.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, August 10, 2012

NHÀ VĂN SƯƠNG NGUYỆT MINH: “KHÔNG CÓ CHUYỆN ĐỘT PHÁ SÁNG TÁC SAU MỘT KHÓA HỌC”

VĂN NGHỆ TRẺ - Thời gian qua, liên tục các khóa bồi dưỡng viết văn ngắn hạn được các Hội VHNT địa phương, Hội nhà văn VN tổ chức. Ngày 1- 8 – 2012, một lớp bồi dưỡng ngắn hạn về sáng tác và thẩm bình truyện ngắn tiếp tục được mở tại trường ĐH Văn hóa. Điều ấy cho thấy nhu cầu của người viết về các lớp bồi dưỡng sáng tác, lý luận, phê bình là rất lớn.
PVVNT đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Sương Nguyệt Minh về vấn đề này.

*Thời gian gần đây anh thường xuyên tham gia giảng dạy ở các lớp Bồi dưỡng sáng tác truyện ngắn của Hội Văn Nghệ các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... Sắp tới là lớp bồi dưỡng ngắn hạn về sáng tác và thẩm bình truyện ngắn do trường ĐH Văn hóa tổ chức. Anh có thể chia sẻ đôi điều về công việc mới này của mình?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Không phải công việc mới. Đó chỉ là tiếp tục công việc tôi vẫn từng làm ở Khoa Viết Văn - Báo chí của Trường Đại học Văn hóa. Ở lớp mới này, tôi biết thành phần học viên rất đa dạng, có người đã qua tuổi “nhân sinh thất thập”, lại có các bạn tuổi 20, có bạn văn đã in nhiều truyện ngắn trên báo chí trung ương và địa phương, lại có bạn làm thơ lần đầu thử sức với truyện ngắn. Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc, có cảm giác như mình đang trở lại tuổi học trò trẻ trung, và cũng thêm nguồn cảm hứng sáng tác. Lại vui vì thời buổi thóc cao gạo kém, khủng khoảng kinh tế, hết lạm phát lại đến giảm phát, người ta nhoài ra đường mưu sinh, thì lại có những người đam mê truyện ngắn đến mức bỏ cả tiền của thời gian để sống với văn chương, viết văn chương. Tôi rất nể phục.

*Điều anh mong muốn nhất khi đến với những lớp bồi dưỡng sáng tác?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Là sau khi bế mạc, họ biết được: À, hóa ra truyện ngắn là như thế! Và, họ không cảm thấy phí thời gian vì đã nghe chúng tôi nói.

*Việc từ một người chuyên tâm vào sáng tác đi tham gia giảng dậy có khó khăn với anh hay không?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Không khó khăn gì. Đối với nhà văn, khó khăn nhất vẫn là… sáng tác. Viết bao giờ cũng nhọc nhằn gian khó hơn, chứ “nói thánh nói tướng” thì ai cũng nói được. Tôi không dậy sáng tác. Tôi chỉ là người trao đổi kinh nghiệm viết truyện ngắn, và bút kí với bạn văn. Có nghĩa là trong lớp, tôi nói, tôi giảng giải những điều tôi biết về truyện ngắn cho mọi người nghe, tôi đặt những câu hỏi để gợi mở, tranh luận, trao đổi, cho mọi người cùng lắng nghe cùng học. Tôi chủ động được truy vấn phản biện nữa. Tôi truyền cảm xúc sáng tác, và niềm say mê văn chương, tôi giúp ai đó củng cố niềm tin mình sẽ trở thành nhà văn. Tôi không có tham vọng dậy viết truyện ngắn cho bất cứ ai.

*Được biết lớp bồi dưỡng ngắn hạn về sáng tác và thẩm bình truyện ngắn sắp tới anh sẽ đảm nhận nội dung là kĩ năng viết truyện ngắn. Theo anh, kĩ năng viết có ý nghĩa như thế nào với một người sáng tác?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Các cụ ngày xưa nói: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, hay “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” là nói đến thạo nghề, kĩ năng hành nghề. Kĩ năng là khả năng của con người vận dụng những kiến thức thu nhận được của mình trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế. Kĩ năng trong viết truyện ngắn là vận dụng thành thạo các thủ pháp miêu tả, thủ pháp phóng đại, biết tổ chức kết cấu tác phẩm, sử dụng thời gian, không gian nghệ thuật hợp lý, biết xây dựng nhân vật có tính cách và cá tính…vv… Người sáng tác, muốn gửi thông điệp qua tác phẩm thì phải có kĩ năng tốt, biết “mẹo mực” viết văn. Chứ “lúng túng như thợ vụng mất kim” thì không thể chuyển tải đến người đọc cái ý đồ tư tưởng của mình một cách hiệu quả nhất. Nói đến kĩ năng là nói đến tính chuyên nghiệp, viết không chờ cảm xúc, vừa viết vừa tạo ra cảm xúc. Kĩ năng giúp cho người viết vượt qua tính nghiệp dư, cảm tính.

