.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, June 21, 2012

TRẦN ĐƯƠNG: NIỀM ĐAM MÊ KHÔNG CHỈ DÀNH RIÊNG CHO VĂN HỌC

Niềm đam mê của người “Đại lực điền” này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực văn học, mà có thể nói, trên mọi khu vực của cánh đồng văn hóa.


Người ta gọi Trần Đương là nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Đức, dịch giả Văn học. Tất cả đều đúng. Nhưng, cái gốc mà ông hết sức trân trọng để hoạt động trên nhiều lĩnh vực là: phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Với nhiệm vụ này, ông đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, ghi chép về nhiều sự việc. Trong một số cuộc trò chuyện thân tình, ông bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đối với cơ quan Thông tấn xã Việt Nam - nơi đã nhận ông về làm việc ngay từ sau khi tốt nghiệp đại học, cho ông trải qua nhiều công tác - khi là phóng viên chính trị - ngoại giao, khi là phóng viên thường trú ở Quảng Bình thời chống Mỹ, và đặc biệt là một thời gian dài ngót 10 năm làm phóng viên ở Berlin. Thường trú ở nước ngoài, có thể nói, người phóng viên Thông tấn xã phải phấn đấu đưa tin, viết bài về mọi lĩnh vực với tinh thần tự giác cao độ. Vốn là người ham học hỏi, say mê ghi chép ngay từ khi còn chưa học xong phổ thông trung học, trong nhiều năm công tác của mình, Trần Đương đã tích lũy tư liệu về các lĩnh vực khác nhau, có thể nói là khá phong phú. Có điều, do đặc thù của thể loại thông tấn, phóng viên không thể gửi gắm vào các bản tin, cách diễn đạt của các thể loại văn học và báo chí khác.
Là người có xu hướng văn chương từ nhỏ, lại học văn học khi vào đại học cho nên, bên cạnh trách nhiệm của một phóng viên thông tấn, ông đã cộng tác với nhiều tòa báo và nhà xuất bản, cung cấp cho họ hàng loạt bài thơ, bút ký, phóng sự, nghiên cứu, phê bình và những công trình dịch thuật, ghi chép, biên soạn, sách danh nhân… mà giờ nhìn lại, Trần Đương đã có trên 80 đầu sách và hàng nghìn bài báo đề cập các đề tài khác nhau.
Cuốn sách danh nhân J.W.Goethe ra đời năm 1985, sau đó đã tái bản nhiều lần, được dư luận chú ý. Gọi là sách biên soạn cũng được, nhưng nó đòi hỏi ở người viết nhiều sáng tạo về cốt truyện, về kết cấu, về ngôn ngữ. Cùng với tập “Tình yêu và bão táp” (thơ dịch của Karl Marx) ấn hành trước đó hai năm, J.W.Goethe là tác phẩm có ý nghĩa văn học đầu tiên mà Trần Đương đã cho xuất bản ở Việt Nam, sau một thời gian dài công tác trên đất Đức - nơi ông tìm dịch một số tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Đức.
Mang dáng dấp của thể loại ký, phóng sự, có thể kể các cuốn: Bát ngát Bautzen (1989), Tuổi thơ bên lâu đài Moritzburg (2003), Cuộc hành trình sau nửa thế kỷ (2006), Rosa Luxemburg - biểu tượng của niềm tin và lòng quả cảm (2010), Hai lần được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2011), Hà Nội - nơi Frey đến với cách mạng (2012)…
Trong những bài ký đã đăng báo, chưa tuyển in vào sách, chúng tôi đặc biệt chú ý các bài viết về những chuyến đi ở Đức, Italia, Bungari… như: Lời chào mùa xuân từ thành phố Cottbus, Như cây xanh bén rễ trong lòng đất, Làng Rentrisch ở Saarland, Bức thư mùa thu, Thăm thành phố Trier - quê hương Karl Marx, Người hát rong trong công viên Treptow, Mùa xuân đến sớm, Thăm Florencee, quê hương của các họa sĩ bậc thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước hoa hồng, Những dòng ghi chép từ một chuyến đi, Gặp gỡ ở Bamberg…
Là một người làm thơ, đã cho xuất bản nhiều tập (Trái đất trong vòng tay - 1992, Đâu cũng quê hương - 1999, Gió từ Ban Tích - 2003, Lặng lẽ đời, lặng lẽ thơ - 2006, Chuyện nàng Bạch Tuyết (Truyện thơ) - 2010…), khi viết văn xuôi, văn của Trần Đương cũng đượm nhiều chất thơ, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh. Các tập sách ông viết và biên soạn về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy, đều thấm đượm tình cảm với một văn phong trong sáng, dễ đi vào lòng người.
