.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, February 23, 2012

XUNG QUANH TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ NGUYỄN THỊ LỘ: “ĐẶC SỆT GIỌNG LƯỠI MỘT GIÁO VIÊN DẠY VĂN XOÀNG XĨNH VÀ CHẲNG HIỂU BIẾT GÌ VỀ SÁNG TẠO VĂN HỌC”


Ngày 15/2/2012
(Văn chương +) , giới thiệu lại bài trên blog nhà văn Đặng Văn Sinh về cuốn tiểu thuyết lịch sử “Nguyễn Thị Lộ”. Chỉ sau 1 tuần (ngày 22/2/2012), cha đẻ của nó – nhà văn Hà Văn Thùy đã có bài viết trao đổi lại khá thú vị trên web Trần Nhương. Thấy 2 bên đều có luận điểm bảo vệ rất kungfu trước bụi mù quá khứ, đấy là tín hiệu đáng mừng trong đời sống phê bình văn học hiện nay. Việc hay dở, đúng sai là câu chuyện dài. 

Chẳng thế mà, cách đây 10 năm (2002) cũng đã có một cuộc Hội thảo về cuộc đời, thân thế Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ do Hội sử học VN chủ trì toàn những cây đa đề như GS Vũ Khiêu, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Dương Trung Quốc, Hoàng Đạo Chúc, Lê Thước, Phan Đăng Nhật, Đinh Công Vĩ, Hoàng Quốc Hải, Phan Văn Các, Trương Đình Nguyên....
Ngay sau đó ra đời tập Kỷ yếu nhan đề: Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên, do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc tổ chức và chủ biên (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2004).

Dẫu gì cũng phải cám ơn các bác đã tung tạo - hất tác, tặng món quà “Lộ” cho độc giả, dù đặt dưới cân bàn, cân treo, cân đếm hay cân tiểu ly. Nhờ vậy, không khí bữa tiệc phê bình đỡ ngán, những thiết bị đo lường trong văn giới đã hấp háy trở lại, mong rằng nó không như những vụ - đầm khác, đẫm ướt nguy cơ rơi vào Tổ: “kín & chìm”.
(Văn chương +)

_______________________

PHẢI CHĂNG HÀ VĂN THÙY XÚC PHẠM NGUYỄN TRÃI, NGUYỄN THỊ LỘ
TNc: Cuốn tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thùy được nhiều ý kiến khen chê. Mới đây trên trang nhà, chúng tôi đã đăng ý kiến của nhà văn Đặng Văn Sinh. Hôm nay chúng tôi nhận được bài viết của tác giả Hà Văn Thùy có lời đáp lại...

Cảm ơn nhà văn Đặng Văn Sinh đã đọc và bình cuốn sách còm của tôi. Suy nghĩ như vậy không phải của riêng ông mà của cả trường phái khá đông đảo những người không chấp nhận chuyện ấy trong cuộc đời Nguyễn Thị Lộ.
Xin thưa, kẻ viết những dòng này cũng từng ở trong trường phái đó. Suốt thời trẻ của mình, tôi ngưỡng vọng Nguyễn Trãi như vầng sao Mai tinh khôi không vết gợn. Vì vậy khi biết câu chuyện nọ, tôi bị sốc, cố tình không tin, mong có một phép màu thanh tẩy được những dòng chữ đau lòng trong chính sử. Hơn một lần tôi tự đặt mình vào vị trí quan tòa để xử lại vụ án. Chỉ cần một chứng cứ khả dĩ, tôi sẽ sung sướng nhân danh công lý, tuyên trắng án! Hội thảo Khoa học về bà Lộ được tổ chức, tôi quá mừng, hy vọng, với tầm học cao biết rộng của những bậc tài danh hôm nay, oan án sẽ được xóa! Nhưng rồi tôi thất vọng: chứng không có mà lý đưa ra lại quá tù mù!
Cái đinh to nhất mà quý vị học giả trước đây và cả tác giả Đặng Văn Sinh hôm nay bám vào là lý sự: ông vua trẻ với năm vợ đẹp và một đống cung tần, không thể nào lại yêu một người đàn bà bằng tuổi mẹ mình!

