Một bài viết rất lạ, mềm, đầy nước mát của nhà văn Văn Chinh dành cho cụ Trương Tửu. Đây là Tham luận tại Hội thảo về Trương Tửu nhân 95 năm ngày sinh, do Khoa văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 tổ chức. Trân trọng giới thiệu:
Là một thực thể phương Đông, dù mang cái búa phương Tây, cụ vẫn không sao đập vỡ được phương Đông để rồi lại trở về ẩn thân trong nó...
Nhà văn Trương Tửu
1. DẪN LUẬN
Tại Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn
lâm Liên xô cũ, có tấm biển đề dòng chữ mà GS Đặng Thai Mai dịch đại ý: Ai
không am hiểu về phương Đông huyền bí, không nên vào đây. Hội thảo về GS
Trương Tửu, người đã dùng bộ công cụ phương Tây kiên định phá vỡ cái màn sương
huyền bí của phương Đông nhằm đi đến tận cùng cái đẹp với khát vọng phổ cập nó
trong một xã hội văn minh hơn, công bằng và dân chủ hơn cho con người. Xét theo
lý ấy, tôi không nên/ không thể có mặt ở đây.
Nhưng tôi đã ở đây vì quá yêu ông,
GS Trương Tửu.
Khi bảo tôi viết tham luận về GS
Trương Tửu, BTC đã tế nhị không giới hạn đề tài nhưng hẳn các anh muốn tôi viết
về những kỷ niệm, những tinh tuý của cụ mà tôi đã học hỏi được để thao tác trên
những tác phẩm cụ thể của mình. Vâng, tôi có may mắn được là bạn của con trai
cụ, anh Trương Quốc Tùng, cảm nhận thấy tôi cũng vừa viết văn vừa viết phê
bình, từng như một bản nháp không thành bản thảo nào đó của cụ chăng, nên đã
nhờ tôi ghi hồi ký cho cụ. Tôi đã đến căn hộ Hoàng Cầu để ghi chép, nhưng tại
hai buổi làm việc, tôi chỉ được cụ giảng cho nghe về một câu nói của Pascal: “Cái
tôi là cái đáng ghét”. Buổi thứ nhất tôi ngờ ngợ, buổi thứ hai cụ vẫn Cái
tôi là cái đáng ghét, cụ khiến tôi nhớ đến câu Khổng tử than rằng: “Nếu
giời cho trẻ lại mươi tuổi, ta sẽ san định Kinh Dịch!” Chính vì vậy, khi thầy
Nguyễn Đình Chú, anh Tùng bảo viết mấy dòng về cụ để tang sự của một Giáo sư
tiên khởi nền đại học Cộng hoà được như một văn nhân trung bình, và làm không
ra gì, bài viết lớn hơn bao diêm, nhưng là trên báo Đoàn chứ không phải báo
Đảng; tôi vẫn thấy yên lòng rằng cụ đã thanh thản ra đi, như từng từ chối mọi
truy nhận này khác khi cụ còn khoẻ mạnh minh mẫn. Từ khoảng 1992, sau Lễ thượng
thọ 80 tuổi, cụ trở về nguyên vẹn một ông già thông thái phương Đông nghiêng về
Đạo Lão một chút, một chút thôi.
Như thế, lại thêm một lý do tôi
không nên có mặt ở diễn đàn khả kính này.
Nhưng tôi vẫn ở đây vì ngòi bút tôi
bị ngọn núi nam châm được tạo ra trong quá trình cọ xát bởi chính những nghịch
lý trong con người cụ, cọ xát suốt đời và không mệt mỏi; ngọn núi nam châm ấy
cứ ôm lấy và rất khó gỡ ra.
