.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, June 8, 2012

ĐOÀN PHÚ TỨ, “TÌNH MỘT THỦA CÒN HƯƠNG…”

Năm 1942, Đoàn Phú Tứ giữ vai trò quan trọng, cùng với nhà văn Nguyễn Lương Ngọc, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và nhà thơ Phạm Văn Hạnh đã lập nên nhóm Xuân Thu nhã tập... Đấy là một hiện tượng văn nghệ mà nhiều thập kỷ sau người đời vẫn nhớ, và nhớ nhất là bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ mà Hoài Thanh và Hoài Chân bình giá: "Trong thơ ta có lẽ không có bài thơ nào khác tinh tế và kín đáo đến thế!".

Kịch tác gia xuất chúng
Đoàn Phú Tứ sinh ngày 10-9-1910 tại nhà 41 (cũ), phố Hàng Than, Hà Nội, trong một gia hệ có truyền thống nho học. Là con thứ hai trong một gia đình có 9 anh em, nhưng do cố gắng của bố mẹ, Đoàn Phú Tứ được ăn học chu đáo, năm 1929 đã đỗ Thành chung ở trường Bưởi, năm 1932 lại đỗ Tú tài Tây ở trường Albert Sarraut, ban Triết học, sau đó theo học Luật. Theo Hoài Thanh, Hoài Chân thì "Đoàn Phú Tứ viết văn từ năm 1925, lúc còn học lớp nhất. Những bài văn đầu tiên là những từ khúc đăng báo Đông Pháp". (Thi nhân Việt Nam). Theo Tiểu sử văn học do chính nhà văn viết thì, năm 1933 bút danh Đoàn Phú Tứ xuất hiện lần đầu tiên với bài thơ Một buổi chiều xuân, trên báo Phong hóa. Ngay sau đó, ông cho đăng nhiều vở kịch ngắn, được công chúng rất yêu thích, đến mức Nhà xuất bản Đời nay liên tiếp xuất bản hai tập kịch của ông, Những bức thư tình (6 vở) và Mơ hoa (6 vở). Đoàn Phú Tứ có một trái tim rất giàu xúc cảm, nhưng tính khí rất cương trực. Điều này khiến đường đời ông sau này gặp nhiều khổ lụy. Năm 1933 xảy ra một câu chuyện, sau này các con và cháu của Đoàn Phú Tứ được cha, ông kể cho nghe rằng, một lần Đoàn Phú Tứ phải thay người anh (là Đoàn Phú Quán làm ở Sở Địa chính, đang bị ốm) đi lĩnh lương. Tới Sở, Chủ sở người Pháp đang ngồi đọc báo, Đoàn Phú Tứ  gõ cửa tới ba lần ông ta mới ngẩng lên cau mặt, mắng: "Đồ mất dạy". Đoàn Phú Tứ mắng lại ngay: "Chính ông mới là đồ mất dạy. Nhà nước trả lương để ông làm việc công hay ngồi đọc báo!" Thấy Đoàn Phú Tứ đĩnh đạc mà nói tiếng Pháp quá chuẩn, tay Chủ Sở gượng cười, hỏi han, rồi gọi nhân viên trả lương...
Năm 1937, tên tuổi Đoàn Phú Tứ xuất hiện rất nhiều cùng các vở kịch Ghen, Hai vợ chồng, Thằng cuội ngồi gốc cây đa, Ngã ba...Trong đó, hai vở Thằng Cuội ngồi gốc cây đa Ngã ba khi công diễn đã tạo nên tiếng vang lớn trong đời sống văn nghệ đương thời, được giới học thuật đánh giá là mang tư tưởng Thiền học. Thằng Cuội của Đoàn Phú Tứ không chỉ là thằng nói dối, mà là một nhân vật gợi cho công chúng nghệ thuật nhiều điều về đời sống xã hội, nó là lời cảnh báo về sự ngộ nhận của con người. Vở kịch 3 hồi Ngã ba của Đoàn phú Tứ không chỉ đề cập những vấn đề về ái tình, hôn nhân, mà qua 6 nhân vật Hùng, Mạnh, Cẩm, Thi, Lượng, Tuyền với tâm trạng trống trải mênh mông, khi trên thế giới đã xảy ra tai họa Chủ nghĩa phát xít, tác giả đặt ra vấn đề nhân bản rất rõ: Giữa trần thế mù mịt, cuộc đời rồi đi về đâu? Ngã ba đã đưa Đoàn Phú Tứ lên vị trí hàng đầu trong các tác gia kịch đương thời. Cũng từ năm 1937, Đoàn Phú Tứ chủ trương ban kịch Tinh hoa đồng thời làm Chủ nhiệm báo Tinh hoa, với cương vị này, ông tham gia Hội nghị báo giới Bắc kỳ đòi quyền tự do báo chí, lập nghiệp đoàn, và ông được bầu là Chủ tịch Hội nghị...
Hiện tượng đặc biệt của Thơ mới