Tôn trọng niềm mê tín của quý vị nhưng cuộc đời có thực tế riêng của nó. Hai ngàn năm sau Eudipe, con người còn chứng kiến biết bao chuyện Eudipe nữa? Và cũng đã xuất hiện biết bao chồng trẻ vợ già. Cách đây không lâu, truyền thông thế giới đăng tải câu chuyện chàng trai ba mươi lấy cụ bà chín chục. “Chúng tôi hạnh phúc, bà cụ nói. Jack yêu tôi thực lòng chứ không chỉ yêu tài sản của tôi.” Bản thân tôi nhỡn tiền chứng kiến chuyện ở Rạch Giá: Một bé trai, mẹ qua đời, được gửi cho người mợ ruột nuôi để bú chung với em gái mới sinh. Khi lớn lên, đứa cháu trai có quan hệ không bình thường với mợ. Để ngăn chặn điều xấu, gia đình cưới vợ cho anh ta. Nhưng anh chàng không ngó ngàng tới vợ mà chỉ tìm cách chung chạ với mợ. Kết cục là vợ anh ta ra đi. Ông cậu bỏ nhà lấy người khác. Em gái đi lấy chồng. Người mợ cùng cháu trai ở với nhau như chồng vợ. Nay họ còn sống, người mợ ngót bảy mươi, cháu trai gần năm chục. Câu chuyện này có hai căn nguyên sâu xa. Ở chàng trai là mặc cảm Eudipe: Tình yêu mẹ chuyển sang người đàn bà – mẹ nhưng không cùng huyết thống! Với người mợ, một người trưởng thành, bị ràng buộc bởi nhiều quan hệ chồng, con, bố, mẹ…nhưng vì sao bà ta vẫn muối mặt làm cái việc loạn luân trái đạo? Không thể nào giải thích khác, là sự trộn lẫn mặc cảm Eudipe với hấp lực tình dục ghê gớm của chàng trai mới lớn?!
Sự việc trên, có thể soi chiếu vào vụ bà Lộ và Lê Thái tông. Lẽ đời là thiếu cái gì người ta cần cái ấy. Ông vua trẻ thừa mứa tài sản, danh vọng, quyền lực và gái trẻ… Cái thiếu nhất của chàng trai là người mẹ, là tình mẫu tử. Trong uẩn ức sâu xa, hình ảnh người mẹ hiện trong sương khói rồi biến mất là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Nó thôi thúc con người bất hạnh đi tìm cái thiếu ấy. Sau những căng thẳng triều chính, lúc về cung lại mệt mỏi vì vợ nọ con kia ghen tuông hờn giận… Trong khủng hoảng tâm lý ở tuổi mới lớn, chàng trai cần một chốn riêng để nương tựa. Đã bao lần ta tìm về với mẹ hiền trong tâm trạng như thế! Nhưng chàng trai đơn côi biết tìm đâu?
Người duy nhất có thể cho chàng cái chàng thiếu là bà Lộ. Ở tuổi tác, ở gia thế, ở học vấn và đức hạnh, bà Lộ xứng đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ. Vào cung là việc bà không mong nhưng bất khả kháng. Lúc mới vào cung, không ai nghĩ rằng chuyện như thế có thể xảy ra bởi lẽ bà đã lớn tuổi, lại là người đoan trang mẫu mực.
Ở tuổi bà Lộ, ước vọng lớn lao nhất là được làm mẹ. Có thể thầm kín nơi trái tim, Bà ao ước ông vua côi cút đáng thương mà ngày nào đã từng cưng chiều là con mình. Thật tự nhiên, bà coi mình như người mẹ tinh thần của nhà vua vua trẻ. Sự nghiêm cẩn giữ gìn trong đạo quân thần, những lời khuyên, lời trách nhẹ nhàng giầu nữ tính của bà vô tình tác động ma mị lên nhà vua. Như người đang đi giữa nắng gặp bóng râm. Như con thuyền đang trong sóng gió tìm được bến đỗ... Chàng nhận ra, đó là cái tình mẫu tử sâu xa mà chàng khao khát. Đến với bà Lộ, chàng được trở về với cõi yên bình. Tâm tĩnh lại, thần sáng ra… Rồi một lúc nào đó, chàng trai nhận ra cái hấp lực đàn bà nơi người mẹ tinh thần. Nó kỳ ảo, lạ lùng nên mãnh liệt hơn vạn lần những phi tần, cung nữ trẻ mà chàng thừa mứa. Nếu cái hấp dẫn của tuổi trẻ là tân thì ở tuổi hồi xuân lại là thục. Người ta háo hức đến với cái tân nhưng rồi ở lại cùng cái thục, sự chín mõm mòm của tình đời lẫn tình dục! Vì vậy chuyện gì phải đến đã đến…
Trong quan chế triều Lê, chức Chiêu nghi của bà Lộ ở bậc thứ chín thuộc hàng cung tần, dưới bậc phi. Bà phi Dương Thị Bí khi bị giáng cũng xuống chức này. Như vậy có nghĩa, bà Lộ cũng là đối tượng nhà vua có thể tùy nghi sử dụng! Nhà Văn Đặng Văn Sinh cho rằng, quan chế triều Lê không cho phép bà Lộ ở trong cung, rồi người như bà không thể đứng ra làm nhạc…Quan chế chẳng phải do con người đặt ra sao? Một khi đã đặt ra được thì người ta cũng vi phạm được, nhất là với ông vua trẻ ít học, hoang đàng, không bị bất cứ điều gì kiềm tỏa! Hơn nữa, mấy đời đầu nhà Tiền Lê triều cương đã có gì nghiêm cẩn? Chả thế mà hoạn quan đứng ra làm nhạc rồi giữa triều chửi thẳng vào mặt quan đại phu! Tiếp đó là loạn Nghi Dân… Trong hoàn cảnh đó cái gì mà chẳng có thể xảy ra? Một điều cũng rất thực mà vì tế nhị, trong truyện tôi đã không cho nói ra từ miệng Nguyễn Trãi là, theo quan niệm đương thời, bà Lộ không phải chính thất mà chỉ là vợ lẽ, nàng hầu, một tài sản người đàn ông có thể mua bán đổi chác. Do đó, về mặt chính danh, trong chuyện này, nỗi đau của Nguyễn Trãi phần nào vơi nhẹ và người đời cũng không nặng nề lắm với ông!
