“Hỡi
lời ca man dại
Điệu nhạc thở hơi rừng
Đêm nay xuân đã lại
Thuần tuý và Tượng trưng”
(Bích Khê- Xuân Tượng trưng)
Có thể nói, văn học lãng mạn Việt
Nam dù chỉ ra đời và phát triển trong vòng 15 năm nhưng đã hầu như thâu tóm cả
chặng đường phát triển 100 năm của văn học Pháp ở góc nhìn tiếp biến các trường
phái, các trào lưu sáng tác. Nó tiếp biến cùng một lúc tất cả các trường phái
trong điều kiện mà tất cả các trường phái này ở văn học phương Tây hầu như đã
đi trọn vẹn quá trình của mình. Từ cội nguồn gốc rễ của các yếu tố nội sinh
trong nền văn hoá, văn học dân tộc; từ mối quan hệ với các nền văn hoá, văn học
phương Đông trong cuộc tiếp biến văn hoá lần thứ nhất với Trung Hoa; trong cuộc
tiếp biến văn hoá, văn học lần thứ hai này đối với phương Tây, các nhà thơ lãng
mạn Việt Nam hầu như rất chủ động. Họ tiếp thu tất cả các chủ nghĩa, các trường
phái cùng một lúc rồi hoà trộn vào năng lượng sẵn có trong vốn văn hoá, văn học
truyền thống và bằng tài năng của mình, mỗi người một vẻ góp phần thúc đẩy rất
nhanh quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam..
Một cách tương đối, ta dễ thống nhất
rằng, có một nhà thơ lãng mạn Việt Nam mà khi nhắc đến sự ảnh hưởng của chủ
nghĩa tượng trưng đối với văn học Việt Nam, ta không thể không nhắc đến, đó
chính là Bích Khê.
I-
Vài nét về chủ nghĩa tượng trưng
Chủ nghĩa tượng trưng là một trào
lưu nghệ thuật và là một quan điểm triết học - mỹ học xuất hiện cuối thế kỉ XIX
- đầu thế kỉ XX. Vì thế, nó là một thuật ngữ nhiều nghĩa để chỉ một trào lưu
không thuần nhất. Tháng 9/1886, chủ nghĩa tượng trưng ra đời ở Pháp với bản
“Tuyên ngôn tượng trưng” của Jean Moreas đề xuất một quan niệm thi ca mới nhằm
phản ứng lối thơ thiên về chạm trỗ, trau chuốt ngôn từ của phái Thi sơn
(Parmasse) và cách làm thơ quá dễ dãi của trường phái lãng mạn. Họ quan niệm:
thi ca tượng trưng biểu hiện trước hết “những tư tưởng nguyên uỷ”, nó là kẻ thù
của “sự mô tả khách quan”. Hình tượng tượng trưng là đa nghĩa, bất định, nó ghi
nhận sự tồn tại của “khu vực bí ẩn” (Mallarmé), của “những cái vô hình và những
thế lực định mệnh” (Maeterlinck), thơ “trước hết phải có nhạc tính” do
âm nhạc hơn hẳn các nghệ thuật khác trong việc truyền đạt những sắc thái, những
bán âm (Verlaine). Quan niệm tượng trưng như là hình tượng có khả năng không
chỉ biểu đạt những sự tương hợp của các khách thể và hiện tượng mà trước
hết có khả năng truyền đạt “nội dung thể nghiệm của ý thức” (A, Belyi).
Do vậy, ở những tác phẩm tượng trưng biểu tượng vật thể thực được đan bện chặt
với các thủ pháp ấn tượng. Vai trò chủ đạo trong nhận thức và sáng tác nghệ
thuật của chủ nghĩa tượng trưng là trực giác - được đồng nhất với sự
bừng ngộ thần bí, với sự khải thị, với trạng thái kích động cao. Và lần đầu
tiên trong lịch sử, chủ nghĩa tượng trưng đã “thơ hoá” cả cái Xấu và cái ác
(Baudelaire với Những bông hoa ác). Ta có thể rút ra những điểm nổi bật của chủ
nghĩa tượng trưng như sau:
1- Về nguyên tắc mỹ học: Nếu như thơ lãng mạn chủ yếu biểu hiện bằng hình tượng, hình
ảnh tương phản thì thơ tượng trưng biểu hiện mối quan hệ giữa con người và sự
vật trong mối tương hợp. Mỹ học tượng trưng cũng quan niệm giữa vũ trụ và con
người có một mối tương quan bí ẩn. Mối tương giao, tương hợp này diễn ra trên
nhiều mặt. Có sự tương giao về ý niêm: hư - thực, có sự tương giao về cảm giác:
ánh sáng- bóng tối, có sự tương giao về không gian: ngang - dọc, có sự tương
giao về màu sắc: đen - trắng, có sự tương giao về màu vị: trong - ngọt... Giữa
vũ trụ và con người có sự tương ứng huyền bí (Baudelaire).
