thấy ở đâu trong lịch sử: “…Người nào thuận theo lòng trời thì còn, người nào nghịch theo lòng trời thì chết mất… Trời đã cho con người có lý trí. Con người phải sống tùy theo ý chí ấy… Chúng ta yếu ớt không thể chống nổi người Phú-lang-sa, tướng soái lính tráng đều bị đánh bại… Người Phú-lang-sa muốn đến đâu cũng đặng. Không người nào có thể chống lại… Mình còn ngốc khi mình đánh người Phú-lang-sa bằng vũ khí, cũng như con nai muốn bắt con cọp… Các quan văn cũng như các tướng võ hãy bẻ gãy giáo gươm và giao thành trì khỏi chống lại…”! Ông ta biện lẽ: “Bản chức tùy theo thiên ý mà tránh đỡ giùm dân đen tai họa rớt trên đầu họ” và khuyên dụ dân hãy tin vào giặc vì “những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi (!)” là sự dối trời lừa dân có một không hai! Các nhà sử học có đầy đủ tư liệu về tội ác của giặc Pháp trong gần một trăm năm đô hộ nước ta, chúng có để dân ta sống yên mà làm ăn no ấm? Thế là chỉ trong 5 ngày cả ba tỉnh thành hừng hực khí thế chống ngoại xâm bỗng lọt vào tay giặc!
Viên Đại tá Thomazi hoan hỷ viết trong nhật ký: “Đến tháng 6/1867, binh lính ta đi chơi một bữa thế là xong hết cuộc chinh phục toàn xứ Nam kỳ, công cuộc khó nhọc bắt đầu từ năm 1858”. Có thật là viên quan già lọc lõi này bị lừa chăng? Để tránh họa binh đao chết chóc lại đẩy dân đen con đỏ xuống hầm tai họa thì làm sao sống được? Khi giặc đã hoàn toàn bội ước thì sao quan Khâm lược lại ngoan ngoãn lệnh cho thuộc hạ mở rộng cửa kho và ngân khố lấy lúa gạo và tiền nộp thêm cho quân phản phúc gọi là thanh toán bồi thường 5 năm chiến phí theo cái gọi là hòa ước 1862! Thánh nho dạy rồi: “Chữ tín mà bị ép thì không cần giữ”, ông Tiến sỹ nhớ chăng?
Bốn tháng sau, ngày 21/10/1867 vua Tự Đức ra chỉ dụ: “Đến như Phan Thanh Giản thì thủy chung đều quanh quất, lời nói không theo được việc làm, đem học vấn danh vọng một đời trút sạch ra bể Đông, thật là tán tận lương tâm, quá đỗi phụ ơn. Mặc dù đã lấy cái chết tự phạt nhưng cũng chưa đủ đền bù cho trách nhiệm… nên Trẫm đem giao cả cho Tôn nhân Phủ và đình thần xem xét công tội để bàn định việc xử trí”. Và bản án ngày 17/4/1868 của các triều thần nghị xử rằng: “… Viên Kinh lược sứ cũ là Phan Thanh Giản khi việc xảy ra rồi tự thấy nghĩa vụ không thể sống được đành tìm lấy một cái chết, còn thì ngoài ra chỉ thấy muối mặt với cái sống thừa, đợi dịp trở về lấy làm hân hạnh! Đối với trách nhiệm giữ gìn đất đai mà lại ươn hèn đến thế, sẽ phải phân biệt xử trị để răn khí tiết bề tôi và để nhân tâm có bề phấn chấn mới phải… trước hết phải cách chức và truy thâu lại phẩm hàm và ghép vào tội xử trảm giam hậu”. Cùng năm đó, vua Tự Đức ra chỉ dụ “truy đoạt chức tước, phẩm hàm và đục bia Tiến sỹ, để lại muôn đời cái án trảm hậu” với Phan Thanh Giản!          
