.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, June 9, 2012

DỊCH GIẢ TẠ QUANG HIỆP: VĂN HỌC DỊCH CHO THANH THIẾU NHI HIỆN NAY


I) Vài ý kiến chia sẻ
Tại sao văn hóa đọc đi xuống? Tại sao những tác phẩm kinh điển không bán được ở Việt Nam? Thưa quý vị, có rất nhiều nguyên nhân. Hôm nay tôi xin đưa ra một nguyên nhân: Sách cho thiếu nhi và nhi đồng cần được quan tâm và khuyến khích nhiều hơn.
Khi người ta còn nhỏ đã không được hướng dẫn chọn và đọc sách đúng cách thì khi lớn sao có thể đọc và thẩm thấu những tác phẩm văn học lớn. Nghịch lý này đang tồn tại cả trong giáo dục, ta có quá nhiều đại học đến mức không đủ sinh viên thì lại chẳng đủ trường tiểu học tốt, thậm chí lớp mẫu giáo. Với văn học cũng vậy, có quá nhiều các tác phẩm kinh điển cho người lớn, nhưng cho ai?! cho nhiều người trong tuổi thơ đọc quá ít những cuốn sách hay. Sách vô cùng quan trọng nhưng chỉ có chương trình giảng dạy văn trong sách giáo khoa không thể đủ cho nhu cầu đọc của con em chúng ta.
Ở Việt Nam phần lớn sách văn học dịch chiếm ưu thế, mảng văn học trong nước được quan tâm hơn mảng dịch nhưng vẫn thiếu những tác phẩm có tiếng vang thế giới.  Trong văn hóa nghệ thuật không nên phân chia quá rạch ròi của ta hay của nước ngoài. Mảng dịch tuy nhiều chưa được chỉ đạo và khuyến khích, phần lớn hoạt động tự phát. Nhưng hậu quả ra sao thì hiện nay chúng ta đã trải nghiệm. Nếu ta chưa tự làm được ô tô thì vẫn phải liên doanh sản xuất và mua của nước ngoài, không lẽ ta không đi ô tô? Chẳng lẽ văn học thiếu nhi nước ngoài không có tác dụng giáo dục?
Việc dịch văn học ra tiếng Việt góp một phần để tôn vinh tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt của chúng ta đủ để diễn tả tất cả những tinh hoa của văn hóa thế giới.
Việc dịch văn học nước ngoài cũng tạo điều kiện cho đội ngũ nhà văn thiếu nhi Việt Nam được cọ xát thậm chí sẽ dẫn đến được cạnh tranh sau này với văn học thiếu nhi quốc tế.
Văn học dịch giành cho thanh thiếu nhi đang có xu hướng chọn dịch những cuốn sách tình cảm kiểu teen cho dễ bán. Có lẽ tôi nói quá gay gắt, nhưng không thể gọi thể loại đó là văn học được, nhạt nhẽo và không mang tính giáo dục. Vì sao có tình trạng như vậy, đó là việc chọn dịch sách thiếu được chỉ đạo, đầu tư và hướng dẫn, phần lớn phó mặc cho thị trường chạy theo thị hiếu lệch lạc. Đa phần khi giới thiệu sách với các nhà xuất bản, các công ty sách thường được trả lời: “Cuốn đấy hay được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng lâu quá rồi, anh có chọn sách nào nội dung nhẹ nhàng hợp với bọn trẻ bây giờ không?”.
Các tác phẩm đã rất thành công ở nước ngoài dịch ra tiếng Việt khó bán, cũng do một phần thiếu đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp cho trẻ em. Thường cái gì đa năng cũng khó có hiệu quả cao, ví dụ con dao gấp mở được nút chai, cắt, dùi…nhưng chính nó với tất cả các công dụng đó lại thua hết những dụng cụ chuyên dụng cho những tính năng riêng biệt.
Ở Việt Nam khi nói đến dịch sách cho thiếu nhi thường được câu bình phẩm: “Dịch sách trẻ con hả?” với vẻ coi thường. Ở nước ngoài cũng đã có ví dụ tương tự:
Nhà văn lớn của Đức Michael Ende ( 19291995) Ông là một trong những nhà văn tiếng Đức thành công nhất và được yêu thích nhất của thế kỷ 20. Ông nổi tiếng trước nhất là nhờ vào thành công lớn của các quyển sách thiếu nhi. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra 45 thứ tiếng và đạt đến tổng số xuất bản là 20 triệu cuốn. Quyển sách thiếu nhi "Jim Knopf und Lukas der Lokomotivführer" đã thành công lớn và lâu dài, đã từng bị 12 NXB từ chối in.
 Những tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt là Momo và Chuyện dài bất tận.  
Nhưng trước đó, khi các tác phẩm của ông đã bị giới phê bình văn học hầu như từ chối hoàn toàn, Michael Ende đã chua chát mà rằng: “Người ta được phép đi vào phòng khách văn học từ tất cả các cửa: từ cửa trại giam, từ cửa nhà thương điên hay từ của nhà thổ. Chỉ từ một cửa là người ta không được phép đi vào, từ cửa phòng trẻ em. ” Câu nói này cũng làm chúng ta phải suy nghĩ.
Các tác phẩm kinh điển dịch ra tiếng Việt khó bán, cũng do một phần thiếu đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp cho trẻ em. Thường cái gì đa năng cũng khó có hiệu quả cao, con dao gấp mở nút chai, cắt, dùi… đều thua những dụng cụ chuyên dụng cho những tính năng riêng biệt.
Hiện nay do được khuyến dịch cả về sáng tác dẫn dịch thuật nên Văn học thanh thiếu nhi Đức đã nổi tiếng khắp thế giới. Hàng năm họ đều tổ chức trao giải cho các tác phẩm và dịch phẩm Văn học thanh thiếu nhi. Văn hóa đọc ở Đức phát triển rất cao cũng là do Văn học thiếu nhi đặc biệt được khuyến khích cả hai mặt: Sáng tác – Dịch thuật.
II) Giải pháp
Hiện nay tôi là dịch giả tự do. Tất nhiên chuyện không sống được bằng sách là thực trạng bình thường ở Việt Nam. Tôi vẫn dịch vì say mê của mình, nhưng tôi sợ nếu như tôi có con, chắc con tôi sẽ không làm tiếp nữa. Nhưng dù sao tôi cũng muốn chia sẻ một số việc làm cá nhân và những giải pháp cần đến sự hỗ trợ, khuyến khích của Hội nhà văn.
a- Với bản thân người dịch:
Sách văn học kinh điển hiện nay mất ưu thế với sách thị trường. Nhưng không phải như vậy là hoàn toàn chạy theo sách bán chạy. Sách phải là người thầy, người bạn chứ không phải đầy tớ cho người đọc. Bản thân tôi cố gắng chọn sách, đầu tiên phải là sách hay mang tính nhân văn và thứ hai là hợp với thị trường. Tạm thời đành chọn một con đường trung đạo như vậy.
Cố gắng xin tài trợ của của các tổ chức nước ngoài để một phần giảm gánh nặng nhuận bút cho đơn vị xuất bản trong thời bão giá này.
Thường xuyên trao đổi liên hệ với người nước ngoài để đảm bảo nội dung, cách dịch của mình ít sai lệch với nguyên tác.
Mỗi cuốn sách ra tôi cố gắng liên hệ với bạn bè làm báo để PR cho sách.
Cố gắng dịch thông tin và bài phê bình bằng tiếng nước ngoài để báo tham khảo viết bài giới thiệu.
Những dịch giả tiếng Đức ở Hà Nội có một câu lạc bộ dịch thuật – Goethe Club. Ở đây chúng tôi có thể gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, góp ý cho nhau.
Nhưng nói thật, tôi cũng khó biết, sẽ làm một mình như vậy bao lâu nữa? Có khi tôi dịch cả một cuốn sách đã được giới bình luận ở nước ngoài khen và in số lượng lớn, hoặc có cuốn đã dịch 70/ 500 trang để giới thiệu, được khen hay nhưng, chữ “nhưng” này gặp rất nhiều. “Sợ khó bán lắm anh ơi!”
Dịch cho thiếu niên và nhi đồng có khó không? Có, nếu ta thật sự đi sâu vào lĩnh vực này.  Tất nhiên có những cuốn đơn giản giành cho các cháu quá nhỏ, nhưng có những tác phẩm không chỉ giành cho trẻ em mà còn giành cho người lớn. Nên người dịch chỉ tạm yên tâm được nếu khi nhận được sự hài lòng của cả con và bố mẹ mà thôi. Dịch văn học thanh thiếu nhi với những cuốn kinh điển, tác phẩm mà tác giả phải ôm ấp phôi thai ý tưởng, dập xóa sửa chữa cả mười năm trời thì người dịch cũng phải tìm hiểu tra cứu không ít. Có những khi dịch một tác phẩm cũng cần phải nghiên cứu, về tác giả về văn phong và hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh lịch sử, địa lý, văn hóa địa phương…. Đọc những bài phê bình ở nước ngoài về tác phẩm đó. Nếu ai nghĩ làm sách trẻ con là “dễ ấy mà”, thì hẳn người đó vẫn chơi bập bênh trong lĩnh vực văn học thiếu nhi.
b-Với hội nhà văn và các cơ quan liên quan:
Nhưng dù sao những dịch giả vẫn chỉ là những Don Quixote chiến đấu lẻ loi với cối xay gió. Rất mong được sự hỗ trợ của Hội Nhà văn, những cơ quan hữu trách và đặc biệt Ban Văn học Thiếu nhi của Hội.
Ban Văn học Thiếu nhi quan tâm và có giải dịch thuật cho các dịch phẩm giành cho thanh thiếu nhi hàng năm. Phần lớn người dịch làm việc tự nguyện, nhuận bút quá thấp, vì vậy nên có hình thức động viên cho anh em để còn duy trì và phát triển được đội ngũ dịch thuật.
Nên tạo điều kiện có một tổ chức hay câu lạc bộ cho những người dịch văn học thiếu nhi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm… thậm chí phê bình. Như vậy sẽ tránh được những “thảm họa dịch thuật” hay hiện tượng truyền thông khen theo phong trào hoặc tập trung “đánh hội đồng”. Được sinh hoạt gặp gỡ để thấu hiểu nhau, biết đoàn kết giúp đỡ nhau. Võ có Võ đức, Y có Y đức…. dịch thuật tuy không mới mẻ nhưng chữ đức trong sinh hoạt dịch đôi khi còn chưa được biểu hiện rõ nét.
Tổ chức được ban giám định cho những dịch phẩm dịch từ những ngôn ngữ hiếm, không gạt những cuốn sách không được dịch từ những thứ tiếng Anh, Nga, Pháp… ra khỏi danh sách xét trao thưởng. Vì những mảng sách Đức, Tây Ban Nha…. còn rất nhiều những tác phẩm có giá trị cần chuyển tải ra tiếng Việt. Những cuốn sách được chuyển tải từ bản gốc sẽ bớt được độ vênh về ngôn ngữ và văn hóa hơn nên cần được khuyến khích.
Nếu được, cần có chính sách miễn thuế cho những dịch phẩm. Như quý vị đã biết công việc dịch thuật vất vả thù lao không được bao nhiêu. Vì vậy thu thuế nhuận bút không phải là hình thức động viên hiệu quả. Làm sách chỉ có miếng xương mà còn bị lọc đến bóng như nhà voi nữa, thì sống thế nào đây?
Vấn đề chiến đấu với sách giả đến đâu rồi? Câu chuyện khổ lắm nói mãi này bao giờ mới đến hồi cuối?
Hội và Ban văn học thiếu nhi nên tìm hiểu và lên những kế hoạch cụ thể, hài hòa cho các mảng sách quốc tế. Chỉ đạo và tài trợ cho những tác phẩm văn học kinh điển mang tính giáo dục và nhân văn sâu sắc. Mặc dù khó bán nhưng có những tác phẩm thật sự có giá trị vẫn cần được giới thiệu.
Đào tạo và đưa vào hội những dịch giả trẻ có tâm huyết để huấn luyện và bổ xung đội ngũ kế cận. Việc dịch thuật văn học thiếu nhi phải được xem là một chiến lược lâu dài.
Cảm ơn quý vị đã lắng nghe. Rất mong tất cả cùng góp sức vì một môi trường Văn học lành mạnh cho nước nhà!
Tạ Quang Hiệp
(Dịch giả)
             

No comments:

Post a Comment