.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, June 21, 2012

LỐI VIẾT TỰ ĐỘNG TÂM LINH TRONG TRÒ CHUYỆN VỚI CHA CON CU LẬP SƠN & LẬP THÀNH

              
Người yêu thơ đã từng biết đến nhà thơ quân đội Nguyễn Anh Nông với 7 tập thơ: Bàn tay lá cỏ (Tập 1 - 1993), Bàn tay lá cỏ (Tập 2 - 1995), Kỵ sĩ ngựa gỗ (Thơ viết cho thiếu nhi - 1998), Mây bay (2000), Những tháng năm ở rừng (2005), Lững thững xanh (2010), Hà Nội và em (2011) và hai tập trường ca: Trường Sơn (2009), Gửi Bin Ghết (Bill Gates) & Trời xanh (2011) mới đây nhất là hai trường ca Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn & Lập Thành, Nxb Văn học, Hà Nội, 2012. Bằng số lượng tác phẩm kể trên, đối với nhiều đọc giả đây là một ấn tượng “thật kinh ngạc về sức bút thơ ông trong những ngày này” (Đỗ Trọng Khơi), “là trải nghiệm một cách nhìn sáng tạo, mạnh mẽ và đột phá” (Nguyễn Văn Lai), “Như một thành tựu, thơ Nguyễn Anh Nông đã có nhiều điều hơn người ở thể thơ ngắn. Như một khai phá, thơ Nguyễn Anh Nông đang có nhiều điều khác người ở trường ca” (Đỗ Quyên).

Là một đọc giả nghiêm túc với lòng trân trọng sự sáng tạo của tác giả, tôi đã cố gắng đọc đi đọc lại thơ Nguyễn Anh Nông nhiều lần nhưng thú thực thơ anh không “quyến rũ” được tôi bởi ngôn ngữ, hình ảnh, nội dung, ý tưởng… Tôi định sẽ yên lặng sau khi đọc hầu hết các tác phẩm đã xuất bản của anh vì chính anh đã từng thú nhận: “Khách văn thường đỏng đảnh/ Ý tình dài lê thê/ Văn mình thì phải… nhất/ Đừng ai người khen chê”. Vì thế: “Đừng ngu mà lỡ miệng/ Kiềng mặt đến hết đời”. Nhưng khi đọc hai trường ca mới xuất bản, tôi chợt nhận ra “khí tiết” của con người ấy: “Mấy lần quăng bút mực/ Mặt mày buồn ủ ê/ Thế là đành xin lỗi/ Ta lại cưới nàng về/ Tháng ngày ta lọ mọ/ Buồn vui cùng nàng thơ” nên tôi quyết định lên tiếng như một điều tự thân của người tiếp nhận.

Trường ca Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn & Lập Thành, theo đánh giá của số đông đọc giả, mà nhất là những người bạn thân thiết của anh thì đây là một thành công nhất định trên hành trình, tìm kiếm và đổi mới thơ của Nguyễn Anh Nông. Nó tạo ra một ấn tượng mạnh vì lối viết tự động tâm linh và sự khai thác tối đa thế mạnh của nhạc tính trong thơ. Phải khẳng định rằng lối viết tự động tâm linh đã trở nên quen thuộc trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, khi Chủ nghĩa Siêu thực ra đời với các tên tuổi: André Breton, Baudelaire... thì lối viết này chính thức được khai sinh ở phương Tây, sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, trong đó có Việt Nam với các sáng tác của: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Quang Thiều, Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Thanh Thảo...

Có lẽ, tác giả tự nhận ra rằng: “Thơ Nguyễn Anh Nông những ngày đầu không không gây ấn tượng gì đáng kể”(Đỗ Trọng Khơi). Là người cầm bút, bản thân mỗi người luôn tự ý thức phải sáng tạo, sáng tạo không ngừng, muốn sống thì chỉ có một cách duy nhất là sáng tạo. Không chịu bó tay, nhìn thơ mình dần bị đẩy về phía cái chết và sự quên lãng vì sự cũ mòn, quen thuộc và nhàm chán Nguyễn Anh Nông đã quết tâm lao mình vào trận chiến và bước đầu đã tìm ra giải pháp: “phá khuôn mòn bỏ lối quen” (Xuân Diệu) bằng cách tạo ra cho thơ mình một diện mạo mới bất ngờ và sáng tạo. Đó là những câu thơ không hạn định về số câu, số chữ, chúng bị chi phối bởi nhạc điệu và cảm xúc trong tâm hồn tác giả, khiến cho chúng trở nên chênh vênh, hỗn loạn, không tuân theo bất kỳ quy luật nào cả về vần điệu, nhịp điệu, số câu, số chữ… Những câu thơ mờ nhòe, biến ảo và hoàn toàn buông thả của lối viết tự động tâm linh trong sự dẫn lối đưa đường của vô thức, những cảm giác say, mộng mơ...