2-
Về quan niệm thơ: Chủ nghĩa tượng trưng xem thơ như một thứ siêu cảm
giác, không giải thích được. Thơ phải gắn chặt với âm nhạc, phải gợi chứ không
vẽ các đường nét, hình thể (Verlaine). Nghĩa là thơ không cần có hình tượng rõ
nét, và được quan niệm như một bản hoà âm huyền ảo. Mỗi từ trong thơ phải gắn
liền với một nốt nhạc.
3- Về đặc điểm thơ tượng trưng: Chủ nghĩa tượng trưng xem thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh,
là cái bóng, là tượng trưng cho một thế giới mà ta không nhìn thấy được. Đây
mới chính là bản thể của thế giới. Cho nên, nhà thơ phải đến với cuộc sống
bằng trực giác vì chỉ có trực giác mới tìm ra cái bí ẩn nằm sau thế giới
hữu hình, mới nhìn thấy thế giới đích thực là cái thế giới không nhìn thấy ấy.
4- Về mặt ngôn từ và phương thức thể
hiện: Thơ tượng trưng dùng biểu tượng như
là một cấu tạo hình tượng đặc biệt để chống lại lối miêu tả và biểu lộ tình cảm
trực tiếp của chủ nghĩa lãng mạn. Nói cách khác, chủ nghĩa tượng trưng tôn
trọng điều bí ẩn của thơ. Họ tránh dùng miêu tả mà dùng những từ gợi lên ý
nghĩa. Tức là dùng biểu tượng như là một phương tiện biểu hiện.
Đến thời kỳ cuối, thơ tượng trưng
rơi vào hình thức chủ nghĩa, mấp mé giữa đường ranh nghệ thuật và phi nghệ
thuật bằng lối thơ hủ nút, kín mít. Điều này khiến thơ tượng trưng rơi vào tình
trạng phi giao tiếp, có tính chất loại bỏ sự giao tiếp của người đọc.
II- Ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Bích
Khê
1- Lý do chọn Bích Khê làm đại biểu
cho sự ảnh hưởng này: Đến đây, cũng cần thiết phải nói
thêm rằng: việc nhà phê bình Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam coi Xuân
Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” là xuất phát từ quan điểm xem
xét một cách toàn diện tiến trình của thơ mới trên phương diện một chủ nghĩa
(Chủ nghĩa lãng mạn), và Xuân Diệu xứng đáng được gọi như thế. Còn theo chúng
tôi, Xuân Diệu là đại biểu của thơ lãng mạn Việt Nam, trong thơ ông có một vài
bài, một số câu, số ý mang yếu tố tượng trưng trên phương diện: giao cảm với
thiên nhiên (đã có gốc truyền thống phương Đông), yếu tố nhạc (theo truyền
thống “Thi trung hữu nhạc” cũng của phương Đông) kết hợp với lối tư duy thơ
hiện đại phương Tây. Chứ còn chủ ý sáng tác theo lối tượng trưng chủ nghĩa thì
hình như chỉ là thấp thoáng. Ở đây, về phương diện tương giao cảm giác cũng cần
phân biệt rằng: chủ nghĩa lãng mạn giao cảm với vũ trụ, thiên nhiên chủ yếu bằng
trực cảm qua cách miêu tả cụ thể hình ảnh bằng cảm xúc (Xuân Diệu nổi bật ở
kiểu trực cảm này). Còn chủ nghĩa tượng trưng lại tương giao với vũ trụ, thiên
nhiên bằng trực giác qua lối thể hiện bằng biểu tượng phi cụ thể (Bích
Khê, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng nổi bật ở kiểu trực giác này). Chính vì sự đánh
đồng giữa trực cảm và trực giác nên nhiều dẫn chứng về yếu tố tượng trưng
trong thơ Xuân Diệu của nhiều cuốn sách chưa có sức thuyết phục cao, chưa làm
cho người đọc hiểu đâu là trực cảm (direct perception) của chủ nghĩa lãng
mạn và đâu là trực giác (intution) của chủ nghĩa tượng trưng qua thuyết tương
giao cảm giác (Chúng tôi xin làm rõ vấn đề này ở phần sau). “Khác với thơ
đa cảm của phái lãng mạn... Thay vì nói: thơ là nguồn hoan lạc cho tâm, Valery
nói: thơ là nguồn hoan lạc cho trí” (Theo Đoàn Rạng - Mười thế kỉ văn
chương Pháp - Sài Gòn 1962). Nghĩa là đem đến “hoan lạc cho tâm” chính là trực
cảm của lãng mạn còn đem lại “hoan lạc cho trí” chính là trực giác của tượng
trưng.
