.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, June 18, 2012

“TỰ TIN” KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI “TỰ TIỆN”

Trên văn đàn hiện nay, sự góp mặt của một số cây bút trẻ đang đem đến một không khí mới cho văn học. Ðó là một điều đáng mừng. Vì, nói gì thì nói, tương lai của văn học nước nhà nằm trong tay thế hệ trẻ. Tinh thần hăng say của các cây bút trẻ cho thấy họ sung sức đến mức nào, họ không thờ ơ với văn học và có ý thức kế tục trách nhiệm từ thế hệ đi trước, được thể hiện trên cả ba lĩnh vực: lý luận - phê bình, sáng tác, dịch thuật.

Thực tế là trong hai lĩnh vực nói trên, một số cây bút trẻ đang tỏ ra say mê và năng nổ. Một số bạn liên tục có bài viết trên các diễn đàn, đặc biệt là Văn nghệ trẻ. Trên thị trường sách dịch cũng xuất hiện nhiều đầu sách do các bạn trẻ dịch từ các thứ tiếng từ Âu sang Á. Năm 2011, có bạn vừa giành giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho tác phẩm thơ dịch. Có bạn không chỉ dừng lại ở việc dịch tác phẩm văn học mà còn 'tấn công' vào một số công trình lý luận hóc búa của các học giả nước ngoài. Những thành tựu đó thật đáng hoan nghênh và các bạn trẻ cũng xứng đáng được coi là lực lượng khuấy động phong trào.
Trong tinh thần đó, các bạn trẻ cũng là những người khuấy động cả tư duy lý luận bấy lâu nay, khi có một số bạn muốn xét lại vị trí của các lý thuyết văn học cũng như xét lại cả ý nghĩa của các thuật ngữ nghiên cứu văn học. Các bài viết và các bài dịch tài liệu lý luận của các bạn trẻ đang buộc các nhà lý luận - phê bình và các nhà sáng tác phải suy nghĩ và tự hỏi về nhiều vấn đề, về nhiều khái niệm trong nghiên cứu văn học. Thế nhưng sự khuấy động của các bạn lại không hiếm khi làm rối tung vấn đề. Mới đây nhất, việc Nhà xuất bản Văn học và Công ty Nhã Nam vừa quyết định thu hồi cuốn sách Bản đồ và vùng đất của Mi-sen Huê-lơ-béc do sai nhiều lỗi dịch thuật và đã làm thành giọt nước tràn ly cho thái độ trước một tình trạng đáng lo ngại trong dịch thuật của lớp trẻ. Tôi nói 'một tình trạng' vì không phải tất cả giới trẻ đều như thế.
Sự thật là đọc bài viết của một số bạn trẻ về các lý thuyết văn học hiện đại nhiều khi rất khó hiểu. Bài viết đầy ắp các trích dẫn - mà đôi khi là những trích dẫn không ăn nhập gì với nhau, và trong cái mớ khái niệm xủng xoảng, người đọc khó thể theo dõi xem tác giả định nói gì, bởi lẽ chúng được kết nối với nhau nhiều khi bằng những cú pháp rất lộn xộn, bằng những từ ngữ hoàn toàn mới lạ nhưng người đọc không thể hiểu nổi nghĩa của chúng là gì. Thí dụ có ai hiểu nổi từ 'truyền nhân' là gì không? Ấy thế mà nó lại được dịch từ một từ tiếng Pháp 'héritier' - nghĩa là 'người thừa kế'. Hay như cụm từ 'bộ máy trình hiện' là cái gì? Những 'từ mới' nhưng vô nghĩa như thế xuất hiện khá nhiều - như có lần tôi đã chỉ ra trong một bài viết trên Văn nghệ trẻ số 3, 4, 5-2012.
Ngoài việc làm phức tạp vấn đề bằng những từ mới vô nghĩa, một số tác giả trẻ còn làm phức tạp vấn đề bằng cách phân biệt những thuật ngữ từ trước đến nay vẫn được coi là đồng nghĩa trong cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài. Ðó là trường hợp của hai thuật ngữ 'lý luận văn học' và 'lý thuyết văn học', được một số tác giả trẻ viện dẫn hai cách dùng của thuật ngữ 'theory' trong tiếng Anh: 'theory of literature' và 'literary theory'. Ðối với hai thuật ngữ này, tôi có thể bảo đảm rằng trong các ngôn ngữ châu Âu người ta không hề phân biệt giữa chúng với nhau, và thuật ngữ 'literary theory' được sử dụng nhiều hơn so với 'theory of literature'. Ngay trong cuốn sách Theory of Literature của R. Oen-lếch và Au. Oa-ren, là cuốn sách được một số tác giả trẻ dựa vào để biện hộ cho quan điểm phân biệt của mình, thì hai học giả người Mỹ vẫn dùng lẫn hai thuật ngữ đó cho nhau. Còn trong các cuốn từ điển tiếng Hán - Việt và từ điển tiếng Việt hiện đại, hai thuật ngữ đó cũng được coi là hai từ đồng nghĩa. Tuy nhiên ở Việt Nam, ngoài việc đồng nhất lý luận với lý thuyết, thì thuật ngữ 'lý thuyết' vẫn có một sắc thái riêng khi nó được dùng để chỉ một 'học thuyết lý luận'. Trong tinh thần đó, khi người ta nói 'các lý thuyết văn học' tức là người ta muốn nói đến 'các học thuyết hay trường phái lý luận văn học'. Mà 'học thuyết lý luận' thì vẫn là 'lý luận'. Như thế, việc phân biệt giữa hai thuật ngữ 'lý luận văn học' và 'lý thuyết văn học' chỉ là một vấn đề giả tạo.
Rõ ràng, một trong các nguyên do của tình trạng rối loạn khái niệm hiện nay trong nhận thức của một số bạn viết trẻ là họ đang có xu hướng quá lệ thuộc vào các khái niệm và thuật ngữ thuộc các lý thuyết mới của nước ngoài, nhưng họ lại không hiểu thấu đáo các thuật ngữ đó và cũng không tìm hiểu kỹ xem các lý thuyết, thuật ngữ mà họ đang tiếp cận đã được nghiên cứu và tiếp thu như thế nào ở Việt Nam. Hậu quả là một số bạn khi viết về một vấn đề đã chỉ trích dẫn các tác giả nước ngoài mà không biết (hay không muốn biết?) vấn đề đó đã được nhiều người trong nước giải quyết từ lâu. Và một nguyên do của việc không hiểu thấu đáo các thuật ngữ và lý thuyết lại chính là vì tình trạng yếu kém trong dịch thuật. (Tất nhiên đây còn là tình trạng của cả một số nhà nghiên cứu 'già' chứ không chỉ của lớp trẻ). Như tôi đã có lần phát biểu ý kiến, lớp trẻ hiện nay có tinh thần say mê, năng nổ, nhưng có phần nóng vội. Trong khi đó, một trong những nguyên tắc của dịch thuật là 'tính kiên trì'. Người giỏi ngoại ngữ cũng có lúc không thể nhớ hết các nghĩa của một từ. Cho nên nếu không kiên trì tra cứu, tìm hiểu thì rất dễ mắc phải những 'từ bẫy' của các ngôn ngữ nước ngoài. Những cái bẫy đó thường rơi vào trường hợp của các biểu ngữ. Một biểu ngữ là một cụm từ mà trong đó mỗi từ sẽ mất đi nghĩa gốc để cùng với các từ khác cấu tạo nên một nghĩa mới. Thí dụ trong tiếng Pháp: 'bonheur' có nghĩa là 'sự sung sướng', 'niềm hạnh phúc', 'petit' có nghĩa là 'nhỏ', 'bé', 'nhỏ mọn', 'ít ỏi', nhưng 'au petit bonheur' thì lại có nghĩa là 'được chăng hay chớ', 'không chủ định', 'hú họa'. Ta thấy là cái biểu ngữ này hoàn toàn không còn gì liên quan đến 'hạnh phúc' hay 'nhỏ bé'. Vậy mà có người đã dịch là 'với niềm hạnh phúc nhỏ nhoi'. Hay như trong tiếng Anh: 'to make' là 'làm', 'way' là 'đường đi', nhưng 'to make way' lại là 'tiến triển' chứ không phải là 'làm đường'! Thêm thí dụ nữa: 'snake' là 'con rắn', 'grass' là 'cỏ', nhưng 'a snake in the grass' lại không phải là 'một con rắn trong đám cỏ' mà là 'kẻ giả nhân giả nghĩa'; 'to have' là 'có', 'boot' là 'giày ủng', nhưng 'to have snakes in one's boots' thì không phải là 'có rắn trong ủng' mà là 'say bí tỉ'... Khi gặp các biểu ngữ như vậy, nhiều người có thể sa bẫy mà dịch theo nghĩa từng chữ chứ không tra cứu để hiểu nghĩa tổng thể của biểu ngữ. Ðiều này hoàn toàn không phải là do họ 'dốt', mà đơn giản chỉ là họ thiếu kiên trì. Căn bệnh này thì ai cũng có thể mắc phải, nhưng người trẻ nôn nóng dễ bị hơn, nhất là khi dịch thuật là một nghề vô cùng nhọc nhằn mà không hề đem lại lợi nhuận cao.
Chính vì thiếu kiên trì mà có bạn trẻ đã mắc phải những sai lầm rất đáng tiếc trong dịch thuật, dẫn đến làm hỏng cả một đoạn văn hoặc cả một bài viết, thậm chí ảnh hưởng không nhỏ đến cả một cuốn sách. Thí dụ đầu đề tập thơ của một nhà thơ Mỹ Sau khi mưa ngừng trút đã được một bạn dịch thành Sau mưa thôi nã đạn. Trong Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất đầu năm 2012, có một bài tham luận của một nhà thơ Mỹ nói về việc đấu tranh cho hòa bình, trong đó có câu rất hay: Muốn thiết lập và gìn giữ được hòa bình thì các nhà thơ Mỹ phải 'nhìn thấy được bộ mặt của chiến tranh' (thực tế là họ đã đến miền bắc Việt Nam ngay trong những năm chiến tranh), thì được dịch thành: Muốn bảo vệ được hòa bình thì 'họ phải nhìn thấy gương mặt của hòa bình'! Chỉ một câu dịch sai như vậy cũng đủ giết chết ý nghĩa của cả bài tham luận.
Dịch tác phẩm văn học đã khó, dịch công trình lý luận lại càng khó. Người dịch phải là người có trình độ lý luận, có kiến thức hệ thống về lý luận văn học. Như có người đã chỉ ra, gần đây có một bài phỏng vấn một nhà khoa học người Pháp về việc các lý thuyết văn học của Pháp được tiếp nhận như thế nào ở Mỹ, thì câu văn gốc 'Khi vào Mỹ, những cái có thể được coi là lý thuyết văn học của người Pháp nhất thiết phải được bố trí lại (hay 'sắp đặt lại') trong khung cảnh của hệ vấn đề rộng hơn nhiều và phức tạp hơn nhiều...' đã được một bạn trẻ dịch thành: 'Cái có thể được coi là lý thuyết văn học ở Pháp nhất thiết phải được viết lại vào trong những vấn đề rộng hơn nhiều và phức tạp hơn nhiều tại Mỹ...'. Một câu văn vừa sai nghĩa vừa trúc trắc về văn phạm tiếng Việt. Ðã thế nó lại bị cắt xén để đưa lên làm thành một cái tít bất cẩn nhưng rất giật gân: Lý thuyết văn học ở Pháp nhất thiết phải được viết lại... (!). Cái đầu đề này có nghĩa là các lý thuyết văn học của riêng nước Pháp phải được viết lại và chúng không liên quan gì đến việc du nhập vào nước Mỹ. Ở đây, dịch giả đã thiếu cẩn trọng nhìn sai mặt chữ nên đã dịch từ 'được bố trí lại' thành 'được viết lại'. Người ta có thể biện hộ đó là lỗi lơ đãng chứ không phải do trình độ. Ðúng là không phải do trình độ ngoại ngữ. Tuy nhiên, một người có trình độ và kiến thức lý luận thì không bao giờ nói và nghe nói đến 'viết lý thuyết' hay 'lý thuyết được viết ra', mà phải nói là 'xây dựng lý thuyết' và 'lý thuyết được xây dựng'. Người Việt đã thế, người Tây lại càng như thế. Cho nên theo suy nghĩ lô-gích thì khi đã trót dịch sai do nhìn nhầm thành 'lý thuyết phải được viết lại', thì khi đọc lại người dịch cũng sẽ phải phát hiện ra sự vô lý mà xem lại bản gốc. Ðiều đó cho thấy không phải cứ biết ngoại ngữ là dịch được. Người dịch cần phải có kiến thức chuyên môn và lô-gích.
... Tiếp thu nước ngoài nên thực hiện một cách có hệ thống, mà hệ thống đầu tiên là hệ thống các khái niệm. Khái niệm và thuật ngữ không phải là thứ trò chơi muốn dùng thế nào thì dùng. 
Câu chữ cũng không phải là vật trang trí để ta muốn cắt xén, tháo lắp thế nào tùy thích. Tôi đã có lần cảnh báo về tình trạng dư thừa chữ nghĩa mà không đem lại thông tin của một số bạn làm lý luận khi viết báo. Nhưng xem ra vẫn không có tác dụng. Mới đây nhất có bạn viết trẻ vẫn thích làm dáng bằng chữ nghĩa khi thay những từ đã có bằng những từ mới lạ, mà những từ mới lạ đó lại chẳng có nghĩa gì (thí dụ trong tiếng Việt đã có từ 'mầu nhiệm', nay nó lại được thay bằng 'huyền nhiệm'! Ðể làm gì?). 
Và vì không biết lấy cái gì để gây chú ý, bạn trẻ của chúng ta lại tìm cách tháo rời các từ có sẵn rồi lắp ráp lại bằng những dấu gạch nối rất vô cớ. Trong một bài viết ngắn mà hầu như đoạn nào cũng có các từ được ghép nối như vậy: phi-dân tộc, phi-cá nhân, thơ-quốc tế, sân-chơi truyền-thông, bất-hợp lý, hậu-hiện đại, nhân bản-kỹ thuật, biểu-tả, thời đại thiếu-vắng-tính-người, phi-chính thống, nhân bản-thông tin, thái độ-vô-cảm, con-người, liên-blogs, thơ-chân chính, thơ-tầm thường, phi-biên giới, nghệ-sĩ-đích-thực và bạn-đọc-đích-thực... Sự làm dáng như thế này đã lần lượt từng câu từng chữ giết chết ý tưởng (nếu có) của người viết. Tôi đã nói là nhiều bạn trẻ thiếu kiên trì, nhưng ở đây bạn viết này lại quá thừa kiên trì, khi mà bạn đó có thể tỉ mẩn đánh dấu gạch nối cho từng ấy chữ mà chẳng để làm gì!
Tóm lại, tôi chỉ muốn nói rằng các bạn viết trẻ hiện nay rất đáng yêu vì có lòng tự tin quá lớn. Nhưng tôi cũng chân thành đưa ra một lời khuyên: tự tin không đồng nghĩa với tự tiện!
PGS, TS NGUYỄN VĂN DÂN

1 comment:

  1. My spouse and I stumbled over here from a different web page and thought I might as
    well check things out. I like what I see so i am just following you.
    Look forward to looking into your web page repeatedly.
    Review my website :: Messi Site

    ReplyDelete