Dù rằng cố tìm trong thơ anh một sự ẩn hiện khác, chứa một nội dung khác thì thơ tình của anh vẫn là số một. Chính điều nầy đã ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ khác khi làm thơ tình, họ có một cái “air” thơ giống của anh, nội dung na ná của anh, chữ dùng đôi khi mượn của anh. Ngay cả tôi trước đây, làm thơ tình đọc lên nghe như hơi hám của Hoàng Lộc. Như vậy đủ biết thơ tình Hoàng Lộc “dễ sợ” lắm chứ không phải chơi. Thơ anh làm ảnh hưởng rất nhiều người, khi giật mình bứt phá ra khỏi cái ảnh hưởng đó, thì cũng thật gian nan. Nói như vậy để biết rằng Hoàng Lộc có một chỗ đứng khá sâu trong lòng người đọc, trong lòng anh em làm thơ.
“cho dẫu phù vân” tập thơ mới xuất bản của
Hoàng Lộc, tôi được hân hạnh tác giả nhờ layout và chính trong lúc làm công
việc nầy, tôi được đọc trước nên có những nhận xét riêng của tôi về tập thơ.
Tôi xin không đề cập đến thơ tình cùa Hoàng Lộc, điều nầy bạn bè anh đã viết
khá nhiều. Viết láng cháng sẽ dẫm chân lên họ. Tôi xin viết tản mạn về Hoàng
Lộc, về chữ nghĩa thơ trong tuổi gìà. Dù cố tránh về thơ tình, thế nào cũng
phải đụng vào nó vì hầu hết trong đời thơ Hoàng Lộc đều chủ tâm đến thơ tình.
Như vậy nói khác đi sẽ lạc đề, sẽ sai bét về Hoàng Lộc.
Tôi xin đề cập tới chữ nghĩa về già khi Hoàng Lộc làm thơ tình. Trên thực tế nhìn thấy một ông già bảy mươi tuổi đứng góc đường “gò gái”, trao những lời trêu chọc thì ta thấy chướng hết sức, Thế nhưng thơ tình tuổi bảy mươi (một loại thơ tán gái của mấy ông thi sĩ tuổi gần đất xa trời) thì ta thấy nó thế nào? Thứ nhất là tội nghiệp cho mấy lão. Thứ hai là ta thấy thấm đau, nhưng lại rất dễ thương. Khi còn trẻ làm thơ tình thì mấy cô gái còn quan tâm tới. Có cô phải lòng tơ tưởng đến người thi sĩ làm thơ cho họ. Còn bây giờ, tuổi già mình làm thơ tình là để sắt se, để tưởng nhớ, phần đông đối tượng bây giờ đã tóc bạc răng long như mình. Chỉ ngồi nhớ lại thời sắc hương của họ còn tươi rói. Mình làm thơ để nhớ lại, để chiêm nghiệm, để vọng tưởng. Hãy nghe Hoàng Lộc thổn thức một đời làm thơ của mình:
“anh mài sắt cả đời không phút nghỉ
mà cuối đời chưa thấy nổi cây kim”
(còn mãi đi tìm. trang 21 – tập CDPV)
Tội nghiệp không? Thế nhưng người đọc lại không nghĩ như anh. Cục sắt to tướng mà khởi đầu anh mài, nó đã thành kim từ lâu. Than chơi cho vui để người khác thấu hiểu nỗi lòng của nhà thơ,.chứ cây kim sắc ngọn đó đã lận lưng từ lâu. Thơ của anh có tiếng tăm khi anh còn rất trẻ. Thế nhưng mấy ai bằng lòng với việc mình làm. Cuối đời công danh thì tan tành, và tình chạy đâu mất. Chính các thứ lỡ vận nầy mới tạo được những câu thơ cô đọng của Hoàng Lộc:
“rồi tóc trắng phất phơ chiều sương khói
thế xuân thu rẻ rúng chuyện công hầu
tình cũng chảy mỗi dòng theo mỗi cõi
ai trách lòng ta khói biển xanh dâu
câu thơ viết bên kia trời tưởng nhớ
đưa ta về ray rứt giữa canh đêm
trăng phố thị dẫu tàn hiên cổ độ
dễ nguôi khuây những ngọc nát châu chìm”
(mưa cuối đời thơ. Trang 47, tập CDPV)
Theo tôi công danh thì trắng, nhưng tình thì không, vì nó
còn lung linh trên các câu thơ. Càng về cuối đời, các câu thơ tình của
anh càng sâu sắc, chữ nghĩa gạn lọc, đọc lên thấy thấm thía. Nếu không biết
tuổi tác Hoàng Lộc mà chỉ đọc thơ của Hoàng Lộc ta nghĩ ngay người làm thơ còn
rất trẻ. Tại sao ta phán đoán như vậy? Vì nó mang sự thành thật, sự thủy chung,
ướt át, mà chỉ có những người trẻ mới mang tâm trạng nầy phát tán trên thơ, cho
nên ta thấy câu thơ rất dễ thương, rất trẻ trung. Hoàng Lộc còn giữ được
phong thái đó thật đáng quý. Phần đông những người làm thơ khác, khi cao tuổi
họ bỏ hẳn thơ tình, mà có còn chăng thì chữ nghĩa cũng gượng ép nghe ra không
thật. Hoàng Lộc ngược lại thơ tình tuổi về già nó không nhí nhảnh, không làm
dáng như khi xưa. Thơ tình của anh bây giờ nó chín chắn, sâu đậm, mang thêm
những ẩn dụ nên khi ta đọc, cảm thấy nó gần gũi và dễ dàng cảm xúc.