Còn giữa Hàn Mặc Tử và Bích Khê, sở
dĩ chúng tôi chọn Bích Khê vì nói như Chế Lan Viên “Bích Khê làm thơ còn Hàn
Mặc Tử bị thơ làm”. Nghĩa là cái ý thức cách tân nghệ thuật trong cuộc
đời sáng tác của Bích Khê rất rõ, rất có chủ ý (Tên các tập thơ và một số bài
thơ của ông như: 2 tập Tinh huyết và Tinh hoa, bài Sọ người, bài Tranh loã thể,
bài Xuân tượng trưng, bài Duy tân... đã hàm chứa yếu tố tượng trưng rất rõ).
Còn Hàn Mặc Tử là một “nhà thơ mới” đi trọn nhất hành trình thơ lãng mạn Việt
Nam trong mối quan hệ bàng bạc (không có ý thức tập trung ở trường phái
nào) với các trường phái sáng tác phương Tây. Hàn ra đi từ thơ cổ điển đến với
lãng mạn, bước sang tượng trưng rồi siêu thực, và ở cuối chặng đường thơ “tài
hoa bạc mệnh” của mình, Hàn đã gửi trọn “đức tin thơ” vào Thiên Chúa - một học
thuyết tôn giáo thống trị cả một tiến trình phát triển của văn học phương Tây.
Ngay trong lời giới thiệu tập thơ đầu tay của Bích Khê năm 1939 (tập Tinh
huyết), Hàn Mặc Tử đã thốt lên cơ chừng như sửng sốt “ta có thể sánh văn thơ
của Bích Khê như một đoá hoa thần dị. Lối tượng trưng và huyền diệu, ngời ánh
như màu sắc Paul Valéry, cho ta nhận thấy thi sĩ đã chịu ảnh hưởng nhiều của
tác giả tập thơ Charmes”.
2- Thơ Bích Khê và sự ảnh hưởng của
các yếu tố của chủ nghĩa tượng trưng:
2.1- Đầu tiên chúng tôi xin được làm
phép so sánh đôi nét về cái mạnh ở chủ nghĩa lãng mạn của Xuân Diệu và cái mạnh
tượng trưng của Bích Khê. Cùng miêu tả mùa thu thì Xuân Diệu lại bằng trực cảm
tinh tế của một tâm hồn khát khao yêu cuộc sống, ông cảm nhận bằng tất cả giác
quan mình cái bước đi chuyển mùa rất cụ thể hình ảnh và sinh động với “rặng liễu
chịu tang”, “tóc liễu buồn buông xuống”, “lệ liễu chảy thành hàng”... Rồi nàng
thu tang lễ ấy lại được Xuân Diệu cho khoác lên mình một chiếc áo màu “mơ phai
dệt bằng những chiếc lá vàng” cụ thể. Trong khi Bích Khê bằng trực giác của
mình đã quên đi mọi hình ảnh cụ thể sinh động đi vào phía tiềm ẩn của mùa thu
để tiến đến một biểu tượng “vàng” trực giác bằng ý niệm: “Ô ! Hay buồn vương
cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”. Ta không hề thấy ở đây
một hình ảnh cụ thể nào. Có chăng chỉ có hình ảnh “cây ngô đồng”, nhưng cái cây
ấy đã bị bao trùm bởi nỗi “buồn vương” làm nhoà mất chính nó rồi, chỉ còn có ý
niệm “buồn”. Và “Vàng rơi! Vàng rơi!” đã cơ hồ như thâu tóm mọi cái trực cảm cụ
thể sinh động của Xuân Diệu để tiến sang phía trực giác tượng trưng chỉ biết có
“Vàng”. Rơi túa từ hư không những vàng là vàng, và vì thế nên “thu mênh mông”
mơ hồ trong ý niệm, không hề có nàng thu hình vóc cụ thể với tóc, với lệ, với
áo dệt bằng lá vàng, không còn cái sắc màu (sắc đỏ rũa màu xanh) cụ thể, cũng
không có lá cành cụ thể mà Xuân Diệu trực cảm được bằng cảm xúc mạnh (run rẩy
rung rinh lá, nhánh khô gầy). Có lẽ sẽ không ít dẫn chứng về sự khác nhau này
