.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, June 5, 2012

NHÀ VĂN HOÀNG MINH TƯỜNG: CHUNG TÌNH VỚI ĐỀ TÀI NÔNG THÔN

Trong suốt cuộc đời cầm bút viết văn của mình, nhà văn Hoàng Minh Tường đã cho xuất bản 13 cuốn tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 5 tập bút ký, phóng sự. Tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm "Thủy hỏa đạo tặc", "Ngư phủ", "Đồng sau bão"... Ông cũng giành nhiều giải thưởng văn học, trong đó đáng kể nhất là Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.


- Thưa nhà văn Hoàng Minh Tường, theo tôi được biết thì ngay cả những nhà tiểu thuyết lớn, buổi đầu viết văn cũng thường bắt đầu bằng việc kết duyên với Nàng Thơ. Ông có là ngoại lệ không?
+ Tôi không phải là ngoại lệ đâu. Tôi cũng "tán tỉnh" Nàng Thơ ngay từ buổi đầu cầm bút đấy, cái buổi mà tôi hoàn toàn chưa có khái niệm về việc làm nhà văn thì nó như thế nào. Tôi vốn là dân sư phạm, lại học ngành địa lý, chẳng am hiểu văn chương nhiều lắm. Thế nhưng khi ngẫu hứng viết lách thì tôi bắt đầu bằng làm Thơ. Tôi đã từng gửi thơ dự thi Báo Văn nghệ năm 1972 đấy, tất nhiên là không được giải (cười). Tôi vẫn còn thuộc lòng một số bài thơ của mình. Ví dụ bài thơ "Cầu Gầm, cầu Treo" tôi viết: "Đi dưới cầu Gầm như đi trong lòng suối/ Đi trên cầu Treo như đi giữa trời mây...". Tuy nhiên, cái đoạn làm thơ nó không dài. Và nếu để nói về tác phẩm đầu tay thì tôi quan niệm, cuốn tiểu thuyết "Đầu sông" mới thực sự là tác phẩm đầu tay của tôi.
- Vậy tiểu thuyết "Đầu sông" của ông được viết trong hoàn cảnh nào?
+ Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm năm 1970, tôi được phân công lên công tác tại Sở Giáo dục Khu tự trị Việt Bắc. Làm anh giáo dạy học, lại cũng thỉnh thoảng có làm thơ, nên tôi được mời tham dự trại sáng tác của Khu tự trị Việt Bắc. Được tham dự trại sáng tác, tôi suy nghĩ mông lung lắm, về việc mình phải viết cái gì. Lúc bấy giờ ngành Giáo dục có cuộc vận động viết về chủ đề người thầy giáo và nhà trường, thế là tôi quyết định phải viết một cuốn tiểu thuyết về chủ đề này. "Đầu sông" đơn giản là câu chuyện về một anh giáo viên miền xuôi lên miền núi dạy học. Nó ít nhiều mang dáng dấp của một cuốn tự truyện, vì tôi lấy đời sống của chính mình ra mà mô tả về nhân vật.
- Khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy, ông bao nhiêu tuổi?
+ Tôi viết "Đầu sông" vào năm 1973, năm tôi 25 tuổi. Nghĩ lại, nhiều lúc tôi cũng thấy mình "liều" vì "bập" vào văn chương là viết tiểu thuyết ngay. Trước đó, ngoài mấy bài thơ, tôi chưa từng viết truyện ngắn. Phải đến năm 1994 tôi mới có truyện ngắn đầu tay đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tiểu thuyết "Đầu sông" dài 234 trang, viết xong được nhiều người khen ngợi và được nhận tặng thưởng của ngành Giáo dục. Dĩ nhiên là tặng thưởng trên bản thảo, chứ còn việc được in thành sách thì phải đợi. Đây cũng là tấm giấy thông hành để sau này tôi được chuyển về làm việc tại Báo Người giáo viên nhân dân, tiền thân của Báo Giáo dục và Thời đại.
- Thời đó, in một cuốn sách hẳn là không dễ dàng như bây giờ?
+ Thời tôi bắt đầu cầm bút, được xuất bản một cuốn sách là cả một sự kiện, chứ không dễ dàng như bây giờ. Tôi gửi bản thảo về Nhà xuất bản Lao động và phải "xếp hàng" chờ. Ngày đó, nhà văn Ma Văn Kháng đang làm biên tập viên tại Nhà xuất bản là người đọc bản thảo của tôi và ông đề nghị in, nhưng phải đến tận năm 1981 thì sách mới "ra lò". Sự chờ đợi ấy lâu đến mức tôi đã viết tiếp cuốn tiểu thuyết thứ 2 có tên là "Đồng chiêm" và được Nhà xuất bản Thanh Niên in ngay vào năm 1979. Nghĩa là "đứa con" thứ 2 của tôi lại trình bạn đọc sớm hơn "đứa con" thứ nhất 2 năm.
Nhà văn Hoàng Minh Tường (trái)
- Ngay từ buổi đầu cầm bút viết văn, ông hình dung thế nào về con đường văn chương mà mình sẽ đi trong tương lai, hay là cứ theo bản năng mà viết?
+ Thật ra thì buổi đầu đến với văn chương tôi đích thị là một anh "điếc không sợ súng". Tôi không phải dân chuyên ngành văn, chưa từng được đi học trường viết văn Quảng Bá như một số tác giả cùng thời, gần như  không quen biết ai trong giới văn học bấy giờ. Chỉ thấy là công việc viết có gì đó rất cuốn hút. Và khi viết thì rất tự tin. Nhưng cũng chẳng nghĩ đến việc mình sẽ trở thành nhà văn và con đường của mình trong tương lai sẽ đi theo hướng nào.
- Một người vừa bắt đầu mà viết tiểu thuyết thì gặp nhiều cái khó. Vì tiểu thuyết là thể loại có những yêu cầu khắt khe về kết cấu, cách xây dựng nhân vật... Ông bắt đầu cuốn tiểu thuyết ra sao?
+ Tôi tìm kiếm tất cả những sách lý luận văn học bàn về tiểu thuyết cũng như bàn về cách viết tiểu thuyết. Rồi tôi học theo cách của nhiều nhà tiểu thuyết mà người ta đã đúc kết trong sách. Đó là làm đề cương cho tác phẩm. Tôi vẽ sơ đồ nhân vật, bản đồ hoạt động của nhân vật, cách phát triển từng tuyến của câu chuyện... Nói chung là làm rất kỹ, và khi viết thì tuân thủ theo đề cương.
- Khi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tay, ông có thần tượng một ai trong văn học không?
+ Bằng những gì tôi đã được học và đọc thì lúc ấy tôi thần tượng Nam Cao và Nguyễn Minh Châu. Tôi "mổ xẻ" các sáng tác của Nam Cao như "Sống mòn", "Chí Phèo" để học ở ông cách viết, cách xây dựng nhân vật. Cho đến giờ tôi vẫn coi Nam Cao như một người thầy văn chương của mình.
- So với những cuốn sách sau này, thì cảm xúc của ông trong cuốn sách đầu tiên có gì đặc biệt hơn?
+ Cái gì đầu tiên cũng để lại cho ta nhiều ấn tượng khó quên. Tôi nhớ, khi được người ta báo tin là sách đã đọc xong lần cuối và chỉ việc đưa vào nhà in, thì tôi đã lao tới nhà in xin được đọc lại thêm một lần để xem có sót lỗi chính tả nào không. Rồi mỗi khi đi ngang qua nhà in tôi ngó vào lòng đầy hồi hộp. Khi sách ra, cầm trên tay thì phải nói là sướng "miên man". Niềm vui ấy không có gì sánh được. Nhất là khi lại được bạn bè, độc giả khen là mới tuổi ngoài 20 mà viết chững chạc quá thì lại còn hạnh phúc hơn nữa.
- Tôi tò mò muốn hỏi ông, nhuận bút tác phẩm đầu tiên của ông ngày đó được bao nhiêu và ông dùng nó vào việc gì?
