.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, June 18, 2012

MA VĂN KHÁNG: NHO NHỎ CÂU CHUYỆN BẾP NÚC VĂN CHƯƠNG

1. Ít ra là từ những năm 70 của thế kỷ trước, mình đã nhiều lần đi thực tế sáng tác ngành công an. Thuận lợi là các cấp lãnh đạo, các nhà văn trong lực lượng công an lúc nào cũng sẵn sàng mời các nhà văn ngoài ngành tiếp xúc với các sự kiện, các nguồn tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng, vật chứng. Tính ra ròng rã có đến hơn ba chục năm mình đã làm việc với đủ các ngành nghề trong giới chấp pháp này.

Từ anh cảnh sát giao thông ở trạm Ba Hàng Hải Dương, đến các chiến sĩ điều tra hình sự ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Hết công an giao thông bộ, giao thông đường sắt lại giao thông thủy. Vừa được trực tiếp nghe Thiếu tướng Hùng Vương kể chuyện thâm nhập vây bắt đám trai gái quậy phá, sử dụng thuốc lắc ở nhà hàng Century xong, lại được chính các trinh sát ở Cục Phòng chống tội phạm ma túy trần thuật tỉ mỉ câu chuyện thâm nhập đường dây tội phạm. Qua chuyện hoạt động của trung đoàn cảnh sát cơ động, lại đến công việc của đội trọng án Hà Nội. Cũng không ít đợt đến tìm hiểu công việc ở các trại giam, từ Phú Sơn, Ba Sao, Thanh Hóa đến Hỏa Lò, Thanh Xuân. Gặp gỡ và đọc hồ sơ tội phạm tính ra có đến cả trăm. Không thể kể hết các vụ án lớn, được gặp được nghe chính các chiến sĩ đánh án kể lại chi tiết từng thao tác, thủ thuật khám phá. Như các vụ bắt gián điệp biệt kích, các vụ buôn lậu xuyên quốc gia điển hình, các vụ án có tính chất mafia như vụ nhà hàng ở N.T, vụ giết người phi tang bằng cách cắt rời đầu nạn nhân ở hồ Văn Chương (Hà Nội)… Tính ra sổ tay ghi chép đã có tới cả chục cuốn.
Nhưng mà ghi là ghi vậy. Vì nghĩ giỏi lắm thì cũng chỉ viết được vài ba cái truyện ngắn có tính văn chương thật sự thôi. Mà đúng là thế thật. Chẳng hạn các truyện ngắn Cỏ hoang, Mượn chiếc cần câu, Hương hoa Đà Lạt, Quản giáo Thăng, Đỉa bám chân ai… vui vui và ý vị. Và cũng chỉ thế thôi! Còn như viết dài, viết thành tiểu thuyết thì chịu. Chịu thôi! Vì cũng đã thử rồi. Không ở trong nghề không viết được. Thì đấy! Nhờ có đến cả chục năm dạy học ở một trường trung học mình mới viết nổi Đám cưới không có giấy giá thú chứ. Tự nghĩ, khó có nhà văn nào chưa làm nghề mà viết nổi một cái như Sống mòn của ông Nam Cao, người đã từng là một anh giáo khổ trường tư như ông tự nhận.
2. Nhưng mà vào những năm tuổi đã cao lại rỗi rãi nghĩ đi nghĩ lại thì thấy còn phân vân lắm. Chất liệu đầy ăm ắp rồi tại sao lại không sử dụng được, lại để lãng phí thế nhỉ! Hay là vấn đề nó nằm không phải ở chỗ viết cái gì. Mà là viết như thế nào. Khởi đầu câu chuyện có lẽ là từ khi mình viết Một mình một ngựa. Đúng thế! Nếu không giải quyết được vấn đề viết như thế nào thì không có cuốn tiểu thuyết đó. Một mình một ngựa viết được là vì tìm được một cách diễn đạt; đó là một kiểu tự truyện, nghĩa là mình dùng cái nhìn của nhân vật Toàn, cũng chính là của mình, của tác giả để đánh giá tất cả các nhân vật khác, các sự kiện – như vậy nghĩa là, các nhân vật đó là của cái tôi nhà văn; ngoài ra, về thủ pháp mình dùng các chi tiết lặt vặt (về con chó, con ngựa, con cóc, con ong…) để tạo không khí thời đoạn, khắc họa nhân vật và tạo nên sức hấp dẫn của một câu chuyện mà ai cũng đã biết!