giữa Xuân Diệu và Bích Khê trong sáng tác cụ thể của hai ông. Nghĩa là cái
tương giao cảm giác của Xuân Diệu còn đứng rất vững trên bờ của trực cảm lãng
mạn với tay hái những chùm trái chín tượng trưng, còn với Bích Khê, sự tương
giao ấy đã đưa hẳn một chân sang phía trực giác của tượng trưng còn một chân
vẫn đứng nguyên bên bờ lãng mạn. Và có lẽ chính vì thế mà ta dễ nhận ra ở
tập “Tinh hoa” sau này, cái chân đưa sang tượng trưng của Bích Khê lại kéo gần
lại bờ lãng mạn hơn so với “Tinh huyết” (Theo Quách Tấn - Đời thơ Bích Khê -
1967)
2.2- “Bây giờ đây, mời các vị vào
chơi vườn nghệ thuật của chàng (Bích Khê - MBA). Trước hết ta hãy đến khu vực
Tượng Trưng” (Hàn Mặc Tử - Lời giới thiệu Tinh huyết - 1939).
Tại sao Hàn Mặc Tử gọi là “Trước
hết” trong khi đây là tập thơ đầu tay của Bích Khê ? Nhấn mạnh điều này, chúng
tôi muốn nói rằng: Bích Khê ảnh hưởng chủ nghĩa lãng mạn nhưng khi bắt tay vào
làm thơ ông đã có ý thức muốn “Duy tân” thơ mình (để khác những tên tuổi lãng
mạn đã nổi như cồn lúc đó) bằng cách chọn cho mình lối biểu đạt theo chủ nghĩa
tượng trưng.
a- Mở đầu trường phái tượng trưng
Pháp chính là Baudelaire với tập “Những bông hoa ác”. Tập thơ ra đời năm 1887
đã làm chấn động dư luận Pháp, đã bị toà kết án vì lần đầu tiên ông đã thi vị
hoá cái Xấu, cái Ác. Ở mặt ảnh hưởng này ta thấy Chế Lan Viên, Bích Khê và Hàn
Mặc Tử nổi lên như ba đại diện tiêu biểu của thơ mới. Có điều cái thế giới
“Điêu tàn” đầy sọ người, xương tuỷ của Chế Lan Viên tạo cho ta cảm giác rờn rợn
của những hồn ma Chiêm nữ (có phần nặng yếu tố tự nhiên chủ nghĩa). Cái thế
giới ràn rụa của máu, của hồn, của tinh lực trong thơ Hàn Mặc Tử đã có sự ngã
nghiêng giữa hai bờ tượng trưng và siêu thực nên có vẻ huyền ảo, là lạ quen
quen. Còn Bích Khê thực sự đã thi vị hoá cái tội lỗi, nhuốc nhơ, rùng rợn thành
cái cao siêu, nhơn đức, thơm tho, khoái lạc nữa... Cái “Sọ người” rùng rợn với
Bích Khê lại là một “khối mộng” cho “hồn thơ chếnh choáng”, một “buồng
xuân hơ hớ”, “một bình vàng”, “chén ngọc đầy hương”, cả một hồ trăng lấp
loáng và chứa ở đó cả một sự sống đầy tình thương “người chứa một trời
thương”. Và nếu không biết cái đầu đề là “Sọ người” thì chẳng ai có thể nói
rằng tôi “sợ quá” “rùng rợn quá” hết, vì có ai nghĩ rằng đây lại là cái đầu lâu
khủng khiếp ấy: “Người yên tịnh nhưng người đi muôn dặm/ Máy thu thanh hoà
âm nhạc thơm tho!/ Miệng yêu kiều mơn ánh sáng say no!/ Nguồn trinh tiết gây
hồng tươi xanh thắm!/ Bầu sữa người êm mát vạn sầu lo”. Không những
là âm nhạc thơm tho với chiếc miệng yêu kiều “cười mê ánh sáng” (Hoàng
Cầm) mà còn là nụ, là mầm trinh nguyên làm tươi mơn cuộc sống, là bầu sữa làm
ngọt ngào và xua tan cả vạn sầu lo. Nếu không phải là cách thi vị hoá của chủ
nghĩa tượng trưng làm sao Bích Khê viết được cái “sọ người” như thế.