Tôi sinh chậm mất mươi năm, không
được học nguyên khối những kiến thức do các GS: Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần
Đức Thảo, Trương Tửu… hoặc kết tủa rồi chuyên chở từ phương Tây về, hoặc đào
xới từ trầm tích Việt lên mà chưng cất. Đó chẳng những là các vi chất nưôi
dưỡng tinh thần, tri thức và phẩm cách mà còn là bộ tích điện năng đủ cho nhiều
thế hệ dùng để nạp vào ngọn hải đăng trên biển cả tư duy. Hơn nữa, thật đáng
ganh tị với những ai đã là học trò của họ - các giáo sư học trò của các giáo sư
ấy; lại được học khi thầy trò đều còn rất trẻ, trò mười tám đôi mươi, thầy trên
dưới bốn mươi. Đó là lứa tuổi của khao khát, của đòi hỏi mỗi ngày mỗi khác mà
Nadim Hikmet đã tả:
Xưa tôi như cửa sổ con tàu
Nay chỉ là thềm ga lát đá
Còn Nguyễn Vĩ thì tả bạn mình, nhà
văn Trương Tửu vừa cụ thể vừa huyền bí. Huyền bí thì như ta biết, nó luôn có tố
năng kích hoạt sự thèm khát, và đến lượt mình, thèm khát lại kích hoạt lòng
ghen tị: “Với anh, sai lầm chống chân lý, và luôn luôn sai lầm thắng chân
lý.(…) Anh luôn luôn tự mâu thuẫn với anh một cách hợp lý.”
Vì vậy, tôi càng không nên có mặt ở
đây.
Nhưng tôi còn có một chút may mắn là
được học các giáo sư từng là học trò của GS Trương Tửu. Còn nguyên đấy những
nét chì đỏ của Piốt Đại đế trong tay GS Trương Tửu vạch Mấy vấn đề văn học
sử Việt Nam để mấy chục năm sau GS Nguyễn Đình Chú kiến tạo Phân kỳ Văn
học sử Việt Nam mềm mại hơn nhưng vẫn mạch lạc, vững chãi để con đường đến
khoa học khách quan; còn nguyên dòng sông mùa lũ của văn học hiện đại Việt Nam
giảng từ buổi đầu đến buổi thứ 20 vẫn ăm ắp cái mới, của GS Nguyễn Đăng Mạnh -
người từ thực chứng luận mà tiên đề lý thuyết; còn nguyên những giai cấp tính
trong sáng tạo và hưởng thụ văn học do cụ Việt hoá lý thuyết Mác xít được nhiều
giáo sư sử dụng như một tri thức dân gian theo chiều máy móc hơn, nông binh hoá
mà giúp họ thành đạt. Rồi, một GS Phong Lê vừa sắc sảo vừa say đắm, một GS
Nguyễn Huệ Chi tài tình lướt qua những lý thuyết lưu cữu, để khi đóng lại thì
thâm trầm mở ra một lý thuyết mới dạng kinh vô ngôn lạ lùng Việt Nam. Vâng, tôi
muốn hình dung, GS Trương Tửu vẫn như đang đâu đây, không phải trên bức ảnh với
cái nhìn đọc xuyên sách vở mà là đang can dự, đang “interviewer” để cấp “bằng”
chuyên gia hàng đầu của khoa lý luận phê bình văn học nay đã phái sinh thành
nhiều khoa học chuyên biệt với “Tiếng cười đủ tố giác một tâm hồn cao quý,
thẳng thắn” ( Trương Tửu, Uống rượu với tản Đà) và hài lòng vì học trò! Hơn
nữa, còn gì may mắn hơn cho kẻ hiếu học được có mặt tại cuộc hội thảo các giáo
sư râu tóc bạc phơ, hình ảnh đẹp nhất mà thời gian có thể có, tưởng niệm một
giáo sư từ lâu tóc đã không còn thiết bạc? Thời gian đã chưng cất thành vàng
những vẩy vụn của tri thức suốt một đời cụ cày xới trên tấm thân nhỏ nhắn mà
lại mang một khối mâu thuẫn kỳ lạ hình như chỉ có trong thời của cụ?
Vì vậy, tôi xin có mặt và xin được
coi tham luận này như một dạng câu hỏi thắc mắc mong các giáo sư, các nhà khoa
học giảng giải, rằng GS Trương Tửu đã làm thế nào để có thể còn lại sau khi bị
cả hai dòng thác Đông Tây cứ chọn cụ mà xô tới, xô đổ trong khi cụ lại cứ vồn
vã với cả hai dòng thác ấy?
