(VNT phỏng vấn nhà phê bình Nguyễn Hòa trao
đổi về bài viết của Khánh Phương trên Tạp chí Sông Hương khi cho rằng VĂN HỌC
VN THIẾU NHỮNG TÌM TÒI NGHIÊM TÚC VỀ NGHỆ THUẬT VÀ TRI THỨC).
“Viết như thế thì không thể thuyết phục”
Thành công của tác phẩm
bao giờ cũng được xác lập bởi các giá trị tự thân, không phải vì hợp “gu” của
một nhóm người, càng không phải từ vài ba phẩm chất người ta cố gán cho nó. Làm
phê bình mà a dua theo người khác, hoặc thủ vai vocalise đeo bám vào các
tác phẩm “không thuộc dòng chủ lưu” để gây dựng tiếng tăm,... sẽ không
bao giờ làm ra sản phẩm có “tinh thần cống hiến, tìm tòi nghiêm túc về nghề
nghiệp và tri thức”.
Có lối “nhìn lại” từ cách
đọc phập phù, lỗ mỗ
- Thưa anh Nguyễn Hoà,
những năm trước, anh có một món “đặc sản” mà một số báo luôn muốn đặt hàng để
“mua” bằng được, đó là những bài viết nghiêm cẩn, công tâm nhìn nhận lại đời
sống văn học của một năm. Thế nhưng vài ba năm trở lại đây, anh bỗng nhiên im
lặng. Vì sao vậy, thưa anh?
Từ năm 1998 đến năm 2007, mỗi
năm tôi đều viết một bài nhìn lại tình hình văn học. Hồi tôi mới viết các bài
như vậy, cũng ít người để ý, sau cứ đến cuối năm, một số đồng nghiệp và bạn bè
lại hỏi tôi đã viết chưa, sẽ công bố ở đâu; và tôi hiểu dường như các bài đó
cũng có ý nghĩa nào đấy (?). Nhưng bốn năm rồi, tôi không làm việc này nữa, dù
vẫn theo dõi văn học, vẫn suy ngẫm, đánh giá. Có mấy lý do làm tôi không viết,
như: vì quá bận, mà tôi thì luôn cố gắng cẩn trọng; vì góc nhìn trực diện của
tôi dễ động chạm nên bài hay bị “cắt xén”, làm tôi chán! Còn phải kể tới vài ba
hệ lụy nữa, tỷ như có vị thấy tôi không xếp tác phẩm của ông ta vào số tác phẩm
cần chú ý trong năm, liền gọi điện cho sếp dọa “lấy cái đội mũ” của tôi. Nghe
sếp kể lại, tôi nhắn tới ông ta: “Đến mà lấy!”. Ông khác thì bảo “Nguyễn Hòa không
công bằng”, chỉ vì tôi đã đánh giá thấp tập thơ của con ông ta, chẳng lẽ để
chứng tỏ là có công bằng, tôi phải khen thơ của con ông ta!?
- Dịp cuối năm, trên một
số báo vẫn có các bài điểm đời sống văn học trong năm, nhưng người đọc thì vẫn
thấy như còn thiếu một điều gì đó. Có bài đọc xong người ta thấy tiếc vì hình
như đã phí thời gian để đọc. Lại có bài đọc xong người ta thấy buồn, vì hình
như người viết thiếu một cái nhìn công tâm. Theo anh, khó nhất của việc đánh
giá đời sống văn học sau một năm đã trôi qua, là gì?
So với quá trình văn học, một
năm là thời đoạn rất ngắn, nhưng tôi nghĩ, một năm vẫn có diễn biến riêng trong
văn xuôi, thơ, lý luận, phê bình, và đánh giá các diễn biến đó là việc cần làm.