Ngay các bài nghiên cứu, giới thiệu tác giả, tác phẩm cũng được thể hiện dưới ngòi bút của một nhà thơ, diễn đạt tất cả đều mang đặc điểm giản dị. Cho đến nay, sách nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung vào văn hóa Đức và một số cuốn về Bác Hồ (như về thiên tài dự báo, về văn phong báo chí, về quan hệ của Người với nhân sĩ, trí thức, với nho giáo .v.v...). Một loạt sách biên soạn của ông về Bác Hồ rất có ích cho công việc nghiên cứu như: “Hồ Chí Minh với sự nghiệp báo chí cách mạng”, “Hồ Chí Minh với sự nghiệp báo chí cách mạng”, “Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ”, “Hồ Chí Minh với quê hương Karl Marx” .v.v
Một công việc mà ông cũng dành khá nhiều thời gian, sức lực, trí tuệ là dịch tác phẩm văn học bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Đức, chủ yếu ở hai thể loại thơ và truyện ngắn. Nhưng, như có lần ông nói, ông dịch là để phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy, chứ không nhằm vào danh hiệu một dịch giả. Chẳng hạn, viết về đại thi hào Goethe (ngoài sách danh nhân giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của ông, Trần Đương đã viết hàng chục bài về Goethe), Trần Đương đã dịch tập Thơ trữ tình của nhà đại thi hào gồm trên 50 bài; về Schiller, Heine, Brecht, Becher… cũng vậy.
Các bài nghiên cứu của ông giúp chúng ta làm quen với hàng loạt tác giả lớn trong văn học Đức, từ Lessing đến Rilke, Theodor Fontane đến Gerhart Hauptmann, từ Thomas Mann đến Anna Seghers, Christa Wolf, từ Guenter Grass đến Herta Mueller, Judith Hermann… Dịch cuốn “Bốn nền văn học Thụy Sĩ” cũng nhằm giới thiệu với độc giả Việt Nam những gương mặt tiêu biểu của văn học Thụy Sĩ mà bấy lâu ở Việt Nam hãy còn xa lạ. Ông cũng quan tâm đến các tác giả của nhiều nền văn học khác như Nga, Nhật Bản, Anh, Italia, từ cổ điển đến hiện đại.
Theo cách khai thác riêng của mình, Trần Đương đã giúp chúng ta tiếp xúc với một số nhà văn lớp trước của Việt Nam như Đặng Thai Mai, Hải Triều, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Sanh… Nhưng, ông cũng có các bài nghiên cứu về nhiều tác giả thuộc thế hệ sau như: Bằng Việt, Mai Ngọc Thanh, Nguyễn Ngọc Thiện, Lê Quang Trang, Lữ Huy Nguyên, Đoàn Tuấn, Nguyễn Thanh Mừng, Trịnh Thanh Sơn, Đặng Ái, Trần Thị Huyền Trang… và cả những tác giả vốn là cán bộ cách mạng lão thành như: Trần Kim Diệm, Trần Minh Tân, Lê Quang Liệu…
Trên cánh đồng văn hóa vô cùng phong phú, vô cùng rộng lớn, Trần Đương như người thợ cày hăng hái cày xới và gieo trồng từ khi còn trẻ tuổi. Bài phê bình văn học đầu tiên của ông được đăng báo cách đây đã 43 năm: “Nơi giáp mặt, nơi có lửa và thơ” viết về thơ Cảnh Trà, Quang Huy và Trần Nhật Thu (Báo Văn nghệ, số 422, ngày 14/11/1971). Riêng về thơ Tố Hữu, Trần Đương viết cho các báo ở trung ương, và địa phương Cộng hòa Dân chủ Đức ngót 10 bài, đó là chưa kể các bài phát biểu về thơ của nhà thơ cách mạng này trên các đài truyền hình của nước bạn. Cho các báo Việt Nam, Trần Đương cũng đã viết nhiều bài về Tố Hữu, như về thơ tình của ông, Tố Hữu với các lĩnh vực thông tấn, báo chí, nhiếp ảnh, mỹ thuật, điện ảnh, quan trọng nhất là bài về quan hệ giữa nhà thơ với Bác Hồ kính yêu và bài giữa ông với các bạn văn hóa Đức.