2. NHỮNG VẨY VÀNG VỤN
2.1. Tôi vào Trường Viết văn Nguyễn Du với nửa điểm xét vớt, tôi
cũng có nửa điểm xét vớt để đủ lý do có mặt ở đây. Năm 1993, vào tháng 7, tôi
và nhà thơ Lâm Huy Nhuận uống rượu say do buồn quá, vì Bil Clinton không bỏ cấm
vận. Tôi lấy hộp diêm khấn thầm trong trí rồi bốc quẻ, Lâm Huy Nhuận tính Dịch.
Đến nửa chừng thì Lâm Huy Nhuận nói: “Tôi chịu, vì quên chưa hỏi ông, ông hỏi
Dịch là vì quyền lợi của nước ông hay nước Mỹ? Cái hào cuối cùng tạo ra một
lưỡng phân cân bằng, hơi nghiêng về dương; chịu.” Tôi nói, cố nhiên là vì cả
hai. Nhuận nói thế thì càng chịu. Tôi bèn tự an ủi bằng lý thuyết của cụ Trương
Tửu, Mỹ bỏ cấm vận là một sự biến của Việt Nam, mở ra một trang mới. Việt Nam
thường biến vào các năm Ất can. Ví dụ: 1935 (Ất Hợi) khởi đầu cho Mặt trận Bình
dân Pháp sẽ tràn sang VN vào năm 1936; 1955, chia nước; 1965, Mỹ vào VN, 1975
thống nhất nước nhà; 1985 giá lương tiền…Hôm ấy, do học cái tinh tuý của Dịch
từ cụ Trương Tửu, tôi đoán bừa và đã đoán trúng Mỹ sẽ bỏ cấm vận vào năm 1995.
Sau đó, tôi viết một bức thư ngỏ gửi
Bil Clinton, với tư cách ngoại thần – đây chính lại là một khái niệm học được
từ cụ, tôi kiến nghị ông ta rằng, viễn dương phối với viễn âm thì cả hai cùng
thịnh, kiểu như lai xa, như Waln là Chợ Lớn của Mỹ…chẳng hạn. Cố nhiên, bức thư
đã không được gửi đi, tôi đã nhờ Đỗ Minh Tuấn sang đến Boston thì dán tem bỏ
vào thùng thư giúp, nhưng Tuấn đã bị hoãn chuyến đi ấy, “tế cấp nhất điều”của
tôi đã trở thành giấy lộn, còn Mỹ thì bỏ cấm vận vào năm 1995.
Tại buổi ghi hồi ký thứ nhất, GS
Trương Tửu giảng một giờ về Pascal và địa vị tư tưởng của ông tại châu Âu vào
thế kỷ XVII. Một giờ nữa về cái tôi phương Đông, từ những nhà em, nhà cháu,
bố nó, mẹ nó, bố mày đây, con mẹ mày đây…đến trước tác vĩ đại như Kinh
Dịch, mà không hề có tên tác giả chính xác và duy nhất, Đạo Đức kinh có tên tác
giả thì lại chỉ được viết ra như Bùi Xuân Phái vẽ tranh thay tiền thanh toán
café; đến Khổng tử thì ngoài Kinh thi, Kinh thư là loại sách biên khảo ra, còn
tất cả tư tưởng, lý thuyết của mình, ngài mang ra bàn với học trò, kiểu GS Cao
Xuân Huy của chúng ta, rồi học trò Nguyễn Huệ Chi ghi lại. Đó là nền tảng để 15
năm sau, tôi tự tin khi “cãi lại” TS Đoàn Cẩm Thi, Phó GS đại học Paris VII khi
chị nói rằng “Tự sự ở Việt Nam là cái áo mặc nhờ” sau khi đã khảo sát những cái
đồ hiệu Nem, Fashion made in Nhà Bè của văn học Việt Nam mà không hề đếm xỉa
đến Ba người khác của Tô Hoài, Thảo của Vũ Hoàng Hoa Sáng tối
mặt người của Sao Mai – đó là những tự truyện kiểu Việt Nam. Vâng, chính là
sau 2 buổi học một thầy một trò với GS Trương Tửu về cái tôi, lại quan
sát cả đời cụ, tôi vịn vào tay vịn cụ dựng cho mà đi qua cây cầu khỉ cheo leo
về học thuật của mình để kết thúc bài bào chữa cho tự truyện Việt Nam: “theo
cái lẽ thông thường, tôi hoàn toàn có thể nói Philip pe Lejeune cần mặc nhờ áo
của Vũ Hoàng Hoa, Tô Hoài và Sao Mai đã may và mặc để khái niệm tự truyện của
ông từ thước đo phương Tây trở nên là một thuật ngữ toàn cầu. Nhưng nói thế thì
không xứng đáng với tiền nhân Tuệ trung Thượng sỹ Trần Tung đã nói câu nổi
tiếng: Phật không muốn là anh, anh cũng không muốn là Phật, mặc dù còn
ai học Phật thâm hậu bằng tổ tiên chúng ta?