3. Vậy thì kiểu truyện vụ án hình sự của các nhà văn Việt Nam đã viết, từ Phạm Cao Củng, Thế Lữ… đến các tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam hiện đại, và các truyện trinh thám lừng danh của những là Cônen Đoilơ, Ximơnông, Chêdơ, Agatha Cristi… có những mặt mạnh nào mà mình phải cố noi theo và tận dụng, bảo lưu? Trước hết, đó là một cốt truyện với các tình tiết đan cài chặt chẽ, có mở đầu, có diễn tiến, có thắt nút, có cao trào, có giải tỏa. Đó là sự vận động rất logic của cái tam giác: hung thủ - nạn nhân - nhà điều tra. Rất hấp dẫn và luôn gợi trí tò mò của độc giả!
Có được một cốt truyện do hiện thực khách quan cung cấp là một ưu thế được hưởng miễn phí của nhà tiểu thuyết viết về đề tài này. Và cùng với nó là lối miêu tả hành động nối tiếp hành động, luôn tạo nên độ căng cho mỗi trang văn. Vậy thì, mình chớ nên dại dột mà bỏ qua cái lợi thế này!
4. Tuy nhiên, đã là nhà văn thì cần phải hiểu, cốt truyện không phải là tất cả, càng không phải là cái yếu tố quyết định cuối cùng. Oóctêga Y Gassét, tiểu thuyết gia Tây Ban Nha nói: Tiểu thuyết thế kỷ thứ 19 sống được nhờ đề tài, nhờ chất liệu. 
Quả nhiên là vậy! Và vấn đề hóa ra không phải là nằm ở cốt truyện hành động; mà là nằm ở cốt truyện tâm lý. Và nằm ở chỗ tầm vóc tư tưởng lớn lao của câu chuyện. Câu chuyện mang cái hương sắc gì, chuyển tải một vẻ đẹp cao cả như thế nào. Đây là điểm mình tự tìm hiểu, ngộ ra và tự giải tỏa cho mình. Cây đại bút mà mình luôn kính phục Tô Hoài có lần bảo mình: Tôi viết về miền núi; đó là cái miền núi của tôi; dưới con mắt nhìn của tôi. Chí lý! Vậy thì câu chuyện hình sự do mình viết sẽ là câu chuyện hình sự được phản ánh bằng cái nhìn của chính mình. Các nhân vật của câu chuyện sẽ là những con người, sản phẩm của nhà văn là mình, họ có một cuộc sống thường nhật, với tất cả các kích tấc tâm lý, sinh lý do mình thể nghiệm, với những vẻ đẹp riêng do mình tạo ra. Mình cần nhắc lại rằng, đây là các nhân vật của mình, một nhà văn; đây là nhà văn viết truyện, chứ không phải là chiến sĩ công an kể chuyện hình sự. Như vậy bắt tay vào viết dài, mình có cảm giác được giải phóng, không còn bị ức chế; rằng thì là, anh có sống cuộc sống của người chiến sĩ công an đâu mà anh viết được về họ. Vâng, tôi viết về họ như một con người tôi vẫn hằng quan niệm, tất nhiên tôi sẽ cố gắng thể hiện họ trong một sắc thái đặc thù mà trong những lần tiếp xúc, trò chuyện với họ tôi đã quan sát, tiếp nhận, nắm bắt và kết tinh được. Tất nhiên, họ là sản phẩm của mình, họ cũng như Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú, như Thiêm trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, như Trọng trong Mưa mùa hạ… say lý tưởng và giàu chất lãng mạn. Cho nên sẽ chẳng ngần ngại khi sau này có ai đó nhận xét: Nhân vật công an ở ngoài đời đâu có giống như trong sách của ông. Sách là của tôi. Còn ở ngoài đời đâu có phải là cái chuẩn bắt buộc tôi phải căn ke cho đúng!    

5. Vậy thì những nhân vật của mình sẽ là những con người mình đã vẽ ra, đã hư cấu. Trước hết họ có những tính cách anh hùng. Tiếp đó, họ là những con người có một nền học vấn cao. Có cuộc sống tình cảm phong phú và không đơn giản. Có một tâm hồn đẹp, rất dễ rung động. Và đây là điểm nhấn của mình: là những con người đương thời, họ là những con người có một đời sống tinh thần dồi dào, dễ bị tổn thương, rất nhạy cảm, mang ẩn ức libido và mặc cảm cô đơn… sống một đời sống giàu lý tưởng và lãng mạn. Và như vậy, mình nghĩ một cách rất chủ quan, rằng đó là đặc điểm của con người hiện đại hôm nay!