Đơn giản vì, quá trình chỉ được gọi là quá trình khi đó là sự tiếp nối liên tục
của nhiều năm. Tuy nhiên, khi bàn về văn học trong một năm, không nhất thiết
phải dựng lại một toàn cảnh, người viết có thể chỉ đánh giá một lĩnh vực, thậm
chí một thể loại, một đề tài, một xu hướng... Song dù chọn đối tượng và góc độ
tiếp cận nào thì vẫn phải đọc nhiều, đọc quanh năm, theo dõi và nắm bắt mọi sự
kiện liên quan, ghi chép, nhận diện cụ thể về lĩnh vực mình quan tâm từ đó khái
quát và đánh giá một cách khách quan, có luận chứng rành mạch. Vào dịp cuối năm
gần đây, tôi vẫn đọc những bài “nhìn lại”, “điểm qua” và hầu như các bài này
không để ấn tượng gì. Có bài đọc xong tôi còn đồ rằng, tác giả chủ yếu nhặt
nhạnh trên báo chí, căn cứ vào vài ba cuốn sách đã đọc qua rồi bình tán hoặc
khệnh khạng đánh giá theo lối đại quát... Viết như thế thì không thể thuyết
phục.
- Đầu năm 2012, tác giả
Khánh Phương có bài viết “Nhìn lại một năm văn học, 2011: Cần có chỗ đứng thực
chất cho tri thức văn chương” đăng trên website của Tạp chí Sông Hương, chắc là
anh đã đọc. Tôi rất muốn nghe ý kiến của anh về bài viết với tư cách là một
người làm lý luận, phê bình văn học và luôn theo sát mọi diễn biến của đời sống
văn học trong năm?
Tôi đã đọc và tôi coi đó là
ví dụ điển hình cho lối “nhìn lại” từ cách đọc phập phù, lỗ mỗ, kết hợp với
thiên kiến chủ quan. Bài viết làm tôi liên tưởng tới lần trên hoiluan.vanhocvietnam
có bạn đọc đã nhận xét một bài viết của Khánh Phương: “là một kiểu bới vào “xác
chữ”, nhưng bới không ra bới đấy thôi. Bới mà không biết bới. Bới mà không đủ
sức bới. Bới làm dáng đấy thôi”. Ý kiến đó xem ra cũng có lý, như trong bài Nhìn
lại một năm văn học, 2011: Cần có chỗ đứng thực chất cho tri thức văn chương,
nếu nắm chắc vấn đề, chí ít thì chị sẽ không xếp Nhật Chiêu - sinh năm 1951,
tác giả tập truyện ngắn Lời tiên tri của giọt sương, vào nhóm “tác giả
trẻ”; hay chị sẽ không viết: “Nhà văn đàn anh Nguyễn Quang Lập “đẻ” liền hai
cuốn sách nhan đề rất hậu hiện đại, Chuyện đời vớ vẩn và Vụn ký ức”,
bởi tên cuốn sách của Nguyễn Quang Lập là Ký ức vụn, không phải là Vụn
ký ức (!), cuốn sách đó xuất bản từ năm 2009, và tái bản vào năm 2011!
“Đọc lớt phớt mà vẫn có đủ
bản lĩnh để đưa ra đánh giá đầy tự tin thì đúng là... hơi bị hiếm!”
- Trong bài tác giả
Khánh Phương viết: “Giới truyền thông vẫn chứng tỏ sự kém chú ý quan tâm, tác
phong ít chủ động… khi tiếp tục bám theo những tên tuổi mà sự nổi tiếng mặc
định đã được khai thác đến cũ kỹ, bệch bạc từ nhiều năm nay. Nếu chỉ nhìn vào
mặt báo, sẽ thấy một không khí vui vẻ, nhàn tản của các sự kiện quảng bá, diễn
xướng tác phẩm “mới” ở nhiều nơi, những lời khen ngợi hồ hởi hoặc góp ý cho
“phải phép”...”. Theo anh, căn cứ vào đâu mà tác giả Khánh Phương đã nhận xét
như vậy?