Còn đây nữa, ta thấy những “đau”
“chôn”, “sâu hóm”, “huyệt” “vạn thước sâu”, “mồ người”, nhưng hãy thử đọc
xem, tất cả đã trở thành “ước mơ” thành “tình yêu”, thành “xuân
mười bốn” và cuối cũng là quấn lấy nhau trong tình yêu vĩnh cửu: “Hãy
khép trong đau để ước mơ/ Để yêu lờ lặng những trang thơ/ Để chôn tất cả hờn vô
tận/ Sâu hóm trong đây huyệt chữ mờ/ Huyệt chữ bằng tinh vạn thước sâu/ Mồ
người thi sĩ rất đa sầu/ Mồ người mỹ nữ xuân mười bốn/ Hai đứa ôm nhau cắn lấy
nhau”
b- Nguyên tắc mỹ học của chủ nghĩa
tượng trưng như đã nói ở trên là sự tương giao, tương hợp. Baudelaire quan
niệm: Vũ trụ là một thể thống nhất, trong đó tất cả đều tương ứng với nhau. Có
sự tương ứng giữa tự nhiên và cái siêu nhiên, có sự tương ứng giữa thế giới này
với thế giới đằng sau đầy bí ẩn, đặc biệt là sự tương ứng giữa các giác quan
“Mùi hương, màu sắc và âm thanh tương giao cùng nhau”, “Có những mùi hương mát
như da thịt trẻ con, ngọt ngào như tiếng sáo, xanh mượt như cỏ non” (Baudelaire
- Tương ứng)
Tìm ra những câu, những đoạn thể
hiện sự tương hợp này trong thơ Việt Nam không khó. Vì thực ra, thuyết tương giao
giữa vũ trụ và con người của chủ nghĩa tượng trưng lại rất gần với tư tưởng “vũ
trụ vạn vật nhất thể” trong triết lý phương Đông. Vấn đề là sự tương giao này
được thể hiện ở rất nhiều phương diện. Tự nhiên ở đây không còn là đối tượng để
thi nhân chiêm ngưỡng, tôn trọng như trong thơ cổ phương Đông. Nó tương giao
qua trực giác của con người và con người cảm nhận nó bằng sự trực giác bí ẩn về
mối quan hệ tương hợp ấy. Để dễ thấy, tôi xin chọn nguyên bài thơ “Hiện hình”
trong “Tinh huyết” của Bích Khê làm dẫn chứng. Trong “Hiện hình”,
đầu tiên là sự tương giao giữa vũ trụ và con người: “Gió đa tình hôn”, “Gió
đi chới với”, “mặt hoa thơm tho mùi thịt”, “người thiếu nữ hiện trong trăng”,
“da thịt ý tuyết băng”, “mát như xuân”, “người lộ mỏng như sương”, “khung trắng
trời mây trắng”. Rồi đến sự tương ứng giữa các giác quan: “thơm tho mùi
thịt”, “da thịt phô bày”, “ngọt tợ hương”, “rào rạt nỗi cảm thương”. Đến sự
tương ứng về màu sắc: “khung trắng”, “khăn hồng”, “màu trăng”, “mây
trắng”... Nhưng tới đây, ta cũng chỉ mới thấy sự tương hợp này bằng trực
cảm. Nếu trực giác thì ta sẽ tìm ra sự tương ứng khó lòng mà phân biệt rạch
ròi. Đó là một sự tương giao tổng thể. Tương giao giữa thiên nhiên, con người,
thơ, hoạ và nhạc, hương, vị... và cả mọi giác quan: “Gió đi chới với trong
khung trắng/ Lộ nửa vần thơ nửa điệu ca”, “Nàng hé môi ra. Bay điệu nhạc/ Mát
như xuân mà ngọt tợ hương”,“Rào rạt như nỗi cảm thương/Tiếng nhạc màu trăng
quấn quýt nường”,” Nàng tan ra nhạc? Tan ra nhạc!/ Khung trắng trời mây trắng
lạ thường”... Một sự tương giao đan xéo, bện chặt với nhau khó lòng tách
biệt, ta chỉ có thể nhận ra sự “HIỆN HÌNH” này bằng trực giác.