Và rồi, Đoàn Phú Tứ nổi tiếng lừng lẫy khi cho in bài thơ Màu thời gian (tháng 2 năm 1940), dư luận đã cho rằng, ông là thi sĩ sáng tạo nên những câu thơ tinh tế bậc nhất trong thơ Việt Nam:
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian...
Trong dòng chảy thơ ca Việt Nam, đó là những dòng lấp lánh lạ thường. Sức liên tưởng của tác giả thật rộng, ngôn ngữ thơ đẹp thanh thoát:
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Mượn ý từ tích cổ, câu thơ đậm hơi hướng cổ điển: Tóc mây một món chiếc dao vàng... Tình thơ lại mới lạ đến bất ngờ:
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thủa còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ II đã ảnh hưởng tới Đông Dương, những văn nghệ sĩ tâm huyết với đời muốn sống có ích cho nghệ thuật, cho dân tộc, đều muốn tìm một con đường dấn thân mới, hoặc muốn tạo nên một chủ trương mới cho nghệ thuật của mình. Năm 1942, Đoàn Phú Tứ giữ vai trò quan trọng, cùng với nhà văn Nguyễn Lương Ngọc, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và nhà thơ Phạm Văn Hạnh đã lập nên nhóm Xuân Thu nhã tập... Đấy là một hiện tượng văn nghệ mà nhiều thập kỷ sau người đời vẫn nhớ, và nhớ nhất là bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ mà Hoài Thanh và Hoài Chân bình giá: "Trong thơ ta có lẽ không có bài thơ nào khác tinh tế và kín đáo đến thế!".

