.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, February 8, 2012

TRÍ THỨC… BẠI LÀ AN? VÀ CÂU CHUYỆN CÔ GÁI ĐÃ CHỌN CHỒNG TRONG BA NGƯỜI ĐẾN CẦU HÔN NHƯ THẾ NÀO?

Vũ Ngọc Anh trích

"Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội."
Gs.Ngô  Bảo Châu
__________________________________________________________________________

CÔ GÁI ĐÃ CHỌN CHỒNG TRONG BA NGƯỜI ĐẾN CẦU HÔN NHƯ THẾ NÀO ?

Vua Trivikrama  quây trở lại cây Simsapa, nhìn thấy Vetala nhập trong xác chết treo trên cây như cũ. Ông tháo bỏ xuống, tỏ vẻ không bằng lòng rồi lại bước đi ngay. Trong khi ông đang đi lặng lẽ trong đêm tối giữa bãi tha ma lớn, Vetala ở trên vai ông lại nói:
-  Tâu bệ hạ, người đã bị đẩy vào một tình trạng khó khăn. Nhưng người rất là thân tình đối với ta, vậy để giải khuây, ta sẽ kể một câu chuyện. Hãy nghe đây:
-  Có một người bàlamôn đức độ sống ở Ujjayini tên là Harisvamin. Ông là sủng thần của vua Punyasena. Vợ ông là người cùng đẳng cấp, bà đã sinh cho ông một người con trai cũng đức độ như cha, tên là Devansvamin, và một người con gái xinh đẹp không ai bằng, mà người ta gọi bằng cái tên rất hợp là Somaprabha (tức là ánh trăng).

Đến tuổi gả chồng, cô gái tự hào về sắc đẹp tuyệt vời của mình đã thổ lộ ý nguyện riêng với mẹ để bà mách lại với cha và anh:
-  Phải gả con cho một người võ sĩ, hoặc một người thông thái, hoặc một pháp sư giỏi pháp thuật, chứ đừng gả cho một người nào khác nếu muốn con sống.

Nghe con nói thế, ông Harisvamin lưu ý tìm người có được những phẩm chất đó cho con. Trong khi còn đang lúng túng thì ông được nhà vua cử làm sứ giả đi giảng hòa với một ông vua nọ từ Dekan mang quân đến gây chiến. Khi công cán đã xong, có một anh chàng bàlamôn cao quý nghe nói về sắc đẹp của cô gái, đã tìm đến ông xin cưới cô làm vợ.
Ông bảo:
-  Con gái ta chỉ muốn lấy một người chồng hoặc là một người thông thái, hoặc là một pháp sư giỏi pháp thuật, hoặc là một võ sĩ giỏi võ nghệ. Hãy nói cho ta biết anh có tài nghệ gì trong ba thứ đó.

Anh chàng bàlamôn bèn đáp lại:
-  Tôi giỏi pháp thuật.
Harisvamin lại bảo:
-  Cho ta xem thử nào.

Anh chàng pháp sư liền làm phép tạo ra một chiếc xe đi lại được trên không, rồi nhấc bổng Harisvamin vào ngồi trong xe thần kỳ đó và đánh xe đưa ông đi xem các thế giới trên những tầng trời cao. Xong lại đưa ông trở về đúng nơi đóng quân của ông vua Dekan nọ, mà ông đang làm nhiệm vụ của một sứ giả.

Thấy rõ tài của anh chàng pháp sư, Harisvamin vui vẻ nhận lời gả con gái và định bảy hôm sau làm lễ cưới.
Cũng vào thời gian đó, ở tại Ujjayini có một anh chàng khác đến gặp người anh là Devasvamin để xin cưới cô em. Devasvamin bảo anh ta:
-  Em gái ta chỉ nhận lời lấy một trong ba loại người này, hoặc là pháp sư, hoặc là nhà thông thái, hoặc là võ sĩ.
Anh chàng bảo mình là võ sĩ. Rồi anh biểu diễn tài sử dụng võ khí và võ nghệ cao cường của mình cho người anh xem. Devasvamin nhận lời gả em gái, và sau khi hỏi các nhà thiên văn, anh cũng định bảy hôm sau làm lễ cưới.
Cũng trong thời gian đó, có một anh chàng khác nữa lại đến gặp riêng người mẹ để xin cưới cô con gái.
Bà mẹ bảo:
-  Con gái ta chỉ lấy người nào hoặc là nhà thông thái, hoặc là võ sĩ, hoặc là pháp sư mà thôi.
Anh ta khẳng định:
-  Thưa mẹ, tôi là một nhà thông thái.

Sau khi hỏi các việc quá khứ và tương lai, anh ta đều trả lời thành thạo; bà mẹ cũng hứa gả con gái cho anh chàng thông thái này và định bảy hôm sau nữa sẽ cho cưới.

Ngày hôm sau người cha trở về, ông nói cho vợ và con trai biết việc quyết định gả con gái của mình. Rồi người mẹ và người anh cũng kể lại việc mình đã nhận lời gả con và em như thế nào, và thế là cả ba người rất bối rối trước việc cả ba người cầu hôn đều được hẹn đến cùng một ngày.