*Nhưng cũng có ý kiến cho rằng mỗi người nên có một kĩ năng của riêng mình, điều ấy sẽ tạo nên sự khác biệt cho các tác phẩm?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tất nhiên. Nhưng, để có cái riêng độc đáo của mình thì phải hiểu biết cái chung. Cái riêng phải đặt trong cái chung thì mới nhận ra cái riêng chứ. Từ cái kĩ năng sáng tác thể loại chung ấy, mỗi người viết lại tư duy, tự tìm cho mình cái mẹo hành nghề riêng độc đáo nữa. Chính điều đó tạo nên sự độc đáo ấy làm nên sự khác biệt của nhà văn, sự khác biệt cho tác phẩm.

*Trong những khóa học mà anh tham gia giảng dậy, có học viên nào thực sự tạo được sự đột phá sau khi học?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Không! Sẽ là ảo tưởng nếu ai đó tin rằng sẽ đột phá sáng tác khi chỉ tham gia một khóa học kĩ năng viết văn một hai ngày, hoặc vài tuần. Bởi, kĩ năng sáng tác tốt là một quá trình “tập đại thành”, cần thời gian để vừa học vừa đọc sách vừa viết vừa rút kinh nghiệm,… Vả lại, đột phá sáng tác còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như: tài năng, tư duy sáng tác, tri thức toàn diện, tất cả đều cần thời gian mới đến độ chín, đến cái nút đột phá sáng tạo.
Tôi biết, nhiều em khi mới vào học Khoa Viết Văn - Báo chí sáng tác rất bản năng, thô sơ; nhưng chỉ sau 4 năm học, từ năng khiếu, lòng đam mê cộng với tích lũy tri thức toàn diện, trau dồi kĩ năng sáng tác, các em viết rất chững chạc, có nghề nhưng vẫn giàu cảm xúc và đã trở thành tác giả truyện ngắn thực sự như: Đinh Ngọc Hùng, Cấn Vân Khánh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Thị Hoa Xuân, A Kiều, Phạm Thanh Thúy, Đinh Phương, Mai Dương Dương, Vũ Thị Thanh Huyền…

*Có không ít trường hợp, người viết sáng tác bằng bản năng, bằng những gì họ nghĩ, họ cảm và những sáng tác đó rất hay. Nhưng khi họ được trang bị thêm lý luận, kĩ năng sáng tác thì những sáng tác sau này mất đi cái tươi non, mới mẻ và cảm xúc trong từng câu chữ. Họ bị nệ vào hình thức nhiều hơn. Anh nghĩ sao về điều này?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Trong thực tế làng văn đã có những trường hợp như vậy. Tôi gọi họ là “những người tự đánh mất mình”, mà chạy theo cái của người khác. Chỉ có người bản lĩnh kém mới ra nông nỗi thế. Nhà văn khôn ngoan là phải biết cái “tạng” của mình như thế nào để viết, chứ không thể học và đọc quá nhiều lý luận sáng tác đến mức “ngộ chữ”, mà biến cái sở trường của mình sang cái sở đoản. Cứ chạy theo đề tài, chạy theo thời thượng để bán sách, mà không viết về những cái mình hiểu nhất, đến khi vấn đề hết tính thời sự thì cũng hết giá trị. Và, cứ tư duy hình thức sẽ chạy theo cái vỏ, cái xác tác phẩm mà không chú ý đến nội dung, cảm xúc thì sẽ dẫn đến tình trạng nghèo nàn ý tưởng, tác phẩm nhợt nhạt hoặc khô khan, rất khó đọc.

*Theo dõi khá kĩ lưỡng lực lượng viết trẻ hiện nay, anh thấy họ còn thiếu điều gì?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi thấy họ chẳng thiếu điều gì. Đủ cả. Thú thật, trước đây, tôi có nghĩ, các nhà văn trẻ thiếu lòng đam mê văn chương, thiếu vốn sống và tán tài, cùng một lúc làm nhiều việc mưu sinh quá, có những việc à ơi cũng lấy mất thời gian của văn chương. Nhưng, càng tiếp xúc với họ, khiến tôi càng nhận thức lại. Họ có tài năng. Họ có lòng say mê. Họ có tri thức cao và cả ngoại ngữ tốt. Họ có cái riêng. Họ có vốn sống của thế hệ họ, thời đại họ…Đủ cả. “Hậu sinh khả úy” mà, chúng tôi cái thời tuổi 20, 30 viết không hay, thành tựu cũng không bằng các nhà văn trẻ đang viết cùng độ tuổi ấy. Bây giờ, chỉ còn chờ thời gian làm nên tác phẩm lớn thôi. Tôi rất hy vọng và chờ đợi để được chứng kiến các nhà văn trẻ viết hay nhiều hơn, và trong số viết hay nhiều hơn sẽ có những tác giả lớn.

