Cùng với Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 10, Liên hoan Thơ châu Á- Thái Bình Dương lần thứ I là sự kiện văn học quan trọng diễn ra từ ngày 02 đến ngày 07.02.2012 tại Quảng Ninh và Hà Nội. Liên hoan thơ đã gây ấn tượng tốt đối với các nhà thơ quốc tế, mang đến thông điệp hoà bình, hữu nghị và kết nối những giá trị văn hoá giữa các quốc gia với nhau.
“SONG HỶ LÂM MÔN”
Giáo sư- dịch giả Chúc Ngưỡng Tu của Trung
Quốc đã thốt lên rằng: “Văn đàn Việt Nam đang ‘song hỷ lâm môn’ (cùng một lúc
có hai việc vui mừng), song song cùng một lúc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ
10 và Liên hoan Thơ châu Á- Thái Bình Dương lần thứ nhất. Đây là ngày hội lớn
làm nức lòng các nhà thơ và những người ưa thích thơ ca của Việt Nam và của
châu Á”. Giáo sư Chúc Ngưỡng Tu còn nói khó có ở đâu như Việt Nam khi thơ ăn
sâu vào đời sống cộng đồng lẫn ngôn ngữ, qua sự so sánh: nên thơ, thơ mộng,…
hay chiếc nón bài thơ ở Huế, và cả ngọn núi Bài Thơ ở Quảng Ninh.
Người Việt chúng ta cũng hay tự hào là một
trong những dân tộc yêu thơ nhất thế giới, đến nỗi… lạm phát thơ, người người
làm thơ, nhà nhà làm thơ. Thơ đi vào công sở, nhà máy. Thơ xuất hiện trên vỉa
hè, quán nhậu. Có đám cưới chỉ toàn… thơ. Và ngày thơ được tổ chức từ trung
ương đến tận làng xã. Tuy nhiên, trong lúc không ít liên hoan nghệ thuật quốc
tế đã diễn ra trên đất nước ta, thì đây mới là lần đầu một liên hoan thơ hoành
tráng được tổ chức, nên các nhà thơ và người yêu thơ háo hức chờ đợi, kỳ vọng.
Tuy nhiên, để biến ý tưởng thành hiện thực
là điều chẳng dễ dàng, nhất là vấn đề kinh phí. Tiền từ ngân sách nhà nước cấp
cho cả liên hoan chỉ ở mức vài mươi triệu đồng. Không chỉ các nhà thơ trong
nước, mà ngay cả các nhà thơ quốc tế không phải ai cũng đủ khả năng để mua vé
máy bay đến Việt Nam…
Vậy mà cuối cùng, ngoài hơn 40 nhà thơ
trong nước, có 80 nhà thơ của 25 quốc gia trên thế giới đã góp mặt. Ngoài
chuyện ăn ở, ban tổ chức còn hỗ trợ một phần tiền vé máy bay và sinh hoạt phí
cho các bạn thơ nước ngoài.
Trên đường từ Hà Nội đi Quảng Ninh, nhà thơ
Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tâm sự với tôi rằng, mặc
dù anh từng dự nhiều liên hoan thơ thế giới, nhưng vẫn vô cùng lo lắng khi đứng
ra cùng nhà thơ Hữu Thỉnh và Ban Chấp hành Hội “gánh vác” liên hoan thơ đầu
tiên này tại nước ta. Các nước thường có một uỷ ban thường trực chỉ chuyên lo
cho liên hoan thơ, trong lúc công việc này chỉ là “làm thêm”, “kiêm nhiệm” của
Hội Nhà văn Việt Nam.
Dù chưa có kinh nghiệm tổ chức, nhưng liên
hoan thơ đã diễn ra rất ấn tượng và thành công ngoài mong đợi. Từ lễ khai mạc
vừa giản dị vừa long trọng, lễ dâng hương Hoàng đế thi sĩ Lê Thánh Tông trên
núi Bài Thơ đầy xúc động, đến chuyến tham quan vịnh Hạ Long, hội thảo thơ, dạ
hội thơ, thả thơ hay của tiền nhân,… đều diễn ra trang trọng, cởi mở, chân
tình, gây cho các bạn thơ nước ngoài niềm cảm phục.