6. Và đây là quá trình khám phá, giải trình tâm lý, sinh lý của các nhân vật:
a. Trước hết là Thuyên, tên sát nhân. Phạm tội giết Bội một cách man rợ, y còn cắt đầu Bội, xả thịt Bội rồi đem vứt mỗi nơi một ít để phi tang. Tội ác ấy của y có mầm mống, có căn nguyên. Đi phụ xe cho bố đẻ là xế đường Tây Bắc, y đã chứng kiến những hành vi man rợ của cha y, thoạt đầu là săn đuổi con chó mẹ và sau đó là chẹt chết một thiếu nữ mà không hề run sợ, mà thản nhiên như kẻ vô can; sinh ra trong một gia đình bất lương, mẹ y, sau đó vợ y và y còn là tay đồ tể thành thạo nghề giết mổ lợn; y sống trong một con ngõ hoang; người y đầy lông lá; sau khi gây tội ác, y đi chơi gái để tự giải tỏa; khi bị bắt, trong tù, y vận nội công để thực hiện sự khai phóng phép truyền sinh tiềm năng qua không gian cho con cháu họ tộc. Y là sự lại giống, là quỷ sứ từ âm ty địa ngục đi lên cõi trần, là kẻ bị âm hồn ma quỷ nhập vào. Thuyên, theo mình là nhân vật có chiều sâu, không đến nỗi là một mô hình. Những chi tiết về bắt lợn, chọc tiết lợn là mình đã trực tiếp trải qua; cách mổ lợn, xả thịt lợn mình miêu tả được là nhờ mình nghe được từ chú Hoóng đồ tể hàng xóm làm ở batoa Cốc Lếu những năm 60 thế kỷ trước, hồi mình dạy học ở Lao Cai. Về chú thím Hoóng, mình đã có hẳn một truyện ngắn tên là Thím Hoóng. Tất nhiên chữ ở đoạn văn miêu tả đó, nhất là các động từ, tính từ là kết quả của rèn tập công phu. Về tội giết người, phanh thây người phi tang thì từ những năm 70 của thế kỷ trước, tại làng Mán cây số 7 Lùng Thàng đường Lao Cai - Sa Pa, đã ồn lên câu chuyện một tên dã nhân là cán bộ, gia đình sơ tán trên một quả đồi vắng vẻ, đã đập chết vợ rồi xẻo vú vợ, cho lên chảo rán, nhắm rượu. Còn chuyện trong tiểu thuyết là chất liệu của một vụ án xảy ra từ 9.1.1986; đến các ngày 20 và 22 tháng 7 năm 1989 mình ghi lại được theo lời kể của đồng chí Quận trưởng và đồng chí đội trưởng đội hình sự công an Đống Đa. Hơi tiếc là cái đoạn Thuyên cắt đầu Bội (ở trang 111 và 166) bị giám đốc - đại tá - nhà thơ rất có tài Phùng Thiên Tân cắt mất 12 dòng vì lý do “nó ghê rợn quá” (!) 
b. Trừng là nhân vật để lại ấn tượng. Anh xuất thân là một chàng trai nông dân, tính tình chất phác, giản dị, thiên về thực tiễn, nhưng thật trong sáng lành mạnh, với một đời sống tinh thần khá phong phú. Chuyến đi Hưng Yên để xác minh thủ phạm là hoạt động nghiệp vụ thể hiện rất rõ tính cách của Trừng. Cái làng quê hay nói tục là cái làng quê của bà chị mình lấy chồng, theo chồng về ở. Chuyện về cái chết oan khuất và tức tưởi của anh bộ đội em vợ ông Xây là chuyện của em trai Đinh Trọng Thể của mình, thượng úy trung đoàn pháo cao xạ anh hùng Hồng Lĩnh, hy sinh ngày 29.8.1972 tại chiến trường Quảng Trị mùa hè đỏ lửa. Cảm xúc về làng quê lúc cơn mưa lớn vừa tạnh buổi chiều mùa hạ khi con người cùng chim muông hân hoan tấp nập trong cuộc hội hè trên đồng ruộng sông nước là những trang viết nói lên vẻ đẹp tâm hồn cực kỳ đẹp đẽ của chàng trai nông dân này. Cảnh này mình quan sát được trong các chuyến đi đi về về nhiều lần trên Quốc lộ 5. Về sau, được nhà văn Tô Đức Chiêu, người rất am hiểu cuộc sống đồng quê, xuất thân ở vùng đất này, kể cho nghe, bổ sung thêm.  