2.2. Hư Châu, nhà nghiên cứu văn hoá giáo dục Trung Quốc mới đây
có nói, Nhật Bản “dĩ địch vi sư” còn Trung Quốc lại “dĩ hữu vi địch”, vì vậy
“Nói kiên định CNXH thì lại thành đô thị như châu Âu, nông thôn như châu Phi”,
câu ấy có lẽ cần đặt trên thanh trượt ngay dưới banner cổng điện tử Trung Hoa.
Câu đặt dưới banner giao diện Việt Nam, tôi nghĩ nên là “Không đoạn tuyệt được
quá khứ, thì không thể tiếp tục được quá khứ” . Trí thức không được trao
quyền kích hoạt để kết tủa nhanh một thời đã qua, cái gì còn thì thành đá
lát đường, thành bậc tam cấp cho hiện tại tiến bước nhanh về tương lai, cái gì
sai trái rác rưởi thì đốt cháy, chôn chặt; chứ cứ để nguyên xi quá khứ mà đi,
hiện tại trộn trạo vào quá khứ, hai chiều nó cứ xoáy vặn vào nhau như cái bè bị
cuốn vào vực xoáy thì tan tành bè chứ còn đâu quá khứ mà tiếp tục?
Vâng, nền kinh tế “bè tôi gỗ chú nó” đang biến đất đai (âu cũng là một thứ quá
khứ) thành ngoại tệ, biến ngày mai là con nợ của hôm nay khác hẳn tiền thị
trường từ 1913 (khi Pháp bình định xong Bắc kỳ) đến 1945, cũng khác hẳn thời kỳ
xây dựng CNXH từ 1960 - 1985. Trong văn học thì 50 năm qua vẫn chưa đoạn
tuyệt hẳn một cái sai hiển nhiên đã khiến Giáo sư tiên khởi nền đại học cộng
hoà, tiên khởi khoa học văn chương ở Việt Nam mà, oái oăm thay, nền tảng triết
học của nó, lại là học thuyết K. Marx là GS Trương Tửu bị tai nạn. Do không
đoạn tuyệt cái quá khứ sai ấy, chúng ta không thể tiếp tục cái quá khứ do Chủ
tịch Hồ Chí Minh khởi soạn: Cách mạng, Độc lập, Dân chủ, Tự do.