Từng là chuyên viên đặc trách về công tác xuất bản, văn hóa - văn nghệ ở Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo), Trần Đương có một loạt bài đề cập tình hình của các lĩnh vực này như: “Gắn liền việc kế thừa di sản văn hóa với nhiệm vụ xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”, “Mấy vấn đề về xuất bản văn học”, “Xuất bản sách văn học, mấy vấn đề cần chấn chỉnh”, “Một tình hình đáng báo động trong xuất bản văn học hiện nay”, “Công tác xuất bản văn học ở địa phương”, “Nhìn lại việc xuất bản sách văn học dịch 5 năm qua”, “Tiếp nhận và giao lưu văn hóa - nghệ thuật trong tình hình mới”, “Mấy vấn đề đặt ra trong công tác văn hóa - văn nghệ ở Thanh Hóa” .v.v…
Bài viết nhan đề “Một cuộc ra quân hào hùng của giới văn nghệ” giới thiệu cuốn “Văn nghệ - một thời để nhớ” (đăng trên tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số 9-1998) đã được nhà thơ Bảo Định Giang đánh giá cao.
Về văn học nước ngoài, ngoài những bài giới thiệu thân thế, sự nghiệp của các tác giả lớn, Trần Đương có nhiều bài phân tích tác phẩm như về tiểu thuyết Bầu trời chia cắt của Christa Wolf; truyện ngắn của Erwin Strittmatter… hoặc đúc kết luận điểm của Johannes R.Becher về thơ, của Anna Seghers về sáng tác văn học…
Ông cũng giới thiệu tác giả, tác phẩm của W.Schakespeare (Anh), Tanizaki Junichiro (Nhật) bên cạnh các tác giả lớn của Đức trong các cuốn Almanach các nền văn minh thế giới, Những kiệt tác văn học thế giới… Cuốn “Việt Nam và những tấm lòng bè bạn” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị xuất bản năm 2006 có tới 24 nhân vật tiêu biểu của Đức được Trần Đương giới thiệu. Họ không chỉ là văn nghệ sĩ mà còn có những giáo sư, nhà báo, các nhà hoạt động xã hội có nhiều công lao trong quá trình củng cố và thắt chặt tình hữu nghị với Việt Nam. Franz Faber, nhà báo Đức đầu tiên sang Việt Nam, có hai nhiệm kỳ công tác tại Hà Nội, cùng vợ là Irene dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức, đã được Trần Đương viết trong khoảng 20 bài khác nhau.
Một mảng công việc khác của Trần Đương về lĩnh vực văn học cũng cần đề cập ở đây là ông có hàng loạt bài viết bằng tiếng Đức đã công bố. Ngoài khoảng 30 bài thơ ông sáng tác, có nhiều bài giới thiệu thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu, văn học cách mạng Việt Nam, giới thiệu Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và nhiều vấn đề thời sự trong đời sống chính trị - xã hội, văn học - nghệ thuật của Việt Nam.
Bởi vì văn hóa là cả một cánh đồng rộng lớn, Trần Đương không chỉ giới hạn công việc của mình trong văn học mà còn trên nhiều loại hình nghệ thuật khác, như điện ảnh, âm nhạc, hội họa, sân khấu, nhiếp ảnh… Tuy nhiên, cũng cần nói rõ: các loại hình nghệ thuật ấy được ông đề cập, giới thiệu như là đối tượng của người viết báo, chứ không phải với tư cách nhà chuyên môn, bởi vì ông đâu phải họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn điện ảnh… Danh hiệu bao trùm của ông là nhà báo - nhà báo của chính trị, kinh tế, xã hội và cũng là nhà báo về văn học - nghệ thuật.
