.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, February 6, 2012

VĂN CHƯƠNG GÌ THÌ GÌ, NHƯNG TRƯỚC HẾT…

 “Văn chương gì thì gì, nhưng trước hết là văn chương cái đã” (Hoài Thanh)
Quan niệm văn chương trong mỗi thời kì không giống nhau, bởi cách nhìn và quan niệm về cái đẹp khác nhau. Thậm chí trong cùng một thời đại nhưng cách nhìn, cách nghĩ về nghệ thuật cũng không đồng nhất đôi khi trái ngược nhau. Chính vì thế nên có nhiều cuộc tranh luận khá gay gắt về văn chương mà tiêu biểu là cuộc tranh luận giữa hai quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” và “ nghệ thuật vị nghệ thuật”,… nhưng dù gì đi nữa thì văn chương phải thể hiện đúng bản chất của nó như Hoài Thanh đã từng khẳng định: “Văn chương muốn gì thì gì, trước hết cũng phải là văn chương đã”.

Quan niệm văn chương của Hoài Thanh hoàn toàn có lí, bởi yêu cầu cần thiết nhất của một tác phẩm văn chương là phải có tính văn chương. Nếu một tác phấm thiếu đi tính văn chương  mà nội dung của nó có sâu sắc đến đâu đi nữa thì nó cũng sẽ khó đến với người đọc. Độc giả không dễ dàng chấp nhận một thứ văn chương quá ư dễ dãi hay nói một cách khác đó là thứ văn chương thiếu đi tính nghệ thuật. Nói đến văn chương là nói đến cái hay, cái đẹp là nói đến giá trị của đời sống tinh thần. Vì thế yêu cầu đối với văn chương chính là tính nghệ thuật, bởi chỉ có nghệ thuật mới có thể đáp ứng một cách hiệu quả nhất yêu cầu về mặt tinh thần của con người.

Tác phẩm văn học có cơ sở vững chắc từ mối quan hệ mật thiết giữa văn học với hiện thực, nó bao hàm cả nhân tố khách quan của đời sống và nhân tố chủ quan của nhà văn, nó vừa là cuộc sống  được ý thức, vừa là sự xúc cảm – đánh giá đối với cuộc sống đó. Bất kì một hình tượng nghệ thuật nào cũng xuất phát từ cuộc sống bởi phản ánh hiện thực là một thuộc tính của  văn nghệ. Bất kì một tác phẩm nào cũng là sự khúc xạ những vấn đề của cuộc sống, bất kì một nhà văn nào cũng thoát thai từ một môi trường nhất định. Nhưng bên cạnh cái chân thực của cuộc sống nhà văn còn muốn gửi gấm một cái gì đó sâu sắc hơn buộc người ta phải suy nghĩ. Để làm được điều đó, nhà văn phải chọn cách thể hiện hợp lí nhưng cũng không kém phần độc đáo để tác phẩm dễ đi vào lòng người đọc nhằm thể hiện một cách tốt nhất tư tương của mình. Cái bức tranh ảm đạm, thê lương, đầy bóng tối của phố huyện nghèo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam đi vào lòng người  đọc không đơn giản là đã khắc họa được cái bế tắc, cùng quẫn của nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, niềm cảm thương sâu sắc đối với những mảnh đời bất hạnh và khát khao một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho họ  mà tác phẩm còn được người đọc nhắc đến với những lời văn đầy chất thơ, cái độc đáo của việc tạo ra sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng, cách miêu tả tâm lí nhân vật,…

Hay đến với những trang viết của Nguyễn Tuân người ta không khỏi phái ấn tượng với  một lối viết cầu kì xa lạ nhưng cũng không kém phần độc đáo, ông có thói quen nhìn sự vật ở mặt mỹ thuật của nó, cố tìm cho ra ở đấy những gì nên hoạ, nên thơ. Đồng thời mỗi điểm quan sát của ông phải là một đối tượng khảo cứu đến kì cùng. Ngày xưa bế tắc trong thực tại, tầm mắt không vượt khỏi được môi trường quẩn đọng, xám xịt của cuộc sống tư sản, tiểu tư sản, ông thường đi tìm cái đẹp ở thiên nhiên hay ở quá khứ tách rời hiện thực. Trước cách mạng tháng Tám Nguyễn Tuân dùng tài hoa, uyên bác để chơi ngông với thiên hạ. Sau cách mạng, ông đi tìm cái đẹp, chất thơ trong thực tại và thiên hướng khảo cứu giúp ông tìm hiểu nghiêm túc và sâu sắc cuộc sống chiến đấu của nhân dân. Nhìn chung, từ Đường vui, Tình chiến dịch, đến Sông Đà Kí chống Mỹ... cái uyên bác, tài hoa của Nguyễn Tuân ngày càng được phát huy trên quan điểm nghệ thuật cách mạng, đã đem đến cho tác phẩm của ông một giá trị thẩm mĩ riêng, một giá trị thông tin riêng.

Hình thức của tác phẩm văn học là sự kết hợp của nhiều yếu tố: nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, các quy định của loại thể văn học, những biện pháp kết cấu, cách xây dựng nhân vật, thể hiện hình tượng,...tất cả nhằm mục đích thể hiện trực tiếp và sinh động nội dung của tác phẩm, tạo nên một dạng tồn tại nhất định của nội dunng ấy, qua đó xây dựng toàn bộ tác phẩm thành một chỉnh thể thống nhất. Một tác phẩm nghệ thuật được coi là có tinh  nghệ thuật khi đạt tới sự thống nhất cao độ của nội dung và hình thức. Nghệ thuật muốn đạt đến trình độ cao thì bản thân nó phải có sự sàng lọc khắt khe, phải có sự phát triển toàn diện và  và sự sáng tạo của mỗi cá nhân nghệ sĩ. Văn chương ngoài việc mang yếu tố tinh thần nó chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng – thẩm mỹ, mang tính chất văn hóa làm rung động cảm xúc, tư tưởng tình cảm cho người thưởng thức vì thế nó đòi hỏi rất cao sự sáng tạo bởi tác phẩm văn chương tồn tại được không phải chì vì nội dung mà chính là chất văn của nó. Sở dĩ “Truyện Kiều” bất hủ với thời gian là do lối viết độc đáo của Nguyễn Du. Trong “Truyện Kiều” Nguyễn Du đã xây dựng hình tượng nhân vật của mình theo phương pháp truyền thống : chia nhân vật thành hai tuyến chính diện và phản diện. Nhân vật chính diện được miêu tả theo lối lý tưởng hóa, bằng phương pháp ước lệ tượng trưng. Còn nhân vật phản diện lại được khắc họa theo lối tả thực. Mỗi người đều đạt tới sự điển hình hóa cao độ. Vì thế nhiều nhân vật trong Truyện Kiều đã bước ra từ trong trang sách để sống với cuộc đời thực, trở thành chuẩn mực để người ta đánh giá con người.

Ngôn ngữ Truyện Kiều đạt đến mức trong sáng mẫu mực. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn 2 Thành phần ngôn ngữ: ngôn ngữ bình dân - ngôn ngữ ca dao , tục ngữ lời ăn tiếng nói của người dân; Ngôn ngữ bác học mà chủ yếu là những từ Hàn Việt đã mang đến cho Truyện Kiều thứ ngôn ngữ vừa hàm xúc , vừa trang nhã , vừa giản dị mà vẫn đẹp đẽ , giàu hình ảnh nhạc điệu . Vì thế người ta gọi Truyện Kiều là " tòa lâu đài ngôn ngữ thơ ca " được kết nên từ những viên ngọc lấp lánh , sáng trong . Hay Nam Cao đã từng quan niệm “Văn chương không cần những nhười thợ khéo tai làn theo một vài kiểu mẩu đưa cho mà văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tồi, biết khơi những  nguồn chưa khơi và sáng tạo những gì chưa có” và ông là người đầu tiên đã làm việc đó bằng cách sáng tạo nên một cái mới trong văn chương hiện thực đó là việc ông xây dựng  hình ảnh của người nông dân không chỉ bị bóc lột về tiền của mà còn bị bóc lột về nhân cách, bị cướp đi quyền làm người của một con người. Tác phẩm Chí Phèo là một trong những tiêu biểu.

Văn chương ẩn chứa trong nó bao điều độc đáo, nhưng cái đáng nói ở đây chính là cái đa dạng phức tạp khi nhận định về văn chương nên có nhiều ý kiến, nhận định khác nhau. Vì thế không khỏi có những tranh luận, dù mỗi người có quan niệm khác nhau nhưng điều đầu tiên mà ta không phải chối cãi đó chính là giá trị của nghệ thuật của văn chương như Hoài Thanh nhận định: “Văn chương gì thì gì nhưng trước tiên là văn chương cái đã”.

ĐẶNG PHÚ QUỐC

No comments:

Post a Comment