Đúng là vua Thánh tông có trách cứ Ngô Sĩ Liên tội ăn của đút, tội “sự nhị quân” nhưng không hề quở trách ông trong việc viết sử. Điều này chứng tỏ ông không có lỗi ở chức phận sử gia. Viết biên niên là viết ngay khi sự việc vừa xảy ra. Nếu xu thời, ông có thể viết như lời buộc tội của triều đình. Hoặc an toàn hơn, viết: “Nhà vua bị cảm rồi băng”. Dám viết “thức suốt đêm với Thị Lộ…” là thể hiện bản lĩnh của sử gia lớn. Ông hiểu sâu sắc rằng, chỉ có viết sự thực mới bảo vệ được mình. Nếu vì lẽ đó mà chết thì cũng chết trong danh dự. Giống như câu chuyện anh em nhà Thái sử nước Tề xưa, kẻ muốn giết ông sẽ vì sợ mang tiếng hôn quân mà dừng tay! Ai nghi ngờ phẩm chất sử gia của ông, xin hãy đọc: “Ngày mười ba chém Thiếu úy Lê Lai vì cậy có công nói những điều khinh xuất.” Tháng Giêng năm 1427, ngay trước cuộc giải phóng thành Thăng Long mà dám viết những dòng tố cáo Thái tổ sắc lạnh như dao chém đá ấy hẳn không phải người tầm thường! Liệu ai dám cả gan bịa ra chuyện động trời nhà vua gian díu với vợ công thần, đáng tuổi mẹ mình rồi ghi vào chính sử? Đấy không phải chuyện đùa, không chỉ trái với chức trách, lương tâm người viết sử mà còn là tội khi quân dẫn tới đầu rơi máu chảy! Vì vậy, tôi tin đó là sự thực. Không ai có thể xóa nổi dòng chữ mà sử gia Ngô Sĩ Liên đã viết. Những chuyện xôn xao qua hội thảo kia chỉ là làn gió nhẹ làm lăn tăn mặt nước hồ. Điều này tôi đã trình bày trong bài Cái gọi là “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” (Góp với văn đàn. Văn học, 2006). Ngay Giáo sư Phan Huy Lê, trong bản tham luận quan trọng đọc ở Hội thảo ấy cũng đã nhận xét một cách thận trọng: “Qua kết quả khảo sát của nhiều nhà khoa học cũng không bổ sung thêm được bao nhiêu hiểu biết về hành trạng và sáng tác của bà.” Với chứng lý như vậy mà quý vị đòi xóa bỏ quốc sử từng tồn tại ngót 600 năm thật là chuyện tầm phào!
Người phương tây có ngạn ngữ: “Khi không chặt được cánh tay đó thì hãy cầm lấy nó mà hôn!” Do không thể bác bỏ được những dòng chính sử, tôi buộc phải chấp nhận nó như sự thực và mô tả trong sách của mình.
Cuốn tiểu thuyết đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp nhất mà Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ có thể có trong hoàn cảnh của mình! Ngay cả mối quan hệ của bà Lộ với vua Thái tông vốn bị coi là xấu xa, cũng được nâng lên tầm cao nhân văn. Tôi thuyết phục người đọc tin rằng, cái tình yêu “trái đạo lý” ấy đã giúp cải hóa ông vua trẻ hoang đàng thành vị minh quân, mang lại phúc cho dân cho nước. Như trong lời tựa đã viết, Nguyễn Trãi không cần ai thanh minh cho ông mà cần sự cảm thông, thấu hiểu. Chắc chắn rằng vong linh hai vị cùng hầu hết bạn đọc đã gặp niềm thông cảm và thấu hiểu của tôi!
Có thể khẳng định rằng, tuy đã nhiều người viết về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ nhưng đây là lần đầu tiên hai vị hiện lên trong hình tượng văn học sâu sắc và trong sáng như vậy.
Quả là không thể hiểu được vì sao cuốn tiểu thuyết lại bị coi là hạ thấp phẩm giá Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ?!
Đáng tiếc, cách nhìn của nhà văn Đặng Văn Sinh cũng chính là quan điểm của Hội Nhà văn Việt Nam thông qua Ban chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2005-2010.
Tháng Năm 2011, tới nghĩa trang Bình Hưng Hòa đưa tiễn nhà văn Trần Hoài Dương, tôi gặp nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Anh hỏi:
 - Ông có cuốn tiểu thuyết viết về Nguyễn Thị Lộ hay lắm phải không? Đáng lẽ được giải nhưng do xúc phạm Nguyễn Trãi nên bị trượt.
- Ai nói với anh như vậy? Tôi hỏi lại.
- Tôi nghe ai đó, một người trong ban giám khảo nói, nhưng lâu rồi, quên không nhớ ai nữa.
 Như một sự khám phá, tôi hiểu ra người ta đánh giá sách của mình như vậy! Tôi nói với nhà thơ:
-  Hay thì không dám nói nhưng chắc chắn cuốn sách đó không xúc phạm Nguyễn Trãi cũng như Nguyễn Thị Lộ.
Khi ra về, chúng tôi đi cùng nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Tôi hỏi:
- Nhơn đọc Nguyễn Thị Lộ của mình chưa?
- Có, em đọc rồi chứ!
- Nó có xúc phạm Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ không?
- Không hề! Lẽ ra cuốn đó phải được giải!” Nhơn nói.
Khoảng tháng Sáu năm 2007 tôi tới thăm nhà văn Nguyễn Khải ở Bệnh viện Thống Nhất, định tặng sách và nói với ông đôi lời. “Chú nói ngắn để bố cháu nghỉ, bố cháu đang mệt.” Con gái ông nói. Chưa mở miệng đã bị chẹn họng, tôi cứng lưỡi, không muốn nói gì nữa, đành đưa sách cho ông rồi chào ông ra về. Cho rằng, với sức khỏe như thế, ông sẽ chẳng bao giờ đọc nó, tôi cũng quên đi. Mấy tháng sau bất ngờ tôi nhận được điện thoại:
-  Hà Văn Thùy phải không? Nguyễn Khải đây! Tôi phải hỏi thăm cô Kim Anh báo Văn nghệ mới biết số máy của ông. Tôi đọc Nguyễn Thị Lộ của ông rồi. Viết được đấy!
  