Số lượng bài viết về các loại hình nghệ thuật rất khác nhau: về nghệ thuật tạo hình khoảng 40 bài, về âm nhạc 30 bài, về điện ảnh khoảng 60 bài, về sân khấu chỉ 10 bài, nhưng nhiếp ảnh thì ngót 400 bài!
Đi sâu từng loại hình, ta thấy: về nghệ thuật tạo hình: Trước hết, Trần Đương quan tâm đến mối quan hệ của Bác Hồ với các nghệ sĩ tạo hình quốc tế như Picasso, Erich Johannson, Heinrich Dracke, những quan niệm và hoạt động của Người về lĩnh vực hội họa, điêu khắc – trong đó có việc căn dặn, khuyến khích các họa sĩ Việt Nam phấn đấu không ngừng trong sáng tác để phục vụ  nhân dân, phục vụ cách mạng. Trần Đương giới thiệu một loạt tên tuổi lớn trong nghệ thuật tạo hình quốc tế như: Wolfgang Mattheuer, Gerhart Richter, Wolfgang Laib, Caspar Friedrich, Anselm Kiefer, Picasso, Carlo Sacco…, giới thiệu nền hội họa Đức đương đại, các họa sĩ Nicaragoa, Italia, các sự kiện lớn trong nghệ thuật tạo hình. Một số họa sĩ Việt Nam hoạt động trên chiến trường Điện Biên Phủ, họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng, họa sĩ quân đội Bằng Lâm cũng như các cuộc tiếp xúc với nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương, Phạm Lực… cũng được Trần Đương giới thiệu trên các tạp chí: Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Mỹ thuật, Mỹ thuật và nhiếp ảnh.v.v…
Trên cơ sở bộ ảnh chụp các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam do Bằng Lâm thể hiện, Trần Đương có dịp bày tỏ những cảm nhận mà mình về các họa sĩ, các nhà điêu khắc, như: Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Lương Xuân Nhị, Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Tư Nghiêm, Quang Thọ, Huỳnh Phương Đông, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Trần Huy Oánh, Nguyễn Thanh Châu, Tạ Quang Bạo .v.v…
Về âm nhạc: Nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại của Đức đã được Trần Đương giới thiệu với tất cả niềm trân trọng, trong đó có Beethoven, Bach, Mozart, Schubert. Bài viết về việc Bác Hồ và Thủ tướng Otto Grotenthe nghe bản Giao hưởng số 9 của Beethoven cũng như các bài đề cập hình tượng Hồ Chí Minh trong âm nhạc quốc tế, bài “Văn Cao và những giọt nước mắt bên bờ Sông Elbe” đã gây ấn tượng trong lòng bạn đọc. Các cuộc tiếp xúc của Trần Đương với các nhạc sĩ Trần Hoàn, Trọng Bằng, Phó Đức Phương, Hồng Đăng và nhiều nhạc sĩ, ca sĩ quốc tế (Đức, Chilê…) cũng đem lại nhiều thông tin thú vị.
Về lĩnh vực sân khấu, Trần Đương đã có bài viết về một số nhà viết kịch và hoạt động sân khấu ưu tú như: F.Schiller, B.Brecht, G.Hauptmann, Thế Lữ, về các tác phẩm: “Viên đạn thần”, “Con rồng tre”… về một loạt hoạt động sân khấu của Đức tại Hà Nội cũng như tại Berlin.