Còn rất nhiều bài, nhiều đoạn như
thế trong thơ Bích Khê nói lên sự ảnh hưởng của nguyên tắc mỹ học và đặc điểm
của thơ tượng trưng. Ở đây, tôi xin phép chỉ được đề cập đến một đặc điểm nổi
bật nhất trong những đặc điểm ấy. Đó là tính nhạc.
c- Chủ nghĩa tượng trưng đề cao âm
nhạc trong thơ vì họ quan niệm âm nhạc là nghệ thuật cao siêu nhất. Thật ra, ở
phương Đông, truyền thống “trung thi hữu nhạc” cũng đã xuất hiện từ lâu, song
yếu tố nhạc trong thơ phương Đông truyền thống chỉ xuất hiện bên cạnh các yếu
tố khác. Còn trong thơ lãng mạn, từ yếu tố nhạc truyền thống, các nhà thơ đã
ảnh hưởng chủ nghĩa tượng trưng nên có xu hướng biến mỗi từ trong thơ thành một
bán âm của nhạc. Ở lĩnh vực này, có lẽ không ai có chủ định hơn Bích Khê. Nâng
cao nhạc tính trong thơ, Xuân Diệu có “Nhị hồ”, Nguyễn Xuân Sanh có “Tiếng
địch”. Nghĩa là mỗi người chỉ có một bài. Trong khi đó, để “Duy tân” thơ, Bích
Khê đã thể nghiệm hàng loạt bài tạo nên cả một thể loại thơ toàn chỉ vần bằng.
“Cái đáng cho ta yêu Khê, bắt ta tìm đến anh, phải lôi anh ra khỏi lãng quên,
đó là chất nhạc của thơ anh” - (Chế Lan Viên - Thơ Bích Khê - 1988). Trong hàng
loạt bài thơ đậm chất nhạc này mà các nhà nghiên cứu đã kể ra, đã dẫn chứng,
tôi xin được chọn bài “Hoàng hoa” (Tinh huyết).
Ở “Hoàng hoa”, chất nhạc bao trùm
lên toàn bài bởi “bán âm” toàn vần bằng, rồi lại tương giao quyện cùng màu sắc.
Nhưng đây là màu của trực giác mang tính biểu tượng: “màu lưng chừng trời”,
“màu phơi nơi nơi”, “màu ôm vai gầy”. Nghĩa là màu lam kiểu lưng chừng
trời, màu xanh kiểu phơi nơi nơi, màu vàng kiểu ôm vai gầy chứ không phải kiểu “Vườn
ai mướt quá, xanh như ngọc” (Hàn Mặc Tử) hay là “in như chiếc lá hết thì
tươi xanh” (Xuân Diệu). Nghĩa là một loại màu tượng trưng thật sự, một loại
màu không thể vẽ lại bằng hội hoạ.
Nhạc tính ở đây còn được Bích Khê
“kí âm” bằng kiểu lặp ngữ, lặp từ, lặp vần thường thấy trong âm nhạc. Đọc lại
thử những câu này ta thấy hình như không thể ngâm mà phải hát “ Đây mùa
hoàng hoa, mùa hoàng hoa”, rồi “Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi” (đã là
thơ chắc không cần phải dùng nhiều dấu câu trong một câu như thế) hoặc những
câu đầy âm vang “Làm mây theo chàng lên yên nhung”, “Non yên tên bay ngang
muôn đầu”, “Ai xây mồ hoa chôn đời tươi”... Muốn hát nhưng nó lại là thơ.
Đó chính là thơ tượng trưng vậy.