Sau đó các phong trào yêu nước tiếp nhau nổi lên chống Pháp đều coi việc làm của Phan Thanh Giản như vết nhơ lịch sử. Nhà chí sỹ đại ái quốc Phan Bội Châu kết tội Phan là hạng “gan dê lợn mà mưu chuột cáo”! Mãi tới tháng 8/1963 trong Hội nghị sử học toàn miền Bắc có nhiều nhân sỹ trí thức tiêu biểu và các nhà sử học lớn của cả hai miền Nam Bắc như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Ca Văn Thỉnh, Đào Duy Anh… thống nhất đánh giá như sau: “Để mất nước, các vua nhà Nguyễn là chính phạm, các triều thần trong đó có Phan là đồng phạm. Riêng trong sự kiện hai lần dâng thành giao đất cho giặc để mất cả Nam kỳ thì Phan là chính phạm bởi tính bạc nhược, hèn nhát, thỏa hiệp dần đi tới đầu hàng – Đó là bản chất của giai cấp phong kiến cầm quyền lúc suy vi”! Thiết nghĩ đó là sự đánh giá rất độ lượng, có thể tình đúng mức do yêu cầu lịch sử.
Thực ra càng xem xét kỹ tư liệu lịch sử càng nhận ra con người này rất phức tạp và có nhiều khuất tất.
Ông là người chưa đánh đã chủ hòa. Dù biết rõ âm mưu của giặc “được đằng chân sẽ lấn lên đằng đầu” mà ở cương vị lãnh đạo tối cao ông liên tiếp đi từ thỏa hiệp này tới thỏa hiệp khác thì việc đầu hàng là hậu quả tất nhiên thôi. Xin tóm lược vài ý trong thư ông gửi cho các quan Phú-lang-sa thổ lộ tâm can trước lúc biết mình không thể nào sống được: Ông hết lời ca ngợi tình thân ái giữa các dân tộc bên hai bờ đại dương! Ca ngợi Hải quân Trung tướng Bonard với “những võ công hiển hách chinh phục xứ này (!), là người đồng chung một ý tưởng từ lâu (!) về vấn đề lấy xứ Nam kỳ làm thực dân địa”! “Trong 5 năm sau này (1862-1867) những đêm nằm mơ tôi thấy người ấy (tướng Bonard – người ký chấp nhận hàng ước của Phan 1862) đã đến gần tôi” và “rất tiếc là người đã ra đi trước, bây giờ tử thần sẽ cho hai ta gặp mặt trong sự vĩnh cửu, sẽ sung sướng vô biên giới và tình huynh đệ không thể tan rã được”! Ca ngợi Đề đốc Rigault De Genouilly “có tầm nhìn xa biết chiếm lấy Sài Gòn để xây dựng thành trung tâm bền bỉ lâu dài”! Ca ngợi Đề đốc Lagrandière là người “tạo lập ra thuộc địa Nam kỳ”! Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp lúc bấy giờ có lý để dự đoán dưới sức ép của phe chủ chiến “có khả năng Phan sẽ đào tẩu chạy về Sài Gòn tị nạn”. Rõ ràng rằng chủ mưu đầu hàng đã thành ý thức chủ đạo trong viên đại thần lá mặt lá trái này. Vậy thì con người ấy khác chi là tay trong của giặc?!
Phan có là người liêm chính thật không? Sử liệu ghi sau khi ký hòa ước 1862, dù bị quở trách nhưng nhà vua vẫn sai ông lãnh Thống đốc Vĩnh Long để tiện việc giao lưu với Pháp mong chuộc lại ba tỉnh miền Đông vừa mất. Cũng trong năm này ông Tiến sỹ Phan Hiển Đạo làm Đốc học tỉnh Định Tường có ra hợp tác với giặc vì mơ hồ với thuyết “Pháp-Việt đề huề”. Nhưng sau nhận ra mình lầm lỡ nên lánh qua tỉnh Vĩnh Long (vì Định Tường không còn thuộc Nam triều nữa). Ông đưa thơ xin diện kiến trình rõ sự tình, bị Phan xổ toẹt với lời phê độc: “Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh” (Con gái đã bị thất thân, sao cho là trinh được). Ông Tiến sỹ Đạo hổ ngươi trở về quê Mỹ Tho, viết cáo trạng tạ lỗi với dân chúng rồi uống thuốc độc mà chết! Trong khi quan Khâm lược dấu kín nỗi lòng tới lúc lâm chung mới tỏ chân tình với viên quan giặc Ansart rằng ông dành dụm được mấy ngàn quan và mong muốn ký thác cho các quan Tây đưa mấy đứa cháu lên Sài Gòn học thành tài (1.000 quan lúc bấy giờ tương đương với 700 lạng bạc)! Vậy Phan có thanh bần như đời ca tụng? Quan Tiến sỹ già lừa đời quá giỏi!
