.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, June 23, 2012

ĐỖ QUYÊN: CĂN NGUYÊN CỦA CÁC TRANH LUẬN VỀ THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU (KỲ 1)

Xin trích đăng tham luận về thơ Nguyễn Quang Thiều của Đỗ Quyên “Thi pháp Nguyễn Quang Thiều: Nhìn từ dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị”. Chỉ có bậc sư tử mới linh thông và hống lên những ngữ khúc đầy phách diễm như vậy. “Phải đào ba tấc đất sâu/… Phải lên đến bảy tầng trời”, ăn hỏi truy cập với nàng Thơ thì có rụng cả đầu gối có hề chi. Trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc (Văn chương +).

III. Căn nguyên của các tranh luận về thơ Nguyễn Quang Thiều
III.1. Thơ Nguyễn Quang Thiều như một dạng nghệ thuật bấp bênh
III.1.1. Đầu tiên và quyết định: bấp bênh giữa quan niệm thẩm mỹ cổ điển và hiện đại
Đúng ra, thơ này nằm sâu trong thẩm mỹ cổ điển, nhưng cách thể hiện lại khiến người đọc cổ điển tưởng tác giả phá bỏ mỹ học cũ. Tức là có độ vênh lớn giữa hình thức nghệ thuật và chủ đề nội dung mà chính nó – hiện thực truyền thống và ổn cố của nông thôn, nông dân Việt Nam – là chốn linh thiêng của văn hóa Việt. Hình thức nghệ thuật là cái rốn sinh sự ở thơ Nguyễn Quang Thiều!
Cái Đẹp, cái Cao cả, cái Bi theo nghĩa rất chuẩn của ý thức cổ điển đều làm nên nghệ thuật thơ Nguyễn Quang Thiều. Thơ này không có cái Hùng – vốn là chủ đạo, đồng nghĩa với cái Cao cả của ý thức mỹ học quen thuộc ở Việt Nam; Và thiếu vắng cái Hài.
Liệu cách diễn tả văn hóa Việt trong thơ Nguyễn Quang Thiều đã là văn hóa nông thôn Việt tiêu biểu? Liệu các nhân vật và cái Tôi trữ tình trong đó chính là người nông dân Việt đặc trưng? Khác hẳn trong văn xuôi của mình, trong thơ - trừ ở một số ít bài “xuất chúng” (Những người đàn bà gánh nước sông, Bài hát về cố hương, Cánh đồng, Trên đại lộ ) – hầu như tác giả không nói về tâm tư và sinh hoạt thường nhật của người nông và không hề có đại tự sự của “tam nông” Việt Nam. Nông thôn Việt đã quen trong thơ của hàng ngàn tác giả mà đại biểu là Nguyễn Bính (chân quê tình đất), Phùng Cung (nỗi đau thất thế), Đồng Đức Bốn (người quê trong cõi nhân sinh), Mai Văn Phấn (thiên nhiên và lòng người),… Nguyễn Quang Thiều nói về nông thôn và nông dân không giống cả ngàn tác giả khác, mà còn khác cả các đại biểu.
III.1.2. Thứ đến, bấp bênh về thể loại thơ và văn xuôi
Bài toán thể loại là khó có giải đáp nhất trong lao động nhà văn. Chủ quan và cá tính. Đã không ít tác giả thơ dính vào vòng luân hồi này của con chữ. Trên thi đàn thế giới lâu lâu lại nổi lên những núi lửa tranh luận phụt ra từ quan niệm thể loại, kẻ lay động thường là các thi sĩ. (Không khác gì chuyện giới tính nam nữ của người đời!)
