Năm 1994, sau
hàng loạt bài trao đổi, tranh luận, và cả bút chiến về Thơ trên khá nhiều tờ báo từ
trung ương tới địa phương, hẳn có người sẽ đặt câu hỏi: Vậy thực trạng của Thơ
năm qua là như thế nào? Góp phần giải đáp băn khoăn chung của công chúng yêu
thơ đông đảo ở nước ta trước ngưỡng cửa thời gian kể cũng là điều thú vị.
Có thể nói, thơ ta bắt đầu có những biến động
quan trọng kể từ giai đoạn “đổi mới tư duy”, chuyển hẳn từ kinh tế bao cấp sang
kinh tế thị trường, mà ta thường gọi là thời mở cửa. Thời mở cửa đã
giúp cho cả nghìn tập thơ ra mắt công chúng như muôn hoa đua nở trong gần chục
năm qua. Số lượng thơ được xuất bản quá nhiều làm lóa cả mắt người đọc, nhưng
rồi số lượng cũng góp phần tạo tốt chất cho chất lượng phát triển.
Một số tập thơ được định vị qua các giải thưởng hàng
năm của hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng công nhân, giải thưởng quân đội, giải
thưởng Thiếu nhi, v.v… và v.v… Đặc biệt là vài năm nay, xuất hiện ngày càng
nhiều những tập thơ đổi giọng, mới lạ về cả nội dung lẫn hình thức biểu hiện.
Từng bài thơ dường như cũng được rút ngắn lại, rất hiếm bài dài lê thê
như số lớn các bài thơ viết dăm bảy năm về trước. Ngay cả một số trường ca xuất
hiện nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập quân đội gần đây cũng biểu hiện cái xu
hướng ngắn lại này. Điều đó chứng tỏ thơ ta đang có dấu hiệu trở về hàm
súc, đồng thời tìm kiếm nhiều xu hướng mới, tạo nên những biến động xáo trộn
quan trọng, nó khiến người đọc có khi ngơ ngác, giật sững, trượt khỏi lối mòn
quen thuộc.
Có thể bắt đầu là các tập Ngựa biển, 36 bài tình,
rồi Ô mai, Bến lạ, Sự mất ngủ của lửa, và gần hơn là các tập Tôi vẽ
mặt tôi, Người đi tìm mặt, Bóng chữ, Về Kinh Bắc, Về, Đồng dao cho người lớn,
Tự Bạch, Từ một đến tám…Lại thấy trình làng cả tiểu thuyết thơ như Trăng
Hoàng cung, Cổng tỉnh… Có điều lạ là tác giả các tập thơ này đều thuộc thế
hệ kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, nghĩa là tuổi đời, tuổi nghề đã qua
nhiều thử thách từng trải. Sự dấn thân tìm kiếm cái mới lạ cho thơ của họ là
không thể phủ nhận, trong khi đó, một số tên tuổi lạ, thậm chí là cả
những người trẻ lại cất lên tiếng thơ dễ dãi, mòn cũ, hoặc chưa kịp rực rỡ đã
nhanh chóng lụi tàn. Ngay cả vài tác giả trẻ được giải thưởng Thơ hội Nhà văn
mà tác phẩm không có sự nhất trí cao, vẫn không thấy có dấu hiệu vượt mình sau
đó. Điều đó không chỉ do tài năng mà còn bị hạn chế bởi tri thức, văn hoá và cả
lòng đam mê nghiệp thơ nữa. Tuy vây, sự dồn sức bứt lên trong cuộc marathon
giai đoạn cuối của lớp nhà thơ đàn anh đã làm cho không khí thơ ca trong vài ba
năm nay khởi bừng sắc diện mới. Chính vì thế mà thơ bỗng được công chúng chú ý
hơn cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết.
