.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, April 6, 2012

TS NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM - ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH VÀ NGƯỜI LÍNH TRONG TRƯỜNG CA THỜI CHỐNG MỸ


Tính sử thi là một đặc trưng nổi bật của nền văn học Việt Nam đương đại, hình thành và phát triển từ sau cách mạng tháng Tám 1945. Từ năm 1960 đến cận trước và sau 1975, thể loại trường ca viết về đề tài lịch sử dân tộc phát triển mạnh hơn hẳn các nhóm đề tài thế sự và đời tư, mang khuynh hướng sử thi rõ rệt. Do vậy, tính chất sử thi là đặc điểm nổi bật và quyết định sự thành công cho trường ca sử thi hiện đại. Điều đó cũng có nghĩa là đề tài chiến tranh hầu như hiện diện trong các bản anh hùng ca thời chống Mỹ.

1. Đề tài chiến tranh trong trường ca thời chống Mỹ

Đề tài lịch sử dân tộc, đề tài chiến tranh chiếm vị trí chủ đạo trong toàn bộ hệ thống thể loại của nền văn học mới nói chung và thể loại trường ca nói riêng. Hiện thực mà đề tài này mô tả chính là cuộc sống đấu tranh của toàn dân tộc; con người trong quá trình tham gia tích cực vào các sự kiện, biến cố trọng đại của lịch sử. Hiện thực ấy là hiện thực cách mạng của dân tộc. Vì vậy sự kiện, tình huống, chi tiết… tiêu biểu được các nhà thơ ưu tiên khai thác và đưa vào trường ca. Việc khắc họa hình tượng nhân vật với hành động, tình cảm, khát vọng, lý tưởng phục vụ cách mạng ở mỗi thời điểm lịch sử được xem là nhiệm vụ quan trọng của văn nghệ sĩ. Họ phải xây dựng một nền văn học giàu sức chiến đấu, trong đó có thể loại trường ca đặc biệt, mặc dù, cũng có ý kiến cho rằng trường ca hiện đại mang đặc điểm là thơ cổ động.

Điểm khác biệt lớn giữa trường ca sử thi truyền thống và trường ca sử thi hiện đại là bản chất của cuộc đấu tranh. Trường ca hiện đại mang nội dung lớn và có qui mô đồ sộ nên thuận tiện cho việc phản ánh những sự kiện lớn lao, những biến cố trọng đại của lịch sử dân tộc trong thời đại mới... Trường ca hiện đại mô tả chủ yếu cuộc đấu tranh của dân tộc đối với kẻ thù ngọai xâm để đạt mục đích cao cả: thoát khỏi ách ngoại xâm, nhằm thiết lập một cộng đồng dân tộc mới, với nội dung giai cấp mới theo lí tưởng cách mạng với cảm hứng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng. Trường ca hiện đại ở thời hiện tại nhưng lại mang đậm tính sử thi như là một đặc điểm tiêu biểu nhất nên có nhiều biểu hiện độc đáo. Theo Lại Nguyên Ân: “Nếu sử thi truyền thống của nhiều dân tộc ở nhiều thời đại thường hướng sự mô tả vào quá khứ lịch sử dựa vào truyền thống và dã sử, thì nền văn học sử thi Việt Nam hiện đại lại hướng sự mô tả vào hiện tại đương đại của dân tộc trong diện mạo cụ thể lịch sử của nó, dựa vào sự quan sát và tập hợp tài liệu của bản thân từng nhà văn qua kinh nghiệm và tiếp xúc riêng của họ” [1].
Các nhà thơ sáng tác trường ca sử thi hiện đại đặc biệt quan tâm đến tính sự kiện và tính chính luận. Điều đó thể hiện trong việc chọn lựa đề tài: mô tả cuộc sống đấu tranh chống Mỹ của toàn dân tộc để xây dựng một kiểu xã hội mới. Hệ thống nhân vật là những con người giàu lý tưởng, tính cực tham gia vào các sự kiện lịch sử của dân tộc. Họ không phải là những nhân vật có địa vị quan trọng như trong trường ca cổ điển mà có thể là những con người hết sức bình thường. Hiện thực mà trường ca thời chống Mỹ khai thác là hiện thực cách mạng của dân tộc. Sự xung đột thể hiện ở các sự kiện mang tính sử thi vì liên quan đến vận mệnh dân tộc, lợi ích dân tộc chứ không phải là những xung đột dân sự bên trong nội bộ cộng đồng như trường ca cổ điển. Hệ thống sự kiện là những sự kiện chính trị trung tâm của lịch sử dân tộc đương thời.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng trong các trường ca viết về thời chống Mỹ; những cảnh đời tư, những hình ảnh con người, những quan niệm về thế giới cuộc sống… đều liên quan chặt chẽ đến việc quan sát, nghiên cứu, chiêm nghiệm vấn đề chiến tranh mà nhà thơ muốn thể hiện bằng kinh nghiệm và vốn sống của họ. Không thể tách rời đề tài đời tư, thế sự với đề tài lịch sử. Muốn có tác phẩm, họ phải lăn xả vào cuộc sống hiện thực, sống với nó hoặc phải bắt nó thức dậy trong cảm xúc sâu sắc, nghiên cứu nó một cách tỉ mỉ, chính xác để phát hiện được bản chất của hiện thực, qui luật của thế giới. Các nhà thơ còn phải vận dụng nhiều phương pháp tư duy khoa học theo kiểu văn chương để định tính, định lượng và khái quát thành chân lý nghệ thuật. Nếu nhà thơ không mặc áo lính, họ chấp nhận dấn thân để sáng tác. Nhưng, nếu là nhà thơ mặc áo lính, họ chấp nhận dấn thân đến hai lần: vì bổn phận của người nghệ sĩ và vì bổn phận của người lính.