Nguyên Sa ở một số bài đã lái thơ trên mái chèo văn xuôi rất điệu nghệ. Bùi Giáng có mươi bài thơ văn xuôi không tạo ấn tượng lắm. Trong các nhà thơ Việt hiện đại, làm thơ văn xuôi thì không ít, nhất là ở các tác giả trường ca và thơ dài, nhưng còn văn xuôi hóa thơ có lẽ ở Nguyễn Quang Thiều là nhất quán, dằng dai và thành tựu nhất? Có thể hơn cả Chế Lan Viên? Đinh Thị Như Thúy đang có nhiều cơ hội, song vì không dứt khoát “cải giống” cuồn cuộn như Nguyễn Quang Thiều. Nữ sĩ chỉ cho thơ bị ảnh hưởng êm đềm, chừng mực bởi văn xuôi. Dương Kiều Minh và Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Ngân Hằng và Lê Nghĩa Quang Tuấn cũng vậy.
Theo lý thuyết phê bình cấu trúc/ giải cấu trúc, thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn cổ điển về chất khi giữ ngôn từ làm phương tiện; Hình thức mang tính hiện đại và sự xóa nhòa thể loại trong bàn tay thơ luôn để lại vết. Đó là một lý do khiến nó khó được tiếp nhận với lối đọc thông dụng.
Chúng ta thử soi lại thơ Nguyễn Quang Thiều theo sự văn xuôi hóa thơ, bằng kiểu phân loại rất tinh vi của J.-C. Montel  - theo lý luận của J. Roubaud - trong tham luận mà tên của nó đã nói lên cái vô hạn (và cũng là vô bổ!) về cuộc tranh biện trên tạp chí thơ quan trọng nhất của Pháp hồi năm 2000: “Văn xuôi/ Thơ: cuộc tranh cãi bị xuyên tạc”.
Theo chúng tôi hiểu, có 6 tiêu chuẩn, thứ tự quyết định đâu là thơ đâu là văn: thời gian, đối tượng, hiện thực, chủ thể, nghĩa và nhịp điệu.
Thời gian trong thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn “áp đặt một ‘trải nghiệm’ độc nhất và chưa từng có” như tiêu chuẩn triệt để nhất phân biệt thơ và văn xuôi, nhưng không phải là “không đầu không cuối” theo cách làm thơ quen thuộc.
Đối tượng của thơ Nguyễn Quang Thiều tuy vẫn “không thể nhận dạng để tạo thành một vật cô đúc đồng nhất” - minh chứng rõ cho thơ này là… thơ! – nhưng lại diễn đạt kiểu tự sự.
Chủ đề trong thơ Nguyễn Quang Thiều thì đúng là “phòng tránh khỏi cái thường nhật” về hiện thực (Xem phần V.2) nhưng vẫn “nhắm tới sự hoàn tất tạm thời” chứ không “áp đặt ngay từ đầu như một sự gãy vỡ”. 
Chủ thể ở thơ Nguyễn Quang Thiều (độc giả) vừa tự thấy mình là độc nhất (trong thơ) vừa so sánh để nhận ra mình là một trong vô số. Nói như Đặng Tiến, “Yêu văn là yêu người. Yêu thơ là yêu mình.”, thơ Nguyễn Quang Thiều yêu cả hai.
Nghĩa của thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho thấy “thơ không nói gì hết, trong khi văn xuôi nói một cái gì đó”, và dưới đáy lòng thơ này muốn nói rất nhiều.
Cuối cùng: Nhịp điệu trong thơ Nguyễn Quang Thiều là tất cả. Tác giả coi tiết nhịp “độc lập với âm luật và sự đếm của thơ”, nhưng lại không có khẩu ngữ trong chất văn xuôi. Thêm đó, “cái gián đoạn trong cái liên tục” của thơ ở đây bị gần như triệt tiêu. Việc gây ra dáng vẻ của “thơ dịch” đến mức hàm oan “Thơ Tây giả cầy” cũng là từ đây.
