.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, June 16, 2012

THOMAS PYNCHON – NHÀ VĂN HẬU HIỆN ĐẠI BÍ ẨN

Thomas Pynchon là đại diện tiêu biểu của trào lưu Hậu hiện đại ở Phương Tây nửa cuối thế kỉ XX, một trong những tác giả đặc biệt nhất của văn học Mĩ đương đại, nổi tiếng và ảnh hưởng lớn ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay, V. (1963), nhưng cuộc đời của ông bí ẩn cũng như ý nghĩa các tiểu thuyết của ông.
Thomas Pynchon Ruggles sinh ở Glen Cove, một thành phố nhỏ ở phía Bắc Long Island, bang New York. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông theo học ngành vật lí ứng dụng ở Đại học Tổng hợp Cornell, nhưng đến năm thứ hai ông rời trường vào phục vụ trong hải quân một thời gian, năm 1957 ông trở lại trường, chuyển sang học văn học Anh và tốt nghiệp năm 1959.

Khoảng năm 1960: Những truyện ngắn đầu tay
Truyện ngắn đầu tiên của Thomas Pinchon, Cơn mưa nhỏ (The Small Rain), được in ở tờ tạp chí địa phương Nhà văn Cornell (Cornell Writer) vào tháng 5 năm 1959, kể lại một chuyện có thực của một người bạn đã từng phục vụ trong quân đội. Từ năm 1960 ông làm việc trong Ban thông tin của tập đoàn sản xuất máy bay Boeing; thời gian này ông viết rất nhiều truyện ngắn, nhưng sau nhiều do dự mãi đến năm 1984 mới cho phép xuất bản thànhg tập Cậu trò ngốc (Slow Learner). Truyện ngắn nổi tiếng nhất trong đó là Entropy – với một hiện tượng vật lí (Entropy) là chủ đề chính trong các tác phẩm.

Năm 1963: V.
Tiểu thuyết đầu tiên V. của Thomas Pinchon ra đời năm 1963 đã lập tức khiến tác giả trở nên nổi tiếng. Nhiều sự kiện chồng chéo phát triển chủ yếu xoay quanh hai nhân vật chính. Herbert Stancil phát hiện trong chúc thư của cha mình có những lời nhắc về một người bí ẩn bắt đầu bằng chữ cái “V". Những cuộc tìm kiếm nhân vật bí ẩn này đã trở thành quá trình phát hiện bản ngã của chính Herbert Stancil. Nhân vật thứ hai là Benny Profane - chàng trai trẻ vô công rồi nghề sống không mục đích, trốn tránh mọi liên hệ và chuyên suy niệm về tính vô nghĩa của đời sống. Những tranh luận quanh chủ đề triết học (hiện sinh) luôn kèm theo nội dung tiểu thuyết. Luật phối cảnh trần thuật trong tác phẩm đa tầng phức tạp này liên tục thay đổi. Cũng như các tác phẩm khác của Thomas Pinchon, tiểu thuyết này thể hiện một tinh thần hoài nghi và hoang tưởng. Các nhân vật cảm thấy mình lạc lõng; họ cố gắng tìm kiếm các mối liên hệ và ý nghĩa của những điều đang xảy ra. Bạn đọc thường xuyên không thể hiểu ai là người dẫn chuyện chính, không thể hiểu lập trường của tác giả, vì vậy mỗi người buộc phải hài lòng với cách lí giải của chính mình. Cuốn tiểu thuyết đã mang lại cho Thomas Pinchon giải William Faulkner trao cho tác phẩm đầu tay hay nhất trong năm và đưa tác giả lên hàng những nhà văn Mĩ nổi tiếng nhất đương thời.

1966: Số 49 chiến thắng
Sau thành công của tiểu thuyết đầu tiên, Thomas Pinchon rời tập đoàn sản xuất máy bay Boeing và sống ẩn mình không liên hệ với xã hội. Năm 1966, ra đời tiểu thuyết thứ hai của Thomas PinchonSố 49 chiến thắng (The Crying of Lot 49). Tác phẩm kể về Oedipa Maas - người đàn bà chi phối tinh thần người tình của mình. Những cố gắng của cô ta nhằm khám phá ý nghĩa và nội dung của món thừa kế (đồng thời mang ý nghĩa tượng trưng là toàn bộ nước Mĩ) đã trở thành cuộc tìm kiếm cá nhân mình của chính cô. Oedipa Maas đã vấp phải hệ thống bí mật những liên hệ nằm trong tay của những người bị ruồng bỏ và tổn thương bởi pháp luật chuyên gây rối trật tự hiện hành. Càng tìm hiểu cô càng củng cố thêm sự hoài nghi rằng tất cả những điều này là ảo giác của chính mình, còn chính bản thân cô cũng là một trường hợp đặc biệt hoang tưởng. Thomas Pinchon đã bỏ ngỏ cho bạn đọc câu trả lời vào chính thời điểm khi câu trả lời tưởng chừng đã được tìm thấy.