 Lê Văn Tùng, trong Nghiên cứu Văn học số 9/2005, với tiểu luận “Thử bàn các tiêu chí để hiểu nội dung khái niệm văn học hiện đại” đã cho rằng: “Ngay cả xu hướng tự sự ngày càng gia tăng và chiếm vị trí chủ đạo trong văn học hiện đại cũng chính là biểu hiện của tinh thần lý tính hiện đại. Bởi vì tự sự thiên về phát hiện qui luật khách quan của thế giới hiện thực; còn trữ tình dấu ấn chủ quan có áp lực mạnh hơn… Trong văn học trung đại, chủ thể trữ tình và đối tượng trữ tình hóa thân cho nhau. Trong văn học hiện đại, chủ thể trữ tình và thế giới khách thể thường có một khoảng cách nhất định để quan sát, nhận thức và lí giải đối tượng trong quá trình biểu hiện cảm xúc”. Thực tế, trường ca thời chống Mỹ trước 1975 thường nổi rõ yếu tố tự sự, còn thời kỳ sau 1975 hầu như lại thiên về yếu tố trữ tình cách mạng.
Trong trường ca sử thi hiện đại, nếu làm một cuộc khảo sát, chúng ta thấy rằng có hơn 80 % trường ca viết về đề tài chiến tranh, và trong số đó có khoảng 70 % trường ca viết về thời chống Mỹ.
Chính điều này lại càng khẳng định đề tài chiến tranh chiếm vị trí chủ đạo trong các trường ca thời chống Mỹ. Và tất yếu, trong trường ca thời chống Mỹ, đề tài chiến tranh là cái nền để nổi bật lên trên ấy là hình tượng người lính - anh giải phóng quân. Vì thế, sự phân chia hai mục: đề tài chiến tranh và đề tài người lính trong trường ca thời chống Mỹ chỉ mang tính chất tương đối để thuận tiện cho việc trích dẫn, minh họa vấn đề.

2. Đề tài người lính trong trường ca thời chống Mỹ

Trong trường ca thời chống Mỹ, chiến tranh và bom đạn là cái nền để con người thời chống Mỹ với nhiều phẩm chất cao đẹp hiển hiện. Thế giới mà ở đó, con người quyết vượt lên sự tàn phá hủy diệt để tồn tại, phát triển với vẻ đẹp sáng ngời. Đặc biệt là hình ảnh người chiến sĩ đã thu hút rất nhiều bút lực của các nhà thơ người lính. Họ thật gần gũi, chân tình; yêu thương nhân dân, Tổ quốc và vô cùng dũng cảm.