Trương Tửu sinh năm 1913, ông lên 5
thì nước bỏ thi Hán học, lên 16 thì thi vào Trường Kỹ nghệ và 17 tuổi thì không
được học nữa ở trường; rồi không biết bằng cách nào chỉ dăm năm sau, ông đã có
đủ tri thức để thấu hiểu một nghịch lý tiếng Pháp rồi dịch một cách tung tẩy ra
tiếng Việt đến thế này: “Nếu không đoạn tuyệt với quá khứ, thì không thể tiếp tục
được quá khứ.” Nguyễn Vỹ gọi Trương Tửu là thiên tài là vì vậy chăng? Dầu sao
mặc lòng, ông sinh ra không hề được chuẩn bị để soạn Kinh thi Việt Nam
như các ông Ôn như Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Đổng Chi, Lê Trí Viễn... Theo suy
nghĩ còn chưa chắc chắn của tôi, việc mở ra mênh mông thế giới đã khiến con
người Phù Đổng nơi ông trỗi dậy, tự tin làm một Khổng tử An Nam năm 25-27 tuổi;
mà bắt đầu chỉ bằng câu triết ngôn đầy nghịch lý rơi ngẫu nhiên vào ông như một
tiếng vọng của Thiên sứ. Vâng, thế rồi, cứ thế đi băng qua các công xưởng của
Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Đổng Chi, Đào Duy Anh; đôi khi là sử dụng thành tựu -
các đôi vai vạm vỡ của họ làm giàn giáo cho công trường của mình, xây cửu trùng
đài với chỉ một Đan Thiềm là lòng yêu nước, yêu chân lý. Chỉ vì muốn tiến sâu
vào tương lai, ông đã đào xới xong những vỉa chính của quá khứ trước khi đoạn
tuyệt nó. Tôi muốn nói rằng, Kinh thi Việt Nam đã không thành Kinh thi,
nhưng những vỉa quặng quý nhất của quá khứ là tâm lý, lịch sử, phản kháng Khổng
Mạnh để sống đời hồn nhiên…của nó lại có mặt làm nền tảng khi ông cắt nghĩa
nhuần nhị thể lục bát trong Truyện Kiều, cái làm cho Nguyễn Công Trứ khác
Cao Bá Quát hay khiến Trương Tửu mềm mại hơn khi đặt niềm tin vào niềm khát
sống của dân chúng sẽ được K. Marx tiếp thêm sức mạnh để hồn nhiên thoát hẳn
Khổng Mạnh.
Tôi không chắc lắm vì sao Kinh Thi
Việt Nam đã không thể thành Kinh Thi. Cứ gõ vào google từ khoá China, ta sẽ gặp
Confucius, cứ gõ vào Kinh Thi, ta sẽ gặp Confucius; thậm chí gõ vào Folklore ta
cũng gặp Confucius. Có lẽ đây cả là một hệ nguyên nhân, trong đó, chắc chắn có
nguyên nhân tính tổ chức của người Việt mình kém, ít nhất là từ khi tôi biết
làm người thì tôi thấy như vậy. Khổng tử có 3.000 học trò, thấy bảo thế. Trương
Tửu cũng có không ít hơn. Nhưng 3.000 môn sinh của Khổng tử là do thầy dạy và
dùng. Còn 3000 sinh viên của Trương Tửu lại thuộc về vị thống soái là chính trị
mà hơn một lần cụ từng giơ tay biểu quyết. Làm sao có thể có Kinh Thi theo đúng
nghĩa, khi mỗi người chọn những sáu nghìn rưởi câu ca dao tục ngữ theo ý mình
mà không có hàng ngàn người cùng tham gia bình chọn, đời này sang đời khác như
người ta đã tuyển quặng rồi Khổng tử chỉ còn nấu chảy vàng non thành vàng mười;
không có một ông vua thích nghe chuyện hơn thích mỹ nhân, thức trắng hơn 1.000
đêm để nghe kể chuyện, làm sao nền văn học có Một nghìn một đêm lẻ? Trên
lý thuyết này, tôi đặc biệt kính trọng hai cặp thầy - trò theo nghĩa kinh điển
nhất, là GS Cao Xuân Huy - GS Nguyễn Huệ Chi và GS Trương Tửu – GS Nguyễn Đình
Chú.