c. Khác với Trừng, Nhâm là một nhân vật giàu chất lý tưởng và lãng  mạn. Một chiều sâu tư duy và một tâm hồn vô cùng nhạy cảm. Xuất hiện trong buổi chiều đi vào cái ngõ nhà Thuyên, Nhâm đã phát hiện ngay ra cái biểu tượng bóng đêm mà anh sẽ đối mặt trong suốt cuộc đời còn lại. Cứ sau mỗi sự kiện Nhâm lại nhận ra một điều gì đó mới mẻ ở con người, cuộc sống. Anh nhận ra ngay tính chất lại giống khi tiếp xúc với Thuyên. Cái chết thê thảm của Bội, qua tiếng kêu than của người phụ nữ đi bới rác, nhất là sau buổi lễ triệu vong ở nhà Bội, để lại một ám ảnh nặng nề trong anh. Cảnh buổi lễ triệu vong trong sách có được là do mình nhớ lại buổi lễ đưa vong mẹ mình lên ngôi chùa làng Kim Liên sau 35 ngày mẹ mất (21.9.1981), cô Năm em gái mình cầm cành phan - một đoạn cây tre non - khóc nức nở khi hồn mẹ theo gió về. Nhâm cảm nhận được phẩm chất lớn lao qua những mệnh đề tư tưởng của ông Tầm - người cha tinh thần của mình. Anh ngất ngư trước những cái trớ trêu của cuộc sống: ông Tầm bị về hưu, Khoái lên thay. Anh yêu Quyến, nhưng thẫn thờ bối rối trước những éo le của đời Quyến. Cô đơn trong buổi đưa tang Trừng, anh ao ước có Quyến bên mình lúc này. Cao trào của cơn hoang mang của Nhâm là cuộc xung xát với Khoái và nhất là giây phút xông vào ổ mãi dâm, nhìn thấy một gã đàn ông đang hành dâm một thiếu phụ và gương mặt người thiếu phụ đó lại có những nét rất giống Quyến. Cũng vậy, khi Điền trong Bến bờ xông vào bắt tên Kơn trọc ở nhà hàng, Điền đã vô cùng kinh hoảng khi thấy Mai, cô tiếp viên có những nét rất giống Khanh người yêu của mình, đang chung chăn gối với tên đại ác. Chi tiết này là một chi tiết đinh của tiểu thuyết. Nó khiến mình nhớ đến một chi tiết trong cuốn Linh Sơn của Cao Hành Kiện, giải Nobel văn chương. Trong khi Trừng là một nhân vật hao hao giống ai đó ở ngoài đời thì Nhâm là một nhân vật được luận suy từ mình ra. Và Quyến cũng vậy, có những nét lấy từ người thân của mình. Các nhân vật này đều nhiễm phải cái chất lãng mạn của tác giả, điều đó là một nghiệp căn hẳn rồi!
Nhân nói về ảnh hưởng của các tác phẩm văn chương với sáng tác, thì cái đoạn Trần Thanh Điền bắt cướp trên quốc lộ 12Y có thể coi như là phái sinh từ tiết đoạn Lục Vân Tiên đánh cướp Phong Lai cứu Kiều Nguyệt Nga vậy! Những bài thơ về tình yêu các nhà thơ chép tặng Khanh dựa câu chuyện vào chiều sâu tâm trạng, lại cũng là một khoảng khắc kéo giãn câu chuyện, làm chậm lại và tiếp đó chuyển đổi tình thế của câu chuyện!