Cho đến cái chết của quan Khâm sai đại thần thật ra cũng không bi tráng như nhiều người lầm tưởng. Ông ta biết khi đặt bút ký chấp nhận yêu sách của giặc là xóa sạch đi công lao 300 năm khai phá của các bậc tiên vương tiên chúa thật “đáng tội chết” rồi. Dù nói rằng “lá cờ ba sắc không thể phất phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống” (!) nhưng không như Hoàng Diệu treo cổ chết ngay trong thành Hà Nội, Võ Duy Ninh tự thương chết ngay trước thành Gia Định, Nguyễn Tri Phương quyết chết theo Hà thành thất thủ. Trái lại, Phan thủng thẳng ra sống tại một ngôi nhà tranh ở ngoại thành Vĩnh Long, tỉnh táo sắp xếp mọi việc chu đáo.
Ông gởi một lá sớ lên vua Tự Đức: “Việc cõi Nam kỳ một chốc đến thế này, không thể ngăn cản nổi. Nghĩ tội đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho Quân phụ. Đức Hoàng thượng rộng xét xưa nay, biết rõ trị loạn…” và gởi thư cho các tướng giặc để trần tình với lời lẽ rất chi là hoan hỷ. Ông cũng ngỏ lòng với cha Marc là muốn theo đạo Thiên Chúa! Ông căn dặn các con hãy qui phục nước Pháp, sống hòa bình với họ và chăm chỉ cần lao, ráng học hỏi cho bằng người Tây Âu để phò vua giúp nước may ra sau này làm vẻ vang cho Tổ quốc! Nghe ngóng động tĩnh từ triều đình vẫn bặt tin. Biết rằng tội kia không thoát chết! Gần một tháng sau thì ông “tuyệt cốc” (nhịn ăn). Nửa tháng không chết, ông uống á phiện pha với dấm thanh. Trong thời gian ấy nhiều quan lại cả tây và ta đến thăm, cho thuốc ông một mực từ chối. Theo thơ tường trình của Thiếu tá Ansart gởi lên Tổng tham mưu trưởng kể về những giờ cuối đời của ông quan này: “… Lúc các ông quan (Nam triều) còn lại ở Vĩnh Long, ông đã khăng khăng từ chối mọi thứ thuốc men, chúng tôi đã phải gần như ép ông và lợi dụng một trong những lúc ông ngất đi mới khiến ông nuốt được một chút giải độc. Nhưng ngay khi ông được biết là các quan đã bỏ đi và chỉ còn có mình ông với chúng tôi (ba sỹ quan Pháp) thì ông đã thuận mọi điều. Hai lần ông hỏi cha Marc: Tôi có thoát được chăng? Than ôi, khi đó đã quá muộn”! Cái chết nào cũng bi. Chết bình thường thì thương. Chết vì nghĩa thì tráng. Chết có toan tính thì hài! Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Nam kỳ lại chu đáo cho tàu kéo và một toán lính hộ tống thi hài ông về tận nơi an táng ở cố hương.