Những dặm đường hào hứng và gian nan

Năm 1946, Đoàn Phú Tứ được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1947, ông lên Việt Bắc tham gia kháng chiến; một thời gian sau lại vào Thanh Hóa, giảng dạy tại Trường Văn hóa kháng chiến Liên khu IV. Thời gian này, tướng Nguyễn Sơn là một nhân vật quan trọng ở Liên khu IV nói chung và Thanh Hóa nói riêng, ông có nhiều ảnh hưởng tốt đối với phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, vị tướng này cũng đã có phần dùng "mệnh lệnh quân sự" đối với văn nghệ sĩ. Tướng Nguyễn Sơn đã nhận xét về bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ: "Làm sao hiểu nổi những cái vặn vẹo hũ nút ấy được". Thế rồi, mùa hè năm 1948, Đoàn Phú Tứ rời Thanh Hóa, lên Đại Từ, Thái Nguyên, làm việc tại Tòa soạn tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam. Đây là thời gian ông viết được khá nhiều, cả sáng tác, dịch thuật và viết những bài nghiên cứu. Ông được bầu là Thường vụ Đoàn sân khấu Việt Nam (thành lập trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc, năm 1948). Trong cuộc sống kháng chiến, Đoàn Phú Tứ sống hết mình cho văn nghệ kháng chiến, ông cùng bộ đội đi chiến dịch Sông Thao năm 1949, để viết. Từ 25 đến 28-9-1949, ông ngồi ghế đồng chủ tọa trong Hội nghị tranh luận văn nghệ, và đọc bài tham luận Một quan niệm về kịch. Ông còn giảng dạy ở Trường trung học kháng chiến về Truyện Kiều, giảng dạy ở Trường Văn nghệ Việt Nam về phương pháp viết kịch... Năm 1949, ông xuất bản tập kịch Trở về và công trình nghiên cứu ngữ văn Đi tìm chủ từ trong vài đoạn văn Đoạn trường tân thanh...
Tại Việt Bắc, năm 1950, có một đám cưới cực kỳ xa xỉ của đại tá Trần Dụ Châu (phụ trách Cục Quân nhu). Lợn gà đem mổ để phục vụ đám cưới chất đầy bờ sông Nông Giang, đến mức dân chúng thì thào: "múc nước sông về nấu canh cũng ngọt". Sơn hào hải vị, rượu Tây, thuốc lá Tây, bánh trái được chuyển từ Hà Nội tạm bị chiếm lên... Trong một ngôi đình lớn ở Phú Bình, Thái Nguyên, thực khách vừa ăn uống dưới ánh sáng nhiều trăm ngọn bạch lạp rất lớn, kiểu vua chúa hay dùng, vừa nghe nhạc sống do văn công trình diễn... Nhà văn Đoàn Phú Tứ trực tiếp chứng kiến cái đám cưới này, và đã đụng độ với Trần Dụ Châu. Trong cơn say, Châu đã đề nghị Đoàn Phú Tứ sáng tác bài thơ ca ngợi đám cưới. Đoàn Phú Tứ trả lời: "Tôi chỉ làm thơ phục vụ nhân dân, không thể ca ngợi những cá nhân hư hỏng".
Vậy là xảy ra cuộc đấu khẩu mỗi lúc một gay gắt giữa nghệ sĩ và cục trưởng. Để tỏ rõ quyền uy, Trần Dụ Châu đã bạt tai Đoàn Phú Tứ... Sau sự kiện đó, Đoàn Phú Tứ đã rời Việt Bắc, vào Thanh Hóa thăm gia đình chị dâu (vợ anh Đoàn Phú Quán) tản cư ở Rừng Thông. Một thời gian sau, tháng 7-1951 Đoàn Phú Tứ lại ra Bắc. Khi tới thị trấn Kim Tân của huyện Thạch Thành, Thanh Hóa vào một ngày mưa lầy lội, ông gặp người em thứ bảy là Đoàn Phú Thực khi ấy là Chính trị viên đại đội Vệ quốc quân. Tâm sự với em, Đoàn Phú Tứ thổ lộ rằng, sẽ về thành Hà Nội; và ông cũng nói, như hứa với em là sẽ không làm gì phương hại đến kháng chiến... Rồi Đoàn Phú Tứ đã sống đúng như lời hứa ấy, dù báo chí Hà Thành chèo kéo tác giả Ngã ba, Màu thời gian và nhiều vở kịch góp phần đặt nền móng cho nền kịch nói Việt Nam hiện đại, ông vẫn không soạn một vở kịch ngắn, không viết một bài báo thời cuộc nào.
Trong hồi ký Giữa thành phố bị chiếm đóng, Nguyễn Bắc, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, có viết về lần gặp Đoàn Phú Tứ tại nhà họa sĩ Hoàng Tích Trù: "Trông anh gầy và xanh, quần áo là thẳng nếp, đeo cravat, đội mũ phớt... Tôi nói đùa: Thế nào, anh có định chơi kịch trong này không? Anh nói: Tôi trả lời trên báo Tia Sáng rồi, rằng Nhà hát lớn bụi lắm! Tôi lại chọc anh một câu cho vui: Trước kia anh viết Ngã ba, bây giờ vào đây anh viết Ngã tư cho thành một bộ! Anh nghiêm nét mặt nói: Đã vào đây rồi thì còn thiết gì nữa. Giọng anh hơi buồn...". Suốt ba năm, từ 1951 đến ngày Giải phóng Thủ đô 1954, Đoàn Phú Tứ chỉ lặng lẽ đi giảng dạy ngoại ngữ và văn chương ở Đại học Văn khoa và mấy trường tư thục.