d. Ông Tầm là nhân vật nền móng của tiểu thuyết. Ông là người phát ngôn tư tưởng của cuốn sách. Chúng ta sống ở đời không chỉ để ra nụ ra hoa mà còn để mang thương tích. Ông phát hiện ra điều đó sau khi đã trải nghiệm từ hiện thực đời ông, từ cái chết của Trừng, từ cái chết của Thế bộ đội em vợ ông Xây ở Hưng Yên… Đó là một phát hiện có tầm vóc lớn mình nhận ra và sửng sốt cả người khi viết đến cái chết của nhân vật Trừng (chuyện Trừng hy sinh trong cuộc truy bắt tên Sở là mình ghi chép chiến công có thật của một chiến sĩ công an). Sau đó tình cờ, như có tiền định, nghỉ ngơi, một buổi trưa giở di cảo của Chế Lan Viên ra đọc, bỗng thấy hiện lên câu thơ này, bèn lấy ngay làm đề từ cho cuốn sách. Đúng là có thần thiêng mách bảo, hộ trì, phối thuộc nhịp nhàng. Phải nói rằng tư tưởng trên đây mang tính hiện thực cay đắng, xót xa. Nhưng nó sẽ là một niềm an ủi cổ vũ con người, nó giúp con người kiêu hãnh ngẩng cao đầu mà đi lên. Con người mang thương tích vững bước đi tới! Ngạo nghễ làm sao!
Đoạn văn viết về đám tang của Trừng, trong đó có điếu văn của ông Tầm, nay đọc lại vẫn ứa nước mắt. Không hiểu sao viết được những dòng xúc động thế? Cái chi tiết Tiết Đinh Sơn trong điếu văn hoặc như cái câu “Eva ở đâu, thiên đường đấy!” ở chương cuối khi Nhâm trở về thành phố sau vụ truy bắt tên Phỉ trong đêm đông, không hiểu sao lại bật ra bất ngờ và đúng lúc thế! Một người như ông Tầm, với một nền học vấn vừa mới mẻ vừa cổ xưa, tâm hồn luôn trong trạng thái suy tưởng lại bay bổng lãng mạn thì nhắc đến Tiết Đinh Sơn là hợp lý rồi. Nghĩ vậy mà vẫn nhận ra rằng: Ngẫu nhiên này có được cũng là nhờ phép lạ của thánh thần, nghĩa là trời cho mới được!

7. Bến bờ có cốt lõi là câu chuyện vụ án ở một nhà hàng tại tỉnh K. Vụ này xảy ra tháng 5 năm 1994. Đến ngày 10.3.1997 mình mới được nghe Cục cảnh sát hình sự thuộc Tổng cục Cảnh sát thông báo lại. Tiếp ngay sau đó, ngày 11.3.1997, tại Tạp chí Tác Phẩm Mới, mình và vài đồng nghiệp được nghe anh Ngọc phó phòng, anh Cường trinh sát phòng 3 của Cục, hai chàng trai đẹp tuấn tú, những người trực tiếp tham gia, thuật lại thật kỹ càng tỉ mỉ  đầu đuôi công việc đánh án vụ này.  
Bến bờ cũng là chuyện về lòng dũng cảm và sự hy sinh dâng hiến cho đời của Trần Thanh Điền - một chiến sĩ công an. Cũng giống như Nhâm, cuộc đời Điền có nhiều trắc trở, và cả hai đều chết trong ngạo nghễ trước cái ác, trước hiểm nguy, một phần cái chết còn do lòng dạ nham hiểm của đồng đội; và chết trong khi còn đang bối rối trong tình riêng. Tính bi kịch của cuộc sống con người là một nét hằn sâu dễ gây cảm thương và suy nghĩ. Cảm xúc thẩm mỹ của mình mang chất sầu bi đậm đà chất lý tưởng là vậy! Tuy nhiên trong Bến bờ, nét khác biệt còn là ở chỗ: Cuộc đối mặt giữa cái ác và cái thiện còn mang sắc thái một mối thù riêng tư! Đây là điều khác với nhiều cuốn sách có chuyện đối kháng. Thuyên trong Bóng đêm nói: Tôi với các ông oan oan tương báo gì mà rắc rối! Đúng thế! Nhưng ở đây, trong Bến bờ, Điền đối mặt với bọn xã hội đen: thằng Nghiệm, thằng Tóc xoăn, thằng Mồm lệch - những tên đại gian ác, đồng thời còn là kẻ thù riêng của Điền từ thời họ là học sinh trung học cùng nhau. Tình tiết này sở dĩ có được là bởi vì khi nghe chuyện, hai anh Ngọc và Cường có nói một câu và đó là gợi ý quan trọng cho mình: Tội phạm ngày nay được hình thành trong các kết cấu có tính tổ chức, từ thời bọn chúng còn là học sinh và sau đó là ở các nhà hàng, khách sạn, công ty… Thêm nữa, tạo nên tình tiết bọn tội phạm cấu kết với nhau và gây oán thù cho Điền từ thời họ là học trò, còn là do mình bỗng nhớ đến bộ ba tiểu thuyết tự truyện Jacques Vingtras của nhà văn Pháp Jules Vallès: Đứa trẻ, Cậu Tú, Người khởi nghĩa… Trong đó có chi tiết, chỉ vì khi 13 tuổi bị một cái tát của một ông giáo chuyên chế độc ác  mà nhân vật chính đã đi làm cách mạng!