Có thể khẳng định, thơ ca chống Mỹ cứu nước nói chung và trường ca nói riêng đều khắc họa người lính (bộ binh, thiết giáp, đặc công,… và cả những người du kích, cán bộ địch vận, giao liên, thông tin liên lạc…) bằng những nét vẽ rất bình thường, vô cùng bình thường nữa là khác. Đây cũng là tứ thơ chung của cả thời đại.

Thiếu Mai đã nhận định về cây bút trẻ Thanh Thảo của thời chống Mỹ: “trong tấm lòng người chiến sĩ, có một khoảng rộng nhất, sâu nhất dành cho quê hương - hậu phương lớn” [4]. Trong Những người đi tới biển, người chiến sĩ bộ binh của Thanh Thảo già dặn trong cách nghĩ, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hiểm nguy vì sự sống còn của đất nước. Bản trường ca dài khoảng 1250 câu, gồm 3 chương (Chiếc áo ngắn, Nguồn sông, Địa hình), với những chi tiết rất đời thường; hình ảnh các anh là hình tượng trung tâm xuyên suốt. Các anh không có quyền lựa chọn nơi và thời điểm để được sinh ra nhưng lại được quyền chọn mảnh đất mà mình sẽ cống hiến tuổi trẻ và xương máu - nếu muốn được làm người đúng nghĩa khi Tổ quốc cần: “Người ta không thể chọn để được sinh ra/ Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy/... Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc) Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”.

Người chiến sĩ ấy, lúc bấy giờ có tuổi đời còn quá trẻ nhưng những câu thơ lại mang tính chính luận triết lý già dặn như chân lý của một dân tộc đang chìm đắm trong khói lửa chiến tranh. Lời thơ của anh cũng chính là lời tuyên thệ của cả một đội quân điệp điệp trùng trùng đang rùng rùng ra trận, của những con người vô cùng dũng cảm, không sợ bất cứ kẻ thù nào nhưng lại cực kỳ nhân hậu, thủy chung. Giữa bao nhiêu sự hy sinh mất mát đến cháy lòng cháy dạ thì họ vẫn lạc quan để sống và để hy vọng về một ngày mai chiến thắng.

Ở phần vĩ thanh mang tên Tới biển, Thanh Thảo phản ánh hành trình “đi tới biển” của dân tộc. Cũng như hình ảnh của các chiến sĩ trong nhiều trường ca khác, Thanh Thảo đã xây dựng hình tượng người lính hiện lên đậm nét và phong phú. Bởi đó là nhiều mảnh đời, nhiều cảnh đời riêng đã hoà nhập vào nhau làm nên dáng dấp những con người đầy khí thế, sung sức và trẻ trung. Họ đi qua lốc xoáy, vượt suối băng rừng, đi tìm giặc mà đánh: “Chúng con đi từng trận gió rừng/ Cả thế hệ xoay trần đánh giặc”.
Mang lý tưởng chiến đấu của thời đại, lại là người tham gia chiến đấu nên Thanh Thảo có cách sống và cách nói của người trong cuộc thật đến ngọn nguồn. Lòng yêu cuộc sống thể hiện ở “ba mươi phút nữa hành quân, được cười vang, nằm lăn trên cát ấm, được ngụp hết mình lòng sông đẫm; được bè bạn với đá, với trời xanh, với rừng; được nín thở hồi hộp cùng chú bói cá, được làm con trai không phải giữ gìn”.
                                                                                        (Những người đi tới biển)

