.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, June 22, 2012

ĐỖ NGỌC YÊN: NHÀ THƠ HỮU LOAN – NGƯỜI SUỐT ĐỜI “BẬN LO LÀM NGƯỜI”

(Toquoc)- Nhà thơ Hữu Loan có ý định xuất bản một tập “Thơ Hữu Loan” với 40 bài do đích thân cụ tuyển chọn từ năm 2004, tức là trước ngày cụ chào thế gian đi về cõi thiên thu 6 năm, sau khi bài thơ độc nhất vô nhị “Màu tím hoa sim” của cụ được Công ty Vitek VTB mua bản quyền với giá 100 triệu đồng. Vừa qua Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật cho nhiều nhà văn, nhà thơ, trong đó có nhà thơ Hữu Loan là một bằng chứng sinh động cho tài thơ cũng như những đóng góp của vị đại lão thi gia này cho cách mạng, chẳng ai có thể phủ nhận được.

1.
Có người bảo rằng, trong giới văn nhân, Hữu Loan là người có tính cách đặc trưng nhất của sĩ phu xứ Thanh Hoa. Tên thật của cụ là Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2/4/1916 tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Cụ là một trong số ít người thời ấy theo học Thành chung ở Thanh Hóa và sau đó thi đỗ tú tài tại Hà Nội. Trong “Lời tự thuật của Hữu Loan(1), cụ cho hay: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938, lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi, tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5- 6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi, Hồ Trọng Gin, Trịnh Văn Xuấn, Đỗ Thiện và… tôi- Nguyễn Hữu Loan”...
Sau khi thi đỗ tú tài, cụ đi dạy học và là một trong những người sớm giác ngộ cách mạng, nên đã tham gia Mặt trận Bình dân năm 1936, Mặt trận Việt Minh ngay sau đó ở thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa). Năm 1943, nhà thơ Hữu Loan được phân công về gây dựng phong trào Việt Minh ở quê hương Nga Sơn, cho đến khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, cụ được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa huyện Nga Sơn.
Tuy nhiên, từ trước năm 1945, cụ đã từng làm cộng tác viên của nhiều tập san Văn nghệ ở Hà Nội. Có lẽ vì thế, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hữu Loan được cử làm Uỷ viên Văn hóa trong Uỷ ban hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ 1946, cụ tham gia quân đội nhân dân Việt Nam, phục vụ trong Đại đoàn 304. Cụ đã kể lại: “Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ (mẹ vợ tương lai), tôi đã lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em (Lê Đỗ Trọng Ninh, nhân vật người vợ mới cưới trong bài thơ “Màu tím hoa sim” theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi... lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng, em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi... Tôi quay đầu nhìn lại... em vẫn đứng yên đó ... Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa”...
Ba tháng sau khi cưới, cụ nhận được tin dữ người vợ rất đỗi yêu quý của mình đã qua đời! Cụ nhớ lại: “Em chết thật thảm thương. Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồng (thuộc ấp Thị Long, huyện Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại trong tôi nỗi đau không gì bù đắp nỗi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi”.
Nỗi đau mất người vợ trẻ cụ phải giấu kín trong lòng, không giám cho đồng đội biết cốt để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Oái oăm là càng nén, thì nỗi đau ấy lại càng trào sôi lên một cách dữ dội. Nhân trong một lần chỉnh huấn chuẩn bị bước vào chiến dịch mới, cấp trên cho phép mọi người bày tỏ tâm sự của mình. Chẳng cần phải suy nghĩ gì lâu, những câu thơ khóc người vợ quá cố mộc mạc cứ thế trào ra. Và chính nhà thơ cũng không thể nào ngờ những câu thơ ấy sau này có thể trở thành một bài thơ bất hủ, vượt thời gian và trường tồn hơn cả người làm ra nó. Đấy chính là bài “Màu tím hoa sim”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, nhà thơ Hữu Loan về công tác tại Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam cho đến giai đoạn 1956-1957. Từ dạo ấy, cụ đã kinh qua nhiều nghề để kiếm sống, nuôi đàn con nhỏ cùng người vợ tần tảo nơi quê nhà. Đúng 19 giờ ngày 18 tháng 3 năm 2010 nhà thơ Hữu Loan đã trút hơi thở cuối cùng tại nơi chôn rau, cắt rốn của mình, hưởng thọ ở tuổi 94.