Điều này diễn ra tưng bừng qua cuộc trao đổi, tranh
luận về thơ suốt từ Nam chí Bắc, và bước vào những năm cuối thế kỉ này
vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nhiều cuộc hội thảo thơ được tổ chức. Nhiều tờ báo đăng
tải nhiều kì các ý kiến khác nhau về thơ hôm nay. Có ý kiến cho rằng thơ hiện
nay vẫn trong vòng cương toả của Thơ Mới. Ý kiến khác lại khẳng định là có một
cuộc cách mạng sau Thơ Mới, tạo nên một thời đại mới của thơ ca. Có người
nhấn mạnh đóng góp cách tân thơ ca của nhóm Sáng Tạo (Sài Gòn cũ), lại có người
phủ nhận nó, coi nó như là một tuyên ngôn phản nghệ thuật. Sự khen chê về
thơ hôm nay cũng có nhiều ý kiến khác biệt. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo gần như phủ
nhận mấy tập thơ được hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng như các tập Sự
mất ngủ của lửa, Một chấm xanh, Dắt mùa thu vào phố. Anh cũng phê phán
không tiếc lời một số tập thơ mà nhiều người khác tôn trọng sự mang tới những
điệu lạ như Ô mai, Người đi tìm mặt, Bóng chữ, v.v… Và trên một số bài
tranh luận gần đây từ những ý kiến khác biệt, đã thấy có triệu chứng của căn
bệnh nổi nóng, lời lẽ không còn giữ được bình tĩnh khách quan khoa học mà có
nguy cơ xúc phạm, mạt sát lẫn nhau, giống hệt các cổ động viên bóng đá tự
biến mình thành những tội đồ bất đắc dĩ. Thậm chí đây đó
còn tìm sơ hở để khép “đối thủ” vào các quan điểm chính trị
méo mó, đẩy đồng đội sang phía “quân địch”, nhằm giành phần “thắng” về mình.
Lối tranh luận quá thái này đã phần nào gây nhiễu, làm lạc đề và đẩy quá xa bản
chất tốt đẹp của tranh luận nhằm tiếp cận chân lí nghệ thuật trong giai đoạn
hiện nay.
Tuy vậy, người đọc vẫn có thể rút ra được đôi điều cốt
lõi từ các cuộc tranh luận náo nhiệt vừa qua. Đó là thơ ca hiện nay đang mở ra
rất nhiều xu hướng sáng tạo mới, không chịu bằng lòng dừng lại ở những thành
tựu đã đạt được; đồng thời, muốn cách tân hoặc cách mạng thơ đến đâu chăng nữa,
cũng không thể từ bỏ truyền thống dân tộc, đấy chính là
hồn Việt ẩn dưới tầng sâu thẳm của ngôn ngữ Việt. Vấn đề “dân tộc” – “hiện đại”
thêm một lần nữa được nhấn mạnh trên cơ sở một mĩ học vận động và đổi mới là
điều đáng được ghi nhận trong việc sáng tạo và xem xét thơ ca chúng ta hôm nay.
Cuộc tranh luận về thơ còn tiếp tục. Những người làm
thơ vẫn ngày đêm dồn tâm huyết cho những tập thơ mới. Sự thúc đẩy lẫn
nhau giữa phê bình và sáng tác là dấu hiệu đáng mừng, là động lực của phát
triển. Còn việc định vị các giá trị thơ ca thì không ai công bằng chính xác
hơn người trọng tài Thời Gian luôn mỉm cười vô tư bên đời.
Nhưng chúng ta vẫn có thể khẳng định được rằng, thơ ca
những năm gần đây đã gây được sự chú ý đáng kể của đông đảo công chúng, như là
một sự kiện chưa từng có từ sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất.
Nhìn lại những tập thơ “nặng kí” được trình làng cùng
với cuộc tranh luận sôi nổi đến tưng bừng vừa qua, chúng ta có quyền vui mừng
và hi vọng một tương lai thơ đổi mới và thực sự có ích cho con người, như mùa
xuân thổi sức sống tươi tốt tới muôn loài…
Huế, 1-1-1995
NGUYỄN TRỌNG TẠO
No comments:
Post a Comment