2.3. Khi Nguyễn Huy Thiệp bất ngờ “ông bảo tôi bảo”, rồi lại
“thi ngôn chí,” còn lại “là phản thơ, là vi khuẩn, suy đồi, đa dâm, đểu, là hạ
lưu…” tôi hốt nhiên nhìn thấy bóng dáng của “tiếng cười tố giác” đã được đẩy
sang cực đoan, thành “siêu nhân”. Tôi có cảm giác, vâng, chỉ là cảm giác thôi,
không biết cách/ không đoạn tuyệt nổi quá khứ 1930-45 với hai dòng chủ lưu lãng
mạn và hiện thực/ với quá khứ hiện thực XHCN 1957 – 1986; văn học đương đại
Việt Nam đã tiến thẳng từ “vệ quốc dân công” sang nền “văn học cán bộ,” rồi
từ nền văn học “cán bộ quan phương” tiến thẳng sang nền văn học “văn nhân” thì
ít, “siêu nhân” thì nhiều.(*)
3. HAI DÒNG THÁC ĐÔNG TÂY
Hiện chưa có công trình khoa học nào
khả tín, rằng nền tân học của chúng ta do những người sinh từ 1900 đến 1975 kiến
tạo trong thế kỷ XX còn lại những gì, còn lại những ai. Vậy cứ lấy hệ quy chế
đặt tên đường phố mà xét thử, dù nó đầy khả nghi. Chúng ta sẽ có kết quả:
Khoảng 100 nhà văn, nhà khoa học đã được dùng để đặt tên đường, kể từ Trần Huy
Liệu, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ, Đặng Thai Mai đến Xuân Diệu, Lưu Quang Vũ...
Trong G 100, thì 90% là sinh từ 1910 đến 1930; đó là còn chưa kể, những người
ta biết chắc xứng đáng nhưng chưa được đặt như Trần Đức Thảo, Trương Tửu…
Vì sao như vậy?
Cắt nghĩa điều này là quan trọng để
hội nhập. Và tôi cho rằng, sẽ không thể hội nhập tử tế, cùng lắm chỉ có thể gia
nhập WTO, nếu không trả lời xong xuôi và chính xác câu hỏi ấy.
Tôi thử đề xuất một nét cho câu trả
lời như một giả thiết: Hán học vào Việt Nam được hơn một ngàn năm, khi người
Giao Chỉ quận đã có thể sang Lạc Dương, Nam Kinh thi lấy bằng Hiếu liêm, Tiến
sỹ mà không cần một năm qua trường Ngoại ngữ Thanh Xuân nào, thì hình thành chữ
Nôm. Văn hoá Hán – Nôm tự nó đã là văn hoá phương Đông của Việt Nam. Cũng như
thế với Hán – Nhật, Hán – Hàn. Tôi nghĩ, khởi từ Nôm, đến Lê Quý Đôn, đến Cao
Xuân Huy thì đã xác quyết xong vấn đề Hán – Nôm độc lập một cách tương đối với
Hán. Những cá nhân ưu việt của Hán và Hán – Nôm đã có thể bình đẳng cuộc cờ,
khi thắng khi thua như Vương Thông- Nguyễn Trãi; như Ngô Thì Nhậm với Trương
Phụ. Những cá nhân ưu việt ấy, quay sang Tây học, lập tức thành ngay trí thức
của nhân loại như Nguyễn Mạnh Thường lấy bằng Tiến sỹ năm 23 tuổi, như Tạ Quang
Bửu thi với sinh viên Pháp ở Sorbon để xuất sắc nhận học bổng của Oxfo. Cũng
chính lý thuyết về hoàn cảnh và địa vị xuất thân của các cá nhân ưu việt do
Trương Tửu Việt hoá đã giúp tôi hiểu vì sao bị cách ly với toán học thế giới
hơn 20 năm, kỹ sư công chính Tạ Quang Bửu lại có thể giảng lại cho Hoàng Xuân
Sính một thuật toán được đặt ra tại hội thảo toán quốc tế mà nữ sỹ vừa từ đó
trở về năm 1962; nhưng Tạ Quang Bửu liệu còn có bao giờ trở lại? Toàn quyền
Đông Dương, ông Decoux đã nói vào năm 1943 đại ý rằng: Bỏ Hán Nôm, dạy quốc ngữ
là một tội ác vì nó cắt đứt con cháu với quá khứ văn hóa tinh thần dân tộc của
họ.
