.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, February 1, 2012

NHÀ THƠ VŨ THIÊN KIỀU – Á QUÂN CUỘC THI THƠ TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI: “TÔI CHỌN LỤC BÁT ĐỂ GẮN BÓ VÀ TRẢI LÒNG”


Cái khó của những người sáng tác sau như tôi là tìm được tứ, ngôn từ mới vì các bậc tiền bối đã khai thác và có những tác phẩm rất hay ở mọi lĩnh vực. Nên muốn viết hay, lạ mà không “đụng hàng” thì cần phải đầu tư rất nhiều, muốn thế phải có niềm đam mê sâu sắc. Mà sự yêu thích và đam mê sáng tác thơ lục bát thì luôn có sẵn trong tôi, tôi chọn lục bát để gắn bó và trải lòng là vậy.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HNV trao giải thưởng cho Vũ Thiên Kiều

Có duyên với lục bát
- Tại sao chị lại chọn lục bát để gắn bó mà không phải là một thể thơ khác?
- Tôi sinh ra ở làng quê Việt Nam, cuộc sống của tôi từ ngày thơ bé là ở nông thôn miền Bắc và bây giờ là nông thôn miền Nam. Tôi thường xuyên tiếp xúc với phong cảnh, công việc gắn với chất quê. Lục bát là thể thơ thuần Việt nhất, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt Nam từ nghìn đời nay. Hơn thế, lục bát không chỉ là một thể thơ mà còn là “Hồn dân tộc”, là di sản của ông cha để lại cho con cháu. Bất cứ người Việt nào cũng có thể thuộc ít nhất vài câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Rồi những câu thơ, ca dao, những lời ru của bà, của mẹ đã đi vào tâm hồn tôi để khi lớn lên làm mẹ tôi tiếp tục ru con bằng những câu lục bát ấy. Mặt khác, có thể là tôi rất có duyên với thơ lục bát. Khi sáng tác, không phải thích là được mà phải đam mê và có duyên nữa.
- Nhưng lục bát cũng là thể thơ đã có những đỉnh cao ngất ngưởng khiến các thế hệ sau khó mà vượt qua, đấy là chưa nói nếu không khéo sẽ rất dễ rơi vào tình trạng… ghép vần?
- Cái khó của những người sáng tác sau như tôi là tìm được tứ, ngôn từ mới vì các bậc tiền bối đã khai thác và có những tác phẩm rất hay ở mọi lĩnh vực. Nên muốn viết hay, lạ mà không “đụng hàng” thì cần phải đầu tư rất nhiều, muốn thế phải có niềm đam mê sâu sắc. Mà sự yêu thích và đam mê sáng tác thơ lục bát thì luôn có sẵn trong tôi, tôi chọn lục bát để gắn bó và trải lòng là vậy.
- Chị yêu thích tác giả thơ lục bát nào?
- Mỗi tác giả có một cách viết, cách thể hiện, đề tài, giọng thơ khác nhau, nhưng họ đã được giới chuyên môn, bạn đọc đánh giá cao và ghi nhận. Vì thế với các nhà thơ viết lục bát tên tuổi như Nguyễn Duy, Đặng Vương Hưng, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Đình Cánh, Phạm Công Trứ, Trương Nam Hương, Văn Công Hùng, Huy Trụ… hay như các bạn trẻ viết lục bát hiện nay như Miên Di, Nguyên Nguyên, Lê Minh Đạt, Võ Thị Phương Thúy… với tôi không chỉ là sự yêu thích mà còn mến phục. Tôi luôn đọc, nghiền ngẫm và học tập ở họ.
Vừa cho heo ăn vừa… làm thơ
- Chị làm thơ trước rồi mới làm cán bộ dân vận hay ngược lại?
- Tôi hưởng lương nhà nước gần 20 năm, chuyển sang làm cán bộ dân vận mới được 6 năm, còn thơ tôi đã làm từ thời học phổ thông. Nhưng từ khi lập gia đình đến nay, việc cơ quan, gia đình cuốn đi nên tôi không còn nhiều thời gian dành cho thơ. Tuy vậy, hàng ngày khi có tứ thơ xuất hiện tôi đều nhẩm đi nhẩm lại cho thuộc để khi đêm về, khi đã xong công việc thì chép vào sổ. Ơn trời! Tứ thơ đến với tôi rất nhanh, có khi đang chạy xe, đang cho heo ăn hoặc nấu ăn cũng có thể kết hợp làm thơ được.
- Đã bao giờ chị dân vận bằng… thơ chưa?
- Với vai trò người cán bộ làm công tác dân vận, đòi hỏi phải luôn mềm dẻo, linh hoạt, ăn nói phải rõ ràng và điều tối kỵ là không thể nói những câu lưng lửng… như thơ. Tôi hiểu điều ấy và đã làm tốt nhiệm vụ của mình phù hợp với từng cương vị. Sẽ rất khó nếu trực tiếp dân vận bằng thơ. Nhưng thơ đã giúp cho tôi làm tốt công tác dân vận. Ví dụ, khi phát động phong trào văn nghệ của địa phương, các đội dự thi trong các tiểu phẩm đều muốn có một vài câu thơ viết về nội dung họ dự thi cho bay bổng thi vị hơn, thế là tôi giúp họ. Những điều nho nhỏ ấy giúp cho mọi người thấy yêu thích thơ hơn, hiểu được giá trị của thơ ca trong đời sống tin thần, có cách nhìn chia sẻ và không quan niệm những người làm thơ là người có đầu óc thơ… thẩn nữa.
- Giải thưởng vừa rồi là một sự ghi nhận đối với Vũ Thiên Kiều trên con đường thơ ca, chị thích được gọi là nhà thơ hơn hay là cán bộ dân vận hơn?
- Giải thưởng vừa rồi đối với tôi là một bước ngoặt lớn trên con đường thơ ca. Tôi hiểu trên ngã rẽ đầu tiên ấy tôi có nhiều sự thuận lợi hơn nhưng cũng không ít chông gai, thách thức. Thế nên tôi vẫn phải nhờ nữ cán bộ dân vận nuôi “nhà thơ” Vũ Thiên Kiều của tương lai.

.Tác giả Vũ Thiên Kiều sinh năm 1974, quê gốc Thái Bình. Hiện làm việc tại Ban Dân vận huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Trong cuộc thi thơ lục bát kéo dài hai năm (2010-2011) Vũ Thiên Kiều đã đoạt đồng giải nhì cùng với tác giả Ngọc Tuyết, cuộc thi không có giải nhất. Đã in các tập thơ lục bát: Khát; Đất, Nước và Tình thơ; Đốt miền tĩnh lặng.

DƯƠNG TỬ THÀNH
(Nguồn E văn)

No comments:

Post a Comment