Giống như Giáo sư Chúc Ngưỡng Tu, các nhà
thơ nước ngoài khác như Rida Liamsi (Indonesia), Yuka Tsukagoshi (Nhật Bản),
Marjorie Evasco (Philippines), Sukrita Paul Kumar (Ấn Độ), Nikolai Iliin
(Nga),… cũng đều chia sẻ niềm cảm phục về bề dày truyền thống sáng tạo thơ Việt
cũng như sự thân thiện của các nhà thơ và người Việt Nam nói chung tại liên
hoan thơ. Họ hy vọng sẽ có nhiều dịp đến thăm và giao lưu với bạn thơ và người
yêu thơ Việt Nam.
BÍ ẨN VẺ ĐẸP CỦA THI CA
Thơ là một loại hình nghệ thuật cao cấp,
hàm chứa vẻ đẹp bí ẩn của sự sáng tạo? Nhưng thơ đẹp và bí ẩn thế nào? Nó có
tác dụng ra sao đối với đời sống? Đó cũng là những vấn đề cốt lõi mà các nhà
thơ đặt ra và tìm cách lý giải tại Liên hoan Thơ châu Á- Thái Bình Dương lần
thứ I.
Nữ nhà thơ trẻ Yuka Tsukagoshi đến từ Nhật
Bản cho biết, sau thảm hoạ động đất và song thần ngày 11.3.2011, người Nhật suy
sụp trong buồn đau mất mát: “Tuy nhiên, tôi rất sung sướng khi thấy nhiều nhà
thơ, đặc biệt là ở nước ngoài, đã thể hiện nỗi buồn và sự thong cảm, đưa những
cảm xúc này vào thơ và chia sẻ với những nạn nhân, thông qua những bài báo in
hay điện tử, các trang web và thậm chí cả mạng Twitter. Tiếng nói trong thơ ca
của họ đã khích lệ các nạn nhân và tôi nhận ra một cách sâu sắc rằng thơ ca,
với ngôn ngữ sinh động, đã làm giàu cảm xúc và ý nghĩa của “hiện tại”, mang lại
sức mạnh để kết nối ngay lập tức với trái tim những người khác. Điều này giúp
chúng ta tái khẳng định một thực tế đơn giản nhưng quan trọng là chúng ta có
thể chia sẻ cảm xúc qua thơ ca ngay cả khi chúng ta có ngôn ngữ, văn hoá và
lịch sử khác nhau”.
Nếu như nhà thơ Yuka Tsukagoshi lý giải vẻ
đẹp bí ẩn của thơ bằng hiện thực tươi rói thì nhà thơ Rida Liamsi ngược dòng
thời gian xa hơn một chút bằng thực tế lịch sử đất nước Indonesia quê hương
ông: “Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta cũng thấy sức mạnh của thơ ca trong
việc chuyển dời tinh thần, để giải thoát con người khỏi sự áp bức, xiềng xích
và chủ nghĩa thực dân. Nhờ thơ ca, chúng ta đã đạt được sự độc lập. Ví dụ, ở Indonesia,
thơ ca đã giúp nâng cao tinh thần giành độc lập, tinh thần đoàn kết và cùng
nhau chiến đấu. Indonesia đã sản sinh ra một bài thơ vĩ đại, đó chính là Đoàn
Thanh niên, được thành lập vào ngày 28.10.1928. Chúng ta là những người con
của Indonesia, tuyên thệ: Một đất nước, đất nước Indonesia. Một ngôn ngữ
Bahasa Indonesia. Và một Tổ quốc, Tổ quốc Indonesia…”. Nhà thơ Rida
Liamsi còn cho hay, 27 năm sau, Indonesia lại xuất hiện một bài thơ vĩ đại khác
là Tuyên ngôn Độc lập, đã khơi dậy tinh thần và sức mạnh kháng chiến cho dân
tộc ông…
Ở góc độ mang tính lý luận, nhà thơ Sukrita
Paul Kumar đến từ Ấn Độ giải mã sự hấp dẫn của thơ: “Chỉ cần đọc thơ thôi là
độc giả có thể hiểu được một cách sâu sắc không chỉ bản thân nhà thơ, mà còn cả
một nền văn hoá, xã hội, chính trị, thậm chí cả địa hình địa vật nơi nhà thơ cư
ngụ”.