Trong lịch sử Việt Nam, Phan Thanh Giản là viên quan đại thần để lại nhiều tai tiếng nhất bởi những điều tệ hại ông đã gây nên cho quốc gia dân tộc. Tuy nhiên bên sự đánh giá chính thống như thế vẫn có những thế lực bênh vực thậm chí còn bốc thơm đơm đặt đủ điều cho nên con người ông, việc làm của ông, cái chết của ông vẫn là đề tài cho hậu thế tranh cãi dài dài. Vậy những ý kiến trái chiều kia có tự bao giờ và xuất phát từ đâu? Thật ra khi người Pháp đem quân xâm chiếm Việt Nam thì lực lượng họ không phải là quá mạnh, chiến trường xa lại rải quân phân tán trên địa bàn rất rộng mà nội tình vương triều Paris cũng lắm chuyện rối ren.
Thế nhưng bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó cực kỳ bê bối: Chính triều thối nát, loạn lạc khắp nơi, nhân tâm ly tán lại thêm sự bành trướng của giáo hội Thiên Chúa cùng với đám vua quan triều Nguyễn bạc nhược cầu an mà phong trào yêu nước thì không có chỗ dựa và không hợp thành một liên minh chặt chẽ thì những người như Phan Thanh Giản là tác nhân thúc đẩy mau chóng quá trình mất nước. Trong khi bộ máy chiến tranh của Pháp dày dặn kinh nghiệm đối phó, lợi dụng những yếu tố xã hội và con người ở các quốc gia xa xôi lạc hậu. Những người như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Tôn Thọ Tường… tất nhiên lọt vào tầm ngắm để đội quân viễn chinh ấy khai thác và điều khiển bằng đủ những mưu mô thâm trầm xảo quyệt. Cuộc chiến xâm lược xứ An Nam xa xôi không được triều đình Paris tập trung ủng hộ bởi quan ngại chông gai chưa chắc thắng nhưng lại sớm thu được thắng lợi trọn vẹn mà ít hao người tốn của. Đương nhiên những người như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký được coi như ân nhân của nước Pháp. Ngay khi Phan trút hơi thở cuối cùng thì Phó thủy sư Đề đốc Thống soái Nam kỳ De Lagrandière gửi thư chia buồn và hết lời khen: “Nơi triều đình Huế trừ một mình ngài thấy rõ đâu là ích nước lợi dân… Người Pháp quốc hằng bền một lòng tôn trọng quan lớn Phan Thanh Giản và gia đình của ngài… Bổn trấn hứa sẽ hết lòng bảo bọc cho con cháu ngài hoặc muốn ra mà giúp việc nhà nước hay là muốn tước lộc chi thì bổn trấn cũng vui lòng ban ơn theo như ý”. Và người Pháp đã làm đúng như lời hứa.
Ngay cả khi hai con ông là Phan Liêm và Phan Tôn có cầm súng chống Pháp một thời gian nhưng thua trận và bị bắt, người Pháp cũng rộng lòng tha và giao cho triều đình An Nam trọng dụng. Tất nhiên lại cầm binh đi đánh những người Việt Nam “nổi loạn”! Tên tuổi ba cha con họ Phan cũng như Trương Vĩnh Ký đều được Nhà nước thực dân – tất nhiên là cả chính quyền bản xứ lệ thuộc, bảo tiết tôn vinh như những tấm gương lớn về lòng yêu nước thương nòi, nhìn xa thấy rộng, thủy chung hợp tác với nước đại Phú-lang-sa để được cả việc nước lẫn việc nhà, người dân Việt nhìn đó mà noi!
Với Nam triều, sau khi Tự Đức chết, chính triều điên đảo truất phế liên miên. Tới năm 1885 người Pháp mới ưng ý đưa Hoàng tử Chánh Mông Ưng Đường đặt lên ngôi lấy niên hiệu Đồng Khánh. Đại quan Cơ mật viện tham tá Trương Vĩnh Ký bẩm ngay với Nhà bảo hộ: “Trong cái nhìn đặc biệt về lợi ích của nước Pháp, việc Đồng Khánh lên ngôi quả là may mắn” và nhanh nhảu hứa: “Tôi sẽ trấn áp những hãnh thần (những người có tư tưởng chống Pháp) và sẽ bao vây lấy nhà vua”! Hẳn mọi người đều biết rằng Trương ra hợp tác với quân xâm lược ngay từ buổi đầu. Năm 1876, ông ta được quan thuộc địa Pháp cử ra Bắc công cán, thực ra là làm nhiệm vụ dò xét thổ nhưỡng, dân tình. Trương gửi báo cáo về quan trên: “Các quan lại Nam triều thường nói với tôi rằng nước Pháp cố ý xâm chiếm xứ này. Tôi trả lời là không!...