“Ta đi tìm ta bâng khuâng hơi thu
Trời đã đông đâu mờ ảo sương mù?
Ta như vầng trăng tròn rồi lại khuyết
Ta như người say người say mộng mơ”.
                                (Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn)

“Bạn với bóng đêm rơm rạ nhọc nhằn
Giun dế tấu bày bản tình ca định mệnh
Những ảo mộng mông lung hưng phấn
Bao con đường tới khát vọng hóa chông chênh”?
                                 (Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn)

Không bó mình trong “khuôn vàng thức ngọc” với trật tự, chỉnh tề như thơ cổ. Cũng không yểu điệu làm duyên như thơ mới. Thơ Nguyễn Anh Nông không thiết vần, vứt bỏ nhịp, cứ tự do chảy, tự do dừng như dòng cảm xúc bật ra trong tâm hồn. Tự do tuyệt đối cả về mặt tư duy thơ và thể loại thơ. Tất cả phó mặc cho siêu nghiệm, hoàn toàn không có sự kiểm soát của lý trí, mà nói đúng hơn là lý trí đã hoàn toàn bất lực bởi những cảm giác: “bâng khuâng, say, mông lung, chông chênh”…. Tất cả chỉ là “mờ ảo sương mù, say mộng mơ, ảo mộng mung lung”.

“Khơi
Oanh
Sơn
Thành...
Gió mát
Hoa đẹp
Hương Thơm”...
                                                   (Lập Thành)

Đừng thắc mắc và cũng đừng cất công đi tìm lời lý giải tại sao đọc đi đọc lại mãi vẫn không hiểu đoạn thơ nói gì. “Thơ mãi mãi là bí mật” (Thanh Thảo), nhà thơ không viết nó bằng lý trí nên không thể dùng lý trí để phân tích, thơ không thể hiểu được mà chỉ có thể cảm nhận được bằng siêu nghiệm. Đây vừa là một thế mạnh, vừa là một điểm yếu trong trường ca Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn & Lập Thành. Mạnh ở chỗ, nó là siêu nghiệm nên chỉ có thể cảm nhận mà bản chất của sự cảm nhận là vô cùng biến ảo và luôn phái sinh cảm xúc nên nó càng tạo độ mở cho thơ… Nó sẽ trở thành điểm yếu nếu đọc thơ để hiểu, để nắm bắt nội dung, ý nghĩa…bằng lý trí, bằng tư duy lôgic…

“Chiều nay (26 - 3 - 2011) ta lại ngồi vào bàn gõ những câu thơ mộc - dòng chữ trào dâng niềm cảm xúc không xác định”.
                                        (Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn)
“Mông lung, mơ hồ, rờ rỡ hay cục mịch, xù xì, gân guốc, ám ảnh: Những nàng thơ, bức tranh, tượng, niềm vui, nỗi buồn  khỏa thân cùng trời đất
Những bời lời bạc lạc, hỗn mang, kết tụ, biến chất, phá phách, hỗn xược, lấc láo, nhố nhăng, lăng loàn, chính chuyên, hỗn tạp, tinh khiết, róc rách, tóc tách, ào ạt, man mác - mặc nhiên xanh”.
                                         (Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn)