Vẫn là khắc họa hình ảnh ngưới lính thời chống Mỹ, nhưng Hữu Thỉnh lại có cách thể hiện khác với Thanh Thảo. Cách viết của Thanh Thảo trẻ trung, sôi nổi, giàu chất suy tưởng, chính luận… Còn Hữu Thỉnh, trong giọng điệu mang âm hưởng ca dao dân ca mặn mà, trầm tĩnh, dạt dào chất trữ tình sâu lắng. Đặc biệt, Hữu Thỉnh giành nhiều tình yêu cho người lính binh chủng thiết giáp. Bởi những năm tháng chống Mỹ, trước khi là nhà thơ, anh đã là một người lính và đã sát cánh cùng binh chủng thiết giáp. Vì vậy “hình tượng người lính và hiện thực lớn lao sôi động của những năm tháng chiến tranh ác liệt đã trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo cho các sáng tác của anh” [5]. Hữu Thỉnh có điều kiện để sống, để hiểu rõ và nhận rõ những điều sâu kín, những vui buồn khát khao của trái tim người lính bởi anh đã lăn vào cuộc chiến với trách nhiệm và nghĩa vụ của người lính.

Thơ và nhất là trường ca của thế hệ chống Mỹ cứu nước chính là tiếng nói sống động tự tin của những người trong cuộc. Nhà thơ chiến sĩ là người khắc họa chân dung đồng đội mình rõ nét nhất, thực nhất, tình cảm nhất. Nhận xét về cách xây dựng nhân vật trong Đường tới thành phố, Mai Hương đã viết “Người chiến sĩ là hình ảnh trung tâm và xuyên suốt trong trường ca. Sự từng trải của người viết đã giúp anh dựng chân dung người chiến sĩ chân thực và sống. Những trang viết của anh do đó có sức chinh phục...” [3]. Thật vậy, trong Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh đã xây dựng thành công hình ảnh các anh chiến sĩ băng dọc Trường Sơn, vượt qua Bình Định, Nha Trang, đến Xuân Lộc cửa ngõ để đến thành phố chiến thắng. Đó là những người lính giàu tình yêu thương đồng đội, xẻ chia từng cơn ấm lạnh và sẵn sàng chết cho đất nước sinh tồn. Đến với họ, thơ tìm ra tính chất: “sống làm người chiến thắng”.        

Đường tới thành phố có tất cả năm chương, tổng cộng hơn 1500 câu. Chương I “Ngọn lửa chiến trường” mô tả không khí chung của chiến trường. Chương II mang tên “Tư lệnh”. Chương III có tiêu đề “Điệp khúc những cây cầu”. Chương IV “Tờ lịch cuối cùng” viết về thời điểm bản lề giữa chiến tranh và hòa bình, chương này giàu sức biểu hiện bởi đi sâu vào nội tâm người chiến sĩ. Chương V có tên “Tự do” chủ yếu phản ánh tâm trạng thực của con người, nhất là người chiến sĩ trong không khí chiến thắng. Chương này có vẻ rời rạc hơn các chương trên. Nhưng cả năm chương đều tập trung xây dựng hình tượng trung tâm là người chiến sĩ bằng một chất thơ trầm tĩnh, sâu lắng, dạt dào chất trữ tình, có sức rung động cao.
 Từ những cảm xúc mãnh liệt về ngày 30/4 toàn thắng, Nguyễn Đức Mậu cũng đã suy nghĩ về người lính, chiến tranh và hòa bình. Ở trong điểm giao thời lịch sử ấy, anh cho rằng cả hai cách nhau trong từng gang tấc: “Hòa bình và chiến tranh, cách nhau bằng nấc đạn”. Các anh trực diện với kẻ thù và “Chỉ có những người lính trực tiếp cầm súng mới ý thức đầy đủ cái mong manh của nấc đạn” mà thôi [2].
Giang Nam cũng đã trải qua những ngày sống và chiến đấu dọc chiều dài miền Nam Tổ quốc. Hình ảnh người lính đặc công trong thơ ông cũng có những phẩm chất chung như người lính trong thơ Thanh thảo, Hữu Thỉnh… đậm tình yêu nước thương dân, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư để hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng. Tuy nhiên, hình ảnh ấy được khắc hoạ vô cùng bình dị, giản đơn từ ngôn ngữ cho đến việc xây dựng tính cách - như anh hùng Huỳnh Việt Thanh trong Người anh hùng Đồng Tháp. Nơi đầu sóng ngọn gió, hình ảnh của người lính được nhà thơ miêu tả đẹp như những con người anh hùng “xuất quỷ nhập thần” làm kẻ thù kinh hồn bạt vía: “Ồ đẹp quá, những lùm cây phụt lửa/  Và những anh hùng từ lòng đất vọt lên”.