Đọc phập phù, lỗ mỗ mà lại
chủ quan thì sẽ nhận xét phiến diện, thiếu khách quan. Có lẽ Khánh Phương chỉ
“nhìn vào mặt báo” chứ không đọc, nên chị mới viết như vậy (!?). Tác giả chê
giới truyền thông “vẫn chứng tỏ sự kém chú ý quan tâm, tác phong ít chủ động...
khi tiếp tục bám theo những tên tuổi mà sự nổi tiếng mặc định đã được khai thác
đến cũ kỹ, bệch bạc từ nhiều năm nay”, trong khi đa số sự - vụ văn chương trong
năm đều bắt đầu từ sự lên tiếng của báo chí. Và nếu chị chú ý đến đời sống văn
học, hẳn chị sẽ biết về cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ đã kết
thúc nửa chặng đường, với một số tác phẩm rất đáng đọc. Dường như khi nhận xét
giới truyền thông như thế, Khánh Phương đã quên rằng trong Suy tưởng, Giấc
mơ, Viết…, chị cũng rất xăng xái “bám theo những tên tuổi nổi tiếng”; vì
chẳng nhẽ Hoàng Cầm, Trần Dần, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Lưu Quang Vũ,... lại
là các tên tuổi mà sự nổi tiếng chưa mặc định!?
- Đánh giá đời sống văn
học một năm, tác giả Khánh Phương có đề cập tới một số tập truyện ngắn để đưa
ra những kết luận mang tính quy kết. Theo anh đó là việc làm vô ý hay cố ý?
Theo tôi, đây là một điều kỳ
khôi. Xin dẫn lại từ bài của Khánh Phương:
“Ấn phẩm xuất bản, một
trong những kênh truyền thông có khả năng mang lại hiệu quả sâu rộng, năm qua
nở rộ những tuyển tập, tác phẩm mới. Series Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu
mãi mãi, tập 3: Trái tim tỉnh thức (báo Tiền phong và Nxb Thanh
Niên), Tuyển truyện ngắn các cây bút trẻ... (Nxb Thanh Niên),
Anh sẽ lại cưa em nhé (Nxb Thời Đại), Hẹn gặp anh ở Hà Nội...
tên gọi ướt át mùi mẫn, trình bày bắt mắt, chiếm vị trí ngon lành nhất trên các
sạp phát hành phố Đinh Lễ. Có tác giả trình làng vài ba cuốn sách trong năm:
Dương Thụy, với Trả lại nụ hôn, Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm
tình, Nhắm mắt thấy Paris... Nhưng khi cầm lên, đọc những truyện
ngắn mới nhất của các tác giả có tiếng, như Di Li, Cấn Vân Khánh, Dương Bình
Nguyên, Nguyễn Đình Tú, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy... sẽ thấy, so với những gì
họ viết cách đây dăm bảy thậm chí mười năm, vẫn “hồn nhiên”, “triển vọng” và
không có gì khác”.
Đoạn này cho thấy tác giả đề
cập tới các cuốn sách đã xuất bản trong năm 2011, vì vậy, khi chị “cầm lên, đọc
những truyện ngắn mới nhất” thì chắc chắn không phải là cầm báo hay tạp chí.
Trước hết, cho tôi được bày tỏ lòng ngưỡng mộ với tác giả khi chị đã xếp “Tuyển
truyện ngắn các cây bút trẻ... (Nxb Thanh Niên)” vào số tác phẩm có
“tên gọi ướt át mùi mẫn”, vì đọc xuôi rồi đọc ngược, tôi vẫn không nhận ra phẩm
chất đó (!).