Tất cả qúy vị đều phải thấy rằng nếu nhà cầm quyền Pháp có ý muốn xâm chiếm xứ này, họ đã có thể làm việc đó từ lâu một cách dễ dàng, không cần bàn cãi gì cả. Qúy vị phải hiểu rằng qúy vị là những kẻ yếu, thật sự quá yếu, cần sự giúp đỡ của ai đó để gượng dậy. Và tốt  hơn, qúy vị chỉ nên tin vào người bạn đồng minh tiếng tăm và phải dựa vào họ một cách thành thật để đứng lên, nhưng phải thẳng thắn, không hậu ý, không mưu tính kín đáo, dang cả hai tay ra với họ chứ không phải một cái chìa ra còn bàn kia thì giữ lại. Bằng ngược lại, mệt trí vì những do dự, những điều nói nửa lời đầy âm mưu của qúy vị, nước Pháp buộc lòng phải ngưng che chở và bỏ mặc qúy vị với số phận”! Khẩu khí ấy không phải là của người trí thức Việt Nam chân chính, nó là của thằng Tây thuộc địa hợm hĩnh với dân bản xứ: miệt thị, bịp bợm, dọa dẫm, dụ dỗ, mua chuộc tuy có chỗ nó chọc đúng vào điểm yếu trì trệ và hủ lậu của giới cầm quyền và sỹ phu ta lúc đó. Với tư cách một học giả trước thuật nhiều sách, Trương gửi thư cho Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ: “Muốn chứng tỏ với qúy vị rằng trong 13 cuốn sách đã xuất bản, tôi chưa bao giờ đi lệch mục tiêu chính và trực tiếp là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam”. Ông ta hăng hái bộc lộ ruột gan ra với quân cướp nước trong khi với đồng bào thì luôn viện dẫn câu cách ngôn La tinh “Ở với họ mà không theo họ”! Con người thật của ngài đại trí thức tây học này quả xứng là bạn vong niên tâm đắc với vị đại quan đồng hương tiền triều đến thế!
Đồng Khánh vốn sính Tây và là ông vua đầu tiên công nhận nền bảo hộ của nhà nước Đại Pháp. Để được lòng người Pháp, tân vương ra sắc chỉ khai phục hàm cũ là Hiệp tá Đại học sỹ cho Phan Thanh Giản sau những lời khen: “Phẩm vọng ngươi cao như núi Thái Sơn, văn chương ngươi như mây bay nước chảy, được xưng tụng cao nhất một đời”. Tất nhiên bia được dựng lại sau khi bị đạp đổ đã nhiều năm! Năm 1924, vua Khải Định sắc cho quan dân tỉnh Thủ Dầu Một thờ phụng Phan công như “thần hộ quốc an dân”, ý để thưởng công đã giao ba tỉnh miền Đông cho Pháp! Kế đến năm 1933, vua Bảo Đại cũng sắc cho quan dân tỉnh Vĩnh Long thờ phụng Phan công nội dung như thế, ý để thưởng công đã giao nốt ba tỉnh miền Tây cho Pháp! Việc làm ấy có nghĩa là triều Nguyễn đã hoàn tất sứ mạng lịch sử chí ít cũng là giao toàn bộ xứ Nam kỳ vào tay người Pháp!