Khổ lụy có nghĩa lý gì đâu

Tháng 8-1952 Đoàn Phú Tứ xây dựng gia đình, như một chuyện lạ lùng đối với nhiều người ở Hà Nội khi ấy. Vợ ông là Nguyễn Thị Khiêm, một nữ sinh trung học nhỏ xinh, kém ông tới 31 tuổi. Là một thiếu nữ nhan sắc, con thứ sáu của một gia đình Hà Nội gốc, năm 14 tuổi Nguyễn Thị Khiêm đã tham gia tổ chức Thiếu nữ Tiền phong; và, khi toàn quốc kháng chiến, đã là liên lạc viên cho Trung đoàn Thủ đô trong những ngày chiến đấu "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh". Sau hơn sáu mươi ngày đêm tham gia chiến đấu giữa Hà Nội khói lửa, dẫu chưa được gia đình đồng ý, Nguyễn Thị Khiêm cũng cùng đoàn quân chiến đấu của Thủ đô rút lên Việt Bắc. Sau ba năm công tác văn thư tại Ban Dân vận, thuộc Bộ Tổng tư lệnh, Nguyễn Thị Khiêm được tổ chức cử về nội thành với nhiệm vụ liên lạc. Không may, do lộ hình tích nên bị địch bắt giam ở Nhà Tiền. Gia đình biết chuyện, đã nỗ lực vận động, Nguyễn Thị Khiêm được trả lại tự do. Nguyễn Thị Khiêm lại học tiếp chương trình đã bỏ dở dang bốn năm về trước. Thế rồi, cô nữ sinh rất mê những bài giảng về văn chương của Đoàn Phú Tứ, đã yêu ông, và đồng ý làm vợ ông, mặc dù bố mẹ, họ hàng phản đối kịch liệt.
Cặp vợ chồng tài sắc rất thương yêu nhau. Tuy nhiên, "cơm áo không đùa với khách thơ", nhất là từ năm 1953 bà Khiêm sinh đôi hai con trai. Sau giải phóng Thủ đô, Đoàn Phú Tứ rất khó có một việc làm, lại luôn sống trong mặc cảm là người đã "về thành". Năm 1956, ông được nhận dạy văn ở trường Albert Sarraut, và có dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam tháng 4-1957. Đến thời gian này, bà Khiêm sinh thêm hai con trai nữa, gia cảnh càng thêm khó khăn. Cựu quân nhân Nguyễn Thị Khiêm - đơn vị Ban Văn thư Đ.V.19 cũng đã được Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất (ký ngày 3-3-1958), nhưng không giúp gì được cho đời sống gia đình bà. Rồi Đoàn Phú Tứ không còn được dạy học nữa, hoàn toàn không có nguồn thu nhập nào. Nhờ nghị lực phi thường của bà Khiêm nên gia đình bảy miệng ăn này đã trụ được! Bà là giáo viên cấp I, rồi chuyển sang làm kế toán cửa hàng rượu bia ở Hàng Đào, đồng thời làm thêm rất nhiều nghề phụ, từ chăn nuôi lợn gà, may thuê, đan dệt len, cho đến bán bánh rán... Đoàn Phú Tứ thường nói với các con rằng, vợ ông chính là "cái gốc" của cả nhà! Còn có thêm một nguồn trợ lực rất đáng kể từ những người bạn văn nghệ của Đoàn Phú Tứ, đó là Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Đình Hòe, Thế Lữ; đặc biệt là giáo sư Nguyễn Lương Ngọc ở phố Châu Long và nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu ở 11 phố Hàng Bông...
Những năm tháng này Đoàn Phú Tứ có một cuốn lịch bé xíu, trong đó ông ghi những "món vặt" các bạn giúp đỡ, chẳng hạn: "TVL 10đ (ngày 3-4); TVL 20đ (ngày 28-5); NLN...". Nhà 11 Hàng Bông là nơi lui tới của nhiều văn nghệ sĩ chơi với nhau từ thời tiền chiến, lại cùng đi tham gia kháng chiến, như nhạc sĩ Tử Phác, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Vũ Đình Liên, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn, nhà thơ Trần Lê Văn... và họ đều rất quý trọng Đoàn Phú Tứ. Có lần nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu tâm tình với bạn: "Bọn chúng mình, Tứ là người gặp nhiều khổ lụy nhất". Đoàn Phú Tứ đáp lại, giọng nho nhỏ: "Đời có được nhiều bạn tốt, thì khổ lụy nghĩa lý gì đâu!".