1973: Cầu vồng hút
Năm 1973, Thomas Pinchon xuất bản tiểu thuyết Cầu vồng hút (Gravity’s Rainbow). Đây là một tác phẩm hoành tráng với vô số các tuyến sự kiện và hơn bốn trăm nhân vật. Những sự kiện chính xảy ra vào năm 1944 - 1945 xoay quanh việc chế tạo, sản xuất công nghiệp và thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo “Fau-2” của Đức. Một trong số các nhân vật có ý định thâm nhập, phát hiện bí mật của sáng chế này, nhưng không thành công, cũng như không thành công ý định gán cho thế giới hỗn độn mà anh ta tồn tại trong đó một ý nghĩa và trật tự. Anh ta đánh mất cảm giác “cái tôi” của riêng mình và cuối cùng suy sụp như một cá nhân. Là tiểu thuyết mang tính ẩn dụ sâu sắc cung cấp lí do cho nhiều cách diễn giải, tác giả chỉ trích gay gắt thế giới ngày càng trở nên bất nhân. Các nhân vật buộc phải tự vệ trước các nguy cơ từ chính mình cũng như những nguy cơ từ bên ngoài. Nhà văn thể hiện sự vô vọng có tính nguyên tắc của bất kì nhận thức nào của con người. Cũng như ở các tác phẩm khác của Thomas Pinchon, trong tiểu thuyết này tính sự kiện dần lùi xuống thứ yếu. Thay cho việc tháo gỡ nút chủ đề, tác giả ngày càng thắt chặt hơn khiến nhân vật càng thêm bí hiểm; một điều phút trước tưởng chừng đã được giải quyết thì lại sinh ra thêm những vấn đề mới. Cầu vồng hút được tặng Giải sách Quốc gia năm 1974 nhưng tác giả không có mặt trong buổi lễ trao giải.

1990: Xứ nho.
Mười bảy năm sau, năm 1990, Thomas Pinchon mới cho công bố tiểu thuyết tiếp theo của mình là Xứ nho (Vineland, đây cũng là tên địa phương hư cấu ở miền Bắc California, nơi diễn ra các  sự kiện trong tác phẩm). Đó là câu chuyện về “những đứa trẻ của sắc màu” – các thanh niên hippy của thập niên 1960 và con đường đời của họ cho đến giữa những năm 1980. Tác phẩm mang nặng tính phê phán xã hội, đồng thời cũng là cuộc du hành vào lịch sử sự suy tàn của nền văn minh Phương Tây. Các sự kiện được trình bày với người đọc như trong trật tự bàn cờ và với vô số tuyến chủ đề. Trung tâm các sự kiện là chàng nhạc công nhạc Jazz, cựu cựu hippie Zoyd Wheeler và vợ anh ta là Frenesi Gates (có nghĩa là “Tự Do” và “Vô Tư”) – hai con người đặt mình đối lập với xã hội và quyền lực. Frenesi Gates phải lòng một nhân viên bảo hiểm, phản bội phong trào phản kháng và trở thành nữ đồng phạm trong vụ sát hại thủ lĩnh của phong trào này. Hiểu tiểu thuyết này là điều khó khăn chủ yếu bởi vì Thomas Pinchon cương quyết từ chối trả lời phỏng vấn cũng như bàn luận về tác phẩm của mình.

Năm 1997 – 1009: Ba tiểu thuyết mới nhất
Năm 1997, Thomas Pinchon xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ năm của mình là Mason & Dixon, một tác phẩm đề tài lịch sử được viết theo thủ pháp Hậu hiện đại, kể về hai nhà trắc địa Charles Mason và Jeremiah Dixon vào giữa thế kỉ XVII đã thiết kế và xây dựng  tuyến đường biên giới giữa các lãnh thổ thuộc địa Pennsylvania và Tây Virginia, về sau trong thế kỉ XIX trở thành ranh giới giữa miền Nam chiếm hữu nô lệ và miền Bắc tự do. Sau 10 năm im lặng, nhà văn cho ra đời tiểu thuyết (tạm dịch) Ngày phán xử (Against the Day, 2006) đồ sộ ngót ngàn trang với hàng trăm nhân vật, hàng chục địa phương, tái tạo lại không khí lịch sử của khoảng thời gian từ cuối thế kỉ XIX đến trước Thế chiến I. Tác phẩm cuối cùng cho đến nay của Thomas Pinchon là (tạm dịch) Khuyết tật vốn có (Inherent Vice(1), 2009), với các sự kiện diễn ra vào cuối những năm 1960. Một cô bạn gái cũ đi tìm Larry “Doc” Sportello, nhân vật chính của tiểu thuyết, một thám tử tư tử tế và gần như liên tục hút thuốc lá cần sa. Nhưng gần như ngay sau đó cô ta lại biến mất cùng người hâm mộ mới rất giàu có của mình. Doc hiểu rằng, sự kiện này bằng cách nào đó liên quan đến các vấn đề khác mà anh đang điều tra…
Tác phẩm Thomas Pinchon của chưa được dịch sang tiếng Việt.

HUYỀN LI


(1) Inherent Vice: Khuyết tật vốn có, nội tì (Từ điển hàng hải).

No comments:

Post a Comment