Trường ca Nguyễn Anh Nông còn là kết quả của quá trình giao thoa giữa văn xuôi và thơ. Đi xa về phía vần điệu là thơ, hướng về phía tư duy logic là văn xuôi. Thơ văn xuôi có nhạc tính nhưng không vần không nhịp, chúng được trình bày như những câu văn xuôi nhưng cách tư duy của chúng vẫn là tư duy thơ - tư duy hình tượng. Những câu thơ được đẩy theo trục ngang hình thành những cấu trúc thơ “phóng túng hình hài” tồn tại trong thế lệch chuẩn với câu thơ cách luật quen thuộc. Cách viết này vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, được cả thế giới xem như một phép lạ trong quá trình tìm tòi, sáng tạo và đổi mới thơ. “Kẻ nào trong chúng ta mà chẳng từng mơ tưởng trong những ngày ôm hoài bão, đến một phép lạ của một thứ thơ bằng văn xuôi, có nhạc tính mà không nhịp không vần, dù mềm dẻo và lay động khá mạnh để hợp với những rung chuyển của tâm tình muốn bộc lộ, với những dòng mơ gợn sóng những rung động đột nhiên của vô thức” (Baudelaire). Nguyễn Anh Nông cũng may mắn gặp được phép lạ ấy và phóng bút viết những câu thơ “phóng túng hình hài” trong trường ca Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn & Lập Thành.

Thơ văn xuôi Nguyễn Anh Nông hồn nhiên và tự do như lời ăn tiếng nói mà con người dùng trong giao tiếp hằng ngày. Thế mạnh của nó là phát huy được chất hiện thực của văn xuôi nên nó có khả năng chuyển tải được mọi biểu hiện xù xì, thô nhám của cuộc sống. Chính vì thế mà: “Trường ca Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn được cấu trúc, lập tứ (một cái cớ, sự hình dung) qua hành trạng thời gian một số phận con người cụ thể” (Đỗ Trọng Khơi). Còn: “Trường ca Lập Thành được dựng trong một không gian thân gần, trong trẻo, tươi mát, đó là khoảng không gian làng quê trong một thế giới hoàn toàn của trẻ thơ. Trong thế giới đó, cu Lập Thành sống với tuổi thơ ngây, hồn nhiên cùng cây cỏ, đồ vật, cách chơi, cách nghĩ, suy tưởng của mình” (Đỗ trọng Khơi). Nguyễn Anh Nông chấp nhận mọi “vật liệu” trong quá trình sáng tạo của mình khiến cho chất hiện thực thấm sâu vào tận cùng từng ngõ ngách. Những câu thơ được đẩy theo dòng chảy của cảm xúc nên mọi biên giới về vần, nhịp, dòng thơ bị xóa bỏ, khiến các câu thơ chảy ùa về phía văn xuôi, tồn tại vô hình dạng như những giấc mơ, ký ức, cơn say và tâm linh. Các câu thơ mặc sức đẩy đi và trượt dài trên trục dọc vô biên với những “dòng chữ trào dâng niềm cảm xúc không xác định”. Tất cả những gì ta tìm thấy trong thơ là “mông lung, mơ hồ, rờ rỡ” của “những bời lời bạc lạc, hỗn mang, kết tụ, biến chất, phá phách, hỗn xược, lấc láo, nhố nhăng, lăng loàn, chính chuyên, hỗn tạp, tinh khiết, róc rách, tóc tách, ào ạt, man mác - mặc nhiên xanh”.

“Ý thức, không ý thức
Bản năng, khuôn phép hay vật tự nó?
Có thể là một, hai, ba hoặc chẳng là gì cả?
Cũng không sao, ta còn thời gian
Chảy không ngưng nghỉ
Trong động mạch và tĩnh mạch
Hồng hào, hoan hỉ”.
                                       (Lập Thành)

Thơ không hình hài cụ thể, không một giới hạn, một quy luật nào được tìm thấy, hình ảnh thơ, nhịp thơ, cách ngắt dòng cứ mặc sức tung phá, nhập nhằng, bất định, mờ ảo trong trạng thái mông lung giữa tâm thức và tiềm thức, “ý thức, không ý thức”, giữa thực và hư, “bản năng, khuôn phép hay vật tự nó”… Chỉ có thể cảm nhận được sự sống đang “chảy không ngơi nghỉ”, “trong động mạch và tĩnh mạch” sau khi đã lắng lại lòng mình đến mức tận cùng và loại bỏ hoàn toàn tư duy phân tích và tư duy duy lý vì trong trường hợp này, nó bộc lộ nhiều bất cập. Chúng không thể giải thích, thể hiện được phần tiềm thức, vô thức, bí ẩn của những giấc mơ và thế giới tâm linh ẩn sâu trong tâm hồn tác giả, phải quay trở về với đời sống tự nhiên, bột phát về cảm xúc, hành động…