Tình một thủa còn hương


Năm 1964 đã xảy ra một sự kiện ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tinh thần Đoàn Phú Tứ. Theo giai thoại nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi kể thì, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi biết hoàn cảnh đời sống của Đoàn Phú Tứ, đã mời nhà văn đến nhà riêng ăn cơm. Sau đó, ông đã có ý kiến với Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa. Không biết giai thoại đó chính xác ngần nào, chỉ biết, đời sống văn chương, nghệ thuật nước ta xuất hiện một dịch giả rất xuất sắc là Tuấn Đô với dịch phẩm Kịch Caragialê. Chỉ những người thân thiết mới biết Tuấn Đô là bút danh mới của Đoàn Phú Tứ. Từ năm 1950, khi đang là Thường vụ Đoàn Sân khấu Việt Nam, ở chiến khu Việt Bắc, Đoàn Phú Tứ đã có nhiều dịch phẩm về sân khấu quốc tế, như Tổ chức kịch ở Liên Xô (tạp chí Văn nghệ số 22), Hoạt động kịch trường Liên Xô trong chiến tranh vừa qua (tạp chí Văn nghệ số 23)... Đến những năm từ 1969 tới 1982, Đoàn Phú Tứ lần lượt dịch những tác phẩm tinh hoa của các nhà viết kịch danh tiếng trên thế giới như Môlie, H. Ipxen, A. đơ Muyxê, W. Sêchxpia... Những bản dịch với ngôn ngữ đẹp đẽ của Tuấn Đô thực sự là những đóng góp cho đời sống sân khấu Việt Nam. Ấn tượng đặc biệt Tuấn Đô để lại trong độc giả là bản dịch tiểu thuyết Đỏ và đen của Stăngđan, xuất bản năm 1971. Và, năm 1981, bản dịch tiểu thuyết Păngtagruyen của Rabơle hay đến mức có thể gọi là xuất sắc! Gần 20 năm trời, biết bao dịch phẩm của Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ đều do NXB Văn học xuất bản, là một đóng góp đáng kể cho văn hóa nước nhà. Do vậy, ngày 22-11-1983, Bộ Văn hóa - Thông tin đã tặng ông Huy chương Chiến sĩ văn hóa; tiếp đó, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao Giải thưởng Văn học dịch (1983-1984) cho ông!
Đời văn Phạm Phú Tứ có hai chặng thật đẹp, một là chặng từ 1933 tới 1945, hai là từ năm 1964 đến cuối đời. Chặng đầu, ông nổi lên như một kịch tác gia xuất chúng với gần 20 vở kịch; và, với bài thơ Màu thời gian, ông là một hiện tượng đặc biệt của Thơ mới (1932-1942). Chặng cuối đời, Đoàn Phú Tứ với bút danh Tuấn Đô, là một dịch giả hàng đầu trong đời sống văn học Việt Nam! Một lần ngồi chơi với Đoàn Phú Tấn, con trai đầu của nhà văn Đoàn Phú Tứ, tôi nêu nhận xét: "Hóa ra ở Việt Nam ta cũng có một nhà văn, khi đã có tuổi vẫn viết (dịch) văn chương với mục đích đầu tiên là có tiền để góp cho vợ nuôi đàn con, nhưng đã rất thành công trong nghệ thuật. Người đó là thân phụ của Tấn đấy!". Đoàn Phú Tấn cùng các em đều đã trưởng thành trong cuộc đời này. Hôm đó, tôi không dám kể cho Đoàn Phú Tấn những chuyện tôi được nghe về lão nhà văn Đoàn Phú Tứ.
Chẳng hạn, dịch giả Thúy Toàn, Phó giám đốc NXB Văn học kể: Ông Tuấn Đô thường đến NXB với nụ cười nhỏ nhẹ: "Cho mình mượn trước một ít nhuận bút...", thế rồi, tiền tạm ứng liên tục, nên khi sách ra, thanh toán nhuận bút thì dịch giả vẫn còn nợ NXB; nợ từ tập sách trước chuyển thành tạm ứng cho tập sách sau... Bây giờ viết chuyện này ra, tôi muốn nói riêng với Đoàn Phú Tấn rằng, đó là một thành công hiếm có trong cuộc đời này của một người cha nghệ sĩ tài danh! Lại có chuyện này nữa: Sau khi trao Giải thưởng Văn học dịch cho Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ, năm 1985 Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam đã có Quyết định, do nhà văn Hữu Mai ký, về việc kết nạp Đoàn Phú Tứ làm hội viên dự bị của Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi năm 1987, Ban Thư ký Hội Nhà văn lại gửi cho Đoàn Phú Tứ thông báo, do nhà văn Hữu Mai ký, về việc Đoàn Phú Tứ là hội viên chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam (!). Thời điểm này, lão nhà văn đã 87 tuổi. Thêm nữa, Thẻ hội viên của Đoàn Phú Tứ, do nhà thơ Chính Hữu ký, lại ghi Đoàn Phú Tứ sinh năm 1926 (!)... Sau khi nhà văn qua đời ba năm, người ta đã sửa được sự tình khá bi hài này, trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (Hội Nhà văn Việt Nam biên soạn và xuất bản năm 1992), tên tuổi Đoàn Phú Tứ đã được ghi đúng, và xác nhận ông là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, từ năm 1957...

Màu thời gian tím ngát

Năm 1989, bà Nguyễn Thị Khiêm bị bệnh nan y, phải phẫu thuật, nhưng không qua khỏi. Ngày 4-7-1989, người phụ nữ bao nhiêu năm là chỗ dựa cho chồng, con đã lặng lẽ vĩnh biệt "bể khổ cuộc đời", như lời Đoàn Phú Tứ trong lúc buồn đau nhất nói với bạn bè. Sau sự kiện này, ông trở nên âm thầm, không mấy khi bước chân ra khỏi nhà. Và rồi, chưa đầy ba tháng sau, ngày 29-9-1989, nhà viết kịch lớn, nhà thơ đặc sắc, dịch giả tiêu biểu Đoàn Phú Tứ cũng từ biệt cõi đời, để đi đến thế giới mà bà Khiêm đang ở đó!...
Một lần trò chuyện với Đoàn Phú Tấn, tôi được biết, năm 1992, phần mộ của ông bà Đoàn Phú Tứ đã được chuyển về nghĩa địa thôn Đại Từ, xã Đại Kim, vùng đất coi như là quê xa của bà Khiêm. Ở đây, thật nhiều cây cối sum xuê, mát mẻ.
Tôi bỗng đọc nho nhỏ bài thơ Màu thời gian, thấy cảm thương và kính trọng ông, bà vô cùng:

Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh...
Tình một thủa còn hương
Màu thời gian tím ngát.
 
Tháng 9-2011

ANH CHI
Nguồn: TCNV 06-2012

No comments:

Post a Comment