Khi bàn đến xu hướng sáng tác của những cây bút trẻ hiện nay, chúng tôi thấy nổi lên mấy xu hướng chính. Thứ nhất, xu hướng viết về thành thị với cám dỗ và cạm bẫy, ngọt ngào và xảo trá, tự do và tù túng, hy vọng và bế tắc, hạnh phúc và khổ đau, bay bổng và ngột ngạt bủa vây lấy cuộc sống của lớp người “trí thức trẻ ngụ cư thành thị”. Đây là xu thế chủ đạo trong sáng tác của các cây bút trẻ hiện nay. Hiện tượng này xuất phát từ đời sống thực tiễn của hầu hết các cây bút trẻ. Họ đều đã và đang lăn lộn kiếm sống và tồn tại ở thành thị trong hoàn cảnh “văn chương bị đẩy từ trung tâm ra ngoại vi của đời sống văn hóa”.
Ở đối cực khác, một số cây bút trẻ
lại dành tình cảm ấm áp của mình cho những mảnh đời cơ cực vùng trung du miền
núi phía Bắc và vùng miệt vườn sông nước phương Nam. Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy
Nghĩa và Nguyễn Ngọc Tư là những khuôn mặt nổi trội ở xu hướng này. Bên cạnh
hai dòng chủ lưu ấy. là một vài mạch chảy
ngầm rất đáng chú ý. Đó là truyện ngắn mang hơi hướng trinh thám của nữ nhà
văn Di Li. Đến giờ tôi vẫn cho rằng thấy Di Li là một trong những nhà văn thông
minh nhất trong số các cây bút trẻ mình từng đọc. Tư duy sắc sảo, văn phong hấp
dẫn, cuốn hút người đọc. Chỉ tiếc mãi đến giờ, chị vẫn một mình lẻ bóng trên
trên con đường truyện trinh thám mà không có ai cùng chia sẻ... Những truyện
ngắn Nguyễn Ngọc Thuần viết cho thiếu nhi cũng là những tác phẩm đáng đọc. Văn
đẹp, trong sáng làm người đọc như sống lại cả thời thơ ấu. Thật đáng quý. Và
sau cùng, đối tượng tôi muốn tập trung bàn đến trong bài viết này là những
truyện ngắn lịch sử của một số cây bút trẻ.
Có thể nói phần lớn các cây bút trẻ
đến với đề tài lịch sử như một người khách dạo chơi, thoáng qua phút chốc cho
thỏa mãn sự tò mò hay chí tang bồng chứ hiếm khi “chịu ăn đời ở kiếp”. Viết vài
ba, thậm chí chỉ một truyện ngắn lịch sử xong là họ chuyển sang viết cái khác.
Những tác giả có khoảng trên chục truyện ngắn lịch sử như Uông Triều và Hoàng
Tùng thuộc dạng “của hiếm”.
Về mặt thời gian, ngoài lựa chọn tất
yếu là các triều đại phong kiến Việt Nam thì mốc thời gian gần nhất so với thời
điểm hiện tại trong các truyện ngắn lịch sử của một số cây bút trẻ là những năm
trước ngày độc lập. Đôi mắt Đông Hoàng
của Uông Triều, Huyền thoại sông Lăng
của Phùng Văn Khai đều diễn ra trong khoảng thời gian trước năm 1945. Dường như
trong ý thức của một số cây bút trẻ sự kiện cách mạng tháng Tám thành công như
lằn ranh giới phân biệt giữa lịch sử và hiện đại. Đây là điểm khá thú vị mà
chúng tôi nghĩ cần có sự trao đổi, suy ngẫm khi bàn đến khái niệm “truyện lịch
sử”.
Về phương diện nhân vật, ngoài các
nhân vật có thật, nổi tiếng trong lịch sử như Trần Thủ Độ, Lê Chân, Hoàng Diệu,
Nguyễn Ánh… một số tác giả trẻ còn chú tâm xây dựng các nhân vật hư cấu như
quan Tổng trấn Phùng Khắc Sơn trong Hồn Quỳnh của Phùng Văn Khai, Giao Long
trong Giao long truyền kỳ của Hoàng
Tùng. Ngoài hai kiểu nhân vật kể trên, việc xây dựng nhân vật dựa trên nguyên
mẫu nhân vật hư cấu nổi tiếng trong lịch sử như Thúy Vân, Thúy Kiều của Nguyễn
Phú cũng là một lựa chọn sáng tạo.
Về đặc trưng truyện, chúng tôi tạm
chia các truyện ngắn lịch sử của một số cây bút trẻ thành hai dạng: Tụng
sử và luận sử. Tụng sử là dạng thức truyện ngợi ca vẻ đẹp đất nước,
những truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc và chiến công hiển hách, bản
lĩnh anh hùng của những nhân vật lịch sử nổi tiếng. Huyền thoại Hạ Long của Uông Triều là câu chuyện viết về mảnh đất
Hạ Long xinh đẹp - kỳ quan thiên nhiên thế giới được UNESCO vinh danh hai lần.
Qua câu chuyện về người con gái hóa đá ở vịnh, người đọc sẽ cảm nhận được một
Vịnh Hạ Long vừa thơ mộng vừa hùng vĩ với biển núi đan xen, giàu có với nguồn
tài nguyên thiên nhiên phong phú, con người Hạ Long thủy chung son sắt. Đoạt mệnh uyên ương liên hoàn cước của
Hoàng Tùng ca ngợi tinh thần thượng võ của dân tộc Việt. Hào hùng và bi
tráng là hai âm hưởng chủ đạo trong các truyện ngợi ca những vị anh
hùng dân tộc.
Cửa bắc của Nguyễn
Anh Vũ khắc họa thời khắc cuối cùng trước phút quyên sinh để bảo toàn danh tiết
của tổng đốc Hoàng Diệu khi Hà thành thất thủ vào tay giặc Pháp. Tổng đốc tự ải
trong tiếng trống trận ngân vang những giai điệu bi tráng đến từ đôi tay lão
luyện của người cận vệ trung thành, trong hoàn cảnh khói lửa ngút trời, con dân
chạy táo tác tìm chỗ nương thân, tướng sĩ chết như ngả rạ trước súng ống của
quân thù. Toàn câu chuyện tràn ngập bầu không khí bi hùng làm người đọc cảm
động về tấm lòng vị quốc quyên khu của người dũng tướng. Âm hưởng hào hùng được
tái hiện chủ yếu trong triều đại nhà Trần với chiến thắng oanh liệt thiên thu
trước quân Nguyên Mông. Bạch Đằng hải
khẩu dựng nên hình ảnh Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo thao lược vô song.
Người cẩn thận, chú tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất để làm nên chiến thắng Bạch
Đằng lịch sử, xua quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi .
Nhìn chung, do tính chất “tụng, tán”
nên các truyện kiểu này thường có độ giãn cách nhất định với đời sống
đương đại. Tính cách nhân vật - dù được tác giả cố gắng đa dạng hóa - nhưng
nhìn chung vẫn mang tính đơn tuyến, một chiều, ít mâu thuẫn, ít có sự biến động
phức tạp trong nội tâm. Chỉ đến dạng luận sử, luận bàn về những tồn nghi, những
nhân vật có nhiều đánh giá trái chiều trong lịch sử, những hạn chế trên mới
được bổ khuyết phần nào. Nước mắt Thúy
Vân của Nguyễn Phú là một dạng phụ bản viết tiếp truyện Kiều. Câu chuyện là lời nhà văn “nói hộ” những uẩn ức trong
lòng Thúy Vân khi chứng kiến chồng mình tái hợp với người chị Thúy Kiều, qua đó
gửi gắm ước vọng về cuộc sống bình yên hạnh phúc cho những người phụ nữ có tài
có sắc nhưng không được người đời cảm thông. Tâm tư của đức thượng hoàng Trần
Nhân Tông trước khi viên tịch với bao nỗi niềm trăn trở về vương triều, về đất
nước, về thói tham, sân, si của người đời được Uông Triều dồn nén trong một đêm
mưa gió bão bùng ở am Ngọa Vân, giúp người đọc có cách tiếp cận khác về vị tổ sư
của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đặc biệt, trong Đêm nguyên phong và Giao long
truyền kỳ, Hoàng Tùng đã lột tả khá thành công những tính cách đa chiều,
phức tạp của thái sư Trần Thủ Độ cùng vua Gia Long - Nguyễn Ánh. Những lời đối
thoại giữa Trần Thủ Độ và Đô Kình - người
nửa đêm vào hành thích mình nhằm trả thù cho vua Lý Huệ Tông - thực sự
đã lột tả đầy đủ tính cách của một trong những nhân vật phức tạp nhất trong
lịch sử dân tộc. Qua lời đối thoại, hiện lên hình ảnh một Trần Thủ Độ vừa đầy
nhẫn tâm khi ép vua Lý Huệ Tông phải tự vẫn để củng cố vững chắc địa vị cho nhà
Trần nhưng cũng vô cùng cảm khái khi can vua không nên hàng giặc. Hành động
giết chết Giao Long để thu phục lòng đám thảo khấu rồi lập đàn tế lễ sau khi
lên ngôi đã phản ánh sự trí trá trong quân cơ của Nguyễn Ánh.
Với việc đi vào truyện lịch sử, đặc
biệt ở thể luận sử, một đề tài phức tạp và gây nhiều tranh cãi nhất không chỉ
trong giới mà của cả xã hội[1], có thể nói
các nhà văn trẻ đã thể hiện được bản lĩnh văn chương của mình. Đây là điều đáng
mừng vì nó chứng tỏ truyện lịch sử không chỉ là sân chơi riêng của các nhà văn
U70, U60. Với sự xuất hiện của tiểu thuyết
Phùng Hưng do Phùng Văn Khai chấp bút, trong tương lai không xa chúng tôi
tin rằng trong thời gian không xa, sẽ có một làn sóng viết tiểu thuyết lịch sử
đến từ các cây bút trẻ.
Tuy nhiên, thiết nghĩ ở đây cũng cần
tâm sự với một số tác giả trẻ về những điều chúng tôi còn thấy băn khoăn. Đó là
một số truyện khắc họa tính cách nhân vật còn sơ lược. Người con gái Yên Tử của Uông Triều là một sự giải thích khô khan,
đơn giản những địa danh làng Nương, làng Mụ, suối Giải Oan ở Yên Tử. Phùng Văn
Khai sau màn khởi đầu đầy ấn tượng với những trường đoạn miêu tả trà thơm, kiếm
sắc, tỉ cờ lại hụt hơi trong cái kết cuả Hồn
quỳnh.
Cái chết của tên gian thần Ôn Tử
Kiền thật sự làm Hồn quỳnh trở nên
nhẹ bẫng. Mùi hương quỳnh mặc dù được tác giả nhắc đi nhắc lại ở cuối truyện
nhưng đã không còn sức quyến rũ, ám ảnh như phần đầu nữa. Mặt khác, viết về
lịch sử của một dân tộc có truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng bậc nhất
thế giới, các truyện lịch sử đều ít nhiều miêu tả những cảnh chiến trận, những
màn đấu võ giữa các cá nhân. Nếu như các tác giả trẻ làm tái hiện phần nào quy
mô hoành tráng của những trận “quyết chiến chiến lược” của cha ông ta ngày
trước thì những màn tỷ võ họ miêu tả lại chưa làm thỏa mãn người đọc. Một số
tác giả trẻ, đặc biệt là Hoàng Tùng đã rất nỗ lực trong việc miêu tả những màn
tỷ thí võ nghệ cá nhân. Anh đã mạnh dạn gọi truyện của mình là truyện kiếm hiệp Việt Nam (khi nhìn dòng
chữ này chúng tôi mừng như bắt được vàng). Nhưng tiếc là những gì anh miêu tả
chưa thật sự hấp dẫn bạn đọc, nhất là với những bạn đọc yêu thích thể loại kiếm
hiệp… như chúng tôi.
Ngay cả những màn tỷ võ trong các
truyện mà tính kiếm hiệp trội hơn tính văn học như Bảo kiếm truyền kỳ, Linh miêu quyền… dù tác giả đã cố gắng hết sức
nhưng là chưa đủ để thuyết phục được những ai đã đọc Kim Dung, Cổ Long, Ngọa
Long Sinh… Dẫu vậy với tư cách là bạn đọc yêu văn chương nói chung và thể loại
kiếm hiệp nói riêng, chúng tôi rất vui mừng với sự xuất hiện của Hoàng Tùng. Hy
vọng sẽ gặp lại anh - và nhiều cây bút nữa thì càng tốt - ở một hướng đi mà
chúng tôi nghĩ rằng là khả thể nhất trong việc thu hút bạn đọc tìm đến với văn
chương chữ nghĩa: Thể loại tiểu thuyết
lịch sử - kiếm hiệp. Tất nhiên là với một tầm mức mới.
Đoàn Minh Tâm
------------------
[1] Chúng ta đã chứng
kiến những cuộc tranh luận nảy lửa về truyện lịch sử của Nguyễn Huy
Thiệp, về Dị hương của Sương Nguyệt
Minh, về Hội thề của Nguyễn Quang
Thân và vô số tác phẩm lịch sử khác…
No comments:
Post a Comment