Được tạo nên bởi lối viết tự động tâm linh nên thơ dung chứa mọi cách ngắt nhịp, cách ngừng nghỉ và không ngừng phái sinh cảm xúc. Có lẽ, đây là tập trường ca có khả năng dung nạp hầu hết các thể thơ. Từ thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, đến thơ tự do rồi thơ tứ tuyệt và thơ văn xuôi... Tất cả quện hòa vào nhau tạo nên dòng chảy riêng. Thơ là nhạc, nhạc là thơ. Nhạc và thơ hòa quện với nhau tạo thành bản trường ca tràn ngập âm thanh.
“Tuyết bỏng
Lửa lạnh
Đất nâu
Trời xanh
Lộc non
Chồi biếc
Mắt
Môi
Má hồng
Đắm đuối
Gió
Hờn ghen
Mây
Lồng lộn…
           (Lập Thành)

Tất cả chìm sâu, mờ nhòe, tan rã chỉ còn lại một thứ duy nhất là âm nhạc. Hai trường ca này có những đoạn thơ chỉ đơn thuần là những cung bậc âm thanh biểu hiện những rung động trong tâm hồn tác giả khi nhận sự tác động của ngoại giới nói chung và của đời sống con người nói riêng.

“U U hay o hay ơ
Be be, se se, khe khe hay tua te
Le re, khua khi, đu đe, cho che
Me me, ma ma, pa pa, bon te
 U ơ, a a, cha cha, ua ra, đa đa”…        
                                   (Lập Thành)

Dùng nhạc điệu để diễn tả cảm xúc trong tâm hồn và hướng người đọc cảm thơ bằng nhạc điệu cũng là một biểu hiện của lối viết tự động tâm linh vì sâu trong tâm thức của người Việt luôn đầy ắp âm nhạc được tạo ra từ những lời ru ngay từ thưở mới lọt lòng.

Một điều cần ghi nhận khi đọc hai trường ca này là Nguyễn Anh Nông đã biết tự điều tiết trạng thái tâm thức và tiềm thức, biết kết hợp hài hòa giữa thực và hư, giữa say và tỉnh trong cảm xúc thơ, giữa các thể thơ truyền thống và mới mẻ trong cách viết. Viết trong trạng thái tự động tâm linh nhưng không quá mê mãi… Mặc dù bài viết chỉ nhằm mục đích khai thác hai trường ca ở lối viết này nhưng không thể bỏ qua những giá trị được tạo ra từ tư duy duy lý. Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn có kết cấu gồm 5 chương thì lối viết này chủ yếu được tìm thấy ở chương 1, chương 2 và chương 4, viết dưới thể thơ tự do và thơ văn xuôi. Chương 3 và một phần của chương 2 là thể thơ tứ tuyệt, chương 5 và một phần của chương 2 lại rất ấn tượng với những đoạn viết bằng thể thơ lục bát. Lập Thành thì được viết trong sự kết hợp giữa thể tự do và lục bát. Như vậy, hai trường ca này là sự dung nạp nhiều lối viết khác nhau, trong đó lối viết mà tác giả bài viết này khảo sát chỉ là một. Đây là bằng chứng thuyết phục về ý thức kết hợp hài hòa giữa tâm thức và tiềm thức, giữa truyền thống và hiện đại ở cả cảm xúc và thể loại của Nguyễn Anh Nông.

Tìm đến với lối viết tự động tâm linh vừa là một sáng tạo, một giải pháp, đem lại giá trị cho trường ca Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn & Lập Thành. Có thể, nó sẽ trở thành một lý do nữa để có thêm những đọc giả mới nhớ đến cái tên Nguyễn Anh Nông và yêu thích thơ, trường ca của anh. Cũng có thể, nó sẽ trở thành “liều thuốc trường sinh” để hai trường ca này nói riêng và các sáng tác của anh nói chung không rơi vào “cái chết” trong sự lãng quên.

NGUYỄN ANH TUẤN

Nguồn: Phong Điệp

No comments:

Post a Comment