“cây đời ta gãy hết
những ngọn tình phù vân”
(ngoại ô, đêm. trang 36, tap CDPV)
Hai câu thơ trên, Hoàng Lộc mở đầu cho tập cho dẫu
phù vân. Đời của một thi sĩ ba chìm bảy nổi, cho dù thân xác có khô
héo thế nào, nhọc nhằn thế nào thì tình vẫn thủy chung. Người làm thơ luôn luôn
chung thủy với tình mình đeo đuổi, mặc dù người đã phụ mình. Hai câu thơ ngắn
ngủi đó đã gói gắm một đời làm thơ của Hoàng Lộc.
“….
yêu bao nhiêu em cũng phải lấy chồng
xa biết mấy là con đường phía trước
ta theo mỏi còn em thì phải bước
có bao giờ ta đuổi kịp em đâu?
đời tàn thu mây trắng bay qua đầu…”
(về buổi tàn thu ta, trang 14, tập CDPV)
Một đời làm thơ, đến tuổi già ngó lại nó như “…mây
trắng bay qua đầu”. Hoàng Lộc đã nói giùm cho rất nhiều người. Ai đọc qua
tập thơ nầy cũng bắt gặp một vài bài, một vài câu mang vóc dáng của mình, mang
tâm trạng của mình, cho nên cho dẫu phù vân sở dĩ thành công
không phải vì Hoàng Lộc kỹ thuật, mà vì anh đã thực sự đụng đến đáy lòng người
đọc bằng chân thật, bằng tự nhiên nên họ dễ cảm thông với anh về những gì anh
thổn thức.
Nhiều người cho rằng với cái tuổi cận kề cái chết, không
nên làm thơ tình vì nó không thật. Tôi không đồng ý với quan niệm nầy. Người
làm thơ phải rung động mọi hiện trạng, tình huống trước cái đẹp. Không phải vì
tuổi tác mà chai lỳ trước những rung động. Như vậy ta sống với lý nhiều quá chứ
không còn sống với trái tim. Thi sĩ thật sự phải sống với trái tim bất chấp
tuổi tác. Làm thơ tình trong tuổi già mà ta không thấy sự gượng ép, không một
chút giả tạo, những bài thơ như vậy thật sự đã thành công. Đọc những bài thơ
tình trong tập cho dẫu phù vân ta phát hiện được điều đó, ta
chỉ thấy sự rung cảm trước những chữ nghĩa bình dị nhưng thật sâu sắc của anh.
“thôi đừng bệnh nữa ta ơi
nằm nghiêng còn mỏi nỗi đời nắng mưa
có gì đau ở hôm xưa
ở hôm mai
cả bây giờ cũng đau?
xin em vịn một vai cầu
để coi
buồn của đời nhau
chảy về
(nằm nghiêng với bệnh, trang 68, tập CDPV)
Dù trái tim còn trẻ trung, còn yêu đời thì cũng đến hồi đưa
tay đầu hàng trước tuổi già, trước những cái rêm mình nhức mỏi. Thi sĩ không
chịu mình già…mà bởi vì yêu nhiều quá, thơ tình lai láng mới ra nông nỗi nầy,
giật mình nhìn lại thời gian mới biết dù có chống chọi cũng đành phải chịu thua.
Cái dễ thương của người làm thơ bao giờ cũng muốn mình trẻ trung mãi để làm
thơ, thế nhưng lực bất tòng tâm. Đọc những bài thơ về già của Hoàng Lộc ta mới
thấy thương cho anh. Có một điều người đọc nên chú ý thơ tình Hoàng Lộc bây giờ
khác xa thơ tình ngày trước. Chữ nghĩa được đẻo gọt tinh xảo. Ý thơ thâm trầm,
sâu lắng. Nên khi đọc lên ta có thể không thích một vài bài, nhưng ta phải công
nhận rằng làm được những bài thơ như vậy thì thật là hoàn hảo.
Làm việc đến khi cao tuổi ta phải nghỉ ngơi, thế nhưng làm
thơ thì không được như vậy. Nghiệp dĩ bắt chúng ta cứ đèo bòng mãi, không dứt
ra được. Có nhiều người nói về thơ Hoàng Lộc không còn được như khi xưa, không
còn hay như hồi trước. Theo tôi thì không đúng hẳn như vậy. Mỗi thời có một cái
hay riêng của nó. Thơ tình còn trẻ thì ướt át, nhí nhảnh. Thơ tình về già thì
sâu sắc, thận trọng. Ở vào cái tuổi của mình bây giờ không thể tung tăng nhảy
nhót như hồi trẻ, làm như vậy ta cảm thấy kỳ cục và nó không thật. Ta phải làm
cái gì nó hợp với tuổi tác, hợp với cách sống hiện tại và lúc nào cũng cần chân
thật. Cái quí và giá trị ở cái chỗ chân thật. Ta hãy đọc bài thơ dưới đây của
Hoàng Lộc để hiểu anh một cách tường tận hơn:
xin được nghỉ ngơi
nghỉ
ngơi thôi, hỡi gã làm thơ già
núi đã tàn rồi - kìa, biển cũng cạn
chữ nghĩa một đời, một đời hoạn nạn
cứ nổi chìm hoài theo mỗi câu thơ
hãy nghỉ ngơi thôi, cha mẹ chết rồi
cố xứ gọi về, (bạn bè cũng gọi)
bệnh hoạn bao năm hết còn nhớ rượu
lại nhớ những điều rất đỗi không nên
núi đã tàn rồi - kìa, biển cũng cạn
chữ nghĩa một đời, một đời hoạn nạn
cứ nổi chìm hoài theo mỗi câu thơ
hãy nghỉ ngơi thôi, cha mẹ chết rồi
cố xứ gọi về, (bạn bè cũng gọi)
bệnh hoạn bao năm hết còn nhớ rượu
lại nhớ những điều rất đỗi không nên
yêu
ta một thời em vẫn là em
áo một thời bay, tóc một thời chảy
là mây là sông chưa từng ở lại
(ta vẫn một đời chỉ đứng ngó theo)
nghỉ ngơi được rồi hỡi gã làm thơ
đĩa dầu đã hao đêm còn gió nổi
kiếm một chỗ nằm nghe mình hối lỗi
về một chữ tình đáng lẽ không nên....
áo một thời bay, tóc một thời chảy
là mây là sông chưa từng ở lại
(ta vẫn một đời chỉ đứng ngó theo)
nghỉ ngơi được rồi hỡi gã làm thơ
đĩa dầu đã hao đêm còn gió nổi
kiếm một chỗ nằm nghe mình hối lỗi
về một chữ tình đáng lẽ không nên....
(xin được nghỉ ngơi, trang 89, tập CDPV)
Đây là bài viết không mang tính giới thiệu hay phê phán.
Tôi chỉ làm một cái việc chân tình để nói giùm anh (biết đâu cũng nói về tôi)
những hệ lụy đã bắt anh phải đeo đuổi mãi chuyện làm thơ và nhất là thơ
tình suốt trong cuộc đời nầy. Dù thăng trầm của thế sự, của cuộc đời, anh vẫn
thủy chung với nó, một lòng với nó. Cái hữu hạn của con người là một trở ngại
cho anh, nếu không, được còn sống mãi anh vẫn làm thơ tình mãi mãi. Tôi nghĩ
như vậy.
cho dẫu phù vân ra đời giữa lúc không
thuận tiện lắm vì nó cố vượt qua rào cản bên nầy, bên kia đất nước. Những người
mến mộ anh, thông cảm những tâm sự của anh đều cao tuổi hoặc đã nằm xuống. Mắt
của họ lem nhem tuổi già, lười biếng động não khi đọc thơ của anh. Thế nhưng sự
cố gắng của anh và bạn bè anh đã cho chào đời tập thơ. Đó là một sự can đảm
giữa lúc chữ nghĩa rẻ mạt, giữa lúc người ta cứ đánh giá thơ theo quan điểm
chính trị, xuất bản trong nước hay xuất bản tại hải ngoại. Họ không chịu hiểu
một thực thể văn chương không có biên giới !
Houston, ngày 30 tháng 4 năm 2012
PHAN XUÂN SINH
No comments:
Post a Comment