III.1.3. Tiếp, bấp bênh về văn bản tác phẩm và dịch phẩm
Nó nổi lên khi tác giả có xuất bản thứ hai, năm 1993. Thật ra, “thơ như thơ dịch” và “dịch hay hơn cả thơ nguyên bản” là hai thái cực của giao thoa văn hóa, và luôn có khoảng cách giữa chúng. Nhà sáng tác và nhà dịch thuật cần nắm các quy luật văn học của ngôn ngữ mình sử dụng và ảnh hưởng, như hiểu luật giao thông. Lý thuyết văn học dịch trong các thập niên qua đã có những bước nhảy, song không – và có thể mãi sẽ không – làm ngưng các tranh biện triền miên về dịch, nhất là dịch thơ. Nhưng lý thuyết dịch sẽ có tác dụng cụ thể cho các nhà thơ có thơ như thơ dịch. Liệu thơ Nguyễn Quang Thiều có là ví dụ tốt khi tìm hiểu ảnh hưởng của văn hóa Nam Mỹ và ngôn ngữ Tây Ban Nha, Anh lên văn hóa Việt và ngôn ngữ thơ Việt?
Rất hiếm thi sĩ Việt có gần như toàn bộ thi phẩm bị “lãnh án” này! Thường chỉ một vài bài, hoặc trong nhiều bài chỉ một vài câu, ý. Người làm thơ nào cũng biết rõ hơn ai hết, các bản phác thảo thơ thường có chất thơ dịch. Nhạc tính là cái phân biệt rõ nhất giữa thơ Việt và thơ dịch. Nhiều bài trong di cảo lần đầu công bố của Chế Lan Viên như vậy. Không kể nhiều hình ảnh, biểu tượng và các động tác nhân vật phảng phất văn học Nam Mỹ, chỉ riêng cách dùng từ ở thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đặc kiểu Tây phương. Một con số biết nói về điều đó, và nhiều điều khác của thi pháp: trong toàn tập Châu thổ với tổng số 57.309 từ (kể cả văn bản phụ), các từ “người đàn ông” lặp 29 lần, còn với “người đàn bà“ thì tới tận 87 lần! Chắc rằng, từ cổ chí kim, không một thi sĩ Việt nào có nhiều “người đàn ông” và nhất là nhiều “người đàn bà“ bằng Nguyễn Quang Thiều!? Tiện, so luôn với tập Thơ tuyển Mai Văn Phấn (NXB Hội Nhà văn 2011, dày 467 trang cùng khổ sách Châu thổ, tổng số 65.111 từ): “người đàn ông”: 1 lần; và “người đàn bà“: cũng 1 lần.
Chúng tôi cũng mường tượng, dịch thơ Nguyễn Quang Thiều dễ nhiều hơn là khó. Cả bài thơ nào đó có thể không hiểu, không cảm được hết, song từng đoạn, thậm chí từng câu đều có cú pháp, hành văn đúng luật tiếng Việt. Không hề chơi chữ, ẩn dụ bóng láng kiểu Bùi Giáng, Lê Đạt. Dù không ít câu đoạn thiếu các thành phần chủ, vị, bổ ngữ nhưng thơ này có logic diễn đạt thẳng, chủ tâm mà không chủ đích; không ngập ngừng tưởng như vô ý kiểu Nguyễn Đình Thi; chẳng phi tuyến tính kiểu Thanh Tâm Tuyền.
III.1.4. Còn nữa: bấp bênh về văn bản tác phẩm và nhân thân văn học của tác giả
Như chúng tôi có dịp nêu ở một vài diễn đàn khác , về cái gọi là tính bất định của thơ. Thơ là nghệ thuật của ngôn từ và cả những gì không-ngôn-từ. Văn xuôi mới thuần là nghệ thuật của ngôn từ. Một trớ trêu trong văn học chỉ xảy ra với thơ, mà văn xuôi không có, đó là: có những loại thơ để nhận chân giá trị của tác phẩm còn phải cậy nhờ đến chính cái tên của tác giả. Với một số bài thơ đã như thế. Với một nhà thơ cũng có thể như thế. Và cả với một số dòng thơ cũng như thế. Thơ đó, tất nhiên, phải có giá trị tự thân. Là điều kiện cần, mà chưa đủ lọt tầm ngắm của văn giới và dư luận. Quy luật này phổ cập cho bất kỳ nơi nào có thơ. Song, ở các nền văn học mang âm hưởng chính trị điều đó thể hiện rõ hơn khi chịu khống chế của thị trường hay thời gian. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và các tác phẩm của mình cũng là một trong không ít ví dụ đẹp cho tính bất định của thơ. Hai mươi năm. Sau tập Sự mất ngủ của lửa, nhà thơ nếu không dần trở thành “VIP” của báo chí văn nghệ hàng đầu đất nước, của các tờ báo, trang mạng đại chúng có lượng độc giả lớn nhất, rồi của hội đoàn văn chương số 1 Việt Nam, thì có thể sự “chiên giòn” tập-thơ-mang-lửa-của-nghệ-thuật đó không mang theo nhiều cái phi thơ, thậm chí phản thơ đến vậy! Trời có mắt thơ. Càng bị như thế và cũng vì có chủ nhân “VIP”, loại thơ này càng tung bọt vẫy sóng trước các con mắt thơ ham tìm mới lạ dù có thể chưa thấy hay ngay. Nhiều chục năm qua, hiếm có thơ nào sống dằng dai và bất an trong dư luận như thơ Nguyễn Quang Thiều.