Đến ngày hẹn cưới, cả ba anh chàng cầu hôn, một thông thái, một pháp sư và một võ sĩ đều đến nhà Harisvamin. Đúng lúc đó, cô Somaprabha bỗng nhiên không biết vì sao biến đâu mất tích, Cả nhà bổ đi tìm nhưng không thấy đâu cả. Bấy giờ ông Harisvamin rất bối rối, bảo với anh chàng thông thái:
-  Anh là người hiểu biết mọi việc, vậy hãy nói ngay xem con gái ta hiện giờ ở đâu ?
Anh chàng thông thái đáp lại:
Cô nàng đã bị con quỷ Rakansa Dhumrasikha bắt về chỗ của nó ở trong rừng Vindhiya. Nghe thấy thế, ông Harisvamin lo sợ hỏi:
-  Trời ơi, làm sao cứu lấy nó ? Làm sao có thể tổ chức lễ cưới được ?
Bấy giờ anh chàng pháp sư bàlamôn bèn nói:
-  Xin ông yên tâm, tôi sẽ đưa ông tức khắc đến nơi mà nhà thông thái vừa cho biết cô nàng đang bị bắt giữ.

Trong phút chốc anh ta hóa phép có ngay một chiếc xe đi trên trời với đầy đủ vũ khí, rồi đưa ông Harisvamin với anh chàng võ sĩ và cả nhà thông thái lên xe. Thoáng một cái, chàng đã đưa họ đến chỗ ở của con quỷ theo lời nói của anh chàng thông thái.
Khi biết có người kéo đến như vậy, con quỷ giận dữ bước ra. Nhân danh ông Harisvamin, anh chàng võ sĩ tiến lên thách đấu. Thế là diễn ra cuộc đánh nhau ác liệt phi thường giữa người và quỷ vì một người đàn bà với đủ thứ võ khí, giống như cuộc đánh nhau giữa Rama và Ravana [trong Sử Thi Ramayana]. Chẳng mấy chốc, chàng võ sĩ chặt được đầu quỷ vốn bất khuất trong chiến tranh bằng một mũi tên lưỡi liềm. Diệt xong quỷ Rakasa, họ tìm thấy Somaprabha; đưa cô cùng mọi người lên chiếc xe thần kỳ trở về.

Khi họ trở về đến nhà ông Harisvamin và giờ tốt làm lễ cưới đã đến, thì lại xảy ra một cuộc tranh chấp lớn giữa ba anh chàng đến cầu hôn, chàng võ sĩ, nhà thông thái và vị pháp sư. Nhà thông thái nói:
-  Nếu tôi không biết được cô nàng ở đâu, thì làm sao tìm được một nơi xa xôi dấu kín như vậy ? Vậy phải gả cô nàng cho tôi.

Nhưng anh chàng pháp sư bàlamôn lại bảo:
-  Nếu tôi không làm phép hóa ra một chiếc xe thần kỳ đi lại trên không, thì làm sao các vị có thể đi lại nhanh chóng như những thần linh như vậy ? Và nếu không có xe, làm sao con người có thể chiến đấu được với quỷ Raksasa trên một chiếc xe ? Vì vậy, phải gả cô nàng cho tôi, chính nhờ tôi các vị mới chứng kiến được ngày vui này.
Anh chàng võ sĩ nói:
- Nếu tôi không giết quỷ Raksasa, thì ai có thể cứu cô nàng trở về mặc dù có sự cố gắng của hai vị ? Vì vậy phải gả cho tôi.

Và trong khi ba anh chàng cầu hôn tranh cãi nhau như vậy, Harisvamin vẫn lặng thinh, đầu óc rối bời;
-  Tâu bệ hạ, hãy nói cho tôi nghe phải gả cô gái cho ai. Nếu biết mà không chịu nói, đầu ngươi sẽ bị tan ra từng mảnh.
Nghe Vetala nói thế, vua Trivikrama không giữ im lặng nữa bèn trả lời:
-  Phải gả cho anh chàng võ sĩ, vì cô ta đã được cứu thoát bằng sức mạnh của cánh tay của chàng, dám lấy tính mạng của mình ra để đánh nhau và diệt được quỷ. Còn anh chàng thông thái và anh chàng pháp sư thì tạo hóa đã giành cho họ địa vị của những người giúp việc. Chẳng phải những nhà thiên văn và người thợ đóng xe sinh ra là để giúp việc cho người khác đó sao ?
[“Những truyện kể của VÊTALA” – Nguyễn Tấn Đắc dịch và giới thiệu – Truyện cổ dân gian Ấn Độ - xb.Khoa Học Xã Hội. Hà Nội – 1987- từ trang 66 – tr.70]
_________________________________________

"Nếu anh cặm cụi với chuyên môn của anh, để anh làm ra một loạt sản phẩm cho xã hội, thì anh mới chỉ là một người chuyên nghiệp trong một chuyên ngành nào đấy thôi, chứ không phải là trí thức - hiểu theo nghĩa là người hiểu biết và dẫn dắt xã hội -"
GS.Nguyễn Huệ Chi

VŨ NGỌC ANH



No comments:

Post a Comment