Cách ngắt nhịp trong toàn bài thơ
thử mã hoá bằng số ta mới thấy cái chủ ý nhạc hoá thơ của Bích Khê (4 câu đầu
bài đều nhịp 2/2/3, 2 câu cuối khổ lại chuyển sang 4/3. Hai câu đầu khổ 2 nhịp
4/3 đến câu 3 chuyển sang 2/2/1/2, câu 4 trở lại 4/3, câu 5 đổi sang 2/2/3 rồi
câu 6 lại về đúng “hợp âm chính” với nhịp 2/2/3. Đến khổ thơ cuối: 2 câu đầu
đẩy sang nhịp 2/5 rất lạ, câu 3, câu 4 sang nhịp 4/3 và 2 câu cuối cùng lại trở
về nhịp (hợp âm) xuất phát theo nguyên tắc của nhạc, nhịp 2/2/3). Nghĩa là cái
nhịp 2/2/3 ấy là “tiết tấu” chủ đạo (chủ âm) của toàn bài thơ. Thì ta cứ thử
quên thơ để hát lên 2 câu cuối của Hoàng hoa sẽ nghe âm nhạc tràn đầy. “Ai
xây /bờ xanh/ trên xương người// Ai xây/ mồ hoa/ chôn đời tươi”?
Còn rất nhiều những vấn đề cần phải
nói về ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng phương Tây trong thơ Bích Khê một
cách cụ thể hơn. Nhưng có lẽ với phạm vi một bài viết nhỏ, chúng tôi xin được
đề cập một số vấn đề nổi trội nhất về những yếu tố của chủ nghĩa tượng trưng
như thế.
Lẽ ra trong quá trình làm bài khi
lấy dẫn chứng cần phải lấy đại trà ở nhiều bài để thấy ảnh hưởng “diện” của các
yếu tố tượng trưng trong thơ Bích Khê. Nhưng người viết xét thấy rằng, những
câu thơ, đoạn thơ mang yếu tố tượng trưng cao đã được nhiều sách lấy làm dẫn
chứng. Ở đây chúng tôi muốn nhấn vào “điểm”. Và cái chủ ý nhấn này cũng muốn
nói một điều, theo tôi, đó là: Xuân Diệu đứng cả hai chân vững vàng ở bờ
lãng mạn với tay hái những chùm tượng trưng, Hàn Mặc Tử thì cả hai chân cũng
đứng vững trên nền của chủ nghĩa lãng mạn, nhưng hai chân cứ nhún nhảy (tất
nhiên phải kết hợp cùng tay) một cách điệu nghệ với tượng trưng, siêu thực và
cuối đời lại men theo lối Chúa. Còn Bích Khê thì một chân trụ vững ở bờ chủ
nghĩa lãng mạn nhưng một chân kia đã đưa sang và gần chạm đến bờ (một tay níu
giữ bên này để một tay trườn sang bên kia) tượng trưng chủ nghĩa một cách có
chủ ý, ngay từ đầu cầm bút. Vì vậy, có lẽ đây mới chính là tâm điểm để ta
nghiên cứu “cái gien trội” của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ lãng mạn
1932-1945. “Tính chất uẩn khúc, huyền ảo, siêu thực trong thơ tượng trưng đã
được Bích Khê thể hiện qua hàng loạt các bài thơ trong tập thơ Tinh huyết (Duy
Tân, Tranh loã thể, Giờ trút linh hồn). Có thể nói “hình ảnh Rimbaud, cú pháp
Mallarmé, kiến trúc và triết lý của Valéry” đã tạo dựng cho Bích khê một thứ
“thơ vàng ròng” đậm tính tượng trưng... Ba yếu tố tượng trưng, huyền diệu, truỵ
lạc của tập thơ Tinh huyết đã làm cho Bích Khê trở thành một cây bút khác hẳn
với khuynh hướng lãng mạn” (trích theo Trần Huyền Sâm - Tiếng nói thơ ca).
MAI BÁ ẤN
_______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 150 thuật ngữ văn học -
Lại Nguyên Ân biên soạn - Nxb Đại học quốc gia Hà Nội - 1999
2. Phác thảo quan hệ Văn học Pháp
với Văn học Việt Nam hiện đại - Gs Hoàng Nhân - Nxb Mũi Cà Mau -1998
3. Lý luận Văn học so sánh
(in lần thứ 4) - Nguyễn Văn Dân - Nxb Đại học quốc gia Hà Nội - 2003
4. Bích Khê - Tinh hoa và Tinh
huyết - Nguyễn Thanh Mừng sưu tầm biên soạn - Nxb Hội Nhà văn - 1992
5. Những cách tân nghệ thật trong
thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932-1945. Lê Tiến Dũng - Nxb Giáo dục - 1998
6. Tiếng nói thơ ca - Trần
Huyền Sâm - Nxb Văn học -2002
No comments:
Post a Comment