Số lượng bài viết về điện ảnh, nhiếp ảnh, như đã nói, nhiều hơn hẳn. Những năm công tác phóng viên tại Đức, Trần Đương được tiếp xúc và cộng tác với một số nhà hoạt động điện ảnh như: Heynowski và Scheumann, Jane Fonda, K.Simonov, Volker Schloendorff, Karl Griep, với một số nhà hát kịch Berlin, Dresden… ông cũng có quan hệ gần gũi với Vũ Năng An, Nguyễn Tiến Lợi… qua đó được nghe thông tin về Helena Lemansca (Ba Lan), J.Ivens (Hòa Lan)… Từ các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc ấy, các bài viết đã ra đời với những chi tiết sống động. Khá nhiều tên tuổi lớn trong “thế giới điện ảnh” đã được Trần Đương giới thiệu trong đó có: R. Carmen, B. Eichinger, Werner Herzog, Woody Allen, Veit Hurlan, Wim Wenders…
Bên cạnh văn học là lĩnh vực quan tâm lớn nhất của đời mình, Trần Đương cũng có niềm đam mê đặc biệt đối với nghệ thuật nhiếp ảnh. Từ ngót 400 bài viết, ông đã tuyển và biên soạn một số sách: Còn mãi những khoảnh khắc (1998); Những lần chụp ảnh Bác Hồ (2000), Một thế hệ những người lính chép sử bằng ảnh (2002), Nhiếp ảnh - mấy vấn đề tiếp cận và tiếp nhận (2004), Một nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc (2005), Mỗi bước Người đi đều là lịch sử (2008), Những tháng năm bên Bác (2011)… Hiện nay Trần Đương đang thực hiện bản thảo quyển sách về danh nhân nhiếp ảnh Võ An Ninh.
Nhìn tổng thế, ông đã viết về những nhà nhiếp ảnh tiêu biểu nhất của đất nước, đó là: Võ An Ninh, Vũ Năng An, Nguyễn bá Khoản, Đinh Đăng Định, Lâm Hồng Long, Đinh Thúy, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Hồng Nghi, Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu… về một số nghệ sĩ - chiến sĩ khác trên lĩnh vực này. Dó đó, không ít bài viết tỏ ý khen ngợi và biết ơn Trần Đương có tấm lòng với những người từng cống hiến to lớn cho nền nhiếp ảnh cách mạng, mà cũng là cho lợi ích của dân tộc. Đề tài Bác Hồ với nhiếp ảnh và đội ngũ những người cầm máy được Trần Đương khai thác và ghi lại với nhiều trang cảm động. Cốt lõi ở đây chính là tấm lòng của vị lãnh tụ kính yêu, xưa kia cũng từng hoạt động nhiếp ảnh để kiếm sống và làm cách mạng. Trên nhiều số của tạp chí Nhiếp ảnh và Đặc san Mỹ thuật nhiếp ảnh, Trần Đương đã giới thiệu một loạt các nhiếp ảnh gia trên thế giới.
Trong tất cả các loại hình nghệ thuật nói trên, Trần Đương đều có những bài viết về quan hệ giữa Bác Hồ kính yêu và các nghệ sĩ quốc tế - qua đó có thể thấy rằng, hình tượng Hồ Chí Minh được thể hiện khá đậm nét trong âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, sân khấu, điện ảnh và nhiếp ảnh trong nước và cả trên trường quốc tế. Quan hệ giữa Bác Hồ và các nhà báo Việt Nam và quốc tế cũng vậy. Thật hiếm có vị lãnh tự như Người - một nhà cách mạng thiên tài, đồng thời cũng là nhà báo, nhà nhiếp ảnh, họa sĩ, nhà viết kịch và diễn kịch, và do đó Người thấy hơn ai hết tác dụng tích cực của văn học - nghệ thuật đối với công cuộc cách mạng của nhân dân.
Từ danh mục hàng ngàn bài viết của Trần Đương trong ngót nửa thế kỷ qua, chúng ta còn thấy những bài viết về các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật khác, như: Xiếc, múa rối, thể dục thể thao, bảo tàng, thư viện, xuất bản, công viên, vườn thú, nghệ thuật làm sách.v.v..
Niềm đam mê của người “Đại lực điền” này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực văn học, mà có thể nói, trên mọi khu vực của cánh đồng văn hóa. Mong ông giữ được sức khỏe dồi dào để tiếp tục cày xới và gieo hạt cho những mùa thu hoạch mới.
Nguyễn Quý Toàn

No comments:

Post a Comment