*Khóa học sắp tới mà anh giảng dậy còn có cả nội dung thẩm bình truyện ngắn. Theo anh kĩ năng thẩm bình truyện ngắn có vai trò như thế nào với một người sáng tác?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Thẩm bình truyện ngắn, rất quan trọng với người sáng tác. Hãy tưởng tượng: Một nhà văn mà không biết thẩm định, bình và luận tác phẩm của mình, của đồng nghiệp… sẽ như thế nào? Người không sáng tác cũng có khả năng thẩm bình tác phẩm một cách xuất sắc. Một nhà văn cũng cần có con mắt xanh thẩm định, bình luận tác phẩm. Nhưng, sinh ra không phải ai cũng thẩm định, bình luận ngay được các giá trị văn học, nên mới cần phải học hỏi bằng nhiều cách.
Tôi cho rằng: hiểu biết bản thân mình vẫn là điều khó khăn, thử thách với mỗi con người hơn là hiểu biết người khác. Nhà văn cũng thế, có người không biết mình “vĩ đại”, lại có người ảo tưởng cứ nghĩ mình là tác giả khổng lồ. Tác phẩm của mình người khác khen hay thì mình thấy là hay, rồi vui vẻ, phấn chấn; thấy người khác chê dở mình thấy cũng có lý, rồi buồn, rồi sửa tác phẩm theo góp ý của họ…, cứ như “đẽo cày giữa đường”. Sản phẩm do mình làm ra, mình phải biết nó hay dở đến mức nào chứ. Tác phẩm của người khác mình cũng phải biết hay dở ra sao, phải định giá được, phải phân tích được vì sao là hay, vì sao là dở,… từ đó mà soi chiếu vào tác phẩm của mình, mà rút kinh nghiệm để sáng tác tốt hơn.
Tôi biết, có nhà văn viết khá hay, nhưng lại lúng túng khi phân tích tác phẩm. Thẩm định và bình luận tác phẩm không phải nhà văn nào cũng làm được, làm tốt. Chỉ khi nào nhà văn có con mắt xanh thẩm định và phê bình tác phẩm tốt mới vượt qua được cái ngưỡng sáng tác theo thiên hướng bản năng.

* Anh cũng đồng thời tham gia các hoạt động như chấm thi truyện ngắn, viết báo chí ở mảng phê bình, thẩm định tác phẩm. Mới đây anh có viết giới thiệu tiểu thuyết mới của nhà văn Nguyễn Một. Có ý kiến cho rằng, anh “yêu bạn” mà có viết hơn một vài câu. Việc khen ngợi một tác giả giúp khích lệ họ tiếp tục sáng tác, nhưng ở đây cũng có tính hai mặt. Lời khen cũng dễ khiến họ chủ quan. Anh sẽ nói gì về việc khen chê trong phê bình văn học?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Khen chê tác phẩm, tác giả là chuyện bình thường trong phê bình văn học. Nhưng, tôi lại muốn nhìn tác phẩm ở góc độ thẩm định và luận bàn, phê bình hơn là kiểu nồng nhiệt khen, nghiệt ngã chê. Bằng con mắt xanh, nhà phê bình tìm ra những cái được của tác phẩm để bàn luận, định giá và chỉ ra những khiếm khuyết của tác phẩm rồi phân tích, chứng minh. Có khi người phê bình đồng hành cùng tác giả để hiểu tác phẩm, mà có khi còn vượt qua cả tác giả để bình luận cái ý nghĩa thông điệp khác mà chính tác giả cũng không hề biết mình đã sáng tạo ra.
Tôi nghĩ, rất khó đạt đến khách quan hoàn toàn trong phê bình văn học, vì vậy dù có ““yêu bạn” mà có viết hơn một vài câu”, dù có sai và chủ quan khi khen chê, thì cũng nên là cái sai của sự thành thật, chứ đừng là cái chủ quan, cái sai của sự tâng bốc hay vùi vập.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện
PVVNT thực hiện
Nguồn: Phong Điệp

1 comment: