.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, June 9, 2012

LÊ PHƯƠNG LIÊN: THĂNG TRẦM VĂN HỌC THIẾU NHI

   Vốn là một người bước vào làng văn từ những bước chập chững sáng tác văn xuôi cho thiếu nhi, rồi trải qua hàng chục năm làm công việc biên tập sách ở Nhà xuất bản Kim Đồng, tham gia phong trào văn học thiếu nhi từ những năm 70 của thế kỉ trước, nhân dịp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ rất có ý nghĩa hôm nay, tôi xin mạnh dạn trao đổi ý kiến cùng các bạn đồng nghiệp nhằm cùng tìm hiểu thêm những nguồn mạch trong sáng cho văn học nước nhà cũng là vì sự phát triển của trẻ em Việt Nam.

Nhà văn Lê Phương Liên phát biểu. Ảnh: VanVn
 
Suốt hơn nửa thế kỉ đã qua,từ những bước phát triển ban đầu vào những năm 50 của thế kỉ XX văn học viết cho thiếu nhi Việt Nam đã ra đời , hình thành, phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể.Nhiều cuốn sách nổi tiếng đã là người bạn đồng hành với các thế hệ thiếu nhi Việt Nam, trong đó không ít cuốn sách đã được dịch và giới thiệu ở nước ngoài. Trong những thập niên cuối thế kỉ XX bước sang thế kỉ XXI, văn học viết cho thiếu nhi của chúng ta đã thật sự trải qua những lúc thăng trầm,trăn trở và nỗ lực hết mình để có được những tác phẩm mới mẻ theo kịp đời sống trẻ em hôm nay.   Trong bài phát biểu nhỏ này, tôi chỉ xin  giới thiệu những thông tin gợi mở để các nhà nghiên cứu, các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp dành sự chú ý cần thiết cho mảng văn học thiếu nhi, một bộ phận văn học nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa xã hội rất lớn.
  Trước hết xin nói về văn xuôi.
 Nếu nhìn lại những thành tựu văn xuôi cho trẻ em nước ta dễ dàng nhận thấy  thể loại  “truyện vừa” là thể loại thành công hơn cả. Với đặc điểm tâm sinh lí của tuổi thiếu niên, các em sẽ cảm thấy mệt mỏi khi đọc các cuốn tiểu thuyết quá dầy 400, 500 trang. Những cuốn sách từ 100 đến 200 trang là vừa tầm với sức đọc của tuổi thiếu niên.Có lẽ vì thế thể loại “truyện vừa”  hoặc “đoản thiên tiểu thuyết” ( nhưng nhà văn Ngô Tất Tố đã gọi tác phẩm Tắt đèn của mình) hay là “tiểu thuyết ngắn”- một thể loại mà hiện nay đang được giới trẻ ở các nước viết tiếng Anh rất hâm mộ, đúng là thể loại phù hợp nhất với thanh thiếu nhi.
 Nếu nhìn lại các thành tựu “truyện vừa” viết cho trẻ em nước ta bằng cách nhìn của văn tự sự, của dòng chảy đối thoại nội tại với những cung bậc hài hước dí dỏm hòa cùng sự hoài niệm yêu thương nồng thắm, ta sẽ nhận ra  từ Dế mèn phiêu lưu ký đến Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là tác giả của An Tư công chúa, Đêm hội Long trì, nhưng với ý thức viết cho thiếu nhi ông đã sáng tạo ra một tiểu thuyết lịch sử ngắn. Trong tác phẩm này cảm hứng hùng tâm tráng chí từ ngàn xưa trỗi dậy trong tâm tư nhân vật Hoài văn hầu Trần Quốc Toản và những nét trẻ con “bồng bột” day dứt về thân phận riêng đã được tác giả sáng tạo nên những đoạn đối thoại nội tâm chân thành, và đó chính là yếu tố có tính thuyết phục để tác phẩm vào được tâm can bạn đọc.
 Dòng chảy tiểu thuyết lịch sử ngắn đã không dừng lại sau sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ( năm 1960). Hàng loạt những truyện vừa lịch sử như Bên bờ Thiên Mạc, Trăng nước Chương Dương của Hà Ân, Sao khuê lấp lánh của Nguyễn Đức Hiền, Sừng rượu thề của Nghiêm Đa Văn, rồi Búp sen xanh của Sơn Tùng, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng của Xuân Sách, Khúc hát vườn trầu của Lê Minh…Tiểu thuyết lịch sử đã đạt đến độ huyền thoại với bộ ba Chuyện nỏ thần , Đảo hoang, Nhà Chử của Tô Hoài.Trong những tác phẩm này hình ảnh những người anh hùng dân tộc đã trở thành những hình tượng sống động và gần gụi , có phần tưởng tượng và hư cấu, có phần chiêm nhiệm và tâm sự của tác giả. Chính nhờ những yếu tố văn học ấy mà nhân vật lịch sử đã đi vào cõi sâu sa  làm rung động tâm hồn người đọc .
  Với cách nhìn tự sự, ta nhận ra Quê nội của Võ Quảng chính là những trang văn hoài niệm quê hương tha thiết, những dòng tác giả nhìn lại một thời kì lịch sử ở một làng quê miền trung với cái nhìn trong veo và ngộ nghĩnh vừa  tự cười cợt vừa nặng trĩu lòng vị tha với sự ấu trĩ của một thời.
 Dòng chảy văn xuôi lại đến Miền xanh thẳm  của Trần Hoài Dương .Ở đây dòng tự sự là một hoài niệm về “ con người lý tưởng” trong tâm hồn tác giả có lúc chới với, có lúc trăn trở để tìm kiếm một lẽ yêu đời giữa thế giới xô bồ đang biến động …Cũng trong một cuộc vận động sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng, tác phẩm đã đoạt giải cao hơn Miền xanh thẳmKhúc đồng dao lấm láp của Kao Sơn. Dòng tự sự nội tâm trong tác phẩm này lại đậm đà chất đồng quê, một cảm giác tự vượt thoát thăng hoa trong tâm hồn tác giả thật khó có thể lặp lại lần thứ hai. Ở đây ta cũng liên tưởng đến Tuổi thơ im lặng của nhà văn Duy Khán, một nhà văn chỉ ghé vào văn học thiếu nhi một tác phẩm để đời .
    Các cuộc vận động sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng được liên tục phát động từ những năm 1995 đến 2002 đã tạo đà cho sự thành công của hàng loạt các tác phẩm “ truyện vừa”mới ra đời như Đợi mặt trời (Phạm Ngọc Tiến); Bỏ trốn (Phan Thị Thanh Nhàn); Bí mật hồ cá thần (Nguyễn Quang Thiều) Miệt vườn xa lắm ( Dạ Ngân)…
    Trong thể loại truyện vừa cho thiếu nhi ,trong dòng chảy tự sự mới ,thế giới tuổi thơ của Nguyễn Ngọc Thuần  đã xuất hiện như một tia sáng trong xanh , bừng nở trong vườn văn cho trẻ em Việt Nam. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và  Một thiên nằm mộng cho đến nay vẫn là  những cuốn sách gây sửng sốt mà vẫn chưa được nhiều nhà phê bình quan tâm nghiên cứu .
  Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một tác giả thành công với bạn đọc trẻ, anh là người có một “khóe văn” riêng.Anh chiếm được tình cảm của hàng triệu người đọc cũng không ngoài quy luật tự sự và đối thoại nội tâm của tuổi thơ,không ngoài sự tự phát hiện ra chất hài hước của chính mình, và trong  số những sáng tác đạt tới chiều sâu như Tôi là Bê tôCho tôi xin một vé đi tuổi thơ chính là những tác phẩm được không chỉ trẻ em mà cả người lớn và bạn bè trong văn giới mến mộ .
  Trong sự phát triển của thể loại truyện vừa, một dòng chảy tự sự đang tuôn trào mạnh mẽ đó là sách cho Tuổi mới lớn với những tác giả như Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Nguyễn Thị Châu Giang, Dương Thụy...Dòng văn tự sự của các cây bút trẻ hiện nay càng đi sâu vào bên trong tâm hồn tuổi mới lớn hiện đại với những nỗi băn khoăn trăn trở và bí bức…  Khi đọc các cuốn sách trong Tủ sách Tuổi mới lớn, cũng có nhà phê bình băn khoăn về liều lượng tình cảm khác giới đang càng ngày càng đậm đà và những khao khát thôi thúc trong tâm hồn tuổi dậy thì về những ước mơ lớn lao hơn gắn bó với sự phát triển của dân tộc, đất nước thì dường như có phần mờ nhạt. Nhận xét này liệu có chủ quan chăng?
 Hi vọng rằng sẽ có nhiều các nhà nghiên cứu phê bình  sẽ vào cuộc với những sáng tác trẻ hiện nay.
  Trong những năm đổi mới vừa qua, cùng với sự phát triển của ngành xuất bản, với hình thức phát hành sách định kì, thể loại truyện dài kì đã phát triển như một sự “bùng nổ”. Có thể kể tên một số bộ  sách như Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh , Năm Sài Gòn của Bùi Chí Vinh, Học trò phố huyện của Nguyên Hương, Ngôi trường không nổi tiếng của Lưu Thị Lương, Sống sót vỉa hè của Võ Phi Hùng…Truyện dài kì là một thể loại truyện liên hoàn, với các nhân vật mang cá tính điển hình đậm nét , tham gia xuyên suốt hết tập này sang tập khác trong toàn bộ sách. Tác giả xây dựng những câu chuyện được diễn ra trọn vẹn trong từng tập riêng lẻ, nhưng lại có thể liên kết thành một  câu chuyện dài.Hiện thực đời sống sinh hoạt của trẻ em đã được thể hiện khá sinh động trong các bộ sách này, từ đời sống của học trò miền núi tại thành phố Ban Mê Thuột (Đắc Lắc), một thành phố mà sự thăng trầm của giá cà phê chi phối cả vui buồn của trẻ nhỏ ( trong bộ truyện Học trò phố huyện của Nguyên Hương), đến đời sống của trẻ em lang thang cơ nhỡ nơi hè phố ( trong bộ truyện Sống sót vỉa hè của Võ Phi Hùng). Bộ sách dài kì thành công hơn cả là bộ Kính Vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh viết về sinh hoạt của học trò ở nhà, ở trường được diễn ra ở nhiều khung cảnh , thành thị, nông thôn, vùng núi rừng, trên bờ biển...Có thể nói rằng sách dài kì là sản phẩm của nền công nghiệp giải trí hiện đại.Sự thành công của Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một “hiện tượng” trên thị trường sách hiện nay.
  Truyện ngắn viết cho lứa tuổi nhi đồng mang chất “đồng thoại”, “cổ tích” đã từng được in dấu trong tâm hồn các thế hệ thiếu nhi Việt Nam với Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài, Tìm mẹ của Nguyễn Huy Tưởng, Chú đất nung của Nguyễn Kiên,Chàng hiệp sĩ gỗ của Kim Lân, Cái tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi, Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công của Vũ Tú Nam,Chuyện hoa chuyện quả của Phạm Hổ... Tuy nhiên đã có một thời kì khuynh hướng hiện thực “người tốt việc tốt” đã lấn át trong văn học thiếu nhi, việc sáng tạo tưởng tượng nhiều khi bị quy chụp thành biểu tượng hai mặt, do đó chất tưởng tượng  bay bổng trong văn học thiếu nhi bị hạn chế. Có những thời kì những tác phẩm giầu chất tượng tưởng đã vắng bóng. Thời kì đổi mới, với sự đổ bộ hàng loạt các tác phẩm văn học nước ngoài đã kích thích việc trở lại của truyện đồng thoại, truyện giầu chất thơ bay bổng tưởng tượng.
   Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch, do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ và Nhà xuất bản Kim Đồng là đơn vị thực hiện đã có sự tác động trực tiếp đến thể loại truyện ngắn cho nhi đồng.Từ các lớp tập huấn do các chuyên gia Đan Mạch giảng dạy, phương pháp sáng tác mới đã được truyền bá trong  anh chị em yêu thích việc sáng tác cho thiếu nhi. Từ các cuộc vận động sáng tác hàng năm do Nhà xuất bản Kim Đồng, phối hợp với Hội Nhà văn Đan Mạch đã thu hút nhiều cây bút ở nhiều lứa tuổi khắp đất nước tham gia. Các tác giả đạt giải cao như Nguyễn Thị Bích Nga với Thày lang hai mặt,Trần Đức Tiến với Vương quốc lụy tàn, Thiên thần nhỏ áo xanh, Nguyên Hương với Chuyện kể bốn  mùa, Trương Tiếp Trương với Đàn vịt bơi qua sông và gần đây nhất là tác giả thiếu nhi Võ Hương Nam với Vỏ ốc diệu kì…đã tạo nên những dấu ấn chuyển mình trong truyện ngắn cho lứa tuổi nhỏ. Trí tượng tưởng của bạn đọc được mở rộng hơn, những nhân vật mang tâm hồn thiếu nhi được hư cấu kì ảo hơn , cốt truyện tạo nên thế giới thực và thế giới ảo đan xen chuyển tiếp và biến hóa sinh động hơn. Gần đây nhất việc cho ra mắt bộ sách Thị trấn Lúc Búc là một thành công mới,một sản phẩm đầu tay của các nhà văn và họa sĩ trẻ Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Đan Mạch.
 Dòng chảy truyện đồng thoại Việt Nam lại với ghi nhận một điểm sáng mới với Hai con mèo ngồi bên cửa sổ của Nguyễn Nhật Ánh đang là một cuốn sách thời sự của bạn đọc hiện nay.
 Phần tiếp theo xin nói về thơ cho thiếu nhi.
 Theo tôi ta có thể lấy bài thơ Chú bò tìm bạn ( 1956)của nhà thơ Phạm Hổ và Gà mái hoa ( 1957) của nhà thơ Võ Quảng là cái mốc đánh dấu sự ra đời của dòng thơ viết cho thiếu nhi.Dòng thơ đó được tiếp nối với Trần Thanh Địch, Vũ Ngọc Bình, Định Hải , Quang Huy, Nguyễn Bùi Vợi, Ngô Quân Miện,Thanh Hào, Vân Long, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn…Dòng thơ thiếu nhi sôi nổi hồn nhiên đã kéo theo cả những nhà thơ đã nổi danh từ thời “thơ mới” tham gia “chơi với thiếu nhi” như nhà thơ Huy Cận , nhà thơ Tú Mỡ, nhà thơ Tế Hanh.Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, một phong trào thơ thiếu nhi xuất hiện và nhà thơ nhỏ tuổi Trần Đăng Khoa đã làm nên một hiện tượng thơ thế kỷ XX. Sau thời kì rực rỡ này, thơ thiếu nhi có vẻ chững lại ,dòng thơ thiếu nhi dường như lặng lẽ hơn , nhưng vẫn có những thành công mới xuất hiện những tên tuổi mới : Phùng Ngọc Hùng, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Quốc Toàn, Đặng Hấn, Phạm Đình Ân, Dương Thuấn… Cho đến những năm đầu thế kỉ XX, thơ thiếu nhi tưởng chừng như đã là một “sân chơi vắng vẻ” .Nhưng rồi, dòng thơ vẫn chảy với tấm lòng nhiệt huyết của những người yêu thơ thiếu nhi, sự ra đời của tập thơ Con chuồn chuồn đẹp nhất (NXB Kim Đồng 2010) của Cao Xuân Sơn và Dắt biển lên trời (NXB Kim Đồng 2012) của Hoài Khánh đã đánh dấu những nỗ lực của người lớn và sự xuất hiện của Đặng Chân Nhân và Ngô Gia Thiên An lại là tia nắng mới của thơ của tuổi thơ thế kỉ XXI.
 Có thể nói rằng trong thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI, văn học thiếu nhi Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và đã và đang hội nhập với thế giới , thành tựu Văn học thiếu nhi đã được ghi nhận bằng những giải thưởng quốc tế xứng đáng như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh được giải thưởng Asean, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần được giải thưởng Peter Pan của Thụy Điển.
Về phong trào  văn học viết cho thiếu nhi, có thể nói rằng từ khi đất nước thống nhất, văn học thiếu nhi Việt Nam đã có thêm sự tham gia của các cây bút vốn sáng tác từ các đô thị miền nam từ trước 1975 như Võ Hồng, Bùi Giáng, Nguyễn Thị Hoàng, Đoàn Thạch Biền, Kim Hài , Thùy An, Nguyễn Thái Hải ( Khôi Vũ)... nhiều tác phẩm mới được ra đời và những giải thưởng cao được trao tới các anh chị đã làm phong phú giầu đẹp hơn vườn văn học cho thiếu nhi Việt Nam.Đội ngũ viết cho thiếu nhi đã mở rộng khắp các vùng miền đất nước  với các trung tâm sôi động TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, đông bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Quảng Nam,Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định,Hà Giang...
Bắt đầu từ năm 2011, giải thưởng Cây bút Tuổi hồng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ chí Minh , Báo Thiếu niên tiền phong với sự tham gia tư vấn chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam đã được khởi động với những giải A đầu tiên trao cho các em Đỗ Tú Cường (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Đan Thi (Hà Nội) và Võ Hương Nam (Đắc Lắc). Năm nay giải Cây bút Tuổi hồng và Trại sáng tác văn học của các em thiếu nhi 2012 sẽ được Trung ương Đoàn tổ chức tại Đồng Nai trong những ngày sắp tới. Đây là một hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự nỗ lực của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh “vào cuộc” với Văn học thiếu nhi.
  Tuy nhiên chúng ta không khỏi suy nghĩ khi những cuốn sách tâm huyết của các nhà văn khi xuất bản chỉ đạt được 1000, 2000 bản trong khi chúng ta có hơn 80 triệu dân.Ở rất nhiều vùng quê,miền núi, hải đảo xa xôi trẻ em đang “đói sách”. Văn học đọc của trẻ em hiện nay đang là một vấn đề lớn cần cả xã hội quan tâm và tìm hướng đi đúng đắn để phát triển.
  Có phải là nói quá chăng khi cho rằng văn học với trẻ em cần thiết như cơm ăn, nước uống và không khí để thở hàng ngày. Trẻ em cần phải được  tiếp xúc với tinh hoa văn học từ bé và sớm hình thành thói quen đọc sách cùng với việc biết viết những nét chữ đầu tiên, biết đọc những trang sách đầu tiên.Văn học cho thiếu nhi cũng có đủ thang bậc giá trị như văn học cho tất cả mọi người mà không thể có thang bậc nào được phép hạ thấp đi. Chỉ có một điều như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có lần  nói đại ý : “Chơi với trẻ con khó hơn chơi với người lớn, điều này cũng cần đến một chút trời cho…”
   Trong bài phát biểu nhỏ  này tôi không có tham vọng làm công việc tổng kết … Tôi chỉ mạnh dạn trình bày những suy nghĩ từ một góc độ riêng để góp thêm một chút lửa nhiệt tình  với bạn bè trong văn giới cùng nhau vun đắp cho sự phát triển của nền văn học nước nhà nói chung, trong đó có văn học dành cho trẻ em.
Tháng 6  năm 2012

Lê Phương Liên

No comments:

Post a Comment