Với phần sau của đoạn trích,
tôi khẳng định là hầu như Khánh Phương chưa tiếp xúc với tác phẩm, hình như chị
chỉ tạt qua các cửa hàng sách trên phố Đinh Lễ để ngó nghiêng rồi nhận xét; và
đáng khâm phục là, chị ngó nghiêng thấy cả những điều không có! Theo chỗ tôi
biết, trong năm 2011, các tác giả mà Khánh Phương liệt kê có rất ít sáng tác
mới, chưa đủ để nhận xét họ còn “hồn nhiên” hay không. Ví dụ: Nguyễn Đình Tú
không in tập truyện ngắn nào, một số báo khai thác truyện ngắn anh viết từ năm
trước để đăng (như Hoa vẫn nở và chim vẫn hót trên Thanh Niên);
Dương Bình Nguyên thì chỉ có một truyện ngắn mới là Mưa tháng mười một
trên Thanh niên tuần san; Cấn Vân Khánh có Hoa hồng và rượu vang
phát hành tháng 1.2012 và có thể tin là Khánh Phương đã đọc (!?); còn Dương
Thụy, Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình và Nhắm mắt thấy
Paris do NXB Trẻ phát hành năm 2010 chứ không phải năm 2011; với Xuyên
thấm, Phan Hồn Nhiên kết thúc bộ sách văn học giả tưởng ba tập, chưa thấy
chị có truyện ngắn mới (?); Di Li cũng vậy, và nếu Khánh Phương đọc các truyện
ngắn Dốc gió, Phố núi,... (Phong Điệp) hay tập tản văn Trên
căn gác áp mái (Đỗ Bích Thúy) chị sẽ cân nhắc lại nhận xét của mình.
Ở Việt Nam, các tập truyện
ngắn thường là tập hợp những truyện công bố từ trước, có khi là vài ba năm, do
đó không thể căn cứ vào một tập truyện ngắn để đánh giá hiện tại tác giả viết
ra sao. Muốn xem tác giả trưởng thành như thế nào, phải đọc họ trong tính quá
trình. Tôi nghĩ, với Nháp, Phiên bản, Kín (Nguyễn Đình
Tú), Blogger (Phong Điệp)... họ đã qua thời “hồn nhiên” từ lâu rồi. Có
lẽ vì không đọc nên Khánh Phương lại ngỡ họ vẫn tương tự như chị thời dự thi
Tác phẩm Tuổi xanh. Đọc lớt phớt mà vẫn có đủ bản lĩnh để đưa ra đánh giá đầy
tự tin thì đúng là... hơi bị hiếm!
“Có sự khác nhau về bản
chất giữa “hữu xạ tự nhiên hương” với... “vô xạ thì xịt nước hoa”!...”
- Trong bài đánh giá đời
sống văn học, tác giả Khánh Phương đưa tác phẩm của mình - một cuốn sách ít có
dư luận - để làm một trong một số ví dụ minh chứng cho luận điểm “Năm qua,
ngoài các công trình phổ cập về lý luận, xuất hiện một số cuốn sách đưa đến cái
nhìn mới mẻ”?
Theo tôi, bi hài nhất là đoạn
tác giả tự đánh giá về tác phẩm của mình:
“Suy tưởng, Giấc mơ,
Viết… (Khánh Phương) chỉ ra những biểu hiện nghệ thuật và tiêu chí cụ thể
để định hình những chuyển biến trong tư duy và tổ chức sáng tạo của các nhà văn
đương đại Việt Nam cũng như thế giới. Cuốn sách còn mang tính ngẫu hứng, chưa
thật đầy đủ, hệ thống trong tổ chức nội dung”.
Tôi đã đọc bài giới thiệu
cuốn sách trên Tia sáng, Thể thao & Văn hóa và Tiền phong,
tất cả đều giống nhau i xì, vì cùng sao chép từ văn bản tên là Suy tưởng,
Giấc mơ, Viết… có kèm theo Đôi lời thưa cùng bạn đọc của Khánh Phương đã
post trên internet. Riêng khi đăng trên vanchuongviet, bài Suy tưởng,
Giấc mơ, Viết… (ký tên Khánh Phương) lại kết thúc bằng câu này: “Tất cả
được thể hiện qua văn phong bay bổng, giàu xúc cảm, đồng thời chính xác và khoa
học”! Trong phạm vi những gì đã đọc, tôi chưa thấy bất kỳ nhà chuyên môn nào có
ý kiến đánh giá sự hay - dở của cuốn sách. Lẽ nào nửa năm sau khi xuất bản, chờ
lâu quá không ai đề cập tới, nên tác giả phải tự đánh giá cuốn sách của mình
chứa đựng các phẩm chất hoành tráng như thế.