Nhà thơ - người lính trẻ trung ngày ấy cũng đã cùng đoàn quân chống Mỹ băng qua những con đường sỏi đá khu Năm, những đêm Trường Sơn gió rừng buốt lạnh, những ngày Trường Sơn đông nắng tây mưa, những đói rét ốm đau bệnh tật: “Những con đường sỏi đá khu Năm/ Đêm Trường Sơn vàng từng khuôn mặt/ Bom tọa độ cày sâu Tam giác sắt/ Một củ sắn lùi, cả tiểu đội chia nhau”.
                                                             (Sông Dinh mùa trăng khuyết - Giang Nam)

Trần Mạnh Hảo cũng vậy, có thời gian sống lăn lộn trong vùng địch tạm chiếm, ban ngày đất là của giặc, ban đêm lại thuộc về ta. Nhà thơ đã chọn một vùng đất rất đặc biệt để miêu tả cuộc chiến đấu khốc liệt mà ngày nay; tham quan lòng đất này ta càng thấm thía những ước ao, những tâm tư thầm kín mong được sống dưới ánh mặt trời của nhân dân Củ Chi. Đế quốc Mỹ đã dùng hàng ngàn tấn bom và chất độc hóa học để biến Củ Chi thành một vùng đất trắng. Nhưng sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của cuộc chiến tranh chính nghĩa đã khiến Mỹ phải thất bại. Điều đó đã được Trần Mạnh Hảo phản ánh trong trường ca Mặt trời trong lòng đất. Sự hiểu biết khá tường tận về con người và mãnh đất Củ Chi cùng cảm xúc phong phú, mãnh liệt, cuồn cuộn và sự tài hoa đã giúp Trần Mạnh Hảo chọn những hình tượng thơ độc đáo không lẫn vào ai. Người lính thời chống Mỹ trong trường ca chính là hình tượng người du kích Củ Chi bình thường nhỏ bé nhưng hào hùng, gan dạ.
Với năm chương: Hạnh phúc, Nhập cuộc, Khát vọng, Hy sinh, Chiến thắng (trên hai ngàn câu thơ), tác giả đã khắc họa khá rõ nét chân dung của những người du kích Củ Chi - linh hồn của cuộc chiến đấu. Đó là hình ảnh chú Mười nông dân quyết tâm đi đánh giặc; là hình ảnh chú Tư có tài nói trạng đã anh dũng hy sinh để giữ chân hai tiểu đoàn dù của ngụy, là hình ảnh của người mẹ trẻ du kích sinh con trong hầm địa đạo khi chồng vừa mới hy sinh. Họ là những anh hùng có tên tuổi, nhưng cũng có biết bao người vô danh lặng lẽ góp phần làm nên chiến thắng, làm nên lịch sử. Đó là một tư tưởng lớn thể hiện trong văn học quá khứ. Họ không cần lưu danh thiên cổ. Họ như quân tướng trong các trận chinh chiến xa xưa chống giặc phương Bắc, như hình tượng người nghĩa sĩ nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu: “xô cửa xông vào liều mình như chẳng có”…

Những năm cả nước chống Mỹ, tư tưởng ấy lại tiếp tục được thể hiện trong văn thơ. Những người lính vô danh có tâm hồn giản dị nhưng cao cả, biết hy sinh vượt gian khó để làm nên chiến thắng. Họ có khi được nhà thơ gọi tên: thằng Hai du kích, thím Ba, Tư Tròn, Tám Hùng… mỗi người một nét tính cách riêng, nhưng có một cái tên chung đẹp đẽ: người lính vô danh của Củ Chi anh dũng. Họ thống nhất ở tính cách bình thường nhưng rất đỗi anh hùng.

Họ cũng chính là Lan, là Hoa, là Hà, là Pi Thị Bảy..., các cô gái vận tải đã từng vào sinh ra tử của đoàn H50 (Sông núi trên vai - Anh Ngọc). Trường ca gồm năm chương, chương I mang tên “Tạo hình” nói về những cô gái miền Cực Nam vắt mình qua dòng thác chiến tranh như chiếc cầu bắc qua dòng sông rộng. Dưới vành mũ lá sen, những hố mắt hõm sâu như đôi giếng cạn, nếp khăn rằn nhàu nát trên vai, gùi hàng như gùi trái núi trên vai... là hình ảnh của những cô gái xấp xỉ ba mươi, tuổi thanh xuân đang trôi nhanh vùn vụt giữa trời bom rơi đạn nổ. Chương II “Gọi tên”. Chương III mang tên “Đi đến những bài ca” nói về dốc Ba Cô, với ba trăm cô gái gùi hàng lên đỉnh dốc. Là bài ca về những đôi vai rướm máu vì dây gùi, là hình ảnh người kể chuyện dòng sông, là bài ca vầng trăng và chiếc dép, là hương lá, là bài ca lợp nhà bằng lá trung quân thường có ở Trung ương cục R, là chuyện về các cô gái của Bác Ái, khu Lê, Tam Giác đi làm thồ xe, là bài ca đêm vượt lộ. Chương IV có tên “Sợi chỉ” tập trung viết về bài ca những người đào huyệt và bài ca ru người nằm xuống. Chương cuối là “Tiếng gọi bên kia đường”.

Bằng sự rung động tinh tế của con tim, riêng trong trường ca Đất nước hình tia chớp, Trần Mạnh Hảo đã cảm nhận tâm hồn cao đẹp của những người chiến sĩ trẻ theo một cách mới mẻ và diễn đạt hết sức sáng tạo:Con gởi lại kỳ hè/ Những cuốn sách đang đọc dở/ Không biết Na-ta-sa có gặp lại An-đrây/ Chiến tranh đi qua trái đất này/ Rồi sẽ hòa bình thế nào cũng gặp/ Những nhân vật tiểu thuyết đành vì con mà chia tay”.
Họ sẵn sàng gửi lại những ước mơ làm nhà văn, nhà bác học vào ngày hòa bình để hôm nay họ có thể sống trọn vẹn cho sự tồn vong của dân tộc: “Con gởi lại sau lưng/ Những mơ ước nhà văn, bác học/ Để nhận lấy cánh rừng/ Để nhận lấy dãy Trường Sơn dựng dốc”.
Họ ra đi, nối tiếp hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” (Đồng chí - Chính Hữu), của những chàng trai “chiến trường đi không tiếc ngày xanh” (Tây Tiến - Quang Dũng), và họ sẵn sàng ra đi bỏ lại “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi). Người lính thời chống Mỹ tâm niệm phải nối gót cha ông nên sẵn sàng gửi lại tuổi trẻ học đường, gửi lại những cuốn sách đang đọc dở và những gì hơn  thế nữa.

Trong trường ca Lửa mùa hong áo, Lê Thị Mây đã ngõ lời trần tình với mười hai cô gái của tiểu đội thanh niên xung phong chống lầy, phá bom, mở những cung đường cho xe vận chuyển thật thiết tha, ngưỡng mộ. Bởi chính cô cũng là một cô gái thanh niên xung phong ngày nào: “Xin các chị cho em nén giữ trong lòng/ Làn hương sả bắt đầu từ ký ức/ Mười sáu tuổi, mười bảy tuổi ai không náo nức/ Mong được rời nách áo mẹ ra đi/ Tiếng núi sông thăm thẳm rầm rì/ Phía mặt trận trai làng hành quân lũ lượt/ Mười sáu tuổi cởi khăn quàng mơ ước/ Mũ tai bèo đỏng đảnh bím đuôi sam”.
Các nhà thơ trường ca thời chống Mỹ đã xây dựng hình ảnh người lính đúng như hiện thực vốn có: hết lòng yêu nước thương dân, biết hy sinh tình cảm riêng tư để kiên cường đánh giặc trong tư thế đàng hoàng, đĩnh đạc và rất lạc quan. Trường ca vốn không chỉ nói về người lính mà còn qua họ nói về cả một thế hệ tự ý thức sâu sắc về mình, về lịch sử và nhân dân. Đó là sự tự nhận thức đạt đến độ sâu trong thơ chống Mỹ.
Hình ảnh con người kháng chiến; con người lạc quan, chung thủy, tin tưởng vào tương lai chiến thắng đã được xây dựng bằng những chi tiết hiện thực sống động và giàu chất thơ. Đó là những con người bằng xương bằng thịt như chúng ta nhưng trong thời đại lịch sử có một không hai ấy; tư tưởng, trí óc của họ đã đặt trên tầm cao của mọi suy nghĩ và hành động bình thường. Không có quan niệm mới về con người thì không thể có được hình tượng những con người bình dị và cao cả ấy trong thơ. Có thể nói hầu hết các hình tượng được xây dựng thành công trong trường ca đều thấp thoáng hình ảnh của các nhà thơ, người lính, nhân dân - những con người bình thường mà cao cả, giàu ân tình thủy chung với Bác Hồ, với Đảng và cuộc kháng chiến. Bởi thế, số lượng trường ca thời chống Mỹ viết về chiến tranh và người lính - tất yếu chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số trường ca được sáng tác.

Văn học luôn bắt nguồn từ đời sống thực tế. Nếu xa rời thưc tế thì sẽ mất đi tính hiện thực. Hiện thực khách quan là đối tượng được phản ánh và từ đó mà hình thành cảm xúc, tâm trạng điển hình trong thơ.
Gớt đã nói rằng “Lý thuyết thì màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Hiện thực khách quan là đề tài vô tận đòi hỏi phải được thể hiện bằng nhiều loại hình nghệ thuật như sân khấu, phim ảnh, thơ ca nhạc họa.... Trong đó, đề tài về chiến tranh và người lính đã được thơ ca nói chung và trường ca thời chống Mỹ nói riêng khắc họa đậm sâu. Đặc biệt là người công dân số một - lãnh tụ Hồ Chí Minh - người chiến sĩ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
 TS NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM
________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lại Nguyên Ân (1986), “Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám một nền sử thi hiện đại”, Tạp chí Văn nghệ (5), HN.
[2] Đào Thị Bình (2002), “Góp phần tìm hiểu trường ca viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, Tạp chí Giáo dục (26), HN.
[3] Mai Hương (1980), “Đọc Đường tới Thành phố” (Trường ca của Hữu Thỉnh, Nxb Quân đội), Tạp chí Văn học (3), HN.
[4] Thiếu Mai (1980), “Thanh Thảo - Thơ và trường ca”, Tạp chí Văn học (2), HN.
[5] Lưu Khánh Thơ (1988), “Thơ Hữu Thỉnh - Một phong cách thơ sáng tạo”, Tạp chí Văn học (2), HN.

Thư mục:
1. Nguyễn Hưng Hải (2004), Mảnh hồn chim Lạc, Nxb QĐND, HN.
2. Văn Công Hùng (2002), Ngựa trắng bay về, Nxb Quân Đội Nhân dân, HN.
3. Văn Lê (1997), Những cánh đồng dưới lửa, Nxb Quân Đội Nhân dân, HN
4. Lê Thị Mây (2003), Lửa mùa hong áo, Nxb Quân Đội Nhân dân, HN
5, Nguyễn Đức Mậu (1980), Trường ca Sư Đoàn, Nxb Quân Đội Nhân dân, HN
6.  Lê Anh Quốc (2000), Khoảng trời người lính, Nxb QĐND, HN.
7. Trần Anh Thái (1999), Đổ bóng xuống mặt trời, Nxb QĐND, HN.
8. Trần Anh Thái (2007), Ngày đang mở sáng, Nxb HNV, HN.
9. Thanh Thảo (1977), Những người đi tới biển, Nxb Quân Đội Nhân dân, HN
10/. Hữu Thỉnh (1979), Đường tới thành phố, Nxb Quân Đội Nhân dân, HN.
11.  Nguyễn Quang Thiều (1994), Những người lính của làng, Nxb QĐND,HN.
12. Từ Nguyên Tĩnh (2000), Trường ca Hàm Rồng, Nxb QĐND, HN.

No comments:

Post a Comment