Vâng, hai ngàn năm Hán rồi Hán – Nôm
của dân tộc này đã kê bệ cho hàng vạn sinh viên đủ tầm cao để hấp thụ Tây học;
để thế kỷ XX chúng ta có 100 tên tuổi văn nhân đặt tên đường phố.
Hai ngàn năm Hán rồi Hán – Nôm đã kê
bệ để chàng thư sinh cao mét sáu thành người khổng lồ Trương Tửu, giáo sư của
các giáo sư.
Tôi hiển nhiên không có thẩm quyền
để nói về thành tựu khoa học văn chương của GS Trương Tửu. Tôi chỉ qua nghiên
cứu niên biểu của cụ để nhìn ra một đồ thị lạ lùng.
Cụ, với các cụ Nguyễn Mạnh Thường,
Phan Văn Hùm v.v… là những người đầu tiên chuyển tải khoa học văn chương về
Việt Nam, thiết lập vừa thể, vừa dụng và đã đắc dụng khi nhẹ nhàng xếp đỉnh
điểm của phê bình huyền bí cảm tính Hoài Thanh vào lịch sử. Khi cụ bị cái khác
xếp cụ vào lịch sử, thì cảm tính phối trộn với xã hội học dung tục (phái sinh
của KH văn chương) thành nền phê bình véo von ngợi ca Thơ Mới F1, F2 hoặc quy
chụp phản động những Đống rác cũ, Vào đời. Nhưng đó lại là chuyện khác.
Là người cực đoan, Trương Tửu vồn vã
với khoa học văn chương đến mức, là người đầu tiên đưa các danh từ chỉ đồ vật
như máy móc, kìm, búa, tuốc nơ vít… vào thay thế các danh từ chỉ tâm lý người,
đã suýt dùng dao kéo kim tiêm mà phẫu thuật linh hồn con người ta. Nhưng mãi
gần đây tôi mới mang máng nhận ra một nghịch lý. Trương Tửu, một mặt phê phán
chủ quan cảm tính Hoài Thanh, mặt khác, khi gặp các đoạn văn, các tác giả khiến
cụ hứng thú, thì cụ lại bình tán đến vượt quá cái chừng mực Hoài Thanh. Mặc dù,
cụ từng muốn đập vỡ cái phương Đông huyền bí với lổn nhổn Khổng Mạnh, phong
kiến, ô trọc v.v… khi tranh luận với Hoài Thanh, có hậu thuẫn của những Freud,
Lanson, C.L.Jung để xé toạc màn sương mù thần thánh hoá các thiên tài; nhưng về
nửa cuối cuộc đời, cụ lại gần như là một minh triết phương Đông thông thạo châm
cứu, về tử vi, về Lão, Phật giáo. Là một thực thể phương Đông, dù mang cái búa
phương Tây, cụ vẫn không sao đập vỡ được phương Đông để rồi lại trở về ẩn thân
trong nó.
Đặt bảng niên biểu Trương Tửu trong
bảng niên biểu văn học Việt Nam thế kỷ XX với cuộc gặp gỡ Đông Tây có thể hình
dung là hai dòng thác, tôi thấy chúng là đồng dạng. Chỉ khác một chút: Trương
Tửu là đại biểu tiên phong của văn hoá Hán – Nôm, có thể do còn trẻ nhất đoàn
nên được cắt cử cầm cờ, để vồn vã đón phương Tây (gồm Âu Mỹ và Mác xit). Thế
rồi, vì yêu nước nên dĩ nhiên cụ vồn vã với cả Hán – Nôm mới lẫn phương Tây và
thế là, trong khi vẫn vồn vã với cái mới, cụ bị chính hai dòng thác hè nhau
định xô cụ ngã, nhưng cụ thì còn lại, sau khi hai dòng thác đã bẽ bàng đi vào
quá khứ mà không được đoạn tuyệt.
Công việc ấy, cụ dành lại cho lớp
lớp học trò.
VĂN CHINH
----------(*) Các khái niệm theo thứ tự của TG, Lại Nguyên Ân và Thanh Thảo
No comments:
Post a Comment