Trong cuộc hội thảo năm 2008 ở Thanh Hóa về vương triều Nguyễn, các nhà sử học hiện đại cũng chỉ điểm bốn triều vua đầu mà bỏ qua những vương triều sau Tự Đức, hàm ý nó thật sự là bù nhìn của ngoại bang – trừ mấy vị vua yêu nước Thành Thái, Hàm Nghi, Duy Tân lại sớm bị đi đày, thì việc xóa án, phục chức, phong thần cho Phan của các triều vua ấy phỏng còn ý nghĩa gì?
Trải hàng trăm năm mấy ai săm soi góc cạnh ngọn ngành. Sự ngộ nhận đã thành nếp nghĩ, chỉnh sửa lại không là điều dễ!
Trong lịch sử cận đại, người Việt tự hào đã hấp thu đáng kể nền văn hóa Pháp mà sao người ta không biết đến bài học của chính phủ Vichy với viên Thống chế Pétaine, viên Thủ tướng Laval và viên Toàn quyền Decoux đã bị vứt vào xọt rác cùng với nền Đệ tam cộng hòa Pháp quốc? Vậy là tàn dư của chủ nghĩa thực dân vẫn như bóng ma ám ảnh một nước Việt Nam độc lập đã đổi biết bao xương máu mới giành lại được! Phải chăng vì thế mà người chết muốn nằm yên cũng khó! Bởi những lời chê khen rất trái ngược nhau.
Chê thì dựa vào chứng lý hiển nhiên là việc làm ấy, hậu họa ấy nhẹ ra thì “vừa giận vừa thương” thân già còn bị vua giao gánh nặng quốc gia để nên nỗi giữa đàng đứt gánh! Mà nặng thì tớí mức thành bia miệng muôn đời bị liệt vào “phường cầu an mại quốc” còn hòng che mắt thế gian! Khen thì mập mờ vin cái cớ “gặp thời thế thế thời phải thế” để mà cứu muôn dân trăm họ khỏi cảnh lầm than đến nỗi phải mượn cái chết để tỏ lòng “trung quân ái quốc” khiến cụ Đồ Chiểu là người “ghét cay ghét đắng ghét vào tới tâm” quân giặc cướp nước cũng động lòng làm thơ than khóc nỉ non – Mà thật ra thơ Cụ chửi rất sâu cay (VNTPHCM 23/6/2009)!
Thậm chí có người còn ca tụng ông sáng suốt rộng tầm nhìn xuyên thế kỷ sớm có tư duy hội nhập với trào lưu văn minh thời đại! Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện tại hợp tác đa phương, hội nhập đa chính kiến, khó lòng biết được ai là kẻ thả mồi bắt bóng? Điều cốt yếu là bản lãnh văn hóa ở mỗi người. Giáo sư Trần Văn Giàu – nhà trí thức lớn của Nam kỳ cũng là chiến sỹ cách mạng kiên cường và là nhà sử học bậc thầy của nhiều thế hệ, người sống hầu như xuyên suốt thế kỷ XX, những sự kiện và con người ở mảnh đất phương Nam này ông “rành như sáu câu vọng cổ”.
Vậy mà khi xem xong cuốn tiểu thuyết “Nỗi đau trăm năm” dù đã ở tuổi đại thượng thọ rồi vẫn nổi giận run lên và nói: “Ví Phan Thanh Giản với Nguyễn Trãi có khác chi dang cánh con dơi để che ánh mặt trời”! Không ít trí thức và sỹ quan quân đội về hưu, sau khi xem loạt bài viết về Phan Thanh Giản đã bộc lộ tâm tư rằng: “Vì không muốn mất nước nên mới chẳng ngại gian khổ hy sinh cầm súng đi theo Cụ Hồ kháng chiến. Lúc ấy dù không tán thành việc làm của cụ Phan và chỉ biết ông Trương là nhà học giả trứ danh mà thực tình không nghĩ họ tệ đến thế đâu”!
Chi bằng cứ minh bạch công khai đầy đủ những tư liệu lịch sử về hai nhân vật Phan, Trương để người đọc có cái nhìn tổng quan mà đánh giá.
Thành phố HCM tháng 5 năm 2012


No comments:

Post a Comment