Còn nhà thơ Anh Joel Arnstein thì cho rằng:
“Bằng việc đọc và nghe thơ, chúng ta tìm thấy ý nghĩ và cảm xúc được diễn đạt
giống như chính ý nghĩ và xúc cảm của chúng ta, vì thế chúng ta có sự đồng cảm.
Chúng ta được cam đoan rằng, chúng ta không đơn độc. Có những người khác giống
chúng ta”. Nhà thơ Joel Arnstein còn là nhà giáo, hoạ sĩ có nhiều gắn bó và làm
thơ nhiều về Việt Nam. Ông chia sẻ một kinh nghiệm bất ngờ: “Vào tháng 7.2011,
tôi có mặt tại TP Hồ Chí Minh. Tôi đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và
rất xúc động bởi những gì tôi thấy ở đó: hình ảnh của sự đau đớn, sự tàn bạo,
sự khao khát hoà bình. Khi rời bảo tang tôi ngập tràn cảm giác rằng, tôi cần
phải tập hợp ý nghĩ và biểu đạt những cảm xúc của mình với một người nào đó.
Tôi đã đi bộ qua những con đường và ngồi trên một chiếc ghế dài ở công viên.
Thật tự nhiên, tôi đã bắt đầu viết một bài thơ”.
Đó là bài Những người sống sót của Joel Arnstein, do
Nguyễn Phan Quế Mai chuyển ngữ, với mở đầu
“Đắm mình trong suy nghĩ
Tôi rời Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Trong cơn mưa
Đi qua hàng cây cao, thẳng đứng
Đã làm nhân chứng
Cho biết bao tội ác…”
Bài thơ kết thúc trong nỗi ám ảnh hàng cây nhân chứng xuyên
thời gian:
“Và giờ đây
Sau một trăm năm
Khiến chúng ta nhỏ bé trong cuộc sống vụn vặt của mình
Bằng sự ngây thơ vĩ đại của chúng”
Còn nhiều và thật nhiều sự lý giải vẻ đẹp
bí ẩn của thi ca đối với đời sống nhân loại mà các nhà thơ đã mang đến cuộc
Liên hoan Thơ châu Á- Thái Bình Dương lần thứ I. Hy vọng, cũng từ sự kiện văn
học quan trọng này, thơ sẽ càng đi sâu vào đời sống người lao động, góp phần
đẩy lùi những nguy cơ đang đe doạ hành tinh chúng ta, như lời cảnh báo đồng
nghiệp của nhà thơ nổi tiếng Marjorie Evasco đến từ Philippines: “Thơ ca tạo
nên ngôi nhà hoà bình cho mỗi nhà thơ. Làm thơ là cách để chúng ta bước vào
ngôi nhà ấy. Khi những vấn nạn của thế giới và những mất mát khủng khiếp của
loài người nhan nhản khắp nơi, nếu những nhà thơ không làm thơ nữa, chúng ta sẽ
để lạc mất chính mình”.
(Bài
đã đăng trên báo Người Lao Động ngày 5.2.2012, trên đây là
nguyên bản của tác giả)
Nhà thơ PHAN HOÀNG
(Nguồn: http://nhavantphcm)
No comments:
Post a Comment