Với chúng tôi, thơ Nguyễn Quang Thiều tới nay vẫn còn giá trị, nhưng không nổi bật bằng mươi năm trước. Nhà tiên phong đã có nhiều bạn hàng đầu, ở hàng lối khác, thậm chí khác hẳn. Bên cạnh việc dễ dàng phổ biến tác phẩm trên trang mạng, chính vì thơ Việt lúc này đang có nhiều bảng giá trị không thể so sánh đồng đẳng như trước, ít nhất như thời tiền - hậu Đổi mới 1986-1996.
Trong tương quan văn bản tác phẩm và nhân thân tác giả có hai trường hợp khác, mang phong cách khác hẳn thơ Nguyễn Quang Thiều, cũng là “VIP” của văn đàn và hơn thế, ở đẳng cấp cao của xã hội Việt Nam. Đó là thơ Nguyễn Khoa Điềm và thơ Hữu Thỉnh. Bằng sự thận trọng thông lệ, chúng tôi nghĩ rằng phát biểu của mình là đúng: Nếu như các tác giả không có nhân thân văn học như đã/đang, có thể tin là thơ Nguyễn Khoa Điềm và thơ Hữu Thỉnh sẽ được dư luận bình giá đúng với chân giá trị hơn. Và tức là sẽ trở nên hay hơn.
Hoàng Vũ Thuật và Dương Kiều Minh, Chân Phương và Ngô Tự Lập, Mai Văn Phấn và Phan Nhiên Hạo cũng là những tác giả dễ bị “chìm xuồng” nếu không chảy đúng sông đúng luồng. Với nhị vị Lê Đạt và Văn Cầm Hải tưởng không phải vậy mà là vậy! Trong “siêu thị thơ” Việt hiện nay, nếu các trang thơ Lê Đạt lần đầu tiên xuất hiện mà không có tên tác giả, hoặc tác giả không “dính chuyện Nhân văn”, đồ rằng các phê bình gia tinh tường nhất và có trách nhiệm nhất của thi đàn như Đặng Tiến, như Đỗ Lai Thúy sẽ gặp khó để làm các bài bình đẹp (và cũng phải nói là đúng!) như từng có. Còn với các “nhà phản biện thơ Lê Đạt”, như Trần Mạnh Hảo, cũng chẳng buồn phản biện.
Ngược lại, dù thành hay bại, những cách tân tạo sốc về hình thức và quan điểm mỹ học của Bích Khê, Xuân Thu Nhã Tập, Nguyễn Đình Thi “hôm xưa”; của Trần Dần, Chế Lan Viên, Đặng Đình Hưng, Dương Tường “hôm qua”; của Nguyễn Quốc Chánh, Mở Miệng, Nguyễn Đức Tùng “hôm nay” - bất kể nhân thân lừng lững hay xẹp lép, bất kể tiếng tăm hay tai tiếng ngoài thơ - cái “kim thơ” của họ trước sau cũng lòi ra khỏi túi càn khôn mang tên Thời gian. Không như thế về chuyển đổi thi pháp, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng, Hoàng Hưng, Lê An Thế (Lê Bi), Nguyễn Viện, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Tiến Dũng cũng là những cây “kim thơ”.
Thời điểm này, về số lượng, có chừng hai tá tác giả tương tự Nguyễn Quang Thiều, dù về giá trị và ảnh hưởng có thể nhiều vị chưa bằng, nhưng chưa và có thể sẽ không được “đèn trời thơ soi xét”. Danh sách 35 tác giả của dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị (Chú thích 4) nói ra phần nào. Vừa mới lọt tầm ngắm của dư luận và văn giới dòng chính, Đinh Thị Như Thúy là một đại biểu đúng. Còn nếu cần đưa ra hai tác giả đáng lọt mắt nhất thi đàn lúc này, thiển ý, là Lê Vĩnh Tài và Lưu Mêlan. Nếu phải chọn một: Lê Vĩnh Tài. Trong dòng văn học hải ngoại, chỉ kể tác giả có tạng thơ-ngôn-ngữ, cũng hai mươi năm qua những vị sau vẫn đang lặn chìm: Thường Quán, Uyên Nguyên, Vương Ngọc Minh (Lưu Hy Lạc), Hoàng Xuân Sơn… Thơ-ngôn-ngữ dễ bị đọc nhanh,“bỏ thì thương vương thì tức”, vì liếc qua về hình thể và nội dung không tạo dấu ấn.
Tại sao các thi nhân thường có thói bất cần, trọng thơ khinh tài? Bởi họ hiểu hơn ai hết cái bấp bênh của chiếc cầu thành bại bắc qua hai bờ tác giả và tác phẩm. Khác văn xuôi, với thơ khó có một hội đồng thẩm định vẹn toàn. Dù là giải Nobel hay giải Làng Chùa. Người đời có thể ít nghe một nhà văn hậu sinh nói lời trái tai với/về văn sĩ tiền bối. Chúng tôi không ngạc nhiên khi Nguyễn Huy Thiệp như không là chủ nhân những câu “vuốt mặt” các nhà văn tiền bối trong bảng danh dự Việt Nam hay thế giới. Và cũng không ngạc nhiên khi Nguyễn Hoàng Đức mở lòng tâm sự muốn “đạp đổ Nguyễn Du” để rồi nhận về những lời bình chê bai của độc giả lethieunhon.com.
Hơn cả một hiện tượng, cùng những mặt thống nhất, thơ Nguyễn Quang Thiều mang nhiều mâu thuẫn đặc biệt nhưng bình dị của văn học và xã hội Việt. Qua đó, người ta có thể hiểu văn học - nghệ thuật và văn nghệ sĩ có số phận và sức sống ra sao ngay cả với những thi phận may mắn. Nguyễn Quang Thiều không mang “trích ngang vĩ nhân” kiểu Trần Dần, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi; cũng không có “an toàn khu” như các nhà thơ quân đội thời hậu chiến như Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo… Song, cuộc đấu thi pháp của anh không kém phần quyết liệt, và có thể còn kéo dài chưa biết đến bao giờ. Bởi, đây là cuộc thử sức đầu tiên tương đối vị nghệ thuật của văn học Việt Nam hiện đại. Nếu có vài ba Nguyễn Quang Thiều, đồng thời hoặc sau đây, tương lai thi ca Việt Nam sẽ khác đi, tốt lên đáng kể. Mời diễn đàn hôm nay, thêm một lần, dù muốn dù không, hãy chia sẻ cùng “khổ chủ” điều rằng, “Tôi dị ứng trước các lời khen, chê” .
III.2. Thơ Nguyễn Quang Thiều và “Nguyên tắc bình thông nhau” 
Ở thơ Nguyễn Quang Thiều có sự lưu thông khó tách rời giữa thơ và văn xuôi; giữa truyền thống và hiện đại; giữa hiện thực và tưởng tượng; giữa ý và lời; giữa cảm xúc chuẩn tắc và cảm hứng tự do.
Thế nhưng, nhà thơ này nên nghiệp là nhờ biết vi phạm Nguyên tắc bình thông nhau mà vật lý học quy định cho các chất lỏng! Như đã nói ở phần III.1.2, tính văn xuôi trong thơ Nguyễn Quang Thiều không thể đạt tới độ cao của tính thơ. Trong các mục tiếp theo, chúng ta sẽ thấy, ngôn ngữ hiện đại cao hơn nền tư tưởng truyền thống mà tác giả nương vào. Hiện thực nhập nhòa trong tưởng tượng. Và lời phủ lên ý.
Các giao thông không ngang bằng như thế đều bắt nguồn từ cách ứng xử với thơ và văn trong cùng một tay bút.
Cũng như Nguyễn Quang Thiều, không nhiều tác giả viết văn một đằng làm thơ một nẻo: Lưu Trọng Lư, Nguyễn Đình Thi, Viên Linh, Trần Đăng Khoa…
Đa phần là nhất quán ở phong cách viết, dù thơ dẫu văn: Xuân Diệu, Phạm Công Thiện, Lê Đạt, Thanh Tịnh, Phùng Quán, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Đạt, Võ Văn Trực, Trần Nhương, Nguyễn Viện, Thế Dũng, Lê Thị Thấm Vân…
Nhưng có không ít trường hợp “sắc văn tỏa hương thơ” và ngược lại: Chế Lan Viên, Hồ Dzếnh, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần, Mai Thảo, Du Tử Lê, Hoài Anh, Trần Mộng Tú, Trân Sa, Nguyễn Bình Phương, Đinh Linh…
Đã và sẽ còn nhiều dị nghị, chúng tôi vẫn nghĩ: kể từ thời Thơ mới tới nay, thơ Nguyễn Quang Thiều là cuộc tái hôn đầu tiên mà hạnh phúc của thơ và văn tiếng Việt.
Để xuống tới gốc thơ Nguyễn Quang Thiều, chỉ xét từ thế hệ sau 1975 và trong quang cảnh đổi mới thơ Việt đương đại: đúng và không đủ. Về thi pháp, cần nhìn thơ này trong dòng chảy từ Thơ mới, ít nhất cũng từ mốc thơ kháng chiến – chiến tranh sau 1945. Về cảm hứng, cần nhìn Nguyễn Quang Thiều như một tác-giả-tự-do trong dòng thơ chính thống. Cảm hứng là “gien” trời đất ban tặng thày mẹ sinh thành. Với nền văn học cách mạng và Mác-xít Lê-nin-nít, sự chuyển máu của cảm hứng sáng tạo là có thể - dù tự nguyện hay không. Nhưng có những người sinh ra đã là thi sĩ – chiến sĩ, như Nguyễn Vĩ, Tố Hữu, Chế Lan Viên… Có người phải rèn tập như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư… Có người sinh ra để làm thi sĩ - tự do. Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng là may mắn; nhưng Huy Cận và Tế Hanh vẫn tự do trong khả thể khi làm chiến sĩ. Vất vả là Nguyễn Bính, là Trần Huyền Trần, là Thâm Tâm. Sướng nhất: Hàn Mạc Tử và Bích Khê, hai khái niệm thi sĩ và tự do không tách.
Trong ý nghĩa đó, với chúng tôi, Nguyễn Quang Thiều là một thi sĩ - tự do.
Nói thêm, Nhóm Mở miệng là thi sĩ - chiến sĩ. Dù có thể, các vị đó và không ít độc giả nghĩ rằng họ là thi sĩ - tự do. Phải là bậc kỳ tài khủng khiếp lắm mới có thể dùng thơ làm chính trị, làm văn hóa như một dạng nghệ thuật: P. Éluard, Tố Hữu, A. Ginsberg… Ở họ không chỉ có tính đôi, mà còn là tính ba (triple): là nhà thơ của bản thân, là nhà thơ của thời đại, là nhà thơ của thể chế (với Tố Hữu thể chế là chính trị; A. Ginsberg: thể chế là văn hóa).
ĐỖ QUYÊN

No comments:

Post a Comment