2. Nhà thơ Hữu Loan sáng tác thơ từ khoảng cuối những năm 30 đến giữa những năm 50 của thế kỷ trước, trong vòng 15 năm. Hiện những bài thơ của cụ đã in được lưu truyền không nhiều, khoảng trên dưới chục bài: “Đèo Cả”, “Màu tím hoa sim”, “Ngày mai”, “Đêm”, “Hoa lúa”, “Chiếc chiếu”, “Yên Mô”,... Nhưng có lẽ nổi bật nhất và là đặc trưng cho phong cách thơ Hữu Loan là các bài “Đèo Cả” và “Màu tím hoa sim”. Hai bài mang hai phong cách thơ hoàn toàn khác nhau, có thể là đối lập nhau, nhưng vẫn nằm trong thể thống nhất của một tài năng thoi ca lớn. “Màu tím hoa sim” là bài thơ khá quen thuộc đã được nhiều người bàn thảo, nên ở đây tôi dành sự chú tâm vào bài “Đèo Cả”.
Đèo Cả”, theo tôi được biết cho đến nay, đây là bài thơ ra đời sớm nhất không chỉ của nhà thơ Hữu Loan, mà của dòng văn chương kháng chiến chống Pháp nói chung. Cụ đã viết bài thơ này vào năm 1946, khi mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới bắt đầu, nhưng giọng thơ đã vang lên sang sảng, oai hùng như khí phách của người lính xung trận giữa đèo mây mù sương vùng núi phía Tây miền Trung đất nước hiện lên rất rõ:
“...Núi cao vút
 Mây trời Ai Lao
sầu
đại dương
Dặm về heo hút
Đá bia mù sương
Bên quán
Hồng Quân
người
ngựa
mỏi
Nhìn dốc ngồi than
thương ai
lên đường...
Tóc tai
trùm
vai rộng
Không nhận ra
người làng
Rau khe
cơm vắt
áo
pha màu
sa trường...”.
Những người nông dân mặc áo lính của chúng ta bước vào cuộc chiến còn mang theo hào khí của Cách mạng tháng Tám, trong tư cách của người dân một nước vừa giành được độc lập. Dù phía trước còn bao khó khăn, gian khổ tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng không chỉ đối với riêng người lính nơi mặt trận, mà còn cả với một dân tộc vừa mới giành được chính quyền về tay nhân dân vào thời điểm lúc ấy:
“...Ngày thâu
vượn hót
Đêm canh
gặp hùm
lang thang...
Giặc
từ trong
tràn tới
Giặc
từ Vũng Rô
bắn qua
Đèo Cả
vẫn
giữ vững
Chân đèo
máu giặc
mấy lần
nắng khô...”.
Nhưng những người lính vẫn ngẩng cao đầu hiên ngang bước vào cuộc chiến thì chúng ta mới thấy hết niềm tự hào về Cách mạng tháng Tám cũng như chiến thắng Điện Biên phủ sau này.
Khó khăn gian khổ là thế, vậy mà:
“...Sau mỗi trận thắng
Ngồi bên suối đánh cờ
Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt
Người vá áo thiếu kim mài sắt
Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu
Suối mang
bóng người
Trôi những về đâu...”.
Có người cho rằng những khoảnh khắc như thế này là sự “lãng mạn cách mạng” của những người lính chống Pháp năm xưa, mà sau này trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và nhất là hiện nay chúng ta thấy thưa vắng dần đi cái cảm hứng ấy. Cũng là phải thôi, thi hứng bao giờ cũng là sản phẩm của một thời khắc, một giai đoạn lịch sử nhất định. Khi cái thời khắc, giai đoạn ấy qua đi, thời đại lịch sử mới sẽ đem lại cho thi ca cảm hứng sáng tạo mới, phù hợp với hoàn cảnh thực tại mà nhà thơ sống và sáng tác, đấy cho chuyện hoàn toàn  dễ hiểu.
Nhưng theo tôi, khoác lên cho thơ Hữu Loan nói riêng và thi ca của thời kỳ chống Pháp nói chung cái áo “lãng mạn cách mạng” là cách nói đại ngôn, gán ghép mang màu sắc chính trị cơ hội cho thi ca giai đoạn này. Bởi lẽ, nếu như có thể so sánh giữa hai cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây và chống Mỹ sau này, chỉ xét về khía cạnh con người và những điều kiện vật chất, mà ở đó con người sống, chiến đấu, lao động và sáng tác văn chương, thì chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra sự khác biệt rất rõ giữa hai giai đoạn văn chương ấy, đặc biệt là về phong cách sáng tạo. Nếu thơ ca chống Mỹ tỉnh táo, khôn ngoan, có phần uốn éo và “tân kỳ” bao nhiêu, nói một chiều, nhằm một hướng đích, thì thơ ca thời kỳ chống Pháp lại mộc mạc, chân thành, nhưng đầy tính chất sáng tạo bấy nhiêu. Thơ chống Pháp gần với con người hơn xét ở khía cạnh bản thể, còn thơ chống Mỹ lại gần với những mục tiêu mà con người cần hướng tới.
Theo thiển nghĩ cá nhân, “Đèo Cả” là một trong nhưng mẫu mực sáng tạo của thi ca thời kỳ chống Pháp với một cách nói và lối viết rất phóng túng, mà vẫn rất chân thật, không cầu kỳ, vòng vo uốn éo như sau này. “Đèo Cả” xứng đáng là cái gạch nối rất chuẩn giữa thơ ca truyền thống và Thơ Mới, ảnh hưởng của thơ Pháp thời kỳ trước 1945. Thậm chí “Đèo Cả” của nhà thơ Hữu Loan không chỉ là sự kế thừa một cách tối ưu nhất những giá trị nghệ thuật, phong cách sáng tạo của truyền thống thi ca Việt và của Thơ Mới. Và so với Thơ Mới, “Đèo Cả” đã có một bước tiến khá xa về thi pháp, tạo được dấu ấn cá nhân thi sĩ trong cách cấu tứ, ngôn từ diễn đạt đến hình tượng thơ. Bài thơ rất phù hợp với tính cách và cái tạng cương cường của người thơ Hữu Loan. Có thể nói chỉ cần “Đèo cả” và “Màu tím hoa sim” cũng đủ để làm nên một thương hiệu thi ca mang đậm phong cách Hữu Loan không trộn lẫn vào đâu được và sống mãi với thời gian./.
Đỗ Ngọc Yên
------------------------------
(1) Lời tự thuật, Hữu Loan, xem khungtroisaomai.com

No comments:

Post a Comment