Sẽ là hồng phúc cho văn học
nước Nam ta nếu có một tác giả bằng “văn phong bay bổng, giàu xúc cảm, đồng
thời chính xác và khoa học” đã “chỉ ra những biểu hiện nghệ thuật và tiêu chí
cụ thể để định hình những chuyển biến trong tư duy và tổ chức sáng tạo của các
nhà văn đương đại Việt Nam cũng như thế giới”! Nói thế thôi, chứ một cuốn sách
“còn mang tính ngẫu hứng, chưa thật đầy đủ, hệ thống trong tổ chức nội dung”
lại có khả năng “chỉ ra” như thế thì thật sự là... quá kỳ quặc! Viết với tâm
thế của một tín đồ Narcissisme thì khó có thể đưa tới cái nhìn tỉnh táo và
khách quan. Tôi nghĩ, mọi tác giả đều có quyền đánh giá về tác phẩm của mình,
nhưng có sự khác nhau về bản chất giữa “hữu xạ tự nhiên hương” với... “vô xạ
thì xịt nước hoa”!
- Có một điều tôi nhận
thấy, hiện nay có một số cây bút, họ tìm chỗ đứng của mình trên các mạng phi
chính thống, và luôn lên tiếng về cái gọi là “một diễn đàn cho những người viết
không thuộc dòng chủ lưu”. Tác giả Khánh Phương, trong bài viết của mình cũng
lên tiếng về điều này. Anh nghĩ gì về điều này?
- Tôi đã đọc rất nhiều tác
phẩm “không thuộc dòng chủ lưu” và xin nói thẳng rằng, “tiếng vang” các tác
phẩm đó có được là nhờ những lời tán tụng trên internet hơn là từ giá trị tư
tưởng - nghệ thuật của bản thân tác phẩm. Kể cũng lạ, hễ có tác phẩm “không
thuộc dòng chủ lưu” ra đời hoặc một tác phẩm ở trong nước bị dừng phát hành là
lập tức sẽ có một nhóm người vung bút ca ngợi búa xua, biến tác phẩm thành
“tuyệt tác”. Vào lúc đó mà phản bác thử xem, họ sẽ úp cho “cái mũ” bảo thủ,
dốt, không biết đọc, “phò chính thống”, cản trở “cái mới”,... bất chấp một thực
tế là thường khi bản tụng ca chưa ráo mực thì “tuyệt tác” cũng mất tăm. Hiện
tượng này lặp đi lặp lại nhiều đến mức, cứ thấy rục rịch là tôi đã có thể dự
đoán ai sẽ lên tiếng ca ngợi và tuổi thọ của tác phẩm kia sẽ kéo dài khoảng mấy
tháng! Viết văn, làm thơ chỉ để “chửi” cho hả, văng tục cho sướng, rồi thay thế
sự bất tài bằng những trò chơi hình thức tối như hũ nút thì chẳng bao giờ đưa
tới các sản phẩm có thể để đời.
Thêm nữa, thành công của tác
phẩm bao giờ cũng được xác lập bởi các giá trị tự thân, không phải vì hợp “gu”
của một nhóm người, càng không phải từ vài ba phẩm chất người ta cố gán cho
nó.
Làm phê bình mà a dua theo
người khác, hoặc thủ vai vocalise đeo bám vào các tác phẩm “không thuộc
dòng chủ lưu” để gây dựng tiếng tăm,... sẽ không bao giờ làm ra sản phẩm
có “tinh thần cống hiến, tìm tòi nghiêm túc về nghề nghiệp và tri thức”. Đó
là sự thật!
Xin cảm ơn anh về cuộc trò
chuyện thẳng thắn này. Chúc anh một năm mới dồi dào sức khỏe.
PVVNT thực hiện
Nguồn: Văn nghệ Trẻ
Tưởng thế nào chứ Nhà phê bình Nguyễn Hòa cũng chỉ giỏi phán và cũng hời hợt chả kém gì Khánh Phương.
ReplyDeleteThảo nào, trước đây một thi sĩ họ Trần bảo Nguyễn Hòa là cầu thủ hạng B trong giới phê bình cũng có lý