Bến bờ là cái lằn ranh mọi người đi tới để hoàn thành nhân cách của mình. Ở cuốn sách này hai nhân vật chính, Điền và Lập, còn là nạn nhân khốn khổ của cái ác. Họ chống lại cái ác khi họ bị cái ác chà đạp khốn khổ. Và đó là vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp ngạo nghễ vượt lên trên khổ đau mất mát, vẻ đẹp rướm máu, vẻ đẹp anh hùng của cuộc đời thật.
Viết Bến bờ, mình còn nhờ ở những trang ghi chép khá tỉ mỉ về các trại giam mà mình được các anh nhà văn bên công an mời đến thăm. Hai trại giam mình có ấn tượng đầy đủ nhất là trại giam Ba Sao và trại giam Phú Sơn. Hồ sơ các tên thủ ác mình đọc cả trăm bản cũng ở đây. Nhân vật chính đều có tên tuổi đàng hoàng, kể cả bố mẹ gia đình họ. Viết văn, hay viết cái gì cũng vậy thôi, một vốn liếng chất liệu đầy ăm ắp thì dễ viết!
8. Thực ra, tính kịch là những yếu tố có sẵn, khá dồi dào trong các câu chuyện vụ án. Theo mình, vấn đề là hãy chủ động, đừng bị “cuốn theo chiều gió”. Mikhail Kundera, tiểu thuyết gia người Pháp gốc Tiệp nói: Kịch tính  giết chết tiểu thuyết! Có lý! Không hiểu có phải trực giác mách bảo vậy không mà trong Bóng đêm mình đã dừng lại sau chương XI để tiếp đó chêm vào một chương XII dài gồm đến 7 câu chuyện hình sự - dưới hình thức  chuyện kể của ông Tầm. 
Tiểu thuyết là loại văn đủng đỉnh! Chính xác! Sau một đoạn để sự kiện diễn ra căng thẳng như đoạn Điền xuất hiện cứu cả đoàn ca kịch của Khanh thoát khỏi tay bọn cướp đường Phong Lai, mình kéo câu chuyện dài ra, với nhiều đoạn văn trữ tình ngoại đề một chút, giống như là một sự xả hơi, thư giãn. Đó là một cách lưu giữ người đọc. Còn nhớ, khi nói về tiểu thuyết dài hơi, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh trong một buổi giảng ở lớp bồi dưỡng những người viết trẻ khóa 6 tại Quảng Bá năm 1972 mà mình có tham dự, có một ý rất hay: Lão Cá măng trong Đất vỡ hoang của M. Sôlôkhốp là một mặt thoáng cần thiết trong một tiểu thuyết trường thiên. Một tiểu thuyết dài hơi, để bớt nặng nề, cần thi thoảng có những đoạn thư giãn, tạm gọi là mặt thoáng, để người đọc xả hơi, đỡ mệt. Mình đã áp dụng kinh nghiệm này khi xây dựng nhân vật Khả dactilographie - nhân viên đánh máy, khi viết cuốn Đồng bạc trắng hoa xòe 600 trang in. Về mặt này, hình như mình có chút sở trường. Cái đoạn Điền đi công tác ở vùng biên hoặc Nhâm đi đồng bằng sông Cửu Long, như những cuộc du ký rong chơi rất trữ tình bay bổng, viết  khá thuận tay.
Tất cả các mẩu chuyện vụ án ở trong hai cuốn Bến bờBóng đêm đều là nghe được và cũng có chuyện lấy tứ từ một câu chuyện cổ như chuyện Người đàn bà mất tích. Lão Siển là chuyện ở ngõ Hòa Bình phố K.T.  Chuyện loại này không hiếm. Vấn đề  là: câu chuyện đó ẩn chứa tư tưởng gì. Tư tưởng! Tư tưởng! Đó là chỗ thử thách khắc nghiệt nhà văn mình! Mà cũng là chỗ dễ phát lộ sự yếu kém của nhà văn.     

MA VĂN KHÁNG
Nguồn: VNQĐ

No comments:

Post a Comment