+ Như bạn đã biết, "Đầu sông" là tác phẩm đầu tay của tôi, nhưng khi thành sách thì nó lại là cuốn sách thứ hai của tôi, vì khi đó, tiểu thuyết "Đồng chiêm" đã được xuất bản rồi. Nên nhuận bút của tác phẩm thứ hai tôi lại được "tiêu" trước nhuận bút tác phẩm thứ nhất. Tôi nhớ là hồi đó, cả "Đầu sông" và "Đồng chiêm" đều được in khoảng 1,2 vạn cuốn, một con số trong mơ so với số lượng in sách văn học hiện nay. "Đồng chiêm" được trả nhuận bút 5.500 đồng, còn "Đầu sông" được trả 1.500 đồng. Số tiền ấy khi đó là nhiều lắm, đủ để tôi có thể mua mấy ngôi nhà ở Hà Nội. Tôi đã định mua ngôi nhà 5 gian trong con ngõ ở phố Bạch Mai gần chợ Mơ rộng khoảng 150m2  với giá 2.500 đồng. Nhưng rồi tôi không mua nhà vì nghĩ vợ con đang sống ở quê, chẳng ai trông nhà cho mình. Rồi có bà cô buôn vàng khuyên tôi mua vàng tích trữ, tôi cũng không mua. Tôi dùng tiền nhuận bút mua một cái máy chữ, đổi khung cho cái xe đạp Thống Nhất của mình, còn lại mang gửi tiết kiệm. Mấy năm sau đó đổi tiền thì số tiền tiết kiệm ấy lại thành giấy vụn, chả còn đáng là bao.
- Từ cuốn sách đầu tiên cho đến các cuốn sau này, phần lớn ông viết về nông thôn. Có một sự chủ định nào đó trong việc lựa chọn đề tài ở ông hay không?
+ Nói chủ định thì không phải. Viết về nông thôn với tôi nó rất tự nhiên thôi. Là bởi vì tôi xuất thân từ nông thôn, gia đình tuy không nghèo túng nhưng thuở nhỏ vẫn theo chúng bạn đi chăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc. Rồi đến lúc đi học đại học nghỉ hè về nhà vẫn giúp mẹ việc đồng áng, như nhổ mạ, gặt lúa. Quan hệ làng xóm của người nông dân thì tôi hiểu vô cùng. Khi tôi viết, lẽ dĩ nhiên là sẽ cảm thấy tự tin hơn khi viết về những thứ mình thân thuộc. Sau này tôi viết về nhiều đề tài khác, nhưng có lẽ đề tài tôi chung tình nhất, đó là nông thôn.
- Tác phẩm"Đầu sông" không phải là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, nhưng hẳn với ông, nó có một ý nghĩa quan trọng?
+ "Đầu sông" rõ ràng không nổi tiếng bằng những người "anh em" khác của nó như "Thủy hỏa đạo tặc", "Đồng sau bão";... nhưng tôi vẫn luôn trân trọng những trang viết đầu tiên của mình, cho dù nó còn chút ngô nghê và phần nhiều mang tính minh họa cho thời đại mình đang sống. Nó chứa đầy nhiệt huyết và hoài bão tuổi trẻ của mình. Và nó đã biến ước mơ trở thành nhà văn của mình thành sự thật. Bằng chứng là năm 1981, chỉ với hai cuốn tiểu thuyết đã xuất bản là "Đầu sông" và "Đồng chiêm", tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn, cùng với các nhà văn khác như Khuất Quang Thụy, Nguyễn Khắc Trường... Năm đó tôi 33 tuổi.
- Từ câu chuyện cuộc đời mình và những kinh nghiệm trong nghề viết, ông muốn gửi gắm điều gì tới các bạn trẻ viết văn hôm nay?
+ Tôi khuyên các bạn trẻ viết văn ngoài đọc sách ra còn phải thường xuyên ghi chép. Vì cuộc sống vốn rất phong phú, những gì mình gặp và mình có ấn tượng đặc biệt nếu được ghi chép lại nó sẽ trở thành tư liệu rất quý cho mình trong tương lai, khi mình kiến tạo một tác phẩm. Vốn sống của nhà văn cũng chính từ đó mà ra. Có vốn sống dồi dào, cộng với trí tưởng tượng phong phú thì đó đã là tiền đề cho một cuốn tiểu thuyết hay.
- Xin cảm ơn nhà văn Hoàng Minh Tường.
Bình Nguyên Trang

No comments:

Post a Comment