Quá bất ngờ, tôi chưa kịp cảm ơn thì ông buông máy! Ít lâu sau ông qua đời.
Mới đây từ Hà Nội, nhà văn Xuân Cang gửi điện thư: “Do cuộc hội thảo về Bà Lộ ở Khuyến Lương, tôi với bà Chiêu (vợ ông) đọc lại Nguyễn Thị Lộ của Thùy. Sách hay!”
Không phải khoe mà tôi đưa ra một vài tiếng nói trái chiều với nhận định chính thống của Cục Viết văn Việt Nam.
Trang mạng trannhuong.com và vanchuongviet.org, nơi đăng bài của nhà văn Đặng Văn Sinh là những mạng “chay” vì không có phần bình luận. Muốn xem độc giả phản ứng ra sao, tôi tìm trên google và cho tới khi viết những dòng này (22. 2. 2012) thì chỉ gặp duy nhất trang van chuong + (http://vanchuongplusvn.blogspot.com/2012/02/ang-van-sinh-nguyen-thi-loi-mot-tieu.html)
với duy nhất một bình luận:
Người yêu lịch sử Feb 16, 2012 07:21 AM
Đặc sệt giọng lưỡi một giáo viên dạy văn xoàng xĩnh và chẳng hiểu biết gì về sáng tạo văn học.

Không biết nhận định như vậy có xác đáng không?
 Phú Thọ Hòa, 22. 2. 2012
Xem thêm:  

1 comment: